Từ những bài học trong quá khứ đến nhiệm vụ bảo vệ quyền con người ở Đức
Phan Thành Đạt
Kỳ 1
Phẩm
giá con người là bất biến, tất cả các cơ quan công quyền phải tôn trọng
và bảo vệ quyền cơ bản này. Nhân dân Đức công nhận mọi người đều có các
quyền bất khả xâm phạm và bất khả nhượng vì đó là nền tảng của xã hội,
góp phần duy trì hòa bình và công lý trên thế giới.
(Điều 1, Luật cơ bản Đức, ngày 23 tháng 5 năm 1949)
Quyền
con người là quyền tự nhiên gắn liền với mỗi người từ khi sinh ra đến
khi chết. Quyền con người có giá trị cao hơn các nguyên tắc tổ chức Nhà
nước và tồn tại trước khi Nhà nước xuất hiện. Vì vậy Nhà nước cần tôn
trọng con người bằng cách đảm bảo tốt nhất các quyền cơ bản như quyền
được sống, quyền được tôn trọng về nhân phẩm, danh dự, quyền tự do ngôn
luận, quyền sở hữu... Quyền con người được Hiến pháp và luật pháp bảo
vệ. Các văn bản quan trọng về quyền con người như Tuyên ngôn độc lập của
nước Mỹ năm 1774, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền Pháp năm 1789,
Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948, Công ước bảo vệ quyền con
người của Hội đồng Châu Âu năm 1950 đều khẳng định tôn trọng nhân quyền
là trách nhiệm của tất cả các nước thành viên.
Các
quyền cơ bản để chỉ các quyền quan trọng nhất mà Nhà nước đặc biệt quan
tâm, Nhà nước không thể đưa ra các lý do để vi phạm các quyền đó, trừ
khi giới hạn các quyền cơ bản được quy định trong một hoàn cảnh cụ thể
với mục đích bảo vệ tốt hơn các quyền đó. Các quyền cơ bản được các văn
bản luật ở Đức công nhận từ khá sớm. Hiến pháp Weimar, Hiến pháp của
Giáo hội Saint-Paul năm 1848 ở Đức đã công nhận các quyền cơ bản của con
người. Văn bản này cũng dự báo cần có một tòa án đặc biệt để bảo vệ
quyền con người được Hiến pháp công nhận. Khái niệm "các quyền cơ bản"
là một sáng tạo của người Đức.
Trong thế kỷ XX,
nước Đức phát động hai cuộc chiến tranh thế giới, khiến hơn 60 triệu
người chết. Các quyền cơ bản của con người đều bị vi phạm. Sau chiến
tranh thế giới thứ 2, nhiệm vụ bảo vệ quyền con người trở thành điều
kiện tiên quyết ở Đức. Luật cơ bản Đức được biên soạn dưới sự giám sát
của các nước đồng minh, được Nghị viện thông qua ngày 23 tháng 5 năm
1949, đã trở thành văn bản quan trọng thể hiện sự quyết tâm của người
Đức trong việc bảo vệ các quyền cơ bản. Luật cơ bản Đức lúc đầu chỉ được
áp dụng cho Cộng Hòa liên bang Đức, sau khi đất nước thống nhất, bản
Hiến pháp dân chủ này được áp dụng cho 5 vùng của Cộng hòa dân chủ Đức.
Kể từ khi kết thúc chiến tranh, với chặng đường xây dựng đất nước và
thiết lập nền dân chủ nghị viện từ 64 năm qua, luật cơ bản Đức đã đóng
góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ quyền con người và xây dựng Nhà nước
pháp quyền. Bản Hiến pháp này có ảnh hưởng rộng khắp Châu Âu. Các nước
Đông Âu và Trung Âu đã lựa chọn thể chế chính trị của Pháp và Đức (7
nước Đông Âu đã lựa chọn mô hình chính trị của nước Đức), các quốc gia
này cũng dựa theo Luật cơ bản Đức để biên soạn các bản Hiến pháp dân
chủ.
Từ đống hoang tàn đổ nát do chiến tranh gây
ra, người Đức đã xây dựng lại đất nước giàu đẹp văn minh. Nước Đức trở
thành nền kinh tế hùng mạnh nhất Châu Âu và đứng thứ 4 thế giới, từ
những đau thương của chiến tranh, người Đức thấu hiểu hơn các giá trị
quý giá về nhân quyền, vì vậy, nước Đức đi tiên phong trong việc bảo vệ
và đề cao quyền con người, bằng những cố gắng trong việc bảo vệ các
quyền tự do dân chủ, nước Đức thường xuyên được bầu vào Hội đồng nhân
quyền của Liên hiệp Quốc. Tất cả những cố gắng đó đã khiến nước Đức trở
thành một nước lớn, có nhiều ảnh hưởng ở Châu Âu và trên thế giới.
Nước
Đức là quê hương của nhiều nhà tư tưởng lớn, nhiều trường phái triết
học, nhưng cỗ máy chiến tranh hủy diệt cũng được khởi động từ đây. Chủ
nghĩa dân tộc cực đoan đã được truyền bá và hoàn thiện qua nhiều thế kỷ,
đây chính là nguyên nhân gây ra chiến tranh. François Mitterand đã từng
nhận xét: "Chủ nghĩa dân tộc là chiến tranh" (le nationalisme, c’est la
guerre). Hitler chính là người biến những tư tưởng đó thành hiện thực.
