Douglas Pike
*****
“Viet Cong Strategy of Terror”
Ngô Xuân Hùng chuyển ngữ
15-08-2002
Thương nhớ đến 7,600 đồng bào Huế đã bị cộng sản Việt Nam sát hại
Ở
Hòa Đàm Paris, Cộng Sản Việt Nam đã công bố việc thảm sát này không
phải do bàn tay của đảng Cộng Sản, mà chính là hành động của những cán
bộ ở Huế bất mãn với chế độ.
Tưởng cũng nên nhắc lại: vào ngày 26 tháng Tư năm 1968, Đài Giải
Phóng Hà Nội đã chê trách việc chính phủ VNCH cố tìm xác của các nạn
nhân, đài đã phát thanh rằng những người bị giết hại chỉ là “những tên
tay sai đã nhúng tay vào máu của nhân dân yêu nước ở Huế và họ đã bị
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa giết hại vào tháng Ba tháng Tư.”.
Những lời tuyên truyền này sau đó đã được thay thế bởi một lý do khác
là “thảm sát ở Huế chỉ là những vụ thanh toán tranh chấp giữa các đảng
phái ở Huế mà thôi.”
DẤU BINH LỬA NƯỚC NON CÒN ĐÓ
Huế là một thành phố thảm thương nhất trên thế giới, không phải chỉ vì một thảm
cảnh đã xảy ra ở đó vào tháng Hai năm 1968, cho dù sự giết hại đó có đi vượt sức
tưởng tượng của con người! Mà Huế còn là một chứng tích không thể chối cải được
cho tất cả chúng ta, người dân Việt với bốn ngàn năm văn hiến, qua bao năm đã
không để ý đến những thay đổi trong xã hội làm cho con người bị mê muội và đắm
chìm trong lỗi lầm mới của thế kỹ thứ hai mươi, quên mất đi đạo làm người.
Những thảm họa xảy ra ở Huế làm cho tất cả mọi người chúng ta phải bồi hồi suy
tư! Thảm nạn Huế phải được tạc vào bia đá, khắc vào tâm khảm, để đời sau sẽ
không quên, cùng chung với những dữ kiện lịch sử khác, của những cuộc tàn sát bạo
tàn giữa con người với nhau. Huế là một dẫn chứng điển hình cho sự mù quáng của
loài người khi họ đi theo chủ nghĩa vô sản vô thần của cộng sản.
Chuyện gì đã đến với Huế có thể được tóm tắt lại qua vài con số thống kê như
sau: Phía cộng sản gồm có 12,000 lính chính quy Bắc Việt (BV) bắt đầu tấn công
thành phố Huế đêm ba mươi Tết, nhằm ngày Ba Mươi Tháng Một dương lịch, 1968.
Đoàn cộng quân đã tấn công và chiếm giử Huế trong suốt 26 ngày, sau đó bị Quân
Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) và đồng minh đánh bật ra khỏi Huế. Sau một
tháng, 5,800 thường dân Huế bị giết hại hoặc mất tích.
Đây là những thống kê quan trọng để giải đáp những thắc mắc chúng ta có về Huế,
vì những dữ kiện này đã ghi vào lịch sử, cho dù báo chí trên thế giới chỉ ghi
nhận rất sơ sài các thống kê đó. Dù con số có lên cao đến bao nhiêu đi nữa, lương
tâm của nhân loại vẫn không bị ảnh hưởng gì cho lắm! Đã không có những cuộc biểu
tình trước các tòa Đại Sứ Việt Cộng ở các quốc gia khác. Nói một cách mỉa mai
hơn, thế giới bên ngoài đã không biết chuyện gì đã xảy ra ở Huế, hoặc nếu biết,
họ cũng chẳng bận tâm đến làm gì.
TRẬN CHIẾN
Trận tấn công thành phố Huế là một phần quan trọng trong chiến dịch tổng tấn
công Đông Xuân năm 1967-1968 của cộng sản Việt Nam. Chiến dịch được chia làm ba
giai đoạn chính như sau:
Giai đoạn 1 – Bắt đầu từ tháng 12 năm 1967 với những cuộc “tấn công chọn lọc”
nhắm vào các căn cứ và yếu điểm quan trọng của QLVNCH và đồng minh bằng những
sư đoàn chính quy Bắc Việt. Các trận đánh ở Lộc Ninh tỉnh Bình Long, Dak To ở
Kontum, và Cồn Tiên ở tỉnh Quảng Trị, cả ba trận xảy ra trong các vùng đầy núi
đồi Việt Nam gần biên giơi Cam Bốt và Lào, đều là những trận đánh then chốt thuộc
Giai đoạn 1 của chiến dịch Đông Xuân.
Giai đoạn 2 – Xảy ra trong tháng Giêng, tháng Hai, và tháng Ba năm 1968, nằm
trong “chiến thuật tổng tấn công”, với nhiều trận đánh dùng những đơn vị nhỏ
lưu động cùng tấn công một lúc tại nhiều nơi. Giai đoạn 2 bao gồm một diện tích
lớn và dùng chiến thuật du kích. Trong khi những cuộc tấn công trong giai đoạn
trước, VC dùng những sư đoàn chính quy BV. Trong giai đoạn này, đa số các cuộc
tấn công đều dùng những nhóm du kích địa phương của Mật Trận Giải Phóng Miền
Nam. Cao điểm của giai đoạn 2 xảy ra khi 70,000 Việt Cộng tấn công vào 32 thành
phố vào ngày Mồng Một Tết, năm 1968.
Giai đoạn 3 – Diễn ra trong tháng Tư, tháng Năm, và tháng Sáu năm 1968, với
toàn bộ lực lượng gồm các sư đoàn chính quy BV và các lực lượng du kích MTGPMN,
tập trung vào một trận đánh lớn. Những tài liệu tịch thu được từ mặt trận đã có
nói về chiến thuật “đợt sóng thứ Hai” này. Có thể là Khe Sanh, một căn cứ của
Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ nằm gần Vĩ Tuyến 17 (để yễm trợ và cũng là căn cứ xuất
quân của các toán Biệt Kích Nha Kỹ Thuật). Hoặc có thể là Cố Đô Huế. “Đợt sóng
thứ Hai” đã không xảy ra vì các chiến dịch trước đó (Giai đoạn 1 và Giai đoạn 2)
đã không đạt được kết quả mong muốn. Tuy nhiên, từ khi thành phố Huế bị chiếm,
và sau cuộc đánh để giải tỏa căn cứ Khe Sanh mùa Hè 1968, cuộc chiến đã đi đến
điểm cao độ kể từ đó.
