Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Trần Vinh Dự - Suy thoái kinh tế tấn công người nghèo nặng nhất 


Trần Vinh Dự

“Theo các chuyên gia kinh tế thì lạm phát cũng như suy thoái kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người nghèo” – đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐTBXH) Nguyễn Thanh Hòa tại phiên họp chiều 14/5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).


Phiên họp này của UBTVQH đặt trọng tâm vào việc xem xét báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội năm 2012 và 4 tháng đầu năm 2013. Theo báo cáo của Chính phủ, so với ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 vào cuối năm 2012, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 có thêm một chỉ tiêu hoàn thành vượt mức là mức giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Cụ thể, chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm được quyết định cho năm vừa qua là 2%, số báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 là 1,76% và số thực hiện cả năm là 2,16%. Đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo đã giảm 7% (số đã báo cáo Quốc hội là 4%). Như vậy, nếu như theo số liệu hồi cuối năm 2012 thì chỉ tiêu giảm nghèo không đạt, nhưng số liệu được công bố trong báo cáo mới của chính phủ là 2,16% thì lại cao hơn chỉ tiêu đề ra là 2%. Nói cách khác việc giảm nghèo đã được thực hiện tốt hơn mục tiêu đề ra cho năm 2012.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế đang ngày càng diễn biến xấu đi, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình sản xuất trong nông thôn được đánh giá là còn chậm, hiệu quả thấp, chưa thực sự tạo được sự chuyển biến trong đời sống của người dân nông thôn, thì kết quả giảm nghèo ngoạn mục mà Chính phủ báo cáo có vẻ như mâu thuẫn.

Theo Thứ trưởng Hòa thì những năm qua ngân sách gặp khó khăn nhưng nhìn chung các dự án, chương trình mục tiêu giảm nghèo đều được quan tâm bố trí kinh phí tương đối đảm bảo theo yêu cầu. Bên cạnh đó là các chính sách trợ giúp người nghèo mấy năm vừa qua đến thời điểm gần đây đã phát huy nhiều tác dụng hơn.
Ông cũng cho rằng mặc dù có khó khăn về kinh tế nhưng “theo các chuyên gia kinh tế thì lạm phát cũng như suy thoái kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người nghèo”.

Số liệu và cách tính

Làm thế nào để xác định hộ nghèo và hộ không nghèo? Theo quyết định 09/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì chuẩn để xác định hộ nghèo là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống ở các vùng nông thôn, từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống ở các vùng thành thị.

Tiêu chí là vậy, nhưng làm thế nào để xác định được thu nhập bình quân đầu người của một hộ gia đình là bao nhiêu? Khác với các nước phát triển, nơi câu chuyện thu nhập tương đối minh bạch, Việt Nam là nơi việc xác định mức thu nhập cực kỳ khó khăn. Theo hướng dẫn của Bộ LĐTBXH (văn bản số 3461/LĐ-TBXH), phương pháp xác định hộ nghèo ở Việt Nam kết hợp phương pháp “nhận dạng nhanh” và phương pháp “đánh giá có sự tham gia của người dân”.

Thế nào là nhận dạng nhanh? Điều tra viên sẽ quan sát và tự quyết định hộ nào có thể được xếp vào hộ nghèo. Điều tra viên sẽ xem xét tình trạng tài sản của hộ gia đình thông qua số lượng và chấm điểm tài sản. Nếu có số điểm lớn hơn hoặc bằng số điểm quy định, thuộc diện hộ không nghèo, thì không cần điều tra thu nhập. Nếu tài sản hộ gia đình có số điểm nhỏ hơn điểm quy định thì điều tra viên mới tiến hành điều tra thu nhập của hộ gia đình để xem có thực sự nghèo thật hay không.

