Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

Chợ Vòm – một góc cuộc sống của người Việt ở Nga (1)


 | 
Một cháu bé 4 tuổi sang Nga được 6 tháng, khoe với mẹ vừa từ Việt Nam sang:
-Mẹ ơi, mẹ có thích đi xem Moskva không? Con dẫn mẹ đi nhé!
-Con định đưa mẹ đi đâu?
-Đi chợ Vòm.
-Chợ đấy đẹp lắm à? Con đi chưa?
-Chưa mẹ ạ, nhưng ai đến nhà mình cũng kể về chợ Vòm suốt ngày, nên con nghĩ nó phải đẹp lắm.
Chợ Vòm không chỉ đơn giản là một cái chợ, chợ Vòm là một cuộc sống sinh động đã làm mê hoặc nhiều người và làm nhiều người khác thất vọng, nhưng nó vẫn luôn là niềm hy vọng cho những ai có khát vọng làm giầu ở Nga.
1-Khu chợ như mê cung
Chợ Vòm
Chợ Vòm
Quả là người Việt ở Nga dùng từ “chợ Vòm” nhiều nhất trong các loại danh từ, các loại tên riêng, các loại từ chỉ địa điểm trong câu chuyện của mình. Nhưng “Vòm” không phải là tên chính thức của chợ, khái niệm chợ “Vòm” không phải chỉ là một khu chợ. “Chợ Vòm” là cái tên quy ước của người Việt để chỉ khu chợ nằm gần metro Cherkizov. Nó là cả một quần thể gồm hàng chục chợ khác nhau như chợ KT, chợ Cháy, chợ đầu đen, chợ hàng hoa, chợ AST bê tông, AST mới, chợ Thăng Long, chợ Sơn- Kiệt…Chẳng ai biết trên giấy tờ các khu chợ ấy mang những cái tên mỹ miều gì, trên cổng chợ người ta chỉ thấy một cái tên chung “chợ hàng hóa” y như câu “ở đây có bán cá tươi”, không nói thì ai cũng biết cả rồi. Tất cả tên các chợ, người Việt mình thông minh tự “sáng chế” ra để mô tả với nhau cho dễ, và ngay cả cái chợ duy nhất có tên là chợ AST cũng được người Việt gọi thành ACT…cho đúng kiểu Việt Nam vì chữ cái “S” trong tiếng Nga được viết y như chữ “C” trong tiếng Việt.
Tiếng Việt ở Nga được làm giầu nhờ rất nhiều từ cải biên từ tiếng Nga cho dễ đọc, chẳng hạn chợ Cheriomyshkin được gọi thành chợ Tre, vừa dễ đọc vừa rất Việt Nam, còn chợ gần metro Tulskaya thì được gọi là chợ Tun, rồi “ốp”, rồi “Kva”, toàn từ đi mượn cả, nhưng là mượn……luôn. Khu chợ Vòm cũng vậy, cái tên nào cũng đầy ý nghĩa. Nhưng chắc rất ít người còn nhớ được chữ “Vòm” từ đâu sinh ra. Những người bán hàng ở đây từ những ngày đầu tiên kể rằng, thời ấy chợ Vòm chưa bề thế, rộng lớn như bây giờ đâu, chỉ vẻn vẹn có hai dãy, mỗi dãy chừng 30 container và hai nhà mái tôn hình vòm cuốn, loại nhà tôn làm hàng loạt để làm nơi sửa hay để ô tô tải. Từ xa nhìn lại hai dãy nhà tôn hình mái vòm ấy lừng lững và không lẫn được với các khu nhà khác, chính vì thế người Việt mới dùng tên Vòm để mô tả về khu chợ mới mở, lâu dần thành một cái tên chung cho cả khu chợ rộng lớn này. Bây giờ chính khu chợ có hai nhà mái vòm lại có cái tên riêng là chợ cháy, vì cuối năm 95 xảy ra một vụ cháy rất lớn trong khu này. Chợ Đầu Đen là chợ của những người thuộc các nước thuộc vùng Trung Á của Liên Xô trước đây, như Azerbaijan, Chechnya, Grudia, Armenya. Họ có mái tóc mầu đen chứ không vàng hay râu ngô như người Nga nên bị gọi là dân đầu đen. Chợ đông người Việt bán hàng nhất là chợ KT. Người điều hành chợ này là một người Việt. Người Việt thì gọi ông là chủ chợ, nhưng thực ra ông cũng chỉ là một người làm Cai, đướng ra làm trung gian giữa người Việt thuê container và người chủ đích thực của nó là những người Nga, hay chính xác hơn là những người đầu đen mang hộ chiếu Nga.
