a
mươi tháng Tư năm 1975 là ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam. Ngày mà
những người anh em miền Nam buông súng đầu hàng miền Bắc. Ngày chấm dứt
hơn hai mươi năm “da thịt tàn nhau, vạ trong tường vách”. Nhưng, không phải cứ súng ống vứt đi là sẽ có hòa bình.
Đi từ bưng biền
Sáng
sớm ngày 30-4-1975, “cánh” của ông Võ Văn Kiệt về tới một khu “đám lá
tối trời” thuộc huyện Bình Chánh. Hai mươi hai ngày trước, ông Lê Đức
Thọ vào Trung ương Cục, sau đó, công bố quyết định thành lập Bộ Tư lệnh
Chiến dịch Hồ Chí Minh6, đồng thời trao quyết định cử ông Võ Văn Kiệt
làm bí thư Đảng ủy Đặc biệt Ủy ban Quân quản Sài Gòn-Gia Định, cử ông Lê
Đức Anh làm phó bí thư kiêm chủ tịch Ủy ban Quân quản, và ông Mười Cúc
Nguyễn Văn Linh đảm trách lực lượng nổi dậy phối hợp với quân chủ lực.
Từ
R, căn cứ Trung ương Cục ở huyện Lộc Ninh, ông Kiệt cùng một bộ phận
phục vụ gọn, khoảng hai trung đội, chạy xe Honda 67 bọc qua phía
Campuchia, tới cửa biên giới Mỏ Vẹt, Long An thì bỏ xe lại, đi bộ. Ông
Kiệt không lúc nào rời chiếc radio ba làn sóng hiệu JVC của Nhật. Đài Hà
Nội lúc đó gần như liên tục phát Bão Nổi Lên Rồi, một bài hát mà nhịp
điệu thì hối hả, lời lẽ thì thôi thúc: “Từ Trị Thiên băng qua Tây Nguyên
đi tới bưng biền lòng người bừng bừng, cùng tiến lên thời cơ đã đến
rồi”.
Thời
cơ đã đến! Anh em phục vụ quan sát thủ trưởng, trong lòng cảm thấy lần
này chắc ăn. Nhưng thủ trưởng vẫn im lặng. Ngày 27-4, đoàn vượt qua sông
Vàm Cỏ Đông, tới xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa, gặp cánh ông Mai Chí Thọ đã
về trước ém quân ở đó. Ông Năm Xuân Mai Chí Thọ, phó bí thư Khu uỷ Sài
Gòn-Gia Định vào thời điểm đó, là người thông thạo các đầu mối hoạt động
nội thành. Hai đoàn bắt đầu nhập lại làm một. Ít ai nghĩ rồi những
người đàn ông mặc đồ bà ba đen, đi dép râu, mặt mũi khắc khổ, đang xắn
quần lội ruộng đó, chỉ vài ngày nữa sẽ nắm quyền lãnh đạo Sài Gòn – Hòn
Ngọc Viễn Đông.
Sáng
hôm sau, khi sương sớm còn phủ trắng, từ nơi tạm dừng nhìn qua phía bên
kia cánh đồng, cánh ông Kiệt nhìn thấy lố nhố xe pháo. Lúc đầu có người
tưởng là xe tăng “địch”, tới khi sương mù bớt đi mới nhận ra: “Cơ man
tăng. Tăng mình!”. Ông Kiệt viết thư, niêm kín, ra lệnh cho thư ký riêng
là ông Phạm Văn Hùng (Ba Hùng), đi kiếm Trung tướng Lê Đức Anh. Tướng
Lê Đức Anh tới lúc ấy vẫn là phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, được
giao chỉ huy Đoàn 232, một lực lượng tương đương quân đoàn, tiến vô Sài
Gòn ở hướng Tây Nam. Dọc đường Ba Hùng đi, đạn pháo nằm la liệt trên các
bờ ruộng, bờ kênh; dân công rầm rập, bộ đội, xe tăng lớp lớp. Tướng Lê
Đức Anh viết thư trả lời “Anh Sáu Dân” (bí danh của ông Kiệt), rồi cũng
niêm kín, đưa Ba Hùng cầm về. Sau này ông Phạm Văn Hùng mới biết đó là
thông tin về giờ G. Giờ G, ngày N, tức 00 giờ 00 phút ngày 29-4-1975, là
giờ quy định cho tất cả năm cánh quân của quân Giải phóng đồng loạt nổ
súng tấn công vào Sài Gòn.
