Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

Võ Phiến -Về Bộ Văn Học Miền Nam* 
Võ Phiến

Văn Học (VH): Trong năm 1999 vừa qua, nhà xuất bản Văn Nghệ vừa hoàn tất việc xuất bản và phát hành trọn bộ Văn học Miền Nam (VHMN) gồm 7 tập, dày trên 3200 trang của ông. Công trình tốn nhiều thì giờ và tâm huyết ấy, ông bắt đầu từ lúc nào? Động cơ nào khiến ông khởi sự công trình dài hơi ấy?

Võ Phiến (VP): Tôi bắt đầu viết bộ Văn học Miền Nam hồi 1984. Giữa năm 1986, tập đầu (là cuốn Tổng quan) viết xong.



Tại sao viết? — Nói chung, ai cũng thấy việc ấy cần làm. Sau khi Tần Thủy Hoàng đốt sách, ở Tàu ai chẳng mong tìm lại sách mất? Sau khi Minh Thành Tổ tiêu hủy sách Việt, ở nước ta ai chẳng thấy cần sưu tầm lại sách cũ của dân tộc mình, truy cứu về văn học mình? Nhưng thấy cần làm là một chuyện, còn thấy chính mình nên làm lại là chuyện khác. Tôi không thấy nên tự trao cho mình công việc ấy. Hãy chờ ai đó, một kẻ thích hợp.

Tôi đến Mỹ năm 1975. Ngoài việc kiếm sống, tôi làm các việc quen thuộc khác: làm báo, viết truyện dài truyện ngắn, làm thơ vớ vẩn, viết tùy bút, tạp bút v.v... Và bồn chồn chờ đợi kẻ thích hợp. Chín năm sau, thời gian trôi qua đã nhiều, chuyện cũ phôi pha, dấu vết cũ phai mờ dần... Tôi đánh liều, tặc lưỡi: “Thì hãy làm tạm vậy”.

Động cơ viết sách đã trần tình ở “Lời nói đầu” cuốn Tổng quan trong lần in thứ nhất năm 1986, lại giãi bày ở phần kết cuốn ấy trong lần in thứ ba (trích đăng trên báo Người Việt, số xuân Canh Thìn, 2000). Lời mình đã viết ra rồi chính mình dẫn lại, e kỳ cục khó coi. Tôi không tiện làm thế, mà độc giả thì rất có thể có những vị không gặp dịp đọc đến, hay có đọc qua nhưng lâu ngày đã quên; vậy khi nào quí báo nêu ra điều gì từng có câu đáp sẵn trong VHMN, tôi xin phép chỉ nhắc xuất xứ để độc giả tiện xem lại. Xin quí báo hiểu cho: không phải tôi thiếu thiện ý phân giải mà chỉ ngại việc mình dẫn lời mình!

VH: Trước khi nhà Văn Nghệ xuất bản bộ sách bảy tập trong hình thức và kích thước hiện nay, nhà xuất bản cũng đã in một số phần của bộ sách này với khổ nhỏ hơn, có thể gọi là loại sách bỏ túi. Hồi đó vì sao có chủ trương in sách theo khuôn khổ nhỏ như thế?

VP: Sách bảy tập thì bảy tập nên cùng một kích thước: nhà xuất bản đã làm thế. Sở dĩ từ năm 1991 đến năm 1995 có in ra mấy tập khổ nhỏ, đó chẳng qua là chuyện làm tạm bợ, trong hoàn cảnh đặc biệt.

Số là vì tài liệu tìm kiếm khó khăn, việc biên tập tiến hành chậm chạp, từ khi cuốn Tổng quan ra đời (1986) đến 1991 đã năm năm không có cuốn kế tiếp xuất hiện, tôi ngại độc giả nghĩ mình nản lòng bỏ cuộc, quên lời hứa hẹn. Mặt khác, sau một cuộc giải phẫu tim trước đó, bấy giờ tôi lại gặp rắc rối sắp phải trải qua một cuộc giải phẫu tim nữa. Tôi lo nếu mình gặp rủi ro không hoàn tất công việc thì những gì đã viết xong sẽ thất lạc uổng phí. Chi bằng cứ viết đến đâu in ra đến đó, về sau có thể có kẻ dùng đến như một thứ tư liệu, cái dở dang sẽ không đến nỗi hoàn toàn vô ích. Nhưng rốt cuộc rồi tôi đã làm xong bộ sách. Vậy bảy tập sách khổ nhỏ đã in trước không còn công dụng nữa, xin quí vị độc giả hãy quên chúng nó đi. Tôi mang ơn nhà xuất bản Văn Nghệ đã chiều lòng mình trong việc làm tốn kém này. Trong đời, thỉnh thoảng vào những dịp tưởng mình sắp “đi xa”, tôi vẫn lưu lại cho các văn hữu những ghi chép mình ký cóp dành dụm, lưu lại như một chút quà (dù giá trị chẳng là bao).

Chuyện trên đây, năm 1991 đã nói ra ở các trang đầu cuốn Thơ Miền Nam I (khổ nhỏ); năm 1999 lại được nhắc đến ở đầu cuốn Truyện I trong bộ Văn học Miền Nam (khổ lớn). Nói đi nói lại... Tuy nhiên, quí báo đã có lòng nhắc đến...

 VH:  Làm sao ông có thể sưu tầm đầy đủ (hay tương đối đầy đủ) văn liệu để viết bộ sách này?

VP: Chuyện tìm tài liệu, tôi cũng đã có viết ở đầu cuốn Tổng quan (1986). Vả lại, về mặt tháo vát, quen biết, thông thạo các nguồn tài liệu, tôi chỉ có thua người chứ không hơn được ai. Dù sao, kéo rê công việc trong một thời gian dài như thế thì rốt cuộc chắc kẻ kém nhất cũng có được số tài liệu cần thiết, phải chăng. Đại khái là sách mượn từ những bạn bè có tủ sách lớn, sách nhờ thư viện đại học gần mượn ở những thư viện đại học xa, mỗi lần ba cuốn một, sách nhờ lùng mua lén lút ở trong nước v.v...

Bên lề việc tìm tài liệu, tôi xin kể đôi ba mẩu chuyện:
— Để soạn phần tiểu sử các tác giả, thoạt tiên tôi nghĩ đến công trình của Trần Phong Giao. Trước tháng 5-1975, ở Sài Gòn, tôi biết anh Trần đã soạn xong một cuốn từ điển các văn nhân thi sĩ Việt Nam. Tuy chỉ được đọc một số trích đăng đây đó trên các báo, tôi cũng nhận thấy đó là một công trình biên soạn rất cẩn thận. Tôi nhắn hỏi, anh Trần cho biết bản thảo đã chuyển ra ngoài nước, nhờ người này (hiện ở địa chỉ...) trao lại cho người kia (hiện ở địa chỉ...) cất giữ. Bèn liên lạc người này và người kia: không nơi nào còn cất giữ nữa. Một tài liệu quí đã đi đời.

— Cũng trước tháng 5-1975, ở Sài Gòn ông Thanh Tùng bắt đầu cho xuất bản bộ Văn học từ điển. Cuốn đầu trong bộ sách dành cho phần “tiểu sử tác giả”. Năm 1990, cuốn ấy được tái bản ở Hoa Kỳ. Sách đưa ra tiểu sử 626 tác giả Việt Nam từ xưa đến nay, và kê thêm một danh sách hơn hai trăm vị sẽ được bổ túc sau, danh sách bổ túc gồm nhiều tác giả thời 1954-75. Cho đến nay sách ấy chưa ra đời!

