Quốc Phương (BBC)
- Báo chí Việt Nam lên tiếng về cuộc tập trận mới nhất của Trung Quốc
tại Hoàng Sa và khu vực tranh chấp trên Biển Đông, gọi đây là các hành
vi "trái pháp," "trắng trợn," "phi pháp" hay "ngang nhiên."
Hôm thứ Bảy, 05/1/2013, tờ Petrotimes, Tin nhanh năng lượng mới, nói:
"Trung Quốc vừa tiến hành một loạt cuộc tập trận tại Thẩm Dương, Tế Nam
và cái gọi là “thành phố Tam Sa” do nước này lập ra trái phép để quản
lý 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam."
Trong bài báo với tựa đề "Trung Quốc tập trận trái phép tại Hoàng Sa,"
tờ tin nhanh năng lượng mới này dẫn nguồn của Nhật báo Quân giải phóng
Nhân dân Trung Hoa nói các cuộc tập trận trên được khởi động từ hôm
02/1/2013.
Báo chí Việt Nam công khai gọi cuộc tập trận là phi pháp (Ảnh: BBC)
Petrotimes nói theo kịch bản tập trận, binh lính của Hạm đội Nam Hải
đóng quân trái phép trên đảo Quang Hòa, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt
Nam, được báo động ở một sân bay trên đảo lúc 4 giờ 30 phút sáng.
Tờ báo của ngành năng lượng Việt Nam khẳng định đảo Quang Hòa thuộc chủ
quyền của Việt Nam, là một trong những hòn đảo chiến lược quan trọng bậc
nhất gần cái mà Trung Quốc, theo tờ báo, gọi là “thành phố Tam Sa.”
"Đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội tỏ ra im lặng hoặc chậm phản ứng trước các hành vi mà thông thường Việt Nam vẫn tuyên bố là "vi phạm chủ quyền," "quyền chủ quyền" bất khả xâm phạm của mình"
Petrotimes khẳng định vì lý do này, "lực lượng đóng trái phép của họ tại
đây" được “huấn luyện cảnh giác cao độ trong mọi thời điểm, đặc biệt
trong các ngày nghỉ, ngày lễ”.
Phiên bản điện tử của Petrotimes bình luận thêm "Tờ báo Quân đội Trung
Quốc còn trắng trợn tuyên bố, họ đã triển khai thêm binh lính tuần tra ở
đây.
"Cùng ngày, các cuộc tập trận khác, bao gồm các nội dung phòng không,
chống khủng bố, ban bố tình trạng khẩn cấp, đã diễn ra lại Thẩm Dương,
thủ phủ của tỉnh Liêu Ninh và Tế Nam, thủ phủ của tỉnh Sơn Đông."
Tờ báo của Việt Nam còn tổng hợp và trích nguồn của Tân Hoa Xã, cơ quan
thông tấn nhà nước của Trung Quốc, cho hay "cũng trong những ngày đầu
năm mới 2013, Sở Giáo dục tỉnh Hải Nam đã ra thông báo, con cái của sĩ
quan, binh lính Trung Quốc đóng quân trái phép tại cái gọi là "thành phố
Tam Sa" năm 2013 thi đại học được phép làm đơn xin cộng điểm ưu tiên
hoặc xin tuyển thẳng vào đại học."
"Phi pháp, ngang nhiên"
Cũng đưa tin về cuộc tập trận của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Biển Đông mà phía Trung Quốc gọi là Biển Nam Trung Hoa, tờ Thanh Niên Online hôm thứ Bảy viết "Bắc Kinh vừa ngang nhiên tập trận phòng không phi pháp ở đảo Quang Hòa thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam."
Trong bài báo cùng ngày 05/1, tờ báo là 'Diễn đàn của Hội Liên hiệp
Thanh niên Việt Nam' giật tít "Trung Quốc tập trận phi pháp ở Hoàng Sa"
và cho hay:
"Thời gian qua, Trung Quốc không ngừng có nhiều hành động gây quan ngại
như tăng cường lực lượng đồn trú phi pháp trên các đảo thuộc “TP.Tam Sa”
và liên tục tập trận."
Binh lính Trung Quốc tập trận theo hình ảnh do Hoàn cầu Thời báo công bố (Ảnh: BBC)
Tờ này trích nguồn từ tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng
(South China Morning Post) và cho hay thêm Bắc Kinh đã điều 6.000 binh
sĩ tới thành phố phi pháp này trong khi chỉ có khoảng 1.000 người được
cho là dân chúng sinh sống tại đây.