Chợ Vòm là nơi đầu tiên người ta sáng chế ra cách xây dựng chợ bằng các container không còn dùng để vận chuyển được nữa: vừa tiết kiệm, vừa nhanh chóng và tiện đủ đường. Này nhé, công ty vận tải thu được một số tiền không nhỏ từ những thứ tưởng như vứt đi, thành phố giải quyết được một bãi phế thải sắt vụn vừa nhanh vừa không phải đầu tư một xu, mà chủ chợ nếu chẳng may không hút được người mua đến khu vực này có thể chở đám container đến một chỗ khác có vị trí được “địa lợi” hơn.
Thời gian đầu, ai đến chợ Vòm cũng tưởng mình lạc vào hội chợ của dân…nhặt rác. Bởi vì các container được người ta thả trên một bãi đất- đúng nghĩa là đất, không có nền. Khoảng giữa hai hàng container, nơi được dùng làm lối đi được thả theo cách… gọi là thả……một ít sỏi, có lẽ để dân chúng khỏi lạc đường sang các khu …đổ rác thật, hơn là để làm đường đi. Các container người Việt gọi ngắn gọn là “công”, cái tróc lở, cái han gỉ đứng khập khiễng bên nhau. Nhìn trên đường người ta thấy lẫn trong đất vô vàn rác các loại, cộng thêm các vỏ hộp bỏ đi, dây, bao ny lông do các chủ hàng vứt vô tội vạ khắp nơi, cảm giác lọt vào bãi rác không phải một ảo giác hay sản phẩm của những người hay mơ mộng, mà là một sự thật hiện hữu. Người dựng chợ không dùng đến các định luật về cái đẹp, mà người bán hàng cũng hoàn toàn quên về nó. “Công” vừa là nơi bán hàng, vừa là kho cất hàng nên nó lúc nào cũng đầy ăm ắp đến tận nóc, tràn ra tận gần cửa. Buổi tối khi cất hết hàng thì “công” cũng vừa chặt cứng, còn ban ngày, khi người ta treo bớt hàng lên các cánh cửa sắt, bên trong “công” còn trống vừa một cái hõm cho người bán hàng ngồi nghỉ chân, tránh nắng, tránh mưa. Những người có con mắt thẩm mỹ nhất thì thuê thợ đóng một cái bàn bằng gỗ dán, lấy giấy vỏ thùng đặt lên cẩn thận cho “vệ sinh” rồi mới xếp quần áo lên đó làm mẫu. Vào những ngày khô ráo, chợ trông còn dễ coi. Vào những ngày mưa hay tuyết tan, đường đi bị hàng chục ngàn bàn chân dày xéo biến thành một bãi lầy không còn hình dáng cố định. Hai hàng “công” như đứng hai bên bờ con lạch cạn, bùn và nước tràn đến sát cửa “công”. Nhưng khái niệm “sạch, bẩn”, ở đây thật quá sa sỉ, hay quá thừa thãi cũng không ai biết, ai cũng mải miết trả giá, mua, bán, cười, nói, chọn hàng, đóng gói, ngay trên những vũng bùn ấy.
Nhưng chính cái vẻ “bất cần đẹp” của chợ Vòm làm khách hàng cứ chen nhau về đây mua hàng, họ kháo nhau đây là chợ của các chủ hàng, nên giá chỉ bằng một phần ba, đôi khi một nửa so với trong của hàng. Trên thực te,á giá mua buôn thực sự rất rẻ, nhưng giá bán lẻ thì đôi khi cũng y như trong các cửa hàng. Số lượng “công” nhờ thế cứ tăng vùn vụt, chẳng mấy năm sau, đến trước thời khủng hoảng tháng 8 năm 98, chợ Vòm ước tính đã có chừng mười ngàn “công”. Trên một diện tích hơn một km vuông, các dãy công nằm ngổn ngang, dãy ngắn, dãy dài, khu dọc, khu ngang, khu chéo cánh sẻ như một mê cung. Ai không phải thổ dân ở đây, có khi quanh quẩn cả ngày cũng không thoát ra được khỏi một góc chợ.
Một ngày như mọi ngày…
Bình thường một ngày của dân chúng ở Nga bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng, những ai không phải đi làm có thể tự cho phép bình minh bắt đầu vào lúc 9-10 giờ. Trời mùa đông ở Nga phải đến 9 giờ mới sáng, nên 9-10 giờ sáng thức giấc cũng không phải trưa quá. Nhưng người đi chợ Vòm phải thức giấc vào lúc 5 giờ sáng và đến 6 giờ 30 đã phải có mặt ở “công”, sẵn sàng phục vụ khách hàng. Vào mùa hàng chạy, hay vào những hôm bán “ốp- tâm” (bán buôn) người ta phải có mặt ở vị trí từ 6 giờ.
