Thưa Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Lợi, thật khó thấy cái lợi qua quyết không hề đặt ra và trả lời những câu hỏi “tại sao”, “để làm gì”.
Tháng 11-2009, sau 35 năm sống cảnh “thân đàn ông, kiếp đàn bà”, thầy giáo Phạm Văn Hiệp đã bật khóc khi được chính quyền công nhận là nữ. “Văn” mang một cái tên “Thị” mới: Phạm Lê Quỳnh Trâm. Và học trò, từ đó, gọi cô một cách trân trọng và trìu mến là “Cô Trâm”.
Có lần, tâm sự với báo chí, Trâm nói cô biết cái giá mà mình phải trả. Đó là 250.000 USD cho ca chuyển đổi giới tính kéo dài liên miên suốt 2 năm. Đó là việc tuổi thọ sẽ giảm 15-20 năm. Và, dù cô không nói, nhưng đằng sau ca chuyển đổi để được “sống thật” còn có biết bao điều tiếng từ miệng lưỡi thế gian. Biết bao tủi nhục với nỗi buồn bị thiên hạ coi như “vật thể lạ”. Biết bao tủi nhục mỗi lần rời mạng dưới cái nick Quỳnh Trâm. Cô chấp nhận tất, để đổi lại dù “chỉ cần sống vài năm nhưng sống đàng hoàng với đúng bản chất của một người phụ nữ”.
Năm 2009, các quyết định “Thay đổi cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính” do UBND huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước ghi rõ: Cho phép Phạm Văn Hiệp được xác định lại giới tính từ nam sang nữ và đổi tên thành Phạm Lê Quỳnh Trâm. Báo chí bấy giờ chạy những dòng tít dài về “Việt Nam lần đầu tiên công nhận người chuyển giới” như điểm khởi đầu cho một cuộc cách mạng về quyền con người.
3 năm đã trôi qua. Tất cả đều xuôn xẻ. Không ai khiếu kiện, cũng chẳng có nơi nào “thổi còi”, khi thực ra Chính phủ đã có nghị định 88/2008 về việc xác định lại giới tính. Tất cả đều tốt đẹp khi dư luận một mặt vỗ tay với chính quyền, mặt khác không ngớt những lời chia sẻ, động viên với cô Trâm. Quyền mưu cầu hạnh phúc có khi đơn giản chỉ là việc một người dân lương thiện được sống đúng, sống lành mạnh với giới tính của mình. (Cho dù, đến giờ, thông tin về người bạn trai của Trâm không nhiều với chỉ vài gạch đầu dòng: Từng ủng hộ, động viên cô. Từng tặng tiền để cô phẩu thuật chuyển giới. Và quan trọng hơn cả là quen qua mạng, và người đàn ông tốt bụng này đang ở Mỹ).
Cho đến hôm qua, dư luận đã sửng sốt khi đọc dòng tin, về việc Phó Chủ tịch tỉnh Bình Phước, ông Nguyễn Văn Lợi ký công văn đề nghị Sở Tư pháp tham mưu việc thu hồi và hủy bỏ hai quyết định của UBND huyện Chơn Thành “về việc xác định lại giới tính, thay đổi hộ tịch đối với trường hợp của anh Phạm Văn Hiệp (SN 1974, ngụ thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, Bình Phước) từ nam sang nữ và đổi tên là “chị” Phạm Lê Quỳnh Trâm sau khi khi người này sang Thái Lan phẫu thuật chuyển đổi giới tính”.
Bình Phước cho rằng các quyết định của Chơn Thành là “trái với quy định của pháp luật”. Vì vậy bên cạnh việc thu hồi và hủy bỏ hai quyết định trên, Bình Phước cũng yêu cầu UBND huyện Chơn Thành xem xét xử lý những cán bộ, công chức đã trực tiếp tham mưu và giải quyết việc xác định lại giới tính đối với anh Hiệp.
Nhưng thưa Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Lợi, thật khó thấy cái lợi thông qua quyết định mang danh nghĩa là bảo vệ pháp chế này. Dường như cũng khó có thể chấp nhận câu chuyện chính quyền địa phương ban hành một quyết định hành chính ảnh hưởng rất lớn đến, dù chỉ một công dân, lại không đặt ra và trả lời những câu hỏi “tại sao”, “để làm gì”, “lợi hay hại”, trước khi bàn chuyện đúng sai.
Huống chi vấn đề pháp lý giữa việc “đổi Văn thành Thị” sẽ còn phải tranh cãi rất nhiều. Pháp luật, là để bảo vệ con người chứ không phải để tước đi của họ những nụ cười lương thiện, những niềm hạnh phúc, thực ra, cũng chẳng làm ảnh hưởng đến ai.
Đào Tuấn
nguồn:http://daotuanddk.wordpress.com/2013/01/23/quyen-doi-van-thanh-thi/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ
xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001