Việt Nam Giàu hay Nghèo?
Trần-Đăng Hồng, PhD
Ngày
nay, người Việt nào cũng biết là Việt Nam còn nghèo. Chữ “giàu” hay
“nghèo” chỉ diễn tả tình trạng định tính chung chung, ta không biết được
giàu hay nghèo ở mức độ nào, vì vậy cần phải định lượng bằng con số để
có thể so sánh dễ dàng.
Để so sánh mức sống
(living standards) giữa các vùng hay quốc gia, các nhà kinh tế xử dụng
chỉ số GDP đầu người (GDP per capita). GDP (Gross Domestic Product) là
tổng sản phẩm nội địa tính bằng tiền của tất cả sản phẩm và dịch vụ cuối
cùng được sản xuất ra trong phạm vi lãnh thổ hay quốc gia trong một
khoảng thời gian nhất định, thường là một năm. GDP đầu người là số trung
bình (bình quân) của GDP toàn quốc chia cho dân số. Để so sánh mức sống
giữa các quốc gia, GDP đầu người phải được chuyển đổi theo cùng một hệ
thống tiền tệ, US Dollar (US$). Tuy nhiên, mức sống tùy thuộc vào giá cả
và hối xuất của mỗi quốc gia, để chính xác hơn, tính GDP đầu người theo
sức mua tương đương (Purchasing Power Parity, PPP) trên cơ sở chênh
lệch giá cả hàng hóa ở nước đó so với giá cả hàng hóa tương tự ở Hoa Kỳ.
Từ
năm 2010, báo chí cho biết GDP toàn quốc của Trung Quốc rất lớn, khoảng
$5880 tỉ cho năm 2010, vượt qua Nhật Bản ($5470 tỉ), và nay đứng hàng
thứ 2 sau Hoa Kỳ. Tuy đứng thứ 2 thế giới, nhưng mức sống của người Tàu
còn rất nghèo so với người Nhật, vì GDP đầu người của Trung Quốc chỉ
$7.500 trong lúc của Nhật là $34.000 (4,5 lần cao hơn Trung Quốc), chưa
kể đến sự chênh lệch quá lớn giữa người nghèo và người giàu ở Trung Quốc
Dựa
vào chỉ số GDP công bố cho thời gian một hai thập niên qua, chúng ta
biết Việt Nam hiện nay còn rất nghèo, nhưng không biết nửa thế kỹ trước
Việt Nam giàu hay nghèo. May mắn, mới đây (2012), cơ quan Ngân hàng Thế
giới (World Bank) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF, International Monetary
Fund) công bố chỉ số GDP đầu người cho 185 quốc gia, bắt đầu từ năm 1960
(1).
Vì không phải là chuyên gia về chính trị
kinh tế, người viết bài này không dám lạm bàn về nguyên nhân hay chánh
sách kinh tế. Phần này để bạn đọc tự tìm hiểu (hay đã hiểu). Thiển giả
chỉ trình bày lại các dữ kiện khô khan của số liệu do WB và IMF cung cấp
bằng các biểu đồ dễ dàng theo dõi hơn.
Việt Nam năm 1960
Biểu đồ 1. So sánh GDP (US$) đầu người giữa vài quốc gia Á châu năm 1960 (Vẽ từ tài liệu 1)
Theo
biểu đồ 1, vào thời điểm 1960, trong số 10 quốc gia Á châu, Việt Nam
Cộng hòa (VNCH, South Vietnam, 223$) có GDP đầu người đứng sau Singapore
(395$), Malaysia (299$), Philippines (257$), nhưng nhiều hơn Nam Hàn
(155$), hơn gấp đôi Thailand (101$), gấp 2,4 lần Trung Quốc (92$), gấp
2,7 lần Ấn ộ (84$), và gấp 3 lần Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (North
Vietnam, 73$).
