Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

Đọc lại hồ sơ vụ xét xử oan sai cô Tạ Phong Tần (1) 


VRNs (15.01.2013) – Sài Gòn – Ngày 28.12.2012 vừa qua, tại phiên xử phúc thẩm do Tòa án tối cao tại Sài Gòn, nhà cầm quyền đã xử y án cô Tạ Phong Tần 10 năm tù giam và 3 năm quản chế. Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thanh Lương đã trưng ra những bằng chứng vô tội của thân chủ là cô Tạ Phong Tần, cùng chỉ ra những vi phạm pháp lý về tố tụng nghiêm trọng của phiên xử sơ thẩm, ngày 24.09.2012, trước đó.

VRNs sẽ cùng với quý độc giả đọc lại từng tài liệu liên quan đến vụ án này, để một lần nữa thấy bản chất của pháp chế xã hội chủ nghĩa là như thế nào, để từ đó, tự mỗi người có chọn lựa thích hợp để ứng xứ với những vấn đề liên quan đến luật pháp tại Việt Nam trong trường hợp của quý vị trong tương lai.

Trước tiên, chúng ta đọc lại Đơn kháng cáo do chính tay cô Tạ Phong Tần viết, ngày 26.09.2012, từ nhà giam Chí Hòa (trại giam B34 Bộ công an), quận 10, Sài Gòn.

Sau khi giới thiệu vắn gọn về thân thế và những gì liên quan đến vụ án, cô Tạ Phong Tần tố cáo phiên tòa sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng luật về Tố tụng hình sự:

“1. Nhiều người làm chứng vắng mặt, trong khi lời khai những người này được dùng làm chứng cứ buộc tội mà không có sự đối chất giữa người làm chứng và bị cáo (Tạ Phong Tần).

2. Vài người làm chứng có mặt, lời khai mâu thuẫn cũng không được đối chất với bị cáo (Tạ Phong Tần).

3. Lời khai của bị cáo Phan Thanh Hải mâu thuẫn và suy diễn bắt tội cho tôi nhưng cũng không được đối chất.

4. Giám định viên là ông Nghiệp (cá nhân) giám định toàn bộ 101 bài viết của tôi (mà không phải là hội đồng), không giám định riêng rẽ từng bài. Cá nhân ông Nghiệp cũng không đủ tư cách là giám định viên chiếu theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp.

5. Các tài liệu dùng làm chứng cứ buộc tội tôi không được đưa ra thẩm tra công khai tại phiên tòa. Cáo trạng cáo buộc tôi 101 bài viết, nhưng [chỉ] đưa ra được cái tên (tít) vài bài, còn lại không biết những bài viết nào, vì tôi viết hơn 1.000 bài đủ các thể loại. Không dẫn chứng được tôi đã viết sai câu gì, ở đâu. Tôi khẳng định với quý tòa tối cao là tôi không bao giờ có viết câu chữ nào sai, vi phạm pháp luật.

6. Chủ tọa phiên tòa giới hạn thời gian tranh luận, không cho luật sư của tôi và tôi trình bày nội dung bào chữa dù nội dung không lạc đề, không trùng lấp, chỉ phản biện những cáo buộc trong cáo trạng.

7. Tôi đề nghị kiểm sát viên giữ quyền công tố tranh luận với tôi, nhưng cũng bị chủ tọa cắt ngang không cho nói.

8. Không chứng minh được tôi có mục đích chống nhà nước là không đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhưng vẫn buộc tội.

9. Nội dung kết quả giám định (dùng buộc tội) đều là những lời lẽ suy diễn vu vơ, hàm hồ, rồi chửi mắng, nhục mạ danh dự, nhân phẩm tôi, xúc phạm tôn giáo của tôi, cắt xén câu chữ trong bài viết của tôi, để xuyên tạc theo hướng xấu, bất lợi cho tôi, vu cáo tôi bôi nhọ nhà nước.

