Văn Quang - Luật lệ gà mờ
Văn Quang – Viết từ Sài Gòn
Cái nghị định “phạt vì quấy rối tình dục” ở VN đã ra đời từ mấy tháng
nay, nhưng đến đầu tháng 5 năm 2013 này mới có hiệu lực. Đây là lần đầu
tiên VN nghiêm cấm các hành vi quấy rối tình dục tại công sở, nơi làm
việc kèm theo một dự thảo nghị định khác về ngoại tình.
Vì vậy tuần này tôi mới đưa ra bàn cùng bạn đọc. Các ông nào buộc phải
về VN vì một lý do nào đó cũng nên coi chừng. Bởi cái sự minh xác “thế
nào là quấy rối tình dục” và “ai lợi dụng tình dục ai” không hề dễ dàng
như người ta tưởng. Nhiều bạn không đề phòng, mấy cô tiếp viên quán
nhậu, quán cà phê, mấy cô chân dài thất nghiệp có dụng ý sẵn,đụng chạm
linh tinh làm bạn “tưởng bở” cùng hùa theo với vài cử chỉ lả lơi là có
thể quy vào tội quấy rối tình dục bị phạt tới 75 triệu đồng (bằng 4.500
Mỹkim). Và khi bị lập biên bản, bạn sẽ bị nêu tên tuổi trên các phương
tiện thông tin đại chúng, sợ mang tiếng, bị mất thể diện, ảnh hưởng
nhiều đến gia đình, đến những mối liên hệ xung quanh, bạn sẽ phải“nộp”
hơn nhiều lần như thế để mua lấy sự im lặng. Đó cũng là một kiểu “bắt
cócđòi tiền chuộc” đang rất thịnh hành ở VN.
Ngoài ra trong nghị định này còn có những vấn đề liên quan như phạt tội
ngoại tình, tội sàm sỡ với ô-sin (người giúp việc), cán bộ, công chức,
viên chức được miễn trừ… Đó là những vấn đề có rất nhiều chuyện để người
dân bàn tán xôn xao.
Luật lệ làm ra không lẽ để… treo chơi?
Trước hết, xin tóm tắt sơlược về cái nghị định Quấy Rối Tình Dục (QRTD)
mới toanh có vẻ “văn minh” này cùng những vấn đề rất phức tạp trong việc
xử phạt. Từ đây xin viết tắt là QRTD cho “gọn nhẹ”.
QRTD đang được thừa nhận là một vấn đề toàn cầu. Ở Australia, cứ 10 y tá
thì có 6 người bịQRTD; ở Mỹ, trên 50% lao động nữ bị QRTD; còn ở
Canada, 51% phụ nữ bị QRTD ít nhất một lần. Ở Trung Quốc, một cuộc điều
tra vào năm 2009 cho thấy có 20% trong tổng số 1.837 người được phỏng
vấn cho biết đã từng bị QRTD, trong đó 1/3 là nam giới. Kể từ 1995 trở
lại đây, đã có 50 quốc gia xây dựng hệ thống pháp luật chống QRTD.
Ở VN là lần đầu tiên hành vi QRTD được Bộ luật Lao động sửa đổi (có hiệu
lực từ ngày 1-5-2013),đưa vào luật để điều chỉnh. Trong đó có nêu QRTD
tại nơi làm việc là hành vi bịnghiêm cấm, người lao động có quyền đơn
phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu bị QRTD. Tuy nhiên, những điều quy
định này vẫn còn nửa vời bởi đến nay vẫn chưa có hướng dẫn thế nào là
QRTD, kể cả trong dự thảo nghị định nêu trên.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và
Thông tin thị trường lao động TP. Sài Gòn cho biết QRTD bây giờ rất tinh
vi bằng nhiều hình thức, đểphân biệt một hành vi là QRTD hay chỉ là một
cử chỉ thân thiện cần có hướng dẫn cụ thể mới áp dụng xử phạt được. Nếu
không, luật chỉ để treo chơi.
Cần quy định mức độ nặng nhẹ của người bị QRTD
Luật sư Nguyễn Minh Luận, Đoàn Luật sư TP. Sài Gòn, cũng cho rằng cần
hướng dẫn cụ thể thếnào là QRTD. Cho xem tranh ảnh nude, một cái nhìn
khiêu khích, lời tán tỉnh theo kiểu “vòng một của em hôm nay đẹp quá”
hay đụng chạm mông, má... có bị cho là QRTD không?