Bài
viết này sẽ đề cập đến nguồn gốc hình thành chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở
Đức và sự nghiệp bảo về quyền con người. (I) Những bài học đắt giá của
dân tộc Đức đã khiến nước này quan tâm đặc biệt đến quyền con người
(II).
I. Từ những bài học đắt giá đến nỗ lực bảo vệ quyền con người
Chủ
nghĩa dân tộc là động lực giúp nước Đức tiến đến thống nhất thành một
quốc gia lớn mạnh trong thế kỷ XIX, nhưng khi tinh thần dân tộc được đưa
lên vị trí độc tôn và bị biến thái theo hướng cực đoan, các giá trị đạo
đức và và các giá trị về nhân quyền sẽ bị coi thường (A). Nước Đức quốc
xã muốn lập ra một đế chế cho dân tộc Đức, Nhà nước này phá hủy nền dân
chủ và triệt tiêu quyền con người (B).
A. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan tiêu diệt các giá trị đạo đức và quyền con người
Hitler viết trong tác phẩm tự chuyện của mình, Mein Kampf, Cuộc đấu tranh của tôi:
"Tất cả các sự kiện lịch sử đều phản ánh bản năng bảo tồn của chủng
tộc, theo nghĩa tốt và nghĩa xấu, vấn đề chủng tộc là chủ đề cốt lõi của
lịch sử". Hitler và các nhà lãnh đạo Đức quốc xã không phải là những
người khởi xướng tinh thần dân tộc cực đoan ở Đức, họ là những người
thực hiện tư tưởng đó.
Những biểu hiện đầu tiên
về tinh thần dân tộc phản ánh ý chí thống nhất và đoàn kết của các tộc
người Germain đã xuất hiện từ năm 1000, các tộc người này có ý thức tập
hợp lại, để chống lại sự xâm lấn của các nhóm dân tộc khác. Họ mong muốn
bảo tồn ngôn ngữ thuần túy, không bị pha lẫn với các nhóm ngôn ngữ
khác.
Vào thế kỷ XV, đã xuất hiện quan điểm cho
rằng, người Đức là những những chiến binh đặc biệt, họ không phải là
những người man rợ, các dân tộc Germain đang bị các nhóm người La Mã lấn
át. Tư tưởng thống nhất các tộc người Germain để xây dựng một quốc gia
rộng lớn đã xuất hiện vào giữa thế kỷ XV. Luther là người truyền bá tư
tưởng này (le pangermanisme), ông mơ ước về một nước Đức thống nhất, dân
tộc Đức có một vị thế cao hơn các dân tộc khác, vì những người Đức có
đức tin thực sự, tổ tiên của họ là những người theo đạo Thiên chúa thuần
túy. Chính những người La Mã mới là những người có đức tin sai lệch. Tư
tưởng dân tộc cực đoan đã có mầm mống ngay từ thời phong kiến.
Thế
kỷ XVI và XVII, văn hóa Pháp có ảnh hưởng lớn ở Châu Âu, các tầng lớp
ưu tú trong xã hội đều sử dụng tiếng pháp. Ở Đức khi đó nhiều nhà trí
thức cổ vũ phong trào tìm về bản sắc văn hóa của nước Đức. Các nhà trí
thức cho rằng tâm hồn và trí tuệ của người Đức được lưu giữ ở vùng quê,
cần phải giữ gìn bản sắc văn hóa và tâm hồn của dân tộc để chống lại sự
lấn át về văn hóa và ngôn ngữ của người Pháp.
Tinh
thần dân tộc và ước mơ thống nhất đất nước được khơi dậy nhiều hơn vào
đầu thế kỷ XIX, trong thời kỳ chiếm đóng nước Đức của quân đội Pháp,
dưới sự chỉ huy của Napoléon. Các trí thức theo chủ nghĩa dân tộc cực
đoan như Fichte, Hegel, Schelling, Engels, Feverbachs cho rằng việc tồn
tại các tộc người thượng đẳng, có trí tuệ thông minh hơn các tộc người
khác là một thực tế khó phủ nhận. Engels nhận xét người da đen không thể
học toán được, năm 1849, ông kêu gọi cần phải loại bỏ một số tộc người
Serbia, Breton, Scotland, Basque. Karl Marx tự hỏi làm thế nào để loại
bỏ được các tộc người hấp hối (les peuplades moribondes), Karl Marx
trong tác phẩm Vấn đề Do Thái gắn chủ nghĩa tư bản với người Do
Thái. Fichte khẳng định chủng tộc Aryen là thượng đẳng, dân tộc này phải
thuần chủng và không được pha tạp với các chủng tộc khác, các cộng đồng
người thuộc nhóm dân tộc này cần tập hợp lại để lập ra một quốc gia
rộng lớn, và cần có một nền giáo dục đặc biệt. Bá tước người Pháp
Gobineau viết cuốn sách Bàn về vấn đề bất bình đẳng của các chủng tộc, Essai sur l’inégalité des Races humaines.
Gobineau kết luận giai cấp quý tộc Pháp vốn thuộc chủng tộc Aryen,
chủng tộc này cần được tách biệt với các tộc người khác và tránh lai
tạp. Người Đức tiếp thu ý tưởng của Gobineau, quan điểm phản động của
Fichte và Gobineau được truyền bá rộng rãi ở Đức. Việc tòa án kết tội
Alfred Dreyfus ở Pháp cũng phản ánh phần nào tư tưởng bài Do Thái vì
Alfred Dreyfus là người Do Thái và bị coi là có tội.
