Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

CHUYỆN CỦA NHÂN CHỨNG SỐ 1                                                                                                  Oct 4, '12 11:29 PM
for everyone


MẤT TÍCH
Điện thoại đổ chuông dồn dập khi tôi đang nấu bữa ăn trưa đơn giản cho chính mình. Tôi hơi ngạc nhiên vì đã lâu rồi, chắc phải hơn 3 tháng trở lại đây, tôi không hề nhận được điện thoại hay tin nhắn vào lúc giữa trưa. Tin nhắn thường đến với tôi nhất vào khoảng 9 giờ mỗi sáng. Khi vợ tôi đã yên vị trong văn phòng sau 1 màn [tôi phỏng đoán] ăn sáng, café, tán gẫu đầu giờ với những đồng nghiệp nhiều lời với tất cả những chủ đề linh tinh, thờ ơ với công việc và câm nín với cấp trên. Lúc đó, vợ tôi sẽ nhắn tin để hỏi tôi đã đưa con trai đến trường xong chưa? Ghé siêu thị mua đầy đủ các thứ cô ấy đã dặn chưa? Nhớ bỏ quần áo dơ vào máy giặt và quét lau nhà cửa cho sạch sẽ. Tôi nhắn lại Ok cho cô ấy nắm được tình hình. Đến 4 giờ chiều, tôi sẽ tiếp tục nhận 1 tin nhắn nữa, cũng đến từ vợ tôi. Cô ấy nhắc tôi đi đón con, ghim nồi cơm điện, cắt rửa sẵn thịt cá rau các thứ… để khi cô ấy về nhà là có thể bắt tay ngay vào việc nấu nướng bữa ăn tối. Tôi lại gửi cho vợ một quick report ngắn hơn cả ngắn: Ok. Thế là tôi sẽ trôi qua một ngày yên ổn. Trừ khi vào buổi tối, cô ấy phát hiện tôi để đứa con trai tan trường phải chờ suốt 30 phút hay tôi làm cá chưa sạch, chần thịt quá chín,… Vào những trường hợp đó, trên giường ngủ tôi sẽ được bonus thêm vài lời complain khác, không liên quan đến chuyện ban tối, nhưng vợ tôi đã sực nhớ ra nhờ liên tưởng từ sai lầm trong ngày của tôi. Lúc này, tôi không cần làm bất kỳ cái quick report nào. Tôi chỉ im lặng. Thế là ổn!
Các cuộc điện thoại và tin nhắn hỏi han, bù khú,… vốn dĩ thưa dần sau gần một năm tôi thất nghiệp nằm nhà. Thêm phần tôi cũng tự ái vì tình trạng của mình, không bao giờ muốn tìm cách liên lạc lại với ai. Khi cần thiết, vợ tôi sẽ làm điều đó cho cả 2 người. Vợ chồng là vậy, 1 người sẽ mặc nhiên có quyền đại điện và quyết định cho cả [đến số phận] người kia mà không hề cảm thấy mình đang xâm phạm đến thứ rất quan trọng [hay nói cường điệu lên là “tối quan trọng”] gọi là “nhân quyền” vốn đang ra rả mỗi ngày trên Internet. Đến khoảng 3 tháng gần đây thì có vẻ đã hoàn toàn chấm dứt. Tôi tự hỏi, nếu bây giờ tôi đột nhiên biến mất khỏi cõi đời, bằng một cách bí hiểm nhất, thì chắc chỉ có vợ tôi là quan tâm thôi, vì mỗi ngày, cô sẽ không biết gửi 2 cái tin nhắn lúc 9 giờ sáng và 4 giờ chiều cho ai? Ai sẽ giúp cô ấy dọn dẹp nhà và làm phụ bếp? Thêm con trai tôi sẽ thiếu tay xe ôm quen thuộc đưa nó đến trường và đón về mỗi ngày. Còn ngoài ra, chắc sự cố mất tích của tôi cũng sẽ chỉ tương đương như sự kiện người ta quăng một hòn sỏi xuống nước, mặt nước có lay động nhẹ sau một tiếng “chủm” nhỏ khan. Rồi thì tĩnh lặng, không ý nghĩa hay bất ngờ gì khác nữa.
Nói lại hoàn cảnh hiện thời, tôi đang bất ngờ vì tiếng chuông điện thoại rất bất ngờ vào giữa trưa. Tôi tắt bếp gas, nhấc chảo thịt bò xào với dưa leo và cà chua đang xào dở xuống. Không quên lau tay vào cái khăn treo trên tủ bếp [vợ tôi vốn ưa sạch sẽ], với tay bấm nút nghe trên điện thoại. Một giọng lạ hoắc và nặng nề, mang âm ngữ của những người có gốc gác từ miền Bắc vang lên trong máy:
-          Xin lỗi, anh có phải là anh Lâm?
-          Phải, tôi là Lâm đây.
-          Anh là bạn học sống cùng quê với cô Kim phải không?
-          Đúng, chúng tôi là bạn.
-          Tôi cũng là 1 người bạn thân của Kim, tôi sống ở Sài Gòn, tôi hỏi thăm thế này có phần hơi mạo muội, nhưng tôi xin hỏi mấy ngày nay Kim có về quê hay anh có tình cờ gặp hoặc nghe tin tức gì về cô ấy không?
-          ….
Tôi lặng đi trong một chốc, thoạt tiên, chưa biết phải trả lời làm sao cho câu hỏi đột ngột của anh ta – người đàn ông lạ đang trò chuyện với tôi dù cách xa hàng trăm cây số.
Đêm hôm kia, sau nhiều năm bặt tin tức, tự dưng tôi nằm mơ thấy Kim.