Trong thời gian từ 1954 đến 1975,
năm 1960 là năm VNCH có nền kinh tế huy hoàng nhất. Vào năm này VNCH
xuất cảng (xuất khẩu) tổng cộng 84 triệu US$, gồm 2 sản phẩm chánh là
cao su (40 triệu US$) và gạo (27,7 triệu US$). Riêng về xuất cảng gạo,
năm 1960 là đỉnh cao nhất kể từ 1955 với khoảng 340.000 tấn, nhưng giảm
dần sau đó, và từ 1965 Nam VN phải nhập cảng (nhập khẩu) 271.000 tấn,
năm 1966 khoảng 434.000 tấn, và 1967 khoảng 749.000 tấn gạo (3). Tổng
sản lượng quốc gia VNCH năm 1960 là 82 tỉ đồng VN, trong số này gồm có
4,481 tỉ đồng (5,5%) là tiền viện trợ (3). Hối xuất chính thức trong
đầu thập niên 1960 là 1US$ = 118 đồng Ngân hàng Quốc gia VN (VNCH, South
Việt Nam), trong lúc hối xuất chợ đen năm 1968 là 235-245 đồng (3).
Cũng
cần nhắc lại là thời điểm 1960, chiến tranh du kích đã phá hủy khá
nhiều nền kinh tế ở nông thôn của Miền Nam, nhất là sản xuất cao su và
lúa gạo. Theo tài liệu 2, từ 1955 đến 1961, chính phủ VNCH đã gia tăng
đầu tư, nhờ vậy kỹ nghệ (công nghiệp) và nông nghiệp phát triển mạnh,
nhưng sau 1961, các yếu tố trên bị suy giảm vì chiến tranh. Vì vậy, năm
1967, lợi tức đầu người (income per capita) Việt Nam Cộng hòa giảm xuống
126 US$, trong lúc Thái Lan tăng lên 141 US$ (3).
Việt nam trước 1960
Câu
hỏi là trước 1960, Việt Nam có nền kinh tế ra sao? Theo Anne Booth
(2003), vì hậu quả của đệ nhị thế chiến và chiến tranh dành độc lập sau
đó, cho tới năm 1960, vài nước Á châu như Indonesia, Miến Điện và Việt
Nam vẫn chưa khôi phục lại GDP đầu người của thời tiền chiến.
Chẳng
hạn, Miến Điện có thời kỳ kinh tế huy hoàng nhất là năm 1929 có GDP cao
hơn năm 1960 tới 68%. Riêng Việt Nam, đặc biệt là Nam Kỳ có thời kỳ
kinh tế huy hoàng nhất là năm 1938, có GDP cao hơn năm 1960 là 69%. Vì
Đệ nhị thế chiến (1939-1945) tiếp theo chiến tranh với Pháp (1945-1954)
kinh tế Việt Nam kiệt quệ, suy giảm nặng nề, mải tới năm 1956 kinh tế
mới bắt đầu tăng trưởng trở lại ở Miền Nam, và năm 1960 Việt Nam Cộng
hòa chỉ mới phục hồi được 60% của GDP đầu người của năm 1938 (4).
Như
vậy, ở cuối thập niên 1930s, Việt Nam có một nền kinh tế hùng mạnh có
hạng của Á Châu, chỉ đứng sau Nhật Bản, có lẻ ngang ngửa với Malaysia
(lúc này Singapore còn là lãnh thổ của Malaysia), Philippines, và hơn
hẳn các quốc gia khác như Thái Lan, Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ và
Indonesia.
GDP đầu người của Việt Nam và vài nước Á Châu từ 1980 đến 2011
Việt
nam thống nhất lãnh thổ từ sau biến cố 30/4/1975. WB không có công bố
số liệu GDP của Việt Nam trong 4 năm từ 1976 đến 1979. Vì vậy, ở đây chỉ
trình bày từ năm 1980 cho tới nay (2011).
Biểu đồ 1 trình bày GDP đầu người của 7 quốc gia Á Châu trong thời gian 31 năm kể từ 1980 đến 2011.