Các
ngành khoa học như sinh học, nhân chủng học đều được sử dụng để tuyên
truyền tinh thần dân tộc cực đoan. Chủng tộc Aryen có não bộ lớn hơn các
chủng tộc khác, họ có vị trí cao hơn những người Do Thái và họ có vai
trò thực thi sứ mệnh đặc biệt. Otto Weiningen ý thức về thân phận thấp
kém của người Do Thái và đã tự tử. Việc Jésus là người Do Thái đã khiến
nhiều người từ bỏ đạo Thiên chúa. Khi tinh thần dân tộc cực đoan và mù
quáng lên ngôi, sẽ không còn bình đẳng giữa các nhóm người trong xã hội,
các quyền tự do chỉ còn được đảm bảo cho một số người.
Các
nhà địa chính trị Đức như Friedrich Ratzel và Karl Haushofer phát triển
lý thuyết bành trướng và mở rộng nước Đức. Nước Đức cần có các thuộc
địa rộng lớn và cần sở hữu không gian sống còn để dân tộc Đức có thể
sống và phát triển thịnh vượng lâu dài, vì diện tích nước Đức quá nhỏ
hẹp, không đáp ứng được những nhu cầu trong tương lai. Không gian sống
còn ở đây chính là nước Nga rộng lớn, điều này khẳng định nguyên nhân
Hitler quyết định mở mặt trận phía Đông, chiếm lấy không gian sống còn
trong kế hoạch quân sự Barbarossa.
Như vậy tư
tưởng phân biệt chủng tộc không phải bắt nguồn từ thời kỳ Đức quốc xã,
tư tưởng này đã tồn tại từ lâu và được tiếp tay bởi các trí thức lớn.
Hitler và các cộng sự là những người biến lý thuyết cực đoan đó thành
hiện thực. Chính Hitler cũng khẳng định điều này trong tác phẩm Hitler đã nói với tôi, Hitler m’a dit,
của Rausning (một cựu quan chức cao cấp của Đức quốc xã, đã từ bỏ chế
độ độc tài và trốn sang Pháp sau đó là Anh). Hitler đã tiếp thu tất cả
các tư tưởng đó và đã áp dụng trong một hoàn cảnh thuận lợi: Sau chiến
tranh thế giới lần thứ nhất, nước Đức thua trận và phải gánh chịu các
khoản bồi thường chiến tranh khổng lồ. Các điều khoản của Hiệp nghị
Versaille là cơn ác mộng đối với người Đức, cảm giác thất vọng và xấu hổ
của nhiều người Đức vì thua trận tạo cơ hội cho chủ nghĩa dân tộc cực
đoan nảy nở. Người Đức muốn đòi lại sự công bằng và danh dự. Là người
theo chủ nghĩa dân tộc Hitler hiểu rõ điều đó.
B. Nhà nước Đức quốc xã phá hủy nền dân chủ và triệt tiêu quyền con người
Hitler
tham gia chính trị trong bối cảnh nước Đức gặp nhiều khó khăn, do tác
động của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929. Người Đức cảm thấy thất vọng
vì thất nghiệp và lạm phát phi mã, nước Đức phải bồi thường cho phe
thắng trận các khoản chi phí lớn, nhiều trí thức lớn như Max Weber tỏ ra
rất bất bình về các điều khoản của phe thắng trận cáo buộc cho nước
Đức.
Hitler khi đó tham gia đảng cực hữu của
những người công nhân Đức, lúc đầu chỉ có 25 thành viên, Hitler trở
thành người điều hành chính, đảng này sau đó đổi tên thành đảng Quốc xã
đại diện cho những người lao động. Năm 1928, đảng này giành được 800.000
phiếu ủng hộ, năm 1930, đảng cực hữu có 6,5 triệu thành viên; năm 1932,
đảng của Hitler giành được 13,7 triệu phiếu ủng hộ. Hindenburg mời
Hitler tham gia chính quyền. Hilter mong muốn trở thành quốc trưởng. Một
cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức năm 1933, Hitler thu được 89% số
phiếu tín nhiệm và trở thành quốc trưởng theo thể thức bầu cử dân chủ
hợp pháp. Hiến pháp Weimar khi đó là bản Hiến pháp dân chủ và tiến bộ.
Tuy nhiên dưới thời Nhà nước III Reich, nước Đức trở thành một trại
lính, một xưởng sản xuất vũ khí và một nhà tù khổng lồ.
Tư
tưởng về một nước Đức thống nhất nơi tập hợp của chủng tộc Aryen thượng
đẳng được truyền bá rộng rãi, quan điểm bài Do Thái của các trí thức
được Hitler áp dụng triệt để. Hitler không hề giấu giếm sự thù ghét của
mình với người Do Thái. Sự tôn thờ chủ nghĩa dân tộc cực đoan dẫn đến
thái độ phân biệt chủng tộc của người đứng đầu đảng cực hữu nazi được
miêu tả khá tỉ mỉ trong Mein Kampf. Hitler nhận xét người Do Thái
là dân tộc sống ăn bám các dân tộc khác. Hitler giải tán các đảng phái
cánh tả, cấm các hoạt động công đoàn, tự do ngôn luận, tự do hội họp và
lập hội được Hiến pháp công nhận đều bị vi phạm. Hitler thành lập lực
lượng cảnh sát Gestapo với nhiệm vụ truy lùng những người có quan điểm
chống đối. Người Đức Do Thái bị cấm tham gia vào bộ máy công quyền, họ
không được kết hôn với những người Đức thuộc chủng tộc Aryen để ngăn
chặn chủng tộc này khỏi bị pha trộn. Người Do Thái bị phân biệt đối xử,
họ phải đeo một ngôi sao vàng trên ngực để dễ phân biệt với những người
khác. Tự do đi lại của người Do Thái bị hạn chế tối đa.
