Chủ nhật, ngày 30 tháng mười hai năm 2012
Kịch bản là bộ khung để phân tích tình huống. Giải pháp các bên chấp nhận mới là đích tìm kiếm của cả "ba tay chơi": Trung Quốc, Mỹ và ASEAN trong cuộc cờ hiện nay. Nếu không đi đến một kết cục có hậu thì một cuộc chiến tranh lạnh và ngăn chận mới có thể diễn ra trong tương lai.
Ngày 25/12, hãng tin Bloomberg trích nguồn tin từ tờ 21st Century Business Herald
cho biết, Trung Quốc vừa chính thức phê duyệt dự án đầu tư 1,6 tỷ USD
để xây dựng các công trình trái phép trên các quần đảo thuộc chủ quyền
của Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc dự kiến sẽ đầu tư khoảng 1 tỷ USD để
xây dựng sân bay, bến cảng và nhiều công trình cơ sở hạ tầng khác trên
một số hòn đảo ở Biển Đông thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt
Nam.
Theo tuyên bố của chủ tịch tỉnh Hải Nam Jiang Dingzhi, kế hoạch của
Trung Quốc là đầu tư tới 10 tỷ NDT (1,6 tỷ USD) để xây dựng các công
trình cơ sở hạ tầng cho thành phố. Tam Sa là đơn vị hành chính vừa được
chính quyền Hải Nam thành lập trái phép hồi tháng 6/2012 (Bộ Ngoại giao nước ta đã lên tiếng phản đối!), trong đó cố tình bao gồm cả những hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Căng thẳng trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng
thuộc ASEAN đã liên tục tăng cao trong những tháng gần đây bởi thái độ
ngày càng hung hăng và ngang ngược của Trung Quốc trong việc tuyên bố
chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông giàu tài nguyên
thiên nhiên này. Sự căng thẳng về tranh chấp chủ quyền đã làm gián đoạn
và suy yếu các mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN. Tình
hình này cũng đặt bộ máy hoạch định chính sách an ninh và ngoại giao ở
Washington (đang trong thời kỳ thành lập) vào tình thế lưỡng nan về
chiến lược.
Ba kịch bản khác nhau
Trên Global Asia số cuối năm (tháng 12/2012), GS Nguyễn Mạnh
Hùng, đại học George Mason/Mỹ, vừa đưa ra khung phân tích tình hình và
dự báo tương lai đối với các tranh chấp hiện nay giữa Trung Quốc với một
số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam trên Biển Đông. Có thể tóm tắt
khung phân tích này trong ba kịch bản sau đây:
Kịch bản thứ nhất là Trung Quốc tiến tới một giải pháp ôn hòa với các nước láng giềng.
Quan ngại căng thẳng kéo dài trên Biển Đông sẽ đẩy phần lớn các nước
trong khu vực vào "vòng tay" Mỹ, Trung Quốc sẽ bị cô lập, mất hết đồng
minh nên Trung Quốc có thể có những nhân nhượng nhất định. Hiện nay, TQ
đang muốn VN thỏa hiệp trong phân chia Vịnh Bắc Bộ. Thêm vào đó, một số
quan chức Trung Quốc vẫn không thừa nhận là Trung Quốc đã từng tuyên bố
"Biển Đông là lợi ích cốt lõi của họ". Việc từ chối này có thể là cách
dành "đất lùi" cho thỏa hiệp tương lai? Một vài cố vấn cấp cao trong
chính phủ Bắc Kinh buộc phải thừa nhận "tính chất khó giải quyết trong
chính sách biển Đông của TQ", nhất là "quy chế của đường chín khúc".
Giới think tank này quan ngại tình hình tranh chấp có thể làm Trung Quốc
ngày càng bị cô lập và ảnh hưởng xấu đến "sự nghiệp cải cách của TQ".
Kịch bản thứ hai là giải pháp đối đầu như cách TQ đang làm với Philipinnes tại Scarboough hiện nay.