10. Không chứng minh được tài sản, đồ vật của tôi là phương tiện phạm tội, nhưng vẫn tuyên tịch thu”. 

Những điểm trong Bản kháng cáo của cô Tạ Phong Tần rất rõ ràng, ấy vậy, mà phiên tòa phúc thẩm hôm 28.12.2012, vẫn không được xem xét nghiêm túc. Ông Vũ Quốc Tú, một nhân chứng có giấy triệu tập của tòa, nhưng đã bị công an cản đường, không cho đến tòa. Thời gian phiên tòa phúc thẩm có vẻ dài hơn sơ thẩm, nhưng thực ra cũng chỉ bấy nhiêu. Cụ thể, luật sư Nguyễn Thanh Lương xin đọc bài bào chữa gồm 4 phần trong 40 phút thì đã bị cắt, chỉ cho đọc 2 phần cuối, ngắn hơn hai phần không cho đọc. Tòa tỏ ra lắng nghe luật sư bằng cách yêu cầu các luật sư nộp văn bản các bài bào chữa đã chuẩn bị, để xem xét, nhưng giờ đâu để tòa xem xét? Đây chỉ là một trò lừa luật sư và công chúng mà thôi.

Bản án đã được tuyên ở phiên phúc thẩm: “y án” là một khẳng định pháp chế xã hội chủ nghĩa “y thế”.

PV. VRNs
nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2013/01/oc-lai-ho-so-vu-xet-xu-oan-sai-co-ta.html#more
======================================================================
Tòa án ngụy tạo bằng chứng để xử 3 blogger Sài Gòn (2) 



VRNs (16.01.2013) – Sài Gòn – Nhân chứng không được triệu tập đến trong phiên xử sơ thẩm 3 bloggers Sài Gòn, ngày 24.09.2012, mà trong bản án lại có lời khai của nhân chứng là bằng chứng. Tòa án nhân dân Tp.HCM đã ngụy tạo bằng chứng để kết án cả 3 bloggers này, nhất là cô Tạ Phong Tần.

Luật sư Nguyễn Thanh Lương cho biết: “Nghiên cứu bản án hình sự sơ thẩm còn cho thấy, nhân chứng Vũ Quốc Tú, Ngô Thanh Tú vắng mặt không trực tiếp tham gia phiên tòa hình sự sơ thẩm. Nhưng bản án sơ thẩm lại nói tại phiên tòa những người làm chứng được triệu tập, khai báo cụ thể như sau: ‘Ông Vũ Quốc Tú và Ngô Thanh Tú (bí danh Thiên Sầu) thừa nhận tham gia vào việc đăng viết bài cho CLBNBTD có nội dung rất xấu, thiên về nói xấu, đả kích chính quyền... xuyên tạc sự thật’ (trang 11, bản án hình sự sơ thẩm)”.

Luật sư Lương nhấn mạnh: “Hai nhân chứng này không tham gia tại Tòa sơ thẩm”.

Nhân chứng không có mặt ở tòa án, vậy thì lấy đâu ra lời khai trước tòa? Lời khai được tòa trích dẫn trong bản án sơ thẩm từ đâu ra? Có phải do thẩm phán Vũ Phi Long chủ tọa phiên tòa sáng tác ra không? Hay của một âm mưu tìm cách kết án người vô tội đã thực hiện, và vì thế lực đó quá lớn, khiến chủ tọa phiên tòa buộc phải công bố một bằng chứng giả, ngụy tạo để làm cớ kết án?

Nền tư pháp thống nhất có phân công chứ không phân quyền của pháp chế xã hội chủ nghĩa đã và đang tạo cho những nhà cầm quyền độc tài tự do hành động sai trái theo ý mình.

Phóng viên VRNs đã liên lạc với ông Vũ Quốc Tú (blogger Uyên Vũ), và được ông này cho biết như sau:

“Thật là bất ngờ khi đọc được những dòng chữ đó. Điều hết sức rõ ràng là tôi không có mặt trong cả phiên sơ thẩm lẫn phiên phúc thẩm, như thế điều họ viết như trên quả là sự vu khống trắng trợn”.