— Một tác giả nọ có ngót năm chục tác phẩm được xuất bản. Tôi “may mắn” có cơ hội mượn được toàn bộ, lắc la lắc lư mang sách về, hớn hở, vùi đầu đọc. Đọc xong thấy tưng hửng, tuyệt chẳng có ý gì để viết cả. Kẹt cứng. Cái khó này kéo theo cái khó khác: Làm sao trả lại sách? nói gì khi gặp lại mặt nhau? Tôi ngượng ngùng, bẽ bàng. Tôi loay hoay khổ sở. Nhanh nhẩu mượn sách lung tung: một sơ xuất nhất thời có khi để lại những ray rứt khôn nguôi.

VH: Theo ông, bộ Văn học Miền Nam thuộc thể loại nào: sách biên khảo văn học sử, sách phê bình văn học, hay như có một số người nghĩ, sách được viết theo lối viết sở trường của ông là tạp bút, tạp luận?
VP: Mười bốn năm trước, mở đầu cuốn Tổng quan tôi có lời thưa rằng sách ấy e không xứng đáng là lịch sử, là phê bình gì cả.

Năm năm sau, mở đầu cuốn Thơ Miền Nam I (khổ nhỏ), lại đã báo trước rằng ngoài những bài viết riêng cho cuốn sách này, sẽ còn có những bài điểm sách, tựa sách, tùy bút, nhận định v.v...

Bốn năm sau nữa, chuyện ấy cũng được nhắc lại khi mở đầu cuốn Truyện I trong bộ Văn học Miền Nam.
Nay quí báo hỏi đến, hẳn là do hảo ý muốn vấn đề được làm sáng tỏ thêm. Vậy xin nói thêm:
Hồi 1942, viết xong cuốn Thi nhân Việt Nam ông Hoài Thanh bảo “cái điều tôi ngại nhất là sẽ mang tên nhà phê bình.” Rồi ông nghĩ ngợi: “Chẳng hạn có thể gọi những bài tôi viết là tùy bút, tùy hứng... Nhưng không lẽ tôi là một nhà tùy bút, một nhà tùy hứng, hay một tùy bút gia, một tiểu luận tác giả.”

Ngay sau đấy, ông Vũ Ngọc Phan (trong bộ Nhà văn hiện đại) nêu ra trường hợp của người sợ hai chữ phê bình, và ông Vũ bảo: “Việc gì lại phải lẩn tránh một cách trẻ con như thế.” Rồi ông Vũ xếp Hoài Thanh ngay vào chương “Các nhà phê bình và biên khảo”. Từ đó, tha hồ ông Hoài Thanh e ngại, ai nấy cứ giữ nguyên ông ở vị trí ông “ngại nhất”.

Trong bộ Từ điển văn học của nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội (Hà Nội) ông được gọi là “nhà phê bình, nghiên cứu văn học Việt Nam”. Sau này, trong cuốn Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản, Nguyễn Hưng Quốc kể tên Hoài Thanh trước tiên trong danh sách “những tài năng kiệt xuất nhất về phê bình văn học của giai đoạn 30-45”, lại nói rõ: “không thể nghi ngờ, Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan là những thiên tài, một người cực kỳ nhạy bén về thơ và một người cực kỳ tinh tế về văn”.

Đó là trường hợp một người viết tùy bút hóa ra một nhà phê bình.

Nhân ông Hoài Thanh, nghĩ đến ông Thánh Thán. Hoài Thanh là người hay e hay ngại: ông “nhỏ to” với độc giả về bao nỗi ngại ngùng của mình. Thánh Thán không phải hạng người như thế. Trái lại. Đây là một kẻ phóng khoáng ngông nghênh. Không có cái gì khiến ông ngại nhất, cũng không có gì làm ông ngại nhì. Đọc Tây Sương Ký, tới chương “Đáp thư”, thấy Oanh Oanh đến phòng Quân Thụy thoắt cái xảy ra những chuyện cởi lần dây lưng, chuyện mở cửa động đào, chuyện khắp người bủn rủn trong lòng mê tơi, rồi chuyện thần hồn bay chín tầng mây ngoài trời v.v..., Thánh Thán vung tay viết luôn một bài luận về cái dâm.

Tiếp theo là chương “Khảo hoa”. Thánh Thán đọc qua lấy làm khoái, bèn nhớ tới những lần khoái khác. Ông kể luôn một hơi 33 cái khoái vừa ôn lại được trong bao nhiêu cái khác đã từng mang ra bàn tán với bạn hai mươi năm trước. Đại loại, Thánh Thán bảo:
— Xem ma trơi, thật sướng.

— Ở góc phố có hai bác đồ gàn cãi nhau đã đỏ mặt tía tai, mà vẫn còn trịnh trọng “chi, hồ, giả, dã”, cãi nhì nhằng mãi về những cái không đâu, cãi hoài không chịu dứt. Chợt có chàng tráng sĩ đi qua bực mình, ra oai quát một tiếng. Hai bác đồ nín khe. “Đã” quá chừng.

— Có mấy mụn ghẻ lở ở chỗ hiểm. Mang nước nóng vào phòng, đóng cửa mà rửa. Khoái ơi là khoái.
Cứ thế ông kể. Đó là văn gì vậy? Tùy bút chăng? Tạp bút chăng? Tạp luận chăng? Hay là tùy hứng đấy chăng? — Đố biết. Chỉ biết trên ba trăm rưởi năm qua thiên hạ vẫn xem Thánh Thán là một nhà phê bình, một trong những nhà phê bình lỗi lạc nhất của Trung Hoa.

Thực ra, ngẫm lại cách viết phê bình của các vị như Thánh Thán với Hoài Thanh có khác thường nhưng không vô lý, có tài hoa phóng khoáng nhưng không đến nỗi quái dị. Viết thế, đâu có sao? Giữa các loại tạp văn với thể loại phê bình văn học có chỗ tương quan.

Lỗ Tấn từng cho xuất bản một tập hợp 16 cuốn sách, tức bộ Tạp văn, gần sáu trăm rưởi bài. Bài gì? — Đủ thứ: Từ tùy bút, đoản văn, tiểu phẩm, tạp cảm, cho đến thư từ, diễn thuyết, hồi ký, nhật ký v.v... Ôi thôi, thật linh tinh, bao nhiêu là thể loại, bao nhiêu là đề tài. Trong bộ Tạp văn ấy, nếu tách riêng ra những bài nói về các suy tưởng nhận định về văn học, đem in riêng sẽ thành một tác phẩm phê bình văn học. Đâu có sao?
Như vậy cái này nằm trong cái kia, Tạp văn (trong đó có tùy bút, tạp luận...) không giới hạn đề tài; trong khi phê bình văn học thì tự giới hạn trong một đề tài. Phê bình, nhận định về văn học, tại sao không thể xuất hiện dưới dạng tạp văn? Trên thực tế, ở Đông Tây khắp nơi nó đã xuất hiện như thế tự những bao giờ!

Viết phê bình chân phương như Vũ Ngọc Phan là một cách viết, viết phê bình bay bướm như Hoài Thanh là một cách viết khác. Cả hai vị đều kiệt xuất. Cái cốt yếu nằm ở chỗ cảm nhận văn thơ có tinh không, xét đoán có sâu sắc có tinh tế không, diễn đạt có đủ sức thuyết phục không v.v... Không đạt được các đức tính cốt yếu thì dù viết có thật sự “đúng lối” phê bình, những ông Thiếu Sơn, Nguyễn Bách Khoa, Trương Chính...
cũng không được xem là kiệt xuất.

