Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Syria bị bao vây bên trong cũng như bên ngoài

Syria bị bao vây bên trong cũng như bên ngoài 




(Trò chuyện với Adonis - nhà thơ Syria) (1)
Phạm Kỳ Đăng dịch
Kính thưa BBT BVN,
Cũng như các lần trước, lần này tôi xin gửi tới trang mạng lựa chọn BVN bài phỏng vấn nhà thơ người Syria mà tôi vừa dịch. Người dịch nhận thấy nhà thơ Adonis gợi cho độc giả nhiều suy ngẫm trước các biến diễn tại Syria và nhìn về Việt Nam. Những người nhiệt tình cổ vũ cho dân chủ, nhân quyền tại nước ta có thể phải bớt lạc quan và nghi ngờ nhiều hơn về quan niệm "cách mạng" trong biến diễn được chào đón là "Mùa xuân Ả Rập". Ngược lại, các nhà độc tài ở nhà nước "của dân, do dân, vì dân", luôn không thôi lấy Syria ra hù dọa về viễn cảnh "đẫm máu, hỗn lọan" nếu chiếc ghế quyền lực của họ bị đe dọa, cũng phải thấy rằng tình hình ở VN với những mâu thuẫn, xung đột, kể cả với tôn giáo của nó hoàn toàn khác xa Syria. VN vẫn hoàn toàn có cơ hội cải cách từ trên xuống, tức là cơ hội mà họ gọi là "diễn biến hòa bình" nếu lãnh đạo thức thời, không điên cuồng chống lại điều này...
Nhưng nói cảm nghĩ trong mấy dòng ngắn ngủi thật không đủ và vô duyên.
Xin kính chúc BBT BVN vui khỏe. Tôi cảm ơn trước đối với những biên tập, góp ý của BBT.
Kính thư
Phạm Kỳ Đăng
Vào đầu mùa xuân Ả Rập ông có nói, “Tôi không thể tham gia vào một cuộc cách mạng khởi phát trong một giáo đường Hồi giáo. Cái đó không dính líu gì tới tự do và dân chủ cả.” Vì đâu chủ nghĩa bi quan này?
Không phải là bi quan, đây là hiện thực. Không có dân chủ, nếu hệ thống chính trị được kiến thiết trên một nền tảng tôn giáo. Hoặc chúng ta mang tinh thần dân chủ và sống trong tự do hoặc là chúng ta theo tôn giáo. Tôi chọn cách thứ nhất là sống dân chủ và tự do. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi kỳ thị tôn giáo. Đối với tín ngưỡng riêng tư của từng con người thực hành nó từ một niềm tin sâu xa, tôi hết sức tôn trọng. Nhưng nếu với tư cách là một thiết chế tôn giáo dẫn dắt ta, thì đó là bạo quyền. Và chính vì lý do còn có bao người vô thần hoặc theo một tôn giáo khác. Một xã hội lấy pháp luật tôn giáo làm cơ sở, đối với tôi, là một nền độc tài chuyên chế. Có khi nó còn xấu xa hơn một chế độc tài quân phiệt.
Đâu là sự khác biệt giữa một chế độ độc tài quân phiệt và chế độ độc tài tôn giáo?
Độc tài quân phiệt kiểm soát cái đầu và nghĩ suy chính trị của anh. Điều này đã đủ tệ hại. Nhưng chế độ độc tài tôn giáo kiểm soát cái đầu, con tim, linh hồn và thân thể anh, tức là toàn bộ đời anh. Có còn gì phải nghi ngờ nữa: cả hai chế độ đều phản dân chủ.
Có phải các tôn giáo đều phi dân chủ, khi nó thực hành quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước?