Giấy chứng nhận không thuộc chủng tộc Do Thái, bên trái có đánh dấu xanh với dòng chữ "rất quan trọng, xem ở mặt sau"
Một
vụ bắt giữ tại Varsava, Ba Lan, năm 1943, 90 % người Do Thái ở Ba Lan
bị tàn sát. Cậu bé giơ tay trong bức ảnh này cũng giống như 800.000
người khác bị lưu đầy và bị chết ngạt trong trại tập trung Treblinka, Ba Lan.
Bức ảnh có dòng chữ "khu vui chơi dành cho trẻ em, cấm người Do Thái"
Một
số nhà trí thức tên tuổi, có nhiều ảnh hưởng đối với nền chính trị của
Đức quốc xã cũng trở thành nạn nhân của chính sách phân biệt chủng tộc.
Ví dụ trường hợp của Karl Haushofer, giáo sư địa chính trị nổi tiếng,
ông đã từng gặp Hitler 10 lần, quan điểm địa chính trị của ông được
Hitler tiếp thu và đã được trình bày có hệ thống trong Mein Kampf, Cuộc đấu tranh của tôi
nhưng chính gia đình ông lại là nạn nhân của chế độ độc tài Đức quốc xã
vì vợ ông là người Do Thái, con trai ông bị Gestapo ám sát, chính ông
đã có thời gian bị giam ở trại tập trung Dachau.
Không
khí khủng bố bao trùm khắp nước Đức, người dân Đức như bị thôi miên với
chính sách tuyên truyền bài bản của Joseph Goebbels, cộng sự đắc lực
của Hitler. Dân tộc này đã sinh ra những nhà triết học uyên bác, những
nhà khoa học làm thay đổi thế giới, nhưng vào thời điểm đó, người Đức
không còn lý trí nữa.
Nhà triết học Hannah
Arendt, một người Đức Do Thái đã giải thích nguyên nhân vì sao nhiều
người Đức lại bị lôi cuốn vào các phong trào cực đoan của đảng nazi, và
ủng hộ Hitler. Trong tác phẩm Nguồn gốc của chế độ độc tài, les origines du totalitarisme,
bà cho rằng tư tưởng phân biệt chủng tộc và tình trạng quan liêu tập
trung sinh ra chế độ độc tài. Thể chế này một quá trình vận động không
ngừng, với một bộ máy tuyên truyền khổng lồ, khiến con người sống xa rời
thực tế và mất đi khả năng phân tích đúng sai. Con người sống theo một
lý tưởng và có những tham vọng thống trị. Chế độ độc tài thống trị mọi
mặt cả về suy nghĩ của con người, họ bị áp đặt không có giới hạn bởi một
hệ tư tưởng. Sau chiến tranh, nhiều người Đức cũng không hiểu vì sao họ
lại ủng hộ các chính sách nguy hại của phe cực hữu, mà người đứng đầu
là Hitler.
Le III Reich ban hành các đạo luật
phân biệt chủng tộc, triệt tiêu dân chủ và các quyền cơ bản của con
người. Các lãnh đạo Đức quốc xã tiêu diệt người Do Thái, người Tsigane,
người Rom, người đồng tính và người tàn tật. Các phòng ga được xây dựng
bí mật trong các trại tập trung. Một số trung tâm nghiên cứu về nhân bản
con người sử dụng các nạn nhân để làm thí nghiệm. Các đoàn tàu dồn dập
chở người từ khắp các nước Châu Âu đến các trại tập trung. Người lính
Đức ưu tiên các đoàn tàu chở tù nhân được xuất hành trước các tàu chở
khí tài quân sự. Trước khi quân đồng minh tiến vào nước Đức, những đoàn
tàu cuối cùng vẫn tiếp tục chuyển người đến các trại tập trung. Số lượng
người sống sót không quá 10% do thiếu ăn và dịch bệnh. Khi những người
lính đồng minh giải phóng các trại tập trung họ khám phá các cảnh tượng
kinh hoàng ở Dachau, Auschwitz-Birkenau, Bergen-Belsen, Mauthaussau...
Một số lính Mỹ đã đến các làng xung quanh, yêu cầu người dân Đức đến
xem, khi nhìn thấy cảnh tượng đó, một số quan chức địa phương đã tự tử.
Các
tù nhân chiến tranh cũng bị đối xử thậm tệ, họ chỉ được phát khẩu phần
ăn ít ỏi, gần 2 triệu tù binh Liên Xô bị chết, những người lính Liên Xô
thề trả thù, nhiều vụ hãm hiếp tập thể đã diễn ra. Quyền được sống,
quyền được tôn trọng nhân phẩm không có giá trị gì trong chiến tranh.
Nước Đức trải qua một giai đoạn đau thương nhất, đau thương vì người
đứng đầu đất nước là một người Áo bị khủng hoảng về tâm lý và theo
thuyết phân biệt chủng tộc của các trí thức cực đoan, Hitler đã dẫn dắt
người dân Đức vào một cuộc chiến tranh hủy diệt. Nước Đức là thủ phạm
chính gây ra chiến tranh thế giới thứ 2 làm 50 triệu người chết (gần 6
triệu người Do Thái chết trong các trại tập trung trong đó có 1,5 triệu
trẻ em dưới 15 tuổi). Những người sống sót bị ám ảnh bởi ký ức chiến
tranh trong nhiều năm.
