Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Như Cây Tre Việt Nam - Thái Bá Tân: Một Đốm Sáng Của Văn Học Nghệ Thuật 


Năm 1956, khi phản bác lại quan điểm cho rằng sáng tác của văn nghệ sỹ phải tuyệt đối đi theo sự lãnh đạo và định hướng của Đảng Cộng sản (lúc đó có tên là Đảng Lao động), nhà nghiên cứu Trương Tửu viết: “Văn nghệ sĩ yêu Đảng, nhưng họ còn yêu sự thực hơn Đảng. Vận mạng của văn nghệ dài hơn vận mạng của Đảng, dài hơn cả vận mạng của chế độ.”[1] Tư tưởng đó của Trương Tửu cũng có thể diễn giải như thế này: văn nghệ sỹ có thể vẫn yêu Đảng nhưng tình yêu đó phải luôn ở dưới tình yêu sự thực và nếu văn nghệ sỹ gắn vận mệnh của mình vào Đảng thì vận mệnh nghệ thuật của văn nghệ sỹ cùng lắm cũng chỉ dài bằng vận mệnh của Đảng, của chế độ thôi. Nhưng đúng nửa thế kỷ sau, năm 2006, trước khi từ giã cõi đời hai năm, nhà văn Nguyễn Khải – người được giải thưởng Hồ Chí Minh - đã để lại một lời trăng trối: “Tôi là nhà văn của một thời, thời hết thì văn phải chết, tuyển tập, toàn tập thành giấy lộn cho con cháu bán cân.”[2]
Nhìn vào bức tranh văn học, nghệ thuật hiện nay chúng ta không thể không thấy vẫn một màu chủ đạo xám buồn như Nguyễn Khải đã thú nhận. Tuy nhiên, trong không gian xám xịt đó đã có những đốm sáng. Năm bài thơ và một truyện ngắn sau đây của cùng một tác giả, Thái Bá Tân, là một trong những đốm sáng đó. Như Cây Tre Việt Nam trân trọng giới thiệu:

image-large-chiec-khan-truyen-ngan-cua-thai-ba-tan.jpg

TỰ NGẪM

Suốt một đời cặm cụi
Dịch thơ rồi viết thơ,
Toàn những lời hoa mỹ,
Toàn những điều ỡm ờ.

Cứ tưởng dân cần lắm
Cái thơ ấy của mình,
Đầy hoa thơm, cỏ biếc,
Cùng trời sao lung linh.

Thơ thì như đánh đố,
Ý ít mà lời nhiều,
Quanh đi rồi quẩn lại,
Hết buồn lại đến yêu.

May cuối đời chợt tỉnh,
Mới hiểu rằng thơ ca
Ăn nhau ở cái ý
Và cái giọng thật thà.

Và rằng hoa với lá
Và trời sao cũng cần,
Nhưng cái cần hơn cả
Là đi vào lòng dân.

Mà dân thì đang khổ,
Nước thọ địch bốn bề,
Vậy hãy gác hoa lá
Để nói cho dân nghe,

Nói một cách giản dị,
Nói hộ dân, nôm na,
Những gì dân đang nghĩ
Về mình, về nước nhà.

Văn thơ là phải nói
Về thế thái nhân tình,
Vì văn dĩ tải đạo,
Chứ không phải tải mình.

Chẳng sao, nếu đồng nghiệp
Trách thế nọ, thế này.
Tôi là tôi quyết định
Viết thơ nói từ nay.

Nhiều khi tôi cứ nghĩ,
Làm cái anh nhà thơ,
Sẽ là không tử tế
Nếu cứ mãi ỡm ờ.

Mời các vị cứ viết
Về hoa lá, mùa xuân.
Nếu thơ có phe cánh,
Tôi thuộc phe nhân dân.

(23/7/2012)

NÓI VỚI CHÁU RỂ

1
Mày rót bác cốc nước,
Rồi bác nói điều này.
Năm ngoái bác phản đối,
Không cho cháu lấy mày.

Vì sao ư? Đơn giản
Vì mày là công an.
May, giờ bác vẫn thấy
Mày ngoan, hoặc còn ngoan.

Công bằng ra mà nói,
Công an cũng chẳng sao.
Hơn thế, còn cần thiết,
Nhưng chẳng hiểu thế nào

Giờ lắm đứa tệ quá,
Đạp vào mặt người ta,
Còn giở các trò bẩn,
Đánh đập cả đàn bà.

Giả sử, mai “dự án”
Nó cướp đất nhà mày,
Mày có để lặp lại
Vụ Văn Giang gần đây?

Vợ mày đang có chửa.
Bác mừng cho chúng mày.
Nếu có đứa đạp nó,
Mày sẽ nghĩ sao đây?

Lại nữa, bác bị bắt,
Mày cứ nói thật lòng,
Người ta bảo mày bắn,
Mày có bắn bác không?

Mà bác thì mày biết,
Như mấy lão nông dân,
Làm sao mà “thù địch”,
Mà “phản động”, vân vân.

Nói thật cho mày biết,
Bác yêu đất nước này,
Người Văn Giang cũng vậy,
Hơn gấp vạn chúng mày.