Về phía đồng minh Hoa Kỳ, trong ba tháng này, trung bình khoảng 500 binh sĩ tử
thương hàng tuần, QLVNCH (ARVN) hơn gấp đôi con số này - gần 1,000 nhân mạng.
Và bên Việt Cộng, con số tử thương lên đến tám lần của phía Hoa Kỳ - trên 4,000
“sinh Bắc tử Nam”! Trong chiến dịch Đông Xuân, Việt Cộng bắt đầu với khoảng
195,000 quân chính quy và du kích, sau 9 tháng tổng tấn công, cộng sản Bắc Việt
đã mất đi 85,000 quân, tử thương hoặc bị tàn phế.
Chiến dịch Đông Xuân được hoạch định và mở ra nhằm mục đích bẻ gãy sức mạnh của
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và để đẩy lùi các bộ phận của chính phủ VNCH, gồm
các cơ quan hành chính, và đồng minh phải rút vào thành phố để phòng thủ. Đúng
ra, cuộc tấn công thành phố Huế thuộc vào Giai đoạn 1 của chiến dịch Đông Xuân
hơn là Giai đoạn 2 vì Việt Cộng xữ dụng các sư đoàn Bắc Việt, sư đoàn 5 324-B cộng
vơi các trung đoàn chính quy và thành phần du kích với khoảng 150 cán bộ cộng sản
nằm vùng.
Tóm lượt lại, trận đánh ở Huế gồm có ba giai đoạn chính:
HUẾ: GIAI ĐOẠN MỘT
Phần tấn công khởi đầu của sư đoàn chính quy BV với Trung Đoàn 800 và Trung
Đoàn 802, đủ hỏa và nhân lực để tràn ngập vào thành phố Huế. Đến sáng ngày hôm
sau, Việt Cộng đã chiếm được đa số các cơ sở trong thành phố Huế, ngoại trừ Bộ
Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh QLVNCH và các căn cứ của đồng minh. Quân Lực Việt Nam
Cộng Hòa và Hoa Kỳ tiếp viện thêm quân để yễm trợ cho hai tuyến phòng thủ quan
trọng trong thành phố Huế. Việt cộng gia tăng thêm Trung Đoàn 804 để cắt đứt đường
yễm trợ này. Tuy nhiên QLVNCH tấn công quá mạnh nên đã chọc thủng vòng đai bao
vây của VC và sau đó, hai căn cứ quân sự của QLVNCH và Hoa Kỳ đó không còn bị
đe dọa trầm trọng nữa.
Kể từ đó, chiến trường trở thành cuộc bao vây và phòng thủ giữa hai phía. Việt
Cộng tấn chiếm và cố thủ ở phía Tây Thành Nội Huế. QLVNCH và Đồng Minh tái chiếm
và phòng thủ ba hướng còn lại của Thành Nội và các làng dọc theo sông Hương, với
quyết tâm đánh đuổi VC ra khỏi Thành Nội bằng pháo binh và dùng máy bay dội
bom. Nhưng Thành Nội được xây rất kiên cố, và trong những ngày kế tiếp, QLVNCH
thấy rõ là VC đã nhận chỉ thị phải tử thủ ở Thành Nội, bất cứ với giá nào cũng
không được triệt thoái. QLVNCH chỉ còn một cách duy nhất là lấy lại thành phố bằng
từng con đường, từng khu phố, một cách chiến đấu rất khó khăn, gian khổ và hao
tổn nhân mạng.
Qua tuần thứ Ba của tháng Hai, vòng đai bao vây Thành Nội đã được củng cố, và
Thủy Quân Lục Chiến QLVNCH cùng Đồng Minh bắt đầu xiết chặc lại và khởi sự tái
chiếm từng thước đất trong Thành Nội. Sáng ngày 24 tháng Hai, Sư Đoàn 1 Bộ Binh
QLVNCH giật lá cờ VC đã treo 24 ngày xuống và cờ VNCH một lần nữa ngạo nghễ
tung bay trên thành phố Huế. Trận tái chiếm Cổ Thành tuy đã thành công, nhưng rải
rác trong thành phố vẫn còn những cuộc đụng độ nhỏ giữa VC trên đường rút lui với
QLVNCH truy đuổi.
KẺ HÀNH HƯƠNG QUA ÐẤY CHẠNH THƯƠNG
TÌM THÂY
Giữa những hỗn loạn còn nghi ngút khói sau cuộc chiến, việc cấp cứu đầu tiên
cho đồng bào Huế là cứu đói, ngăn ngừa bệnh dịch, và trị liệu cấp thời cho các
nạn nhân. Tiếp đó là xây dựng lại những nhà thương, trường học, nhà cửa bị hư hại
vì súng và bom đạn. Sau đó mới đến việc kiểm điểm những người bị mất tích hoặc
đã thiệt mạng. Sau một tháng, vẫn chưa có một thống kê nào chính thức. Tuy
nhiên, Tòa Tỉnh Trưởng Tỉnh Thừa Thiên kiểm kê được gần 1,900 người đang được
điều trị trong các nhà thương và ước lượng khoảng 5,800 người vẫn còn bị mất
tích.
Nhóm mộ thứ nhất: những nạn nhân của cộng sản được tìm thấy ở trong sân trường ở
Gia Hội, ngày 26 tháng Hai. Tổng số xác chết của nạn nhân bị chôn ở trường học
Gia Hội tìm thấy lên đến 170 người.