Giữa thể loại này với thể loại kia, từ trước đã từng có sự phối hợp, sự trà trộn qua lại như thế. Chiều hướng phát triển cho thấy càng về sau lằn ranh giới giữa các thể loại càng nhòa đi. Viết về văn học Pháp thế kỷ thứ XX Germaine Brée cho rằng ngày nay vấn đề thể loại vẫn còn tranh cãi nhiều nhất và vẫn còn mơ hồ nhất (“Rien n’est aujourd’hui plus discuté que le problème des genres littéraires, et rien n’est plus confus non plus.”). Jean Cocteau phân chia tác phẩm của mình ra làm ba loại: thơ kịch tuồng, thơ tiểu thuyết, thơ phê bình (poésie de théâtre, poésie de roman, poésie critique). Ở ta Hoàng Hải Thủy có tiểu thuyết phóng sự, Nhật Tiến có tiểu thuyết kịch, Duyên Anh có những thiên truyện ngắn những cuốn tiểu thuyết hình thức nửa truyện nửa ký, vì ông mang nguyên người thật với tên thật với diện mạo tính tình thật vào...

Đến đây tôi giật mình: tôi đang biến cuộc phỏng vấn thành cuộc mạn đàm, tôi đang “pha trộn thể loại” rồi sao? Thật ra vì thuận đà câu chuyện mà trót đi xa, tôi không chỉ nói chuyện mình mà nói rộng ra thôi. Câu hỏi đặt ra vấn đề thể loại thì bàn về thể loại, thực lòng tôi không muốn dừng lại ở bộ Văn học Miền Nam của mình. Sách ấy thuộc thể loại nào? lối viết trong ấy là lối viết gì? Tôi đã nêu lên ở đầu cuốn Tổng quan từ nhiều năm trước, giờ tôi không còn bận tâm về chuyện ấy nữa. Tôi viết lách ra sao? đáng xếp vào vị trí nào? chuyện ấy nếu cần thì thiên hạ làm, tôi xen làm chi vào đấy? Ấy đâu phải việc tôi?

Mối quan tâm chủ yếu của tôi là phục hồi chân dung một nền văn học bị hủy diệt, là gợi lại hình ảnh cuộc sống tinh thần một thời kỳ bị xuyên tạc bôi bẩn. Thế thôi. Thể loại nào cũng là phương tiện. Phương tiện nào thích hợp với mình thì hãy dùng lấy.

VH: Bảy tập trong bộ Văn học Miền Nam được phân theo thể loại như ba tập cho văn xuôi, một tập cho thơ, một tập cho tùy bút và kịch, một tập cho ký và một tập tổng quan. Trong từng thể loại, ông dựa vào tiêu chuẩn nào để chọn tác giả, và tác phẩm ông cho là tiêu biểu của tác giả đó để trích dẫn?

VP: Tôi xin có một đính chính nhỏ: ba tập vừa nêu ra đầu tiên là dành cho thể loại truyện, chứ không phải cho văn xuôi. (Vì văn xuôi còn bao gồm cả tùy bút, kịch, ký.)

Tiêu chuẩn để chọn lựa tác giả là: Viết hay. Tiêu chuẩn để chọn lựa cái hay thì: Không có.

Thiết tưởng ai cũng ao ước nắm được một bản tiêu chuẩn chọn thơ văn hay. Có nó, tiện quá. Ở các tòa soạn tạp chí, văn thơ gởi tới ngổn ngang. Chỉ cần đưa ra một bản tiêu chuẩn rõ ràng minh bạch, thế là nhân viên tòa soạn nào cũng có thể theo căn cứ mà chọn lựa nhanh chóng. Đỡ biết bao nhiêu phần việc của chủ bút, chủ biên. Vả lại người viết nào lại không muốn biết tác phẩm mình vừa viết xong đã đạt mức thành công chưa: có bản tiêu chuẩn, mang ra so thử thì chắc ăn.

Ở các nước lớn vẫn thường có các tuyển tập thi ca hay nhất, truyện ngắn hay nhất, trong năm qua, trong thập niên kỷ vừa qua, hay suốt thế kỷ vừa qua. Tất nhiên không phải ở mỗi nước chỉ được phép thực hiện một tuyển tập. Mọi nhà xuất bản, mọi nhóm văn nghệ, đều có thể làm tuyển tập. Nội dung những tuyển tập ấy, lắm chỗ khác nhau.

Ở các hội đồng tuyển chọn giải thưởng văn chương đều xảy ra những cuộc tranh luận lắm khi gay gắt, giải quyết sau cùng bằng lá phiếu của mỗi hội viên, không phải bằng đối chiếu vào tiêu chuẩn.

Ở Miền Nam bấy giờ cũng có những tuyển tập truyện và tuyển tập thơ. Về truyện, tôi đang nghĩ đến các cuốn Hai mươi nhà văn hai mươi truyện ngắn do nhà Phù Sa, cuốn Ảo tượng do nhà Lá Bối, cuốn Tuyển truyện Sáng Tạo do nhà Sáng Tạo, cuốn Ba miền mười khuôn mặt do nhà Kim Anh, cuốn Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta do nhà Sóng thực hiện. Trong những tuyển tập ấy, có cuốn chọn bảy truyện, có cuốn 10 truyện, có cuốn 20 truyện, cuốn của nhà xuất bản Sóng chọn 45 thiên truyện. Mặc dù trên nhan đề chỉ có nhà Sóng nêu lên yếu tố “hay nhất”, nhưng chắc đó cũng là chủ ý chọn lựa của mọi nhà khác. Dù vậy kết quả không giống nhau bao nhiêu: trong tổng số 64 tác giả không một người nào được sự tán thưởng đồng tình của cả năm ban tuyển trạch. Chỉ có sáu tác giả cùng được chọn vào ba tuyển tập, và 13 tác giả khác cùng vào hai tuyển tập. Chín người mười ý: cái hay cái đẹp có nhiều dạng vẻ, trường hợp thẩm quan gặp nhau vẫn có đấy nhưng không nhiều mấy đâu.

Về tác phẩm, thì cũng như về tác giả: sự chọn lựa nhằm vào cái hay. Cái hay, cái đẹp là quan tâm chủ yếu trong văn chương nghệ thuật. Thế nào là hay, là đẹp? cái ấy không thể qui định thành tiêu chuẩn. Cái hay cái đẹp của mỗi thời mỗi khác, của mỗi hoàn cảnh văn hóa mỗi khác.

Quyết định một chọn lựa, người phê bình đem mình ra đánh cá, đem sự “sáng suốt” của mình ra thử thách. Sự chọn lựa phản ảnh trình độ của người chọn, thẩm quan, xu hướng, lập trường v.v... của người chọn. Mình khá hay tồi, mình xứng đáng hay không xứng đáng với công việc đảm đang, hải nội hải ngoại chư quân tử sẽ căn cứ vào đó mà xét. Hậu quả xấu tốt, mình gánh trọn; kẻ tốt bụng xung quanh khỏi phải lo lắng giùm. Giả sử vào một lúc cao hứng nào đó, Thánh Thán mê mẩn một cuốn tiếu lâm nào đó, chọn làm đệ thất tài tử, hậu quả ông “Thánh” tất lãnh đủ.

Đánh giá cái hay của tác phẩm trích tuyển, thường tôi có chú ý đến ý kiến của các tác giả. Dung hòa được đôi bên thì nhất. Vì thế, trong nhiều trường hợp tôi lấy ngay các thiên truyện đã in trong Những truyện hay nhất của quê hương chúng ta, vì được biết ban chủ trương bộ tuyển tập này đã yêu cầu các tác giả tự chọn lấy truyện thích ý nhất của mình.