Trưa
29-4, đoàn lội bưng, băng vô vườn thơm Tân Nhựt, Bình Chánh, hạ trại
nấu cơm. Bếp rơm có khói, một chiếc trực thăng trờ tới, lia vài băng đạn
vu vơ. Cách đó không xa lắm là đồn Lý Văn Mạnh, nhưng lính trong đồn
giờ đó đã không còn dám ra ngoài. Đêm ấy, ở lại Tân Nhựt, Ba Hùng mắc
võng bên cạnh ông Kiệt, nằm nghe tiếng pháo, sau biết là “ta pháo kích
vô Tân Sơn Nhất”, hai thầy trò trăn trở không làm sao ngủ được. Sáng
30-4, ông Kiệt, trong khi trao đổi tình hình với ông Mai Chí Thọ, không
quên phân công người theo dõi đài phát thanh và cho phép anh em nấu ăn.
Từ đêm trước, chưa ai có hột cơm nào vô bụng.
Tới
khoảng 9 giờ 30 phút sáng, Đài Sài Gòn im lặng rất lạ, rồi tiếng phát
thanh viên: “Mời đồng bào nghe tuyên bố của Tổng thống”. Mọi người xúm
lại quanh chiếc radio theo dõi phát biểu của Tổng thống Dương Văn Minh:
“Đường lối, chủ trương của chúng tôi là hoà giải và hoà hợp dân tộc để
cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hoà giải giữa người
Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu
cầu tất cả các anh em chiến sỹ Cộng hoà hãy bình tĩnh, ngưng nổ súng, và
ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sỹ Chánh phủ Cách mạng
Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng. Chúng tôi ở đây chờ
gặp Chánh phủ Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận
về lễ bàn giao chánh quyền trong vòng trật tự, tránh đổ máu vô ích của
đồng bào”.
Lời
Tướng Minh vừa dứt, Võ Văn Kiệt ra lệnh: “Giản chính đồ đạc. Đi!”. Đoàn
người lúc đó chẳng kịp ăn uống mà vẫn no tới tận cổ, băng đồng ra lộ,
đi về hướng Phú Lâm, cửa ngõ phía Tây Thành phố. Dọc đường, lính Sài Gòn
bắt đầu trút bỏ quân phục, súng ống, binh khí vất la liệt. Anh em bảo
vệ lúc đầu còn khệ nệ xách, sau thấy lếch thếch quá, lại vứt đi. Có nơi
lính Sài Gòn ra hàng cả tiểu đoàn. Quân Giải phóng chỉ kịp giải thích
chính sách rồi ai ở đâu về đó. Sự tan rã của chế độ Sài Gòn diễn ra gấp
gáp khiến ông Kiệt quá sốt ruột. Ông gọi Tư Thạch và Chín Anh, hai người
cận vệ vốn là dân thành phố, đến, ra lệnh: “Hai đồng chí tìm cách kiếm
xe, nhanh chóng đưa Đại quân vô Sài Gòn!”.
Chín
Anh cùng Tư Thạch ra lộ, gặp hai người bận đồ công nhân, chạy xe máy từ
phía Sài Gòn ra. Chín Anh nói: “Tụi tôi là Giải phóng. Nhờ mấy anh quay
lại, đưa tụi tôi vô Sài Gòn”. Hai người này sốt sắng: “Mời mấy anh”.
Chín Anh tính đi thẳng vô Phú Lâm nhưng mới tới xa lộ vành đai thì thấy
một chiếc xe tải quân sự hiệu GMC mới cáu đậu sẵn bên lề đường. Trên xe
không biết lực lượng nào đã cắm sẵn một lá cờ Giải phóng. Chín Anh hỏi:
“Mấy anh biết lái xe không?”. Một người nói liền: “Tôi là tài xế nè”.