QRTD là khái niệm rất trừu tượng nếu chưa được định nghĩa các cơ quan
chức năng không thểáp dụng xử phạt được. Định nghĩa hành vi rõ ràng nhằm
xử phạt đúng hành vi,đồng thời tránh tình trạng lạm dụng sự mập mờ của
luật để xử những người vô tình bị gài bẫy.
Cũng theo luật sư Nguyễn Minh Luận, không thể gộp chung một câu rằng
hành vi “QRTD tại nơi làm việc bị phạt tiền từ 50 triệu đến 75 triệu
đồng” như dự thảo đã ghi. Cần phân loại mức độ nhẹ, nặng của hành vi này
để quy định những mức phạt khác nhau. Có những trường hợp QRTD diễn ra
trong thời gian dài dẫn đến hậu quảnghiêm trọng làm nạn nhân bị stress
đến mức nhảy lầu tự tử...
Trung tá chống “dâm tặc”bị bắt vì QRTD
Một thí dụ khác như ở Mỹ, ngày 5-5-2013 vừa qua vừa xảy ra một vụ QRTD
tai tiếng. Theo cảnh sát Arlington, bang Virginia (Mỹ), Trung tá Jeffrey
Krusinski - người đứngđầu chương trình phòng chống tấn công tình dục
của không quân Mỹ, vừa bị bắt sáng 5-5. Ông bị cáo buộc “tiếp cận một
phụ nữ tại bãi đậu xe và bóp ngực, mông của người này”.
Phát ngôn viên Không quân Mỹ cho biết ông Krusinski hiện đã bị cách chức
và vừa được tại ngoại sau khi đóng tiền bảo lãnh 5.000 USD. Trước khi
xảy ra vụ bê bối, vị trung tá 41 tuổi này được tin là đã quá chén. Tuy
nhiên luật lệ của Mỹ rất nghiêm minh điều luật của họ rất rõ ràng. Có
tội là phạt.
Ở VN chưa có vụ QRTD nào bị phạt vì chưa có luật, nhưng thật ra những
chuyện quấy rối linh tinh này xảy ra như cơm bữa ở hầu hết các công tư
sở. Song các bà các cô sợ mắc cỡ, sợ tai tiếng nên đành né tránh hoặc
nín nhịn cho qua. Tại nhiều cơ quan công và tư, người bị QRTD có thể bị
đổ lỗi như cô ấy ăn mặc hở hang, thái độ khêu gợi, tư cách không đứng
đắn, gạ gẫm, lợi dụng đàn ông nên đàn ông mới có cử chỉ đó…Còn ở nông
thôn, người bị QRTD có khi lại “gặp nạn” trước bởi điều tiếng. Do đó,
những người bị QRTD cắn răng chịu đựng vì cho rằng mình nói ra cũng
không được bảo vệ, chỉ thiệt thân.
Cụ thể như vụ nữ giáo viên vùng núi bị cấp trên cưỡng hiếp
Cô giáo La Tố Nh.., một giáo viên tiểu học tại TP. Cao Bằng vẫn không
khỏi bàng hoàng khi nói chuyện với phóng viên bị ông Hoàng Đình Thiên,
trưởng phòng Giáo Dục Đào Tạo huyện Bảo Lâm, Cao Bằng “làm bậy” khi còn
giảng dạy và ở nội trú tại một trường tiểu học tại huyện Bảo Lâm. Sự
việc diễn ra cũng đã khá lâu, tuy nhiên, cú sốc tinh thần lần đó vẫn còn
in hằn trong trí nhớ cô giáo Nh…. cho tới nay.
Không chỉ với cô giáo La Tố Nh…. Sự việc này diễn ra với nhiều giáo viên
khác ở địa phương này. Nhưng nhà chức trách hầu như bất lực, khiến nỗi
buồn và sự đắng cay không những không giảm bớt mà còn nặng nề hơn theo
thời gian.
Những cảnh đau lòng như thế này xảy ra rất nhiều nơi, không thể nào kể hết.