Như không hề có 25 năm đã từng trôi qua. Bến đò mà ngày ngày Kim và tôi – những đứa học trò huyện ngồi chờ đò để qua sông đi học ở trường Thị xã, vẫn trong ngăn ngắt. Dọc bờ sông, vẫn là những vựa cát, vựa tràm, vựa lá,… Cát cao thành đống, tràm chất cao quá mấy lần đầu, tiếng chằm lá nghe rong róc vui tai. Ngay sát bến đò, mấy viên gạch lót đường đi được thuỷ triều bào rửa từng ngày, đỏ au, trơn nhẵn. Nhìn xuống mép nước, thấy cây gòn đổ bóng. Tuỳ vào thời gian và mức nắng trong ngày mà bóng cây gòn in xuống nước sẽ có nhiều hình dạng khác nhau. Đến mùa trái gòn khô, bung tách ra khỏi vỏ, bông gòn bay tán loạn khắp mặt sông. Dính cả vào quần áo, mặt mũi của bọn trẻ con ngày ngày trèo cây gòn ngóng sang bên kia sông và lên xuống bến đò. Kim và tôi cũng hay trèo như thế những trưa, những chiều chờ đò qua bến đón để về nhà. Học trò nghèo, túi không tiền ăn vặt, chỉ biết nhìn đám trẻ bạn bè nhà ở Thị xã xúm đông xúm đỏ trước cổng trường để ăn hàng. Me ngào đường, gỏi cuốn, bánh đúc, bún đậu hủ nước tương, đá đậu, chè chuối, bánh lọt,… không thể nào kể xiết. Kim và tôi trốn tránh những cám dỗ giữa cơn đói khi tan trường bằng cách trèo tuốt lên cây gòn, càng cao càng tốt. Dù leo rất cao, tôi vẫn không khỏi thèm thuồng. Nhưng thèm nhất là những chiếc xe đạp thể thao sườn ngang của mấy thằng con trai Thị xã đang lượn qua lượn lại. Kim không quan tâm đến sự thèm khát của tôi. Nó nằm ngửa trên chạc ba cây gòn, nhìn mông lung lên những đám mây trắng lờ lững trôi qua. Nó luôn nói lớn lên nó sẽ lên Thành phố, ở đó sẽ có rất nhiều máy bay. Nó sẽ được bay còn cao hơn những đám mây kia. Nó kể ba nó từng đi Thành phố, ở đó rộng lớn kinh khủng. Từ bến xe, ba nó không thể nào về đến nhà cô Sáu nó nếu không có dượng Sáu ra đón về. Tôi thấy hơi mơ hồ, ở huyện tôi, chỉ cần vào đến đầu cầu lớn, hỏi nhà ông hai, bà ba nào đó, cách xa mấy chục cây số, người ta vẫn chỉ đường vành vạnh, đi là chắc chắn tới nhà, không sai chạy. Tôi mơ hồ, nhưng tôi tin Kim. Tôi có thể không tin ba nó, nhưng những gì nó nói, tôi đều tin. Kể cả chuyện nó sẽ bay cao hơn cả những đám mây.
Và trong giấc mơ của tôi, chúng tôi vẫn đang ngồi tít gần đến ngọn cây gòn sát bến đò. Nhưng khác là Kim đã lớn. Lớn bằng độ tuổi mà chúng tôi đã tập tành hôn nhau trong bóng tối của bờ tre sau ngôi miếu nhỏ ven sông. Những nụ hôn vội vã chưa đủ thấm đượm sự ngọt ngào, những bàn tay rụt rè lần đầu chạm vào da thịt một người khác ấm nóng chưa đủ để tạo thành nhục cảm mãnh liệt như về sau này tôi từng biết đến. Lúc đó, tôi nghĩ, bởi sợ hãi, bất an, nhưng bị lấn lướt bởi sự tò mò mới lớn, đã khiến chúng tôi không thể nào cảm nhận được hết những hương vị mà thân xác có thể mang tới cho con người. Tôi tự hỏi mình trong mơ, sao lúc này mà Kim lại trèo cây? Chẳng phải từ hồi 12 – 13 tuổi, Kim đã không bao giờ còn chịu theo tôi trèo cây nữa? Hồi đó, tôi cứ nài nỉ mãi, còn nói Kim càng lớn càng nhát, cây mà không dám trèo, nó đỏ mặt nhìn tôi: Mày cứ thử có hai trái chanh mọc trên ngực như tao đi rồi coi thử mày trèo cây sẽ cảm thấy thế nào!
Trong mơ, tôi hỏi Kim sao Kim lại trèo cây? Nó nói, bây giờ lại thích, mà sẽ không còn làm được nữa. Tôi nói, có gì mà không được? Nó chỉ cười cười. Tôi biết, khi nó cười cười không thèm trả lời như vậy nghĩa là tôi đang làm hoặc nói gì đó rất ngu. Nó hay cười cười khi gặp những người, những câu nói, những hành động,… làm nó không vừa ý. Lúc đó, nếu tôi có phản ứng thay nó, nó cũng sẽ gạt đi, rồi nói khẽ với tôi: Kệ tụi ngu đó đi, không cần thiết, dành hơi mà làm chuyện khác!