Ông Vũ Quốc Tú giải thích: “Vì tôi không tiếp cận trực tiếp được diễn biến phiên tòa, cũng không được đọc Bản án sơ thẩm đó nên không biết họ còn bịa đặt những gì. Nhưng việc họ viết chỉ cần một câu như trên đã bộc lộ toàn bộ sự gian dối trong việc tố tụng ở phiên sơ thẩm. Họ đã không mời hoặc triệu tập tôi tại phiên tòa này chắc chắn là do có ý đồ. Thêm nữa, ở phiên phúc thẩm họ ‘cố gắng’ làm cho phiên tòa có vẻ đàng hoàng hơn, nên có triệu tập. Nhưng họ đã đến nhà thăm dò ngay trước phiên tòa và khi thấy không thể ‘kiểm soát’ được tôi nên ngày xử họ đã điều quân đến ngăn cản”.

Chúng tôi qua trung gian một người để hỏi ý kiến ông Vũ Thanh Tú (blogger Thiên Sầu), và được blogger này cho biết như sau:

“1- Cá nhân em tham gia CLBNBTD chỉ là viết về du ký, du lịch, chứ chẳng có bài viết gì trên trang chính của CLBNBTD. Do đó, làm gì có chuyện em thừa nhận viết bài để đả kích chính quyền, xuyên tạc sự thật.

2- Phiên tòa sơ thẩm em có được dự đâu, trong khi trong phiên tòa phúc thẩm em có nói trước tòa là những buộc tội trong cáo trạng là không đúng. Anh Lê Xuân Lập cũng bác bỏ cáo trạng của Viện Kiểm Sát đưa ra”.

Blogger Uyên Vũ (trái) và blogger Thiên Sầu

Như vậy cả hai nhân chứng tên Tú đều xác nhận đúng như luật sư đã cho biết là họ không hề được mời hay triệu tập đến tòa tham dự phiên xử sơ thẩm. Riêng trong phiên phúc thẩm cả hai đều có thư mời, nhưng blogger Uyên Vũ bị công an tổ chức chặn đường từ đầu hẻm, không cho phép rời nhà, nên không đến được tòa, còn blogger Thiên Sầu thì đến được tòa, nhưng tại tòa blogger này không hề “thừa nhận tham gia vào việc đăng viết bài cho CLBNBTD có nội dung rất xấu, thiên về nói xấu, đả kích chính quyền… xuyên tạc sự thật”, mà còn công khai phê phán bản cáo trạng của Viện kiểm sát đưa ra là sai sự thật.

Mọi sự đã rõ, tòa án đã dựng chuyện từ không ra có để kết án người vô tội. Phiên tòa sơ thẩm đã thế, đến phiên xử phúc thẩm, thay vì xem xét lại những vi phạm pháp luật của xét xử sơ thẩm, như là chức năng chính của xét xử phúc thẩm, thì tòa án tối cao lại tuyên y án, tức là công nhận bản án dựa trên bằng chứng ngụy tạo là đúng.

Như thế pháp chế xã hội chủ nghĩa là cơ chế cho phép tòa án hoặc một bộ phận nào đó có quyền có thể đổi trắng thay đen theo ý mình, bất chấp sự thật, bất chấp công bằng.

PV.VRNs

nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2013/01/toa-nguy-tao-bang-chung-e-xu-3-blogger.html#more
======================================================================
Điếu Cày tố cáo sự phi pháp của phiên tòa (3) 



VRNs (17.01.2013) – Sài Gòn – Sau khi nhận được Bản án sơ thẩm, blogger Nguyễn Văn Hải – Điếu Cày đã có đơn kháng cáo, ký ngày 28.09.2012. Trong Bản kháng cáo, blogger Điếu Cày tố cáo sự sai trái của toàn bộ quá trình tố tụng của Công an, Viện kiểm sát và Tòa án đối với anh.

