Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Nguyễn Hưng Quốc - Internet và xã hội dân sự

Nguyễn Hưng Quốc - Internet và xã hội dân sự 

   at 9/27/2013 11:52:00 AM

Nguyễn Hưng Quốc

Internet và thế giới mạng nói chung mang lại rất nhiều thay đổi cho nhân loại trên rất nhiều phương diện, từ kinh tế đến xã hội, văn hoá, giáo dục và chính trị. Nhiều người cho đó là một trong những phát minh lớn nhất trong lịch sử, ngang hàng với việc phát minh ra lửa, toilet, chữ viết và máy in trước đây. 


Về phương diện xã hội, hai trong số những thay đổi có ý nghĩa nhất mà internet mang lại là: Một, xóa nhòa những khoảng cách không gian để con người, từ những địa điểm cách nhau rất xa, không phải từ địa phương này đến địa phương khác mà còn từ lục địa này đến lục địa khác, có thể liên lạc với nhau một cách dễ dàng và nhanh chóng, hầu như ngay tức khắc, khiến thế giới như nhỏ lại, nói theo chữ của Marshall McLuhan, thành một cái làng, làng-toàn-cầu (global village). Hai, nó cũng làm thay đổi quan hệ giữa con người với nhau.

Thấy điều đó rõ nhất là trên facebook, một mạng lưới kết bạn trên mạng. Nhiều người có cả hàng ngàn bạn. Hình như chưa bao giờ nhân loại có nhiều bạn như vậy. Xưa, tình bạn gắn liền với không gian: bạn cùng xóm, cùng làng, cùng lớp, cùng chỗ làm. Ở cùng một không gian như vậy, tình bạn còn cần thời gian để bồi đắp, làm cho bền chặt. Bây giờ thì khác. Trong những người gọi là bạn trên facebook, có những người ở rất xa nhau, hơn nữa, chưa bao giờ gặp mặt nhau. Cơ sở để hình thành tình bạn ở đây chỉ là một sở thích chung nào đó. Vậy thôi.

Trên blog, người ta cũng hình thành một thứ quan hệ như vậy. Giống facebook, blog nối kết vô số người, có khi rất xa nhau, lại với nhau. Trong khi facebook nối kết mọi người lại với nhau theo kỷ niệm (đồng hương hay cùng trường…) hoặc sở thích, blog nối kết mọi người trên những sự quan tâm chung: hoặc về văn học hoặc về giải trí hoặc về kinh tế, xã hội và chính trị. Blog thu hút sự chú ý của nhiều người nhất hầu như bao giờ cũng là về chính trị. Nếu facebook nặng về cảm tính, blog thường nặng về nhận thức. Nhưng cả hai đều cung cấp một không gian rộng rãi cho những sự tương tác: người ta không những đọc nhau mà còn trao đổi với nhau.

Là nơi gặp gỡ và tương tác, cả facebook lẫn blog, cũng như internet nói chung, là cơ sở tốt để hình thành và phát triển xã hội dân sự. Trước hết, chúng giúp người ta thoát khỏi các mối quan hệ truyền thống quen thuộc: trong gia đình (dựa trên huyết thống), ở chỗ làm (dựa trên quan hệ lợi nhuận) và trong chính trị (dựa trên quan hệ quyền lực). Sau đó, nó giúp người ta xây dựng một thứ quan hệ khác chỉ thuần dựa trên sự quan tâm chung đối với một lãnh vực hay một vấn đề nào đó: Đó là thứ quan hệ cần thiết cho sự nảy nở của xã hội dân sự.