Từ những bài học đau
thương trong quá khứ, người Đức bắt tay làm lại từ đầu, họ đặc biệt quan
tâm đến quyền con người và có quy chế bảo vệ chặt chẽ. Tôn trọng quyền
con người để xóa đi những nỗi đau. Xây dựng nền dân chủ và Nhà nước pháp
quyền để phát huy trí tuệ của con người trong sự nghiệp kiến thiết lại
đất nước từ đống đổ nát, người Đức đã đạt được nhiều thành tích về nhân
quyền và trở thành tấm gương cho nhiều nước dân chủ mới ở Đông Âu.
(Còn tiếp)
P.T.Đ.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 05:38
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/09/tu-nhung-bai-hoc-trong-qua-khu-en-nhiem.html
=======================================================================
Từ những bài học trong quá khứ đến nhiệm vụ bảo vệ quyền con người ở Đức
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 03:31
Từ những bài học trong quá khứ đến nhiệm vụ bảo vệ quyền con người ở Đức
Phan Thành Đạt
Kỳ 2
II. Các quyền cơ bản của con người được đề cao ở Đức
Hiến
pháp Đức đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ bảo vệ quyền con người (A). Có
thể khẳng định đây là bộ luật cơ bản tốt nhất hiện nay bàn về nhân
quyền ở Đức. Tòa án Hiến pháp liên bang là cơ quan tối cao bảo vệ các
giá trị quan trọng của Hiến pháp (B), các quyết định của cơ quan này ảnh
hưởng trực tiếp đến các tòa án cấp dưới trong nhiệm vụ bảo vệ quyền con
người. Các phán quyết của Tòa án Hiến pháp cũng có ảnh hưởng đến các
quyết định của Tòa án về quyền con người của Hội đồng Châu Âu.
A. Luật cơ bản Đức quan tâm đặc biệt đến các quyền cơ bản của con người
Luật
cơ bản Đức (Hiến pháp Đức) được biên soạn trong bối cảnh đặc biệt, nước
Đức tạm thời bị chia cắt theo thỏa thuận của phe Đồng minh gồm một bên
là Anh, Pháp, Mỹ và một bên là Liên bang Xô viết. Nghị viện Đức nhóm họp
và thông qua một bản Hiến pháp dân chủ dưới sự giám sát 3 nước đồng
minh phương Tây. Gọi là luật cơ bản vì văn bản tối cao này chỉ có giá
trị tạm thời tại Cộng hòa liên bang Đức, sau khi nước Đức thống nhất một
bản Hiến pháp mới sẽ được thông qua. Tuy nhiên khi bức tường Berlin sụp
đổ, Luật cơ bản vẫn được giữ nguyên và được áp dụng cho 5 Länder của
Cộng hòa dân chủ Đức vì điều 23 cho phép các vùng phía Đông Đức sát nhập
vào Tây Đức, còn điều 146 lại ghi nhận Luật cơ bản Đức sẽ không còn
hiệu lực khi một bản Hiến pháp mới được nhân dân Đức thông qua trong tư
thế hoàn toàn có tự do lựa chọn. Khi nước Đức thống nhất, Luật cơ bản
được áp dụng theo điều 23.
Đây
là bản Hiến pháp rất có giá trị vì nhiều lẽ: Một là, văn bản luật tối
cao này quan tâm đặc biệt đến nhiệm vụ bảo vệ các quyền cơ bản của con
người. Các quyền này được ghi nhận ngay trong phần I, từ điều 1 đến điều
20, các nhà lập hiến đề cập đến các quyền tự nhiên của con người như
quyền được tôn trọng về nhân phẩm, quyền được sống, quyền bình đẳng,
quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do ngôn luận (từ điều 1 đến điều 5),
quyền tự do hội họp và lập hội, quyền được tự do đi lại và tự do chọn
lựa nghề nghiệp, quyền được bảo vệ thư tín, quyền sở hữu (từ điều 8 đến
điều 14). Các quyền cơ bản này thuộc về quyền con người thuộc thế hệ thứ
nhất. Nhà nước không thể vi phạm, và không thể đưa ra các lý do để vi
phạm, trừ trường hợp cần thiết khi Nhà nước hạn chế một số quyền tự do
để bảo vệ tốt hơn các quyền khác. Ví dụ hạn chế quyền tự do đi lại và
quyền bất khả xâm phạm về thư tín trong một số hoàn cảnh đặt biệt vì lý
do an toàn cho con người nhằm ngăn chặn các hành động khủng bố, nguyên
nhân giới hạn một số quyền để bảo vệ tốt hơn quyền được sống. Hai là,
Hiến pháp Đức thiết lập chế độ nghị viện (thể chế chính trị dân chủ theo
truyền thống của Châu Âu), ưu điểm của chế độ nghị viện là dễ tránh
được lạm quyền vì cơ quan lập pháp và hành pháp có thể phủ định lẫn nhau
qua cơ chế bỏ phiếu bất tín nhiệm và giải tán Quốc hội. Nguyên tắc này
có thể giảm thiểu được khả năng thiết lập chế độ độc tài, nhưng cũng có
thể gây ra bất ổn chính trị. Tuy nhiên nước Đức đã xây dựng được thể chế
nghị viện hợp lý và ổn định vì luôn tồn tại một liên minh đa số tại
Nghị viện. Các điều kiện để giải tán Quốc hội (le Bundestag) được Hiến
pháp quy định chặt chẽ, để tránh bất ổn về chính trị. Điều 67 và 68 của
Luật cơ bản quy định Quốc hội chỉ có thể giải tán Chính phủ sau khi đã
bầu ra một người kế nhiệm Thủ tướng, người kế nhiệm là thành viên thuộc
liên minh đa số tại Quốc hội. Chủ tịch Liên bang sẽ bầu người được chỉ
định làm Thủ tướng, giữa thời gian bỏ phiếu bất tín nhiệm và thời gian
bầu cử Thủ tướng không được vượt quá 2 ngày. Thủ tướng cũng có thể đề
nghị Chủ tịch liên bang giải tán Quốc hội, nhưng quyền đề nghị giải tán
Quốc hội sẽ không còn tác dụng nếu liên minh đa số tại Quốc hội chọn ra
một Thủ tướng mới. Những quy định chặt chẽ trong Hiến pháp đã góp phần
giảm bớt việc lạm dụng quyền lực của Thủ tướng để giải tán Quốc hội cũng
như buộc Quốc hội phải xem xét kĩ lưỡng trước khi bỏ phiếu bất tín
nhiệm Chính phủ. Đây là những sáng tạo độc đáo của người Đức để hoàn
thiện chế độ nghị viện hợp lý (le régime parlementaire rationnalisé).
