Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

SAU 01 NĂM, UB THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI ĐÃ BÀN ĐẾN Ý KIẾN CỦA LS. TRẦN VŨ HẢI

SAU 01 NĂM, UB THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI ĐÃ BÀN ĐẾN Ý KIẾN CỦA LS. TRẦN VŨ HẢI 




Lời dẫn của Lâm Khang chủ nhân:

Hôm nay (9.9.2013), tại cuộc họp của UB thường vụ Quốc hội, UB Quốc phòng - An ninh QH nhận định luật Sĩ quan quân đội hiện hành quy định chưa phù hợp về thẩm quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng trong việc phong, thăng quân hàm cấp tướng.

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng, trao đổi trước UB Thường vụ QH rằng "dứt khoát chỉ có Chủ tịch nước có thẩm quyền phong, thăng quân hàm cấp tướng". 

Như vậy, sau tròn 01,  UB Thường vụ Quốc hội mới bàn đến ý kiến đề xuất của Luật sư Trần Vũ Hải. Rất hoan nghênh Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và xin đăng tải lại ý kiến của LS. Hải cách đây một năm:

LUẬT SĨ QUAN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN TRÁI HIẾN PHÁP? HAY THIẾU TƯỚNG, TRUNG TƯỚNG CÓ PHẢI LÀ SĨ QUAN CẤP CAO?
Trần Vũ Hải

Hiện đã có lịch trình để Quốc hội sửa đổi tương đối nhiều nội dung của Hiến pháp 1992, được sửa đổi bổ sung năm 2001. Đây là dịp chúng tôi nghiên cứu về các Hiến pháp của Việt Nam, cũng như việc thực thi chúng. Chúng tôi nghiên cứu các định chế Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ theo Hiến pháp hiện hành, và thấy như sau:

Điều 103 Hiến pháp 1992 được sửa đổi, bổ sung năm 2001 có quy định:

“Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1- Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh;

2- Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh;

3- Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

4- Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ;

5- Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, công bố quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh, công bố quyết định đại xá;

6- Căn cứ vào nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp được, ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương;

7- Đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn mười ngày kể từ ngày pháp lệnh được thông qua; nếu pháp lệnh đó vẫn được Uỷ ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí, thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất;

8- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án, Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

9- Quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp cao trong các lực lượng vũ trang nhân dân, hàm, cấp đại sứ, những hàm, cấp nhà nước trong các lĩnh vực khác; quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, giải thưởng nhà nước và danh hiệu vinh dự nhà nước;
10- Cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam; tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; tiến hành đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với người đứng đầu Nhà nước khác; trình Quốc hội phê chuẩn điều ước quốc tế đã trực tiếp ký; quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập điều ước quốc tế, trừ trường hợp cần trình Quốc hội quyết định;

11- Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, cho thôi quốc tịch Việt Nam hoặc tước quốc tịch Việt Nam;

12- Quyết định đặc xá.”

Điều 114 Hiến pháp trên quy định như sau về Thủ tướng Chính phủ

“Thủ tướng Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1- Lãnh đạo công tác của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp; chủ toạ các phiên họp của Chính phủ;

2- Đề nghị Quốc hội thành lập hoặc bãi bỏ các bộ và các cơ quan ngang bộ; trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ;

3- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các Thứ trưởng và chức vụ tương đương; phê chuẩn việc bầu cử; miễn nhiệm, điều động, cách chức Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

4- Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quyết định, chỉ thị, thông tư của Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và các văn bản của các cơ quan Nhà nước cấp trên;

5- Đình chỉ việc thi hành những nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và các văn bản của các cơ quan Nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ;

6- Thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng mà Chính phủ phải giải quyết.”

Như vậy, Hiến pháp1992 quy định quyền tối cao của Chủ tịch nước đối với các lực lượng vũ trang, phân biệt rõ vai trò của Chủ tịch nước và Thủ tướng trong vấn đề quyết định nhân sự cao cấp trong hệ thống chính quyền. Chủ tịch nước quyết định bổ nhiệm các nhân sự cao cấp trong cơ quan tư pháp tối cao như: Viện kiểm sát tối cao, TAND tối cao, quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp cao trong các lực lượng vũ trang nhân dân và các đại sứ thuộc ngành ngoại giao. Trong khi Thủ tướng quyết định về các nhân sự cao cấp trong cơ quan hành pháp và hành chính địa phương.

Tuy nhiên, tại Điều 25 khoản 1 Luật Sĩ quan quân đội nhân dân 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2008) lại quy định như sau:

Thẩm quyền quyết định đối với sĩ quan

1. Thẩm quyền bổ nhiệm chức vụ, phong, thăng quân hàm đối với sĩ quan được quy định như sau:

a. Chủ tịch nước bổ nhiệm Tổng Tham mưu trưởng, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; phong, thăng quân hàm Đại tướng, Thượng tướng, Đô đốc Hải quân’

b. Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Chủ nhiệm Tổng cục, Chính ủy Tổng cục; Tư lệnh Quân khu, Chính ủy Quân khu; Tư lệnh Quân chủng, Chính ủy Quân chủng; Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Chính ủy Bộ đội Biên phòng và các chức vụ tương đương; phong, thăng quân hàm Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân, Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân;

c. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm các chức vụ và phong, thăng các cấp bậc quân hàm còn lại…”

Như vậy có 02 khả năng sau:

(i) Quy định trên của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân trái với quy định tại Điều 103 và Điều 114 Hiến pháp 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001)

(ii) Các sĩ quan được phong, bổ nhiệm ở mục b khoản 1 Điều 25 Luật Sĩ quan quân đội nhân dân không phải là sĩ quan cấp cao. Tức các Thiếu tướng, Trung tướng không phải là các sĩ quan cấp cao trong lực lượng vũ trang.

Chúng tôi nghiêng về quan điểm các sỹ quan cấp bậc như Trung tướng, Thiếu tướng là các sỹ quan cấp cao và theo Hiến pháp phải do Chủ tịch nước phong cấp, hàm. 
20.9.2012
T.V.H


Được đăng bởi Tễu vào lúc 15:21
nguồn:http://xuandienhannom.blogspot.com/2012/09/luat-si-quan-quan-oi-nhan-dan-trai-hien.html
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001