Còn hơn cả thế nữa. Tôn giáo không chỉ phản dân chủ, mà đơn thuần là bất công. Tôn giáo áp đặt trách nhiệm như nhau cho mọi nhóm người trong một xã hội nhưng lại không tạo cho họ quyền lợi như nhau. Thí dụ, tại sao, theo luật Hồi giáo, một người đàn ông đạo Hồi được lấy vợ theo Thiên chúa giáo, nhưng ngược lại tín nam Thiên chúa không được lấy vợ người đạo Hồi, nếu không cải giáo sang đạo Hồi. Tại sao trong các quốc gia đạo Hồi ngự trị hoặc nặng dấu ấn đạo Hồi, một tín đồ Hồi giáo được nhận hàm bộ trường và những trọng trách khác mà một tín đồ Thiên chúa giáo không được nhận. Trong một số quốc gia nhất định, chỉ riêng có người Hồi giáo được hưởng quyền này. Ở đây chúng ta đối mặt với một sự cưỡng hiếp, vâng một sự tử hình quyền công dân. Nếu như quyền lực chính trị duy nhất căn cứ vào tôn giáo và xã hội bị cai trị nhân danh tôn giáo, thì luật dân sự chịu bãi bỏ hiệu lực. Tín đồ Hồi giáo quả quyết rằng, Hồi giáo bảo đảm cho tự do (?). Tôn giáo không đảm bảo quyền tự do nào cả và cũng không bảo tồn tự do và tất nhiên không ngọai lệ, chẳng trừ một ai. Chỉ có tuyên ngôn nhân quyền được đảm trách quyền đó và chỉ một hiến pháp được phép đảm bảo quyền tự do của tôi. Trong xã hội Ả Rập, chúng tôi chỉ đến được nền dân chủ dựa trên nền tảng của quyền lực nhà nước dân sự và thế tục, trên cơ sở bình đẳng về quyền công dân và thế tục trung lập.
Như thế giải pháp nằm trong chủ nghĩa thế tục trung lập (2)?
Đương nhiên. Không thế tục trung lập người ta không thể xây dựng nên xã hội hiện đại. Nếu mục đích của chúng tôi nhằm xây dựng một xã hội Ả Rập tự do và dân chủ, thì các nhóm thiểu số, bất kỳ loại nào, và những người nghĩ khác phải được biết tới sự dung nạp vô điều kiện. Chỉ có như thế chúng ta mới kiến thiết được một xã hội tiến bộ và cởi mở. Chủ nghĩa thế tục trung lập không chống lại tín ngưỡng của từng cá nhân. Từng con người có quyền theo tôn giáo – đó là một quyền tự do cá nhân. Trong một nền dân chủ, tự do của từng cá nhân phải được tôn trọng.
Xã hội Ả Rập ngày hôm nay có hòa hợp với chủ nghĩa thế tục trung lập hay không?
Đáng tiếc là không. Nhưng đó là sự thật.
Tại sao cho đến ngày hôm nay xã hội Ả Rập hiện đại và chủ nghĩa thế tục trung lập vẫn không sao hòa hợp được với nhau?
Bởi vì những xã hội này vẫn còn nói thứ tiếng của thể chế caliphate (3) và nguyên tắc xâm chiếm vẫn còn tồn tại. Bản thân cung cách tiếp cận ngày hôm nay, vẫn từ giác độ tôn giáo, chia một xã hội thành số đông và những nhóm thiểu số, chứng thực những cơ cấu phi dân chủ của nó.
Đã bao giờ trong lịch sử của mình, xã hội Ả Rập trải nghiệm một chế độ dân chủ hay không?
Không. Từ 1500 năm nay, người Ả Rập chúng tôi quay trong vòng luẩn quẩn. Trong 15 thế kỷ, cố công chính của chúng tôi là tranh giành quyền lực chính trị, mà không lưu tâm đến thay đổi xã hội theo chiều hướng tiến bộ. Câu chuyện xoay quanh sự hoán đổi người nắm quyền lực ở cương vị cao nhất mà không có sự thay đổi về căn cốt. Không ai tìm những con đường cải thiện sự phát triển trong văn hóa và trong xã hội. Không ai tìm kiếm khả năng làm sao từ một con người Ả Rập thành ra một người hiện đại.
Như vậy cái gọi là mùa xuân Ả Rập không phải là một khởi đầu cho sự dân chủ hóa xã hội?
Có chăng qua bước chuyển đổi chúng tôi có một chính phủ ít tàn bạo hơn thể chế trước đó hoặc là nó chỉ làm ra ít điều tồi tệ. Chính vì thế tôi nhấn mạnh rằng không thể có dân chủ với một hệ thống xây dựng nền tảng trên tôn giáo.
Phe đối lập ở Syria đòi tự do và dân chủ. Một số người trong đám này đưa tư tưởng xã hội dân sự vào những cuộc tranh luận của họ. Liệu điều đó có thể là viên đá tảng để trên đó một xã hội dân sự hiện đại hình thành cơ sở?
Cái điều nhàm tai đang lan truyền trong xã hội Ả Rập này không có ý nghĩa. Cho đến bây giờ những người giải phóng mới vẫn không một lần nhắc tới khái niệm “thế tục trung lập“ (Laizismus) trong những cương lĩnh chính trị của họ. Một cuộc cách mạng kiểu gì vậy mà lại hoảng sợ trước một từ duy nhất?