Trong những tháng kế tiếp, lần lượt từng mồ chôn được khám phá thêm, gồm có 18
ngôi mộ tập thể, nơi chôn nhiều nhất là chùa Quảng Tự (67 nạn nhân), Bải Dâu
(77), Chợ Thông (ước lượng khoảng 100), Thiên Hàm (khoảng 200), và Đông Gia
(khoảng 100). Tổng cộng trên 1,200 xác được tìm thấy từ những ngôi mồ tập thể
chôn gấp rút, đã không dấu kỹ.
Hơn một nửa trong số những nạn nhân vẫn còn để lai những dấu hiệu của cái chết
thảm khốc: hai tay trói chặc sau lưng, khăn nhét đầy vào cuống họng, nằm cong
queo với không thương tích trên người. Đó là dấu hiệu họ đã bị chôn sống. 600 nạn
nhân còn lại có những vết thương, nhưng nhà giảo nghiệm không thể nói được là họ
đã bị xử bắn hay bị chết vì lạc đạn.
Những ngôi mộ tập thể thuộc nhóm thứ nhì được tìm thấy trong bảy tháng đầu tiên
của năm 1969 ở quận Phú Thứ (Gò Cát – Sand Dune), Lệ Xá Tây, quận Hương Thủy –
huyện Xuân Hòa, Vân Đường vào cuối tháng Ba và tháng Tư. Nhiều ngôi mộ khác
cũng đã được tìm thấy tại làng Vĩnh Lộc trong tháng Năm và ở quận Nam Hòa trong
tháng bảy. Những ngôi mộ lớn nhất tìm thấy trong đợt hai nằm ở Gò Cát tại ba địa
điểm Vĩnh Lưu, Lê Xã Đông và Xuân Lộ, nằm giấu trong những gò cát nhấp nhô với
cỏ mọc cao gần bãi biển. Ngăn chia bởi những cồn muối, xa với làng xóm, những
gò cát này là địa điểm lý tưởng để chôn dấu. Trên 800 xác đã được tìm thấy ở
đây.
(ghi chú thêm của Ngô Xuân Hùng: trong số những nạn nhân này có hai vị Linh Mục
– Cha Bửu Đồng và Cha Michael Bang, cùng với hai Sư Huynh Dòng Lasan).
Ở Gò Cát, tất cả các nạn nhân đều bị trói gô lại thành từng nhóm khoảng 10 đến
20 người, xếp hàng đứng trước các rãnh mới được đào bởi chính các nạn nhân, và
bị xử bắn bằng súng đại liên. Một trong những di vật quý của dân làng gò cát
Phú Thứ là vỏ đạn đại liên của Nga Sô tìm thấy được trong những ngôi mộ này.
Thường thì những nạn nhân ở đây bị chôn chung một mộ, chôn đến ba hay bốn lớp,
nên nhận diện các nạn nhân rất khó khăn.
Nhóm mộ thứ ba tìm thấy ở suối Đá Mài (Da Mai Creek find), cũng được gọi là Phủ
Cam tử lộ, tìm ra ngày 19 tháng 9, năm 1969. Ba VC hồi chánh viên đã báo cho
toán quân báo của Tiểu Đoàn 101 Nhảy Dù rằng, họ đã chứng kiến cuộc thảm sát của
vài trăm nạn nhân tại Đá Mài vào tháng Hai năm 1968, cách Huế khoảng mười dặm.
Vùng suối Đá Mài rất hoang dã, không người ở, và gần như không có lối ra vào bằng
đường bộ.
Sau khi gom lại những bằng chứng, các giảm nghiệm viên đã phân tách diễn biến xảy
ra tại Đá Mài như sau:
Ngày Mồng Năm Tết ở làng Phủ Cam, nơi gần ba phần tư của 40 ngàn người Công
Giáo Huế cư ngụ, một số rất đông ngươi đã tránh nạn trong Thánh Đường Phủ Cam,
một cách tránh nạn rất thông thường ở Việt Nam. Trong số này, cũng có một số
người không phải là Công Giáo. Một cán bộ chính trị cộng sản đến nhà thờ và đã
ra lệnh cho 400 người, bằng cách gọi tên hoặc nhận diện qua cách ăn mặc (giàu
có hoặc nhìn như thương gia). Tên cán bộ nói họ sẽ được đi đến “vùng giải
phóng” trong ba ngày mà thôi để được cải tạo, sau đó họ sẽ được thả về.
Những người này đi bộ chín cây số về hướng Nam đến một ngôi chùa nơi cộng sản
đã dựng sẵn một bộ chỉ huy hành quân. Hai mươi người bị kêu ra khỏi nhóm, đứng
sắp hàng một, lần lượt bị truy tố vì những tội đã hợp tác với chính phủ VNCH,
sau đó bị bắn rồi bị chôn trong sân chùa. Những người còn lại bị buộc phải lội
băng qua phía bên kia sông, và được giao lại cho một đại đội du kích, với biên bản
và danh sách của những người bị bắt. Có thể là tên cán bộ chính trị có ý là những
người bị bắt này sẽ “được” cải tạo rồi sẽ thả cho họ về, nhưng sau khi bàn
giao, số phần của những nạn nhân này đã ra khỏi tầm tay của tên cán bộ chính trị.
Những ngày kế tiếp, bao nhiêu ngày không ai biết, những người bị bắt và người
quản thúc họ đi lang thang lẩn trốn cuộc truy lùng của QLVNCH qua những làng nhỏ.
Cuối cùng, cán bộ du kích cao cấp quyết định thủ tiêu nhân chứng: Họ bị dắt đi
sáu cây số qua những đường núi khó đi và hẻo lánh nhất, đến suối Đá Mài. Tất cả
đều bị bắn hoặc bị đập vỡ sọ, xác họ để nằm phơi trên suối nước. Tiểu Đoàn 101
Nhảy Dù QLVNCH ghi nhận rằng nơi hành quyết không thể vào được bằng xe vì đường
đi không có hoặc không thể đi lọt được, chỉ vào được bằng đường bộ. Cây cối nơi
này mọc rất cao, lá dầy và mọc theo lối “hai tầng”, tầng một gồm những bụi tre
và cây thấp gần đất, tầng hai gồm những cây cổ thụ mọc rất cao, những nhánh lớn
xoè ra như lọng dù che khuất đi những gì ở dưới. Bên dưới hai tầng lá này, ánh
sánh mặt trời không chiếu sáng được. Công binh QLVNCH đã bỏ hai ngày để dùng
mìn phá ngã các cây cổ thụ và tạo ra một khoảng trống lớn đủ cho máy bay trực
thăng đáp xuống để đem các di hài nạn nhân về Huế. Suối Đá Mài thật đúng là nơi
để hạ sát mà không cần phải chôn giấu xác nạn nhân.