Chín Anh cho kiểm tra lại xe, thấy xe tốt, kêu hai “chiến sỹ” vừa được
“trưng dụng” đưa xe máy vô nhà dân cạnh đường gửi, rồi lái chiếc xe quay
lại.
“Đại
quân” lúc này vẫn đi bộ theo Lộ 10, gặp xe mừng quá, nhanh chóng leo
lên. Chín Anh ngồi bên cạnh tài xế, ông Kiệt và ông Năm Xuân ngồi kế
bên. Bốn, năm anh em khác bám hai bên thùng xe để bảo vệ. Một tốp thanh
niên thấy chiếc GMC cắm cờ Giải phóng chạy vô phố, cứ thế phóng xe máy
theo. Dọc đường, chỗ nào cũng có lính Việt Nam Cộng hoà cởi áo, cởi
giày, chạy. Người dân gom vô, lấy chỗ cho chiếc xe quân sự Mỹ chở một
trong những nhà lãnh đạo “Việt cộng” đầu tiên tiến vào Sài Gòn.
Ông
Võ Văn Kiệt, ông Mai Chí Thọ và những người trên chiếc xe GMC hôm đó,
có người đã suốt ba mươi năm mắc võng nằm rừng. Giờ ngắm phố xá chạy vùn
vụt bên cửa xe, mắt họ cay xè vì sung sướng. Không ai trong số họ, sau
đó, có thể diễn đạt lại được cảm giác khi ấy của mình, nhưng cuộc đời họ
rồi sẽ khó lòng có lại một niềm vui nào lớn lao hơn niềm vui trong cái
ngày 30-4 đó.
Xuân Lộc
Trong
khoảng thời gian cánh ông Võ Văn Kiệt tìm cách di chuyển vô nội thành,
chính những chiếc tăng của Lữ đoàn 203, Quân đoàn II đã viết nốt những
dòng cuối cùng của một trang sử.
Kế
hoạch “bao vây chiến lược Sài Gòn” bắt đầu từ ngày N. Lúc đầu, theo
Tướng Trần Văn Trà, ở phía Tây, Đoàn 232 do Tướng Lê Đức Anh làm tư lệnh
cũng gặp không ít khó khăn; phía Đông, đêm ngày 9 rạng sáng ngày 10-4,
Quân đoàn IV gồm hai sư đoàn tấn công thị xã Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh.
Cuộc tấn công đã chọc thủng tuyến phòng ngự thị xã bằng nhiều mũi, nhanh
chóng phát triển vào trung tâm. Tuy nhiên, sau khi cắm cờ trên dinh
tỉnh trưởng và làm chủ một loạt các căn cứ khác, ngày 10-4, một lữ đoàn
dù của Việt Nam Cộng hòa được trực thăng vận đưa tới thị xã để chi viện
gấp và “giữ tinh thần cho Sư đoàn 18”.
Cho
đến ngày 15-4, gần hết tăng thiết giáp của Quân đoàn III và một lực
lượng tương đương một sư đoàn thuộc quân trù bị dù và thủy quân lục
chiến của Sài Gòn đã được điều về. Trận Xuân Lộc được được coi là khốc
liệt nhất trong toàn chiến dịch. Quân đội Sài Gòn đã ném xuống đây hai
loại bom có khả năng sát thương hàng loạt: Daisy Cutler và CBU7. “Mất
Xuân Lộc là mất Sài Gòn”, mọi sức mạnh có thể đều được Tổng thống Nguyễn
Văn Thiệu sử dụng.
Hãng
UPI (Mỹ), ngày 12-4, cho rằng, Xuân Lộc được chọn làm nơi thí nghiệm
khả năng chiến đấu của quân Nam Việt Nam. Khi quân Giải phóng gặp khó
khăn, thương vong rất lớn ở Xuân Lộc, báo chí Sài Gòn đánh giá khả năng
chiến đấu của Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã hồi phục, và còn đủ mạnh để
giữ vững chế độ.