Hiến
pháp Đức thiết lập Nhà nước liên bang, theo mô hình nước Mỹ, tổ chức bộ
máy quyền lực theo mô hình liên bang đảm bảo tốt hơn các nguyên tắc dân
chủ cũng như quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền ở cơ sở. Với tất cả
những điểm tiến bộ trên, Luật cơ bản Đức năm 1949 cùng với Hiến pháp
Pháp năm 1958 trở thành các tài liệu quan trọng được các nhà lập hiến
Đông Âu và Trung Âu tham khảo khi họ tiến hành biên soạn Hiến pháp mới
sau khi hệ thống Xã hội chủ nghĩa sụp đổ năm 1991.
Luật
cơ bản Đức từ điều 1 đến điều 20 đảm bảo quyền con người, đặt các quyền
cơ bản của con người lên trên các nguyên tắc tổ chức Nhà nước vì các
nhà lập hiến bị ám ảnh về quá khứ đau thương trong thời kỳ chiến tranh
khi mà tất cả các quyền cơ bản bị coi thường, khi Nhà nước phục vụ cho
một mục đích duy nhất là bành trướng để biến tư tưởng phân biệt chủng
tộc thành hiện thực. Để tránh những nguy cơ có thể đe dọa đến các giá
trị về nhân quyền được Hiến pháp bảo vệ, các nhà lập hiến đặt ra nguyên
tắc trong điều 79-3, cấm Nghị viện sửa đổi 20 điều đầu tiên về nhân
quyền, cấm sửa đổi mô hình Nhà nước liên bang để tránh tập trung quyền
lực. Vì đây là nguyên nhân chính khiến một cá nhân hay một nhóm người dễ
thâu tóm quyền lực và thiết lập chế độ độc tài. Mô hình nhà nước liên
bang đảm bảo các nguyên tắc dân chủ tốt hơn một khi quyền lực được chia
cho các vùng. Ngoài ra các điều 72 và 74 trong Hiến pháp còn ghi nhận
thẩm quyền lập pháp cạnh tranh giữa Nhà nước liên bang và các Länder (16
bang), nhờ đó, quyền lập pháp được phân chia giữa trung ương và địa
phương. Nguyên tắc này vừa đảm bảo dân chủ ở cơ sở vừa tránh được nguy
cơ tập trung quyền lực. Quy định cấm sửa đổi các điều khoản về nhân
quyền và tổ chức Nhà nước theo mô hình liên bang kiểu Mỹ trong điều 79-3
là sáng kiến tuyệt vời của những người biên soạn Hiến pháp nhờ sự giúp
đỡ của các nước đồng minh.
Tòa án Hiến pháp liên
bang với nhiệm vụ bảo vệ quyền con người và xem xét các đạo luật vi
hiến, bằng các phán quyết quan trọng của mình, cơ quan tư pháp đặc biệt
này đã khẳng định được vị trí tối cao để thi hành nhiệm vụ bảo hiến. Vai
trò của Tòa án Hiến pháp liên bang gắn liền với tiến trình dân chủ hóa
đất nước.
B. Tòa án Hiến pháp Đức, cơ quan bảo vệ hiệu quả các quyền hiến định
Tòa
án Hiến pháp liên bang được thành lập năm 1951, có trụ sở tại
Karlsruhe, vùng Bade-Wurtemberg. Cơ quan tư pháp đặc biệt này gồm có 16
thành viên, được Thượng viện (le Bundesrat) và Quốc hội (le Bundestag)
bầu ra. Các thẩm phán có nhiệm kỳ 12 năm và không được bầu lại. Các điều
93 và 94 quy định thẩm quyền của các thẩm phán. Tòa án Hiến pháp có vai
trò bảo vệ các nguyên tắc được Luật cơ bản công nhận như tôn trọng các
quyền cơ bản ghi trong Hiến pháp, đảm bảo nguyên tắc tam quyền phân lập
giữa các cơ quan nhà nước, giải quyết các tranh chấp xuất phát từ các
phán quyết của các cơ quan cấp dưới, công bố tính hợp pháp của các cuộc
bầu cử.
