Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Con đò sang sông của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng


TBT


Kami

-

Đêm qua, trong giấc ngủ chập chờn, câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về công tác Tuyên giáo ngày 9.1.2013 tại Hà Nội cứ ám ảnh tôi mãi. Ông Trọng khi nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên giáo trong việc thống nhất tư tưởng của toàn dân, có nói rằng “Mỗi người nghĩ một khác, mỗi người thích đi một hướng thì làm sao chở con đò sang sông được”. Tôi cứ thắc mắc tai sao một người mang tiếng chuyên về công tác lý luận của đảng CSVN, nay ở cương vị  Tổng Bí thư mà lại ăn nói hồ đồ và thiếu suy nghĩ như vậy?
Dùng hình tượng con đò chở khách qua sông ở đây, tôi đoán rằng chắc có lẽ ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn ví cả dân tộc và toàn thể nhân nhân Việt nam đang ngồi trên một con đò mà ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người chỉ huy tối cao. Bởi trong cuộc đời tôi chưa từng được và chưa tưởng tượng ra mình ngồi trên chuyến đò nào, mà tất cả những người ngồi trên con đò ấy mội người cầm trong tay một mái chèo. Để rồi, mỗi người nghĩ một khác, mỗi người thích đi một hướng như ông Tổng Bí thư nói. Nếu có, thì chỉ thấy ở các cuộc đua thuyền trong các lễ hội làng, mà trên các chiếc thuyền đua các vận động viên chèo thuyền họ mặc đồng phục, đầu thắt khăn đồng mầu và chèo thuyền theo hiệu lệnh của người chỉ huy cũng ăn vận như họ. Chỉ khác người chỉ huy họ đứng ở mũi thuyền dùng hai thanh tre để phát các tín hiệu để điều chỉnh tốc độ của thuyền đua, sao cho đưa con thuyền chạm đích đầu tiên. Như vậy nó là chuyện con thuyền chứ không phải chuyện của con đò. Như thế thì ông Tổng Bí thư đã có việc sử dụng hình ảnh so sánh không đúng. Vì trong tiếng Việt, con đò là danh từ  chỉ thuyền nhỏ chở khách trên sông nước theo những tuyến nhất định. Nhấn mạnh lại là trên một tuyến nhất định, thì sự ví von của ông Tổng Bí thư càng sai bét, điều này khó thể tha thứ cho một người có bằng cử nhân Văn chương như ông Nguyễn Phú Trọng. Bởi mỗi con đò hay một con thuyền chở khách, thì đã có hành trình cụ thể, điểm xuất phát, điểm đỗ trả khách và điểm đến cuối cùng đã quy định trước, ví dụ từ điểm A đến điểm B. Nếu là con đò ngang thì điểm xuất phát ở bờ sông này thì điểm đến sẽ phải là bờ sông bên kia, thì làm gì có chuyện mỗi người thích đi một hướng như ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói. Nếu có thì chỉ là con đò chở lũ hành khách là bệnh nhân bị điên hay mắc bệnh tâm thần. Nói như thế không hiểu ông Nguyễn Phú Trọng định nói điều gì, hay ông bảo dân tộc Việt nam, những người ngồi trên con đò ấy là một lũ tâm thần?
Chắc rằng khi ông Tổng Bí thư phát biểu câu này, thì phía dưới các đại biểu dự Hội nghị sẽ vẫn vỗ tay ầm ĩ theo nếp thường thấy. Mà họ không biết rằng, chỉ trong một câu nói với vỏn vẹn 20 từ mà ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói sai hết cả về nội dung, ý nghĩa lẫn cách so sánh. Điều đó cho thấy các cán bộ Tuyên giáo của đảng CSVN, kể cả ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi họ nói họ không hề nghĩ, họ nói cho có chuyện để nói, y như những con Vẹt. Phải chăng họ nghĩ rằng thính giả ai cũng như họ, cái này xin đề nghị các đồng chí cần phải rút kinh nghiệm. Qua đó cho thấy, chúng ta cũng đừng nên khắt khe quá với ông Đại tá tuyên huấn Trần Đăng Thanh. Nên hiểu đây là lỗ hổng rất lớn của các cán bộ ngành tuyên giáo của đảng CSVN hiện nay.
Như trên là ta mới bàn về một vế câu nói "Mỗi người nghĩ một khác, mỗi người thích đi một hướng thì làm sao chở con đò sang sông được" của ông Nguyễn Phú Trọng. Nếu đi vào phân tích một mặt khác của câu nói, thì còn có nhiều điều đáng phải bàn.
