Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Hiến pháp: Năm nội dung cần được giải trình thêm 


TUANVIETNAM
31/05/2013 11:19 GMT+7
GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân *
 Đã có nhiều ý kiến đã được tiếp thu, có những điều khoản được đề nghị với hai, ba phương án, nhưng nhìn chung Dự thảo Hiến pháp phiên bản ngày 17.5.2013 chưa đáp ứng được mong đợi.

Ngày 21.5.2013, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trên cơ sở ý kiến nhân dân, và bản dự thảo mới.
Đã có nhiều ý kiến đã được tiếp thu, có những điều khoản được đề nghị với hai, ba phương án, nhưng nhìn chung Dự thảo Hiến pháp phiên bản ngày 17.5.2013 chưa đáp ứng được mong đợi. Một số nội dung quan trọng, cho dù không thuộc diện “nhạy cảm”, vẫn được giữ như trong phiên bản tháng 12.2012 và cần được giải trình thêm. Xin dẫn ra đây năm vấn đề.
1. Nhiều góp ý, phân tích rất sắc sảo bởi những người trong cuộc có trọng trách, về Chương IX, Chính quyền địa phương, cho rằng khó chấp nhận cách viết trong phiên bản 12.2012, lẫn hai phương án đề ra trong phiên bản 05.2013, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều “cải tiến” chưa được tổng kết một cách nghiêm túc (như việc bỏ Hội đồng nhân dân cấp huyện chẳng hạn).
Cán bộ ở cơ sở thường nói với nhau: ở trên giống như ông Trời, tỉnh như mái nhà, huyện như các máng xối và xã là các cái lu hứng tất cả những quy định của cấp trên. Nhận xét này rất sát thực tế cần được ghi nhận để nhìn ra các hệ lụy tiềm tàng nếu những quy định về chính quyền địa phương (Chương IX) mờ mờ ảo ảo như trong dự thảo.
2. UBDTSĐHP bổ sung vào Điều 2 khoản 3, cụm từ kiểm soát: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Rất nhiều ý kiến xác đáng cho rằng không thể có chuyện kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước khi mà Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, và nêu câu hỏi không rõ Quốc hội chịu sự kiểm soát của cơ quan nhà nước nào trong dự thảo Hiến pháp?
Chúng ta hãy chờ nghe giải trình của UBDTSĐHP.
Sẽ toàn diện và tốt hơn nhiều nếu Đảng quyết trên cơ sở ý kiến ban đầu của mình và sau khi lắng nghe kết quả bàn bạc giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
3. Nhiều ý kiến cũng yêu cầu Dự thảo cần quy định rõ trong Hiến pháp việc giám sát của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước và Đảng (Điều 4) sẽ được thực hiện bằng cơ chế nào.
Việc lấy phiếu tín nhiệm 49 vị được Quốc hội bầu và phê chuẩn là một bước tiến trong tiến trình dân chủ hóa đời sống chính trị và xã hội nước ta mà đáng lý ra đã phải được thực hiện từ nhiều năm rồi theo quy định của Điều 84 khoản 7 của Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2001).
Mặc dù biết rằng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm được xác định như thế, nhưng vẫn có một cái gì đó làm cho cử tri cảm nhận như một điều chưa được trọn vẹn. Có lẽ vì người có trách nhiệm cao nhất trong trọng trách lãnh đạo Nhà nước và xã hội lại đứng ngoài sự kiện.
Tại sao dự thảo Hiến pháp không quy định một điều khoản theo đó Quốc hội thể hiện mức độ tín nhiệm đối với vị này bằng lá phiếu của đại biểu Quốc hội, như là một phương thức thể hiện sự giám sát của nhân dân đối với Đảng? Thiết nghĩ UBDTSĐHP nên xem xét kiến nghị này.
4. Vị trí và vai trò của Ủy ban thường vụ Quốc hội và một Quốc hội có thực chất tương xứng với chức năng và nhiệm vụ đã được góp ý khá nhiều. Không thể nói “cơ bản ý kiến nhân dân tán thành với quy định về Quốc hội như Dự thảo đã công bố” để không giải trình đầy đủ về hai vấn đề trên.
Từ chỗ là cơ quan thường trực của Quốc hội giữa hai kỳ họp của Quốc hội hiện nay, theo thiết kế của UBDTSĐHP 1992, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ trở thành một cơ quan thường trực của Quốc hội, với rất nhiều quyền hạn hiến định, kể cả lãnh đạo Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thường trực của Quốc hội.
Không thể viện dẫn lý do “trong điều kiện Quốc hội không hoạt động thường xuyên” để rồi trao một số thẩm quyền của Quốc hội cho Ủy ban thường vụ Quốc hội, bởi lẽ viện dẫn này có nguy cơ dẫn đến tiếm quyền và truất quyền.
Một hai chục người trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể thay thế 500 đại biểu Quốc hội mà cử tri bầu ra và yêu cầu họ làm việc thực chất, có trí tuệ và trách nhiệm.
5. Về Chương X, tại nhiều diễn dàn, nhiều ý kiến đã được phát biểu không thể rõ ràng hơn: hoặc là thành lập Hội đồng Hiến pháp đúng nghĩa để bảo đảm sự tôn trọng Hiến pháp bởi mọi tổ chức và cá nhân, hoặc là không thành lập chứ không thể lập lờ lập ra “cái gọi là Hội đồng Hiến pháp” như UBDTSĐHP đề xuất.
Tương tự, Hội đồng bầu cử quốc gia ở các nước được thành lập là vì ở đó có nhiều đảng phái chính trị tham gia bầu cử. Ở Việt Nam, trong chế độ chính trị được quy định tại Chương I, lập ra Hội đồng bầu cử quốc gia có thực sự cần thiết không, ngoài một thông điệp nào đó, nếu có, cần nói rõ.
N.N.T.

* GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân từng là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
nguồn:http://anhbasam04.wordpress.com/2013/05/31/hien-phap-nam-noi-dung-can-duoc-giai-trinh-them/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001