Tòa
án Hiến pháp ra phán quyết về tính hợp hiến của các đạo luật theo yêu
cầu của Chính phủ liên bang hoặc chính quyền địa phương (le Land), hoặc
theo yêu cầu của 1/3 số đại biểu của Quốc hội hoặc các cơ quan tư pháp
cấp dưới. Nếu công dân nhận thấy các quyền của mình được Hiến pháp công
nhận bị vi phạm cũng có thể gửi đơn đến Tòa án Hiến pháp.
Tòa
án Hiến pháp liên bang có nhiều phán quyết quan trọng nhằm bảo vệ quyền
con người. Nhiều quyết định có ảnh hưởng đến việc hình thành các nghị
quyết của Liên minh Châu Âu. Trong một quyết định quan trọng năm 1974 có
tên So lange I, các thẩm phán Đức cho rằng nước Đức có quyền loại bỏ
các nghị quyết của Cộng đồng Châu Âu (nay là Liên minh Châu Âu) nếu các
nghị quyết này vi phạm các quyền cơ bản được Luật cơ bản Đức bảo vệ. Đây
là quyết định thách thức đối với Liên minh Châu Âu về vấn đề nhân quyền
vì tổ chức này được thành lập với mục đích ban đầu là hợp tác kinh tế,
các nhà sáng lập đã quên bàn về vấn đề nhân quyền. Theo quy định của tổ
chức này, các nghị quyết và chỉ thị của các cơ quan trong Liên minh Châu
Âu đều có giá trị cao hơn Hiến pháp và các đạo luật của các nước (quyết
định có tên Costa, năm 1961, của Tòa án thuộc Liên minh Châu Âu). Các
thẩm phán Đức đã bác bỏ phán quyết này một khi vấn đề nhân quyền không
được đảm bảo, điều này buộc Liên minh Châu Âu phải có kế hoạch bảo vệ
nhân quyền đi kèm với chính sách hợp tác và phát triển kinh tế. Tòa án
Hiến pháp liên bang đưa ra phán quyết có tên So lange II năm 1986 với lý
luận như sau: Liên minh Châu Âu đã có nỗ lực bảo vệ nhân quyền, từ nay
các quyết định của tổ chức này đều có giá trị tại Đức vì các nghị quyết
phù hợp với nội dung của Hiến pháp Đức. Các quyền cơ bản của con người
được Liên minh Châu Âu bảo vệ cũng là các quyền cơ bản được Hiến pháp
Đức bảo vệ do đó giám sát các văn bản luật của tổ chức này không còn
quan trọng nữa.
Năm 1991, Tòa án Hiến pháp liên
bang đưa ra một phán quyết quan trọng trong nỗ lực đảm bảo nguyên tắc
bình đẳng theo điều 3, Luật cơ bản Đức 1949. Các thẩm phán tuyên bố việc
bắt buộc những người phụ nữ khi cưới phải mang tên chồng là không đúng
với nguyên tắc bình đẳng, việc người phụ nữ mang tên của gia đình nhà
chồng phải dựa trên sự đồng ý tự nguyện.
Năm
2008, Tòa án Hiến pháp liên bang có một phán quyết đáng chú ý về vấn đề
gián điệp mạng. Các thẩm phán nhận xét việc theo dõi và giám sát các máy
tính cá nhân chỉ được phép diễn ra trong quá trình điều tra các mối đe
dọa đến cuộc sống của con người và an ninh quốc gia. Đó là các âm mưu
tiến hành khủng bố. Quyết định theo dõi cần thiết phải có ý kiến của
luật sư. Tòa án Hiến pháp đưa ra các điều kiện trong quá trình giám sát,
đồng thời công nhận quyền cơ bản của công dân trong việc bảo vệ thông
tin cá nhân và các nguồn dữ liệu. Nhà nước không được phép khai thác và
theo dõi nếu không nhận được sự đồng ý của chủ nhân.
Tòa
án Hiến pháp liên bang còn đảm nhiệm thêm vai trò xét xử tính hợp pháp
của các đảng phái chính trị. Năm 1951, các thẩm phán cấm đảng cộng sản
Đức không được phép hoạt động, các quan tòa hiến pháp cho rằng nội dung
và kế hoạch hoạt động của đảng này không đảm bảo các nguyên tắc về tự do
theo như Hiến pháp, quyết định đưa ra trong thời kỳ chiến tranh lạnh
thể hiện quan điểm chính trị khác biệt giữa Đông Đức và Tây Đức. Năm
1956, Tòa án Hiến pháp liên bang cũng cấm một đảng cực hữu có tư tưởng
Đức quốc xã mới, không được phép hoạt động vì trái với các nguyên tắc
của Hiến pháp.
Bảo vệ quyền con người trở thành
nhiệm vụ quan trọng nhất của các thẩm phán ở Tòa án Hiến pháp liên bang,
nhiệm vụ này cũng được các tòa án hiến pháp các vùng thực hiện. Nước
Đức với một quá khứ đau thương và gây đau thương cho các dân tộc khác,
đặc biệt là người Do Thái, nhờ những cố gắng của mình từ 64 năm qua,
nước Đức đã trở thành một nền dân chủ tiêu biểu ở Châu Âu, và là đất
nước bảo vệ tốt các quyền cơ bản của con người. Điều này đã góp phần đưa
nước Đức trở thành một nước lớn, và có ảnh hưởng trên thế giới.
P.T.Đ.