Vứt mẹ cái khẩu hiệu
Còn đảng là còn mình.
Thế mai kia đảng chết,
Không lẽ mày quyên sinh?

Bác là người ngoài đảng.
Mày vào đảng, không sao,
Miễn là mày thực sự
Vì quốc dân, đồng bào.

Mày thừa biết chúng nó,
Cái bọn “vì nhân dân”
Đang ăn cướp trắng trợn,
Pháp luật chúng đếch cần.

Sống ở đời, cháu ạ,
Có nghề mới có ăn.
Làm công an cũng được,
Nhưng phải nhớ vì dân.

Mà dân là bố mẹ,
Là bác, là vợ mày.
Chứ mày nghe bọn xấu
Làm ngược lại là gay,

Là có tội, cháu ạ.
Chưa nói chuyện ở đời
Có cái luật nhân quả,
Tức là luật của trời.

Nhân tiện đây bác kể,
Chỗ bác cháu thân tình,
Một câu chuyện của Phật,
Cháu nghe mà ngẫm mình.

2
Có nhân thì có quả.
Đó là luật của Trời.
Cũng là luật của Phật,
Ứng nghiệm với mọi người

Một lần, khi giảng pháp,
Với tôn giả, sư thầy,
Phật Thích Ca đã kể
Một câu chuyện thế này.

Có một con bò nọ,
Nhân khi vắng người chăn,
Đã xuống ăn ruộng lúa
Của một người nông dân.

Ông này rất độc ác,
Tức giận, mắng con bò:
“Tao vất vả, nhịn đói,
Mà mày thì ăn no.

Mày phải trả giá đắt.
Tao sẽ cắt lưỡi mày,
Để mày phải ghi nhớ
Không ăn lúa từ nay.”

Nói đoạn, ông cắt lưỡi
Con bò này đáng thương.
Nó không hiểu, nghĩ lúa
Là loại cỏ bình thường.

Còn ông nông dân ấy
Sau sinh ba người con,
Tất cả đều khỏe mạnh,
Cả thể xác, tâm hồn.

Có điều cả ba đứa
Không ai hiểu vì sao
Câm, suốt ngày lặng lẽ,
Không nói được tiếng nào.

Các thầy thuốc bất lực.
Ông bố thì buồn lo.
Và rồi ông chợt nhớ
Chuyện xưa cắt lưỡi bò.

Giờ hối thì đã muộn.
Ở lành thì gặp hiền.
Sống ác thì gặp ác.
Mọi cái có nhân duyên.

“Đời là thế, - Phật nói. -
Xưa nay chưa có người
Thoát được luật nhân quả.
Bởi đó là Luật Đời.”

(8/7/2012)

TRƯỜNG SA, KHÔNG NGỦ

Đêm nay trời trở gió.
Cái cổ sái lại đau.
Đau không dám bảo vợ,
Sợ trách ngồi máy lâu.

Bên ngoài mưa nhẹ hạt.
Một đêm nữa sắp qua.
Thêm một đêm khó ngủ -
Lần này vì Trường Sa.

Chúng đã cho tàu đến,
Cái thằng này không vừa.
Không khéo rồi có sự.
Ta đã sẵn sàng chưa?

Ừ, sẵn sàng chưa nhỉ?
Mấy ông mình lơ ngơ.
Rất có thể chúng nó
Lại đánh úp bất ngờ.

Đánh úp… Nếu đánh úp,
Quân mình sẽ ra sao?
Mấy đứa giữa trời biển,
Biết chống đỡ thế nào?

Chúng sẽ chống, hẳn thế.
Nhưng chúng sẽ hy sinh.
Có lẽ hy sinh hết.
Thoạt nghĩ mà giật mình.

Và thế là chúng chết.
Con cháu của chúng ta,
Chết do ta hữu hảo,
Mất cảnh giác, lơ là.

Ở đất liền sau đó
Mấy ai dám ngẩng đầu,
Mấy ai không xấu hổ
Nhìn thẳng vào mắt nhau?

Những người con ưu tú,
Trẻ trung và yêu đời,
Không lẽ chúng phải chết,
Vì chúng ta bỏ rơi?

Và rồi sau, không lẽ,
Hai nước lại bang giao,
Coi như quên chuyện cũ,
Như cuộc chiến năm nào,

Rồi tên tuổi của chúng,
Con cháu của chúng ta,
Sẽ rơi vào quên lãng,
Không có cả vòng hoa?

Mưa vẫn mưa nhẹ hạt.
Sóng biển vang trong đầu.
Giờ không chỉ cổ sái,
Mà thêm trái tim đau.

(25/7/2012)

HUỲNH THỤC VY

Cháu - cô gái xinh đẹp,
Đẹp cả ngoài lẫn trong.
Nhìn cháu mà cứ nghĩ
Cái đẹp của non sông.

Chúng, chính quyền, thật xấu.
Vừa ác vừa bất minh,
Đến mức không muốn nghĩ
Đó là chính quyền mình.