Thanh Niên Online tiếp tục trích nguồn từ truyền thông của Trung Quốc nói: "Trước đó, ngày 5.12.2012, quân đội Trung Quốc diễn tập bắn súng ở Hoàng Sa, theo tờ Hoàn Cầu thời báo.
"Đến ngày 10.12, tờ Nhân Dân nhật báo đưa tin một đội xe tăng thuộc
Bộ Chỉ huy quân đồn trú của PLA “TP.Tam Sa” diễn tập bắn đạn thật nhưng
không cung cấp chi tiết thời gian và địa điểm diễn ra."
Tổng hợp các diễn biến, tờ Thanh Niên gọi các hành động mới của Trung Quốc là "phi pháp." Tờ báo viết:
"Không chỉ tập trận, Trung Quốc vừa có thêm hành động phi pháp mới ở
biển Đông. Ngày 4.1, tờ Nhân Dân nhật báo đưa tin Công ty điện tín Trung
Quốc bắt đầu cung cấp dịch vụ mạng CDMA 3G tại bãi đá Chữ Thập thuộc
Trường Sa.
Thanh Niên còn dẫn nguồn từ báo chí Đài Loan và hãng tin quốc tế cho hay
thêm về các động thái gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông:
"Ngoài ra, trang tin Wantchinatimes (Đài Loan) ngày 31.12.2012 đưa
tin Hạm đội Nam Hải, vốn phụ trách hoạt động tại biển Đông, vừa tiếp
nhận tàu hộ tống Liễu Châu thuộc lớp 054A. Mặt khác, Trung Quốc cũng
chuyển giao 2 tàu khu trục của hải quân sang lực lượng hải giám nước
này. Trong đó, một chiếc được bố trí hoạt động ở biển Đông, theo AFP," tờ Thanh Niên viết.
'Chính phủ im lặng'
Trong khi đó, trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam, tính tới thời điểm buổi trưa ngày thứ Bảy 05/1/2012, vẫn chưa có một phát biểu, hay bình luận chính thức nào.
Trong mục Người phát ngôn của Bộ này, ba mục tin đầu tiên và mới nhất
'trả lời của người phát ngôn' và 'thông báo họp báo thường kỳ của người
phát ngôn' là từ ngày 10-17/12/2012 và đều không có nội dung nào bình
luận về các diến biến tập trận của Trung Quốc từ hôm 02/1/2013 tại quần
đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, cũng như trên Biển Đông.
Tướng Nguyễn Chí Vịnh tin rằng việc giữ ổn định trong các quan hệ với Trung Quốc là quan trọng (Ảnh: BBC)
Cùng thời điểm, tính tới trưa ngày thứ Bảy, cũng chưa thấy xuất hiện bất cứ mục tin hay thông điệp nào trên Cổng thông Tin điện tử của Văn phòng Chính phủ Việt Nam về động thái của Trung Quốc.
Mục tin chính và mới nhất của Trang web của Văn phòng Chính phủViệt Nam đề ngày 05/1 đăng bài về "Niềm tin của doanh nghiệp trước cơ hội mới 2013."
"Trong khi đó đất nước ta đang hơn bao giờ hết cần ổn định, cần sự đồng thuận để phát triển, để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ"
Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh
Hiện chưa rõ lý do vì sao Chính phủ Việt Nam chưa có phản ứng chính
thức, tuy nhiên, có vẻ đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội tỏ ra im
lặng hoặc chậm phản ứng trước các hành vi mà thông thường Việt Nam vẫn
tuyên bố là "vi phạm chủ quyền," "quyền chủ quyền" bất khả xâm phạm của
mình.
Hôm 01/1, một Thứ trưởng Quốc phòng của Việt Nam, ông Nguyễn Chí Vịnh,
trả lời phỏng vấn của truyền thông trong nước các cuộc biểu tình chống
Trung Quốc “gây mất ổn định” trong khi Việt Nam “cần ổn định, cần sự
đồng thuận để phát triển, để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”.
Trong bài phỏng vấn ngày đầu năm mới, Thượng Tướng Vịnh nói với báo Tuổi
Trẻ rằng các cuộc biểu tình chống Trung Quốc của quần chúng ở trong
nước gần đây là chuyện “không nên”.
“Để đối phó với tình hình phức tạp trên biển Đông hiện nay, chúng ta
cần một sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và Nhà nước cũng như giữa
Đảng, Nhà nước với nhân dân," ông nói.