Thế nào là “đánh giá có sự tham gia của người dân”? Cũng theo hướng dẫn tại văn bản số 3461/LĐ-TBXH thì việc xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo phải có sự tham gia đánh giá, bình xét của người dân tại một hội nghị bình xét tổ chức ở thôn/ấp, tổ dân cư. Những hội nghị như vậy phải có trên 50% đại diện hộ gia đình tham dự. Hội nghị sẽ lấy ý kiến biểu quyết đối với từng hộ. Kết quả biểu quyết phải có trên 50% số người tham dự đồng ý mới đưa vào danh sách hộ nghèo.

Khi các địa phương tổ chức điều tra và bình chọn hộ nghèo, không có sự giám sát độc lập của cơ quan tổ chức nào của trung ương hoặc của các tổ chức phi chính phủ. Các địa phương sẽ được coi là có thành tích tốt nếu giảm được nhiều số hộ nghèo hơn so với chỉ tiêu được đặt ra. Vì thế, dễ hiểu là bệnh chạy theo thành tích là việc khó tránh khỏi. Đó là chưa kể nhiều khi xảy ra trường hợp đúng là nghèo nhưng không được đưa vào danh sách nghèo, và không nghèo nhưng vẫn được đưa vào danh sách nghèo để được hưởng các ưu đãi từ chính sách.

Các cơ quan trung ương như Bộ LĐTBXH phải dựa vào các báo cáo từ địa phương. Như giải thích của Thứ trưởng Hòa trước Hội nghị của UBTVQH là “tỷ lệ hộ nghèo được báo cáo từ địa phương lên”. Việc báo cáo một chiều này tất nhiên sẽ dẫn tới sự lúng túng của trung ương khi gặp phải tình trạng kinh tế thì đang đi xuống mà người nghèo lại giàu có lên.

Khủng hoảng kinh tế và người nghèo

Khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng đến đối tượng dân cư nào nhất? Về con số tuyệt đối (tức là số thu nhập bị mất đi) thì các chủ doanh nghiệp, những người làm ăn lớn, là những người bị mất nhiều tiền nhất. Một ngày thị trường chứng khoán sụp đổ có thể kéo theo giá trị tài sản của một tỷ phú USD của Mỹ bốc hơi đến con số hàng tỷ USD, giống như trường hợp của Warren Buffett hay Carl Icahn trong giai đoạn cuối năm 2008 đầu năm 2009. Không có người nghèo nào có số tiền lớn như vậy để mất.
Về mặt tương đối, người lao động nghèo thường mất nhiều hơn. Lý do là người lao động nghèo thường chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất là tiền lương/tiền công lao động. Khủng hoảng kinh tế bao giờ cũng kéo theo việc sa thải lao động. Những người mất việc làm sẽ là những người mất đi nguồn sống duy nhất của mình và gia đình là tiền lương và sẽ bị đẩy vào hoàn cảnh nguy hiểm sống còn.


Nguồn: GSO và các nghị định của Chính phủ về lương tối thiểu

Đương nhiên có những bộ phận công chúng không bị ảnh hưởng nhiều do tình trạng mất công ăn việc làm. Đó là những người không bị sa thải, những người không có việc làm từ khi trước khi khủng hoảng nổ ra, hoặc những người sống tự cấp tự túc. Rõ ràng, ở Việt Nam có các bộ phận dân cư vùng sâu vùng xa, nơi mà cuộc sống của họ chủ yếu tự cấp tự túc (thí dụ những người du canh du cư) và không có sự xuất hiện đáng kể của tiền đồng trong đời sống của họ. Đối với những người này, không phải khủng hoảng kinh tế, mà là các suy thoái về môi trường, mới là mối nguy đối với họ.