Cháu như người phụ nữ
Trong tranh Delacroix,
Guidant le peuple
Mà peuple - là chúng ta.

Cháu chỉ muốn công lý,
Dân chủ và tự do.
Tự do cho cả chúng,
Mà chúng, bọn côn đồ

Lại luôn truy bức cháu,
Dùng cả cách đê hèn.
Ngẫm mà thấy phẫn nộ,
Thấy nhục cho chính quyền.

Thục Vy, bền gan nhé.
Chúc chân cứng đá mềm.
Cháu như ngọn đuốc sáng
Đang dẫn đường trong đêm.

Nói thật, bác nhìn cháu
Vừa thán phục, tự hào,
Vừa pha chút xấu hổ.
Cháu hiểu rõ vì sao.

Xin lỗi, thế hệ bác
Dựng nên chế độ này
Để bây giờ cháu khổ,
Để dân tình đắng cay.

Cái hồi bác đi Mỹ,
Thăm tượng Liberty,
Đặt hoa dưới chân tượng,
Bác chưa biết Thục Vy.

Giờ xin phép âu yếm
Đặt hoa dưới chân mày.
Mày vấp ngã, còn sức,
Nhất định bác chìa tay.

(8/7/2012)

Những người khốn khổ

Hắn là đội viên đội cảnh vệ một cơ quan trung ương, chính xác hơn là đội cảnh vệ riêng của thủ trưởng cơ quan ấy, một nhân vật quan trọng và nổi tiếng, đến mức được treo ảnh trên đường phố vào những dịp đại lễ. Hắn là lính mới nhưng rất được tin cậy, vì đích thân ông đội trưởng quân hàm trung tá vào tận quê tuyển mộ. Riêng việc này đủ bảo đảm cho hắn một chỗ đứng vững vàng trong ngành và một tương lai chắc cũng vững vàng không kém.
Tất nhiên quê hắn phải là Nghệ An, ở một huyện cách mạng, xã cách mạng, làng cách mạng, và gia đình hắn không chỉ cách mạng nòi, mà còn nhất thiết phải là cố nông, tức là bậc thấp nhất trong thứ bậc tài sản ở nông thôn Việt Nam vốn đã rất nghèo thời đó. Bản thân hắn cũng không chê vào đâu được - khỏe mạnh, 22 tuổi, lạnh lùng, lầm lì ít nói, khuôn mặt vô cảm kín bưng, không nghiện bất kỳ cái gì, đến trà và bia cũng không mà chỉ uống nước sôi để nguội, ấy là nói sau này, chứ lúc ở nhà hắn uống nước lã, có khi nước ruộng. Ông trung tá đội trưởng bỏ hẳn một ngày dò hỏi trong làng về thời trẻ của hắn, thấy nói hắn không biết sợ là gì, thích đánh nhau và thường đánh thắng. Sau này ông phát hiện thêm hắn có kỷ luật thép, luôn tuân lệnh cấp trên mà không hỏi một câu nào thừa, không cử chỉ nào thừa. Tóm lại, hắn là một cái máy, một rô-bốt hoàn hảo chỉ cần có người điều khiển. Duy nhất một điều ông chưa thật vừa ý, là hắn không mù chữ mà lại học hết lớp bảy. Hơn thế lại học không đến nỗi. Nhưng không sao, ông chép miệng, con người ta hiếm ai trọn vẹn mọi bề. Vả lại cái khiếm khuyết ấy có thể khắc phục được cùng với thời gian.
Một hôm, hắn được gọi vào phòng đội trưởng. Chỉ một mình ông với hắn.
“Đội có nhiệm vụ này giao cho đồng chí...” ông kia vào đề luôn.
Hắn biết có chuyện quan trọng. Bình thường ông vẫn cậu tớ thân mật với hắn. Cả vẻ mặt nghiêm khắc thái quá của ông cũng khẳng định thêm điều đó.
“Tôi sẵn sàng nhận và hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ nào đồng chí và tổ chức giao” Hắn ưỡn người đáp, cũng là một ngoại lệ, vì xưa nay ít khi hắn phải nói cái câu nghi thức khô khan ấy.
“Tốt. Mời đồng chí ngồi xuống”.
Ông đội trưởng chỉ chiếc ghế cho hắn, rồi chậm chạp và rõ ràng, ông nói rõ cái nhiệm vụ đặc biệt hắn sẽ làm lần này. Hắn không cắt ngang lần nào, cũng chẳng hỏi gì. Chỉ lặng thinh nghe và trả lời các câu hỏi về xử thế khi giả định có khâu nào đó không diễn ra suôn sẻ như kế hoạch.
Hắn trả lời tốt. Ông đội trưởng hài lòng, thể hiện sự hài lòng ấy bằng cách vỗ nhẹ vào vai hắn:
“Thôi, cậu đi được rồi”.
Hắn được giao giết một người. Theo ảnh thì đó là một cô gái trẻ và khá xinh. Hắn không hỏi, mà rồi cũng chẳng được phép hỏi người hắn sắp giết là ai và vì sao bị giết. Hắn biết cư xử như tên giết thuê chuyên nghiệp, nhưng không vì tiền mà vì lý tưởng, vì an ninh quốc gia và vì sự bình yên của Thủ Trưởng.