Trước hết sẽ thấy cách sử dụng hình ảnh con đò thay cho con tàu để ví với đất nước, dân tộc thì quả là đáng thất vọng cho ông Tổng Bí thư. Còn nhớ câu thơ "Tổ quốc ta như một con tàu. Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau" của cố thi sĩ Xuân Diệu, nếu so sánh ta sẽ thấy tư duy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hết sức nhỏ nhoi và manh mún, không xứng tầm với một người giữ trọng trách. Đất nước và dân tộc ta, sao ông lại nỡ so với con đò ngang chở một lũ tâm thần (mỗi đứa chèo một hướng) mà không dùng hình ảnh con tàu vượt sóng ra biển lớn? Có lẽ bởi so sánh như thế thì ông sẽ không nói lăng nhăng được, vì sợ thính giả họ biết. Tư duy của một người đứng đầu như thế thì thử hỏi đến bao giờ đất nước, dân tộc này mới khá lên được?
Nhìn dưới góc độ luật pháp thì thấy suy nghĩ của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn tệ hại hơn. Một nhà nước tồn tại và phát triển hay nói một cách khác là đích đến đã được quy định rõ trong Hiến pháp của quốc gia đó, chứ làm gì có chuyện mỗi người mỗi ý để "chèo" đến cái đích mà họ muốn. Hơn nữa những người chèo thuyền cũng được xem như những người lãnh đạo của đất nước, họ có trách nhiệm chèo lái con thuyền đất nước chứ đây không phải là việc của quần chúng nhân dân. Vậy tại sao ông lại muốn ngành tuyên giáo làm một việc đội đá vá trời, đó là đồng nhất tư tưởng của cả 90 triệu người? Ông không biết rằng tự do tư tưởng là một trong những quyền tự do chính trị của mỗi cá nhân, họ có quyền suy nghĩ và giữ ý kiến, quan điểm hay ý nghĩ của mình độc lập với quan điểm của những người khác. Từ chối quyền tự do tư tưởng hay ép buộc suy nghĩ, quan điểm của người dân là từ chối quyền tự do căn bản nhất của con người. Đây là quyền tự do quan trọng được nêu trong Hiến chương Nhân quyền của Liên hiệp quốc. Hay là ông muốn tự vạch áo cho người xem lưng, cho thiên hạ biết "tử huyệt" của  đảng CSVN là những tay chèo thuyền (lãnh đạo) họ đang tự diễn biến, mỗi người mỗi ý?
Việc mong muốn dùng bộ máy Tuyên giáo của đảng, hòng thống nhất tư tưởng cả 90 triệu người như một, để có thể đạt mục đích đưa được "con đò sang sông" là điều cho thấy suy nghĩ của người đứng đầu đảng CSVN là một ý nghĩ điên rồ và hoang tưởng. Không khác gì chuyện chàng hiệp sĩ Don Quixote tưởng tượng để rồi đánh nhau với cối xay gió. Đơn giản, chỉ cần ông Tổng Bí thư thống nhất tư tưởng, suy nghĩ, sở thích cá nhân... của những người thân trong gia đình nhỏ của ông xem có giống nhau không thôi? Nên nhớ đa nguyên là tính tất yếu và là quy luật của tự nhiên, suy nghĩ, tư tưởng, hay sở thích cá nhân... của mỗi người cũng vậy. Không thể đồng nhất hay nhất thể hóa, vì như vậy là phản quy luật và tất yếu sẽ thất bại. Mà cái đích đến của dân tộc Việt nam là "Một nước Việt nam hòa bình, độc lập, dân chủ và giàu mạnh" như mong muốn của ông Hồ Chí Minh hay khẩu hiệu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh" của các ông bây giờ xem ra cũng không khác gì đích đi đến của các quốc gia khác. Vây mà rất nhiều quốc gia, họ đã chạm và vượt cái đích ấy, mà xem ra họ có cần thống nhất tư tưởng của triệu người như một đâu thưa ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Các ông nên bỏ lối suy nghĩ thủ cựu mang bóng dáng của thứ Chủ nghĩa Marx - Lenine phản động và không phù hợp với quy luật tự nhiên đó đi. Hơn nữa mô hình của đảng CSVN đang áp dụng hiện nay ở Việt nam đã không hề tuân theo Chủ nghĩa Marx - Lenine, mà thực chất nó là một thứ nhà nước tư bản thời kỳ hoang dã, phi nhân tính. Điều đó được chứng minh bằng một phát biểu của ông Hồ Chí Minh và cũng là chủ nghĩa Marx-Lenin: “Không bóc lột người. Đảng chống chế độ “người bóc lột người”. Lẽ tự nhiên, ai bóc lột người thì không thể làm đảng viên Cộng sản” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, tr.237)”.
Dân tộc và đất nước Việt nam còn nhiều việc dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu đảng CSVN đảng chính trị duy nhất cần phải làm. Xin ông Tổng Bí thư tỉnh táo, đừng có chạy theo những cái việc vô nghĩa là thống nhất tư tưởng 90 triệu người như ông mong muốn. Làm việc gì được cho dân cho nước thì làm, không làm được thì tôi khuyên ông nên xin nghỉ, để người khác làm thay thưa ông Tổng Bí thư!
Ngày 14 tháng 1 năm 2013
© Kami
————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
nguồn:http://www.rfavietnam.com/node/1486
=====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001