Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Lê Phan - Phản ứng 


Lê Phan

Tuần này Luân Ðôn lại chứng kiến một cuộc tấn công có thể được nói là một cuộc tấn công của khủng bố.

Dĩ nhiên công chúng Anh đã bị shock trước vụ sát nhân tàn nhẫn một quân nhân bên ngoài một quân trại ở khu phía Ðông Nam của kinh đô. Cuộc tấn công dã man, hẳn đã cố tình tạo nên để khiêu khích, với nạn nhân bị tông xe cho bị thương rồi chém và chặt ngay trên đường phố chính, trước cửa một trường tiểu học. Những kẻ sát nhân, đứng trước thi thể nạn nhân, mời gọi khách qua đường hãy quay phim họ trong khi họ ca ngợi đáng Allah và nói là hành động của họ là một phản ứng chính đáng cho sự hiện diện quân sự của Anh Quốc ở Afghanistan.


Dĩ nhiên người dân Woolwich, một khu ngoại ô tương đối nghèo của Luân Ðôn vẫn còn bàng hoàng. Những nhân chứng như bà Tina Nimmo, 52 tuổi, tay vẫn còn run run, khi bà kể lại cho báo chí những gì mình đã chứng kiến. Bà bảo những kẻ gây nên vụ này là “súc vật”. Và bà sợ là rồi nó sẽ làm mồi cho một sự bùng nổ, “chẳng khác gì châm giấy mồi lửa”.

Cái chết kinh khủng của Lee Rigby, một anh lính đánh trống, đã dẫn đến những ý kiến nói là nó sẽ làm cho tình hình trong một thành phố đủ mọi màu da sắc tộc này có thể lâm vào thế dầu sôi lửa bỏng.

Một số tìm cách làm giảm nhẹ tình hình. Tổng thư ký của Hội Ðồng Hồi Giáo Anh Farooq Murad tuyên bố là vụ sát nhân này “sỉ nhục đấng Allah và bôi nhọ thanh danh của tôn giáo của chúng tôi”. Ông tuy vậy cũng tỏ ra lo sợ “Hành động này chắc chắn sẽ gia tăng căng thẳng ở các đền thờ.”

Phe cực hữu cũng đã xuất hiện. Ngay đêm thứ ba, đêm xảy ra vụ án mạng, đã có bạo động ở ngay chính Woolwich khi thành viên của một tổ chức cực hữu, một số đeo mặt nạ balaclavas, đã tụ tập, ném chai vào cảnh sát, nhưng đã bị giải tán trước khi có thể làm gì gây rối. Ở Essex, một trong những quận mà người Anh quen gọi là “home counties - quận nhà” tức là những quận bao vây quanh thủ đô, một người đàn ông đã bị bắt sau khi một đền thờ Hồi Giáo bị tấn công.

Nhưng rất ít ai ở Anh nghĩ là vụ này sẽ tạo nên bạo động rộng lớn. Như Dân Biểu David Lammy, thuộc đảng Lao Ðộng, đại diện cho Tottenham, một khu xóm lao động khác ở phía Bắc giải thích “Ðã có một sự kết hợp hăng hái của các lập trường lên án tội ác này và muốn đứng về phía của ba triệu người Hồi Giáo mà chúng ta có ở nước này.”

Hồi mới sang Anh chúng tôi ở ngay Woolwich, thường đi chợ ở khu trung tâm thành phố. Như đã nói, đây là một xóm lao động. Hồi xưa, Woolwich sống nhờ Xưởng Ðúc súng của quân đội Hoàng Gia Anh. Ở Anh Quốc này, nếu bạn thấy có một đội túc cầu thì thường xóm đó là xóm lao động bình dân bởi dân nghèo mới mê đá banh, nhà giàu chơi cricket, và cả hai chơi rugby, một thứ banh bầu dục kiểu Anh. Woolwich hồi xưa nổi tiếng với đội Woolwich Arsenal. Sau khi xưởng đúc súng đóng cửa, Arsenal dọn lên phía Bắc, nhưng Woolwich vẫn tiếp tục là xóm lao động.

Nhưng đây là một xóm lao động theo kiểu truyền thống. Vì có nhiều gia đình đã sống nhiều đời trong những khu nhà housing nên họ coi trọng tình xóm giềng. Chỉ có tình đồng bạn thắm thiết mới có thể giải thích được thái độ của một bà tay không dám thách thức một kẻ tay cầm dao người đầy máu me và đang cơn say máu giết người. Sau này bình tĩnh lại, bà bảo chỉ làm theo bản năng, phản ứng cũng như khi thấy mấy anh chàng say rượu quậy phá. Cũng chỉ có những tình cảm thắm thiết mới giải thích nổi cảnh một bà ngồi bệt xuống đường, ôm lấy người thanh niên đang hấp hối. Bà ta bảo là không muốn để anh ta nằm một mình!