Hắn đã học một năm ở trường đặc biệt của Bộ, nơi hắn được dạy những gì một người như hắn cần biết. Sau đó là hai năm công tác - cũng chẳng có gì phức tạp và hắn luôn làm tốt. Nhưng giết người thì đây là lần đầu. Tuy vậy, hắn chẳng vì thế mà run tay hoặc suy nghĩ nhiều. Cái chất máy có sẵn trong người đã được củng cố thêm, nâng tới mức hoàn hảo trong ba năm qua. Và bây giờ hắn, cái con người - rô-bốt ấy đang sẵn sàng tiêu diệt mục tiêu, chắc phải là một tên gián điệp hoặc một đối tượng nào đó rất nguy hiểm cho nhân dân và đất nước. Một khi Trên đã quyết định thủ tiêu ai thì nhất định người đó phải có tội, không thừa hơi băn khoăn thắc mắc. Thậm chí hắn háo hức làm việc này vì muốn chứng tỏ cho đội trưởng và Trên biết hắn là người thế nào. Ông đội trưởng có thể giao nó cho nhiều người khác trong đội giỏi và kinh nghiệm hơn, nhưng ông đã giao cho hắn. Chắc cũng vì mục đích thử thách ấy.
Năm giờ chiều, hắn lái chiếc xe com-măng-ca bịt kín đến chỗ qui định và bình thản chờ. Mười lăm phút sau đối tượng xuất hiện, từ cái chợ cóc ở phố Hàng Gỗ đi ra, tay xách chiếc làn xanh căng phồng. Hắn giở ảnh kiểm tra lần nữa rồi cho xe từ từ lại gần. Đến nơi, hắn mở cửa nhảy xuống, lịch sự nói: “Chị lên đây tôi chở giùm”. Trong khi người kia ngơ ngác không hiểu chuyện gì xẩy ra thì hắn đã nhanh nhẹn kéo lên xe, đóng sập cửa rồi rồ máy phóng đi. Đúng như kế hoạch. Hắn thủ sẵn chiếc khăn nhỏ định nếu đối tượng làm ầm lên thì nhét vào mồm, nhưng cô kia ngồi im, chắc do sợ quá, nên hắn chẳng phải làm cái việc thô lỗ ấy.
Theo kế hoạch thì hắn sẽ đưa cô ta đi về hướng Chèm, càng xa xa thành phố càng tốt, rồi giết. “Bóp cổ chứ đừng bắn, và vứt xác xuống sông Hồng”. “Nếu thích thì có thể hiếp trước khi giết,” ông đội trưởng bảo thế càng tăng bằng chứng đây thuần túy là vụ án hình sự. “Rồi người ta sẽ tìm ra kẻ phạm tội”.
Cô gái quả xinh thật, dù trời sắp tối nhưng hắn vẫn nhận ra điều ấy. Cô trạc hai mươi lăm tuổi, nét mặt thanh tú kiểu trẻ con, và rất trắng. Có thể đó là màu trắng bệch do quá sợ hãi. Xe đã qua Yên Phụ và đang đi ngược theo bờ đê về phía bắc. Cô gái ngồi im, có vẻ bình tĩnh hơn, và điều này làm hắn thấy lạ. Chiếc làn đổ ngang dưới ghế, mấy quả chanh lăn ra ngoài. Hai tay cô đặt lên chiếc bụng lùm lùm. Sao cô ta không kêu lên nhỉ? Không đập phá đòi thoát ra ngoài? Thậm chí không thèm hỏi đang bị đưa đi đâu. Hắn tự hỏi nhưng không tìm được câu trả lời.
Xe vẫn chạy đều, tuy không còn nhanh như trước. Trời chập tối. Cô gái vẫn bướng bỉnh im lặng. Từ ngạc nhiên, hắn chuyển sang bực mình. Đây là điều không nằm trong kế hoạch và chưa được dự tính trước nên hắn thấy lúng túng không biết nên làm gì.
“Này, con phản động kia, sao mày ngồi đực ra thế?” Hắn quát hỏi một câu ngu ngốc, chính hắn cũng nhận ra sự ngu ngốc ấy. “Mày không biết đang bị đem đi giết à?”
“Biết”, cô gái đáp, lạnh lùng và khinh bỉ.
Hắn càng lúng túng hơn, và vì không tìm được gì nữa để nói nên từ đó ngồi im.
Quá Chèm chừng năm cây số thì hắn cho xe rẽ xuống bờ sông và dừng lại sau mấy bụi tre um tùm đủ che lấp hành động tội lỗi hắn sắp làm. Trời tháng Tám đầy sao. Nước sông vỗ vào bờ ì oạp. Xung quanh vắng lặng không người, chỉ xa xa phía nam hầng lên vừng sáng nhạt những ngọn đèn thành phố.
“Xuống!”