Nhìn hình ảnh nhiều người suốt ngày ru rú trong phòng, ôm laptop, nhìn trên màn hình và đánh đánh gõ gõ trên bàn phím liên tục từ giờ này sang giờ khác, một số nhà bình luận xã hội bi quan cho internet đang phá huỷ các quan hệ bình thường trong đời sống gia đình, tạo thành những kẻ theo chủ nghĩa cá nhân cô lập, không còn biết gì đến đời sống chung quanh. Tuy nhiên, nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, với internet, chỉ có hình thức quan hệ xã hội thay đổi nhưng bản chất vẫn là một: thay vì ngồi chuyện trò mặt đối mặt với thân nhân và bạn bè, người ta giao tiếp với nhau một cách khác. Trong một không gian khác: không gian ảo. Phạm vi giao tiếp ấy còn rộng rãi hơn hẳn các phạm vi quan hệ cũ. Với những người bạn ở xa. Những người bạn chưa bao giờ gặp mặt. Trong hình thức giao tiếp mới này, một mặt, người ta có thể nói về mình nhiều hơn, khoe khoang nhiều hơn, nhưng mặt khác, người ta cũng cởi mở và thành thực hơn.

Theo một cuộc điều tra do trường đại học ANU tại Úc thực hiện, phần lớn những người thường xuyên truy cập internet quan tâm đến chính trị và hay phát biểu về chính trị hơn hẳn những người khác. Có lẽ điều này cũng có thể thấy được trong cộng đồng người Việt. Trước, khi gặp gỡ bạn bè hay người quen, tôi ít khi nghe đến chuyện chính trị. Sau này thì khác. Hầu như lúc nào gặp nhau cũng bàn tán sôi nổi về các vấn đề chính trị. Đề tài thường là các vấn đề được ai đó đề cập trên facebook hay blog. Nhiều người không hề có facebook (như tôi, chẳng hạn) và cũng hiếm khi vào các blog, vẫn có thể theo dõi được các bài viết về thời sự chính trị chủ yếu qua email do bạn bè hoặc một tổ chức chính trị hoặc xã hội nào đó chuyển.

Có thể nói internet, một mặt, giúp người ta tự bộc lộ mình nhiều hơn, mặt khác, cũng giúp người ta theo dõi các sự kiện và các vấn đề nổi bật trong đời sống chung quanh hơn. Cả hai khía cạnh ấy dẫn đến hai khía cạnh khác: sự quan tâm và sự tương tác. Cả sự quan tâm lẫn sự tương tác đều là những hiện tượng bình thường. Nhưng khi sự tương tác dựa trên những sự quan tâm chung thì nó lại là một hiện tượng đặc biệt: Nó nối kết mọi người thành một cộng đồng. Bởi vì cộng đồng ấy hiện hữu trên internet, người ta gọi đó là một “cộng đồng ảo” (virtual community).

Vấn đề là: cộng đồng ảo ấy có giống với cộng đồng thật vốn có tính địa lý, gắn liền với một không gian nhất định nào đó như những gì chúng ta vẫn thường kinh nghiệm từ trước đến nay hay không. Dĩ nhiên hai loại cộng đồng ấy không giống nhau hẳn. Quan hệ trong không gian ảo đương nhiên là hạn chế và không thể sâu đậm bằng trong không gian thật. Nhưng sự khác biệt ở đây chỉ là ở mức độ chứ không phải trong bản chất. Trên không gian mạng, người ta có thể không gần gũi với nhau hoàn toàn, nhưng người ta lại gặp gỡ nhau ở một trọng điểm: sở thích và sự quan tâm chung. Mọi sự tương tác đều xoay quanh cái trục sở thích và quan tâm ấy.

Một kiểu tương tác như vậy chính là một trong những yếu tính của xã hội dân sự, một “không gian thứ ba” (giữa thương mại và chính trị, quyền lợi và quyền lực), nơi người ta tự nguyện đến với nhau, hình thành nên một cộng đồng, với những phạm vi khác nhau, cùng theo đuổi một mục tiêu chung nào đó. Khi tương tác như vậy, người ta dần dần tập luyện thói quen chia sẻ, tranh luận, đàm phán và ở mức độ nào đó, sự thỏa hiệp với người khác: Tất cả cũng đều là những yếu tố căn bản của xã hội dân sự.