Mặc dù ai phải đi chợ thường đi ngủ rất sớm, nhưng hôm nào nghe tiếng chuông báo thức lúc 5 giờ sáng người ta cũng thấy sao mà khổ thế, ai cũng cố gắng ngủ thêm một vài phút cho đỡ thèm, rồi mới tung chăn vùng dậy. Người ta bảo, vào mấy phút ngủ rốn ấy, trong đầu họ lập tức hiện lên một con tính rất nhanh, nếu nghỉ một buổi chợ, họ bị mất 50 đô la tiền thuê “công”, rồi tiền kho, tiền hộ khẩu…tổng cộng không dưới 100 đô la, nên lại bật dậy đi làm. Những người đi chợ Vòm ngoài ước mong kiếm tiền, còn một ước mơ đơn sơ giống y như nhau: được ngủ thả phanh, được ngủ thoải mái, được ngủ đến lúc nào chán thì thôi! Mỗi năm họ cũng được toại nguyện ít nhất một ngày- đó là Năm mới. Chợ Vòm chính thức chỉ nghỉ có một ngày đầu năm, còn quanh năm suốt tháng nó mở cửa làm việc, không kể thời tiết, không kể ngày nghỉ, mà đến cả các ngày lễ trong năm nó cũng không màng nghỉ ngơi. Tinh thần làm việc của chợ Vòm nếu vào thời cộng sản, chắc thế nào cũng được tặng thưởng huy chương, hay ít nhất cũng được chiến sỹ thi đua. Thế mà-tiếc quá- nó lại sinh nhầm thời!
Sau khi ăn sáng thật chắc dạ để tích trữ năng lượng cho một ngày lao động cật lực, người đi chợ cẩn thận nhìn hàn thử biểu ngoài trời. Nếu nhiệt độ dưới âm 15 độ, họ phải mặc chừng 7-8 lớp áo khác nhau, trong đó ít nhất có tới 2 cái áo dầy sụ, trông như một cái bắp cải mùa đông rồi lặng lẽ lăn từ từ khỏi nhà. Đúng là “lăn” thật vì cứ thử hình dung mà xem, những đôi bàn chân nhỏ bé thường chỉ mang giầy cỡ 36-37, giờ phải đi tới 4-5 lớp tất len, và bỏ vào một đôi ủng cỏ thô (tiếng Nga gọi là Valenki) cỡ 42-43 thì không có cách gì mà “đi” được. Nếu dùng một từ chính xác hơn, thì có lẽ là họ “lướt”, nhưng “bắp cải” thì khó “lướt” quá, nó chỉ biết “lăn” thôi!

Ngoài trời còn tối như bưng, trên các ngả đường còn vắng lặng. Metro chỉ vừa mở cửa lúc 5giờ 30 vẫn còn vắng tanh. Mùa đông nhiều người Nga cho xe vào gara để khỏi hỏng xe, nên metro rất đông, vào giờ đi làm các toa tầu đều chật cứng. Nhưng vào lúc 5 giờ 30 cả đoàn tầu chỉ có vài chục hành khách, những người đi chợ Vòm tha hồ chọn chỗ ngồi ngủ mơ màng thêm ít phút.
Chợ Vòm nằm ngay cạnh ga metro Cherkizov, nhưng ít người Việt nào dám lên ga này để đến chợ. Người đi chợ có tiền, hầu hết đều mua ô tô, còn những ai phải đi metro lại thường rất nghèo, nên ít khi có hộ khẩu hợp lệ. Cảnh sát ở những ga gần chợ được đánh giá là “cáo”, vì họ thuộc lòng mặt từng người không có giấy tờ đi qua đây, nhớ quy luật đi về để ra đây đón lõng bắt phạt. Người đi chợ thường xuống trước một hai bến, rồi lên mặt đất bắt taxi đến tận cổng chợ. Tuy hơi tốn tiền taxi một chút, nhưng lại tránh được khoản tiền phạt. Tiền taxi đến chợ thường mất hơn 1 đô la, còn tiền phạt rẻ cũng mất 2-3 đô la nên vẫn tiết kiệm được một khoản chi.