Hắn ra lệnh, rút ở lưng ra khẩu súng lục rồi lách tách lên cò. Đó là hắn dọa chứ không có ý định dùng súng. Hắn sẽ bóp cổ rồi vứt xác xuống sông, như ông đội trưởng dặn, lại đỡ gây tiếng ồn không cần thiết. Tuy nhiên hắn sẽ không hiếp cô theo gợi ý của ông, vì suy cho cùng hắn là cán bộ, là chiến sĩ bảo vệ an ninh đất nước sống có lý tưởng chứ không phải một tên tội phạm hạ đẳng. Lúc nào hắn cũng nghĩ việc mình làm là đúng và đang phụng sự một sứ mạng cao cả. Phương tiện không quan trọng, cái chính là mục đích, người ta dạy hắn thế. Mà mục đích của những người như hắn là tiêu diệt bọn phản động, kẻ thù của giai cấp. Hắn là người thừa hành giai đoạn chót. Các giai đoạn trước đó thuộc người khác. Bao giờ cũng vậy, khi thừa hành nhiệm vụ, chất máy trong hắn luôn lấn át chất người, và bây giờ cái cỗ máy ấy đã sẵn sàng. Vậy sao hắn phải vờ lên cò súng dọa một đối thủ yếu ớt không muốn và không biết tự vệ? Thực ra hắn cũng chẳng hiểu vì sao hắn làm thế. Dọa cho vui? Hoặc trả thù vì lúc nãy làm hắn lúng túng bằng cách ngồi im không kêu la, van xin?
“Xuống. Xuống ngay, con phản động kia!” Hắn cao giọng quát khi thấy cô gái vẫn ngồi bất động trong ca-bin. Lại lần nữa hắn lên cò lách tách. “Tao không muốn bắn mày trên xe để mất công cọ rửa. Xuống”.
Cô gái không đáp. Hắn tò mò, thận trọng lại gần.
“Có chuyện gì thế? Định giở trò hả?”
Trong ánh trăng nhờ nhờ, hắn thấy cô kia đang mím môi ôm bụng vật vã, mặt méo xệch lấp lánh mồ hôi.
“Thôi đi, không lừa được ai đâu”. Giọng hắn có vẻ bớt gay gắt. “Kéo dài thêm mấy phút chẳng ích gì”.
“Anh chờ cho một lát, cuối cùng cô gái hổn hển đáp. Tôi đau quá. Nhưng chắc sắp qua rồi...”
“Đau gì?”
Cô gái chỉ vào bụng mình. Mãi đến bây giờ hắn mới phát hiện thấy cô đang có chửa, mà có lẽ đã già tháng. “Rách việc”, hắn lầu bầu, vừa bực mình vừa lúng túng không biết làm gì. Đây là tình huống không hề lường trước và rất tế nhị.
Hắn ngồi phịch xuống vệ cỏ, và vì không biết hút thuốc nên thừa tay chân, nhặt một viên đá ném xuống sông, nơi sóng vẫn vỗ ì oạp vào bờ. Mặt nước ban ngày đỏ ngầu bây giờ đang lung linh nghìn đốm sáng nhỏ.
Hình như có cái gì đấy khác thường xuất hiện trong hắn. Nhỏ thôi, yếu ớt thôi nhưng rõ ràng đã xuất hiện. Dấu hiệu về một trục trặc nào đó trong cỗ máy.
“Thì chờ”, hắn nghĩ bụng, đưa mắt nhìn khoảng trống bao la trước mặt.
Trời tối chẳng thấy gì, ngoài hình ảnh cô gái hắn sắp giết đang đau quằn quại. Đau đẻ. Thế thì thật phiền cho hắn. Sao lại chọn đúng lúc này để đau, để đẻ? Hắn nghĩ phải ra tay bóp cổ một người trong hoàn cảnh thế này thì chẳng đẹp đẽ chút nào.
Bỗng hắn nhớ đến mẹ hắn. Mấy năm qua ít khi hắn nhớ bà hoặc bất kỳ người nào ở quê. Mẹ hắn đã chết trước mắt hắn, cũng trong một cơn đau đẻ quằn quại kéo dài. Chết cùng đứa con chưa kịp ra đời. Lúc ấy hắn chỉ biết khóc chứ chẳng thể làm gì giúp mẹ. Từ đó hắn đâm sợ những người đàn bà chửa, sợ những cơn đau đẻ. Bây giờ lại cô này nữa, người hắn có nhiệm vụ bóp cổ cho chết rồi vứt xác xuống sông. Hắn rùng mình, thấy mệt rã rời, yếu ớt và thậm chí buồn. Sao trong đau đẻ phụ nữ giống nhau thế?
Hắn đứng dậy, rùng mình lắc lắc đầu như muốn xua đuổi giây phút ủy mị vốn rất xa lạ với những người làm nghề hắn. Rồi hắn uể oải bước lại gần chiếc xe.
Trăng đã lên cao, trông sần sùi và nhợt nhạt như đĩa trứng rán gà công nghiệp chỉ toàn lòng trắng. Cô gái đang tựa người vào thành ghế, mắt nhắm, mặt còn tái nhợt tuy thở đều. Hình như cơn đau đã qua.
Hắn lên xe, ngồi xuống cạnh sau vô lăng.
“Hết đau rồi chứ?” Hắn muốn quát lên như lúc nãy nhưng chỉ nói được thế, thậm chí muốn dùng chữ “cô”.
Cô gái khẽ gật đầu.
“Bây giờ anh muốn làm gì tôi thì làm. Bắn đi”.
