Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Nhạc sỹ Phạm Duy qua đời

Cập nhật: 08:54 GMT - chủ nhật, 27 tháng 1, 2013
Nhạc sỹ Phạm Duy trong một buổi ca nhạc
Nhạc sỹ Phạm Duy được cho như một trong những người đã kiến tạo nên nền tân nhạc Việt Nam
Người nhạc sỹ lớn của nền tân nhạc Việt Nam, Phạm Duy, vừa qua đời tại TP Hồ Chí Minh ở tuổi 93, các nguồn thân thiết với gia đình ông cho biết.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân cho BBC hay ông được tin nhạc sỹ qua đời vào buổi trưa Chủ nhật 27/1. Có nguồn tin nói ông ra đi trong bệnh viện.
Nhạc sỹ Phạm Duy có tiền sử bệnh tim và từng qua hai lần giải phẫu tim.
Ông Đỗ Trung Quân không giấu nổi nghẹn ngào: "Tôi thực sự rất xúc động khi nghe tin ông [Phạm Duy] qua đời".
"Ông là một trong những nhạc sỹ đã tạo nên diện mạo nền âm nhạc Việt Nam."
Các tác phẩm âm nhạc của Phạm Duy đã kết hợp được những nét của âm nhạc cổ truyền, dân ca, với các trào lưu phong cách hiện đại.
Ông từng nói trong một cuộc phỏng vấn với BBC: "Tôi nghĩ rằng tôi là người Việt Nam, nếu tôi muốn được gọi là một nhạc sỹ Việt Nam, thì tôi phải làm nhạc dân ca. Đó là chuyện rất giản dị".
"Tôi phải khởi sự sáng tác của tôi bằng những bản nhạc mang tinh thần Việt Nam và với chất liệu của Việt Nam nữa."
Mới tháng trước, con trai lớn của nhạc sỹ Phạm Duy, ca sỹ Duy Quang, cũng qua đời tại Mỹ.
Vợ của ông là ca sỹ Thái Hằng, bà qua đời năm 1999.

Tài năng lớn

Nhạc sỹ Phạm Duy sinh ngày 5/10/1921. Tên thật của ông là Phạm Duy Cẩn.
Không chỉ là tác giả của một khối lượng đồ sộ các sáng tác, ông còn là nhà nghiên cứu âm nhạc lớn, với công trình khảo cứu về âm nhạc có giá trị.
Phạm Duy bắt đầu con đường âm nhạc trong vai trò ca sỹ. Ông từng tham gia kháng chiến chống Pháp, nhưng sau di cư vào Nam.
"Tôi phải khởi sự sáng tác của tôi bằng những bản nhạc mang tinh thần Việt Nam và với chất liệu của Việt Nam nữa."
Nhạc sỹ Phạm Duy
Sau sự kiện 30/4/1975, khi ông vượt biên sang Hoa Kỳ. Các ca khúc của ông bị cấm ở trong nước một thời gian dài.
Việc ông trở về Việt Nam định cư năm 2005 đã gây ra nhiều tranh cãi.
Kể từ đó, một số ca khúc của ông mới bắt đầu được phép phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên cho tới nay, mới khoảng 1/10 số bài hát của ông được biểu diễn ở trong nước.
Trong cuộc trao đổi với BBC, nhạc sỹ kỳ cựu thừa nhận ông từng có giai đoạn sáng tác tuyên truyền trong các giai đoạn chiến tranh, nhưng cho rằng ông chỉ làm như vậy vì yêu nước.
"Lẽ tất nhiên bổn phận của chúng tôi là thế. Bổn phận của người nhạc sỹ khi đi theo kháng chiến, thì phải dùng cái đàn của mình để xưng tụng cuộc kháng chiến."
"Ngoài những bản nhạc về tình ái, hay về những chuyện khác, thì những bản nhạc có tính chất gọi là tuyên truyền đó thực ra cũng là những bản nhạc yêu nước thôi. Đừng nói là tuyên truyền hay không tuyên truyền."
Nhạc sỹ cho rằng âm nhạc của ông đa dạng và luôn biến đổi vì thân phận và tâm trạng của ông luôn "vui buồn" và "trôi nổi" theo vận nước.
nguồn:http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/01/130127_phamduy_dies.shtml
======================================================================
Nhạc sĩ Phạm Duy qua đời tại Việt Nam


