Phạm Chí Dũng - Thống kê Trung Quốc: Hai mặt của sân khấu kinh kịch
Phạm Chí Dũng
Chỉ dấu co thắt
Khi muốn che giấu một vết xấu trên thân thể, người ta phải tìm cách che đậy nó. Trung Quốc luôn là một cá tính đầy sĩ diện như thế, bất chấp nhà phản biện kinh tế Lang Hàm Bình của Trường đại học Hồng Kông luôn cho rằng nhiều số liệu của Trung Quốc, từ GDP đến tỷ lệ lạm phát, đều là “giả”.
Vào cuối tháng 8/2013, Tổng cục Thống kê Trung Quốc đã đột ngột tuyên bố tạm ngừng vô thời hạn việc cung cấp các số liệu cụ thể của chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI). Lý do được đưa ra rất đơn giản: cơ quan này không thể đảm bảo chắc chắn tất cả các dữ liệu công nghiệp có thể đáp ứng yêu cầu về tính chính xác - theo một quan chức của Tổng cục Thống kê là Sheng Laiyun.
Về khái niệm, PMI là một chỉ báo cho phép đánh giá triển vọng của một nền kinh tế nói chung, đặc biệt là tỷ lệ tăng trưởng GDP. Nếu cao hơn 50, PMI đưa ra một dự báo lạc quan, còn nếu dưới 50, thì đây là chỉ dấu cho thấy viễn cảnh co thắt của lĩnh vực sản xuất chế biến.
Bắt đầu từ quý 3 năm ngoái, ngân hàng Anh quốc HSBC đã không còn giữ được cái nhìn lạc quan đối với nền kinh tế Trung Quốc. Một đánh giá của HSBC cho thấy PMI Trung Quốc chỉ là 47,7 vào tháng 7/2013, sụt 0,5 so với tháng 6/2013 và trở thành mức thấp nhất kể từ tháng 8/2012.
Nhưng đến đầu tháng 8/2013, Trung Quốc lại đột ngột tung ra một con số bất ngờ về PMI. Theo tính toán của chính phủ nước này, PMI của tháng 7 là 50,3, tăng so với mức 50,1 của tháng trước.
Ngay lập tức, các chuyên gia ngân hàng Úc ANZ nghi ngờ rằng Bắc Kinh thổi phồng chỉ số PMI để trấn an giới đầu tư. Bởi một thực tế không thể phủ nhận là tỷ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2013 đã thực giảm, từ 7,7% trong quý 1 xuống còn 7,5%, vào quý 2. Tỷ lệ tăng trưởng quý 3 dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống mức 7,4%, và tỷ lệ tăng trưởng toàn năm 2013 dự báo sẽ còn thấp hơn nữa.
Khuất lấp
Thái độ khuất lấp của Chính phủ Trung Quốc về những chỉ số thống kê chủ chốt cũng khiến người ta nhớ lại một sự kiện khá ấn tượng: tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao vào quý 1 năm 2013, một quan chức về hưu của Trung Quốc là Hạng Hoài Thành đã bất ngờ công khai hóa nhận định của ông này về thực trạng nợ của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc.
Theo ông Hạng, con số nợ như thế có thể vượt quá 20.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 3.200 tỷ USD), tức cao gấp đôi số liệu được Kiểm toán nhà nước Trung Quốc công bố trong một báo cáo vào năm 2011.
Rất đáng chú ý, Hạng không phải là một phản biện gia độc lập, mà là cựu Bộ trưởng Tài chính của Trung Quốc từ năm 1998 đến 2013. Tức ông mới về hưu vào đầu năm nay.
Cần nhắc lại, vào năm 2011 đã xuất hiện những đánh giá đầu tiên và khá rõ ràng về tình hình nợ trong nội tình Trung Quốc. Khác với thời kỳ hoàng kim 2006-2007 tại đất nước này, những tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế như Moody’s và Fitch Rating đã có cái nhìn khác hơn về kinh tế Trung Quốc. Theo Moody’s, tuy Trung Quốc đã phải công bố số nợ của các chính quyền địa phương là 1.650 tỷ USD, nhưng số liệu này còn thấp hơn ít nhất 500 tỷ USD so với thực tế.
Thậm chí còn có số liệu về món nợ lên đến 3.000 tỷ USD, tức tương đương với toàn bộ dự trữ ngoại hối của quốc gia này. Cùng lúc, số nợ nước ngoài của chính quyền trung ương cũng lên tới 2.000 tỷ USD.
Hoặc, người ta có thể nghĩ gì nếu so sánh con số công bố của Ngân hàng trung ương về nợ của chính quyền địa phương vào khoảng 1.650 tỷ USD, trong khi theo Credit Suisse - một hãng phân tích tín nhiệm độc lập của Thụy Sỹ, con số này lên đến 2.200 tỷ USD?
Theo Lang Hàm Bình, khả năng trả nợ của các chính quyền địa phương cho Ngân hàng trung ương là gần như vô vọng.