Kim lúc nào cũng vậy, tôi không bao giờ biết được thực sự trong đầu nó đang nghĩ gì, hay nó muốn làm gì,… Khi tôi không còn gọi Kim là nó nữa, mà tôi gọi là Kim – rất kín đáo, ngại ngùng, và trìu mến – kể cả khi không có mặt Kim ở đó; khi chúng tôi đã có rất nhiều lần trốn nhà ra bờ tre chơi trò hôn hít và sờ mó; thì Kim nói sẽ lên Thành phố học tiếp cấp 3. Kim sẽ vào Đại học, sẽ đi làm ở Thành phố, sẽ không bao giờ trở về nơi này nữa…
Trong mơ, tôi nhớ lại và hỏi Kim, sao lâu quá không về? Kim nói, thì giờ về rồi đây. Khi nào thích gặp Kim, cứ ra bến đò, Kim sẽ ở trên cây gòn, hoặc đang chơi trên sông. Nói xong, Kim lại cười cười. Tôi nhìn Kim trân trân, thấy hình bóng Kim cứ nhoà dần, nhoà dần đi, rồi như khói, Kim tan loãng ra, loang trên mặt sông tĩnh lặng. Tôi gọi thất thanh: Kim! Kim! Kim ơi!... Đang gọi như thế thì tôi giật mình tỉnh giấc. Mồ hôi túa ra đầm đìa. Thấy vợ tôi đang nằm xoay nghiêng, nhìn tôi chằm chằm như xác chết đang mở trừng mắt. Tôi hốt hoảng ngồi bật dậy, thở hổn hển. Định thần xong, tôi lệt bệt ra bếp pha trà ngồi uống một mình. Tôi nhớ lan man về Kim không đầu không cuối… Và tôi có một linh cảm rất xấu, về Kim.
Sáng hôm sau [nghĩa là hôm qua tính từ lúc tôi nhận điện thoại], tôi lò dò chạy xe ra bến đò. Mọi thứ đã hoàn toàn “giống như bây giờ”. Nghĩa là không còn vựa cát, vựa tràm, vựa lá, hay cây gòn như giấc mơ đêm qua. Buồn hơn là con đò nhỏ chèo bằng tay của dì Út từ lâu đã thay bằng đò lớn chạy máy dầu, xe máy và thậm chí cả xe 4 chỗ cũng chở được cũng không có gì khác biệt. Đứng trên đò lớn có hai hàng tay vịn bằng ống sắt hàn, thấy con sông không còn mênh mông rộng lớn như hồi xưa nữa. Tôi thầm nghĩ, nếu mọi thứ vẫn còn như trong giấc mơ hồi đêm thì sao? Vợ tôi nói tôi khùng, cái gì phát triển, mang lại tiện nghi cho con người, để con người có cuộc sống tốt hơn là Ok, không tranh cãi. Tôi đã chuyển được về Thị xã, con tôi đã không phải đi học ngày 2 lượt đò như cha nó hồi xưa. Nhưng tôi thấy hoàn toàn dửng dưng với may mắn đó của nó. Sáng, tôi ngồi uống café cóc ngay chỗ kè đá mới xây, vốn là chỗ cây gòn hồi xưa, giờ đã bị chặt trụi, tráng xi măng phủ lên, không còn dấu tích. Phải, với người khác thì cây gòn không tồn tại. Nhưng với tôi, với Kim, với những đứa học trò huyện hơn 20 năm trước, hình dáng cây gòn đó thật khó phai nhoà.
Tôi ngồi nhìn ra mặt sông, nghĩ vơ vẩn về giấc mơ hồi đêm, nghĩ đến cái buổi chiều gặp lại Kim khi Kim về quê để báo với xóm giềng mình đã vào Đại học. Cả xóm kéo đến nhà Kim chúc mừng, ăn uống cả ngày.  Khi những người đàn ông đã say - tiếp tục nốc rượu, những người phụ nữ đã no nê – kéo nhau gầy sòng tứ sắc thì Kim không còn là nhân vật chính của cuộc vui nữa. Chúng tôi ra ngồi ngoài đầu bờ ruộng. Mạ mới lên xanh non, cây so đũa sát bờ rào trổ bông trắng từng chùm. Kim ngồi cách tôi phải mấy gang tay, gió chiều thổi qua cánh đồng, thổi vào tóc Kim bay về hướng tôi, nhưng cứ xa vời vợi. Tôi hít căng ngực mùi ruộng bùn cây cỏ,… hy vọng sẽ có mùi hương của Kim trong đó. Kim nói ước gì chúng tôi giống nhau một chút! Tôi không biết trả lời Kim thế nào, 17 tuổi tôi có biết gì mà nói! Bây giờ ngoài 30 tuổi tôi vẫn ngu như xưa. Thậm chí trong mơ, gặp lại Kim, tôi còn chẳng biết phải nói gì cho phải.
Sau buổi chiều đó, Kim đi biệt. Ba mẹ Kim tiếp tục cãi nhau, đánh nhau như bao nhiêu năm qua cả huyện cả xã từng chứng kiến. Đến một ngày, họ bán ruộng, bán nhà, nói là lên Sài Gòn sống với Kim. Rồi họ cũng bặt tin. Chủ mới dọn về, sinh con đẻ cái, hoà nhập với mọi người thành những câu chuyện mới để làm vui trong những buổi chợ hay cuộc rượu. Xóm tôi dần dần, không còn ai nhắc gì về Kim hay gia đình Kim nữa. Tôi cũng xin được việc làm trong một cơ quan nhà nước, rời huyện, về Thị xã, lấy vợ, sinh đứa con trai, ngày nọ thì bỗng thành ra thất nghiệp… Không có gì nổi trội hay biến cố trong cuộc đời tôi. 32 tuổi, tôi ngày ngày đưa đón con, nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp, cầm tiền vợ đưa mỗi sáng. Nhìn người ta ồn ào trong quán nhậu mà thèm!
Thỉnh thoảng tôi tưởng tượng về Kim và cuộc đời nàng đang trải qua. Tôi hình dung chắc chắn sẽ khác tôi nhiều lắm! Nhưng tôi không đủ hiểu biết, trải nghiệm, mà sức tưởng tượng của tôi thì ra đến bến xe Thị xã là cùng. Cho nên, sau nhiều lần cố gắng, tôi từ bỏ, không nghĩ ngợi nhiều nữa. Cũng không còn tưởng tượng đến một ngày mà trời cho chúng tôi cơ hội tình cờ gặp lại nhau. Tôi biết, gặp lại cũng không thay đổi được gì. Dần dần, ký ức về Kim chỉ còn là bóng mây mờ ảo phủ lên những nụ hôn vội vã, bầu ngực con gái mới dậy thì và làn da ấm nóng thơm mùi lúa.
