Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Tô Hải - Đại biểu Quốc hội do Đảng cơ cấu đã có mòi... cựa quậy! 


Tô Hải

Dân Luận: Người dân Việt Nam cần phải cảm ơn cuộc chiến Ba Tư vì nhờ có nó mà chúng ta được chứng kiến rất nhiều điều vui, mà nếu bình thường chắc quốc hội sẽ chả nói ra. Cạnh tranh chính trị muôn năm! Công khai minh bạch hơn nữa là ngon :D
Quả là lắm lúc thấy cũng dzui dzui khi nhận ra mình vẫn sống nhăn răng (giả) ra để cười tủm, mỗi khi có chuyện với mấy ông bà nghị sỹ Việt LAM suốt 67 năm liền phải ra trò diễn xuất vừa qua!
Trừ cái khóa mang số xui, năm xui này (khóa 13 năm 2013), không khóa nào mà mình không có người thân hoặc đồng hương, đồng khóa, đồng nghiệp, đồng môn “bỗng dưng” được trở thành “đại biểu nhân dân” của một cái địa phương xa tít mù tắp chưa hề đặt chân tới bao giờ!
Lý do: Cái khóa 13 này chẳng còn mấy ai ở cái tuổi mình mà còn…ngắc ngoải cả!!! Ngỏm củ tỏi cả rồi. Nhưng kỷ niệm về họ khi giốc bầu tâm sự giữa những người cùng có ăn có học, cùng có cái đầu và trái tim giống nhau, cùng gác bỏ tất cả học hành, nhà cửa, tương lai no cơm ấm cật để đi tìm làm… cách mạng đánh nhau với Tây thực dân... giải phóng quê hương thì… càng nghĩ càng… kinh!
Vì: Không hiểu sức chịu đựng nào đã giúp họ hoàn thành lúc tròn vai, lúc thì im lặng cậy răng không nói một câu suốt thời gian sắm vai nghị sỹ quốc hội mà giấy trắng mực đen thì phóng lên là “quyền lực cao nhất nước” nhưng khi phát biểu câu nào đều đã có chỉ đạo của cơ quan siêu tối cao quy định! Nghĩa là: đã được chỉ định vào chân đại biểu của dân thì chỉ có: “Tôi hoàn toàn tán thành với ý kiến (hoặc báo cáo của đ/c X, Y, Z…. “Tuy nhiên” tôi thấy “chúng ta” đang còn những thiếu sót (hoặc bất cập) như sau… Mà khắc phục thì đường lối của Đảng đã chỉ rõ, chúng ta chắc chắn sẽ….thành cộng! Và cái mẫu: “Chúng tôi hoàn toàn tán thành….” Hoặc “hoàn toàn đồng ý” hoặc… “đánh giá cao”… “Tuy nhiên”… gần như là cái mẫu chung cho các vị đại biểu cho dân mỗi khi muốn tỏ vẻ “phát huy dân chủ” chốn nghị trường!
Trừ cái khóa đầu, mình có ông cậu Đoàn Phú Tứ trở thành ông nghị phản kháng đầu tiên chửi vào mặt tên Trần Dự Châu giữa bàn tiệc cưới xa hoa rồi … “dinh tê” thì… hầu hết các bạn bè mình, các khóa sau này đều… hoàn thành “vai diễn”… hoặc ăn nói có chỉ đạo nghiêm túc hoặc im lặng hơn cả hến, nghêu, sò hoặc tìm cách trốn biệt khi có cuộc họp thường kỳ. Đến nỗi Đảng phải cử người khác thay thế như trường hợp ông bạn D.N.Đ, người đạo diễn luôn chảy máu dạ dày đúng lúc ên đã được bà Th.H, cùng Ban chấp hành hội nghệ sỹ sân khấu tiếp quản… ghế!
Nhưng đáng nhớ nhất là ông bạn Huy Du, đại biểu QH đi đâu cũng cặp kè với ông Phó Chủ Tịch Quốc Hội Trần Độ (đồng hương)! Cả hai đều dân ắc ê cũng như mình nên mỗi lần vào Xè-Gòn đều mò đến nhà mình để được tự do phát huy tư tưởng… tiến bộ! Có đêm “cả 3 thằng” nghe chuyện tiêu cực của mấy ông đoảng viên có cỡ ở đất Sài Thành mà phát… khiếp!
Chỉ riêng cái chuyện ông Giám đốc Nhà Đất cũng có tên gì gì Hải đó…đã cho quân đi khắp nơi hợp thức hóa hàng ngàn ngôi nhà, villa trong một đêm, rồi lùi ngày ký quyết định để ra vẻ chuyện đã “lỡ bán” cho các đồng chí mình trước khi Trung Ương có chỉ thị ngừng việc bán nhà mà người tố khổ lại chính là một ông bác sỹ cách mạng được chiếu cố” mua nhà trong lúc trong túi chẳng có nổi một ngàn ăn phở!
Hàng tràng tiếng chẹc chec! Hàng chục câu chửi đổng và…càng hăng hái khi nghe thấy tên Hải này sắm đồ chơi tennis của hắn đến cả chục cây vàng!
Thế là…. Khi trở về Hà Nội (Chắc cũng có sự đồng tình của phó chủ tịch T.Đ). Giữa hội trường Huy Du ta quẳng ngay chềnh ềnh cái vụ mà HD gọi thẳng là…”tham ô tập thể” này ra sàn! Xì-căng-đan bô-li-tích đã bị ỉm lẹ đi ngay lập tức!
Và sau đó, Trần Độ ra sao thì cả thế giới đã biết! Riêng ông bạn HD thì nghỉ trò “diễn viên quốc hội” ngay sau đó. Thêm một trường hợp chỉ được cơ cấu có trần xì một khóa!
Sau đó, rút kinh nghiệm, ông Trọng Bằng có vài lần đứng lên phát biểu thì…đều phát huy cái…… bằng đại học sư phạm chính quy của mình ra để góp ý sửa… văn pham, tu từ…trong các văn bản trên đã soạn ra… Còn lại… dù 2, 3 bằng đại học, nghệ sỹ nhân dân, ưu tú … đều ít ai lên tiếng về tình hình văn chương nghệ thuật nước nhà….
Tóm lại: Quốc hội của đoảng không phải là nơi họp bàn về những chuyện hoa lá cành văn hóa - văn nghệ!
Và quả là thế: Lâu nay ít thấy có tiếng nói mấy ông đại diện cho các ngành văn hóa-văn nghệ đàn em (về tuổi tác) của mình xuất hiện ngay cả trên màn hình….
Và mình lại nhớ đến cái chiến thuật của Dương Ngọc Đức….Tại sao cứ để người ta cơ cấu mãi vào cái cơ quan bị mang đủ các thứ tiếng không mấy hay ho! Cứ thử lắc đầu không nhận hay “thà đi nằm bệnh viện còn hơn là đi họp quốc hội” xem ai đã làm gì ai nào?