Tại sao cán bộ, công chức, viên chức lại được miễn trừ?
Có chuyện lạ trong nghị định này là ở Điều 2 dự thảo Nghị định có nêu
“Cán bộ,công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự
nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội không thuộc đối
tượng điều chỉnh của nghị định này”. Như vậy, quy định này chỉ điều
chỉnh quan hệ lao động trong phạm vi doanh nghiệp. Cán bộ, công chức,
viên chức hành chính được miễn trừ hay sẽ được điều chỉnh theo quy định
riêng? Một luật sư giấu tên bất bình: “Tôi không hiểu sao lại có sự phân
biệt đối xử như vậy khi mà theo nghiên cứu thì hành vi QRTD diễn ra
nhiều nhất ở hai ngành là y tế và giáo dục”.
Tại sao lại có sự miễn trừ này? Không thể hiểu nổi quan điểm của những
vị làm ra thứ luật lệ này. Trong mọi trường hợp phạm tội lớn hay nhỏ,
công chức hay quan quyền cũng là dân, phải được xử như dân. Không lẽ các
ông bà cán bộ, công chức mang nhau vào phòng riêng “xử kín” vụ này sao?
Người dân đang đợi câu trả lời của người thi hành luật QRTD.
Còn một sự bất công nữa trong luật này.
Sàm sỡ ô sin chỉ bị phạt từ 5 đến 10 triệu
Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động quy định
hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc sẽ bị phạt tiền 50-75 triệu
đồng. Thế nhưng quấy rối tình dục với người giúp việc thì chỉ bị phạt
5-10 triệu đồng. (Bây giờ người giúp việc ở VN đều được gọi là ô sin).
Chị H. là nhân viên của Công ty TNHH Nhân Ái được thuê chăm sóc một bệnh
nhân nam khoảng 70 tuổi, nhà ở quận 10, TP.Sài Gòn. Ông này hay yêu cầu
chị H. kích dục cho ông nhưng chị từ chối. Ông khách vẫn yêu cầu chị
kích dục cho ông mỗi ngày và hứa sẽ trả tiền công. Chị H. đành xin nghỉ
việc. Giám đốc công ty đến nhà nói chuyện nhưng thân nhân người bệnh
không tin ông cụ có hành vi kỳ lạ đó. Giám đốc đành cho nhân viên nghỉ
việc.
Giúp việc gia đình dễ bị sàm sỡ
Sau nhiều năm hoạt động, ông Huỳnh Nhân - Giám đốc Công ty Nhân Ái
chuyên làm dịch vụ chăm sóc người bệnh, người cao tuổi đã phải rút ra
những kinh nghiệm tránh quấy rối tình dục cho nhân viên. Ông Nhân kể:
“Trong hợp đồng tôi luôn yêu cầu việc thay đồ phải do bệnh nhân thực
hiện nếu bệnh nhân tự làm được, nhân viên chỉ có vai trò quan sát để hỗ
trợ bệnh nhân khỏi té... Thế nhưng có bệnh nhân nam ở Phú Mỹ Hưng cứ yêu
cầu nhân viên B. phải thay đồ dù ông tự tay làm được. Có lần ông bảo
ông đã thay đồ xong và gọi chị B. vào. Vừa mở cửa phòng, chị B. thấy ông
nằm trần truồng trên giường. Chị sốc. Chị đóng cửa lại, khóc và gọi cho
tôi.”
Theo ông Nhân, tội nghiệp nhất là những người làm việc đơn phương, bị
sàm sỡ thì không biết kêu ai vì thường thì gia đình đứng về phía người
nhà của họ hơn là bảo vệ người giúp việc”.
Bà Võ Xuân Loan, từng là giám đốc một công ty cung ứng lao động giúp
việc gia đình, cho biết bị lạm dụng nhiều nhưng một số chị em nhà nghèo ở
quê đi giúp việc thường chọn giải pháp im lặng nghỉ việc, quá lắm thì
ông chủ dấm dúi cho tiền rồi cũng thôi. Tôi biết có trường hợp con ông
bà chủ thuộc loại cậu ấm, đưa bạn bè về nhà ăn chơi, thường xuyên chọc
ghẹo, QRTD người làm. Người thấp cổ bé miệng không dám kiện nên giải
pháp tốt nhất là bỏ việc”.