Ở suối Đá Mài, cách bờ khoảng một trăm thước, người ta tìm thấy hàng trăm chiếc
sọ người, hàng trăm mẫu xương vụn nằm chung lại một chỗ. Những xác này đã không
được chôn, nằm lộ liễu (theo truyền thuyết VN, người chết nếu không được chôn,
hồn họ phải lang thang mãi và sẽ không được đầu thai qua kiếp khác). Và sau hai
mươi tháng, dòng suối đã rửa sạch trắng những bộ xương này.
Nhà chức trách VNCH sau đó đã phổ biến danh sách nạn nhân bị cộng sản giết tại
suối Đá Mài, 428 người đã được xác nhận. Việt cộng đã dùng lý do tiêu diệt các
phần tử phản cách mạng. 428 nạn nhân được phân ra như sau: 25 phần trăm là quân
đội VCNH – hai sĩ quan, một số hạ sĩ quan và binh sĩ, 25 phần trăm là học sinh
và sinh viên, 50 phần trăm là công chức và viên chức quận hạt và thường dân.
Nhóm mồ tập thể thứ tư – Phú Thứ gần biển muối, tìm ra vào tháng mười một năm
1969, gần làng đánh cá Lương Viện, mười lăm cây số về phía Đông của thành phố
Huế, một nơi cũng hoang dã như suối Đá Mài. Quân đội VNCH trong tháng đó đã có
chiến dịch truy lùng những cán bộ cộng sản nằm vùng. Làng Lương Viện, dân số
700, sống gần với quân đội VNCH gần hai mươi tháng trời, đã có đủ can đảm để
nói lên sự thật mà họ đã giữ kín trước đó, rồi sau đó, đã dẫn QLVNCH đến những
ngôi mộ chôn tập thể. Dựa trên những lơi tường thuật của dân làng Lương Viện,
nhà chức trách đã ước lượng số nạn nhân tại Phú Thứ từ 300 cho đến khoảng 1,000
người.
Tuy nhiên, việc kiểm kê tổng số nạn nhân vẫn chưa được đầy đủ. Nếu tổng kê của chức
trách địa phương Huế gần đúng, trên 2,000 người vẫn còn mất tích.
Sau cuộc chiến, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ước lượng tổng số nạn nhân ở Huế
vào khoảng 7,600, như sau:
Bị thương và tàn tật vì bom đạn:
|
1,900
|
Thường dân bị chết vì bom đạn:
|
844
|
Nhóm mồ tập thể thứ nhất ngay sau cuộc chiến:
|
1,173
|
Nhóm mồ tập thể thứ nhì, luôn cả Gò Cát, tháng 3-7, năm
1969:
|
809
|
Nhóm mồ tập thể thứ ba, suối Đá Mài (quận Nam Hòa, tháng
9, 1969:
|
428
|
Nhóm mồ tập thể thứ tư, biễn muối ở Phú Thứ, tháng 11,
1969:
|
300
|
Ước lượng những mồ tìm rải rác chung quanh thành phố Huế:
|
200
|
Số người vẫn còn mất tích:
|
1,946
|
Tổng số nạn nhân của cộng sản ở Huế:
|
7,600
|
Chú thích của tác giả - tài liệu trên đây lấy từ:
[1] SEATO: South East Asia Organization.
[2] PAVN: People's Army of Vietnam, soldiers of North Vietnam Army serving in
the South, number currently 105,000.
[3] PLAF: People's Liberation Armed Force, Formerly called the National
Liberation Front Army.
CỘNG SẢN CHẠY TỘI
Những cuộc thảm sát ở Huế đã vượt quá những việc tàn ác CSVN đã ra tay trước đó
ở miền Nam Việt Nam. Điều khác biệt là ở số nạn nhân lần này, chứ không phải ở
mức độ tàn ác của việc họ làm. Đặc điểm của những vụ tàn sát ở Huế, sau khi
chúng ta nghiên cứu những tài liệu tìm thấy, cho ta nhìn rõ được mức độ tàn ác
của CSVN tại Huế, đã vượt xa những việc tàn ác ở những nơi khác trên miền Nam
Việt Nam, cho dù có thường xuyên hoặc tàn bạo đến mức nào đi nữa.
Vụ thảm sát ở Huế không phải là một việc làm để nâng cao tinh thần tranh đấu –
cách đánh cấp tốc vào thẳng yếu điểm của phía bên kia để chứng minh sức mạnh của
phe mình, mà lại khác hơn ở chổ xuống tay sát hại dân lành trong vùng do du
kích của CSVN kiểm soát.
Không phải một chiến dịch đe dọa để quảng bá lý thuyết
cộng sản. Không nhắm vào mục đích lay chuyển lý tưởng của phe đối nghịch, vì đa
số những nạn nhân đều bị giết một cách âm thầm. Và cũng không phải để thủ tiêu
những phần tử đối nghịch theo danh sách đã được soạn trước. Huế đã là ngoại lệ
so với những chiến dịch của cộng sản nhằm lay chuyển hoặc đánh dò đường phản ứng
của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa. Nếu nghiên cứu cẩn thận hơn, đây đó cũng có
vài lý do, dữ kiện để giải thích một góc cạnh nào đó, nhưng tất cả vẫn không đủ
để giải thích được những hình thức giết hại và sự lan rộng của những cuộc thảm
sát ở Huế.
