Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

Thay đổi Hiến pháp và nhu cầu của xã hội


Nguyễn Thị Hường
Nghiên cứu sinh khoa Luật Đại học Indiana, Bloomington, Hoa Kỳ
Nhìn vào những thảo luận nhiều chiều xung quanh chuyện sửa Hiến pháp đang diễn ra, có thể thấy sự cách biệt giữa ý thức hệ chính thống và dư luận tự do trong xã hội.
Một số người nhìn vào cách Việt Nam đang sửa Hiến pháp mà thấy nản: Những cuộc tổng kết trong nội bộ bộ máy nhà nước; Một hội đồng soạn thảo Hiến pháp gồm những chính trị gia chóp bu, luật gia chỉ là trợ lý; Một quy trình soạn thảo khép kín; Khi bản dự thảo được công bố, nhà cầm quyền chỉ nói đến “góp ý,” chứ không đả động gì đến trưng cầu dân ý để nhân dân phê chuẩn bản dự thảo, một thủ tục còn được gọi là phúc quyết Hiến pháp. 
Thế nhưng trong thời gian qua, phúc quyết Hiến pháp là một trong những đòi hỏi mạnh mẽ nhất trong các ý kiến sửa đổi Hiến pháp. Nhiều người cho rằng cần trở lại với quy trình tu chính hiến pháp dân chủ của Hiến pháp 1946.
Một Hiến pháp dân chủ của toàn dân khác với Hiến pháp áp đặt ở chỗ nó được nhân dân phúc quyết thông qua. Như nhiều trí thức trong nước đã lên tiếng, thiếu phúc quyết Hiến pháp, Hiến pháp không còn là “khế ước xã hội” giữa những con người tự do. Thiếu phúc quyết, Hiến pháp đơn giản không còn là Hiến pháp.
Như vậy, chưa nói gì đến nội dung, chỉ riêng thủ tục sửa đổi Hiến pháp đã không tạo được đồng thuận ngay trong chính giới tinh hoa trong nước.
Xét về nội dung, một số người nhìn vào cách hành văn dài dòng theo lối cũ trong lời mở đầu, khẳng định kiên định “ánh sáng của chủ nghĩa Mác–Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”, vào điều 4 với Đảng cộng sản “là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” là đã không muốn đọc tiếp, đừng nói đến chuyện góp ý.
Nhưng công bằng mà nói, cũng có một số sửa đổi – tuy nhỏ nhưng phản ảnh và tiếp thu phần nào những ý kiến tiến bộ của giới trí thức trong thời gian qua: thêm từ “kiểm soát” vào điều 2 – tuy vẫn khẳng định quyền lực nhà nước là “thống nhất” (tức từ chối khái niệm phân quyền); thêm hội đồng bảo hiến – dù đó chỉ là bảo hiến “cấp thấp” do Quốc hội thành lập (chương X); bỏ các điều khoản về “Toà án địa phương” – có lẽ để làm tiền đề cho cải cách hệ thống toà án theo cấp xét xử chứ không theo cấp chính quyền địa phương (Chương VIII); thêm điều khoản về quyền “được sống trong môi trường trong lành” (điều 46 mới) và trách nhiệm bảo vệ môi trường (điều 68 mới) ; sửa điều 63 (cũ) về bình đẳng giới, bỏ đi những điều khoản gia trưởng, thêm điều khoản “nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới”.
Tóm lại, nhìn vào bản dự thảo, người bi quan thấy dòng sông vẫn còn đỏ – chủ nghĩa Mác-Lênin, sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản dường như vẫn là nền tảng; người lạc quan nghĩ dòng sông bắt đầu pha màu xanh từ những tư tưởng cấp tiến được tiếp thu một cách manh mún.
Những cải cách pháp luật hỗn dung, tư tưởng mới pha trộn những tư tưởng cũ, kể cả khi chúng chẳng ăn nhập với nhau, lâu nay vẫn diễn ra ở Việt Nam.