Trong một tuyên bố của Hội Huynh đệ hồi giáo Syria thấy nói, những chiếc hòm phiếu sẽ quyết định ai sẽ trị vì đất nước này trên nền tảng dân chủ. Điều đó có đáng tin hay không?
Không đâu. Nào họ có dám chấp nhận cho một tín đồ Thiên chúa giáo thành tổng thống Syria. Họ đâu có chịu cho một người Copt làm tổng thống Ai Cập. Không, vì trong đầu họ vẫn còn ngự trị giáo điều chia rẽ xã hội ra thành số đông tôn giáo và những thiểu số.
Nhưng trong nền dân chủ mỗi đảng phái đều có thể đứng ra ứng cử.
Tôi ủng hộ bầu cử tự do, và tôi tôn trọng dân chủ. Tôi sẽ trao lá phiếu của mình, nhưng tất nhiên chống lại Hội Huynh đệ Hồi giáo. Tôi tuyệt đối chống sự gây ảnh hưởng của họ trong chính trị. Đáng tiếc rằng trong một số trường hợp, bầu cử dân chủ không là giải pháp, bởi vì cả một số đông cũng có thể chuyên quyền, kể cả khi họ đã đọat được chính quyền thông qua bầu cử tự do, hãy trông gương Hitler mà xem.
Những tín đồ Thiên chúa Syria và những nhóm theo tôn giáo khác đứng ở đâu trong một cuộc cách mạng? Người ta quy kết ông là người trợ giúp cho thể chế độc tài Assad.
Tôi phản đối những quy kết này. Ngoài ra, nếu như họ tham gia vào cuộc cách mạng, thì xin dùng tư cách công dân của đất nước, chứ đừng với tư cách người Thiên chúa giáo. Nhưng trách nhiệm đối với việc này cũng còn nằm trong cư xử của những người tham gia, bất kể họ là người Thiên chúa giáo, Alawites hay Druze. Chính tự bản thân họ cần phải bác bỏ sự phân chia, thí dụ, thành nhà cách mạng dòng đạo Hồi và nhà cách mạng dòng Thiên chúa. Những tín đồ Thiên chúa giáo cần xuất hiện trong Hội đồng Quốc gia hoặc trong Liên minh Dân tộc với tư cách là người đại diện của nhân dân Syria và không phải là đại diện cho tín đồ Thiên chúa. Bản thân sự đòi hỏi tham gia cách mạng với tư cách là một thiểu số tôn giáo, theo danh chính ngôn thuận, đã là một sự kỳ thị.
Trí thức Ả Rập có đóng một vai trò trong chuyển biến đó không?
Tất nhiên. Những gì đang xảy ra ở Syria và các nước Ả Rập khác, khởi sinh từ những ý tưởng, nguyện vọng và hình dung về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những ý tưởng này đâu bất chợt nảy mầm từ khoảng không trống rỗng. Nhiều nhà văn và trí thức Ả Rập đã lên tiếng cho tự do và dân chủ. Nhờ có họ nên cả một phong trào mang nhiệt tâm chính trị đã đi vào hoạt động.
Tại sao ông không đứng về phía cách mạng?
Làm sao tôi có thể đứng về phía cuộc cách mạng hôm nay. Câu hỏi vẫn là: cuộc cách mạng có cương lĩnh chính trị gì? Ban đầu, cách mạng vì tự do và dân chủ biến diễn hòa bình. Ngày hôm nay nó đầy bạo lực. Cách mạng đã trở thành một cuộc bạo động bằng vũ lực. Nhiều lính đánh thuê từ những nước Hồi giáo khác nhau nhất đứng trong hàng ngũ của những người làm cách mạng. Qatar, Saudi-Arabia và Mỹ trang bị vũ khí cho họ. Đó không phải là cuộc cách mạng. Nó chỉ bao gồm những nhóm phiến quân riêng lẻ muốn lật đổ thể chế độc tài. Sao tôi có thể hỗ trợ cho cái thứ như thế.
Phương Tây đóng vai trò nào trong cuộc khủng hoảng Syria?
Trong vụ này đúng là Phương Tây xử trí như một người không hiểu bíết. Mặc dù hoàn toàn không thiếu chuyên gia và cố vấn, những người này không nhất thiết đóng góp vào việc làm sáng tỏ. Họ chỉ cung cấp những thông tin nông cạn. Ở đây tôi nói tới địa hạt chính trị. Nhiều trí thức phương Tây được thông tin tốt về chính trị, nhưng họ lại không ra quyết định chính trị. Ngoài ra phương Tây tiếp xúc người Ả Rập và đạo Hồi - nhất là trong các vấn đề về chính trị, nhưng cả về văn hóa nữa – lại không phải là với thái độ kính trọng. Ngày hôm nay phương Tây đang nằm trong cuộc khủng hoảng kinh tế. Và phần lớn thế giới Ả Rập giàu có. Tây Phương thế thời làm tất cả để giải quyết các vấn đề kinh tế, kể cả những việc vi phạm vào những thành tựu văn hóa, những nguyên tắc dân chủ và nhân quyền của mình.