Điều mà tác giả muốn nói ở đây là một giả thuyết, để giải thích những vấn đề
liên quan đến những vụ thảm sát ở Huế, dưới hình thức sát nhân rất đơn giản và
không có sự chọn lựa.
Trước khi vào vấn đề, chúng ta nên để ý đến “ba sự thật”
quan trọng. Có hai điều chính yếu mà khách du lịch nào đến Huế để tìm sự thật về
thảm sát Tết Mậu Thân cũng đều tự hỏi: cái gì đã xảy ra? Và quan trọng hơn nữa
là tại sao nó đã xảy ra? Cả hai câu hỏi này rất khó nhận thấy qua sự suy đoán
đơn giản và thường đi ngược lại những lý luận của con người. Sau khi đã nói
chuyện, thẩm vấn một số đông những cựu tỉnh trưởng, quận trưởng, cảnh sát địa
phương lúc bấy giờ, cũng như những người đồng minh Hoa Kỳ có tham dự trận đánh
tái chiếm Cổ Thành Nội, những nhân chứng, tù nhân đã được thả, những người cộng
sản đã hồi chánh, và một số ít người quá may mắn, tuy đã bị bắt nhưng đã thoát
chết, “ba sự thật” quan trọng này vẫn trổi lên trên hết:
SỰ THẬT THỨ NHẤT: Và có thể sự thật quan trọng nhất, là tuy không thấy rõ
bên ngoài, nhưng hầu như tất cả những vụ hành quyết đều xảy ra không phải vì lý
do nóng nảy, bực tức, hay khủng hoảng khi cộng sản phải cuối cùng rút lui ra khỏi
Huế. Nhiều lần, những lý do vừa đề cập đến đã được nêu lên, nhưng những lý do nầy
quá yếu đi, không đủ để biện minh cho sự việc. Trái lại, nếu chúng ta xét lại từ
đầu những vụ hành quyết đầu tiên khi Việt Cộng vừa chiếm được thành phố Huế,
mình sẽ thấy rằng: gần như tất cả những vụ hành quyết này đều là kết quả của một
quyết định và sự toan tính của đảng cộng sản Việt Nam. Nói đúng hơn nữa là những
vụ hành quyết này rất cần thiết cho đảng cộng sản Việt Nam.
SỰ THẬT THỨ NHÌ: Sau khi kiểm chứng với những dữ kiện đầy đủ, hầu như tất
cả các vụ hành quyết đều do bàn tay của những đảng viên cộng sản nằm vùng,
không phải ở quân chính quy Bắc Việt hoặc QLVNCH. Trên 12,000 binh sĩ QLVNCH đã
chiến đấu để tái chiếm thành phố Huế, và có thể đã gây thiệt mạng một số thường
dân vì lạc đạn. Đa số 150 tên cán bộ chính trị nằm vùng hoạt động ở tỉnh Thừa
Thiên, những người này chính là thủ phạm đã ra lệnh thủ tiêu các nạn nhân ở Huế.
Cho dù họ đã làm theo chỉ thị của bộ chỉ huy (và ban lãnh đạo trung ương CSVN),
và nếu như thế thì những chỉ thị đó đã có lệnh như thế nào? Cho đến nay vẫn
không ai biết rõ chi tiết.
SỰ THẬT THỨ BA: Ngoài việc hành quyết những “cường hào ác bá”, cộng sản đã
giết hại những nạn nhân còn lại một cách bí mật và đã không thèm dấu diếm tội
ác của họ. Người ta bây giờ thường nghĩ đến Huế như một pháp trường để hành quyết
tội nhân, với những mồ chôn tập thể lớn. Nhưng trong những ngày đầu tiên Huế bị
chiếm đóng, chỉ có một số ít hành quyết được bộ đội và cộng sản nằm vùng loan
báo để đồng bào đến xem. Những mồ chôn trong thành phố Huế tương đối dễ tìm thấy,
vì để chôn người nơi đông đảo rất khó dấu được những soi bói tò mò của người
xung quanh. Tất cả những mộ tập thể còn lại đều được dấu kỹ, đa số ở vùng rừng
núi hoang dã, không người qua lại, chắc đây là lý do chính khiến cho những nơi
này đã được chọn lựa.
Một thân xác chôn vùi trong đồi cát rất khó tìm, cũng như đi tìm một vỏ sò chôn
sâu trong cát trên bờ biển với sóng biển xoá đi những dấu tích trên chỗ chôn.
Suối Đá Mài là một trong những nơi hẻo lánh nhất của Huế, và chắc hẳn đã làm
cho cộng sản rất tốn công khi đưa các nạn nhân đến đó để giết. Khi đến những
nơi này, người quan sát sẽ nhận thấy rất rõ chủ ý của Việt cộng đã có nỗ lực
che đậy tội ác của họ.
Giả thuyết mà tôi (tác giả DOUGLAS PIKE) nêu lên ở đây
là dự định của cộng sản VN khi đang chiếm giữ thành phố Huế, và những vụ hành
quyết họ đã thi hành. Từ những chứng tích để lại, chúng ta có thể thấy được rằng,
họ đã không nghĩ đến tương lai của họ ở thành phố Huế, mà chỉ thi hành những mệnh
lệnh của cấp trên theo nhu cầu cần thiết, và với tình hình thay đổi lúc bấy giờ.
Một điều quan trọng khác nữa là đã không có một dấu hiệu nào để lại, đủ để chứng
minh rằng, một lệnh hành quyết chính thức được phát ra từ Việt cộng; Thay vào
đó, những quyết định giết để bịt miệng nhân chứng thường xảy ra theo diễn tiến
của cuộc chiến. Sự liên hệ giữa hai điều vừa nêu ra rất rõ và được chia ra vào
ba phần.
Giả thuyết ở đây là Việt cộng đã phải thay đổi chiến thuật trong suốt
26 ngày tấn chiếm Huế, và cũng từ đó mà “lệnh hành quyết” cũng thay đổi để
thích ứng với nhu cầu và chiến lược. Kết luận này tôi đã có sau khi sưu tầm những
tài liệu của đảng cộng sản Việt Nam, phỏng vấn người tù số 1 và hồi chánh, tường
thuật của những nhân chứng còn sống sót, những tài liệu tịch thu được bởi
QLVNCH trên chiến trường, và những đường lối nội bộ của đảng cộng sản Việt Nam
lúc bấy giờ.