Chúng phản ảnh những thay đổi trong môi trường tri thức và xã hội, và thái độ miễn cưỡng cải cách của đảng cầm quyền để đối phó với những đòi hỏi chính đáng trong xã hội.
Vấn đề của việc sửa đổi Hiến pháp ở Việt Nam không phải là do giới tinh hoa không nhận thức được thế nào là một bản Hiến pháp dân chủ. Trong thời gian qua, quan niệm về Hiến pháp ở Việt Nam đã thay đổi nhiều: từ quan niệm Hiến pháp như một văn bản chính sách của đảng cầm quyền áp đặt, đến việc nhìn nhận Hiến pháp một cách thông thoáng theo kiểu dân chủ tự do phương Tây – Hiến pháp là khế ước xã hội do nhân dân đồng thuận thông qua, bảo đảm quyền tự do của nhân dân và hạn chế quyền lực nhà nước.
Việt Nam không nhiều, nhưng cũng không thiếu những luật gia, những trí thức được đào tạo bài bản ở các nước dân chủ, những người đã mang những tư tưởng cấp tiến vào môi trường tri thức trong nước.
Cái Việt Nam thiếu là một không gian chính trị tự do để những luồng tư tưởng hợp thời đại có cơ hội phát triển sâu rộng và nhận được sự ủng hộ đông đảo của quần chúng.
Từ vài năm trở lại đây, một số quyền trong Hiến pháp được người dân viện dẫn để làm cơ sở pháp lý cho các hoạt động chính trị, xã hội, từ việc gửi kiến nghị, đòi sở hữu đất, sở hữu xe máy, nhập cư vào thành phố, cho đến việc biểu tình, ra báo mạng, lập tổ chức chính trị.
Nhưng việc viện dẫn Hiến pháp không giúp họ lấy lại đất đai, biến những kiến nghị thành chính sách và luật pháp, hay bảo vệ họ khỏi trấn áp và tù tội khi biểu tình hay lập tổ chức chính trị.
Cái Việt Nam thiếu không phải chỉ là một bản Hiến pháp dân chủ chuẩn mực, mà chính là một cơ chế chính trị dân chủ biết đáp ứng nguyện vọng của đa số nhân dân.
Giả sử nhà cầm quyền buộc phải nhượng bộ, ghi vào Hiến pháp những điều khoản dân quyền tiến bộ, lấy gì đảm bảo những điều khoản đó sẽ được thi hành, khi trong thực tế cạnh tranh chính trị không bình đẳng, các quyền tự do chính trị cơ bản bị hạn chế và xã hội dân sự bị kiểm soát chặt chẽ?
Nhìn vào lịch sử Hiến pháp của các nước, người ta thấy những thay đổi Hiến pháp quan trọng không phải là tiền đề, mà là hệ quả của những phong trào cấp tiến của xã hội dân sự.
Ở Mỹ, phải trải qua cả trăm năm, qua chia rẽ, thậm chí nội chiến, chế độ nô lệ mới được bãi bỏ. Phải thêm trăm năm nữa, người Mỹ gốc châu Phi và phụ nữ mới được quyền bỏ phiếu. Các tu chính quan trọng trong Hiến pháp Hoa kỳ hay trong án lệ của Tòa án Tối cao Mỹ ở thế kỷ 20 là hệ quả của phong trào Dân quyền và nữ quyền qua nhiều thế hệ.
Ngay cả khi Hiến pháp không được tu chính, Tòa án tối cao Mỹ cũng đã nhiều lần tự thay đổi án lệ của chính mình để đáp ứng đòi hỏi mới của xã hội. Chẳng hạn, Tòa án Tối cao Mỹ đóng vai trò quyết định trong việc bãi bỏ phân biệt chủng tộc trong trường học.