Mặt khác, lại còn vấn đề tiêu biểu: chọn tác giả tiêu biểu cho mỗi khuynh hướng, chọn tác phẩm tiêu biểu cho mỗi tác giả. Được thế, còn gì bằng! Nhưng không phải lúc nào cũng làm được: nếu người tiêu biểu, tác phẩm tiêu biểu lại không xuất sắc về mặt nghệ thuật thì chọn lấy hóa ra đem chỗ nhược mà phơi bày. Tiêu biểu cho thơ Nguyễn Vỹ chẳng hạn hẳn là những bài thơ có đủ 12 chân, vì ông Nguyễn đã chủ xướng trường thơ Bạch Nga. Gặp hoàn cảnh ấy có chọn lựa khác là phải.

Trở lại trường hợp của mình: Trích văn thơ người, tôi cố tìm cái hay trước tiên, đồng thời cũng gắng tìm cái tiêu biểu. Chẳng hạn về Chu Tử thì cố chọn một đoạn Chu Tử nào mà người đọc có thể nhận ra cái ngang tàng của Chu Tử; về Lê Xuyên thì một đoạn Lê Xuyên nào giúp người đọc có thấy loáng thoáng cái duyên và cái lẳng lơ của Lê Xuyên; về Hoàng Ngọc Tuấn thì một đoạn nào làm người đọc có thể thấy cái lãng mạn bay bướm của Hoàng Ngọc Tuấn v.v...

Cố gắng vậy, có được vậy không là chuyện khác. Hoài Thanh có khi nhận xét xong một số thi nhân, rốt cuộc không chọn được lấy một bài nào để trích (như Trần Huyền Trân, như T.T.Kh.).

VH: Từ khi những tập sách khổ nhỏ được phát hành, cho đến khi toàn tập bảy cuốn in xong cuối năm ngoái, có một số dư luận về bộ sách của ông. Đại khái các ý kiến ấy tập trung vào ba điểm chính:
(a) Ông không được khách quan khi lựa chọn các tác giả cần đề cập tới trong giai đoạn 20 năm của văn học Miền Nam, như có người chỉ có một bài thơ đã được nhắc tới, trong khi vài nhà thơ đã thành danh trước 1975 lại bị bỏ quên.

(b) Sự khen chê đối với một số người cầm bút của ông không được công bằng, đôi khi quá gay gắt (chẳng hạn nhận định của ông đối với Nguyễn Thị Hoàng, Võ Hồng...)

(c) Lối viết ông dùng trong bộ sách không thích hợp với nội dung mà dù muốn dù không, cũng có tính chất lý luận, biên khảo.

Ý kiến của ông như thế nào về ba điểm chính dư luận nêu ra (công khai hay ở chỗ riêng tư) trên đây?
VP:  Số dư luận được quí báo thu nhận và nêu ra có ba điểm chính. Ba điểm chính cùng chung một hướng: là hướng chê bai cả.

Trong lớp nhà văn tiền chiến người ta nhận thấy phê bình mà chỉ nói đến cái hay có Hoài Thanh, chỉ nói đến cái sai cái quấy là Nguyễn Văn Tố. Cái dư luận quí báo ghi nhận đây thuộc khuynh hướng Nguyễn Văn Tố. Trong điểm chính dư luận thứ hai có lời bảo tôi “đôi khi quá gay gắt” đối với một số người cầm bút. E rằng vẫn chưa bắt kịp xu hướng dư luận đâu: đôi khi gay gắt, so với thuần túy gay gắt, thấm vào đâu.

 (a) Câu hỏi gồm ba điểm. Trước, xin nói về điểm thứ nhất: vấn đề chọn lựa khách quan các tác giả. Trong vấn đề khách quan có nêu trường hợp cụ thể (thơ ít mà được chọn, làm thơ nổi danh lại bị bỏ quên).

Thiết tưởng sự chọn không thể căn cứ vào số lượng tác phẩm. Nếu được thế, công việc sẽ nhẹ nhàng giản dị hơn biết bao: Trước khi chọn, tiến hành một cuộc kiểm kê: ai có bao nhiêu trước tác thơ văn, kẻ ít người nhiều kê khai đầy đủ, có chỗ căn cứ vững chắc, làm việc sai sẩy thế nào được.

Chọn lựa cũng không thể căn cứ vào chỗ “đã thành danh”. Kẻ thành danh là do thiên hạ chọn, không phải ta chọn. Người viết sách phải đích thân chịu trách nhiệm về sự chọn lựa của mình.

Tất nhiên nói thế không có ý cho rằng không phải sự chọn lựa vô danh là không đáng đếm xỉa, không phải “thiên hạ” là không đáng kể, chỉ có ta mới đầy đủ khả năng phân định giá trị. Cái danh căn cứ theo dư luận quần chúng, người phê bình không thể không biết đến, không quan tâm đến. Tuy nhiên trong ấy vẫn có những yếu tố cần lưu ý. Chẳng hạn:
— Dư luận có khi tán thưởng kiểu đầu tóc dài bù xù, có lúc thích kiểu đầu trọc lóc; có độ chịu áo cổ cao vạt dài eo rộng, có độ lại ưa cổ hở vạt ngắn, eo thắt; có khi khoái kiểu thơ văn đầy suy tư, dằn vặt, khi khác lại yêu lối thơ tung hê cái giống sỗ sàng v.v... Thời trang, thời thượng, thay đổi thoăn thoắt, từ cái cực đoan này tới cái cực đoan khác, trên mọi địa hạt.

— Dư luận không nhất thiết chọn lựa văn nghệ phẩm theo tiêu chuẩn nghệ thuật. Đa số khách hàng văn nghệ phẩm không đi tìm cái hay, cái đẹp; họ tìm món hàng thích hợp cho nhu cầu của mình. Hoặc nhu cầu giải trí: phim hề, truyện hiệp sĩ kỳ tình, truyện trinh thám, truyện tình lâm ly bi đát, phim bộ Hồng Kông... Hoặc nhu cầu giáo dục, học hỏi v.v... Họa hoằn những chọn lựa ấy mới gặp chủ đích thẩm mỹ của người phê bình.

— Xưa kia dư luận dần dần tự thành. Về sau, ở xã hội công nghiệp có những yếu tố tạo nên dư luận nhanh chóng, ảnh hưởng mạnh mẽ tới dư luận, hướng dẫn dư luận... Chẳng hạn, các hình thức quảng cáo của giới xuất bản, những hoạt động bành trướng thế lực của các nhóm phái, các phe cánh. Một nhà xuất bản có ngân sách quảng cáo lớn, có tạp chí riêng, có đài phát thanh, truyền hình thân hữu v.v... dễ tạo nên tên tuổi, tăng thêm thanh danh cho các tác giả. Còn phe nhóm, từ hồi tiền chiến hai nhóm Tự Lực văn đoàn và Tân Dân đã từng tố cáo nhau mãi về chuyện cạnh tranh quá ráo riết: người cùng nhóm viết ra thì tấm ta tấm tắc tâng bốc nhau, mà gặp văn kẻ khác nhóm thì cứ nhặt từng hòn sạn đãi qua đãi lại, thì chế giễu chịu hết thấu.