TQ sẽ tiếp tục lấn tới nhằm kiểm soát toàn bộ vùng lưỡi bò bằng các
hành động đơn phương, chính sách bên miệng hố chiến tranh, sách lược
"tầm ăn dâu" và chia để trị đối với ASEAN. Hành động lật lọng của TQ ở
Scarborough: sau khi Phi rút tàu ra khỏi khu vực bãi cạn, TQ lập tức
quay lại và thiết lập sự kiểm soát trên thực tế, cho thấy TQ coi thường
luật pháp quốc tế, chủ trương "gây sức ép cường độ thấp", gây "mỏi mệt
về chiến lược" và sau đó là cưỡng chiếm. Với trò "mèo vờn chuột" này,
lại chiếm ưu thế về lực lượng hải quân so với láng giềng, TQ sẽ nhân
rộng mô hình Scarboough, tạo ra một loạt tình huống sự đã rồi (faits
accomplis) để độc chiếm BĐ.
Kịch bản thứ ba là giải pháp Mỹ-Trung bắt tay nhau. Kịch bản
này là hệ quả của quá trình chuyển giao quyền lực êm thấm trong khu vực
từ Mỹ, cường quốc thoái lui sang Trung Quốc, cường quốc trỗi dậy, và
không chỉ trên Biển Đông, bởi vì, từ bản chất bành trướng, TQ sẽ không
bao giờ chỉ dừng lại ở BĐ mà sẽ tiến ra giành giật quyền lãnh đạo khu
vực Thái Bình Dương từ tay Mỹ. Nếu điều này xẩy ra, đây thật sự sẽ là
một đảo lộn lớn lớn nhất của thế kỷ 21, đối với cả tiểu quốc lẫn cường
quốc. Một khi "cựu" siêu cường Mỹ buộc phải "thần phục" TQ và trao cái
gậy chỉ huy cho thiên triều thì các quốc gia còn lại sẽ lần lượt phải
"xếp hàng" theo sự chỉ dẫn của một sen đầm mới Bắc Kinh. Hẳn nhiên, hệ
lụy của kịch bản này cực kỳ nguy hiểm đối với cả khu vực lẫn toàn cầu.
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Tránh kỷ nguyên"chiến tranh lạnh"
Ba kịch bản nói trên xuất phát từ ba cách tiếp cận khác nhau đối với
các tranh chấp biển đảo giữa TQ với các nước láng giềng ĐNÁ. Thứ nhất,
nếu coi đây đơn thuần chỉ là sự va chạm về lợi ích kinh tế giữa các nước
duyên hải và chỉ tập trung vào các tranh chấp xung quanh hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa thì có thể "mơ" về kịch bản thứ nhất, kịch bản của
hòa bình. Nhưng đáng tiếc, bản chất xung đột trên Biển Đông từ mấy năm
trở lại đây là một cuộc xung đột quốc tế. Những thành tố tạo nên cách
tiếp cận thứ hai như yêu sách "đường lưỡi bò" của TQ, phản ứng công khai
của Mỹ và quan ngại của tất cả các nước trong khu vực, từ lớn đến bé.
Tuy nhiên, đối với lợi ích dân tộc và chủ quyền quốc gia, thật ra không
thể đo bằng quy mô lớn hay bé. Trung Quốc nên hiểu rằng, có thể ở chính
thể này, chế độ kia, Trung Quốc có thể cưỡng chiếm tạm thời một phần chủ
quyền và thu tóm một phần lợi ích quốc gia của một số nước, nhưng lịch
sử là công bằng, cái gì của Cesar rồi sẽ phải trả về cho Cesar!