Chiến lược của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (Communist Party of South Vietnam -
PRP) cho Phần 1 chiến dịch Đông Xuân đã được nói ra rất rõ trong quân lệnh phát
hành trong đêm ba mươi trước ngày tổng tấn công: “…phải nhất quyết phối hợp các
thành phần VC trong thành phố sau khi chiếm được thành phố. Cấp tố trang bị vũ
khí cho các cán bộ chính trị cũng như dân sự, thành lập ủy ban quản trị từ tỉnh
xuống đến quận hạt, phường khóm, thành lập các toán dân sự chiến đấu và các cơ
cấu để yểm trợ quân đội khi chiến đấu, dùng dân để thành lập tuyến phòng không,
và nâng cao tinh thần đấu tranh của mọi giới cấp để phòng thủ khi ngụy quân phản
công...”
Đây là những dự tính và đã xảy ra như vậy lúc ban đầu. Tuy nhiên, những ngày
sau đó, những biến chuyển tình thế đã được thuật lại với chi tiết khác nhau.
Đài Hà Nội, ngày mồng bốn tháng Hai đã nói: “Sau một giờ tấn công, Quân Đội
Nhân Dân đã chiếm được biệt thự của Tỉnh Trưởng Thừa Thiên, nhà tù và tất cả
các văn phòng cơ cấu của chánh phủ ngụy … Quân Đội Nhân Dân đã trừng trị đích
đáng những tên tay sai ác độc của quân ngụy và kiểm soát chặt chẽ các đường phố,
bắt giữ những tên phản động, phản cách mạng, và đánh xập đổ chánh phủ ngụy hà
hiếp nhân dân …”
Trong thời gian ngắn ngủi chiếm đóng thành phố Huế, những cán bộ chính trị cộng
sản, tháp tùng bởi các toán hành quyết, đi bắt và giết sạch các yếu nhân của tỉnh
Thừa Thiên để chánh phủ VNCH sẽ bị yếu đi sau khi Việt Cộng rút lui ra khỏi
thành phố. Đây là giai đoạn “hành quyết theo sổ đen”. Tòa án nhân dân được dựng
lên, buộc tội, và hành quyết một cách chớp nhoáng. Những tên cán bộ xuất hiện,
tay cầm danh sách và địa chỉ của các nạn nhân, ra tay thủ tiêu các thành phần
mà chúng gọi là “phản cách mạng”.
Những phiên tòa này thường được diễn ra ở những nơi công cộng, hoặc trong vườn
rộng dùng làm bộ chỉ huy dã chiến của việt cộng. Phiên xử thường chỉ cần 10
phút để VC tuyên truyền, đọc cáo trạng, và buộc tội. Không có một bị can nào được
trắng án. Hình phạt luôn luôn là “tử hình”, và thường các bị can đã bị xử bắn
ngay tại chỗ. Xác của họ được chôn gấp rút, hay trả lại cho gia đình nếu xin.
Những người bị bắt xữ theo lối này, nhiếu nhất là các công an, cảnh sát của
thành phố, nhất là các ban an ninh, mật vụ, quân nhân và binh sĩ, và những người
không phải là cảnh sát hay quân đội, nhưng là những vị lãnh đạo của các đảng
phái, cộng đồng, giáo sư và các tôn giáo.
Ngoài sự tấn công ác độc nhắm vào thành phần “trí thức” ở Huế, Phần 1 của chiến
dịch Đông Xuân đi theo đúng phương thức hoạt động của đảng cộng sản Việt Nam. Hủy
diệt thành phần trí thức đã liên tục xảy ra trong các làng xã trong suốt 10 năm
trước đó. Sổ đen và địa điểm hoạt động đã được chọn lựa kỹ càng trước, Việt cộng
chỉ chờ cơ hội để thi hành những dự tính này mà thôi.
Tuy nhiên, không phải mọi người trong “sổ đen” ở Huế đã bị sát hại. Rất nhiếu
người trong sổ đen đã chạy trốn vào vùng thôn dã và đã thoát chết. Suốt cuộc
chiến 24 ngày liền, trong những ngày đầu, cán bộ cộng sản rất bận rộn truy lùng
tìm bắt tất cả mọi người trong sổ đen, nhưng sau đó, họ đã chuyển mọi nỗ lực
vào các công tác mới khi đã không bắt được hết tất cả.
HUẾ: GIAI ĐOẠN HAI
Trong những ngày đầu, cuộc tấn công Tết Mậu Thân ở Huế đã thành công khá dễ
dàng (nhưng ở miền Nam thì lại khác, Ủy Ban Đảng Cộng Sản Trung Ương đã nhận những
bản báo cáo về kết quả không được mỹ mãn cho lắm từ vùng đồng bằng sông Cửu
Long) nên trong say mê chiến thắng, Việt Cộng tưởng họ có thể giữ được thành phố
Huế lâu dài. Có thể, các đảng viên cao cấp đã không dám nghĩ đến quyết định tử
thủ dài hạn ở Huế, nhưng đối với cấp cán bộ tại làng xã thì họ đã vững tin như
thế. Một thông tin mật của cộng sản bị VNCH bắt nghe được trong ngày Mồng Hai
tháng Hai, kêu gọi các cán bộ ở mọi hạ tầng cơ sở phải quyết tâm tử thủ Huế, đã
tuyên bố như sau:
“Một giai đoạn mới trong lịch sử, một cuộc cách mạng đã bắt đầu
(vì chiến thắng ở Huế) và chúng ta chỉ cần đánh nhanh đánh mạnh (ở Huế) để kết
thúc cuộc giải phóng trong thắng lợi vinh quang.”