“Tôi sẽ bắn. Nhưng không vội. Sao cô vội chết thế?”
“Vì tôi không thiết sống nữa. Sống thế này thì thà chết còn hơn”.
“Thế nào là thế này?”
“Đi mà hỏi người sai anh giết tôi ấy. Hắn đã dọa nhiều lần và lần này thì tôi biết hắn làm thật”.
“Hắn là ai?”
Cô gái lặng lẽ cúi nhìn xuống bụng.
“Không cần hỏi nhiều. Bắn thì bắn đi, nhưng bắn vào đầu ấy. Đừng bắn vào bụng. Đứa bé không có tội gì. Đau nó. Chỉ bố nó mới là thằng khốn nạn”.
“Ý cô muốn nói cô không là gián điệp nước ngoài hay phần tử phản động nguy hiểm?” Hắn hỏi một câu ngốc nghếch với giọng cũng ngốc nghếch không kém.
Cô gái không trả lời câu hỏi ngốc nghếch ấy, nhưng lát sau, một cách miễn cưỡng và vì bị hỏi dồn, cô kể hắn nghe cô là ai và vì sao bị người ta muốn giết.
Một lần đi săn ở mạn ngược, Thủ Trưởng hắn, con người quan trọng, nổi tiếng và có ảnh treo trong những dịp đại lễ ấy, gặp cô đang lúc làm rẫy, thấy xinh bèn bắt cô về Hà Nội. Hai tên mặc thường phục có súng làm điều đó. Chúng ngồi hai bên, ép chặt cô ở giữa suốt dọc đường đi. Mấy lần chúng suýt đánh khi cô định lêu cứu. Nhưng thằng Thủ Trưởng thì đối xử khá lịch sự. Hắn đưa cô đến môt căn phòng nhỏ, chu cấp đầy đủ và chẳng bắt làm gì ngoài mỗi tuần cô phải tiếp hắn trên giường ba lần vào các tối thứ Ba, thứ Sáu và Chủ nhật. Thậm chí có lần hắn nói có thể cưới cô làm vợ nếu cô ngoan ngoãn chiều hắn và nhất là không để lộ ai biết chuyện này. Thời kỳ đầu bị nhốt, nhưng sau mấy tháng cô được tự do ra khỏi nhà để đi chợ và nấu nướng cho mình. Khi thấy cô có chửa, hắn bắt đi nạo nhưng cô không chịu. Từ đấy hắn trở nên cáu giận và thô lỗ, mấy lần thẳng tay đánh cô, dọa sẽ giết nếu tiếp tục bướng bỉnh. Tuần vừa rồi thì ngày nào hắn cũng đến, đánh và dọa giết. Cô xin được về quê, thề không cho ai biết điều gì, nhưng hắn không chịu. Vậy là cô quyết định nhất thiết phải giữ đứa con này, vì cô rất yêu và muốn có nó, không thì chết cả hai. Cô biết sớm muộn hắn sẽ cho người đến đưa cô đi thủ tiêu. Và hôm nay chuyện ấy đã xẩy ra…
“Chuyện chỉ có thế, bây giờ anh bắn tôi được rồi đấy”, cô gái nói, tay vuốt vuốt bụng. “Chỉ xin bắn vào đầu”.
Hồi lâu hắn ngồi im không đáp. Hắn đang bối rối. Trước đấy thì bàng hoàng sửng sốt, thậm chí công phẫn. Dẫu sao thì hắn cũng là lính mới, và dù biết trong đời chuyện gì cũng có thể xẩy ra, nhưng những gì hắn được nghe về Thủ Trưởng mình thì thật quả hắn không ngờ, không tin nổi. Không được tiếp xúc nhiều nhưng hắn thực lòng kính trọng Thủ Trưởng, một lãnh tụ, một người đáng kính về mọi mặt mà nếu cần hắn sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ, không chỉ vì hắn được trả lương để làm điều ấy, mà vì cả sự kính trọng của hắn với ông. Hắn hiểu vì sao Thủ Trưởng sợ câu chuyện này vỡ lỡ - sắp tới có cuộc hội nghị quan trọng bàn về nhân sự. Uy tín của Thủ Trưởng có thể bị phương hại, mà nhiệm vụ của hắn là bảo vệ uy tín cho ông. Nhưng liệu hắn có nỡ giết người con gái khốn khổ này không, nếu không thì chuyện gì sẽ xẩy ra với cô và với cả chính hắn? Hắn đã bị đẩy vào một tình huống nguy hiểm và khó xử. Bất giác hắn thấy mình chẳng hơn gì cô gái khốn khổ đang ngồi bên. Hắn cũng là một thằng khốn khổ.
Hắn nhìn sang bên, thầm nghĩ nếu mẹ hắn không chết, có thể hắn cũng có một người em gái thế này. Cơn hấp hối đau đẻ vật vã của mẹ hắn lại hiện lên trong đầu. Hai mắt rưng rưng, hắn để mặc trí nhớ đưa hắn trở lại những ngày xa xưa ấy. Những ngày chăn trâu đói ăn phải moi trộm khoai hàng xóm. Những trò trẻ con láo lếu. Những cuốn sách hắn đã đọc – thời nhỏ hắn rất ham đọc sách và đọc khá nhiều nhờ mượn được của một ông giáo già trong làng - trong đó có những cuốn làm hắn cảm động đến phát khóc. Cuốn “Không gia đình” hay cuốn “Những người khốn khổ” chẳng hạn...