Cứ thế, người cầm bút xuất thân ở ngay tại thủ đô văn nghệ, có thân hữu nắm trong tay một nhà xuất bản, tờ tạp chí, viết tới đâu được in tới đó, được ca ngợi inh ỏi, tưng bừng; so với người ấy, một văn hữu tỉnh lẻ hè hụi viết đêm viết ngày, chép gửi khắp các báo, rồi hồi hộp chờ đợi, một văn hữu côi cút như thế, bảo thành danh làm sao nhanh chóng cho kịp hạng may mắn nói trên.

Thành thử kẻ viết sách tự mình chọn lấy những tác giả mình cho là có tài, tức kẻ viết hay viết giỏi. Bất luận kẻ ấy danh lớn hay danh nhỏ, viết ít hay viết nhiều.

Viết ít mà nên danh, kim cổ đông tây không hiếm. Trong phạm vi một nước ta gần đây, cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh có 46 tác giả thì đã ngót một chục thi nhân chỉ một bài xuất sắc được đưa ra, thậm chí có mấy thi nhân không được trọn một bài hay để trích dẫn. Đoàn Phú Tứ hình như toàn bộ vốn liếng một đời chỉ “dăm bảy” bài thơ. Còn T.T. Kh. ngoài hai bài gửi đến tòa soạn báo Tiểu thuyết thứ bảy còn có thơ thẩn nào nữa không mà thành thi nhân?

Nhà phê bình làm như thế có thể bị ngờ vực là không “khách quan”, tức chọn lựa theo cảm tình. Cảm tình giữa Hoài Thanh với Đoàn Phú Tứ ra sao, chúng ta không rõ, chứ giữa Hoài Thanh với T.T. Kh. thì chắc chắn là không. T.T.Kh. tuyệt vô tung tích, cho đến ngày nay cũng chẳng ai biết là ai. Trong cuốn Thơ (ở bộ Văn học Miền Nam) của tôi có nói đến vài ba thi sĩ ít có thơ trên sách báo, trong số ấy hai người tôi chưa từng quen, cũng chưa từng biết mặt.

Đã không thấy có động cơ xấu là được rồi. Còn chọn sai, chọn đúng, cái ấy người viết sách lãnh đủ. Anh ta sẽ chịu trận với đời, không trốn tránh đi đâu.

Chọn lựa tài năng nghệ thuật không căn cứ vào số lượng tác phẩm cũng không căn cứ vào tiếng tăm. Chỉ nên căn cứ vào thẩm thức của mình. Thẩm thức người đời thường khác nhau, là cái chủ quan.

Chọn lựa không khách quan, cái viết cũng không khách quan luôn! Về chỗ này tôi cũng lại nghĩ đến thái độ của Hoài Thanh. Cuối cuốn Thi nhân Việt Nam ông tâm sự với độc giả: “Có lẽ bạn đang chờ những bài nghiên cứu vô tư và khách quan. Bạn cũng sẽ thất vọng. Vô tư thì tôi đã vô tư hết sức, nhưng khách quan, không.”

Hoài Thanh lại từng nhỏ to than thở: “Tôi đã đọc tất cả một vạn bài thơ và trong số ấy có non một vạn bài dở.” Dư luận tha hồ chê ông vụng tính, nên làm lụng cực nhọc. Cặm cụi đọc tới chừng ấy thơ dở thì nhừ xương, chịu sao thấu! Tại sao không xem cứ những vị nào có nhiều thi phẩm xuất bản và đã thành danh thì đưa ngay vào sách: Như thế đỡ tổn hại sức khỏe, lại được tiếng khách quan.

Nếu còn quan tâm nữa đến chuyện khách quan, họa chăng có thể nghĩ đến trường hợp những vị cầm bút mở sách phê bình xem qua loáng thoáng không thấy có những thi sĩ mình ưa thích trong ấy, liền tri hô vào “dư luận”: thiếu khách quan! Nếu có xảy ra trường hợp này thì chính những vị quá tin ở thẩm thức của mình, đòi lấy nó ra làm căn cứ để ai nấy phải theo, chính những vị ấy mới là thiếu khách quan, thiếu nhiều đa.

Cũng nằm trong phạm vi điểm thứ nhất của câu hỏi có vấn đề các tác giả “bị bỏ quên”. Vấn đề ấy trước khi Văn học Miền Nam được in trọn bộ, trước khi quí báo ghi nhận dư luận mà chúng ta đang thảo luận đây, hồi đó chính tôi đã nêu lên, trong “Lời nói đầu” cuốn Truyện I và đã tận tình giãi bày các lý do khiến mình phải làm cái điều sẽ không vừa ý một số người đọc. Lời ấy hoặc không đến được, hoặc không thuyết phục được độc giả, tôi lấy làm tiếc hết sức.

Dù sao, đã có dư luận, không thể ngơ đi mà không bị trách cứ. Vậy đối với vị nào chưa có dịp lướt mắt qua tôi tha thiết xin hãy vui lòng đọc mấy trang sách từ 506 đến 510 của cuốn Truyện I vừa nói trên đây. Ngoài ra nhân có nhã ý của báo Văn Học mà chúng ta lại được tái ngộ ở vấn đề này, tôi không dám ngại dông dài, mà góp thêm đôi ý kiến.

Thường thường trong sách những cái thiếu không phải sót, những cái đã bỏ không phải vì quên. Vì tình thế chẳng đặng đừng mà thế thôi. Số người tham gia vào hoạt động sách báo càng ngày càng nhiều. Ở Việt Nam hồi tiền chiến theo Hoài Thanh có bốn nghìn người có thơ (chỉ riêng thơ thôi, không kể các thể loại khác) đã đăng báo và in sách. Vậy thì tính chung cả giới cầm bút được mấy vạn người? Và ở những nước lớn Âu Á số lượng người cầm bút ở mỗi nước là bao nhiêu vạn người, ức người? Kể sao cho xiết! Rồi trong số ấy bao nhiêu kẻ sẽ vào văn học sử? Trong bộ văn học sử Pháp quốc, do Germaine Brée và Edouard Morot-Sir cùng viết về thời kỳ 1920-1975 chỉ thấy đề cập tới 183 tác giả thuộc mọi thể loại. Sót với quên đâu có sót quên lớn lao đến thế? Vậy do đâu?

Trước hết không phải hễ cứ cầm bút là làm văn học nghệ thuật cả. Kẻ kể chuyện tiếu lâm, người viết truyện võ hiệp, trinh thám để giải trí, kẻ truyền bá võ thuật, người tuyên truyền chính trị, rao giảng đạo lý để giúp người trau dồi sức khỏe và tư cách v.v... Người đời có bao nhiêu nhu cầu, người viết có bấy nhiêu đáp ứng. Đáp ứng nhu cầu tinh thần cũng cần thiết như đáp ứng nhu cầu vật chất, hoạt động cũng tấp nập tưng bừng như nhau. Trên đời không có nghề thấp nghề cao. Các hoạt động nghề nghiệp tạo ra sản phẩm: Sản phẩm vật chất và sản phẩm tinh thần đều là món hàng để tiêu thụ, đều quí cả, đều có giá trị cả, nhưng không phải là tác phẩm nghệ thuật. Những người sản xuất tốt, bán nhanh bán nhiều, họ được tán thưởng rộng rãi, yêu chuộng khắp nơi, tên tuổi họ có thể nổi lên ầm ĩ, họ thành danh: chúng ta mừng cho họ. Nhưng gia nhập vào hoạt động văn nghệ, vào giới sáng tác, thì cái đóng góp phải là những dạng vẻ đẹp mới, những quan niệm, những đường hướng sáng tạo mới..., là chuyện những người hành nghề kể trên không quan tâm, biết sao!
Hồi nhỏ đi học, có độ tôi đọc André Maurois. Về sau mấy chục năm, hoàn cảnh sinh sống đổi khác, tôi lênh đênh từ cái thích này sang cái thích khác, quên bẵng tác giả xưa. Một hôm sực nhớ đến, tôi lật sách xem ông mất hồi nào. Trong phần “Từ điển các tác giả” của cuốn văn học sử Pháp vừa nói trên đây không thấy tên ông. Tò mò lật qua phần danh biểu, thấy trong suốt cuốn sách sáu trăm trang tên ông chỉ được nhắc lướt qua năm lần, tác giả không hề ngừng lại để nhận xét về A. Maurois được 1 (một) dòng chữ nào! Tôi bùi ngùi. A. Maurois đã viết nhiều, đã có chân trong Hàn Lâm Viện Pháp quốc, đâu phải không thành danh! Ông đã bị xem là không mang đến, không đóng góp được gì thực sự sáng giá cho văn học nghệ thuật chăng? Cái giá trị sáng tạo, cái ấy mới đáng kể. Khổ thân ông.