Tờ báo chính thức của đảng cộng sản, Nhân Dân, cũng đã tuyên bố như thế:
“Như một
tia sét, đảng và nhân dân đã tổng tấn công đế quốc Mỹ và các tay sai đế quốc Mỹ
… Guồng máy Ngụy đã bị tiêu hủy. Những bộ phận cơ cấu của Mỹ-Ngụy đã bị cách mạng
đánh tan rã. Chính phủ Thiệu-Kỳ sẽ hoàn toàn sụp đổ. Quân tay sai đế quốc Mỹ đã
trở thành yếu hèn và sẽ không thể tránh khỏi bị tiêu diệt bởi các chiến sĩ cách
mạng.”
Đương nhiên, những tin tức này luôn luôn để tuyên truyền và mê hoặc quần chúng,
thường các tin tức loan tải bởi cơ quan truyền thông của đảng cộng sản là như
thế. Muốn biết được những điều này là sự thật hay chỉ là ước nguyện của đảng cộng
sản thì thật rất khó phân biệt. Nhưng từ những cuộc phỏng vấn các tù binh và hồi
chánh viên, cũng như bắt được làn sóng để nghe lén những mật tin của cộng sản,
các cán bộ cao cấp cũng như lính cộng sản đều đã tin rằng, họ sẽ chiếm giử
thành phố Huế mãi mãi, và họ đã cố gắng làm như vậy.
Giữa những việc họ làm là tiếp tục thanh trừng những phần tử phản động còn lại
và bắt đầu xây dựng lại hạ tầng cơ sở mới cho đảng và do đảng. Chỉ thị mới được
ban hành, từ ủy ban chính trị trong thành phố, cho các cán bộ Việt cộng đi truy
lùng và bắt những phần tử “chống cách mạng”, có nghĩa là, bất cứ những cá nhân
hoặc tổ chức nào có khả năng và nhân lực để đi ngược lại đường lối của đảng
trong tương lai. Chỉ thị này rất mơ hồ, và đã không dựa lên phương pháp “sổ
đen” nữa, mà ủy thác toàn quyền quyết định đến người thi hành chỉ thị. Lần này,
mục tiêu không còn là vài nhóm người nữa, mà là “tổ chức hoặc giai cấp trong xã
hội.”
Như đã thấy trước đây ở ngoài Bắc Việt hoặc ở Trung Cộng, đảng cộng sản lúc nào
cũng san bằng những giai cấp trong xã hội, tiêu diệt những người trí thức, lãnh
tụ các đảng phái chính trị, các vị lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo (các cao
tăng Phật Giáo, các Linh Mục Công Giáo), các đảng phái, các tổ chức xã hội (đàn
bà, tuổi trẻ, hướng đạo), ngay cả những sinh viên thân cộng trước đây nhưng vì
gia đình khá giả thuộc loại tư bản.
Cũng như thế, đôi khi cả gia đình đều bị sát hại dưới bàn tay cộng sản. Trong một
trường hợp khá nổi tiếng do nhiều nhân chứng thuật lại như sau:
Một toán cán bộ ám sát đã xông vào một căn nhà của một người có địa vị trong
thành phố Huế, bắn ông ta, vợ ông ta, con trai và con dâu, con gái còn nhỏ, hai
người đầy tớ và đứa bé con của họ! Ngay cả con mèo cũng bị bóp cổ cho chết, con
chó thì bị đập vỡ sọ, những con cá vàng trong chậu cũng bị đổ ra sàn nhà dãy dụa
chết. Sau khi những tên cán bộ bỏ đi, trong nhà không còn một ai sống sót. Một
“cơ cấu xấu của xã hội” đã bị tiêu diệt!!!
Giai đoạn 2 cũng gồm có những hoạt động nhắm vào những giai cấp trí thức, giai
cấp mà có lẽ có rất nhiều ở Huế hơn những vùng khác ở Việt Nam. Những học giả
còn sống sót ở Huế đã giải thích việc này như một mối thù truyền kiếp của cộng
sản đối với giới trí thức của Huế, mà đại đa số là những người tuyệt đối chống
cộng, đã không màng đến CSVN.
Những học giả ở Huế xem thường chủ nghĩa cộng sản
như một ý thức “đến sau”, sau những chủ thuyết khác, và đã xem nhẹ vấn đề cộng
sản. Cố Đô Huế, một thủ đô cổ kính, với rất nhiều giới trí thức thấm nhuần đạo
lý Khổng Tử, cộng thêm những giáo thuyết nhà Phật, đã không chú ý đến chủ nghĩa
cộng sản kể từ những năm đầu trong thập kỷ 1920, 1930.
Huế không màng biết tới
cộng sản là gì? Thí dụ điển hình là trong Viện Đại Học Huế, một lớp học về các
chủ thuyết chính trị trên thế giới, thời gian học là một năm, nhưng chỉ dành vỏn
vẹn có nửa giờ để nói sơ sài về chủ thuyết Marxism-Leninism, lại nói rõ rằng ý
thức cộng sản không có gì mà chỉ là một ý thức nông cạn, mọi rợ và đã không có
chiều sâu, cũng như đã không được trắc nghiệm như những chủ thuyết khác như Khổng
Tử hoặc Đạo giáo, với những bí kiếp nhiệm mầu, tư tưởng cao siêu, và đã đi sâu
với nhân tánh như đạo Phật.
Vì thế nên những người cộng sản gốc Huế, khi đã thấm nhuần và mù quáng bởi chủ
nghĩa cộng sản, đã trở thành những kẻ vô tri, vô hồn khi bị hất hủi bởi những
giới trí thức khác hay tôn giáo ở Huế. Hoặc tệ hơn nữa, thay vì bị hất hủi, họ
đã bị loại hẳn ra khỏi giới trí thức Huế. Vì thế, với sự trung thành và tin tưởng
tuyệt đối vào chủ thuyết cộng sản, họ đã tìm cách trả thù và san bằng những sự
khác biệt này. Những người trí thức còn sống sót đã phải trả một giá rất đắt
cho bài học này, từ đó họ đã chú ý đến và e sợ cộng sản hơn, nếu không là một
chủ thuyết chính đáng, ít nhất cũng phải là một nhóm cuồng tín vô thần rất nguy
hiểm!