Trong trường hợp của Việt Nam, cơn khủng hoảng hiện nay không chỉ liên quan đến công ăn việc làm mà còn liên quan đến sức mua của đồng tiền. Lạm phát chính là sát thủ vô hình và là mối nguy khủng khiếp đối với người thu nhập thấp. Lấy thí dụ trường hợp những người nhận lương tối thiểu (và không mất việc làm). Nếu lấy mức lương của năm 2000 làm mốc (chỉ số =100), thì năm 2006 lương của họ sau khi đã điều chỉnh mức độ trượt giá của đồng tiền bằng 185,3 – cao gần gấp đôi sau 06 năm. Thế nhưng từ năm 2006 trở lại đây thì họ hầu như không được hưởng lợi gì từ sự tăng trưởng GDP do tốc độ trượt giá cao hơn tốc độ tăng lương trong nhiều năm. Có năm thu nhập thực tế của họ còn giảm, thí dụ năm 2007 và 2008 đều giảm liên tục so với mức của năm 2006. Đến năm 2009, lương tối thiểu được tăng lên đáng kể và làm cho thu nhập thực tế của họ quay lại mức cao hơn năm 2006 một chút nhưng sau đó lại tụt đi vào năm 2011. Đến năm 2012, lương tối thiểu danh nghĩa được tăng lên và làm cho thu nhập thực tế của họ quay lại mức năm 2006 với một chút tăng nhẹ không đáng kể.

Nhưng đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng. Người nghèo bị ảnh hưởng nhiều hơn so với người giàu khi CPI tăng vì phần lớn, nếu không phải là tất cả, thu nhập của người nghèo là dùng để tiêu dùng hàng ngày. Người nghèo là những người không có tài sản đáng kể. Thu nhập của họ là để phục vụ tiêu dùng hàng ngày. Còn CPI, hay là chỉ số giá tiêu dùng, vẫn được dùng làm thước đo lạm phát.

Điều đó có nghĩa gì? Thí dụ một người giàu có 100 đồng, trong đó chỉ dùng 10 đồng để tiêu dùng, còn lại 90 đồng là để mua tài sản khác. Một người nghèo khác thu nhập 5 đồng và dùng cả 5 đồng để tiêu dùng. Trong nhiều giai đoạn, giá các tài sản khác không tăng bằng giá hàng tiêu dùng, thậm chí còn giảm đi tuyệt đối. Điển hình là trong giai đoạn vừa qua giá bất động sản hầu như không tăng (khi tính bằng VND) trong khi CPI tăng mạnh.

Người nghèo phải dùng hết thu nhập của mình cho hàng tiêu dùng, vì thế họ là người “chịu trận” nhiều nhất từ cơn bão CPI. Trong khi đó, người giàu chỉ dùng một phần thu nhập của mình cho hàng tiêu dùng, còn lại có thể mua sắm các tài sản không bị ảnh hưởng (nhiều) của việc tăng CPI. Nói cách khác, người giàu bị ảnh hưởng ít hơn từ cơn bão CPI.

Người nghèo cần được bảo vệ trong khủng hoảng

Vì lẽ trên, người nghèo là những người dễ bị tổn thương nhất từ khủng hoảng kinh tế và lạm phát. Đó là lý do các chính phủ cần phải có các chính sách hỗ trợ người nghèo để họ trụ vững trong các cơn bão này, thí dụ chính sách về phát không tem lương thực, trợ cấp thất nghiệp, các chương trình tạo công ăn việc làm… Việt Nam cũng đang hoàn thiện dần các chính sách hỗ trợ người thu nhập thấp, bao gồm cả chính sách về trợ cấp thất nghiệp, tạo công ăn việc làm, và sắp tới đây là hỗ trợ mua nhà.

Đây là những sự thật hiển nhiên. Không có chuyện các chuyên gia kinh tế cho rằng lạm phát cũng như suy thoái kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người nghèo như lời Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa khẳng định tại hội nghị UBTVQH vừa qua. Phát biểu này của Thứ trưởng Hòa không có cơ sở lý thuyết và càng không có cơ sở thực tiễn. Nó cũng khoác lên vai của những người được coi là chuyên gia kinh tế một oan án mà họ không bao giờ làm. Vì thế điều này cần phải được cải chính lại.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/05/tran-vinh-du-suy-thoai-kinh-te-tan-cong.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001