Trở lại trường hợp mình, tôi không hề dám quên nhiều sót nhiều. Trong bộ Nhà văn hiện đại gồm năm cuốn, số nhà văn được Vũ Ngọc Phan chọn lựa có tất cả 79 vị; thời kỳ văn học được nói đây dài 30 năm. Trong số 79 vị được Vũ Ngọc Phan chọn, về thể loại thơ có 10 thi sĩ. Trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh — sách chỉ chuyên về một thể loại — số tác giả tăng lên hơn gấp bốn lần, tức 46 vị.

Về phần tôi, tôi chỉ nói về nền văn học ở một nửa lãnh thổ Việt Nam, trong một thời kỳ chỉ có 20 năm. Về thơ, được chọn nói đến là 32 vị, về truyện 50 vị, về ký 22 vị, về tùy bút và kịch 14 vị.

Ấy là chuyện nhiều với ít, đủ với sót, quên với nhớ. Còn về chuyện thành danh so với vô danh cũng không hề thiếu trường hợp để suy nghĩ. Hoài Thanh ngồi viết Thi nhân Việt Nam ngay tại Huế, ông quên thế nào được các tên tuổi như Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng v.v... đang có mặt bên cạnh mình? Là gạt ra đấy thôi. Trong khi ấy, thi nhân Huế được chọn đưa vào sách là những vị như Thu Hồng, Mộng Huyền, Nguyễn Đình Thư, Thúc Tề: Ngoại trừ Thu Hồng, tất cả đều chưa có tác phẩm xuất bản, có kẻ chưa từng có thơ đăng báo, hay chỉ được đăng chút ít trên các tờ báo địa phương (Tràng An, Sông Hương), bấy giờ chưa ai trong số ấy có thể được bảo là đã thành danh, có người Hoài Thanh nói là chỉ yêu được một bài thơ mà ông khen uể oải trong sáu dòng rưỡi. Cuốn Thi nhân Việt Nam xuất bản năm 1942, cụ Ưng Bình qua đời năm 1961, trong ngót hai chục năm cụ không hề lên tiếng phát biểu gì, không góp vào “dư luận” câu thắc mắc nào về cái chọn lựa này. Hoài Thanh có thể không thích thơ các cụ, nhưng không thể không kính trọng phản ứng rất thể thống của họ.

Còn Vũ Ngọc Phan? Những tên tuổi như Nguyễn Bính, Chế Lan Viên đã được Hoài Thanh chọn lựa, ông Vũ vứt phăng đi. Ông rước vào cụ Nam Hương Bùi Huy Cường, tác giả mấy tập Thơ ngụ ngôn, tập Văn cười, và ông khen nức nở.

Giả sử bấy giờ có ai vạch kẽ ra chỗ kém cỏi xoàng xĩnh của loại thơ Nam Hương, so với thơ Nguyễn Bính chẳng hạn để “đánh phá” Vũ Ngọc Phan thì chỉ làm đau lòng cho cụ Nam Hương thôi. Nói qua nói lại, chê tới chê lui thơ cụ, sao nỡ. Còn giữa ông Vũ và “ai” kia thì sự tranh cãi qua lại chưa chắc đã tới đâu, đã làm sáng tỏ cái gì. Bá nhân bá ý thôi. Thời gian trôi qua, không ai nói, chúng ta không khỏi phục thầm là dư luận bấy giờ quả tế nhị.

Liên quan tới chỗ thi sĩ thân hay sơ, có danh với không có danh, Hoài Thanh đã từng kêu: “Nhưng ái ngại hay khinh ghét, khi xem thơ tôi chỉ biết có thơ. Tôi không hề nghĩ đến danh vọng của người hay của tôi. Danh vọng quí thật, nhưng còn có điều quí hơn danh vọng, quí hơn hết thảy: lòng ngay thẳng, mà ít nhất cũng phải giữ trọn trong văn chương.”

Ấy là khi đề cập đến sự phán đoán khác nhau. Lại còn trường hợp phán đoán nông nổi: dư luận thích người này, Hoài Thanh thích người khác, thế là dư luận chê Hoài Thanh. Bấy giờ Hoài Thanh van nài: “Muốn hiểu rõ tôi có nói đúng hay không bạn phải xem trọn thơ từng người một. Và phải xem kỹ. Hầu hết những bài thơ hay, có đọc đi đọc lại nhiều lần mới thấy hay.” Chưa chắc sự van nài ấy được dư luận cứu xét. Người phê bình chọn lựa không hợp với ý kiến với sở thích mình là nêu ngay ra vấn đề công bằng, thiếu sót, thiếu khách quan. Thiết tưởng một thái độ lấy ngay sở thích của mình làm căn cứ, làm cơ sở để đánh giá việc làm người khác, thái độ ấy lẽ ra phải xem là ít khách quan, ít công bằng nhất. Không phải vậy sao?

Kể ra không phải không làm được một công trình không thiếu sót và không chủ quan về nền văn học thời đại mình. Chẳng hạn soạn một tuyển tập các tác giả một thời bằng cách mằn mò kê ra một danh sách thật đầy đủ những ai có tham gia sinh hoạt sách báo, rồi yêu cầu mỗi người gửi đến ban soạn thảo tuyển tập một tiểu sử, với một tác phẩm của mình do mình chọn, với một bài viết về quan niệm văn chương nghệ thuật của mình v.v... Ban soạn thảo cho in tất cả. Công trình thật đầy đủ, thật khách quan. Nhưng đó không phải là một tác phẩm hoặc phê bình hoặc khảo luận gì cả.

Không thuộc vào những thể loại ấy, công trình nọ vẫn quí, vẫn nên làm, nên lưu giữ cẩn thận. Một dấu chân của con khủng long để lại còn quí thay, còn đóng góp được lắm lợi ích cho sự tìm hiểu cuộc sống, huống hồ những tài liệu có giá trị thống kê với nhiều chi tiết cặn kẽ. Tuy nhiên sách nào nên xếp theo thể loại nấy.

Trong việc nào có tính cách thống kê (không có luận có bình), tôi cố gắng làm được nhiều được đủ. Ở cuốn văn học sử Pháp quốc nói trên có 183 tiểu sử tác giả, ở cuốn Tổng quan trong bộ Văn học Miền Nam, tôi đã đưa ra ngót bốn trăm tiểu sử (trong bản in lần thứ hai có 371 tác giả; trong bản in lần thứ ba sau này có bổ túc thêm). Trong sách Pháp là nói về thời gian văn học hơn nửa thế kỷ (55 năm) trên toàn quốc; trong sách tôi là về thời gian hai mươi năm trên nửa nước. Vì số phận hẩm hiu của một thế hệ chịu nhiều oan khiên, tôi đã làm chuyện quá đáng; sao có thể “đầy đủ” hơn được nữa mà khỏi thành lố lăng?