Nhạc sĩ Phạm Duy
Nhạc sĩ Phạm Duy

Thanh Hà
Nhạc sĩ Phạm Duy vừa qua đời chiều ngày 27/01/2013 tại Sài Gòn. Ra đi ở tuổi 92, Phạm Duy được xem là một cây đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam. Với hơn 70 năm sự nghiệp, ông để lại một khối lượng đồ sộ cả nghìn tác phẩm ghi đậm dấu ấn của một nhạc sĩ dành trọn đời cho tình yêu âm nhạc.

Tác giả của « Nghìn Trùng Xa Cách » đã trút hơi thở cuối cùng vào chiều nay khoảng 14 giờ 45 tại bệnh viên 115 Sài Gòn vì tuổi cao sức yếu.
Nhạc sĩ Phạm Duy, tên thật là Phạm Duy Cẩn. Sinh ngày 05/10/1921 tại Hà Nội. Ông bắt đầu sáng tác vào năm 1942 với tác phẩm đầu tay là « Cô Hái Mơ ». Hai năm sau, ông gia nhập gánh hát Đức Huy và trong hành trình « hát rong » ấy, Phạm Duy đã đi khắp mọi miền đất nước, trước khi đi theo Việt Minh tham gia kháng chiến chống Pháp năm 1945. Sau đó, do không chịu được sự trói buộc với những sáng tác âm nhạc của mình, ông đã rời bỏ những người cộng sản để trở thành nghệ sĩ tự do cống hiến cho âm nhạc. Năm 1949, ông lập gia đình với ca sĩ Thái Hằng và có với bà 4 người con.
Hai năm sau, ông đưa gia đình vào Nam sinh sống. Đến năm 1953, nhạc sĩ Phạm Duy sang Pháp học về âm nhạc. Sau khi du học ở Pháp  trở về, ông thành lập ban Hợp ca Thăng Long và đắm mình cho những sáng tác lãng mạn mang đậm chất Phạm Duy. Biến cố năm 1975 đã đưa nhạc sĩ Phạm Duy sang định cư tại Mỹ và đến năm 2005, ông trở lại Việt Nam cho đến ngày " Nghìn trùng xa cách" hôm nay.
Trong sự nghiệp trải dài hơn 70 năm, Phạm Duy để lại những trường ca « Con đường cái quan », « Mẹ Việt Nam » hay « Bầy chim bỏ xứ ». Trong số những bản nhạc được coi là xuyên thời gian của Phạm Duy, phải kể đến « Bên cầu biên giới », « Tình kỹ nữ », hay những lời tự tình với quê hương, dân tộc bản « Tình Ca », « Tiếng hò miền Nam » hay « Qua cầu gió bay ».
Nếu như các tác phẩm  âm nhạc của Phạm Duy đau đáu một tình yêu thương quê hương đất nước con người Việt Nam,  thì đó là bởi cuộc đời của người nhạc sĩ tài hoa này luôn gắn liền với những biến cố thăng trầm của đất nước và của một Phạm Duy luôn " vui buồn với nước non".
Trả lời ban Việt ngữ đài RFI, nhà thơ Đỗ Trung Quân, từ TP Hồ Chí Minh, chia sẻ cảm nghĩ của ông trước tin nhạc sĩ Phạm Duy vĩnh viễn ra đi.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân-Sài Gòn
27/01/2013


nguồn:http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20130127-nhac-si-pham-duy-qua-doi-tai-viet-nam
=====================================================================
Phạm Duy xuôi tay về đất mẹ bao dung