Pháp luật hạ thấp phẩm giá của người giúp việc
Nghị định nêu mức phạt cho hành vi QRTD với người giúp việc gia đình chỉ
5-10 triệuđồng, trong khi hành vi này thực hiện tại công sở thì bị phạt
đến 75 triệuđồng. Theo các chuyên gia lao động thì tỉ lệ QRTD với người
giúp việc gia đình nhiều hơn là những người làm ở nơi công sở. Một
chuyên gia nói: “Tôi không hiểu sao lại có sự chênh lệch như vậy trong
khi nếu bị QRTD, người giúp việc ở gia đình thường khó thoát thân hơn là
người ở công sở. Trình độ học vấn của họ cũng thấp hơn nên việc đối phó
với hành vi này cũng vất vả hơn”.
Hầu hết mọi người dân cho rằng quy định như vậy vô tình pháp luật đã hạ
thấp phẩm giá của người giúp việc. Hơn thế, những quy định này được thực
thi trên thực tế còn cần phải lập một đường dây nóng riêng cho những
người giúp việc, những phụ nữ bị bạo hành nói chung như ở Hàn Quốc, Đài
Loan… Nếu không, luật cũng khó được thực thi.
Thực tế, nhiều người giúp việc không những bị QRTD còn bị đối xử tàn nhẫn.
Một vụ hành hạ dã man người giúp việc
Nghi ngờ người giúp việc là Nguyễn Thị Giang có tình ý yêu đương với
chồng mình là Phạm Thế Phong, bà Anh đã bắt Giang và chị gái là Nguyễn
Thị Lan đưa đến một ngôi nhà hoang để “thẩm vấn” và “tra tấn”.
Chị Giang bị bà chủ nhổ nước bọt vào mặt, rồi tát liên tiếp vào mặt, vào
đầu, dùng chân đạp vào người. Cùng lúc đó, vài người phụ nữ khác cũng
xông vào để hành hạ chị. Sau đó, bà ta lấy kéo xén tóc và cạo luôn cả
đôi lông mày của chị Giang, sau đó cạo trụi tóc trên đầu. Bà chủ còn bắt
nhân viên của bà là Nguyễn Thị Trâm ép đưa chị Giang đến tiệm xăm ở
đường Hoàng Hoa Thám, TP Vũng Tàu để xăm 3 hình quái vật, 2 con rết và 1
con rồng lớn và đậm. Sau đó chị Giang không biết nhờ cậy vào ai, đành
chịu bị đuổi về quê với bộ mặt quái dị.
Ngoại tình bị phạt 1 triệu
Song song với nghị định QRTD còn có dự thảo Nghị định phạt về tội ngoại tình.
Điều 46 Dự thảo Nghị định xử phạt hành vi vi phạm quy định về cấm kết
hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, nêu rõ: “Phạt cảnh cáo
hoặc phạt tiền từ 200.000 đồngđến 1.000.000 đồng đối với 2 hành vi:
“Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng
với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng".
Cùng với nghị định này còn có quy định xử phạt vi phạm hành chính trong
lĩnh vực tư pháp khác như: Kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi
ba đời; Kết hôn giữa cha mẹ nuôi với con nuôi; kết hôn giữa người đã
từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con
rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng. Tất cả
đều chịu chung một mức phạt như ngoại tình chưa gây hậu quả nghiêm
trọng.
Dự thảo cũng nâng mức xử phạt hành vi dùng giấy tờ giả mạo để đăng ký
kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn lên từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng
(mức xử phạt cũ từ 200.000-500.000đồng). Đồng thời một số hành vi vi
phạm khá nghiêm trọng nhưng trước đây chưa có chế tài để xử phạt thì nay
đã được dự thảo đưa vào.
Chẳng hạn: làm cam đoan không đúng về tình trạng hôn nhân gia đình để
làm thủ tục đăng ký kết hôn hoặc để được cấp giấy xác nhận tình trạng
hôn nhân sử dụng vào mục đích khác có thể bị xử phạt từ 5-20 triệu đồng.