Trong
thời gian 1980 – 2011, có 3 thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới gồm
1984-1986, 1997-2003 và 2008. Mỗi kỳ khủng hoảng phải mất vài ba năm mới
phục hồi lại. Chẳng hạn cuộc khủng hoảng 1997, phải mất 6 -7 năm
Singapore mới phục hồi, nhưng chỉ 1 năm với khủng hoảng 2008, trong lúc
Nam Hàn với khủng hoảng năm 2008 tới nay mới phục hồi. Thái Lan,
Indonesia, Philippines và Việt Nam coi như không bị ảnh hưởng gì (biểu
đồ 1).
Theo biểu đồ 1, mọi quốc gia đều có tăng
trưởng, nhưng với vận tốc tăng trưởng khác nhau. Nếu tính theo vận tốc
tăng trưởng thì Singapore và Nam Hàn mạnh nhất, kế là Malaysia. Mặc dầu
Nam Hàn có vận tốc tăng trưởng cao hơn chút ít, nhưng mức khởi đầu quá
thấp, nên Nam Hàn vẫn chưa thể nào bắt kịp và Singapore vẫn còn tiếp tục
dẫn đầu. Còn Việt Nam phát triển chậm nhất, vẫn ở vị trí chót trong số 7
quốc gia Á Châu nói trên (biểu đồ 1).
Biểu
đồ 2. Biến đổi chỉ số GDP đầu người (US$) của Singapore (1), Nam Hàn
(2), Malaysia (3), Thái Lan (4), Indonesia (5), Philippines (6) và Việt
Nam (7) qua thời gian 31 năm kể từ 1980 đến 2011.
Thay
đổi vị thứ. Trong vòng 31 năm qua, Singapore vẫn giữ hàng đầu. Tuy
nhiên, Nam Hàn nhảy hạng từ thứ 3 của năm 1980 lên hạng 2 vào năm 1985,
và Malaysia tuột hạng từ 2 xuống 3. Philippines từ hạng 4 xuống hạng 6
trong lúc Thái Lan nhảy từ hạng 5 lên hạng 4 từ 1987, và Indonesia nhảy
lên hạng 5 từ 2005. Việt Nam vẫn tiếp tục giữ hạng chót trong số 7 quốc
gia nói trên.
Cách biệt GDP của vài quốc gia lân cận với Việt Nam.
Bảng
1. Số lần cách biệt GDP đầu người giữa một quốc gia đối chiếu với Việt
Nam (tỉ số của GDP quốc gia đối chiếu/GDP của Việt Nam) ở hai thời điểm
1980 và 2011. Cột 4 là số lần gia tăng GDP của năm 2011/GDP của năm 1980
của một quốc gia. Cột 5 là số năm cần thiết để GDP tăng lên gấp đôi.
(1) Quốc gia | (2) 1980 | (3) 2011 | (4) Số lần tăng trưởng GDP 1980-2011 | (5) Thời gian (năm) cần để GDP tăng trưởng gấp đôi |
Singapore | 9,25 | 35,86 | 10,36 | 6,0 |
Malaysia | 3,44 | 7,34 | 5,70 | 10,9 |
South Korea | 3,29 | 16,32 | 13,28 | 4,7 |
Philippines | 1,45 | 1,71 | 3,15 | 19,7 |
Thailand | 1,35 | 3,93 | 7,75 | 8,0 |
Indonesia | 1,14 | 2,56 | 6,00 | 10,3 |
Vietnam | - | - | 2,67 | 23,2 |
Theo
Bảng 1, GDP đầu người của Singapore nhiều 9,25 lần GDP của Việt Nam
vào năm 1980, và chênh lệch tới 35,86 lần vào năm 2011. Thái Lan và
Indonesia chỉ hơn Việt Nam chút ít vào năm 1980 (1,35 và 1,14 lần),
nhưng nay Indonesia gấp 2,5 lần và Thái Lan gấp gần 4 lần Việt Nam.
