Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Từ chiếc máy bán BCS tự động ở WC quán bia
BCS
Tiền xu, trong một chiến dịch lãng phí lịch sử được đưa vào lưu thông. Nói lãng phí là bởi những đồng xu, với chi phí không ít hơn mấy so với mệnh giá, giờ đã tiệt chủng.

Năm 2002, Thống đốc đương nhiệm Lê Đức Thúy trong một bài trả lời phỏng báo chí đã thừa nhận ông “không có tài khoản”, “không dùng thẻ tín dụng”. Với lương “chỉ đủ đưa vợ đi chợ và giữ lại một ít trong túi để tiêu vặt”. “Tôi hoàn toàn không có nhu cầu, nếu bắt tôi làm động tác đến ngân hàng để gửi và rút tiền thì thật là hình thức”- Thống đốc nói.
Chỉ ngay sau đó, tiền xu và những chiếc máy bán hàng, trong một chiến dịch lãng phí lịch sử được đưa vào lưu thông. Nói lãng phí là bởi những đồng xu, với chi phí không ít hơn mấy so với mệnh giá, giờ đã tiệt chủng. Còn máy bán hàng (nhận xu), nó còn sót lại duy nhất một chiếc: Máy bán bao cao su, trong toa lét của một quán bia, để thi thoảng, hứng những trận “mưa rào” của một vị khách chót say nào đó.
Chẳng chút mỉa mai. Nói thế là để thấy ý nghĩa của hành động dù tốt đẹp đến mấy cũng không thể không tính đến tập quán, dù nông nghiệp, đến thói quen, dù tiểu nông, và đến tình trạng thanh toán, vốn vô cùng lẹt đẹt về hạ tầng. Không vô cớ mà những người được trả lương vào tài khoản phải thật nhanh chóng ra ngay ATM rút tiền nếu muốn… đi chợ.
Hôm qua, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, tạm tính là với một mục tiêu tốt đẹp, đã công bố dự thảo một nghị định, dư luận gọi là “nghị định cấm tiệt”. Cấm tiệt giao dịch tiền mặt khi mua nhà, mua xe hơi, khi mua chứng khoán, thậm chí cả xe máy, xe đạp điện trong trường hợp vượt hạn mức.
Kèm theo đó là đề xuất: Có chứng từ ngân hàng mới có thể coi là “chi phí hợp lệ”. Phải thanh toán qua ngân hàng mới có thể đăng ký xe,làm sổ đỏ. Người đủ 18 tuổi sẽ buộc phải có tài khoản. Chưa hết: “Năm 2013 yêu cầu các cá nhân phải có tài khoản NH, giao dịch lớn hơn 200 triệu đồng phải thanh toán không dùng tiền mặt; đến năm 2015 mọi công dân trên 18 tuổi phải có tài khoản NH”. Không cần nói cũng biết tác giả của các đề xuất trên là cơ quan nào.
Nhìn nhận một cách công bằng, nền kinh tế tiền mặt khiến cho những vị quan chức luôn kêu gào “lương không đủ sống” vẫn có thể xây vườn thượng uyển, mua biệt thự ở Hà Nội, bất động sản ở Sài Gòn, rồi cho con đi du học Anh, Mỹ…Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo có lần ngậm ngùi: “Tiền bẩn” của bọn buôn lậu, buôn ma túy (và nhất là của bọn tham nhũng nữa) trở thành “tiền sạch” quá dễ. Bởi chỉ cần mang bao tiền bẩn đó đi mua nhà, mua đất rồi bán lấy tiền là thành tiền sạch, không cần phải “rửa” qua các ngân hàng”. Nói cho nhanh là không thể chống tham nhũng nếu cứ “tồn tại miên man tràn thế kỷ” một nền kinh tế tiền mặt như ở Việt Nam.
Nhưng, như đã nói, mục tiêu có tốt đẹp đến mấy cũng không thể không tính đến dân chúng, và tính khả thi của một dự thảo đụng chạm đến nhường đó. Bởi ngay và luôn, một câu hỏi không thể không đặt ra. Vậy thì người dân phải thanh toán bằng gì nếu cấm tiệt thanh toán bằng tiền mặt, khi mà vàng không được coi là phương tiện thanh toán và ngoại tệ, đương nhiên, “bất hợp pháp tra tay vào còng”.
Câu trả lời ở một nghĩa khác. Muốn được coi là hợp pháp thì xin mời bà con về lục tủ, mở ống bơ, đào vàng cột nhà gửi hết vào ngân hàng.
Cái này có vẻ khó.
Có lần, Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, Trần Hoàng Ngân phát biểu nghị trường công khai rằng rất nhiều người dân Việt Nam vẫn đang ngộ nhận gửi tiền vào ngân hàng là tuyệt đối an toàn, ngay cả khi phá sản Nhà nước cũng có trách nhiệm. Tuy nhiên, thực tế quy định khi gửi tiền mà ngân hàng phá sản, người VN chỉ được bảo hiểm chi trả tối đa 50 triệu đồng”. Liệu có ai chơi trò đánh bạc khi mang gửi ngân hàng 100 tỷ mà chỉ được “bảo hiểm” 50 triệu đồng?
Câu trả lời có vẻ đã rất rõ ràng: Người dân mong muốn chống tham nhũng, vì họ chính là nạn nhân của tham nhũng. Nhưng tại sao quy định này không bắt đầu bằng việc quy định đối tượng trước hết là cán bộ công chức nhà nước?
Không ai muốn một nền kinh tế phi tiền mặt khi muốn mua gì phải “vác bao tải tiền” nhông nhông ngoài đường trong bối cảnh bọn đạo tặc bẻ gương xe dừng đèn đỏ giữa ngã tư hay chém cụt tay đàn bà để cướp giữa lòng thành phố. Nhưng thưa Nhà nước, các vị phải bắt đầu bằng việc đặt những chiếc máy thanh toán ngoài chợ rồi muốn cấm gì thì cấm.


Đào Tuấn

nguồn:http://daotuanddk.wordpress.com/2013/01/25/tu-chiec-may-ban-bcs-tu-dong-o-wc-quan-bia/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001