Hắn ngồi im, lặng người suy nghĩ rất lâu, rồi đột ngột với cả chính mình, hắn rồ máy phóng xe đi. Lúc này đã khuya. Mặt trăng sáng và tròn hơn nhưng không hiểu sao có màu vàng vàng.
Ông trung tá - đội trưởng đội cảnh vệ đã phạm một sai lầm lớn khi tuyển dụng hắn. Ông đã bỏ sót không biết một chi tiết, nhỏ thôi nhưng rất quan trọng trong việc chọn người cho cái nghề của ông, là hắn từng đọc sách, hơn thế đọc cả những cuốn có thể làm người ta xúc động và hướng thiện.
*
Câu chuyện này tôi nghe được trong một quán ăn Việt Nam ở quận 13, Paris. Chính ông chủ quán kể. Ông sang Pháp mới mấy năm nay, trước có vấn đề với chính quyền, thậm chí phải đi tù một thời gian vì lý do chính trị. Vì cùng giới nên trước đây chúng tôi có biết nhau, sơ sơ thôi chứ không thân, vì tôi viết văn mà ông thì dịch và làm điện ảnh, lại nhiều tuổi hơn. Tôi không biết ông có dụng ý gì không khi kể tôi nghe câu chuyện trên, cũng như mức độ xác thực của nó.
Phải thừa nhận đây là một chuyện cảm động, hơi chút ít ly kỳ, thậm chí có thể dựa vào đó để viết thành cuốn tiểu thuyết chững chạc. Dạo này tôi lười, ngại không muốn tập trung viết dài hơi nên cuối cùng quyết định gói gọn trong một truyện ngắn. Mà cũng chỉ mới phần mở đầu. Phần sau nhiều sự kiện hơn, và không kém phần bi kịch.
Đại khái ông kể thế này:
Bị tác động mạnh bởi cuốn “Những người khốn khổ” của Victo Huygô đọc nhiều năm về trước, đột nhiên hắn có một quyết định táo bạo, là đưa cô gái trở lại quê cô, sau đó muốn ra sao thì ra, hắn có bị sa thải, bị kỷ luật hay bị giết cũng không sao. Khi biết chuyện, cô kia phản đối, vì chắc người của Thủ Trưởng sẽ tìm đến và có thể còn giết cả nhà cô để bịt mối. Hắn thấy có lý. Cuối cùng, hai người quyết định cùng bỏ trốn, thay đổi tên họ và sống đâu đó thật xa. Đến một huyện miền núi Lai Châu, hắn lăn xe xuống vực rồi hai người dìu nhau vượt núi vào một bản người Mèo hẻo lánh. Họ làm thuê cho một ông già sống tách biệt trong rừng, chăm sóc nửa quả đồi trồng cây thuốc phiện, không tiền công, không đòi hỏi gì ngoài việc giữ kín tung tích họ. Cô gái sinh con ở đây, con trai. Được hai năm thì xem chừng bị lộ, cả ba vượt rừng trốn qua Lào, giữa đường bị một toán phỉ bắt rồi nhập bọn với chúng. Vì giỏi bắn súng và dũng cảm, chẳng bao lâu hắn trở thành một trong những tay trùm của toán phỉ ấy. Được mấy năm thì hắn quay lại Việt Nam, sau khi bắn chết một tên có ý sàm sỡ với vợ hắn. Lúc này họ đã thành người Mèo thực sự, ăn nói, sinh hoạt y hệt người Mèo, họ tên cũng thay đổi giống họ.
Cả nhà hắn yên ổn sống trong một bản hẻo lánh sát biên giới suốt mười năm, là nơi vì có học, hắn được bầu làm chủ tịch xã, còn vợ thì phụ trách hội phụ nữ. Ba đứa con thông minh, khỏe mạnh và đều học hết cấp một, mức học cao nhất mà địa phương hắn có thể có. Vậy là dường như mọi chuyện tốt đẹp. Hắn thầm hài lòng rằng cuộc đời vợ chồng hắn hóa ra cũng không đến nỗi. Viễn cảnh một cuộc sống yên ổn cho tới già bên vợ con ở nơi nghèo đói xa xôi này làm hắn hạnh phúc. Thế mà một hôm, khi cả nhà đang ngồi ăn cơm vui vẻ trong sân, hắn có cảm giác như ai đó chăm chú nhìn mình. Ngước lên nhìn, hắn thấy môt người đàn ông mặc đại cán, đội mũ kếp đang đứng trước ngõ, chắc theo dõi hắn từ lâu. Cán bộ miền xuôi, hắn chột dạ, hơn thế lại trông quen quen. Liền sau đó hắn nhận ra đó là ông trung tá, đội trưởng, thủ trưởng trực tiếp của hắn. Ông đã già, thay đổi nhiều, nhưng hắn vẫn nhận ra, bằng linh tính sắc nhạy của người suốt đời lo lẩn trốn. Ông ấy đến để bắt hắn sau nhiều năm tìm kiếm và cuối cùng đã tìm ra. Làm thế nào bây giờ? Không thể nghĩ tới việc chống lại vì chắc ông ta không đến đây một mình. Chạy trốn? Chạy cách nào? Một mình hắn còn được, nhưng vợ con thì sao?