Nói về sáng tác, không ai có thể chê Phạm Duy. Còn nói về đời thường, không phải ai cũng khen Phạm Duy.
14h30 ngày 27/1/2013, trái tim nhạc sĩ Phạm Duy đã ngừng đập ở tuổi 93. Con người tài hoa, đa tình và luôn theo đuổi tận hưởng cuộc sống ấy chắc chắn sẽ còn tốn nhiều giấy mực bàn luận của thế hệ sau.
Nói về sáng tác, không ai có thể chê Phạm Duy. Còn nói về đời thường, không phải ai cũng khen Phạm Duy. Phải chăng, những giai điệu nồng nàn luôn réo gọi trong tâm hồn, khiến Phạm Duy chênh chao giữa những thái cực đối nghịch? Bây giờ Phạm Duy xuôi tay cùng đất mẹ bao dung, thanh thản như mọi người con của nòi giống Lạc Hồng!
PhamDuy-2-jpg-1359347953-1359348311_500x
Nhạc sĩ Phạm Duy.
Sau 30 năm tha hương, năm 2005, Phạm Duy trở về Việt Nam và lặng lẽ chinh phục lại những khán giả trẻ tuổi hơn, khó tính hơn. Sự nghiệp âm nhạc của Phạm Duy khởi đi từ bài hát Gươm tráng sĩ viết năm 1944, lúc 23 tuổi. Những sáng tác đầu tay của Phạm Duy như Cây đàn bỏ quên hoặc Khối tình Trương Chi đều có màu sắc bị ảnh hưởng bởi dòng nhạc tiền chiến. Khi hòa nhập với kháng chiến chống Pháp, từ năm 1947, Phạm Duy đưa chất liệu dân ca vào ca khúc và thành công vượt trội với Nương chiều, Quê nghèo, Tình hoài hương, Đố ai, Nụ tầm xuân
Vì những khúc quanh lịch sử, một giai đoạn dài tác phẩm của Phạm Duy không được phổ biến. Thế nhưng, hơn 1.000 ca khúc chia làm nhiều thể loại phong phú như tình ca, trường ca, rong ca, đạo ca, thiền ca, tâm ca, tục ca… hoàn toàn chứng minh được một tầm vóc vạm vỡ của Phạm Duy trong nền âm nhạc nước nhà! Cũng đáng mừng, là nhiều ca khúc Phạm Duy sau khi được cho phép hát lại như Ngày trở về, Đưa em tìm động hoa vàng, Ngày xưa Hoàng thị, Kiếp nào có yêu nhau… nhanh chóng được công chúng yêu thích. Khi bày tỏ thái độ ủng hộ nhạc sĩ Phạm Duy về sinh sống tại quê hương, công ty văn hóa Phương Nam đã mua độc quyền toàn bộ sáng tác của ông với bản hợp đồng trị giá 400 nghìn USD!
Tuy không làm thơ, nhạc sĩ Phạm Duy được xem là một "phù thủy" phổ thơ thành ca khúc. Nhiều bài thơ đã có chỗ đứng, được Phạm Duy phổ nhạc khá hay như Ngậm ngùi của Huy Cận hoặc Màu tím hoa sim của Hữu Loan. Và có nhiều bài thơ tương đối bình thường, được Phạm Duy phổ nhạc rất hay như Thuyền viễn xứ hoặc Thà như giọt mưa.
Nhạc sĩ Phạm Duy là con trai của nhà văn Phạm Duy Tốn. Kết hôn với ca sĩ Thái Hằng, Phạm Duy cũng sinh ra những người con nghệ sĩ như Thái Thảo, Thái Hiền, Duy Minh, Duy Cường… Riêng con trai trưởng của nhạc sĩ Phạm Duy là ca sĩ Duy Quang đã mất vào tháng 12/2012 hưởng thọ 62 tuổi, khi người cha đang nằm trên giường bệnh.
Nhạc sĩ Phạm Duy từng xuất bản hồi ký. Thế nhưng, những lời tự bộc bạch của ông không hẳn đã phác thảo đầy đủ cuộc đời ông. Ánh mắt Phạm Duy đã khép lại, âm nhạc Phạm Duy còn bay đi, và dư luận về Phạm Duy có lẽ vẫn còn tiếp tục với những cung bậc khác nhau!
Lê Thiếu Nhơn
                              TP HCM, chiều 27/1/2013
nguồn:http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/binh-luan/pham-duy-xuoi-tay-ve-dat-me-bao-dung-2419962.html
=====================================================================
Phạm Duy trọn đời gieo tình vào nhạc