Tôi ngồi thừ bên ly café đến lúc quá trưa, nắng bắt đầu đổ rát trên nền xi măng. Con đò máy vẫn qua lại trên sông. Người ta tất tả lên lên xuống xuống. Nhìn một lúc, tôi bị ánh nắng làm cho loá mắt. Đang định tính tiền ra về, bỗng tôi giật mình, trong đám đông trên đò đang lờ lững giữa mặt sông, tôi thấy Kim đứng lẫn. Tôi vụt đứng lên, chạy xuống bến, vẫy tay loạn xạ, kêu to hết sức: Kim! Kim! Kim ơi!... Dường như mọi người trên đò bắt đầu quay lại nhìn tôi. Không biết họ có nghe rõ tiếng tôi đang gọi không, nhưng mọi người có vẻ nhốn nháo, rồi giọng người chủ đò vang trên cái loa, tiếng lan toả đến tận bến nơi tôi đang đứng: Quý khách chờ chuyến sau nha! Chờ… chuyến… sau…sau…
Cả ngày hôm đó, tôi qua lại 2 bên bờ sông không biết bao nhiêu lần, hỏi han khắp mọi người, đi sâu vào trong xóm, không ai gặp Kim, mà có gặp thì làm sao họ có thể nhận ra sau từng ấy năm Kim biệt tăm biệt tích?
Tôi không thể kể lan man với người đàn ông lạ về giấc mơ hay ký ức. Tôi chỉ trả lời đơn giản với anh ta là tôi chưa gặp lại Kim sau nhiều năm rồi. Không biết có việc gì xảy ra với cô hay không? Anh ta đáp lời tôi, có lẽ cũng sau một chút phân vân, ngập ngừng:
-          Kim mất tích đã 4 ngày nay, chúng tôi đang tìm và rất lo lắng cho cô ấy. Nếu anh có gặp Kim thì hãy liên lạc với tôi theo số điện thoại…, À, tôi chưa giới thiệu với anh, tôi tên là Ngọc, Vũ Anh Ngọc. Anh nhớ hãy liên lạc với tôi nhé!
Tôi ghi số anh ta, người đàn ông có cái tên rất phụ nữ, rồi cúp máy.
 * * *
(Còn tiếp...)
nguồn:http://hanwonders.multiply.com/journal/item/519/519
======================================================================
Chuyện của nhân chứng số 2                                Oct 8, '12 4:02 AM
for everyone

GHEN TUÔNG
Sáng nay tôi vào cơ quan sớm hơn mọi khi. Văn phòng chưa có ai ngoài người đàn ông hói đầu ngồi một mình trong góc phòng sau cái bàn riêng lớn nhất trong phòng làm việc. Người đó là Chánh văn phòng, ông ta nhướng mắt tỏ vẻ ngạc nhiên: Chi à? hôm nay sao đến sớm quá? Lúc này đã hơn 8 giờ, trong khi giờ bắt đầu làm việc theo nội quy cơ quan là 7 giờ 30 phút. Những người khác lúc này dĩ nhiên đang ngồi ăn sáng, uống café, tán dóc ở quán bà Bảy Ri cách cơ quan 1 con hẻm nhỏ. Tôi không biết sếp của chút ẩn ý mỉa mai vào đối với tôi hay không, nhưng tôi mặc kệ, khẽ cười với sếp không ra thừa nhận cũng không ra phản đối, không lỗi phải gì ở đây. Tôi kéo ghế ngồi vào chỗ của mình, mở máy tính lên theo thói quen, truy cập vào các trang báo mạng ngoisao.neteva.net cũng theo thói quen, nhưng hôm nay, vẫn như 3 hôm trước, tôi không thể nào đọc nổi 1 dòng tin mà người ta luôn gán cho nó sự “hấp dẫn”, “hot”, “cuồng”,… như mọi khi.
Tôi móc điện thoại di động trong túi xách ra, bần thần nhìn vào bàn phím. Lẽ ra giờ này tôi phải nhắn tin cho chồng tôi, nhắc anh vài việc. Lâm là người hớ hênh, chểnh mảng, cứ hay quên trước quên sau. Hơn nữa, đàn ông mà ở nhà làm nội trợ thì dĩ nhiên không thể nào sánh được với đàn bà. Nên tôi cứ phải nhắc chừng cho anh mọi việc. Tôi biết đôi lúc Lâm giận tôi, buồn, và chán nản, cả tự ti mặc cảm nữa. Nhưng tôi biết làm gì hơn?
Lấy nhau 8 năm, con trai vừa tròn 7 tuổi, nhưng tôi luôn có cảm giác, tôi chưa hiểu gì về chồng tôi cả. Và Lâm cũng chẳng hiểu tôi. Hoặc cả 2 chúng tôi, không ai thèm nhín chút thời gian trong cái quãng thời gian dài rộng mênh mang đến chẳng biết làm gì ở cái xứ nửa quê nửa chợ này để mà cất công tìm hiểu về người kia, người vốn dĩ là vợ hay chồng của mình. Người sẽ chung sống, làm lụng, ăn uống, ngủ nghê… với mình đến suốt cả cuộc đời [nếu cực kỳ may mắn, hoặc là chúng tôi vô cùng bất hạnh].