"Có thể người dân chưa thật hài lòng và yên tâm vì chưa được cung cấp
đầy đủ thông tin, nhưng tôi chỉ muốn nói với những người biểu tình nói
riêng và tất cả người dân rằng những người có trách nhiệm của Đảng, Nhà
nước, quân đội không một ai chịu để mất chủ quyền lãnh thổ cả.”
Thứ trưởng Vịnh khẳng định: “Có thể đất nước ta có tham nhũng, lãng
phí, có tiêu cực, có thể một bộ phận cán bộ suy thoái về đạo đức, nhưng
tuyệt đại đa số nhân dân ta không ai có thể quên đi lợi ích quốc gia dân
tộc, quên đi chủ quyền lãnh thổ. Biểu tình bây giờ sẽ gây mất ổn định.”
“Trong khi đó đất nước ta đang hơn bao giờ hết cần ổn định, cần sự đồng thuận để phát triển, để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.”
'Đối sách Trung Quốc'
Học giả Quốc phòng Trần Đăng Thanh nói Việt Nam cần ổn định và không muốn chiến tranh (Ảnh: BBC)
"Thứ bảy là chiếm bãi cạn của ta trong trường hợp ta không có người chốt giữ, nếu mà ta sơ xểnh cái là nó cướp luôn. Và đích cuối cùng là độc chiếm Biển Đông"
Đại tá, Phó Giáo sư Trần Đăng Thanh
Trong một diễn biến được cho là ít nhiều phản ánh nhận thức chính sách
của Việt Nam về chiến lược của Trung Quốc đặc biệt trên Biển Đông, cuối
năm ngoái, một nhà nghiên cứu Thuộc Học viện Chính trị Quốc phòng của
Việt Nam, nói chuyện với cán bộ ngành giáo dục, đánh giá:
"Một là họ đẩy mạnh tuyên truyền Biển Đông là của Trung Quốc tạo dựng
hành lang pháp lý với quốc tế, đấy là việc làm đầu tiên của họ.Thứ hai
là đẩy mạnh đầu tư nâng cấp vùng chiếm đóng đặc biệt là Hoàng Sa...," Đại tá Phó Giáo sư Trần Đăng Thanh nói.
"Thứ ba là ngăn cản phá hoại các hoạt động kinh tế trên Biển Đông của
ta. Thứ tư là đẩy mạnh đánh bắt thủy sản tạo ra vùng đánh bắt truyền
thống. Thứ năm, thăm dò, khảo sát, mời thầu vùng tài nguyên trên biển
của chúng ta.
"Thứ sáu, tìm mọi cách để hạ đặt giàn khoan trên biển của ta nếu ta
không ngăn chặn kịp thời. Thứ bảy là chiếm bãi cạn của ta trong trường
hợp ta không có người chốt giữ, nếu mà ta sơ xểnh cái là nó cướp luôn.
Và đích cuối cùng là độc chiếm Biển Đông."
Trong khi cho rằng Trung Quốc có mục tiêu độc chiếm Biển Đông và thường
xuyên sử dụng sách lược chiến tranh tâm lý được gọi là "rung cây dọa
khỉ" với Việt Nam bên cạnh các áp lực hữu hình, trực tiếp, khác, Đại tá
Thanh tiết lộ 3 nguyên tắc đối sách của Việt Nam với quốc gia láng giềng
phương Bắc này.
Ông nói: "Điều thứ nhất không được mất là chủ quyền và quyền chủ quyền.
Điều thứ hai không được mất đó là môi trường hòa bình, thứ hai và thứ
nhất lại mâu thuẫn với nhau cho nên xin thưa với các đồng chí không được
mất chủ quyền và quyền chủ quyền nhưng phải ưu tiên tối thượng là giữ
được môi trường hòa bình.
"Cái không được mất thứ ba đó là mối tình đoàn kết nhân dân hai nước.
Nói điều này thì có người bĩu môi, có người chưa đồng tình. Nhưng thôi
xin thưa với các đồng chí, lịch sử giao cho dân tộc chúng ta phải sống
bên cạnh cái nước ta bảo họ tư tưởng nước lớn, không phải tư tưởng, họ
là nước lớn thật sự," học giả này nói với các cử tọa hồi hạ tuần tháng
12.
nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2013/01/viet-nam-goi-tap-tran-cua-tq-la-phi-phap.html#more
=====================================================================
Chú ý: Nhấn
vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress.
Sẽ xóa những
comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001