Sau sự cố mất điện diện rộng, lại nói về an toàn điện hạt nhân
Phùng Liên Đoàn
Một hệ thống điện hai chiều gồm nhiều nhà máy điện nối với nhau để cộng tác cung cấp điện cho những vùng tiêu thụ. Nó gần giống nhưng tinh vi hơn một hệ thống cung cấp nước có nhiều giếng nước bơm vào một dòng ống lớn để cung cấp nước cho toàn vùng. Nếu thiết kế khéo thì hệ thống bền vững; không khéo thì hệ thống hay lên xuống thất thường, có khi xuống tới 0 khi ống chính bị bể. Nếu đường dây lớn (như đường dây 500 KV Bắc-Nam) bị cắt, và nếu nơi dùng điện không tiếp được điện từ đường dây nào khác, thì cả một vùng bị tắt điện như đã có thể xảy ra ngay tại Mỹ.
Một nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) luôn luôn cần điện để làm nguội tâm lò và bể chứa nhiên liệu đã sử dụng. Đường dây dẫn điện ra cũng là đường dây dẫn điện vào khi nhà máy ĐHN không hoạt động. Nếu đường dây này bị cắt, như trường hợp Fukushima, thì nhà máy phải dùng điện cứu cấp do động cơ tua-bin tại chỗ làm ra và do các pin lớn luôn luôn nằm sẵn. Nếu cả hai hệ thống cứu cấp này không chạy, như trường hợp Fukushima, thì ta có nạn nóng chảy trong vòng vài giờ vì các thanh nhiên liệu, nhất là trong tâm lò, rất nóng, do phóng xạ tiếp tục sinh ra nhiệt lượng bằng khoảng 100 MWt khi nhà máy có công suất 1000 MWe như Ninh Thuận. Số nhiệt này phát ra trong nhiều ngày tháng, có thể làm sôi và bay hơi 160 m3 nước trong một giờ. Vì thế, hệ thống làm nguội nước cũng phải có nhiều nước lạnh hoặc có máy làm nguội nước nóng. Nếu không có nước, các thanh nhiên liệu nóng lên trên 1500 độ và sụp đổ thành đống trong lò, tuôn ra rất nhiều phóng xạ, làm nhà máy ĐHN nằm chết vĩnh viễn và tiếp tục tuôn ra phóng xạ như trường hợp Chernobyl ở Nga và Fukushima ở Nhật.Fukushima xảy ra là do “hành động của trời” – rất hiếm có động đất và sóng thần xảy ra cùng một lúc – làm hỏng toàn thể đường dây dẫn điện và các hệ thống cấp cứu tạo điện. Nhưng người ta cũng đã sai lầm khi thiết kế các hệ thống điện cấp cứu quá thấp để sóng thần tràn vào; cùng là các bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng lại quá cao để khó tiếp nước hoặc giữ nước khi bể bị nứt.
Nhưng tai nạn Chernobyl thì hoàn toàn do con người gây ra, bởi thiết kế vật lý không an toàn và các nhân viên khoa học lại quá tự tin khi làm thí nghiệm tại nhà máy. Xác suất tai nạn tại các nhà máy giống Chernobyl cao hơn tại các nhà máy giống Fukushima.
Nhà máy Ninh Thuận thuộc loại PWR, khác với Chernobyl và Fukushima. Chúng lại được thấm nhuần các bài học của các tai nạn này, cho nên có thể khẳng định là “an toàn” hơn. Tuy nhiên, yếu tố “Việt Nam” làm Ninh Thuận cũng dễ xảy ra tai nạn. Nước ta dài và hẹp, hệ thống điện dựa vào đường dây Trường Sơn không thể bảo đảm một sự cố bị cắt điện vừa qua sẽ không xảy ra hằng năm hoặc hằng 10 năm. Các nước tiên tiến thiết kế sự cố mất điện như thế hằng 1.000 tới 10.000 năm.
Hơn nữa, ai cũng biết là phần đông người Việt Nam ta, từ người công nhân cho tới ông tiến sĩ, chưa có truyền thống cẩn thận, an toàn, ngăn nắp, khiêm tốn để bảo đảm là các hệ thống điện và nước cứu cấp của ta có thể hoạt động như thiết kế mặc dầu trong lúc rất bất ngờ.
Như tôi đã viết nhiều lần, nhà máy ĐHN sẽ là một gánh nặng cho con cháu ta khi những người chủ trương nó không còn sống mà hứng chịu cái việc làm nông nổi của mình. Nhà máy này không tương xứng với trình độ kỹ thuật và kinh tế của nước ta. Nó quá lớn cho một vùng và quá nhỏ cho toàn quốc, vì thế sẽ tốn kém nhiều khi truyền điện tới các nơi tiêu thụ. Nó quá đắt so với các nguồn điện khác và so với thu nhập của người dân. Nó phụ thuộc vào nước ngoài gần như 100%, gây phí tổn ngoại tệ và nạn nằm ốm không sản xuất điện khi một thiết bị trong cả nghìn thiết bị không nhập cảng kịp. Nó sẽ là nơi tranh cãi giữa ta và các công ty quốc tế trong 10 năm tới và mọi tổn phí ta sẽ phải chịu. Nó sẽ là điểm dễ phá hoại nhất bởi chiến tranh với nước ngoài hoặc bởi các phần tử khủng bố trong chính xã hội ta. Các nước giàu hơn ta ba bốn lần như Mã Lai và Thái Lan chưa làm điện hạt nhân vì họ có tầm nhìn, không huyênh hoang liều mạng như ta. Họ lo cho hạnh phúc của người dân môt cách bền vững chứ không khoe khoang một phương diện nào đó. Người dân chỉ cảm thấy hạnh phúc khi không phải lo hằng ngày về cái ăn, sức khỏe, việc làm, an ninh cho cá nhân, an ninh cho hàng xóm láng giềng, môi trường sạch sẽ, và cơ chế dân chủ. ĐHN Ninh Thuận không đóng góp gì đặc biệt cho hạnh phúc đó. Nó sẽ chỉ làm ta lo thêm và nghèo hơn.
P.L.Đ.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/47184
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001