Ở Pháp, dù nổi tiếng với Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền 1789, phải đến năm 1958, một Hội đồng Hiến pháp mới được lập ra, với thẩm quyền hạn chế – xem xét tính hợp hiến về mặt thủ tục lập pháp của các dự án luật sau khi chúng được Quốc hội Pháp thông qua và trước khi Tổng thống ký ban hành dự luật đó. Phải đến những năm 1970, Hội đồng Hiến pháp Pháp bắt đầu xem xét tính hợp hiến của các dự luật căn cứ vào các điều khoản nhân quyền và tự do cá nhân trong Hiến pháp. Và gần đây, năm 2008, một tu chính Hiến pháp cho phép các tòa án tối cao yêu cầu Hội đồng Hiến pháp xem xét tính hợp hiến của các văn bản luật khi chúng được áp dụng vào cuộc sống. Tức là vấn đề bảo hiến không chỉ còn là đặc quyền của các chính trị gia trước khi văn bản luật được thông qua, mà người dân bình thường có thể đưa các vấn đề hiến pháp ra trước Hội đồng Hiến pháp.
Những phát triển đó, theo giáo sư Martin Rogoff, là kết quả của nhu cầu cần có một cơ chế làm mới Hiến pháp qua các giải thích Hiến pháp, thay vì liên tục tu chính Hiến pháp, để đáp ứng các nhu cầu chính trị và xã hội mới, như ảnh hưởng của luật pháp của Liên minh châu Âu, các đòi hỏi bình đẳng của một xã hội Pháp ngày càng đa dạng về sắc tộc và tôn giáo, hay sự xuất hiện của các hệ giá trị mới về dân chủ, bình đẳng giới, tự do kinh tế, bảo vệ môi trường.
Những phát triển Hiến pháp ở các nước dân chủ phương Tây đi theo chiều hướng ngày càng mở rộng quyền bình đẳng và tự do đến nhiều giai tầng trong xã hội hơn.
Ở Việt Nam, phát triển Hiến pháp có vẻ đi theo xu hướng ngược lại: từ bản Hiến pháp tương đối dân chủ năm 1946, đến những bản Hiến pháp xã hội chủ nghĩa áp đặt, thiếu chính danh năm 1959, 1980 – thay đổi chế độ chính trị, thay đổi tên nước mà không được nhân dân phúc quyết.
Nhưng trên thực tế, cho dù Hiến pháp 1959 hay Hiến pháp 1980 có quy định kinh tế tập trung, chuyện nhân dân xé rào làm kinh tế tư nhân dẫn đến đổi mới kinh tế năm 1986 đã là điều bây giờ ở Việt Nam ai cũng biết. Xã hội luôn có không gian tự do của chính nó, dù hạn hẹp, mà chính trị trước sau gì cũng phải thừa nhận.
Hiến pháp 1992 và bản Hiến pháp sửa đổi năm 2001 đã bắt đầu có tín hiệu cởi mở hơn, vì những biến chuyển trong kinh tế và bang giao quốc tế khiến nhà cầm quyền không có lựa chọn nào khác.
Ở Việt Nam, cái vỏ bọc chủ nghĩa xã hội và cơ chế dân chủ tập trung không ngăn cản được sự trỗi dậy của một xã hội dân sự đang đòi hỏi những tự do thực tại của họ được công nhận trong Hiến pháp và pháp luật.
Những thay đổi tiến bộ đã nêu ở trên – thêm quy định kiểm soát quyền lực, Hội đồng bảo hiến, quyền môi trường, quyền bình đẳng giới – không phải tự nhiên xuất hiện trong bản dự thảo.
Dự án Bô-xít Việt Nam từ năm 2008 đã làm dấy lên trong dư luận những đòi hỏi mạnh mẽ về quyền sống trong một môi trường trong lành.