Cho đến nay một giải pháp chính trị vẫn chưa đạt được. Vì sao vậy?
Không chỉ có những lực lượng bên ngoài cử vào mà còn cả các thế lực bên trong bác bỏ một giải pháp chính trị. Chính vì thế bạo lực gia tăng trong nước. Những người đầu tiên bác bỏ giải pháp chính trị, tự thân chính là các nhà làm cách mạng. Họ được hỗ trợ bằng tiền của bởi một số nhà nước không có nhu cầu kết thúc bạo lực ở Syria. Một số lực lượng bên ngoài muốn xã hội Syria bị tàn phá và đất nước bị suy yếu bởi kiệt quệ tiềm năng về mặt kinh tế và con người. Một số quốc gia còn hô hào can thiệp quân sự vào Syria, để làm nước này suy yếu. Bởi vì chỉ một đất nước yếu và bị chia cắt mới không thể ra điều kiện tiên quyết tại bàn thương lượng. Nó phải chấp nhận những gì kẻ khác yêu cầu.
Có nghĩa là có khả năng chia Syria thành nhiều nhà nước?
Tất cả đều có thể. Điều này phụ thuộc vào vai trò của các thế lực phương Tây tại Syria.
Một số nước phương Tây đe dọa ban lãnh đạo bằng can thiệp quân sự.
Tôi không tin rằng điều này xảy ra. Syria là một kết thể phức tạp: Saudi-Arabia, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, lấy cớ một Hồi giáo chừng mực, muốn đưa nhiều nước từ Maroc tới Pakistan vào ách thống trị của người Sunni. Như vậy sẽ xuất hiện một vùng thống nhất trải dài từ Địa Trung Hải vắt qua Cáp-ca-dơ tới tận biên giới Nga. Điều đó hậu quả sẽ cô lập nước Nga, mặt khác nó lại cản trở ảnh hưởng của người Schi’iten. Ngoài ra những người Hồi giáo tại Nga có thể bị biến thành công cụ. Điều này có thể tương tự xảy ra với người theo Hồi giáo tại Trung hoa. Bỏ qua điều đó, Nga và Trung quốc bảo vệ lợi ích của riêng họ ở Syria. Chính vì thế xung đột phức tạp như vậy. Syria tiếp giáp với Thổ Nhỹ Kỳ, Địa Trung Hải, Libanon, Israel, Jordan và Irak. Người ta có thể vào thẳng những vùng của người Kurd. Cả Saudi-Arabia, các nước vùng Vịnh, Iran theo hướng Trung Á, Ai Cập theo hướng châu Phi và Sip và Hy Lạp theo hướng châu Âu cũng không xa lắm. Nếu như xảy ra một cuộc can thiệp quân sự, thì rất có thể Syria sẽ rơi vào tay lực lượng Jihadists thánh chiến. Những kẻ thống trị sẽ tạo ảnh hưởng trên toàn khu vực. Thực sự phương Tây có dám bất chấp điều đó không? Tôi không tin vào điều này.
Nguyên bản tiếng Đức:
http://www.faz.net/aktuell/feuilleton/buecher/themen/gespraech-mit-dem-syrischen-dichter-adonis-syrien-ist-von-innen-und-aussen-umzingelt-12550579.html
Chú thích của người dịch:
(1) Adonis (tên thật là Ali Ahmad Said) sinh năm 1930, là nhà thơ, gương mặt trí thức Ả Rập đương đại quan trọng nhất, sống lưu vong từ nhiều năm nay tại Paris.
(2) Laizismus: Hình thức thế tục hóa nhà nước tách biệt với giáo hội. Trong đề xuất xây dựng nhà nước thế quyền sau khi bãi bỏ nhà nước thần quyền, xin nhấn mạnh tính trung lập của nhà nước thế tục qua hiến định đối với với mọi tôn giáo, sắc tộc có chung tín ngưỡng.
(3) Triều đại khalip, được các khalip - lãnh tụ tôn giáo tối cao, thay thế đấng tiên tri Mohhamad - cai trị cha truyền con nối.
P.K.Đ
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 21:09
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/09/syria-bi-bao-vay-ben-trong-cung-nhu-ben.html
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001