Trong
vòng 31 năm qua, GDP của Nam Hàn gia tăng 13 lần, tức chỉ cần 4,7 năm
GDP tăng gấp đôi, Singapore 10 lần tức mỗi 6 năm GDP gấp đôi, Thái Lan
7,8 lần trong khi Việt Nam chỉ 2,7 lần, tức Việt Nam phải mất hơn 23 năm
GDP mới tăng gấp đôi (Bảng 1). Như vậy, càng về sau Việt Nam càng tụt
hậu.
Việt Nam có thể bắt kịp Thái Lan không?
Nhìn
biểu đồ 2, chúng ta thấy là Việt Nam sẽ không bao giờ bắt kịp được
Philippines, Indonesia, Thái Lan, chứ đừng mơ tưởng bắt kịp Malaysia,
Nam Hàn hay Singapore.
Để có thể tiên đoán chính
xác, tác giả dựa vào số liệu do IMF cung cấp trong 10 năm qua
(2002-2011) để vẻ lại mức tăng trưởng GDP đầu người cho mỗi quốc gia.
Sau đó, dùng máy vi tính thử nghiệm các mô hình toán học để vẻ nhiều
đường biểu diễn, rồi chọn một đường biểu diễn nào phù hợp có độ chính
xác cao nhất. Kết quả cho thấy là các đường biểu diễn cho các quốc gia
trình bày trong biểu đồ 3 có độ chính xác cao nhất (R2 từ
0.944 cho Malaysia và 0.988 cho Việt Nam). Ở mỗi đường biểu diễn, chương
trình toán học thống kê cũng cho một phương trình. Giải đáp bài tính
lần lượt giữa hai phương trình của hai quốc gia để tìm ẩn số thời gian
nơi hai đường biểu diễn gặp nhau, tức là thời kỳ GDP của quốc gia này
bắt kịp một quốc gia khác.
Biểu
đồ 3. Đường biểu diễn biến đổi chỉ số GDP đầu người (US$) của Singapore
(1), Nam Hàn (2), Malaysia (3), Thái Lan (4), Indonesia (5),
Philippines (6) và Việt Nam (7) qua thời gian 10 năm từ 2002 đến 2011.
Đường biểu diễn do chương trình toán học thống kê cho kết quả phù hợp
với các số dữ kiện với độ chính xác rất cao (R2 từ 0.944 cho Malaysia và
0.988 cho Việt Nam)
Kết quả phân tích toán
học bằng máy vi tính cho thấy đường biểu diễn tăng trưởng GDP đầu người
của mỗi quốc gia không phải là một đường thẳng (linear) như mắt ta
thấy, mà là một đường cong theo hình dạng của một cánh parabole
(parabolic curve). Càng xa trục tâm 0, đường biểu diễn càng cong lên
hơn, tức vận tốc tăng trưởng theo phương trình lũy tiến.
Biểu
đồ 4. Đường biểu diễn tiên đoán GDP đầu người trong thời gian 50 năm
tới (trục tâm 0 là năm 2013) cho Singapore (1), Nam Hàn (2), Malaysia
(3), Thái Lan (4), Indonesia (5), Philippines (6) và Việt Nam (7). Tiên
đoán dựa theo vận tốc tăng trưởng của thời gian 2002-2011 của biểu đồ 3.
Cần
nhớ rằng ở thời điểm 0 (tức năm 2013), các quốc gia không khởi hành
cùng ở mức 0, mà ở những vị trí khác nhau trên trục tung (Y). Chẳng hạn
Việt Nam có tọa độ 1.660 US trong lúc Singapore ở tọa độ 50.899 US$, tức
GDP hiện có của các nước này ở thời điểm 2013. Ngoài ra, vận tốc lũy
tiến (độ cong) của mỗi quốc gia cũng đều khác nhau.
Theo
tiên đoán của biểu đồ 4, Indonesia sẽ bắt kịp Thái Lan trong 23 năm tới
(tức 2036) và kịp Malaysia vào 2095. Nam Hàn có vận tốc tăng trưởng lũy
tiến chỉ hơn Singapore chút đỉnh nên Nam Hàn vẫn chưa bắt kịp trong thế
kỷ 21.