Tôi gặp Lâm lần đầu trong đám cưới một người bạn. Đêm nhóm họ, nhà gái thuê một dàn nhạc sống, ca hát linh đình. Tôi rất thích hát, đăng ký lên hát một mạch 3 bài liền. Mọi người bên dưới vỗ tay rôm rả. Đến giữa bài thứ 3 thì có một anh chàng bị cả đám bạn trai xô đẩy văng lên tận sạp sân khấu thấp phủ bạt mà tôi đang đứng. Anh ta bối rối giơ cả 2 tay, đưa tôi bình hoa hồng bằng nhựa vẫn dành để trang trí cho bàn tiệc. Gương mặt chất phác, hiền lành, có thể nói là đẹp trai. Dáng dấp cao ráo [vì anh ta đứng bên dưới nhưng vẫn cao hơn tôi chút ít mặc dù tôi đứng trên sạp]. Tôi tươi cười nhận bình hoa trong tiếng tán thưởng, hò hét, vỗ tay, gõ ly chén, đập bàn ghế,… của mọi người. Khuya, Lâm – tên người tặng hoa, đạp xe đưa tôi về. Chúng tôi nói bâng quơ những câu chuyện vô thưởng vô phạt. Thế thôi nhưng lòng tôi xao xuyến lạ kỳ!
Tuy nhiên, đến tận 6 tháng sau, ngày ba má Lâm đến nhà tôi dạm ngõ, chúng tôi còn chưa hôn nhau lần nào. Tôi không dám kể với ai chuyện kỳ dị này. Vì thời của tôi sống đâu phải là thời phong kiến! Tôi đã từng có bạn trai từ hồi 16 tuổi, chúng tôi cũng không ngờ nghệch đến mức quên đi những trò gái trai chim chuột. Đến giờ tôi cũng không hiểu tại sao lúc đó tôi nhận lời lấy Lâm, khi mà đến trước ngày cưới, quan hệ của chúng tôi chỉ khác hơn quan hệ bạn bè bình thường ở chỗ mỗi chiều Lâm đều đặn đón tôi ở chỗ làm, đến nhà tôi ngồi chơi tới tận tối, tôi làm gì cũng thấy như Lâm đang nhìn tôi, ánh mắt ấm áp, ân cần. Còn chuyện Lâm uống rượu với ba và các anh trai của tôi, dắt các cháu tôi đi chơi, giúp mẹ tôi sửa lại cái nhà bếp… những chuyện đó, dù không phải là người yêu, người ta vẫn có thể làm được.
Sau này nhớ lại quãng thời gian đó, điều làm tôi khó quên lại là chi tiết rất nhỏ nhặt vào cái ngày gia đình Lâm đưa sính lễ qua nhà tôi. Sau khi phần nghi lễ đã xong, 2 bên ăn uống vui vẻ, những người đàn ông nhà trai ngồi uống rượu với những người đàn ông nhà gái. Bên mâm cơm đàn bà, mẹ Lâm xoa tay hồ hởi nói với mẹ tôi: Trời ơi tôi mừng quá chị ơi! Cuối cùng thì nó cũng lấy được vợ!
Mấy chị cùng cơ quan nói với tôi, vợ chồng là duyên phận, tôi thấy chẳng khác mấy với “nợ đời”. Không biết Lâm cảm thấy thế nào trong cuộc hôn nhân này. Còn tôi đã phải trả giá cho món nợ mà tôi hoàn toàn không biết mình đã vay từ lúc nào, hay từ kiếp nào trong vô lượng kiếp đã trải qua của một sinh linh nhỏ bé và vô nghĩa lý là tôi.
Cái giá phải trả đầu tiên là đêm tân hôn và những đêm mà người ta gọi là “trăng mật” nối tiếp theo sau nhạt nhẽo, khác hoàn toàn với những gì mà một cô gái trẻ như tôi lúc đó từng tưởng tượng. Chồng tôi im lặng, loay hoay, hì hục rồi đến sung sướng trong vai trò làm chồng. Những nụ hôn ngượng ngập đặt không đúng chỗ. Những vuốt ve thô thiển gây ra sự khó chịu. Tất cả làm tôi thấy ghê ghê hơn là thích thú. Tôi nằm im lặng không kém, thật lạ lùng là tôi không đau đớn, kể cả khoảnh khắc mất mát để trở thành đàn bà, và cũng không thấy khoái cảm gì trong chuyện làm vợ của mình. Mọi thứ cứ trôi tuột. Đơn thuần là hoạt động giao phối đúng nghĩa đen giữa 2 sinh vật. Nó khiến cho ban ngày, đầu óc tôi không ngớt nguyền rủa sự tưởng tượng của mình. Ban đêm, tôi tỉnh táo để mặc cho Lâm làm những gì trong khả năng anh có thể. Tôi mường tượng và tự hỏi sao người ta có thể yêu nhau mãnh liệt như trong những bộ phim nóng bỏng mà tôi đã từng xem. Tự hỏi sao có những người có thể phản bội chồng, bỏ rơi con cái, chỉ vì dục vọng với người đàn ông khác. Tôi không đánh giá được cái dục vọng đó nó có thể mang đến khoái cảm cám dỗ đến độ nào? Riêng đối với tôi, 8 năm làm vợ, là 2,920 đêm, khủng kiếp – gần 3,000 đêm tôi thấm thía cảm giác chán ngán và ghê tởm.
Nhưng tôi chưa từng hé răng với ai về điều đó, nhất là với Lâm. Làm sao tôi có thể nói với anh điều đó? Dù gì thì cũng là chồng vợ. Lâm tuy vô vị, nhưng vẫn là một người hiền lành, trách nhiệm, biết lo lắng cho vợ con. Ai cũng nói tôi có phước gặp được Lâm đẹp trai mà hiền lành như thế. Dù anh có nhược điểm là an phận, địa vị thấp một chút, thì cũng chẳng sao. Tôi chỉ cười khi nghe người ta nói vậy, không biết phải phản ứng thế nào. Đàn ông mà an phận và vô vị thì còn gì cứu vãn?!