Anh viết: “Đây là một vụ án có quá nhiều vi phạm trong quá trình điều tra:

1. Khám xét nhà 57/31 Phạm Ngọc Thạch, P. 6, Q.3 của bà Dương Thị Tân là người không liên quan gì đến vụ án. Địa chỉ này không phải là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của tôi trước khi bị bắt lần đầu, 19.04.2008.

2. Ngăn cản luật sư tham gia trong quá trình điều tra. Thông báo chậm trễ (3 tháng). Không cấp giấy chứng nhận bào chữa trong quá trình điều tra, mà không đưa ra được quyết định cấm luật sư tham gia trong quá trình điều tra của VKSND TP.HCM.

3. Ngang nhiên tước đoạt quyền lợi chính đáng của bị can, phá hoại chính sách nhà nước đối với bị can, lừa dối bị can, cản trở không cho bị can thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo. Cụ thể:

- Tôi được chuyển từ trại giam PA 92 đến trại giam B34, Bộ công an, ngày 12.11.2010 đến ngày 29.04.2011. Trại giam B34, BCA không thông báo nơi giam giữ tôi cho gia đình tôi theo quy định pháp luật.

- Trại PA 92 vẫn tiếp tục lừa dối gia đình tôi để nhận quà và tiền gởi lưu ký của gia đình tôi ở trại PA 92 mỗi tháng hai lần. Hậu quả là trong suốt thời gian tôi bị giam giữ ở trại giam B34 BCA, tôi không được gia đình thăm nuôi theo chính sách của nhà nước đối với bị can.

Sau hơn 3 tháng đấu tranh với những sai phạm của an ninh điều tra, tôi đã tuyệt thực để phản đối với yêu cầu:

+1. Phải để luật sư tham gia trong quá trình điều tra.

+2. Phải thông báo cho gia đình tôi đến thăm nuôi tôi tại trại giam B34 BCA, và thực hiện đầy đủ chính sách nhà nước đối với bị can. Chấm dứt lừa dối gia đình tôi tại trại giam PA 92.

Tôi yêu cầu trại giam B34 BCA cung cấp giấy viết để viết đơn khiếu nại, tố cáo nhưng không được đáp ứng. Cuộc tuyệt thực kéo dài 28 ngày cho đến ngày 06.03.2011, lúc đó, trại giam B34 mới đưa tôi đi cấp cứu ở bệnh viện 30.04″.

Ngoài ra anh Nguyễn Văn Hải còn đưa ra nhiều điều vi phạm nghiêm trọng về tố tụng. Một trong những vấn đề đó là phiên tòa “không chứng minh được sự không liên hệ giữa người bị hại và người tiến hành tố tụng. Bị hại do bản cáo trạng nêu là Đảng cộng sản VN. Những người tiến hành tố tụng có phải là đảng viên Đảng cộng sản VN hay không?”

Từng vấn đề blogger Điếu Cày đề cập chứng tỏ từng giai đoạn của tiến trình tố tụng vi phạm luật nghiêm trọng. Có dấu hiệu, những người nhân danh luật pháp để xét xử đã xem thường, như không có, luật pháp mình đang dùng xét xử. Tất cả chỉ diễn tả ý chí của nhà cầm quyền muốn bỏ tù công dân, mà không cần có căn cứ pháp luật nào cả.

Sau đây là nguyên văn 3 trang của bản kháng cáo do anh Nguyễn Văn Hải – Điếu Cày viết tại trại PA 92.







Pv. VRNs

nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2013/01/ieu-cay-to-cao-su-phi-phap-cua-phien.html#more
=====================================================================
Bằng chứng bản án bỏ túi cho phiên xử 3 bloggers Sài Gòn (4) 



VRNs (18.01.2013) – Sài Gòn – Bất chấp những bằng chứng vô tội và CLBNBTD không phải là tổ chức do luật sư Hà Huy Sơn đưa ra, Tòa án vẫn theo Viện kiểm sát tuyên án 12 năm tù cho blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải. Bất chấp khẳng định của kết luận giám định điều tra văn hóa, số 33, ngày 16.06.2012 liên quan đến 11 bài viết, 3 bài copy từ các hãng tin BBC, RFA, 3 bài phỏng vấn của blogger Tạ Phong Tần rằng: “Một số tài liệu có nội dung xấu… Đề nghị xem xét xử lý ở mức độ chưa phải là nghiêm trọng”. Theo luật sư Nguyễn Thanh Lương thì 81,2% bài viết không mang ý nghĩa tuyên truyền chống nhà nước. Thế mà Tòa vẫn cứ theo Viện kiểm sát để tuyên án 10 năm tù giam cho cô Tạ Phong Tần.