Riêng phần Việt Nam, vì vận tốc gia tăng
thấp hơn mọi quốc gia, nên tiếp tục ở hạng chót, không những không bắt
kịp được nước nào mà càng ngày càng tụt hậu, càng nghèo nếu so với các
nước trên.
Biểu đồ 5 trình bày dữ kiện cung cấp
bởi IMF tiên đoán tăng trưởng GDP từ 2011 đến 2017, cũng xác định rằng
Việt Nam sẽ không bao giờ bắt kịp các quốc gia nói trên, nếu vẫn tiếp
tục tăng trưởng với cường độ hiện tại (vận tốc ban đầu = (1374 – 440)/10
= tức tăng thêm 93.4 US/năm).
Biểu
đồ 5. Tiên đoán GDP đầu người do IMF thực hiện cho thời kỳ 2011 – 2017
cho Malaysia (3), Thái Lan (4), Indonesia (5), Philippines (6) và Việt
Nam (7). Vẽ từ tài liệu của IMF (1).
Vì
vậy, muốn bắt kịp các nước nói trên, Việt Nam phải có vận tốc tăng
trưởng ban đầu tăng cao hơn nữa, trước nhất để bắt kịp Philippines, sau
mới tới Thái Lan.
Sau đây là các bài tính với
giả sử rằng Việt Nam từ năm 2013 lần lượt đạt được vận tốc tăng trưởng
GDP từ thấp lên cao, trước nhất bằng Philippines, rồi Thái Lan, rồi tới
Indonesia, Malaysia, Singapore và Nam Hàn.
Nếu
Việt Nam tăng vận tốc tăng trưởng GDP ban đầu bằng Philippines (tăng
thêm từ 93,4 lên 133 US$/năm), Việt Nam vẫn tiếp tục tụt hậu, vì vậy
muốn bắt kịp Philippines phải có vận tốc tăng trưởng cao hơn, càng cao
hơn thì bắt kịp sớm hơn.
Nếu Việt Nam có vận tốc
tăng trưởng ban đầu và vận tốc lũy tiến (độ cong) bằng Indonesia hiện
nay (ban đầu tăng thêm 259 US, tuy thấp nhưng lũy tiến tăng nhanh, xem
đường cong ở biểu đồ 5), Việt Nam sẽ bắt kịp Philippines vào năm 2023,
bắt kịp Thái Lan vào năm 2040, và bắt kịp Malaysia vào 2093.
Nếu
Việt Nam có vận tốc tăng trưởng ban đầu bằng Thái Lan (tăng thêm 337,5
US$/năm, cao 3,6 lần hơn VN), Việt Nam sẽ bắt kịp Philippines trong 4,5
tới, tức giữa năm 2017, nhưng không bao giờ bắt kịp Thái Lan.
Nếu
Việt Nam có vận tốc tăng trưởng bằng Malaysia hiện nay (tăng thêm 600
US/năm), Việt Nam sẽ bắt kịp Philippines vào năm 2015, Indonesia vào
2019, Thái Lan năm 2028, nhưng không bắt kịp Malaysia, Nam Hàn và
Singapore.
Nếu Việt Nam có vận tốc tăng trưởng
của Nam Hàn hiện nay (tăng thêm 1583 US$/năm), Việt Nam sẽ bắt kịp
Philippines và Indonesia vào năm 2014, Thái Lan năm 2017, Malaysia vào
2022, Singapore vào 2117 (104 năm nữa).
Nếu Việt
Nam có vận tốc tăng trưởng bằng Singapore hiện nay (tăng thêm 2724
US$/năm), Việt Nam sẽ bắt kịp Philippines vào giữa năm 2014, Indonesia
vào cuối 2014, Thái Lan năm 2018, Malaysia vào 2020, nhưng không bắt kịp
Nam Hàn và Singapore.