(b) Giờ chúng ta sang điểm thứ hai của câu hỏi: khen chê thiếu công bằng. Công bằng, chuyện tưởng dễ nhưng lại khó:
Khen Thúy Kiều chê Thị Nở, không phải không công bằng. Khen Thúy Kiều và khen luôn cả Thị Nở, lại không phải là công bằng. Công bằng là khen kẻ đáng khen, chê kẻ đáng chê (hoặc gay gắt hoặc hay không gay gắt). Vấn đề là biết phân biệt người đáng khen cái đáng khen với kẻ đáng chê cái đáng chê. Phê bình văn nghệ, sự phân biệt chỉ căn cứ vào cái đẹp cái xấu, cái hay cái dở. Vậy đây là vấn đề thẩm thức, không phải vấn đề công tâm. “Dư luận” lẫn lộn hai điều ấy. Khen cái dở cái xấu, chê cái hay cái đẹp, là thẩm định sai, thẩm quan kém; chứ không phải là bất công, thiên lệch gì cả. Chữ “gay gắt” gây cảm tưởng là sự thiếu công bình nhằm vào người không phải vào văn, vào tác giả không phải vào tác phẩm. Không ai “gay gắt” với một bài thơ, có chăng là gay gắt đối với một tác giả thiếu cảm tình, ôn tồn đối với một tác giả thân hữu.

Tôi chân thành xác nhận đối với hai vị đã được nêu tên, tôi tuyệt không có một ác cảm nào. Trái lại. Đối với một vị, trong rất nhiều tác phẩm của bà, tôi chọn nói đến tác phẩm thành công, tác phẩm hay nhất. Và nói đến, chủ yếu là để khen, khen những cái mới cái hay đã được đem đến cho ngành tiểu thuyết bấy giờ, do sự can đảm của tác giả. Còn đối với nhà văn kia, vốn là bậc huynh trưởng có tư cách khả kính, tôi vẫn trọng vọng bấy lâu, và đã tự mình xuất bản một trong những tác phẩm đầu của vị ấy gần 42 năm trước đây.

Cái nào nên khen tôi khen, cái nào nên chê tôi chê, tôi khen chê vô tư, theo trình độ nhận thức của mình, xu hướng thẩm quan của mình. Và bây giờ cũng như về sau tôi không bàn cãi về chuyện này bất cứ liên quan đến một tác giả nào khác. Vì lẽ là chuyện rất không nên đem ra bàn cãi.

Trách tôi gay gắt đối với ông này bà kia, vậy tôi phải cố phơi bày thêm nhiều cái xấu cái dở của họ để biện minh cho mình chăng? Ối!

Phàm đã chọn tác giả nào để đưa ra, tìm hiểu, nhận xét trên sách mình, thế là đã yêu thích, đã đánh giá cao tác giả ấy. Lời khen chê thế nào là phải, đến đâu là phải, về chỗ nào là cần: cái ấy mình liệu mà cân nhắc, cái ấy quyết định giá trị của chính mình, không cần biện bạch, không nên biện bạch dông dài khiến có thể gây tổn thương đến văn hữu xa gần.

Ai có kinh nghiệm đều rõ: Đọc sách người hễ gặp được cái hay ho, đắc ý, không gì thú bằng; nói về sách người hễ có dịp nói về những chỗ hợp tình hợp ý mình thì không gì khoái bằng, thì tha hồ hót như khướu, tán rộng huyên thiên, cho thật “đã”. Trái lại khi gặp phải chỗ dở, trái ý mình, không hợp với tạng mình, thì buồn xo, chán ngắt, thì tiu nghỉu như mèo cắt tai. Điều tôi thổ lộ cũng là thiên hạ thường tình thôi. Trên đời, chắc chắn không mấy ai thấy hứng thú khi phải ngừng lại chỗ dở, nêu ra chỗ dở trong văn chương. Phải làm việc ấy, chẳng qua chẳng đặng đừng, chẳng qua là vạn bất đắc dĩ. Chẳng qua công việc nó buộc mình, nhiệm vụ nó bắt mình phải thế thôi.

Viết đã thế, không viết được càng khổ hơn. Mang tác phẩm một tác giả nào về nhà nằm đọc, thoạt tiên là hăm hở. Đọc mãi, càng đọc càng thấy rõ tạng người với tạng mình không hợp nhau. Bấy giờ thật là điêu đứng. Bao nhiêu ngượng ngùng, lo ngại. Tất cả cảm tưởng tội lỗi trút cả lên đầu mình. Đối với những vị thân sơ mà tôi không có cái may mắn cùng nhau cùng gặp được trên một quan niệm thưởng thức văn chương, tôi rất lấy làm tiếc, tiếc vô cùng.

(c)  A! Điểm dư luận này càng rõ là nặng tính giáo dục: Lối viết không thích hợp? Sách lý luận, biên khảo phải có lối viết khác?

Các điểm trên nêu ra những vấn đề thể loại, tiêu chuẩn, tư cách (khách quan, chủ quan) v.v..., tức những bắt bẻ về nội dung. Giờ là bắt bẻ lối viết, tức chuyện hình thức đây.

Hai chữ “lối viết” không rõ nghĩa. Tôi đoán chừng là chỉ vào lời văn chăng.  Đại ý cho rằng sách lý luận biên khảo thì lời văn phải nghiêm chỉnh đứng đắn mới là thích hợp, còn thứ lời lẽ tôi đem ra dùng đây là dùng lộn rồi chăng.

Đoán vậy, hãy cứ tạm trả lời vào cái mình suy đoán thôi; chờ hỏi lại dư luận, biết hỏi vào đâu!

Tôi quả thật chưa được biết viết sách gì thì phải dùng lối viết nào mới là chính thức thích hợp, dùng lối nào thì sai. Phép tắc làm việc thì vẫn có đấy. Thợ máy, muốn mở mỗi loại con ốc phải dùng mỗi loại “lắc-lê”; không thích hợp đố mở được. Ngày xưa, làm văn ở chỗ trường ốc phải đúng lối: kinh nghĩa, chế, chiếu, biểu, thơ, phú, văn sách..., món nào có chỗ dùng nấy, không thích hợp không được.

Nhưng ấy là chuyện khắt khe trong giới hạn thi cử của một thời đã qua. Còn đối với giới cầm bút nói chung mọi nơi mọi thời, trên mọi thể loại, không nghe có sự ràng buộc như thế bao giờ. Sách tôi, đại khái có liên hệ với phê bình và khảo luận, qua loa thôi, nhẹ nhàng thôi. Về phê bình chúng ta đã biết qua giọng văn của Thánh Thán. Thánh Thán là người có cá tính mạnh mẽ; văn ông bản sắc nổi bật lên rõ mồn một không thể lẫn lộn với “lối viết” của ai cả. Thánh Thán bất luận khi viết về rửa ghẻ, về cởi sợi dải thắt lưng, hay về phép trước tác văn chương, đều thoải mái như nhau. Về khảo luận tôi nghĩ tới Vương Hồng Sển. Vương ông có ý thức về văn phong đặc biệt của mình. Ông cười cợt, đùa giỡn trên trang sách; ông viết như ông nói, như trò chuyện trong chỗ thân tình. Sách ông viết xuất bản đã nhiều, phổ biến rộng rãi, tôi bất tất dông dài. Vương ông phân bua: ông “không thích giọng nghiêm”. Cái giọng văn “không nghiêm” của ông, ông gọi nó giọng “bông thùa”, tức cũng như là giọng cà-rỡn. Ông bảo trong Cuốn sổ tay của người chơi cổ ngoạn: “Cứ để bông thùa, như vậy mà được nhẹ nhàng, mà dễ cởi mở với nhau.” Con người có giọng văn “bông thùa” là người như thế nào? — Là một người đã làm việc với nhân viên và học giả trường Viễn Đông Bác Cổ, đã từng làm Giám đốc viện Bảo tàng, từng giảng dạy ở đại học, và đã cầm bút đến tuổi chín mươi, râu tóc bạc phơ. Vậy thì tôi đòi ra vẻ nghiêm chỉnh đạo mạo hơn ông làm chi, hỡ trời!

