Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

Bạch Huỳnh Duy Linh - Giá trứng

Bạch Huỳnh Duy Linh
Giá trứng gà đang là một chủ đề nóng được người tiêu dùng quan tâm, xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo có ảnh hưởng lớn đến công chúng tại VN kể từ khi CP, một công ty chăn nuôi của Thái Lan, tăng giá trứng trong một thời gian ngắn vừa qua khiến thị trường trứng gia cầm trở nên bất ổn dưới cái nhìn của những nhà quản lý thị trường và báo chí, mặc dù dưới cái nhìn kinh tế học, đó là hiện tượng đã được dự báo trước cách đây vài tháng.
Trong năm 2012, người nuôi gia cầm bị lỗ do giá gia cầm liên tục đứng ở mức thấp hơn giá thành nhiều tháng trời khiến cho việc tái đàn gặp nhiều khó khăn cộng với việc thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao cao do giá các loại nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi là đậu tương, ngô tăng cao đã đẩy chi phí sản xuất gia cầm tăng là nguyên nhân khiến cho nguồn cung trứng gia cầm sụt giảm đẩy giá trứng tăng cao.
Hiện tượng giá trứng tăng cao không chỉ xảy ra ở VN mà còn xảy ra ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tờ Telegraph của Anh ngày 13/1 đưa tin: Giá trứng đã tăng vọt 40% trong năm qua.
Biểu đồ giá trứng ở Mỹ dựa trên số liệu của USDA cung cấp cũng cho thấy sau một thời gian giảm giá, giá trứng đã tăng trở lại kể từ giữa năm 2012