Các nhóm cổ vũ nữ quyền và các nhà tài trợ quốc tế từ hơn một thập kỷ trở lại đây đã vận động để khái niệm bình đẳng giới được chấp nhận trong đời sống chính trị xã hội, phần nào thay thế quan niệm “giải phóng phụ nữ” kiểu gia trưởng xã hội chủ nghĩa.
Hội đồng bảo hiến, dù có vẻ hình thức, có mặt trong bản dự thảo Hiến pháp lần này, cũng là vì giới trí thức và dư luận biết việc thực thi và bảo vệ các quyền Hiến định quan trọng hơn việc các quyền này chỉ được ghi trên giấy. Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc bị đàn áp, những kiến nghị không được lắng nghe, những bắt bớ nhà bất đồng chính kiến bất kể quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội được ghi trong Hiến pháp, khiến người ta hiểu rằng một cơ chế bảo hiến là cần thiết (cơ chế bảo hiến đó có hiệu quả không trong chế độ chính trị một đảng, lại là chuyện khác).
Các sửa đổi về ngành Toà án cũng phản ánh đòi hỏi của giới luật gia về việc tăng cường tính độc lập của các Toà án khỏi sự chi phối của chính quyền địa phương và trung ương trong quá trình xét xử.
Thay đổi trong chính trị và pháp luật theo sau những thay đổi không đảo ngược được của đời sống xã hội, khi đời sống kinh tế thay đổi, khi tri thức phát triển phóng khoáng hơn, khi những bất công xã hội càng ngày càng lộ rõ đến mức không thể chấp nhận được nữa.
Những gì đang diễn ra trong lần sửa đổi Hiến pháp lần này nên được đánh giá trong bối cảnh của sự chuyển mình không ngăn cản được của xã hội, của sự bối rối của nhà cầm quyền – đáp ứng cải cách cũng dở, mà cố chấp bảo vệ độc quyền và đặc quyền cũng chẳng xong.
Hiến pháp là nơi giao thoa giữa chính trị và pháp luật. Sửa Hiến pháp không chỉ phụ thuộc vào lý trí, mà còn phụ thuộc vào tương quan lực lượng chính trị.
Chỉ khi nhân dân ý thức được các quyền chính trị của họ, được vai trò quyền làm chủ của họ, và cứ thực thi vai trò ấy, quyền lợi ấy, thì giới lãnh đạo chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc thừa nhận và cam kết tôn trọng các quyền ấy qua Hiến pháp và pháp luật.
Ý nghĩa của việc góp ý Hiến pháp cũng là ở chỗ đó. Góp ý Hiến pháp không phải là thừa nhận quyền lực của đảng độc quyền lãnh đạo và bản dự thảo Hiến pháp giới lãnh đạo đề ra.
Qua góp ý Hiến pháp và phúc quyết Hiến pháp, nhân dân thực thi và khẳng định quyền làm chủ.
Trong lần sửa đổi Hiến pháp này, nếu giới cầm quyền không lắng nghe các góp ý, không tổ chức trưng cầu dân ý để nhân dân phê chuẩn Hiến pháp, thì chính họ – đảng cầm quyền, sẽ bỏ lỡ cơ hội thiết lập tính chính danh cho quyền lực chính trị của họ và cho bản Hiến pháp được sửa đổi.
Bên cạnh đó, điều mấu chốt không phải bản dự thảo Hiến pháp nói gì, mà là nhân dân và giới tinh hoa đang lên tiếng đòi hỏi những gì để khẳng định quyền làm chủ của chính họ, để Hiến pháp thực sự trở thành một khế ước xã hội, một Hiến pháp dân chủ do nhân dân bàn thảo và phúc quyết thông qua để đáp ứng nhu cầu của xã hội.
N.T.H.
Viết với sự cộng tác của Luật sư Trần Minh Quốc, Boston, Hoa Kỳ và Luật sư Vũ Đức Khanh, Ottawa, Canada.
(Bản rút gọn hơn đã đăng trên BBC)
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/44487 
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001