Mặc dù đã phải xuống trước vài ga, nhưng như vậy cũng không phải tuyệt đối an toàn. Cảnh sát trực các ga metro trước đó cũng có người ranh ma không kém. Lặng lẽ đứng nấp sau một cây cột đá trong đường ngầm, vừa thấy mấy người Việt Nam ló mặt ra là họ hỏi ngay: “giấy tờ đâu?”. Lâu dần thành quen, người Việt đâm cảnh giác hơn, vừa đi vừa nghe ngóng, phán đoán xem hôm nay tay cảnh sát có thể trốn ở đâu để đi vòng đường khác. Cảnh sát với người Việt như hai kẻ chơi trốn tìm nồng nhiệt, vừa căng mọi giác quan ra phán đoán, vừa hồi hộp thích thú xem ai giỏi hơn. Mỗi khi phán đoán sai bị phạt tiền, mấy người Việt Nam lại vỗ vai viên cảnh sát khen :”mày giỏi quá!”. Viên cảnh sát vừa thu được tiền phạt, vừa được khen, mặt nở như chiếc bánh đa, vừa cười sung sướng, vừa cám ơn, vừa hẹn…tái ngộ luôn luôn!
Từ cổng chợ vào đến “công” bán hàng còn phải đi vòng vèo 5-10 phút nữa qua các dãy “công” san sát. Trời vẫn tối om, đường đi không có đèn điện, nhưng các bóng người cứ lao đi vun vút. Cư dân ở đây đã học được cách định hướng rất tốt, họ chẳng cần nhìn đường, cứ đi theo một phản xạ có điều kiện đã ăn sâu vào…chân. Nhiều “công” hai bên đường đã mở cửa, xếp hàng xong, các chủ nhân của nó đã có thể tắt đèn pin ngồi thì thào nói chuyện trong bóng tối. Những công đang xếp hàng thì người giữ đèn pin, người kéo bàn ra sắp xếp hết sức khẩn trương. Ai cũng hiểu thời gian là tiền bạc, chỉ cẩn để tuột mất một “con khách ốp tôm”- tức là một khách hàng mua buôn- thì coi như mất một buổi chợ. Khắp chợ đâu cũng thấy người ta bàn chuyện bán buôn.
-Năm nay trời nóng chẳng ra nóng, lạnh chẳng ra lạnh, mấy “công’ hàng da nhà em lỗ mất mấy trăm “vé”.
-Nào riêng gì áo da nhà chị, hàng áo phao nhà em cũng bán tống bán tháo mà trong kho còn cả đốùng kia. Chẳng biết bao giờ mới trở lại cái thời trước khủng hoảng nhỉ, hồi ấy nhà em vừa bán vừa đuổi khách mà họ cứ bâu vào mua.
-Làm gì còn cái thời ấy nữa chị, hồi ấy mỗi ngày nhà em lãi mấy “chục vé”ù, ngon ơ.
-Thế nào, hàng nhà anh mấy hôm nay có “tít” không?
-Cũng túc tắc đủû ăn đủ tiêu thôi.
-Thời buổi này đủ ăn, đủ tiêu là tốt rồi, em cũng chỉ mong được như ông anh thôi.
-Năm nay vụ 8 tháng 3 bên nhà anh định đi hàng gì đấy, áo sơ mi hay nước hoa?
- Em đang định lấy áo sơ mi cho chắc ăn. Nước hoa thì lãi dầy thật nhưng hàng tồn thì chỉ còn nước vứt đi. Dân Nga bây giờ cũng khôn lắm, họ biết tỏng mình bán toàn hàng dởm, nên không chạy như mấy năm trước nữa.
Cảnh họp chợ ban đêm làm tôi nhớ đến những hôm chợ phiên ở chợ Bưởi cái thời tôi còn be týù. Thời ấy, cứ vào những ngày có tận cùng là con số 4 hay 9: mồng 4, mồng 9, 14, 19, 24, 29 theo lịch âm, các bà, các chị từ ngoại ô lại lỉnh kỉnh quang gánh kéo về họp chợ từ 4- 5 giờ sáng. Trên con đê trước nhà tôi từng đoàn người nối tiếp nhau vừa đi vừa trò chuyện trong bóng tối, chốc chốc lại thấy cất lên một giọng cười lảnh lót của mấy cô gái trẻ trêu nhau. Mấy chục năm trước, bóng tối còn được trang điểm thêm những tiếng gà gáy, tiếng chó sủa làm đêm bớt buồn và cô quạnh. Những câu chuyện của dân chúng đi chợ mà chỉ thấy nói toàn chuyện trời, chuyện đất, chuyện ăn, chuyện mặc, không thấy kêu ca hàng chạy hay không, lãi nhiều hay ít.