Sau đợt giảm giá mạnh vào đầu năm 2012, giá trứng đã tăng trở lại

Trở lại Việt Nam, diễn biến của vụ việc bắt đầu khá đơn giản, CP một công ty chuyên sản xuất các sản phẩm phục vụ cho chăn nuôi, chiếm khoảng 16% thị phần trứng gà ở Tp.HCM (số liệu do CP tính toán, số liệu do Sở Tài chính Tp.HCM công bố là 30%) đã liên tục tăng giá bán trứng cho một số hệ thống siêu thị của Tp.HCM trong một thời gian ngắn với lý do mất cân đối cung – cầu. Theo phản ánh của báo chí, trong một tuần CP đã tăng giá trứng liên tục 3 lần, khiến giá trứng bán lẻ tăng vọt từ 2.000 đồng lên 3.000 đồng/quả, mức tăng 50%.
Điểm đáng chú ý đó là CP không phải là công ty duy nhất tăng giá trứng, Emivest là công ty có thị phần lớn thứ hai cũng tăng giá nhưng CP là công ty chiếm thị phần lớn nhất nên đã bị "bêu tên" trước công luận để làm gương. Việc tăng giá của CP đã vấp phải phản ứng khá dữ dội từ các hệ thống siêu thị, đặc biệt nhất là từ phía chính quyền Tp.HCM với sự hậu thuẫn của dư luận thông qua hai tờ báo có số lượng phát hành lớn nhất cả nước là Tuổi Trẻ và Thanh Niên.
Hệ quả của vụ việc này đó là CP bị hệ thống siêu thị Saigon Co.op “tẩy chay” không mua trứng gia cầm và thương hiệu bị thiệt hại khá nặng. Tuổi Trẻ, một tờ báo có tính dân túy đã nhiệt tình ủng hộ Saigon Co.op thông qua một bài xã luận "đanh thép" và cho đăng tải một loạt ý kiến người tiêu dùng đòi "phản đối" và "đòi trừng phạt" CP. Trong khi hồ hởi bảo vệ quyền lợi của người sử dụng trứng gà, "một nửa ổ bánh mì" mà tác giả bài xã luận trên Tuổi Trẻ không nhắc tới đó là quyền lợi việc hàng vạn người nuôi gà đã bị lỗ trong suốt năm 2012 vừa qua. Vụ việc cho thấy tư duy kiểm soát giá cả thông qua các biện pháp hành chính của các quan chức nhà nước vẫn còn rất nặng nề, đáng buồn hơn nữa là các tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh niên lại ủng hộ việc kiểm soát giá cả này mà không tìm hiểu rõ chuyện trứng gà tăng giá sau một thời gian dài giảm giá là chuyện rất bình thường và hợp lý trong một nền kinh tế thị trường. Trong buổi làm việc với CP, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) và các sở, ban, ngành TP.HCM đưa ra “tối hậu thư” từ nay đến hết ngày 17.1, nếu CP không giảm giá, CP sẽ bị xử lý theo luật Cạnh tranh bởi “tội” lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường gây thiệt hại cho khách hàng.
Dưới áp lực của chính quyền và dư luận, CP đã buộc phải thừa nhận tăng giá bất hợp lý và giảm giá trứng xuống còn 21.000 đồng/vỉ. Mặc dù thế, đại diện truyền thông CP cho rằng mức giá này là giá sỉ, còn giá bán lẻ ở thị trường còn tùy thuộc vào các cơ sở, cửa hàng bán lẻ.
Giả sử CP tăng giá trứng một cách bất hợp lý (theo quan điểm của các quan chức phụ trách thị trường của Sở Công thương) thì một hiện tượng tất yếu sẽ diễn ra đó là người tiêu dùng sẽ tự động “tẩy chay” trứng gà CP bằng cách mua trứng tại các siêu thị với giá rẻ hơn. Trên thực tế thì hiện tượng này đã xảy ra khi những nhà bán lẻ trứng đã đổ xô vào siêu thị mua trứng bình ổn với giá 23.500 đồng/vỉ mang ra thị trường bên ngoài bán với giá 32/000 đồng/vỉ để hưởng chênh lệch.
Chính “lòng tham” của các thương nhân sẽ làm cho giá trứng giữa nơi cân bằng nhau. Khi đó, CP không bán được trứng với giá cao sẽ tự động giảm giá trứng xuống nếu không muốn trứng bị ế.
Nếu thực sự nguồn cung trứng dồi dào như các quan chức phụ trách bình ổn giá cả của Tp.HCM công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng thì động tác duy nhất phải làm đó là tăng cường lượng trứng đang dồi dào đó cho các siêu thị, không cần hạn chế số lượng trứng bán ra (do xảy ra hiện tượng thu gom trứng, các siêu thị đã hạn chế mỗi người tiêu dùng chỉ mua được 1-2 vỉ/lần) thì thị trường sẽ tự động điều tiết bằng cách chuyển trứng ở nơi "dư thừa" sang nơi "khan hiếm" bằng tín hiệu giá cả.
Không giống các loại sản phẩm khác có thể dự trữ lâu ngày, trứng gà là một loại hàng hóa khó có thể đầu cơ, tích trữ do phải tiêu thụ ngay trong tuần, việc găm hàng nhằm tăng giá bán là điều khó xảy ra. Việc một công ty có thị phần khoảng 30% như CP (tạm tin vào con số của Sở Tài chính Tp.HCM) có thể chi phối được giá cả của thị trường trứng là vô lý.
Nếu nhìn vào tình hình chăn nuôi trong suốt năm 2012 sẽ thấy giá trứng liên tục đứng ở mức thấp, người chăn nuôi bị lỗ, không có khả năng để tái đầu tư. Việc người nuôi bỏ đàn khiến cho lượng cung sụt giảm trong khi gần đến Tết, nhu cầu tiêu thụ trứng tăng cao khiến cho cung – cầu mất cân bằng đẩy giá trứng tăng như lý giải của CP là điều thường xuyên gặp phải trong nền kinh tế thị trường. Giá trứng tăng cao sẽ là động lực để khuyến khích người dân nuôi gà trở lại để đáp ứng nguồn cung cho thị trường trong bối cảnh năm 2012 bị lỗ liên tục.
Sẽ là bất công với những người nuôi gia cầm, khi với mục tiêu "ổn định giá cả", chính quyền "kiềm hãm" giá trứng ở mức thấp một cách giả tạo với lý do bảo vệ người tiêu dùng khiến cho những người sản xuất trứng gia cầm bị thiệt hại. Việc thua lỗ của người chăn nuôi trước sau gì cũng ảnh hưởng đến lợi ích của những người tiêu dùng, nếu giá trứng vẫn tiếp tục được “bình ổn” ở mức thấp một cách giả tạo bằng các biện pháp hành chính như ở hiện tại, nhiều khả năng nguồn cung sẽ tiếp tục thiếu hụt trong tương lai khi người nuôi gia cầm không muốn tiếp tục nuôi vì không nhìn thấy lợi nhuận thì hiện tượng xếp hàng, cấp quota để được mua trứng sẽ trầm trọng hơn trong thời gian tới.
Hiện chưa thấy các nhà kinh tế học có tiếng về bảo vệ thị trường không thấy lên tiếng về những sự việc can thiệp vào thị trường một cách thô bạo như thế này.
Update1: Vietnamnet có một bài tổng hợp ý kiến bạn đọc lên án CP rất gay gắt. Độc giả Vietnamnet quên rằng người tiêu dùng có một quyền rất lớn đó là quyền bỏ phiếu bằng tiền (your money, your vote). Nếu bạn cảm thấy giá trứng CP quá cao, bạn có quyền dùng tiền của mình để mua trứng của Ba Huân, trứng của CP không bán được, công ty CP sẽ thua lỗ, đóng cửa, thậm chí phá sản. Chỉ cần dùng money, bạn sẽ làm cho trứng CP tự động giảm giá nếu không muốn rơi vào tình cảnh thua lỗ. Ngoài ra, nếu bạn cảm thấy giá trứng gà rất cao, lợi nhuận của CP khủng, bạn có thể chuyển sang việc nuôi gà đẻ trứng kiếm lời như bạn đã phê phán CP có lợi nhuận "khủng".
Update 2: Các bài báo phản ánh giá trứng tăng trên thế giới
- Telegraph: Egg prices up 40 per cent
- Dailymail: Shoppers shelling out more for eggs as price rockets 40% in a year
- High Egg Prices
Admin gửi hôm Thứ Bảy, 19/01/2013          
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20130119/bach-huynh-duy-linh-gia-trung
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001