ĐẠI BIỂU QH THỜI… SUY THOÁI…
Cho đến cái khóa 13 này, mình đã phải coi lại mình xem có quá ư bi quan, quá ư thất vọng về mấy ông đạị biểu cho dân do đảng chỉ định này không?
Và mình chợt nhận thấy :
1- Chính do có sự suy thoái đến thảm hại của “một bộ phận không nhỏ” các đảng viên, nhất là của những “cấp chỉ đạo” mà “một bộ phận rất nhỏ” các ông nghị, bà nghị đã có sự vùng lên hơi mạnh miệng chưa từng thấy!
2- Tất cả những gì “nói khác đi” đều là phát triển những gì các ông to, cực to hay tuyệt đỉnh to đã nói cả… Đại biểu chúng tôi chẳng qua chỉ phát triển ý của đ/c Y, đ/c X mà thôi!...
3- Cũng có thể (nếu đúng thế thì may mắn cho dân Việt vô cùng), Xin bộc bạch tất cả một lần… Lần sau em xin chừa không đóng vai nghị sỹ do Đảng chỉ định nữa! Chả ăn cái giải gì mà bị hàng triệu người khắp thế giới và trong nước chế diễu muôn đời vì bị xếp vào cùng một giỏ với Hoàng Hữu Phước, và… đồng bọn!
Như lần trước đã hứa: Do có nhiều thời giờ, do có nhiều…”can đảm“ đọc ”báo ta“ mình lại xin paste lên đây một số điều “mới mẻ” mà chính mình cũng không ngờ.
Các bạn trẻ ít có thời giờ lên mạng đọc báo, hoặc không có tiền mua báo hãy tin tớ! Đọc được lắm đấy! và cũng có le lói chút xíu hy vọng về những sự suy thoái đáng hoan nghênh của mấy vị đạị biểu nhân rân này:
Ngược với góc nhìn lạc quan của Chính phủ, báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu lại cho thấy một góc nhìn khác: Thực tế năm 2013 cho thấy nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn có mặt còn nghiêm trọng hơn so với năm trước.
Còn phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương (TP.HCM) gay gắt hơn, nói: “Tôi thấy báo cáo của Chính phủ rất sơ sài, không phân tích được nguyên nhân, cũng không thấy rõ ràng giải pháp. Trong một trang mà tôi đếm có tới 23 lần các từ “đẩy mạnh, tăng cường, tích cực”. Ta hô hào rất nhiều mà giải pháp cụ thể không được bao nhiêu”
“Tôi thấy những con số nêu trong báo cáo của Chính phủ hời hợt, không trung thực, không phản ánh được tình hình” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhận xét.
Ông Nghĩa phân tích: “Với những con số báo cáo đó, công luận không cảm nhận hết sự nghiêm trọng của tình hình. Thực chất, mô hình tăng trưởng của ta là mô hình dựa chủ yếu vào vốn, xem GDP là một thành tích để phấn đấu với nhau, khen thưởng với nhau. Cái mà ta xem là thành tích thì nhiều chuyên gia lại xem đó là chuyện trầm trọng. Chẳng hạn như xuất siêu. Trong vòng 1-2 năm xuất siêu tăng thì ta lại ca ngợi nhau, trong khi tình hình VN - một quốc gia cần phải nhập siêu đầu vào để sản xuất - thì bây giờ xuất siêu là bệnh đấy”.
Đánh giá báo cáo của chính phủ (do ông Phúc cắm đầu cắm cổ “đọc vội đọc vàng”)
Đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) nói thêm: “Trước kỳ họp, chúng tôi đi tiếp xúc cử tri thì nghe người dân rất xôn xao trước tình hình của đất nước. Nhưng khi nghe báo cáo đánh giá của Chính phủ thì mình lại thấy tình hình bình yên quá. Trong báo cáo, các khuyết điểm nói nghe rất đơn giản, nhẹ nhàng. Qua hành xử của một số bộ ngành không nghĩ đến trách nhiệm đã làm dân tình hoang mang. Tôi ví dụ như chuyện tham nhũng: mỗi lần báo cáo thì ta cứ nói tình hình tham nhũng chưa được đẩy lùi. Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri cũng thấy xấu hổ với cử tri khi chỉ có một câu mà phải lặp đi lặp lại quá nhiều lần như thế.