Chữ 'tình’ bao la, thấm đẫm trong giai điệu, câu chữ của gia tài âm nhạc Phạm Duy dệt nên một phần tâm hồn người Việt.
14h30 ngày 26/1 nhạc sĩ Phạm Duy qua đời tại TP HCM. Tin ông mất lan với tốc độ chóng mặt trong cộng đồng khán giả yêu nhạc. Tin này không chỉ khiến các cụ ông, cụ bà, người trung niên - những tín đồ của dòng nhạc tạm gọi là “nhạc xưa” - quan tâm, mà cả thế hệ 8X cũng chung nhau cảm xúc. Những dòng trạng thái liên tục trên facebook bày tỏ sự tiếc nhớ một tài năng âm nhạc, hay đơn giản chỉ là trích dẫn một câu ca, hoặc lời nói tình cảm yêu quý với một người nhạc sĩ đã để lại cho họ vô số nhạc phẩm nói hộ tiếng lòng.
Trong số nhiều tên tuổi góp phần hình thành và tạo nên nền tân nhạc Việt Nam nhạc (được khởi xướng và phát triển từ khoảng những năm đầu thế kỷ 20) như Nguyễn Văn Tuyên, Lê Thương, Văn Cao, Đoàn Chuẩn…, Phạm Duy được đánh giá là người có sức sáng tạo bền bỉ, miệt mài và đa dạng nhất.
1-jpg-1359364560-1359364700_500x0.jpg
Phạm Duy qua đời ở tuổi 93. Ảnh tư liệu.
Những khán giả mộ điệu dòng nhạc này vẫn còn tranh luận: Ai là nhạc sĩ tân nhạc Việt Nam có tầm vóc lớn nhất? Nhưng có lẽ cuộc tranh luận ấy với Phạm Duy là vô nghĩa. Khán giả và lịch sử âm nhạc có thể gọi ông là một nhạc sĩ tài hoa, một nhà nghiên cứu nhạc uyên bác... Còn Phạm Duy khi sinh thời vẫn thích hai chữ “giản dị”. 
“Giản dị” nhưng vẫn ý thức được rõ ràng tài năng của bản thân, người nhạc sĩ họ Phạm ấy chỉ xem mình là người viết nhạc, một kẻ du ca, rong ca…
Một Phạm Duy của những năm tháng tuổi trẻ biến động trong nước đến một Phạm Duy tha hương trên đất Mỹ có thể khác nhau, nhưng hình ảnh người nhạc sĩ ôm cây đàn guitar thùng cùng chàng trai Mỹ Steve Addiss hát ca khúc “Giọt mưa trên lá” trước hàng trăm khán giả bình dân Việt Nam, đến một Phạm Duy tự tin trình bày liên khúc dân ca Việt Nam trước hàng trăm khán giả Mỹ tại lễ hội dân ca Florida năm 1966 đều mang nét giống nhau: Đầy say đắm trong tình yêu âm nhạc dân tộc.
Đời thường, cuộc sống và những hệ ý thức xã hội của Phạm Duy có thể phức tạp, dao động theo thời gian, nhưng với âm nhạc, ông mãi mãi là người hồn nhiên, chung thủy với chữ “Tình” trọn đời mình. Chữ “Tình” ấy không chỉ ôm trọn gia tài âm nhạc đồ sộ với hơn 1.000 ca khúc mọi thể loại mà còn theo trọn con đường âm nhạc của ông đến tận phút cuối đời.