Cách tiếp cận thứ ba phải chăng là một định mệnh trong quan hệ quốc
tế, đó là sự chuyển dịch quyền lực trên cấp độ đại-hệ thống. Trong cuộc
Đối thoại chiến lựơc và kinh tế giữa TQ và Mỹ tháng 5 năm 2010, đại diện
TQ tuyên bố rằng chủ quyền của TQ ở Biển Đông là "quyền lợi cốt lõi"
của họ. Chỉ hai tháng sau, tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Ngoại
trưởng Mỹ Hillary Clinton phản ứng lại bằng cách xác định Mỹ có "quyền
lợi quốc gia" trong việc bảo vệ tự do hàng hải, tự do khai thác tài
nguyên chung trong vùng biển Á châu, và việc tôn trọng luật quốc tế ở
biển Đông. Đây là những tuyên bố rất đáng quan tâm vì nếu để mẫu thuẫn
quyền lợi quốc gia giữa các cường quốc trở nên đối kháng thì dễ dẫn đến
tình trạng đối đầu trong một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới (khác với
cuộc chiến tranh lạnh trong thế kỷ 20).
Tranh chấp trên Biển Đông từ nay dường như đã trở thành cuộc đối
đầu/cạnh tranh quyền lực trên cấp độ toàn cầu giữa Mỹ, siêu cường được
coi là đang trượt dốc với Trung Quốc, đại cường đang nổi lên, lăm le
"tung hê" cái trật tự tồn tại hơn nửa thế kỷ nay để cài đặt vào đấy một
trật tự mới mà giới quốc tế học đã đặt tên, cho dù nó chưa ra đời, đó là
trật tự Trung Hoa (Pax Sinica/Hòa bình kiểu Tàu). Nhìn vấn đề từ góc độ
này có thể hiểu ý đồ đằng sau đề nghị của TQ cách đây mấy năm đưa ra
với Mỹ là hai bên có thể chia đôi biển Thái Bình Dương, mỗi bên hùng cứ
một phương để Trung Quốc dễ bề "múa gậy vườn hoang" ở Đông-Thái Bình
Dương mà không động chạm đến lợi ích của Mỹ.
"Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi"
Các tranh chấp giữa Trung Quốc với một số nước châu Á trên Biển Đông
và Hoa Đông hiện nay đang gây khó cho Mỹ và có khả năng buộc Mỹ phải
tiến hành chính sách "ngăn chặn kiểu mới"? Chủ trương của Mỹ giữ nguyên
trạng trên Biển Đông đang làm cho các nước bị bắt nạt tự tin hơn trong
đấu tranh chống lại các hành động xâm lấn của TQ. Tuy nhiên, các xung
đột ở cường độ thấp sẽ đặt ra một nan đề là khi nào thì Mỹ cần bày tỏ
cam kết để kềm giữ TQ, còn khi nào thì Mỹ phải làm thinh để các nước
láng giềng của TQ đừng đi quá xa. Đối với Mỹ, lý do địa dư và tâm lý dân
chúng hiện nay càng đẩy nan đề này thành vấn đề lớn. Đối với một số
nước châu Á, lý lẽ duy trì căng thẳng với TQ là cách để "giữ chân" Mỹ
phải ủng hộ họ vẫn là một vũ khí của kẻ yếm thế.
Để có một giải pháp hòa bình và công lý cho tranh chấp trên Biển Đông
không thể trông đợi nhiều từ các kịch bản nói trên, đó chỉ là cái khung
minh triết phân tích các tình huống chồng lấn phức tạp. Vì lợi ích của
chính TQ, một quốc gia có bề dày về văn minh và tư tưởng, nhất là tư
tưởng của các chiến lược gia được xếp vào loại hàng đầu của túi khôn
nhân loại, TQ nên tự kềm chế bớt lòng tham. Thế giới sẽ tôn vinh TQ như
là "một cổ đông có trách nhiệm" trong làng toàn cầu đang oằn lưng chống
"các loại bão", từ kinh tế đến môi trường, từ giá trị đến văn hóa, tất
cả cùng chia sẻ một vận mệnh chung, một cơ may chung để tồn tại và phát
triển. Ăn thua nhau trên biển để rồi chôn vùi các nền văn minh xuống đáy
đại dương thì há chăng đó là sự lựa chọn thông minh. Bài học của tiền
nhân "tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi" (biết đủ thì không nhục, biết dừng thì không nguy hiểm) hóa ra bị lãng quên mãi mãi?
Hải Đăng -Tuần VietnamNet ngày 30/12/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001