Hành vi kết hôn giả nhằm mục đích xuất cảnh, môi giới kết hôn bất hợp
pháp, lợi dụng việc đăng ký kết hôn nhằm mục đích trục lợi, xâm phạm
tình dục, bóc lột sức lao động theo quy định của dự thảo có thể bị xử
phạt từ 10-30 triệu đồng.
Nếu được Chính phủ đồng ý ban hành, Nghị định trên sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1-7-2013.
Phạt tiền chẳng có ý nghĩa gì
Tuy nhiên, những quy định này đang gặp phải sự tranh cãi chí chóe.
Theo luật sưNguyễn Bá Ngọc, đoàn luật sư Bắc Giang, mục đích của dự thảo
là ngăn chặn, răn đe ngoại tình thì không có tác dụng. Những người
ngoại tình người ta thừa tiền rồi, một vài trăm, vài triệu không có ý
nghĩa gì. Nếu ban hành sẽ làm xấu đi tình trạng xã hội. Tình trạng ly
hôn chắc chắn gia tăng. Vì tình cảm con người, yêu nhau, đến với nhau mà
gia đình vợ con không biết thì hoàn toàn êm ấm. Đưa ra xử phạt đôi khi
lại làm tan vỡ hạnh phúc gia đình người khác.
LS Ngọc cho rằng, nếu để phân biệt, định nghĩa hành vi quấy rối tình dục
là rất khó, không hề đơn giản. Nhưng thực chất mà nói hành vi này trong
xã hội cũng ít xảy ra vì vậy quy định thì thế nhưng trên thực tế đã có
trường hợp nào bị cơ quan có thẩm quyền phạt đâu. Ngay cả quy định vi
phạm chế độ một vợ một chồng cũng vậy. Có chăng chỉ là hình thức phạt
hành chính.
Mọi định nghĩa đều không rõ ràng, quy định lại chung chung, nếu vậy thì
khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng muốn quy nó về tội nào cũng được,
coi tội nào, lên tội đó.
Ở những cơ quan công quyền, chuyện này xảy ra không hiếm. Ngay trong
thời gian này, người dân xã Quảng Phong- Thanh Hóa đang “đồn thổi như
bão” về chuyện ngoại tình của sếp lớn.
Chủ tịch xã đưa nữ nhân viên vào nhà nghỉ
Vào ngày lễ tình nhân năm 2013, anh Thìn phát hiện ông Khang Phó bí thư
Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Phong lái xe hơi đến nhà chở vợ mình là
chị Nhung (thủ quỹ xã Quảng Phong) đi chơi. Vốn nghi ngờ hai người có
“quan hệ bất chính”, anh Thìn bí mật theo dõi. Sau nhiều giờ chạy lòng
vòng, xe của ông chủ tịch Khang tấp vào sân nhà nghỉ (hay nhà ngủ cũng
đúng) trên đường Dương Đình Nghệ, TP Thanh Hóa.
Anh Thìn đập cửa xông vào phòng ngủ, nhưng ông Khang đã trèo qua cửa sổ
tầng 2, nhảy qua ngọn cây xuống đất bỏ chạy, để lại xe hơi biển số xanh
của nhà nước. Trong bản tường trình gửi UBND xã Quảng Phong, nữ thủ quỹ
xác nhận: “Ông Khang nhiều lần gọi điện hối thúc đòi gặp tôi và rủ tôi
vào nhà nghỉ. Ông ấy nói muốn gặp tôi vì nhớ quá”. Nghe mùi hơn sáu câu
vọng cổ!
Bắt quả tang vợ cùng người tình ở phòng ngủ nhưng vẫn chối
Ít ai chịu công nhận là mình ngoại tình như chị thủ quỹ Nhung, kể cả khi bị bắt quả tang như trường hợp mới đây tại Bình Định.