Lâm chưa bao giờ có ý định dành dụm tiền để 2 vợ chồng đi du lịch đâu đó. Một ngày của anh được lập trình sẵn trong suốt gần 3,000 ngày tôi sống với anh. Sáng tắm rửa thay quần áo đi làm, ghé qua quán mì hoành thánh góc ngã tư gần cơ quan, có thể sẽ đổi món là cơm tấm bì khi đêm trước ăn cơm không ngon hoặc phở tái bò viên vào những hôm trời mưa hay lạnh. Trưa ăn qua quýt ở căn-tin hoặc ăn chầu rìa khi sếp anh tiếp khách. Chiều tối không đi uống bia uống rượu với đồng nghiệp thì về nhà nằm dài xem TV – với món độc nhất là phim Việt Nam, đến giải đấu khu vực nào có đội tuyển Việt Nam tham gia thì Lâm mới đổi món. Khi tôi nói với Lâm cô ca sĩ Lệ Quyên này mới nổi, hát nghe cũng hay, anh khẽ “vậy à?”, rồi tiếp tục tròn mắt há miệng dõi theo bộ phim truyền hình ngô nghê, âm thanh mono nghe sởn cả gai ốc. Tối đến lên giường Lâm cũng im lặng, hiếm khi trò chuyện. Tôi không biết anh nghĩ gì, muốn gì, thích gì… Anh cũng không bao giờ tặng quà cho tôi trong ngày sinh nhật [tôi còn không biết anh có nhớ đến sinh nhật của thôi hay không]. Còn chuyện một bữa ăn tối lãng mạn chỉ có 2 người được chuẩn bị thật kỹ lưỡng nhân một dịp quan trọng nào đó thì lại càng xa xỉ! Quá khứ của tôi thì anh chỉ tò mò có mỗi một câu: Hồi trước em cũng học Đại học ở Sài Gòn à?
Ngày tôi sinh con trai, gia đình 2 bên rồi bạn bè, đồng nghiệp xúm xít vào bệnh viện nựng nịu, hỏi han, chúc mừng. Lâm cũng rất vui. Đến tối mọi người về hết, mẹ tôi đã xuống đường uống nước sâm hóng mát, tôi chờ đợi Lâm sẽ nói với tôi điều gì đó ngọt ngào riêng tư giữa 2 vợ chồng son lần đầu làm cha mẹ. Lâm vẫn bình thản không hề hỏi tôi có đau không, có mệt không, có muốn ăn uống gì không? Anh chỉ ngồi nhìn đứa trẻ, rồi ra hành lang hút thuốc. Nhiều năm sau khi con tôi đã lớn, đến cả khi tôi phải một mình cáng đáng cuộc sống gia đình, khi tôi đi làm về, chưa bao giờ tôi nghe Lâm hỏi là em có mệt hay không? Em cần gì, anh giúp. Chờ đón tôi ở nhà luôn là bộ mặt bình thản của người đàn ông chậm rãi, an phận, kiệm lời đến không thể kiệm lời hơn. Tin nhắn mà tôi thường nhận được từ Lâm cũng ngắn gọn không kém, thường vỏn vẹn: Ok.
Từ Ok đó có được là nhơ tôi buộc Lâm đi học tiếng Anh ở trung tâm Ngoại ngữ, cuối tuần tôi sẽ kiểm tra thử sức học của anh đến đâu. Ban đầu, Lâm khó chịu phản ứng, nói nhân viên lái xe cho cơ quan nhà nước như anh thì học tiếng Anh làm gì? Tôi bảo, học thì sẽ không mất đi đâu, có khi cần lúc nào không biết! Còn hơn tối nào anh cũng chỉ có nhậu hoặc xem TV, như thế còn vô bổ hơn. Lâm học, nhưng tôi biết, anh chỉ chiều ý tôi mà thôi, chứ chẳng thích thú gì! Tôi thỉnh thoảng cứ phải nhắn tin hay ghi lời nhắn, thậm chí trò chuyện với anh bằng tiếng Anh, tôi muốn anh tiến bộ trong việc học [nhờ thế chứ nếu không thì tin nhắn của anh cho tôi chắc còn sẽ ngắn hơn nữa với 1 chữ “ừ” bằng tiếng Việt]. Để khiêu khích anh, có khi tôi hỏi trong lớp có cô nào thích anh không? Lâm trợn mắt nhìn tôi, bảo anh giới thiệu với mọi người là anh đã có vợ con rồi, với mấy đứa con gái trẻ trẻ, anh đều kêu tụi nó bằng con và xưng chú thôi!
Nhiều lúc tôi muốn mắng chửi, muốn gây gổ với Lâm. Muốn Lâm có thể hư hỏng hơn một chút, vũ phu hơn một chút, xấu tính hơn một chút, thì đã sao? Hay thậm chí, tôi lén xem clip sex suốt ngày trong cơ quan, tôi từng muốn cho Lâm xem. Tôi từng muốn nói tôi chán những đêm mà Lâm nằm trên tôi nằm dưới lắm rồi! Tôi muốn phá vỡ hết mọi rào cản vô hình mang yếu tố mặc cảm tâm lý và xấu hổ vô cớ để mà có đi đến li dị hay Lâm có coi thường tôi thì cũng mặc kệ! Nhưng mà mỗi tối về nhà, nấu cơm tối xong, cả nhà 3 người ngồi quây quần ăn cơm, 2 vợ chồng cùng nói giỡn vài câu với thằng con nhỏ, nghe bên nhà hàng xóm lục đục chì chiết nhau, tôi không nỡ phá vỡ đi những giây phút êm đềm hiếm hoi đó của mình. Sau bữa cơm, Lâm lặng lẽ rửa chén, đổ rác, khoá xe, đóng cửa sau cửa trước, rồi đi tắm, lên giường. Vẻ mặt hiền lành, ngoan ngoãn. Tôi không thấy mình có lý do gì để ghét bỏ anh cả!