Đọc nguyên văn bản án sơ thẩm, ngày 24.09.2012, do thẩm phán chủ tọa phiên tòa Vũ Phi Long ký, cùng hai hội thẩm nhân dân cùng ký (từ nay gọi là bản án), người đọc sẽ kết luận cách dễ dàng, quả thật bản án này là bản án bỏ túi.

Ngay từ trang 1 của bản án, bên trái phía trên “Bản án số:” [đánh máy và in vi tính] “354″ [viết tay] “/2012/HSST [đánh máy và in vi tính], “Ngày:” [đánh máy và in vi tính] “24-9-2012″ [viết tay]. Nguyên tắc, mỗi bản án là duy nhất cho từng vụ án riêng biệt, nên việc viết tay này chứng tỏ bản án đó đã được đánh máy từ trước khi nghị án.

Cũng ngay trang 1 của bản án, tên của ông Nguyễn Quang Vinh, kiểm sát viên, đại diện Viện kiểm sát (VKS) giữ vai trò công tố tại tòa cũng được viết tay. Đây là điều bất thường, vì tên của vị này đã được công bố trước cả khi khai mạc phiên tòa, tại sao lại phải viết tay tên vị này vào sau? Điều này chỉ có thể giải thích, bản án đã được viết trước cả khi quyết định thành phần tham gia tố tụng và xét xử vụ án.

Ở trang 3 của bản án, phần nghi thức, bản án ghi nhận các ông Ngô Thanh Tú và Vũ Quốc Tú vắng mặt, nhưng đến trang 12 của bản án thì lại ghi lời chứng của hai ông này như bài Tòa án ngụy tạo bằng chứng để xử 3 bloggers Sài Gòn

Điều đáng nói hơn cả là ở phần Quyết định, trang 19, các con số 12 (mười hai), 10 (mười) và 4 (bốn) năm tù cho các bloggers, thì một lần nữa, các con số này được viết tay vào. Như vậy, toàn bộ bản án với những phân tích, chứng minh và biện luận của tòa án đưa ra cho một tội danh cụ thể, với mức án phạt cụ thể đã được soạn trước, và khi kết thúc thì chỉ điền số năm tù và số năm quản thúc vào là xong. Như vậy, vấn đề đặt ra, nếu tại tòa xét thấy vấn đề nghiêm trọng hơn, hay ít nghiêm trọng hơn thì sẽ xử lý làm sao đây? hay cứ điền một con số bất kỳ nào đó từ 1 tháng đến 20 năm đều được?

Nếu ai còn cho rằng các phiên tòa được thực hiện dưới pháp chế xã hội chủ nghĩa công minh thì hãy đọc cụ thể bản án để thấy trước khi phiên tòa xử, đã có một nhóm nào đó soạn bản án sẵn, chắc chắn không phải VKS, vì nếu VKS thì không thể quên tên kiểm sát viên tham gia với tư cách công tố. Lại càng không thể của tòa án được, bởi vì khi kết thúc bản án, chỉ tên của thẩm phán Vũ Phi Long được đánh máy, trong khi tên hai vị Hội thẩm nhân dân được nêu danh đầu bản án lại không được đánh máy tên, mà phải ghi bằng tay.