Một phản biện gia khác, giáo sư quốc tịch Mỹ Bùi Mẫn Hân chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, đã cho rằng nếu tính cả nợ của chính quyền địa phương và chi phí tái cấp vốn cho ngân hàng quốc doanh cũng như trái phiếu mà các ngân hàng này phát hành bên cạnh trái phiếu đường sắt, tổng số nợ của Trung Quốc phải chiếm đến 70-80% GDP của quốc gia này.
Mặt thật kinh kịch
Nouriel Roubini, một trong những chuyên gia hàng đầu trên thế giới phổ biến “học thuyết khủng hoảng”, vẫn luôn cho rằng Trung Quốc là một trong những nhân tố nguy biến có thể đẩy kinh tế thế giới xuống vực thẳm. Quan điểm đó được bảo lưu ngay cả khi Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc phát đi số liệu về mức tăng GDP 7,9% và tăng trưởng xuất khẩu 14,1% vào tháng 12/2012, nhằm chứng tỏ sự phục hồi trở lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong khi GDP của Mỹ cao gấp 2,5 lần so với Trung Quốc, lượng tiền mà Trung Quốc in ra lại cao hơn 30% so với Mỹ.
Trong thực tế, đã chưa có gì gọi là phục hồi. Ngoài việc giá bất động sản tại ít nhất hai chục thành phố lớn của Trung Quốc một lần nữa được các nhóm đầu cơ đẩy lên trong gần một năm qua, hoạt động thu nợ của Ngân hàng trung ương từ các chính quyền địa phương vẫn hầu như giẫm chân tại chỗ.
Cho dù ngân khố có dồi dào tiền mặt đến đâu, Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng không thể mãi in tiền để bù đắp cho các khoản chi phí tăng vọt và đồng thời kích thích lạm phát quay trở lại.
Từ nhiều năm qua, sự khác biệt giữa con số thống kê chính thức với thực tế vẫn luôn là một vệt mờ trong tính minh bạch của nền kinh tế Trung Quốc. Trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường và Trung Quốc không phải chịu nhiều áp lực, vệt mờ này có thể chỉ nằm ở một góc nhỏ nào đó trong bức tranh kinh tế tổng thể. Nhưng nếu nền kinh tế bắt đầu xuất hiện những nhược điểm tồi tệ, vệt mờ đó rất có thể sẽ nhanh chóng trở thành một đám mây mờ có thể che lấp cả mặt trời Trung Quốc và góp thêm một yếu tố tiêu cực làm cho nền kinh tế mau chóng bị rơi vào tình trạng mất thăng bằng hơn.
Trong những con số thống kê chính thức của chính quyền Trung Quốc, sự không thật luôn được che giấu một cách lộ liễu từ nhiều năm nay, đã khiến nền kinh tế và cả xã hội bị phủ lên một lớp sơn hào nhoáng, bên trên sự ruỗng mục đang dần phát triển.
Thái độ bất nhất của cơ quan thống kê Trung Quốc trong việc phát ra và thu lại chỉ số PMI là một chỉ dấu cho thấy đang có những vấn đề lớn khó có khả năng được giải quyết trong nội tại kinh tế Trung Quốc. Cần nhắc lại, trước cơn khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997, tỷ lệ nợ xấu bất động sản ở Thái Lan chỉ được thống kê có 5%; nhưng khi cuộc khủng hoảng này nổ ra, tỷ lệ đó đã vọt lên gấp 10 lần số báo cáo: 50%!
Người Trung Hoa xưa đã từng có một nền văn hóa đặc trưng là sân khấu kinh kịch. Nhưng rất có thể những gì mà một nền chính trị giả tạo đang tạo ra đã làm nên những đặc thù thời đại có tính kịch nghệ vượt bậc so với dĩ vãng. Thái độ giả dối luôn làm bức bối chiếc mặt nạ được dùng trên sân khấu, để có thể không bao lâu nữa, khi mặt nạ kinh kịch rớt xuống, khán giả sẽ có dịp chiêm ngưỡng bộ mặt thật của một thể chế kinh tế lớn thứ hai của thế giới là như thế nào.
Tình cảnh nền kinh tế Trung Quốc lại có nhiều điểm giống với Việt Nam: ngân hàng ngập trong nợ xấu, bất động sản đóng băng, các con số thống kê từ nợ công đến các chỉ số khác đều rất thiếu độ tin cậy. Không chỉ vậy, hai nền kinh tế còn có liên quan chặt chẽ, nên khi “cơn khủng hoảng Trung Quốc” đang đến gần theo dự đoán của Nouriel Roubini, tương lai của Việt Nam cũng không thể sáng sủa hơn.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Admin gửi hôm Thứ Năm, 12/09/2013
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130912/pham-chi-dung-thong-ke-trung-quoc-hai-mat-cua-san-khau-kinh-kich
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001