Kể cả khi Lâm bị cho thôi việc, tôi cũng chưa từng trách móc anh câu nào. Đi làm mà quanh năm lầm lì sai đâu đánh đó, không nói được một câu cho sếp ưng bụng, không tặng được một món quà cho vợ sếp vui thì bị đuổi cũng phải. Tôi đã từng khuyên nhủ rồi mà Lâm không chịu nghe, bảo anh ngại làm mấy chuyện đó lắm! Suốt một năm nay tôi là nguồn thu nhập chủ yếu nuôi sống gia đình. Lâm vốn ít nói, giờ càng trở nên lặng lẽ hơn, anh như chiếc bóng trong nhà, cũng không chịu giao tiếp với ai bên ngoài. Nhiều lúc tôi cáu, hỏi anh không chơi với ai ngoài em và thằng con mình à? Lâm bình thản: Muốn đi chơi thì phải có tiền, làm sao anh cầm tiền vợ mà đi chơi cho được?
Tôi chạy vạy khắp nơi mong tìm một chỗ làm khác cho chồng mình, nhưng tôi cũng đâu phải là loại tai to mặt lớn gì! Ở văn phòng Sở Xây dựng này, tôi chỉ thuộc hạng nhân viên quèn. Muốn gửi gắm, đâu phải là đơn giản. Tôi cũng không phải loại người như bà Hồng ngồi bên cạnh, đã hơn 40 tuổi nhưng mặt mày lúc nào cũng đầy son phấn, váy áo diêm dúa, suốt ngày bám lấy các sếp lớn, miệng ngọt như mía lùi, gì cũng anh anh, em em… Các sếp đi đâu tiếp khách đều đưa bà Hồng theo, ăn uống, ca hát,… Bà ấy hát khá hay, uống bia cũng tốt, thế là được lòng mọi người, quen toàn cớm với kẹo. Bà Hồng thường khoe: Chị mày không chức vụ gì to tát, nhưng tụi mày muốn gì, cứ nói tao một tiếng. Tôi nhiều lần muốn ra mặt nhờ vả bà ấy giúp chồng tôi. Nhưng nhớ tới chuyện tôi với bà ấy vì một suất học Thạc sĩ [mặc dù chỉ là đào tạo từ xa thôi] mà mặt nặng mày nhẹ với nhau, đã lâu không nói chuyện thì tôi cũng e ngại. Trong khi tôi thấy mình không có lỗi gì cả! Tôi trẻ hơn, có năng lực hơn, thì tôi được chọn. Bà ấy cứ cay cú, nghĩ bà ấy thân các sếp như thế! Còn tôi lù cù lần cần, được chọn chắc là tôi phải có chiêu gì kín hơn, độc hơn thì tôi mới hớt tay trên của bà ấy được. Bà Hồng toang toang đi nói với mọi người: Tao rất ghét những đứa giả dại qua ải. Coi hiền hiền mà bán trời không văn tự cho coi! Tôi biết bà ám chỉ ai, nhưng tôi mặc kệ.
Nói dông dài mà tôi vẫn chưa đi vào chuyện chính là chuyện cái cô Kim. Ý tôi chỉ muốn mọi người hiểu rằng tôi không phải là người không biết thông cảm hay chia sẻ với chồng mình. Tôi cũng không có ý xấu gì với Kim. Ngoài ra, tôi còn có thể bỏ qua mọi nhược điểm, cả lỗi lầm của Lâm. Chịu đựng sự bất tài. Nhưng tôi tuyệt đối không thể chấp nhận nổi sự phản bội. Một người đàn ông như Lâm mà còn có thể phản bội tôi thì thử hỏi cuộc đời này còn gì chua chát hơn nữa?! Và nếu chuyện phản trắc xảy ra, tôi hoàn toàn không giận Kim, người tôi giận, chỉ là chồng tôi và chính bản thân tôi nữa.