Tôi được tham gia Quốc hội từ đầu khóa tới giờ thì báo cáo nào cũng nói là đầu tư dàn trải. Nhưng với những cá nhân xử dụng ngân sách sai thì Quốc hội cũng chưa có đề nghị với Chính phủ kỷ luật ai. Đọc báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, tôi rất đau lòng vì khi tình hình hiện nay khó khăn mà sử dụng ngân sách thiếu trách nhiệm với dân quá. Mình cứ nói đã xài rồi, không quyết toán thì không được. Nhưng nói như vậy thấy băn khoăn với dân quá, có lỗi, thiếu sót với dân quá. Quốc hội phải xem xét kỹ và có những địa chỉ phải làm rõ trách nhiệm. Một điển hình tôi thấy là ở dự án xây dựng nhà tái định cư thủy điện Sơn La, giá trị đầu tư 60 tỉ đồng nhưng chỉ có sáu hộ dân vào ở. Sử dụng ngân sách như thế thì không thể chấp nhận được”..
Nói đến đây, bà Dung rưng rưng nước mắt.
Đây không phải là lần đầu tiên bà Dung phải rơi lệ trước Quốc hội, mới kỳ họp trước (ngày 1/11/2012), tại buổi thảo luận về việc tăng lương, bà Dung đã làm hội trường chết lặng khi bà bật khóc nhắc đến cuộc sống quá thiếu thốn của những bệnh nhân ở một trại phong bà vừa đến thăm.
Ở đó, hằng ngày, mỗi người bệnh chỉ được cấp 8.000 đồng cho hai bữa ăn. Nhưng trong lúc đó, ngân sách để lãng phí bởi nhiều khoản chi tốn kém, không cần thiết, thậm chí vượt chi tới cả nghìn tỷ đồng! Dù ngân sách khó khăn, vẫn phải cố gắng đảm bảo chính sách, đảm bảo công bằng xã hội”, bà Dung nói.
Đấy là đại biểu Dung mới chỉ đọc báo cáo, hoặc một lần thực tế tới một Trung tâm bảo trợ xã hội, chứ nếu bà đọc báo thường xuyên thì có lẽ nước mắt chả còn để mà khóc nữa. Khi hằng ngày trên mặt báo xuất hiện dày đặc các tin kinh tế khó khăn, từ tầm vĩ mô đến vi mô, nào là nợ công tăng, nợ xấu nhiều, doanh nghiệp thiếu vốn; Tập đoàn nhà nước làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất, nhưng lương lãnh đạo vẫn cao ngất; doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động, năm sau nhiều hơn năm trước, tháng sau cao hơn tháng trước; một chủ doanh nghiệp giết vợ con rồi tự tử; nợ nần, giết vợ con rồi treo cổ; công nhân buồn, đói, khóc vì không được tăng ca...
Về việc giảm chi tiêu công
Đại biểu Phạm Đức Châu nói: "Tôi không đồng tình với việc cắt giảm 10% như nêu trên. Bây giờ phải tiết kiệm chi tiêu công, mua sắm, đặc biệt là đi nước ngoài. Tôi xin nói có những hội nghị nếu cần thiết thì tổ chức, không thì thôi, chứ có những hội nghị mà chúng tôi ra đến Hà Nội chỉ một buổi, cả nước ra Hà Nội một buổi xong rồi về, lãng phí lắm. Chỉ cần tiết kiệm một vài hội nghị là thoải mái cho cái 10% kia”
Về việc nhà nước độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC:
Đại biểu Thúy cho rằng: "việc độc quyền thương hiệu vàng miếng khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ngày càng lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân nên cần sớm xem xét bỏ thương hiệu vàng miếng quốc gia SJC. Đồng tình quan điểm này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị không nên để ngân hàng độc quyền mà nên mở rộng: “Quốc hội đã có nghị quyết cố gắng giá vàng trong nước và thế giới tiếp cận nhau. Thế nhưng đến nay vẫn chênh nhau rất xa”. Đại biểu Trần Du Lịch cũng nhất trí không cần thiết phải có một thương hiệu vàng quốc gia mà để thị trường lựa chọn. Nhà nước chỉ quản lý về chất lượng chứ không quản lý thương hiệu"
Về việc thu chi ngân sách nhà nước (NSNN) thì:
Sau khi không được thỏa mãn về sự chính xác của những con số thống kê vô căn cứ, không ăn khớp, không phản ảnh thực tế ….thì nhiều vấn đề nổi cộm trong việc thu chi NSNN được các đại biểu đóng góp ý kiến. Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) chỉ ra rằng, một số lĩnh vực như giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, Chương trình mục tiêu quốc gia khá quan trọng của đất nước đã được Quốc hội ưu tiên phát triển nhằm đảm bảo an sinh xã hội, song việc chi NSNN năm 2011 cho các lĩnh vực này lại không đạt dự toán được giao. Đại biểu đề nghị cần nghiêm túc xét xem việc này.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) lại chỉ rõ một số “Không” còn tồn tại trong quá trình thu chi ngân sách, đó là: không đúng thời gian (chậm giải ngân); không phân bổ được vốn giao từ đầu năm; không đủ thủ tục; không đúng cơ cấu chương trình đã được Thủ tướng phê duyệt; không đúng đối tượng, mục tiêu; không sát thực tế dẫn đến không sử dụng được hoặc phải điều chỉnh, thay đổi nhiều lần... Những “không” này chính là miếng đất để lách, để có thể lợi dụng, sinh ra tiêu cực, tham nhũng. “Đây là điều chúng ta cần phải suy nghĩ để khi sử dụng ngân sách cho năm 2013, và những năm tiếp theo được tốt hơn” – đại biểu Hùng nhấn mạnh.
Riêng vấn đề sửa đổi hiến pháp, vấn đề cộm cán nhất trong kỳ họp này thì:
ông Dương Trung Quốc, người bị đánh giá “phản biện trung thành số 1”, do lần này chắc mẩm chẳng còn được tái (tái cơ cấu) đã nói toẹt ra:
Trong các bản Hiến pháp đã đề cập rất nhiều vấn đề liên quan đến quyền của người dân, trong đó có quyền dân thể hiện quyền phúc quyết của mình. Vậy nhưng ta vẫn cứ treo suốt 68 năm qua. Không phải chuyện gì xa lạ mà là những vấn đề rất gần mà ta đã nhiều lần đề cập.
Thứ nhất, quyền tự do hội họp và biểu tình như đã nêu ngay trong Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp nào cũng được nhắc tới. Rồi luật Biểu tình mà cho đến những kỳ họp gần đây nhất đã nhất trí soạn thảo, coi đó là công cụ quản lý xã hội và thể hiện quyền của người dân.
Thứ hai là quyền lập hội. Người dân phải có cơ hội và diễn đàn để thể hiện quyền của mình. Dự thảo luật về hội chúng ta cũng đã bàn thảo rất nhiều lần rồi. Sửa đi sửa lại không ít lần, mà giờ vẫn gác lại.
Thứ ba là trưng cầu dân ý, vấn đề phổ quát của toàn thế giới và trong tất cả các văn bản đều đề cập tới. Tôi đã có cơ hội cùng các nhà lãnh đạo đi khảo sát ở các nước, hình như cũng có cơ quan được phân công chủ trì xây dựng luật. Nhưng cho đến giờ vẫn chưa có công cụ ấy. Vậy người dân thể hiện ý nguyện của mình ở diễn đàn nào, định lượng như thế nào? Không có. Bất kỳ lúc nào ta cũng nói đến chuyện ý kiến nhân dân, nhưng toàn là chuyện nhân danh cả thôi…
(*) Xin chú ý – Các vị có ý kiến “hơi phản biện” đều dùng đại từ nhân xưng “Ta” hoặc “Chúng Ta” để cùng chịu trách nhiệm (hoặc kéo cả toàn dân mà họ đại diện vào cùng chịu trách nhiệm?) chứ không phải đứng ở một góc đối lập nào cả!
Vậy mà, ngay lập tức cái số “còn Đảng còn mình” đã bật lên phản công dữ dội và… nhao nhao lên những ý kiến bảo vệ bằng được “đường lối cực kỳ sáng suốt của đảng ta” ở Quác Hội
Hãy cắn răng, bịt mũi mà đọc nè:
(miễn đọc những gì thằng điên Hoàng hữu (vô) Phước, nghị sỹ ngoài đảng nhưng đảng tính còn hơn cả tổng bí thư ….để khỏi nôn ra computer mà chỉ lướt qua mấy lời phát ra từ những cái miệng không một xu trí não:

Đất nước Việt Nam hiện nay rất phát triển về kinh tế...

“Đồng tình với lập luận của ông Hoàng Hữu Phước, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa cho rằng thể chế chính trị Việt Nam đã xây dựng rất hoàn chỉnh. Đất nước Việt Nam hiện nay rất phát triển kể cả kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và vị thế ngoại giao. Nếu đưa Luật biểu tình vào trong thời điểm này là “chưa phù hợp và phải cân nhắc kỹ lưỡng”.

rất phát triển về kinh tế... nên làm gì có người nghèo...

Đại biểu Nghĩa cho rằng “chế độ xã hội chủ nghĩa dân chủ gấp vạn lần chế độ tư bản, có vấn đề gì chúng ta có Mặt trận, có HĐND, có chính quyền, vừa rồi có Luật khiếu nại, Luật tố cáo”. Đó là chưa kể vấn đề biểu tình có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia vì bị kẻ xấu lợi dụng. “Chúng ta nên tăng cường đối thoại trực tuyến, ví dụ những vấn đề gì nhạy cảm, bức xúc, tranh chấp đất đai hoặc tình hình biển Đông thì cứ đối thoại”, ông Nghĩa đề xuất.
Cũng bày tỏ sự đồng tình, đại biểu Nguyễn Thanh Tùng cho rằng dù trong Hiến pháp năm 1992 ghi công dân có quyền biểu tình theo pháp luật, nhưng chưa đến lúc phải xây dựng thành luật riêng. “Biểu tình có 2 mặt là ủng hộ và phản đối, nhưng thường người ta nói đến biểu tình là nói đến phản đối. Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta có Mặt trận, có khối đại đoàn kết toàn dân, vì sao chúng ta lại cho tổ chức biểu tình?”…

rất phát triển về kinh tế...nên làm gì có trường tre...
...vách đất như thế lày???

Đại biểu Tùng cho rằng tự do dân chủ không phải là biểu tình, cái chính là làm sao chăm lo phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. “Tôi cho cái đó mới là cơ bản, mới là cái đảm bảo tự do dân chủ, quyền dân chủ của nhân dân”, ông Tùng lập luận và đề nghị không nên vội vàng đưa luật này vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, nhất là khi Việt Nam đang sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.”

Xem ra cái “thiểu số” có lý này sẽ còn bị cái “đa số trung lý” kia át giọng khá lâu…
Tuy nhiên, vẫn cứ hoan nghênh sự cựa quậy bước đầu của mấy ông bà nghị “thoái hóa tích cực”! Biết đâu đấy chẳng có tác dụng thúc đẩy cho sự bãi nhiệm toàn bộ quốc hội của đảng ngay trong cái khóa 13 năm 2013 này?
Admin gửi hôm Thứ Sáu, 31/05/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130531/to-hai-dai-bieu-quoc-hoi-do-dang-co-cau-da-co-moi-cua-quay
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001