Trong cách nhìn như thế, internet vừa là môi trường để hình thành, hơn nữa, thực hành xã hội dân sự vừa là nơi tập huấn để chuẩn bị cho một xã hội dân sự trong tương lai. Dĩ nhiên, trong không gian ảo, hình thức xã hội dân sự châu tuần chung quanh facebook, blog hay internet nói chung vẫn chưa hoàn hảo. Ở đó, người ta có quyền tham gia nhưng lại không có quyền quyết định bất cứ điều gì cả. Thiếu quyền quyết định mọi sự tham gia đều nửa vời: người ta vẫn là những kẻ ở ngoài.

Tư cách những kẻ ngoại cuộc ấy không hoàn toàn bất lợi: Nó tách người ta ra khỏi chính mạch và chính thống, ở đó, mọi phát biểu đều có tính phê phán, và kết quả cuối cùng là nó hình thành một thứ đối-tự sự (counternarrative), tức một hoặc những câu chuyện khác về cái xã hội người ta đang sống.

Khái niệm đối-tự sự còn khá mới trong học thuật. Trước hết, xin nói về chữ “tự sự” (narrative). Trên báo chí Việt Nam, thỉnh thoảng tôi bắt gặp một số người dùng chữ “tự sự” như tự kể, tự nói về mình. Không phải. Tự sự chỉ là câu chuyện (story) bao gồm nhiều sự kiện hay biến cố được kết hợp với nhau theo trật tự tuyến tính. Định nghĩa ấy đã có từ lâu, đặc biệt trong văn học và lý thuyết văn học. Điều mới là: từ mấy chục năm nay, giới nghiên cứu càng ngày càng nhận ra tầm quan trọng đặc biệt của tự sự trong đời sống xã hội, văn hóa và chính trị của loài người. Một trong những hình thức giao tiếp hàng ngày của chúng ta là tự sự: kể chuyện. Bản sắc của chúng ta, từ bản sắc cá nhân đến bản sắc cộng đồng và bản sắc dân tộc, cũng là một hình thức tự sự: Đó là những câu chuyện người ta tạo dựng về mình cũng như về tập thể của mình. Nền tảng của mọi cuộc vận động chính trị cũng là tự sự: qua những câu chuyện về độc lập, tự do, bình đẳng hay phát triển, chẳng hạn, người ta vẽ nên hình ảnh của tương lai để kích thích trí tưởng tượng tập thể (collective imagination) và thu hút sự chú ý cũng như sự ủng hộ của quần chúng.

Chính quyền nào, từ độc tài đến dân chủ, cũng đều cố tìm mọi cách để xây dựng nên những tự sự cho mình như thế. Sự khác biệt giữa dân chủ và độc tài là: dưới chế độ dân chủ, các tự sự ấy vừa hợp lý vừa khả thi; dưới chế độ độc tài, chúng chỉ là những sự dối trá và chỉ nhằm mục đích duy nhất là lừa bịp. Đối diện với những sự dối trá và lừa bịp ấy, sự hiện diện của các đối-tự sự là điều vô cùng cần thiết: Chúng kể những câu chuyện khác, vạch trần ra những sự thật khác và hướng trí tưởng tượng tập thể của dân chúng vào những vấn đề khác.

Để cho dễ hiểu, cứ thử đọc các trang báo “lề phải” rồi đọc sang các trang báo “lề trái” thì rõ: Chúng ta sẽ thấy những câu chuyện khác hẳn nhau: Một bên là những câu chuyện nhảm nhí dùng để che giấu những câu chuyện thật đang làm ruỗng nát xã hội và một bên là những câu chuyện khiến người ta phải lo lắng, phẫn nộ, nhức nhối, dằn vặt.

Mâu thuẫn chính ở Việt Nam hiện nay, nghĩ cho cùng, chính là mâu thuẫn giữa hai loại tự sự ấy. Vai trò của một xã hội dân sự trên mạng chủ yếu là để mọi người tham gia, thảo luận và biến cái đối-tự sự ấy thành một thứ đối-quyền lực (counterpower) trên trận địa ý tưởng.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/09/nguyen-hung-quoc-internet-va-xa-hoi-dan.html
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001