Và đến ngày hôm qua thì sức chịu đựng của tôi đã bị phá hết mọi giới hạn. Nhỏ Dung bạn tôi, nhà gần bến đò Sơn Lý, cũng là hàng xóm với bên nhà chồng tôi, giữa trưa nó gọi, nói chồng mày đang cua gái trên đò. Tôi ngạc nhiên hỏi nó chuyện gì, nói cho rõ ràng tôi nghe. Nó bảo Lâm đang đứng cách nó có vài thước thôi. Dung ở dưới đuôi đò gần buồng lái. Còn Lâm đứng gần mũi đò, với một con nhỏ rất đẹp và trông quen lắm. Lâm nhìn con đó không chớp mắt, nói chuyện gì nó không nghe được, nhưng nhìn qua là biết tình tứ lắm rồi! Nó nói Lâm còn nắm tay con nhỏ đó, có vẻ khuyên lơn van vỉ gì đó rất thống thiết… Tôi nổi máu, nhưng cố bình tĩnh, hỏi mày có nhầm ai không? Nó nói thằng chồng mày đẹp trai nhất xóm tao hồi đó, hồi nhỏ tao còn nằm mơ thấy nó, đến khi biết nó có người yêu, tao tức lộn ruột mà mày nghĩ sao tao có thể nhìn nhầm? À, đúng rồi, nói tới vụ nó có người yêu tao mới nhớ, tao nhìn kỹ rồi, con này là con bồ cũ nó hồi xưa! Tao biết rồi, nó là con Kim, con Kim cũng ở xóm đò Sơn Lý hồi xưa đó!... Con Kim bây giờ khác quá, chút nữa là tao nhìn không ra…
Nghe con bạn nói, tôi mới nhớ lại cách đây 3 ngày, hôm 14.10. Tôi nhớ rõ vì ngày hôm đó là sinh nhật ông Chánh văn phòng sếp tôi. Tôi đi dự tiệc sinh nhật, hát karaoke với đồng nghiệp đến khuya mới về nhà. Con trai tôi và Lâm đã ngủ say sưa. Tôi đi tắm xong ra định lên giường đánh một giấc thì thấy điện thoại di động của Lâm đặt trên bàn cạnh giường đang rung bần bật. Tôi tò mò không biết ai lại gọi vào giờ khuya khoắt này? Nhỡ chẳng may cha mẹ anh em bên chồng gặp chuyện gì chăng? Mặc dù thấy số điện thoại lạ nhưng không muốn phá giấc ngủ của Lâm, tôi bắt máy. Bên kia là một giọng nữ dịu dàng, tôi đoán là còn trẻ. Giọng đó hỏi xin gặp Lâm. Tôi bảo Lâm ngủ rồi, tôi là vợ Lâm, có gì nhắn lại không? Bên kia thoáng vẻ chưng hửng, ngập ngừng. Rồi cũng nói, cô ta là Kim, muốn tìm chồng tôi có chút chuyện, nhờ tôi nhắn lại với Lâm vào sáng mai. Tôi ừ hử rồi cúp máy. Lòng như đeo đá! Cả cái huyện Lâm ở không ai không biết hồi mới lớn, Lâm từng mê Kim đến sinh ra khờ khạo. Tôi không nói gì với Lâm vào sáng hôm sau. Không phải tôi ích kỷ nhỏ nhen gì, nhưng tôi bực. Và tôi nghĩ rằng chắc chắn, sáng hôm sau, thế nào cô ta cũng sẽ gọi lại mà không cần thiết gì đến cái lời nhắn thừa thãi của người vợ vô duyên tội nghiệp là tôi đâu.
Cả ngày sau đó tôi bần thần không làm được việc gì. Lâm vẫn trả lời tin nhắn của tôi với vẻn vẹn Ok như mọi khi. Không hề có biểu lộ gì khác lạ. Tôi tự hỏi sao một kẻ chất phác như Lâm bỗng chốc có thể khéo léo đến vậy? Tôi cũng không biết phải mở lời hỏi về chuyện của Lâm và Kim như thế nào. Chúng tôi vốn chưa từng hỏi han hay đề cập đến chuyện quá khứ của nhau. Đêm tôi trằn trọc không ngủ được, chỉ muốn dựng Lâm dậy để hỏi cho ra lẽ là Kim tìm anh để làm gì? Nhưng tôi không phải nhọc công, Lâm vừa ngủ được một lúc thì giãy giụa như chiêm bao thấy ma, miệng hét tên Kim ơi Kim hỡi liên tục. Hét cả buổi thì giật mình ngồi bật dậy, nhìn là biết gặp phải ác mộng rồi. Lâm bắt gặp tôi nhìn, cũng không thèm thanh minh một tiếng, bỏ ra bếp ngồi uống trà tỉnh bơ như không! Tôi cáu đến mức không biết phải làm gì! Chồng tôi nằm cùng một giường với tôi, mơ kêu tên một người đàn bà khác, tỉnh dậy xem như không có chuyện gì xảy ra. Tôi phải làm gì đây?
Giờ thì suốt ngày hôm qua anh ta đi với cái con Kim đó, quên cả nấu ăn, giặt giũ và đón con. Không đón con mà chẳng báo cho tôi biết. Tôi về nhà không thấy ai, gọi Lâm cũng không nghe máy. Tôi hộc tốc chạy đến trường khi trời đã mờ tối, thằng bé đang khóc sướt mướt. Tôi vội vã dỗ con, ghé cho nó ăn hủ tiếu. Về nhà tắm rửa xong, được chơi game nó mới hết thút thít. Gần 10 giờ đêm Lâm mới mò về, hơi ngà ngà say. Tôi muốn làm cho ra chuyện, nhưng thấy con trai đã ngủ, sáng nó phải đi học sớm. Tôi lại ngu ngốc không biết vặn hỏi Lâm bắt đầu từ đâu? Dù chỉ là một người đàn bà – công chức tỉnh lẻ, nhưng tôi cũng biết đến sự tự trọng của đàn bà. Tôi im lặng, định bụng sẽ tìm cách giải quyết khéo léo hơn. Lâm trơ trẽn nằm vật ra giường, ngủ ngáy pho pho như một người đàn ông trong sạch nhất của một gia đình hoàn hảo nhất.
Tôi nhìn bộ dạng Lâm rã rời trong giấc ngủ mà sôi máu! Cả ngày nay chắc là bọn họ quấn quýt đến đã đời! Người chồng vô vị và tẻ nhạt của tôi liệu sẽ như thế nào khi ở bên cô ta? Tôi từng nghe nói đàn ông sẽ rất khác khi ngủ với người tình. Dù với vợ, họ có nhàm chán đến đâu đi nữa… Người tình mới là kẻ được đàn ông chìu chuộng. Càng nghĩ, càng tưởng tượng, tôi càng muốn cầm lấy con dao trong bếp mà đâm cho Lâm vài nhát. Nhưng tôi không dám. Hoàn toàn không dám! Kẻ phản bội cứ nằm ườn ra đó, ngủ ngon lành.
Còn tôi thì tiếp tục vác nỗi đau câm nín của mình vào cơ quan sáng nay, chẳng biết nên làm gì cho phải?
* * *
(Còn tiếp...)
nguồn:http://hanwonders.multiply.com/journal/item/520
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001