Chắc nhiều bạn đọc đã biết, từngày 2-5 vừa qua, trên mạng YouTube xuất
hiện ba clip với tiêu đề: “Vụ đánh ghen kinh hoàng ở Bình Định”. Clip
này nhanh chóng được cư dân mạng nhân bản, lan nhanh với tốc độ chóng
mặt. Tôi tóm tắt sự việc khá “ngộ nghĩnh” này:
Hình ảnh trong ba đoạn clip cho thấy sự việc xảy ra tại một phòng khách
sạn. Nhân vật chính bị quay clip là một đàn ông trung niên chỉ mặc quần
đùi, bị ba người đàn ông khác khống chế. Người đàn ông này vừa giằng co,
ngăn cản để không bị còng tay vừa luôn miệng van xin: “Chu cha tội em,
anh Quốc ơi!”; “Em lạy anh! Em mất hết, anh Quốc ơi”…
Clip cũng thể hiện rõ mặt một phụ nữ mặc quần ngắn đang ngồi trên ghế
trong phòng của khách sạn. Trong khi giằng co, một người đàn ông trong
clip đã sử dụng một công cụ hỗ trợ bằng điện để khống chế người đàn ông
mặc quần xà lỏn và người phụ nữ.
Liên quan đến clip trên, ngày 3.5, một viên chức Văn phòng Tỉnh ủy Bình
Định xác nhận: Người đàn ông bị khống chế trong clip là ông Lê Văn
Vương, Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bình Định. Người phụ nữ bị ông Quốc
chích điện, ngồi trên ghế là bà Hà, vợ ông Lê Anh Quốc.
Trước đó, ông Quốc (44 tuổi, ngụ TP Quy Nhơn, Bình Định) đã gửi đơn đến
nhiều cơ quan chức năng tố cáo ông Vương quan hệ nam nữ bất chính với vợ
ông. Ông Quốc cho rằng chiều 23-3, ông cùng một số người khác vào phòng
một khách sạn ở TP Quy Nhơn bắt quả tang ông Vương đang ở chung phòng
với vợ ông. Với bằng chứng hai người ở cùng phòng trong khách sạn, ông
yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm ông Vương vì vi phạm nghiêm
trọng tư cách cán bộ, phá vỡ hạnh phúc gia đình ông, ảnh hưởng nghiêm
trọng đến tinh thần của ông và hai con đang đi học…
Cả hai “nghi phạm” ngoại tình vẫn chối dài
Vào ngày 4-5 vừa qua, ông Lê Văn Vương, phó chánh văn phòng Tỉnh ủy Bình
Định, khẳng định: “Tôi không quen biết bà Hạ. Khi họ đẩy bà Hạ vào
phòng rồi gí dùi cui điện vào người tôi, lấy còng số tám cố còng tay tôi
để lột trần truồng nên tôi bối rối, năn nỉ để tìm cách thoát ra ngoài.
Tôi đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị điều tra làm rõ về
những nội dung tố cáo mang tính vu khống và việc tôi bị làm nhục”.
Còn bà Hạ (vợ ông Quốc) cũng phản đối, bà nói: “Vợ chồng tôi đã ly thân
hai năm nay. Vụ việc xảy ra tại nhà khách Tỉnh đội rất bất ngờ, tôi bị
đẩy vào phòng, khi người nhà của chồng tôi quay phim tôi vẫn ăn mặc kín
đáo và vẫn đang đội mũ bảo hiểm nên khẳng định tôi quan hệ nam nữ bất
chính bậy bạ là áp đặt, làm tổn thương tôi và con cái. Tôi phản đối và
đã gửi đơn kiện”.
Ủy ban Kiểm Tra tỉnh cũng chưa thể đưa ra kết luận
Cùng ngày, một quan chức của Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Bình Định cho biết:
“Vụ việc vẫn đang được làm rõ, song khi tiếp cận với một số trường hợp
có liên quan thì thông tin hoàn toàn ngược lại. Người trong cuộc là bà
Hà Cẩm Hạ cực lực phản đối chuyện chồng bà vu khống bà ngoại tình. Ngay
cả hình ảnh trong video clip cũng không thể hiện rằng họ quan hệ nam nữ
bất chính”.
Như thế chuyện phạt tội ngoại tình khó tìm ra đúng sự thật. Vả lại còn
có rất nhiều nguyên nhân thầm kín sâu xa khác mà chỉ người trong cuộc
mới hiểu. Những luật lệ mơ hồ này đang khiến nhiều luật sư băn khoăn,
chẳng phải chỉ có người dân. Còn hàng trăm bài viết phản bác về những dự
thảo luật lệ mơ hồ như thế này, chẳng lẽ luật làm ra chỉ để “treo
chơi”?
Văn Quang
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/05/van-quang-luat-le-ga-mo.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001