Công lý không ở với dân Việt Nam trong pháp chế xã hội chủ nghĩa này.








































Đọc lại hồ sơ vụ xét xử oan sai cô Tạ Phong Tần (1)
nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2013/01/bang-chung-ban-bo-tui-cho-phien-xu-3.html#more
======================================================================
Đọc biên bản phiên tòa sơ thẩm xử 3 bloggers Sài Gòn (5) 



VRNs (22.01.2013) – Sài Gòn – Chúng tôi dự định loạt bài về phiên xử sơ thẩm 3 bloggers Sài Gòn đã kết thúc sau 4 kỳ (kỳ 1: Đọc lại hồ sơ vụ xét xử oan sai cô Tạ Phong Tần, kỳ 2: Tòa án ngụy tạo bằng chứng để xử 3 blogger Sài Gòn, kỳ 3: Điếu Cày tố cáo sự phi pháp của phiên tòa, kỳ 4: Bằng chứng bản án bỏ túi cho phiên xử 3 bloggers Sài Gòn), vì lượng thông tin đã khá đầy đủ, giúp cho độc giả hiểu được bản chất của các phiên tòa nhân danh bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, mà không bảo vệ người dân.

Tuy nhiên, gần đây, chúng tôi được tiếp cận Biên bản phiên tòa hình sự sơ thẩm (từ nay gọi là Biên bản), diễn ra lúc 8:00 am, ngày 24.09.2012, tại Tòa án nhân dân tp. HCM do ông Hà Đình Lăng, cán bộ tòa án ghi biên bản và được thẩm phán Vũ Phi Long, chủ tọa phiên tòa ký xác nhận cùng với con dấu đỏ.

VRNs sẽ đưa ra một vài nhận xét chủ quan về Biên bản này, để quý độc giả tham khảo, còn chính quý vị mới là người tự rút ra kết luận cho chính mình sau khi đọc xong Biên bản dài 25 trang này.

Điều đầu tiên chúng tôi phải nói ngay, đó là tính chính xác của biên bản. Không có gì bảo đảm biên bản này đã ghi trung thực diễn biến phiên tòa, bởi ngay ở phần thứ hai (II) nói về Những người tham gia tố tụng đã ghi không đầy đủ thông tin, một cách cố tình. Đó là trường hợp không ghi rõ bà Đặng Thị Kim Liêng đã qua đời do chết cháy (tự thiêu hay bị người khác thiêu?). Ngay việc bà qua đời cũng không được ghi.

Cụ thể, phần nhân thân những người tham gia tố tụng (trang 1 và 2 của Biên bản), khi đề cập đến anh Nguyễn Văn Hải – Điếu Cày đều cho biết rõ ông bà thân sinh đều đã qua đời (ông Nguyễn Văn Duy và bà Trần Thị Huệ). Trường hợp anh Phan Thanh Hải, biên bản cho biết cả hai ông bà thân sinh còn sống là Phan Sung và Phan Thị Bích Huyền. Riêng trường hợp cô Tạ Phong Tần thì biên bản chỉ ghi là “Tạ Văn Diễn (chết), và bà Đặng Thị Kim Liêng”. Không hề ghi bà Liêng đã chết, mặc dù, trong thực tế, thân mẫu của cô Tạ Phong Tần đã qua đời ngày 30.07.2012, trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra (24.09.2012) gần hai tháng.

Điểm thứ hai cần lưu ý là Biên bản không thể hiện thời gian của từng phần (phần mở đầu, phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, phần thủ tục xét hỏi tại tòa, phần tranh luận tại phiên tòa), nên người đọc sẽ không hình dung chính xác được phần nào diễn ra dài, phần nào chỉ diễn qua chiếu lệ, có bảo đảm được quyền lợi của các bị cáo hay không.

Điểm thứ ba đáng chú ý là sau khi Viện kiểm sát công bố nội dung cáo trạng, “Chủ tòa yêu cầu cách ly các bị cáo trong quá trình xét hỏi, và giải thích tòa sẽ công bố lại lời khai của những người tham gia trước đó”. Như vậy chỉ có từng bị cáo khai trước tòa, và trước những người tiến hành tố tụng, mà không có các bị cáo khác.

