Nam Nguyên, phóng viên RFA
Năm 2012 được xem là năm suy giảm kinh tế của Việt Nam nhưng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đồ gỗ vẫn đạt 27,5 tỷ USD trong đó xuất siêu tới 9,2 tỷ USD. Nông dân nói gì về thành tích đó và cuộc sống của mình.
Một nông dân "chạy" lúa trước cơn bão Nesat trong huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình hôm 30 tháng 9 năm 2011. - AFP photo
Xuất khẩu nhiều nhưng giá rẻ
Theo Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn năm 2012 kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 15 tỷ USD, thủy sản đạt 6,15 tỷ USD, đồ gỗ và lâm sản đạt 5 tỷ USD. Gạo, cà phê là những mặt hàng đạt kim ngạch từ 3 tỉ USD trở lên.
Khi loan báo vào ngày 28/12 cuối năm 2012, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn cho biết lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu tới 8,1 triệu tấn gạo trong vòng một năm, đem về 3,7 tỷ USD và duy trì vị trí thứ nhì thế giới. Lấy số liệu thống kê để đề cao thành tích, nhưng Bộ NN-PTNT không đề cập tới thu nhập bình quân đầu người năm 2012 của nông dân, những người mà như mô tả của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, là thành phần đã chống đỡ cho nền kinh tế của Việt Nam trong những thời điểm khó khăn nhất.
Anh Sáu, một nông dân vừa trồng lúa vừa nuôi cá ở đồng bằng sông Cửu Long phác họa cho chúng tôi về đời sống năm 2012 của đại đa số nông dân vùng này:
“Bây giờ nông dân ‘mần’ cái gì cũng trúng hết trơn, nhưng mà bán cái gì nó cũng rẻ, cái gì cũng lỗ hết trơn. Như lúa thì rất trúng có số lượng nghe nói mỗi năm xuất khẩu hàng triệu tấn, nhưng mà nó rẻ rề, mấy ông mua giá rẻ mạt dân chịu lỗ. Còn cá tra cũng vậy, nuôi chi phí 23.000đ-24.000đ/kg mà bán thì chỉ 20.000đ-21.000đ/kg . Từ chỗ đó mấy ông ấy xuất bán ra ngoài lấy tiền Đô về thì mấy ông ấy đâu có lỗ, nhưng mà dân chịu lỗ. Còn heo thí dụ có lúc nuôi chi phí 4 triệu đồng mà bán ra có 3 triệu rưởi à. Mần cái gì cũng có cũng được hết trơn, nhưng mà cái bán ra nó rẻ rề vậy đó. Bây giờ ra chợ uống cà phê ai cũng than trời trách đất hết trơn…Hồi sáng tôi mới đi Long Xuyên về, có tới 3-4 công ty sửa soạn tuyên bố phá sản…chịu không nổi đâu.”
Tại sao Việt Nam từ chỗ thiếu ăn đầu thập niên 80 đến nay có thể xuất khẩu 8 triệu tấn gạo xếp thứ nhì thế giới mà đời sống nông dân lại cơ cực như vậy. Theo GSTS Võ Tòng Xuân, một chuyên gia lúa gạo có uy tín thế giới hiện là Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo Long An thì Việt Nam phải cải tổ về sở hữu đất đai, tập trung nông dân vào tổ chức để sản xuất lớn có hiệu quả và phân chia lợi tức theo chuỗi giá trị. Có như vậy thu nhập và đời sống người trồng lúa mới khá lên được, còn nếu tiếp tục cách sản xuất nhỏ lẻ, nông dân mạnh ai nấy làm như hiện nay thì không cải thiện được. GSTS Võ Tòng Xuân phát biểu:
Đồng lúa vùng DBSCL. RFA
“Họ không thấy cách làm giàu nào khác ngoài lúa, nhưng lúa thì tôi bảo đảm không thể làm giàu được trừ trường hợp bây giờ Việt Nam dám nâng cao giá lúa như là Thái Lan hoặc cao hơn nữa, để mà nông dân có thể giàu được, chứ cứ giữ giá lúa thấp lè tè thế này thì người nông dân luôn luôn lỗ, luôn luôn thiệt thòi trong khi những người đi bán lúa gạo, bán thuốc trừ sâu, bán phân bón là những người làm giàu còn nông dân thì không giàu được.”
Cần hỗ trợ nông dân
Chúng tôi tìm hiểu thu nhập của người trồng lúa trong năm 2012, để thực tế tìm hiểu xem những người đã đem lưng chống đỡ cho cả một thời kỳ kinh tế suy giảm của Việt Nam có cuộc sống ra sao. Anh Tám một người làm lúa ở Cần Thơ phát biểu:
“Thu nhập làm một mẫu nếu trừ chi phí sản xuất thì một năm làm ba vụ lúa cũng kiếm được 50 triệu, đó là mình đầu tư tiền mặt chứ không mua thiếu của cửa hàng bán vật tư nông nghiệp. Với 50 triệu một năm nếu gia đình ba bốn người thì không thể nào đủ được, nếu mà lo cho con cái học hành các cái thì không có đường nào mà sắm sửa được… Nếu mà làm một héc-ta thì phải đi làm thêm để kiếm thêm. Lúc nông nhàn đi làm thêm, thường thường đa số rảnh vào mùa nước nổi, có một số đi làm phụ hồ hoặc đi làm bốc vác. Đủ thứ chuyện hết ai mướn gì làm nấy.”
Thành tích của nông lâm ngư nghiệp năm 2012 được đề cao trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ đạt 5,3% thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây. Thế nhưng người nông dân “bán lưng cho đất bán mặt cho trời” không được đền bù, dù chỉ là cho đúng với công sức đã bỏ ra. Nông dân Cần Thơ phát biểu:
“Lao động của nông dân phải đền bù lại cái giá lúa cho thỏa đáng, để cho đời sống nông dân được thoải mái hơn chứ thế này bức xúc quá. Đầu vào nguyên liệu từ phân bón thuốc trừ sâu các cái đều lên giá. Xăng dầu lên thì mấy ông lên bạc ngàn khi xuống thì xuống vài trăm cái đó bức xúc cho nông dân. Còn việc quản lý đầu ra thì sao cho mấy ông doanh nghiệp xuất ra nước ngoài phải xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao, từ đó mới kéo theo giá lúa ổn định cho nông dân. Còn ông chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp thì năm trước thấy thua rồi, năm nay nói hỗ trợ cho nông dân. Tiếng nói của mình mong rằng thấu tai mấy ông để thấy được nỗi khổ của nông dân một nắng hai sương, làm được hạt lúa cực khổ lắm, làm ra sản phẩm bán giá thấp thế này nông dân suốt đời cũng là nông dân không thấy gì cải thiện.”
Về mặt lý thuyết, từ nhiều năm nay Nhà nước Việt Nam đề ra nhiều sách lược để thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân. Trong đó quan trọng nhất là chính sách Tam nông, Nông nghiệp-Nông thôn-Nông dân. Nhưng trên thực tế việc triển khai thực hiện chưa có tiến triển cụ thể. Đầu tư của Nhà nước và toàn xã hội cho nông thôn chiếm tỷ trọng rất thấp.
Nông dân vẫn là thành phần thấp kém nhất trong xã hội và từ khi Việt Nam đổi mới từ cuối thập niên 1980 đến nay, khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng lớn hơn. Thu nhập trung bình của cư dân nông thôn được cho là chỉ bằng nửa thu nhập trung bình của cư dân thành thị.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/01/nam-nguyen-phia-sau-92-ty-usd-xuat-sieu.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ
xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001