Ghi chú
Với
mong muốn làm sáng tỏ nội dung bài viết, người viết bài này bổ sung
thêm một số đoạn văn trích từ các văn bản khác nhau, chúng ta đều biết
một thời kỳ đen tối đã tồn tại trong lịch sử của nước Đức và của thế
giới, đó là giai đoạn chiến tranh, khi đó các quyền cơ bản của công dân
bị vi phạm nghiêm trọng. Nhưng cũng xuất phát từ những tổn thất về người
và của trong chiến tranh. Con người biết quan tâm đến nhân quyền và dân
chủ vì coi trong nhân quyền và xây dựng tốt nền dân chủ sẽ giảm bớt
được nguy cơ chiến tranh:
1. Nhật kí của Gobbels, The Gobbels Diaries, 1948, p 147-148
"Ngày
14 tháng hai năm 1942: le Führer (chỉ Hitler) lại bày tỏ quyết tâm quét
sạch những người Do Thái ở Châu Âu, ông không có một chút tình cảm thể
hiện xúc động nào về chủ đề này, những người Do Thái xứng đáng chịu hậu
quả đang đến với họ.
Ngày 27 tháng ba năm 1942:
Thủ tục tiến hành khá dã man, không cần miêu tả chính xác ở đây. Gần
như không còn người Do Thái nữa. Nói một cách tổng thể, 60% trong số họ
đã bị xóa sổ, 40% còn lại có thể được sử dụng cho lao động khổ sai".
(Joseph Gobelles, Bộ trưởng Báo chí và tuyên truyền đã tự tử cùng với gia đình khi quân đồng minh tiến vào Berlin).
2. Nhật kí Anne Frank
Từ
tháng 5 năm 1940, thời kỳ tốt đẹp đã chấm hết, chiến tranh đã nổ ra,
rồi có nước đầu hàng, khi người Đức đến đây, những người Do Thái chúng
tôi bắt đầu sống trong nghèo khó, nhiều đạo luật bài Do Thái đã được ban
hành, tự do đi lại của chúng tôi ngày càng bị hạn chế. Người Do Thái
phải đeo một ngôi sao vàng trước ngực, người Do Thái phải đi bằng xe
đạp, người Do Thái không có quyền đi tàu điện, người Do Thái không có
quyền đi xe bus, không được đi lại bằng ô tô riêng, người Do Thái chỉ
được phép đi chợ từ 3 h đến 5 h chiều, người Do Thái chỉ được đi cắt tóc
tại tiệm của người Do Thái, người Do Thái không có quyền ra đường trong
khoảng từ 8 h tối đến 6 h sáng, người Do Thái không có quyền được
thường xuyên đi nhà hát, đi xem phim hay đến các khu giải trí, người Do
Thái không được đi bơi, không được chơi tennis, chơi hockey hay chơi các
môn thể thao khác, người Do Thái không được chơi bất kỳ môn thể thao
nào trước mặt công chúng, người Do Thái không được ở trong vườn, hay ở
nhà bạn bè sau 8 h tối, người Do Thái không có quyền bước vào nhà những
người công giáo. Trẻ em Do Thái chỉ được học ở trường dành cho người Do
Thái. Chúng tôi sống lay lắt như thế, chúng tôi bị cấm hết điều này đến
điều khác, Jacque thường nói với tôi: "Tôi không còn dám làm gì nữa, tôi
sợ cái gì cũng bị cấm".
(Anne Frank là một cô
bé 15 tuổi người Do Thái chạy chốn khỏi Frankfurt đến Amsterdam cùng gia
đình, sau đó cả nhà bị bắt và bị đày đến trại tập trung Bergen-Belsen,
Anne chết vì bệnh thương hàn 7 tháng sau đó, chị gái tên là Margot cũng
bị chết tại trại tập trung. Nhật kí Anne Frank được tìm thấy tại
Amsterdam, được dịch ra nhiều thứ tiếng và được giảng dạy tại các trường
phổ thông).
3. Điều 2, Luật cơ bản Đức 1949
"Mỗi
người đều có quyền tự do để phát huy năng lực bản thân, miễn sao khi
thực hiện quyền của mình không vi phạm quyền của người khác, không vi
phạm Hiến pháp và pháp luật. Mỗi người đều có quyền được sống, quyền bất
khả xâm phạm thân thể, quyền tự do của con người không thể bị vi phạm.
Những giới hạn về các quyền căn bản này chỉ có thể thực hiện được theo
luật định".
4. Điều 3, Luật cơ bản Đức 1949
"Mọi
người đều bình đẳng trước pháp luật. Nam nữ bình đẳng về quyền lợi. Nhà
nước cần cố gắng thực hiện quyền bình đẳng trước pháp luật đối với nam
và nữ. Nhà nước có các hoạt động nhằm loại bỏ những bất công và phân
biệt đối xử vẫn tồn tại giữa nam và nữ. Không ai bị phân biệt đối xử hay
được thiên vị vì giới tính, gia đình, chủng tộc, ngôn ngữ, tổ quốc,
nguồn gốc, đức tin hay vì có ý kiến khác nhau về tôn giáo hoặc chính
trị. Không ai bị phân biệt đối xử vì tình trạng bản thân bị tật nguyền".
5. Điều 8, Luật cơ bản Đức 1949
"Tất
cả các công dân đều có quyền hội họp trong không khí ôn hòa, không mang
theo vũ khí, không cần tuyên bố hay xin phép trước. Đối với quyền tụ
họp ngoài trời, quyền này có thể bị hạn chế bằng luật pháp, hay theo nội
dung của một điều luật được thông qua".
Tài liệu tham khảoo
6. Pensées et idées politiques, Nathalie Blanc-Noel, faculté de droit et science politique, l’Université de Bordeaux.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/09/tu-nhung-bai-hoc-trong-qua-khu-en-nhiem_26.html
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001