Trước hết, âm nhạc Phạm Duy thể hiện cái tình quê hương mặn mà, đằm thắm. Tân nhạc Việt Nam xuất hiện sau phong trào Thơ mới và văn học lãng mạn vài năm. Trong bối cảnh mà những nghệ sĩ sáng tạo trong nước đang “ngất ngư” trước làn sóng ảnh hưởng của văn hóa Pháp, văn hóa phương Tây, thì ngay từ những ngày đầu đến với âm nhạc, Phạm Duy đã cho khẳng định một chỗ đứng như là người nhạc sĩ tài hoa luôn trân trọng và tôn vinh kho tàng văn hóa âm nhạc dân gian Việt Nam, cũng như biết dùng chất liệu âm nhạc phương Tây để chuyển tải hồn cốt Việt.
Trải dài trong các nhạc phẩm của ông là câu hò, điệu lý, là những vần thơ lục bát bằng nhạc... với hình ảnh của giồng khoai, bùn nâu, gánh lúa, bà mẹ quê với tấm áo sờn - "Tôi viết về Mẹ Việt Nam không son phấn, Mẹ Việt Nam chân lấm tay bùn" - là lời ông khẳng định. Từ việc thấm nhuần những làn điệu dân ca, Phạm Duy đã sáng tác những nhạc phẩm theo dòng "dân ca mới" hay, mộc mạc và tinh tế không kém sáng tác dân gian.
Dù viết dân ca, trường ca... hình hài, tâm tính của người Việt đều được thể hiện rõ nét trong sáng tác của Phạm Duy như: Bà mẹ Gio Linh, Gánh lúa, Tình hoài hương, Tình nghèo... Và nhạc phẩm Tình ca là một điển hình cho dòng âm nhạc "khóc cười theo mệnh nước nổi trôi" của ông.
Không chỉ đau đáu về quê hương khi còn tha phương, những năm cuối đời, khi đã về sống ở VN, tình yêu đất nước, dân tộc vẫn dào dạt chảy trôi trong nhạc Phạm Duy. Trường ca về “Minh họa Kiều” hay Hương Ca đều nói về tình yêu nước.
phamduy-chienkhu-jpg-1359364700_500x0.jp
Nhạc sĩ Phạm Duy thời trẻ. Ảnh tư liệu
Bên cạnh cái tình dân tộc, âm nhạc Phạm Duy đầy ắp chất nhân văn, cái tình nhân ái với cuộc đời, con người và kiếp người.
Các nhạc phẩm Một bàn tay, Tạ ơn đời, Đường chiều lá rụng, Nước mắt rơi hay Giọt mưa trên lá… đều là những nét nhạc, lời ca chuyên chở tâm hồn, tâm thức của người Việt. Trong đó, hình ảnh thiên nhiên hài hòa với cuộc sống, với những cung bậc cảm xúc có lúc bị chi phối ở thời cuộc nhưng có lúc vượt lên thời cuộc để nói chung về thân phận con người.
Đó là chưa kể đến một loạt những khúc rong ca, tâm ca, đạo ca... của ông đều thể hiện cái nhìn triết lý về cuộc sống. (Một tuần trước khi nhạc sĩ Phạm Duy qua đời, 8 ca khúc trong chuỗi 10 bài Đạo ca của ông phổ từ thơ Phạm Thiên Thư đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, cấp phép phổ biến).