Mắt hai người gặp nhau. Ông trung tá nhìn hắn không chớp, đứng thêm một chốc rồi bỏ đi. Hắn lặng lẽ ăn nốt bữa cơm, nghĩ chỉ chốc nữa ông kia quay lại cùng nhiều người khác, và hắn sẽ bị bắt, có thể cả nhà, hoặc chí ít với vợ hắn.
Nhưng ông ta đã không quay lại. Ngay tối hôm ấy hắn đưa cả nhà trốn đi nơi khác. Từ ấy đến nay không ai biết họ ở đâu, sống chết thế nào.
Giải thích cho hành động kỳ quặc này của ông trung tá, ông chủ cửa hàng ăn Paris cho biết rằng sau vụ giết cô gái không thành, ông bị kỷ luật nặng, đình chỉ công tác những một năm, sau mới được gọi trở lại để tiếp tục truy tìm những kẻ bỏ trốn. Theo ông chủ quán thì có thể trong quãng thời gian ngồi không ấy ông ta đã có dịp đọc sách, và biết đâu sách đã chẳng giúp ông ta trở nên có tính người hơn, dẫn dến việc tha không bắt những con người khốn khổ mà ông ta phải vất vả lắm mới tìm được. Theo tôi, đó chỉ là lối suy diễn chủ quan thuần túy. Nhưng thôi, điều ấy không quan trọng. Điều quan trọng là ông ta đã không bắt, có thể vì cảm động trước hạnh phúc đơn sơ của họ, cũng có thể vì những lý do khác ta không biết.
Ông Thủ Trưởng - Lãnh tụ kia đã chết từ lâu. Gần đây người ta lấy tên hắn đặt cho một đường phố Hà Nội. Nghĩa là hắn vẫn được kính trọng, và chẳng công lý nào sờ đến hắn vì những tội ác trước đấy. Thực ra tôi chẳng quan tâm mấy đến hắn. Chỉ hơi bực mình mỗi lần có việc đi qua phố ấy, bực mình và buồn vì nỗi ngày càng nhiều đường phố thủ đô với những cái tên thân thương, dân dã bị xóa sổ, bắt mang tên các vị lãnh đạo cách mạng đủ cỡ, từ ủy viên bộ chính trị đến trung ương ủy viên thường, hay thậm chí còn thấp hơn thế.
Thỉnh thoảng tôi cũng nghĩ tới gia đình những con người khốn khổ kia. Họ đã chết hay đang sợ hãi chui lủi đâu đó? Nếu còn sống thì đang ở đâu, và phải chăng đã đến lúc họ thẳng lưng bước ra ánh sáng để tố cáo lũ bất lương nhân danh nhân dân làm điều ác?
Lại còn ông trung tá - đội trưởng kia nữa. Tự nhiên tôi thấy thiện cảm với con người này. Suy cho cùng ông ta cũng là nạn nhân của sự mù quáng lý tưởng, một rô-bốt bình thường của thời công nghệ thấp mà người lập trình chưa đủ trình độ để bảo đảm không bao giờ trục trặc.
(1/8/2004)

Thơ châm ngôn số 40

Muốn thành người mạnh mẽ,
Tuyệt đối không kêu ca.
Càng không mau nước mắt
Như một mụ đàn bà.

Người mạnh mẽ luôn biết
Cách thu xếp cuộc đời.
Dẫu buồn đau, muốn khóc,
Họ vẫn cố mỉm cười.
(5/10/2012)○

Nguồn: Thái Bá Tân Facebook
____________________
[1] Trương Tửu, Tự do tư tưởng của văn nghệ sĩ và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích trong Giai phẩm mùa Đông Tập I, in tại nhà in Sông Lô, 18, Trường Thi, Hà Nội xong ngày 28-11-56 – do nhà Minh Đức xuất bản. Bản điện tử do talawas thực hiện, xin xem tại đây.
[2] Nguyễn Khải, Đi tìm cái tôi đã mất, 2006
Admin gửi hôm Thứ Ba, 09/10/2012          
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20121009/nhu-cay-tre-viet-nam-thai-ba-tan-mot-dom-sang-cua-van-hoc-nghe-thuat
==================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001