Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Giáo dục với tư duy hậu hiện đại
Diệp Phương Chi
newvietart
I. Đặt vấn đề:
Thế giới ngày nay đang đứng trước rất nhiều những biến động về mọi mặt. Điều đó gây tác động sâu rộng đến tất cả mọi lĩnh vực từ khoa học kĩ thuật đến khoa học xã hội và nhân văn, văn hoá, nghệ thuật, kiến trúc… Lĩnh vực giáo dục cũng không phải là ngoại lệ. Tất cả những người làm công tác giáo dục trong thời đại mới đều phải trăn trở suy nghĩ về việc cải tiến phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của thời đại để có thể giúp con người – những nhân cách được phát triển thông qua giáo dục – có thể hòa nhập và thích nghi với một cuộc sống liên tục thay đổi như ngày nay. Dưới góc nhìn của tư duy hậu hiện đại, khoa học giáo dục mà cụ thể hơn là khía cạnh phương pháp giảng dạy đang dần tìm ra những lối đi mới cũng như đối diện với những thách thức mới để có thể hoàn thành được nhiệm vụ giáo dưỡng, giáo dục, và phát triển con người trong thời đại mới với chất lượng tối ưu.
II. Giáo dục với tư duy hậu hiện đại:
Ngoài những tiền đề về kinh tế, xã hội, văn hoá…với sự ra đời của một số lý thuyết khoa học như thuyết tai biến (catastrophe theory) của nhà toán học Pháp Rene Thom, thuyết hỗn độn (chaos theory) của Edward Lorentz, điều khiển học (cybernetics) hay khoa học thông tin (science of information) của nhà toán học Norbert Wiener…tư duy hậu hiện đại đã chớm phát sinh và ảnh hưởng đến cuộc sống con người trong cách cảm nhận cuộc sống, định hình nhân cách và tương tác với thế giới xung quanh. Với tư duy hậu hiện đại, thế giới ngày nay hiện lên mang nhiều tính chất như bất định (có thể liên tục biến đổi, có thể ẩn chứa nhiều “gián đoạn”, tai biến-catastrophe), đa tầng, hỗn độn, chứa nhiều tính ngẫu nhiên, đa chiều trong tiếp cận đối tượng, mọi tồn tại đều có tính phân mảnh cao. Các kiến thức đều cùng một lúc mang tính địa phương và tính toàn cầu, tính phi thời gian và tính trực hiện với sự xuất hiện của công nghệ thông tin, internet… Đặc biệt là tư duy hậu hiện đại coi trọng tính cụ thể, phân mảnh, đi vào từng tình huống nhất định, từng lĩnh vực thực tiễn nhất định hơn là dựa vào sự tổng quát chung, những quy luật chung. Vì thế, trong giáo dục, phương pháp giảng dạy hiện nay cũng phải theo xu hướng đi vào từng lĩnh vực riêng biệt cụ thể, từng chuyên ngành cụ thể chứ không thể dừng lại ở mức độ nghiên cứu phương pháp giảng dạy chung cho tất cả mọi chuyên ngành. Cụ thể, trước đây người ta thường nghiên cứu phương pháp giảng dạy ở mức độ chung, tổng quát như phương pháp giảng dạy phổ thông, phương pháp giảng dạy nghề kĩ thuật…bây giờ, người ta phải nghiên cứu đi sâu vào từng cấp bậc, từng chuyên ngành rõ ràng, ví dụ như trong giảng dạy ngành kĩ thuật , người ta phải đi sâu vào phương pháp giảng dạy ngành Điện, phương pháp giảng dạy ngành Cơ khí, phương pháp giảng dạy ngành Kỹ thuật nữ công v.v…để thích ứng được với các đặc thù của từng chuyên ngành, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo. Ngoài ra, ở thời kì hậu hiện đại, các chuyên ngành khoa học đều có xu hướng phối hợp với nhau, tác động lẫn nhau, hỗ trợ nhau để phát triển rất linh hoạt nhiều mảng “liên chuyên ngành”, nên một đòi hỏi đặt ra đối với những người làm công tác giảng dạy ở một chuyên ngành nhất định đó là phải liên tục cập nhật tự bồi dưỡng cũng như nghiên cứu mở rộng ở các chuyên môn xung quanh, các chuyên môn kế cận, để từ đó xây dựng được phương pháp giảng dạy thích ứng với thời đại liên thông đa chuyên ngành.
Thế giới hậu hiện đại hiện lên với nhiều nét bất định, đầy linh hoạt, biến đổi liên tục với hàng chuỗi những vấn đề được phát sinh và tiếp cận một cách đa chiều. Do đó, một xu hướng mới của phương pháp dạy học được chú trọng hiện nay đó là phương pháp dạy học giải quyết vấn đề. Quá trình dạy học theo phương pháp giải quyết vấn đề có thể diễn ra với nhiều hình thức tổ chức đa dạng khác nhau như làm việc nhóm, thực hiện những kĩ thuật hỗ trợ tranh luận, tấn công não (brain storming), đóng vai (role play), mô phỏng (simulation), báo cáo và trình bày, tổ chức cho người học nghiên cứu tình huống và giải quyết tình huống có vấn đề, tổ chức cho người học quản lý dự án và tạo ra thành phẩm… với mục đích tích cực hoá người học, khiến người học động não, linh hoạt, chủ động tìm tòi phương án giải quyết vấn đề, nâng cao năng lực thu nhận thông tin, tổ chức thực hiện công việc.