Anh Phan Thanh Hải được biên bản ghi nhận là khai đầu tiên theo hướng nhận tội và xin khoan hồng. Lời khai cuối của anh Phan Thanh Hải như sau:

“Bị cáo tham gia CLBNBTD chủ yếu là vui, nhưng sau khi tham gia biểu tình, bị bắt giữ, nên bị cáo bực bội, bị cáo có việt một số bài có nội dung hằn học, tức tối, và viết như thế thiếu đi sự khách quan. Bị cáo rất hối hận về việc làm sai trái này, đề nghị hội đồng xét xử khoan hồng”.

Về phần anh Nguyễn Văn Hải - Điếu Cày, anh thừa nhận mình lập blog CLBNBTD, nhưng việc đăng bài là tùy ý tác giả, không ai bị ép buộc. Việc đi Thái Lan, anh Nguyễn Văn Hải xác định mình đi một mình, không gặp anh Phan Thanh Hải, không liên quan những gì anh Phan Thanh Hải khai về chuyến đi Thái Lan.

Về cô Tạ Phong Tần, trả lời chủ tọa phiên tòa, cô Tần cho rằng mình tham gia CLBNBTD là vì cái tên, chứ không chịu trách nhiệm gì các bài trên blog này. Cô Tần chỉ nhận trách nhiệm các bài viết của mình trên blog Công lý và Sự thật mà thôi.

Khi chủ tọa hỏi: “Những bài viết của bị cáo có nội dung gì?” Cô Tạ Phong Tần trả lời, nhưng biên bản không ghi lại nguyên văn câu trả lời, mà lại ghi nhận một cách suy diễn chủ quan như sau: “Lúc này bị cáo Tần đã lợi dụng việc trả lời đã nói lớn tiếng về những hiện tượng tiêu cực đả phá hệ thống chính quyền – quản lý báo chí v.v... chủ tọa phiên tòa đã yêu cầu bị cáo Tần trả lời vào những câu hỏi, nhưng bị cáo Tần không nghe và cứ phát biểu nhiều lời nói xúc phạm đến hệ thống pháp luật, hệ thống chính trị, nên chủ tọa đã cắt không cho bị cáo phát biểu nữa”.

Ở phần chất vấn này, ngoài chủ tọa phiên tòa, còn có kiểm sát viên và các luật sư thẩm vấn các bị cáo.

Luật sư Hà Huy Sơn, căn cứ theo Bộ luật tố tụng hình sự, yêu cầu chủ tọa phiên tòa công bố 26 bài viết, làm cơ sở kết án Điếu Cày, nhưng chủ tọa phiên tòa từ chối.

Trong phần tranh luận, mở đầu đại diện VKS đã kiên trì theo bản cáo trạng, mà không căn cứ gì trên những lời khai tại tòa, để vẫn kết luận 3 bloggers này phạm khoản 2, điều 88 BLHS, sau đó đề nghị mức án nặng nề.

Các luật sư tham gia tranh luận.

Sau khi phản bác lại những lập luận hoàn toàn không có căn cứ của VKS, trước tòa, luật sư Hà Huy Sơn đề nghị tòa công bố anh Nguyễn Văn Hải không phạm tội và trả tự do ngay tại tòa. Luật sư Nguyễn Thanh Lương thì phủ nhận các giá trị của bản giám định các bài viết và nội dung các cuộc phỏng vấn của cô Tạ Phong Tần, yêu cầu tòa tuyên bố văn bản giám định không có giá trị. Khi nghe luật sư đọc: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm. Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” thì chủ tọa phiên tòa buộc phải ngưng, không cho diễn giải hai câu thơ này, vì chủ tọa suy diễn rằng luật sư có hàm ý xấu, vận dụng vào vụ án đang xét xử này.

Biên bản còn đề cập nhiều vấn đề khác rất đáng suy nghĩ. Xin dành lại cho quý độc giả.




































PV. VRNs

nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2013/01/oc-bien-ban-phien-toa-so-tham-xu-3.html#more
=====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001