Hôm tin này xảy ra, một bạn đồng nghiệp đã hỏi tôi trên đài phát thanh Little Saigon Radio và Hồn Việt TV là đã có những kêu gọi từ dư luận hay từ các vị dân cử đòi phải vũ trang cho tất cả cảnh sát hay không? Có lẽ tôi đã suy nghĩ như người Anh vì tôi không hề nghĩ đến câu hỏi đó. Ở Anh Quốc này, chuyện một người cảnh sát bình thường, những ông bà “Bobby” thường đi tuần tản bộ trên đường phố, mà phải mang súng là chuyện không thể tưởng tượng được. Họ cảm thấy an toàn hơn khi những người cảnh sát bảo vệ mình không cần phải mang súng.

Có thể đó là một ảo tưởng. Thế giới bây giờ biến loạn hơn nhiều. Người Mỹ không những đòi vũ trang cho cảnh sát mà còn đòi vũ trang cho chính mình. Nhưng người Anh vẫn nghĩ khác. Dân Anh không hề muốn tự vũ trang. Họ cũng không nghĩ là cảnh sát cần vũ trang. Dĩ nhiên lực lượng cảnh sát Anh có vũ trang, nhưng đó là những đội đặc nhiệm, được huấn luyện kỹ lưỡng. Chính một nữ cảnh sát viên trong toán đặc nhiệm đó đã bắn bị thương hai nghi phạm trong vụ này.

Thực sự người Anh sẽ chỉ ra là hai nghi phạm trong vụ sát nhân ở Woolwich đã chỉ có một khẩu súng lục cũ kỹ, rỉ sét, chứ nếu như ở Hoa Kỳ, họ được vũ trang với súng tấn công thì có lẽ số người chết sẽ nhiều hơn nhiều.

Cũng có một số người nêu ra việc phải chăng có nên tăng cường cho số các đơn vị cảnh sát vũ trang hay không. Hiện nay nghe đâu toàn Luân Ðôn chỉ có khoảng 10 đội cho một thành phố xấp xỉ 8, 9 triệu dân. Nhưng không ai nghĩ đến chuyện vũ trang cho ông bà “Bobby” cả.

Ðiều mà báo chí và dư luận Anh bàn tán rất nhiều là về vai trò của tình báo Anh. Khi tin loan ra là cơ quan phản gián MI-5 đã có tên một trong hai nghi phạm vì người đó đã tham gia một số các hoạt động của một nhóm Hồi Giáo quá khích, vốn đã bị đuổi ra khỏi đền thờ chính ở Woolwich vì họ quá hung hăng. Người đó cũng đã từng tham gia các cuộc biểu tình chống chiến tranh. Cũng phải nói là trong giai đoạn từ cuộc tấn công 7 tháng 7 năm 2005 đến nay, các cơ quan an ninh Anh đã dẹp được ít nhất là một năm một âm mưu nhằm tổ chức khủng bố tại nước Anh.

Tuy nhiên, như các nhà bình luận chỉ ra, tình báo và cảnh sát, dầu có tổ chức hay cách mấy, không thể tận diệt nguy cơ khủng bố trong một xã hội tự do. Không thể chặn được một người tổ chức khủng bố, nhất là hình thức mới này không đòi hỏi chút huấn luyện nào cả.

Chính vì thế mà nhiều chính phủ liên tiếp đã hiểu rằng khủng bố không thể tiêu diệt qua những hành động cưỡng bách. Ðiều quan trọng là tiếp cận cộng đồng. Anh Quốc nói là riêng năm nay đã khuyến khích được 500 thanh niên từ bỏ cực đoan bạo động qua những chương trình giúp họ chuyển sự tức giận đó sang hướng khác. Dẫu có thành công hay không thì theo dân chúng Anh đó cũng là chọn đúng đường.

Trong khi đó, điều mà nhiều nhà bình luận chỉ ra đe dọa lớn nhất là nó thúc đẩy căng thẳng giữa các cộng đồng. Các lãnh tụ Hồi Giáo đã phản ứng tốt nhưng dĩ nhiên họ cũng có thể đóng góp thêm trong việc tẩy trừ những nhóm quá khích ra khỏi cộng đồng. Chính phủ đã khôn ngoan không nhắc đến “Cuộc chiến chống khủng bố” hay hứa hẹn tăng cường an ninh. Mục đích tối hậu của khủng bố chính là để tạo phản ứng ngược quá mức từ các chính trị gia hay quần chúng. Cho đến bây giờ Anh Quốc có vẻ đã không để cho khủng bố lợi dụng.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/05/le-phan-phan-ung.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001