Trong giai đoạn 2, có lẽ khoảng 2,000 người đã bị cộng sản giết hại. Nhưng đó vẫn
chưa phải là giai đoạn sát hại khủng khiếp nhất.
HUẾ: GIAI ĐOẠN BA
Cuối cùng rồi, cũng như Trung Ương Cộng Sản ở Hà Nội đã biết trước (vì đã hiểu
rõ thế và sức mạnh của QLVNCH và đồng minh), con cờ đã xoay chuyển trong cuộc
chiến ở Huế. Một bản mật tin truyền đi từ Thành Nội (bị QLVNCH nghe được) bởi
đám tàn quân Việt Cộng ngày 22 tháng Hai, xin ban tham mưu hành quân cho phép
được rút quân. Bản trả lời như sau từ bộ chỉ huy: không cho phép rút quân, ngày
hôm sau, 23 tháng Hai, phải tấn công nữa. Trận tấn công ngày 23 đã xảy ra,
nhưng rất yếu ớt, không gây thiệt hại gì cho bên VNCH và đồng minh. Vào ngày 24
tháng Hai, Thành Nội được giải tỏa khi VC bị đánh bại.
Từ tuần trước đó, Cộng Sản Việt Nam đã thấy rõ sự thất bại sẽ phải đến. Khi đó,
giai đoạn 3 mới bắt đầu: giai đoạn thủ tiêu nhân chứng và tang chứng. Có thể
trong suốt giai đoạn 2, hầu hết tất cả những việt cộng nằm vùng ở Huế đã bị lộ
mặt nạ. Ngay cả những cán bộ nằm vùng trước đó, dù đã không bao giờ bị nghi ngờ
là VC, nay cũng đã ra mặt (vì tin tưởng rằng Huế đã và sẽ mãi mãi thuộc vào tay
cộng sản). Chuyện thường tình như một dân Huế kể lại sự ngạc nhiên của ông khi
biết được người hàng xóm bên nhà là một cán bộ nằm vùng cao cấp trong hàng ngũ
MTGPMN (hắn là một cán bộ cao cấp trong thành phố Huế): “Tôi biết ông ta 18 năm
nay, mà không bao giờ nghĩ đến ông ta có thể hoạt động chính trị như vậy.” Những
người cán bộ này nằm vùng rất lâu, và chỉ lộ diện mỗi khi không có ai hay biết
để giữ kín tông tích của mình.
Vì thế, giai đoạn 3 khởi đầu để “bịt miệng nhân chứng”. Có thể giai đoạn này, số
nạn nhân lên cao nhất ở Huế, cũng vì lý do này. Những người trước đó bị bắt đi
học tập với ý định ban đầu là sẽ thả họ về. Nhưng vì là dân làng, cũng như những
tên cán bộ nằm vùng đã bắt họ; tên tuổi và mặt mũi của những cán bộ này giờ đã
lộ. Vì thế, họ đã phải chết, không phải vì là một con nợ hay gánh nặng, nhưng
vì họ sẽ trở thành những người tố cáo những tên nằm vùng. Ví dụ rõ ràng nhất là
nhóm người bị bắt đi từ nhà thờ Phủ Cam. Hay trường hợp của 15 em học sinh
trung học bị chôn ở Phú Thứ trong các gò muối biển.
Việc tìm những tài liệu lịch sử để đi đến một kết luận cho lý do tại sao, dựa
trên một vài giả thuyết, đương nhiên sẽ có chỗ đúng chỗ sai, và chỉ vẽ lại một
hình ảnh khá sơ sài cho độc giả. Sự việc xảy ra ở đời thường không đơn giản như
bài viết. Ví dụ như, cho dù trong suốt thời gian những vụ hành quyết dựa vào “sổ
đen” đang xảy ra, đương nhiên cũng có những chuyện trả thù theo “đường lối công
bằng của cách mạng”. Và chắc chắn cũng có những vụ trả thù riêng tư giữa những
cán bộ với người họ ghét bỏ!
Quan điểm chính thức của Đảng Cộng Sản Việt Nam về thảm sát ở Huế được nói rõ
ra trong một cuốn sách nhỏ phát hành ở Hà Nội:
“Liên kết và phối hợp với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và nhân dân, những toán
nhân dân võ trang và cán bộ võ trang thành phố Huế đã bắt giữ và kêu gọi những
tay sai đế quốc, sĩ quan VNCH và binh lính của quân ngụy ra đầu hàng. Những tên
ngoan cố đã được trừng trị đích đáng.”
Ở Hòa Đàm Paris, Cộng Sản Việt Nam đã công bố việc thảm sát này không phải do
bàn tay của đảng Cộng Sản, mà chính là hành động của những cán bộ ở Huế bất mãn
với chế độ. Tưởng cũng nên nhắc lại: vào ngày 26 tháng Tư năm 1968, Đài Giải
Phóng Hà Nội đã chê trách việc chính phủ VNCH cố tìm xác của các nạn nhân, đài
đã phát thanh rằng những người bị giết hại chỉ là “những tên tay sai đã nhúng
tay vào máu của nhân dân yêu nước ở Huế và họ đã bị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
giết hại vào tháng Ba tháng Tư.”.
Những lời tuyên truyền này sau đó đã được
thay thế bởi một lý do khác là “thảm sát ở Huế chỉ là những vụ thanh toán tranh
chấp giữa các đảng phái ở Huế mà thôi.”
trích từ "Viet Cong Strategy of Terror” trang 23 đến trang 29
Ngô Xuân Hùng
Thung Lũng Hoa Vàng,
Ngô Xuân Hùng
Thung Lũng Hoa Vàng,
ngày 15 tháng Tám, năm 2002.
(Thứ nam của Cố Ðại Tá Ngô Thế Linh,
Phó Giám Ðốc Nha Kỹ Thuật, Bộ Tổng Tham Mưu, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa)
Xin ghi nhận và chân thành cảm tạ cố Giáo Sư Douglas Eugene Pike, trường Ðại Học
Texas Tech, Texas, U.S.A
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001