Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

Ngôi đình cổ 300 năm tuổi có nguy cơ bị sập vì chờ... cơ chế

19:44:00 04/10/2012

Nằm trong quần thể di tích làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), đình Cam Thịnh tuổi đời trên 300 năm đang đứng trước nguy cơ sập đổ vì những bào mòn của dâu bể thời gian và cả sự quan liêu, thiếu trách nhiệm của con người.


Tiếng kêu cứu của người dân Cam Thịnh đang rơi vào thinh không khi những đề xuất tu bổ, sửa chữa di tích còn im lìm bất động vì phải chờ các đơn vị chức năng xem xét, phê duyệt. Trong khi, hệlụy từ câu chuyện chùa Trăm gian khiến nhiệt huyết của nhiều cá nhân muốn đứng ra tự phát cứu ngôi đình cổ cũng đang cùn mòn, nao núng dần vì e ngại sức ép từdư luận và cơ chế.

Trưa nắng, trong cái quạnh quẽ và im ắng giữa không gian cổ kính ở Đường Lâm, ông Trương Văn Xệ, thủ từ đình Cam Thịnh rầu rầu chỉ vào những hàng cột chằng buộc, giằng díu dựa dẫm nhau làm trụ cho cả ngôi đình xiêu vẹo: “Đình này thờ Đức Thành hoàng và Đức gia hậu Thượng tướng quân Cao Phúc Diễn cùng phu nhân là bà Giang Thị Thắng. Bà Thắng chính là chị ruột của vị sứ thần nổi tiếng Giang Văn Minh. Theo các cụ truyền tụng, đình được dựng thời vua Lê Thần Tông (1649 - 1662) với công đức phần lớn thuộc về vợ chồng tướng quân Phù Việt Hầu.Đình đã qua tu bổ 3 lần, mà lần gần đây nhất là năm Bính Thìn (1916)”.

Từ khi Đình có xuống cấp, nhân dân thôn Cam Thịnh cùng Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm đã đề nghị các cơ quan chức năng về khảo sát hiện trạng và cho phương án tu bổ. Nhưng những chuyến xe vẫn dập dìu đưa người đến rồi đi, và tất cả lại nằm im như cũ. Ông Trương Văn Xệ bật mí: “Chúng tôi cũng chỉ nghe nói kinh phí sửa đình được đề xuất khoảng 10 tỷ. Khi chúng tôi hỏi sao Nhà nước không cho tiền để tu bổ thì mấy ông trên Ban Quản lý lảng tránh, đổ thừa là…không có kinh phí”.

Nhiều người dân Cam Thịnh bức xúc: “Sửa thì Nhà nước không có tiền, phương án tu bổ các cơ quan quản lý văn hóa cũng không khẩn trương xây dựng và công khai đưa xuống cho dân. Dân làng chỉ biết dài cổ ra đợi. Nhưng giả dụ bây giờchúng tôi “của đau con xót”, thương cho di tích mà hô hào các cá nhân đóng góp rồi hè nhau làm, thì lại bị đổ thừa là phá hoại. Nhìn sự việc ở chùa Trăm gian là chúng tôi nhụt chí luôn”.

Số phận của đình cổ Cam Thịnh vẫn đang lâm cảnh bế tắc khi ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cho biết: Ban Quản lý di tích đã nhiều lần khảo sát, tiến tới lập hồ sơ đề nghị tu bổ,chống xuống cấp khẩn cấp đình Cam Thịnh. Nhưng hồ sơ gửi đi đã lâu, đến nay vẫn chưa biết nằm ở chỗ nào, vướng mắc ra sao và đình cổ Cam Thịnh còn phải chịu cảnh… chống cột chờ sập đến lúc nào? Câu hỏi này đang chờ đáp án từ các cơ quan quản lý di tích của Hà Nội, thành phố nghìn năm văn hiến.
N.H.S
Nguồn: CAND


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001