Chiếm phần lớn nhất, phổ biến nhất trong nhạc Phạm Duy là chữ "Tình" của tình yêu đôi lứa. Với người nghệ sĩ nào cũng vậy, phải yêu, tìm kiếm tình yêu và được yêu họ mới có thể sáng tạo. Đời sống tình ái của Phạm Duy, chất nam tính và nguồn sinh lực quá mạnh mẽ trong ông đã khiến báo chí thời trước tốn bao nhiêu giấy mực vì những "scandal". Phạm Duy yêu nhiều và được yêu cũng nhiều nhưng thường những dạng người như thế luôn cô đơn thường trực bởi những chân trời mới của ái tình luôn vẫy gọi và khiến họ độc hành trong cuộc tìm kiếm.

Nỗi cô đơn trong tình yêu cùng tài năng âm nhạc ở Phạm Duy đã kết hợp thành những tình khúc say đắm lòng người: Cỏ hồng, Trả lại em yêu, Mùa thu chết, Đưa em tìm động hoa vàng, Bên cầu biên giới, Giết người trong mộng, Khối tình Trương Chi, Kiếp nào có yêu nhau (phổ thơ Hoài Trinh)…...

Trong một bài viết gần đây về Phạm Duy đăng trên báo Kiến Thức Ngày Nay số 803, phát hành ngày 1/12/2012, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân kể lại một vài chuyện tình "bất thường" của Phạm Duy vào những năm 40-50. Trong đó có kể lại chuyện khi Phạm Duy đang dính tin đồn dan díu với một nữ ca sĩ Huế vốn được nhiều người yêu mến, nên cuộc tình này không được lòng dư luận. Khi bị bạn bè chất vấn vụ việc, Phạm Duy bực mình sáng tác ngay ca khúc Tôi còn yêu tôi cứ yêu ngay trên một mảnh giấy báo cũ mà ông có trong tay:

"Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!
Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!
Tôi còn yêu, mãi mãi mãi mãi…
Tôi còn yêu đời… Tôi còn yêu người.
Tôi còn yêu tôi
Cho dù tôi đã chết rồi
Cho dù ai đã giết tôi
[…]"

Nếu mọi người nhìn cuộc sống tình ái của Phạm Duy phức tạp thì có lẽ đây là câu trả lời rõ ràng, đơn giản nhất của ông về "yêu".
Trinh-Cong-Son-and-Pham-Duy-jpg-13593647
Trịnh Công Sơn (trái) và Phạm Duy. Ảnh tư liệu
Sự phân chia nhạc Phạm Duy trên đây chỉ mang tính tượng trưng, bởi chắc chắn những tranh cãi, những tôn vinh, hạ bệ... sẽ tiếp tục xoay vần trong gia tài âm nhạc hơn 1.000 ca khúc của Phạm Duy. Và chắc chỉ có ông mới có thể hiểu về hành trình sáng tác của mình nhất để khẳng định trong một lần tâm sự với khán giả: “Dân ca hay tình ca hay trường ca hay vỉa hè ca hay là đạo ca đều là những trạng thái tâm hồn của một con người muốn được ca hát đầy đủ hỷ nộ, ái ố của cuộc đời trước mặt…".
Một cái cây chỉ có thể trở thành cổ thụ nếu gốc rễ nó bám sâu vào lòng đất mẹ. Phạm Duy được gọi là đại thụ của làng âm nhạc Việt Nam trong khoảng 100 năm trở lại đây bởi âm nhạc của ông chưa bao giờ dứt ra khỏi nguồn cội quê hương.
Từ khi về nước, dù tuổi cao, ông vẫn miệt mài sáng tác nhạc vẫn nhiệt tình giao lưu với khán giả, với báo chí. Dù cho khi tiếp một nhà báo trẻ mới vào nghề hay một tên tuổi của làng truyền thông, ông vẫn giữ một thái độ đúng mực, tác phong trả lời phỏng vấn qua email thật nhanh, gọn và chuyên nghiệp.
Phạm Duy đã bỏ đi, đã quay về và qua đời trên chính quê hương nuôi dưỡng tài năng âm nhạc của ông. Với một người minh mẫn gần như đến cuối đời, chắc ông đã hình dung sự ra đi của mình để lại dư âm như thế nào trong lòng người mộ điệu để đủ mỉm cười nơi chín suối. 
“Tôi về đây không phải là tôi đi tìm danh vọng, hay tôi tìm đồng tiền kinh tế. Không phải. Tôi về đây là vì tôi yêu nước thôi. Mà tôi phải về vì người già nào cũng muốn chết ở quê hương của mình, thế thôi”, ông nói trên đài BBC tiếng Việt.
Kiếp người của Phạm Duy dừng lại ở tuổi 93 nhưng âm nhạc của ông sẽ không bao giờ là kết thúc… Bầu trời, cõi nhạc ấy sẽ vẫn còn khi tiếng Việt còn.
Tang lễ nhạc sĩ Phạm Duy được tổ chức tại tư gia ở Lê Đại Hành, phường 13, Quận 11, TP HCM. Lễ nhập quan diễn ra lúc 9h ngày 28/1. Lễ động quan lúc 6h ngày 3/2. Nhạc sĩ Phạm Duy sẽ yên nghỉ tại Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương.
Thoại Hà
nguồn:http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/nhac/goc-nhin-am-nhac/pham-duy-tron-doi-gieo-tinh-vao-nhac-2419653.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001