Không ngờ đã sang tới thiên niên kỷ thứ ba, trên mảnh đất đã có lúc tuyên bố xây dựng xong thiên đường của chủ nghĩa xã hội mà vẫn có cảnh họp chợ trong bóng đêm và con người vẫn phải căng người ra để tính toán từng đồng, từng đồng.
Trời vừa mờ sáng, các đoàn xe đi lấy hàng từ các tỉnh cũng vừa cập bená. Dân đi lấy hàng tay kéo xe đẩy, tay vung vẩy mấy cái túi dứa to tướng còn rỗng không, nhanh nhẩu tỏa vào các dẫy bán hàng. Những cặp mắt vừa đấy còn nặng vì buồn ngủ, phút chốc đã hoạt bát hẳn, đảo lướt qua các sạp hàng để tiên liệu xem mẫu mã nào có thể bán được. Cả người mua và người bán đều tiết kiệm lời tới mức tối đa, sau mỗi câu hỏi: “Bao nhiêu?”, người ta cũng chỉ nghe thấy một con số duy nhất: “Trăm ba”, hay “Bốn tám”, rồi không gian lại chìm vào im lặng. Cả người mua và người bán đều bận tính toán trong đầu xem giá nào có thể mua được, giá nào có thể bán được. Dân mua buôn nắm giá rất chắc. Cả khu chợ hàng chục ngàn “công”, thế mà bao giờ họ cũng vẫn tìm được người bán giá thoáng nhất. Sau khi thấy giá cả có vẻ mua được, đôi bên mới tiếp tục trả giá, bên bớt 5 xu, kẻ nèo 3 xu một “con” hàng hóa.
Thường người bán bao giờ cũng hỏi:
- Thế bà mua nhiều không?
Trước khi quyết định hạ giá cho khách. Sau khi “tiền đã trao, cháo đã múc” đôi bên mới hồ hởi chào hỏi, hẹn gặp, chúc tụng nhau cứ như những người quen cũ lâu lắm mới gặp lại. Mỗi người bán buôn lại có vài mánh lới lôi kéo khách quay trở lại mua hàng của mình, họ gọi là “chăn khách”: Nào là hạ giá, nào là chọn hàng đẹp, nào là khuân hàng ra xe giúp… Hôm nào “chăn” được một ông khách “sộp”, hôm đó đúng là một ngày hội của dân bán hàng. Càng nhiều khách mua quen thu nhập của người bán càng đều đặn hơn.
Khi trời sáng rõ mặt người, những đợt khách buôn lớn đã thưa thớt dần, chỉ còn khách mua lẻ và mua buôn nhỏ trong thành phố đến mua túc tắc. Trên con đường ngập nước, chốc chốc lại thấy một chiếc xe chở hàng của dân cửu vạn, vừa đi vừa hô luôn mồm: “Dorogu, dorogu”, tiếng Nga nghĩa là “nhường đường nào, nhường đường nào”. Phần lớn dân chúng đều bỏ qua lời xin đường, tiếp tục nhìn ngó hàng hóa hai bên đường để lựa chọn, nên các anh cửu vạn luôn phải dùng người vừa đi vừa gạt khách.
Đến 2-3 giờ trưa chợ bán buôn đã vãn hẳn khách. Nhiều “công” đã rục rịch xếp hàng, thu dọn chỗ. Trời mùa đông ở Nga rất mau tối, 4 giờ chiều trơiø đã lại nhá nhem. Những người chăm chỉ nhất cũng đóng công chuẩn bị đi ăn trưa rồi về. Những người đi bán hàng thuê không dám bỏ ra hơn 1 đô la mỗi ngày để ăn trưa ở chợ, họ nhanh chân đi về nhà ăn cho rẻ.
Những người làm ở chợ Vòm này phải kỳ kèo với khách từng hào, nên dù lưu lượng hàng bán ra mỗi ngày có thể lên tới vài ngàn đô la, nhưng họ vẫn hết sức tiết kiệm. Phần lớn dân chợ Vòm, từ người làm thuê đến ông bà chủ hàng đều có đức tính chi li đến khó hiểu. Họ không keo kiệt chút nào, không bủn xỉn chút nào, nhưng tác phong nghề nghiệp đã ngấm vào cuộc sống, không thể tách chúng ra được nữa. Thay vì tính một bữa cơm trưa 40 rúp tương đương gần 1,5 đô la thì họ tính nếu không ăn trưa ở chợ, một năm họ tiết kiệm được tới 540 đô la, một con số thật đáng để tiết kiệm!

nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/72172/cho-vom-mot-goc-cuoc-song-cua-nguoi-viet-o-nga-1/2013/01
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001