Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Trung Quốc đưa tàu tuần tra có sân bay ra Biển Đông

Thứ Năm, 27/12/2012, 16:19 (GMT+7) 

TTO - Ngày 27-12, lần đầu tiên Trung Quốc đã cử tàu Hải tuần 21 - tàu chuyên tuần tra biển có sân bay dành cho trực thăng, ra Biển Đông, theo Tân Hoa xã.
Hải tuần 21 - tàu chuyên tuần tra biển có sân bay - Ảnh: msa.gov.cn

Đây là lần đầu tiên loại chuyên hạm này được đưa vào hoạt động ở Biển Đông và sẽ do Cục An toàn hàng hải Hải Nam quản lý.          
Tàu Hải tuần 21, dài 93,2m và được đưa vào sử dụng từ năm 2002, có khả năng hoạt động tới 7.408km mà không cần tiếp liệu. Tốc độ tối đa của chuyên hạm này đạt 22 hải lý/giờ (40,74km/giờ). Sân bay dành cho trực thăng dài 21m, rộng 11m và được bố trí ở phần đuôi tàu.         
Theo ông Hoàng Hà (Huang He), Phó Cục trưởng Cục Hải vụ Bộ Giao thông Trung Quốc, nhiệm vụ của tàu Hải tuần 21 là giám sát an toàn giao thông đường biển, điều tra các sự vụ hàng hải, phát hiện ô nhiễm, tiến hành các hoạt động nghiên cứu, cứu hộ và thực thi các công ước quốc tế.
Người đứng đầu Cục An toàn hàng hải Hải Nam, Nguyễn Thụy Văn (Ruan Ruiwen) cho biết: "Trước đây, các cơ quan chấp pháp hàng hải tỉnh Hải Nam chỉ có thể bao quát các vùng ven biển và chưa bao giờ giám sát được các vùng biển xa. Sự kiện tàu Hải tuần 21 mới được đưa vào phiên chế đã chấm dứt lịch sử không có tàu chuyên tuần tra biển cỡ lớn ở vùng biển trên".
Trước đó, ngày 26-12, Philippines  đã lên án quyết định của Trung Quốc đầu tư vào các hòn đảo trên biển Đông là một hành vi vi phạm pháp luật quốc tế. “Philippines từ lâu đã phản đối cái gọi là thành phố Tam Sa”, báo Inquirer dẫn lời Bộ Ngoại giao Philippines nói sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ đầu tư vào quần đảo Hoàng Sa và các đảo khác.
“Hành động tăng cường đầu tư của Trung Quốc ở thành phố Tam Sa là một nỗ lực củng cố tuyên bố vô lý đường chín đoạn của nước này, vi phạm pháp luật quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển” - người phát ngôn Raul Hernandez nói.
Hernandez nói Philippines sẽ thúc đẩy các kế hoạch trên cả ba lĩnh vực chính trị, luật pháp và ngoại giao để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc về đảo đá ngầm Panatag (Scarborough) và bảy đảo khác ở biển Đông.
Trong một bản tin ngày 24-12, Hãng tin Bloomberg nói Trung Quốc đã thông qua kế hoạch đầu tư ít nhất 1,6 tỉ USD để xây một sân bay, một cầu cảng và các cơ sở hạ tầng khác trên những hòn đảo ở biển Đông. 
 HẢI MINH - TTXVN
nguồn:http://tuoitre.vn/The-gioi/527068/Trung-Quoc-dua-tau-tuan-tra-co-san-bay-ra-Bien-Dong.html
======================================================================
Tàu Hải Tuần thi hành lệnh 'bắt giữ'? 


Tàu Hải Tuần 21 cũng từng đóng vai trò 'đối ngoại' cho Trung Quốc

BBC - Trung Quốc vừa cho biết họ đã cử tàu Hải Tuần 21, thuộc loại chuyên đi đại dương và có bãi đáp cho trực thăng ra vùng Biển Đông mà họ gọi là Nam Hải.

Tin của Tân Hoa Xã từ Hải Khẩu 27/12/2012 cho hay tàu Hải Tuần, có tầm hoạt động tối đa mà không cần tiếp liệu bốn nghìn hải lý (7.408 km), thuộc sự quản lý của Cơ quan An toàn Hàng hải của tỉnh Hải Nam.

Quan chức Bộ Giao thông Trung Quốc được trích lời tàu sẽ "theo dõi an toàn lưu thông hàng hải, điều tra các sự cố trên biển, phát hiện ô nhiễm, thực hiện công tác tìm kiếm cứu hộ và thi hành các công ước quốc tế".

Nhưng điều này hiện đã gây ra lo ngại trên một số tờ báo tại Việt Nam vì chuyến tuần tra diễn ra ngay trước ngày mà Trung Quốc đặt ra lệnh cho tàu của họ bắt giữ tàu thuyền 'vi phạm chủ quyền' của họ ở Biể̉n Đông từ năm mới 2013.

Gây nghi ngại

Tàu Hải Tuần 21, hạ thủy năm 2002, cũng từng đóng vai trò 'đối ngoại' cho Trung Quốc với các nước láng giềng, kể cả các quốc gia mà sau này tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc lên cao.

Hồi tháng 5/2010, tàu này đã từ Thượng Hải sang thăm Nhật Bản "để cùng hợp tác với cơ quan an toàn hải hải của Nhật Bản", theo các bản tin quốc tế thời gian đó.

Các chuyến tuần tra Biển Đông của tàu Trung Quốc thường gây ra sự chú ý lớn của dư luận trong vùng.
"Việc tàu Hải tuần 21 được giao cho tỉnh Hải Nam đồng thời triển khai xuống Biển Đông gây nhiều nghi ngại"

Báo Thanh Niên

Báo chí Việt Nam cũng đã đăng tin về chuyến 'tuần tra' của tàu Hải Tuần 21 này.

Trang VnExpress cùng ngày còn viết, "tháng trước, Hải Nam ra một bản quy chế sửa đổi về an toàn hàng hải ven biển, trong đó có quy định cho phép các tàu tuần tra của tỉnh này quyền tiếp cận, trục xuất các tàu mà họ cho là vi phạm quy định".

"Văn bản này khiến nhiều nước có tranh chấp trên Biển Đông - như  Philippines và Việt Nam - phản đối. Nó cũng gây sự chú ý và lo ngại trong giới chuyên gia về luật biển và an ninh trong khu vực."

Còn trang web của báo Thanh Niên thì viết:

"Việc tàu Hải tuần 21 được giao cho tỉnh Hải Nam đồng thời triển khai xuống Biển Đông gây nhiều nghi ngại bởi nó diễn ra ngay trước thời điểm một quy định của tỉnh Hải Nam cho phép cảnh sát khám xét và bắt bớ tàu nước ngoài trong vùng biển mà tỉnh này tuyên bố là hải phận có hiệu lực từ ngày 1/1/2013".

Hôm thứ Ba 25/12 vừa qua, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng của Việt Nam có bài viết dài trên trang Quân Đội Nhân dân, nhắc về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông.

Tướng Vịnh viết "Việt Nam không muốn thấy những tuyên bố, những cách ứng xử không phù hợp của Trung Quốc sẽ làm phương hại đến lợi ích chiến lược, toàn cục của chính Trung Quốc".

Theo ông, các tuyên bố, ứng xử này "làm xấu đi hình ảnh tốt đẹp mà qua mấy chục năm mở cửa, nước bạn mới dày công vun đắp xây dựng nên".

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/12/121227_haituan_biendong.shtml
nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2012/12/tau-hai-tuan-thi-hanh-lenh-bat-giu.html#more
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001