Trên đây chỉ là giả
thuyết, bởi vì muốn đạt được vận tốc tăng trưởng ban đầu bằng
Philippines (tăng thêm từ 93 lên 133 US$/năm) cũng vất vả lắm rồi.
Ông Lý Quang Diệu và sách mới xuất bản đầu năm 2013 “Hãy cảnh giác với Trung Quốc”, hình bên là thời ông trẻ tuổi, nguồn Wikipedia
Qua
ba thập kỷ nhiệm quyền của Lý Quang Diệu, Singapore từ một quốc gia
đang phát triển nay đứng trong hàng ngũ những quốc gia phát triển nhất
thế giới, mặc cho dân số ít ỏi, diện tích nhỏ bé và tài nguyên thiên
nhiên nghèo nàn. Lý Quang Diệu thường nói rằng tài nguyên duy nhất của
Singapore là người dân và tinh thần làm việc hăng say của họ. Ông nhận
được sự kính trọng của nhiều người Singapore, đặc biệt là những người
lớn tuổi, họ luôn nhớ đến khả năng lãnh đạo của ông trong thời kỳ độc
lập và tách rời khỏi Malaysia. Lý Quang Diệu vẫn thường được xem là nhà
kiến trúc cho sự phú cường của Singapore ngày nay, mặc dù vai trò này có
sự đóng góp đáng kể của phó thủ tướng, Tiến sĩ Goh Keng Swee, nhân vật
chịu trách nhiệm xây dựng và phát triển nền kinh tế Singapore.
10 quốc gia có GDP đầu người dẫn đầu thế giới năm 2030 và 2040
Sau
đây là danh sách của Citygroup công bố vào tháng 2/2011 tiên đoán về 10
quốc gia và lãnh thổ (như Hồng Kông) có GDP đầu người dẫn đầu thế giới
vào năm 2030 và 2040 (1).
Theo bảng xếp hạng
tiên đoán này, Singapore dẫn đầu thế giới, tiếp theo là Norway,
Switzerland và Canada trong năm 2030 và 2040. Nam Hàn từ vị trí 9 năm
2030 sẽ lên vị trí 6 năm 2040, Hoa Kỳ tụt từ thứ 7 xuống thứ 9, trong
lúc Hồng Kông không còn nằm trong danh sách “Top Ten” của năm 2040, mà
thay thế bằng Anh quốc.
Hạng | Quốc gia | 2030 | Quốc gia | 2040 |
1 | Singapore | 155.232 | Singapore | 214.757 |
2 | Norway | 143.511 | Norway | 202.492 |
3 | Switzerland | 120.664 | Switzerland | 173.423 |
4 | Canada | 110.918 | Canada | 166.403 |
5 | Australia | 100.995 | Sweden | 145.793 |
6 | Sweden | 99.764 | South Korea | 145.321 |
7 | United States | 95.686 | Australia | 144.941 |
8 | Netherlands | 95.233 | Netherlands | 137.728 |
9 | South Korea | 88.959 | United States | 135.144 |
10 | Hong Kong | 86.967 | United Kingdom | 130.062 |
Tài liệu tham khảo
1.List of countries by past and future GDP (nominal) per capitahttp://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_past_and_future_GDP_(nominal)_per_capita
2.Economy of the Republic of Vietnam
3. Timothy Hallinan (1969). Economic prospects of the Republic of Vietnam.www.rand.org/pubs/papers/2008/P4225.pdf
4.
Tran Van Tho (2003). Economic development in Vietnam during the second
half of the 20th century: How to avoid the danger of lagging behind. In: The Vietnamese Economy: Awakening the dorming dragon, ed. by Binh Tran Nam and Chi Do Pham, Routled Curzon, 2003, Chapter 2.
5. Anne Booth (2003). The Burma Development Disaster in Comparative
Historical Perspective. SOAS Bulletin of Burma Research, Vol. 1, No., 1, Spring 2003, ISSN 1479-8484
T. Đ. H.
____
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 21:09
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/09/viet-nam-giau-hay-ngheo.html
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001