Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Trung Quốc : Du lịch Hoàng Sa không "dễ nuốt" 

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ảnh chụp từ vệ tinh.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ảnh chụp từ vệ tinh.
hoangsa.org

Trọng Nghĩa
Sau một chuyến đầu tiên ngày 28/04/2013, chiêu dụ được khoảng 100 khách, ngày 24/05/2013, Trung Quốc đã cho tiến hành một chuyến du lịch thứ hai đến quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông, được loan báo là có 150 người đi. Quần đảo này (Trung Quốc gọi là Tây Sa) đã bị Bắc Kinh dùng võ lực cưỡng chiếm từ tay Việt Nam năm 1974, và từ đó đến nay không ngừng bày mưu tính kế để xác lập quyền kiểm soát của họ.

Việc tổ chức cho khách du lịch đến Hoàng Sa nằm trong mưu đồ đó. Thế nhưng, như báo chí Trung Quốc đã phải thú nhận, du lịch Hoàng Sa là một hành động chính trị, do đó hiệu năng kinh tế kém cỏi, khó thu hút được đông đảo du khách. Đấy chính là lời công nhận của giới tổ chức tour và các chuyên gia du lịch với nhật báo Anh ngữ Trung Quốc China Daily ngày 24/05/2013.
Du khách đến Hoàng Sa trên chiếc Coconut Princess, tàu du lịch duy nhất được phép đi đến quần đảo này, nằm cách Hải Nam 330 km về phía đông nam. Theo một cán bộ công ty du lịch Trung Quốc Ctrip : "Du lịch bằng tàu biển có lẽ là sự lựa chọn chính cho du khách muốn đến quần đảo Tây Sa, vì điều này cho phép giảm thiệt hại môi trường"
Hành trình dài năm ngày của công ty này có giá từ 7.000 nhân dân tệ (hơn 1100 đô la) đến 9.000 nhân dân tệ. Nhịp độ dự trù là một hoặc hai lần một tháng.
Lượng khách đăng ký du lịch Hoàng Sa nhìn chung không nhiều. Cán bộ công ty du lịch phân trần là sở dĩ khách không nhiều, đó chủ yếu là vì "đây là một sản phẩm mới". Tuy nhiên, một số cơ quan du lịch đã tỏ ý lo ngại về hiệu năng kinh tế bấp bênh của tuyến du lịch Hoàng Sa.
Một phát ngôn viên công ty Dịch vụ Lữ hành Thanh niên Trung Quốc ghi nhận là giá đi Hoàng Sa quá cao so với các tuyến đường đến Nhật Bản hay Hàn Quốc. Theo nhân vật này, trong trường hợp đi Hàn Quốc chẳng hạn, khách chỉ mất từ 3.000 đến 4.000 nhân dân tệ, hay là từ 6.000 đến 7.000 nhân dân tệ, nếu chọn buồng hạng nhất.
Một người khác, làm việc cho hãng Dịch vụ Lữ hành Quốc tế Ananda tại Hải Nam, chuyên trách bán vé cho các tuyến du lịch Hoàng Sa, đã ghi nhận nhiều lời than phiền từ số du khách đã đi chuyến đầu tiên. Họ cho rằng phương tiện sinh hoạt quá hạn chế.
Vì trên đảo không có bất kỳ một khách sạn nào, du khách phải ăn và ngủ trên tàu chứ không thể ở lại qua đêm trên đảo. Nước uống thì được vận chuyển từ Hải Nam đến bằng tàu tiếp liệu, còn điện sử dụng đến từ các máy phát điện diesel.
Theo nhân vật này : « Một vấn đề khác là chúng tôi không thể báo trước cho khách muốn tham quan Hoàng Sa là còn bao nhiêu chỗ trên tàu Coconut Princess, vì đây không phải là một tàu du lịch đơn thuần. Nó còn có nhiệm vụ chở công nhân đến Tây Sa (Hoàng Sa), và chính quyền địa phương có thể yêu cầu cơ quan du lịch giảm lượng du khách vào phút chót nếu có thêm nhiều công nhân cần phải đi đến các hòn đảo ».
Ngoài ra, không phải ai cũng có quyền đi du lịch đến Hoàng Sa. Chỉ có du khách người Trung Quốc (ở Lục địa) tuổi từ 18 đến 60, « sức khỏe tốt, trọng lượng bình thường, không có tiền sử bệnh tim hoặc huyết áp cao » là được phép đi Hoàng Sa. Người nước ngoài không được phép lên tàu.
Một nhà nghiên cứu tại Học viện Du lịch Trung Quốc thẩm định : « Một sản phẩm như thế không thích hợp chút nào với việc quảng cáo của một công ty du lịch ».
nguồn:http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130529-trung-quoc-du-lich-hoang-sa-khong-%E2%80%98de-nuot%E2%80%99
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001