Viết bình viết luận, hãy lo viết đúng, lo chi đến cái viết cho nghiêm. Lời lẽ trịnh trọng, nghiêm chỉnh rất mực, mà nói đâu sai đó thì có gì hay?

Vả lại chẳng những tác giả viết luận với bình được bông thùa, mà một nhân vật cao hơn Vương Hồng Sển, hơn Thánh Thán, cao tít mù, là Trang Tử, cũng không hề tự ghép mình vào phép tắc nghiêm túc đâu. Điều Trang Tử viết ra cao hơn cái luận cái bình nghìn lần vạn lần. Ông đâu thèm bình về cái văn của anh nọ chị kia, của người này người nọ; ông đâu thèm khảo luận về nền văn chương học thuật này nọ. Ông nói là nói về lẽ sinh tử ở đời, về lẽ vận hành của vũ trụ càn khôn v.v... Vậy mà giọng ông phóng túng biết bao. Ông kể những cái hoang đường, tưởng huyễn mà thực, tưởng thực mà huyễn; ông dùng ngụ ngôn, trùng ngôn, lại dùng chi ngôn, chuyện thì huyễn hoặc mà ý cao thâm tinh tường... Triết học là chuyện trang nghiêm quan trọng; giọng viết triết học Trang Tử thiếu hẳn tính thích hợp chăng?

Vào thời kỳ xảy ra vụ Nhân Văn Giai Phẩm, trên báo Nhân Văn ông Như Mai có đưa ra nhân vật Nghiêm Văn Túc, trên báo Giai Phẩm Mùa Thu ông Trần Lê Văn có đưa ra nhân vật Lê Hùng Tiến, rất hi vọng có lối phát ngôn thích hợp. Nhân vật Lê Hùng Tiến được mô tả “người anh khô đét lại, thẳng đờ như một cái áo quan, mắt chỉ biết trợn chứ không biết nhìn (...) hai hàm răng xít lại, dù có cạy cũng chẳng ra một nụ cười”. Thế thì bông thùa thế nào được, bảo đảm trăm phần trăm: khảo bình tha hồ nghiêm túc, giọng văn tha hồ thích hợp.

Đến đây, tôi giật mình. Đáp lời phỏng vấn của quí báo, giọng tôi ban đầu dè dặt ôn tồn, dần dần tự nhiên đổi ra thân mật, rồi sau lại chuyển thành bông thùa, suồng sã. E không còn thích hợp nữa chăng. Vậy nên kết thúc cho kịp thời.

Vả lại dù là lịch sử văn học, hay biên khảo văn học hay phê bình văn học... là gì nữa, thì sách viết ra cũng để dùng một thời thôi. Rồi sách sẽ bị vượt, sẽ có sách khác thay thế, kế tục. Sách sử quan trọng của Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên..., ra đời; sau đó bao nhiêu sách lịch sử khác kéo nhau tiếp tục không ngừng. Mãi vẫn còn phải tìm hiểu thêm viết thêm, còn lâu mới đủ sáng tỏ mọi điều: các vua Hùng có hay không có? mỗi vua sống được mấy trăm năm? vú bà Triệu Ẩu đích thực dài đúng mấy thước? v.v. và v.v... Sử ký Tư Mã Thiên là sách quí tuyệt vời. Sau nó, lịch sử Trung Quốc vẫn phải viết đi viết lại mãi. Mỗi khai quật di chỉ đưa ra ánh sáng một cái mới, mỗi sử quan mới xuất hiện lại đưa ra một cách nhìn khác về quá khứ v.v... Tác giả cứ đeo theo tác phẩm của mình để bênh vực nó, có làm mãi được đâu. Tác giả lẽo đẽo làm vệ sĩ cho tác phẩm mình là cảnh lố bịch.

Vừa rồi là nói chung về số phận của sách xưa nay. Sách tôi đâu được vậy. Sách tôi, tệ hơn nhiều. Sách, ngay khi mới viết đã chậm trễ: quan niệm phê bình trong ấy so với trào lưu mới trễ gần một thế kỷ. Giới phê bình chuyên nghiệp không khỏi cười cho. Vậy tại sao tôi không viết theo... kiểu mới? — Ối, tôi mà viết Phê Bình Mới (hay viết theo bất cứ một trường phái phê bình nào cấp tiến hơn)! Tôi mà chạy việt dã trên cánh đồng Phê Bình? Những ông Đặng Tiến, Nguyễn Hưng Quốc... sẽ lăn ra cười ngất. Tôi đã quá quen thuộc, thấm nhiễm thẩm quan một thời qua, tim óc đã dính liền với một cung cách thưởng thức văn chương của thế hệ mình rồi. Uốn nắn làm sao được nữa. Vả lại bản tâm mình chỉ muốn gợi lại một nền văn học mất tích đã mang theo nhiều kỷ niệm thân thiết của mình; sở học tới đâu mình làm tới đó, thời đại nó đã uốn mình theo hướng nào mình làm theo hướng nấy thôi. Đua đòi bôi bác, không nên. Còn như chờ mình tự đổi mới theo đúng kiểu rồi mới bắt tay vào việc thì còn thì giờ đâu nữa. Thôi thì cái mới sẽ có người mới làm. Lo gì.

Huống chi sách mình số mệnh đa đoan. Mười bốn năm trước, nghe hình như đã có gã vô danh nhảm nhí nào đó phát ngôn vu vơ, đại khái : “Thi phú làm ra để vịnh hoa xuân lá thu, vịnh cây quạt cây đa... thơ phú ấy nếu hay thì được truyền tụng nếu dở sẽ bị vất đi là rồi. Còn như viết cái gì có liên quan đến kẻ khác, có chê khen người nọ người kia, thì bị mắng mỏ tưng bừng là cái chắc.” Chỉ viết ra đã thế, lại còn đeo theo lải nhải, nhất định càng nhảm nhí hơn.

Bởi vậy thiết tưởng nên dừng nơi đây. Đối với quí báo, xin cảm tạ hảo ý đã cho cơ hội bộc bạch. Đối với riêng mình, tôi nhân dịp này có lời tự nhủ. Nhủ rằng:
“Kiếp sau chớ khảo chớ bình
Làm cây Dư Luận chình ình (giữa) thế gian.
Tha hồ quậy dọc quơ ngang.”

4 - 2000

Bài phỏng vấn này do tạp chí Văn Học thực hiện, đã đăng lần đầu trên Văn Học số 169, tháng 5 năm 2000.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2012/12/vo-phien-ve-bo-van-hoc-mien-nam.html
======================================================================
Chú ý:  Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001