Dưới nhãn quan của tư duy hậu hiện đại, con người trở thành chủ thể bị phân mảnh, thể hiện đa bản ngã, đóng rất nhiều vai trò khác nhau trong những tình huống, lĩnh vực, giai đoạn… khác nhau, đồng thời sở hữu nhiều khái niệm, tri thức không tương thích với nhau. Sống trong một thế giới đầy những biến động, ngập tràn những kiến thức, khoa học kĩ thuật mới, các mối quan hệ xã hội mở rộng, đa dạng, và phải giải quyết hàng loạt những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống nghề nghiệp, cuộc sống riêng tư và “cuộc sống công cộng”…con người rất cần được giáo dục hỗ trợ những “kĩ năng mềm” (soft-skill) để thích ứng với cuộc sống xã hội và nghề nghiệp. Vì vậy, trong phương pháp giảng dạy hiện nay, bên cạnh kĩ năng chuyên môn, người ta còn chú trọng phát triển cho người học những kĩ năng mềm như kĩ năng phương pháp (kĩ năng thông tin, kĩ năng tư duy, kĩ năng lập kế hoạch, kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng đánh giá, kiểm tra…), kĩ năng xã hội (kĩ năng điều hoà giải quyết xung đột, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng trình bày…), kĩ năng cá nhân (tự phát triển cá nhân, tự đánh giá, lập kế hoạch…). Vì thế, có thể thấy rằng hiện nay, phương pháp dạy học tích cực được khuyến khích và phát triển trên phạm vi toàn cầu. Phong cách dạy học thuyết trình trực diện (frontal Stil) dần dần bị thu hẹp, nhường chỗ cho phương pháp đàm thoại, thảo luận, phương pháp giải quyết vấn đề…lấy người học làm trung tâm, tích cực hoá người học, đẩy sự độc lập tương tác giữa người học với kiến thức, với vấn đề và với tập thể xung quanh lên cao, giúp phát huy sự độc lập tư duy, sáng tạo và phát triển những kĩ năng mềm.
Cuối cùng, trong ba nhiệm vụ của qúa trình dạy học là giáo dưỡng (dạy nghề), phát triển và giáo dục (dạy người), nhiệm vụ giáo dục “dạy người” vẫn là nhiệm vụ cao cả và khó khăn nhất, bởi như lời chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “con người có tài mà không có đức là người vô dụng”. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới hậu hiện đại với sự tác động tiêu cực của chủ nghĩa tiêu dùng (consumer society) bắt nguồn từ động cơ tối đa hoá lợi nhuận, con người ngày càng bị tác động, lún sâu vào mê lộ vật chất và tha hoá trong tiêu dùng. Vì thế, một yêu cầu bức thiết được đặt ra trong giáo dục đó chính là giáo dục về đạo đức và các giá trị tinh thần. Trong quá trình dạy học, những người làm công tác giảng dạy ở tất cả mọi chuyên ngành, mọi cấp từ dạy phổ thông đến dạy nghề, dạy cao đẳng, đại học… đều phải có trách nhiệm kết hợp lồng ghép giáo dục học trò về khía cạnh đạo đức, từ đạo đức trong nghề nghiệp, trong kĩ thuật đến đạo đức trong xã hội, trong lối sống cá nhân…thông qua nhiều nhóm biện pháp sư phạm như: nhóm biện pháp dùng ngôn ngữ, trò chuyện, thuyết phục, nhóm biện pháp giao việc, rèn luyện, tập luyện, nhóm biện pháp khen thưởng, trách phạt. Có như thế mới có thể đào tạo ra được những nhân cách biết sống có ích để xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, đào tạo ra được những thế hệ biết nhận thức rằng cho dù họ đang sống trong thế giới hiện đại hay hậu hiện đại, thì “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí…” như lời nói của nhân vật Paven Corsaghin trong “Thép đã tôi thế đấy” một thời đã làm kim chỉ nam cho cả một thế hệ sống vì lý tưởng tôn trọng con người và giải phóng con người.
III. Kết luận:
Như vậy, trong thế giới đa chiều với tính phân mảnh cao, bất định, biến đổi liên tục và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của chủ nghĩa tiêu dùng, giáo dục cần phát huy vai trò của mình trong việc trang bị cho con người khả năng thích ứng với cuộc sống bằng cách rèn luyện cho họ những kỹ năng mềm (kỹ năng cá nhân, kỹ năng xã hội, kỹ năng phương pháp) bên cạnh kỹ năng chuyên môn thông qua việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực hóa người học, phát huy vai trò độc lập, tự lực, tự giác của người học. Đặc biệt cần trang bị cho người học khả năng giải quyết vấn đề, xử lý tình huống, giao tiếp, hợp tác. Bên cạnh đó, việc giáo dục đạo đức, thái độ, lối sống cũng cần hết sức được chú trọng để định hướng con người giữ lấy những đạo đức nền tảng trong thời kì đầy biến động của thế giới hậu hiện đại với chủ nghĩa tiêu dùng, chủ nghĩa đồng tiền đang lũng đoạn mạnh mẽ nhiều môi trường xã hội.
nguồn:http://phiatruoc.info/giao-duc-voi-tu-duy-hau-hien-dai/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001