Theo
Tướng Trần Văn Trà, tình hình đó khiến cho “các đồng chí Phạm Hùng, Văn
Tiến Dũng và cả anh Lê ĐứcThọ rất lo lắng”. Tướng Trà viết: “Trận đánh
quá ác liệt, e rằng các đơn vị ta bị thương vong nặng trong thời điểm
này không lợi. Vì vậy các anh gợi ý có thể cho anh em rút ra khỏi thị
xã… tôi đề nghị cho tôi đến tận nơi, nắm rõ tình hình cụ thể tại chỗ và
cùng anh em nghiên cứu cách đánh. Các anh đều đồng ý”8. Chiều 11-4,
Tướng Trà đến chỉ huy sở của Quân đoàn IV đóng trên bờ sông La Ngà. Sau
khi nghe ý kiến của các tướng chỉ huy ở đây, Tướng Trà kết luận: “Xuân
Lộc là điểm then chốt, hết sức quan trọng trong tuyến phòng ngự, nên
địch đã tập trung nhiều lực lượng cố giữ. Hiện nay lực lượng chúng đã
chiếm ưu thế so với ta. Ta cũng không còn giữ được yếu tố bất ngờ. Vì
vậy tiếp tục đánh vào Xuân Lộc là không lợi… Nếu ta chiếm ngã ba Dầu
Giây và giữ vững luôn… thì Xuân Lộc tự dưng mất hết tác dụng vì bị đặt
ra ngoài tuyến phòng thủ. Biên Hòa thì sẽ lập tức bị uy hiếp”9. Tất cả
nhất trí với phương án tác chiến này.
Để
chuẩn bị cho chiến dịch được đặt tên là Hồ Chí Minh, Quân đoàn I được
điều từ miền Bắc vào; Quân đoàn II thì vừa hành quân vừa tác chiến dọc
theo bờ biển. Tướng Trà viết: “Có đơn vị vào tới, nhưng đạn dược chưa
tới, có xe tăng đến nơi nhưng xăng dầu hết, đạn pháo chỉ còn một hai
viên, cần phải bổ sung chấn chỉnh.
Cán bộ tham mưu và hậu cần vùi đầu với công việc, mỗi ngày làm việc gấp mấy lần ngày thường. Nhưng tinh thần phơi phới”10.
Ngày
18-4, ông Lê Đức Thọ, đại diện Bộ Chính trị đã cùng Bộ Chỉ huy chiến
dịch duyệt lại kế hoạch lần cuối. Trước đó, trong Điện số 07, ông Lê
Duẩn viết: “Tôi đã bàn với anh Văn (Võ Nguyên Giáp), nhận thấy cần chuẩn
bị thêm mấy ngày nữa, đến khi phần lớn lực lượng của Quân đoàn III và
Quân đoàn I (cả bộ binh và binh khí kỹ thuật) đến nơi sẽ bắt đầu cuộc
tấn công lớn, chưa nên làm bây giờ”11. Rạng sáng ngày 21-4, các tuyến
phòng thủ cuối cùng của chính quyền Sài Gòn tại Xuân Lộc sụp đổ. Bốn
tiểu đoàn còn sống sót của Sư đoàn 18 quân đội Việt Nam Cộng hòa với
Tướng Tư lệnh Lê Minh Đảo đã phải thoát khỏi thành phố đổ nát ấy bằng
máy bay lên thẳng.
Đầu
tháng 4-1975, trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, khi các phóng viên
đặt vấn đề loại bỏ Nguyễn Văn Thiệu mở đường cho một chính phủ “có thể
nói chuyện với Hà Nội” lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Gerald Ford nói: “Tôi
không tin là tôi có quyền ra lệnh cho một nguyên thủ quốc gia được dân
bầu rời nhiệm sở”12. Tuy nhiên, hơn hai tuần sau, vào ngày 20-4-1975, cả
Tổng thống Gerald Ford và Ngoại trưởng Henry Kissinger đều đồng ý để
đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Graham Martin nói bóng gió với ông Thiệu về việc
nên “cân nhắc từ chức”.
Nhà
Trắng hy vọng với việc từ chức của ông Thiệu, Liên Xô có thể giúp nói
với miền Bắc đàm phán để có “thêm vài ngày sơ tán những người Việt Nam
có liên hệ với Mỹ”. “Với một điệu bộ khá lạnh lùng, Thiệu trả lời rằng
ông sẽ làm tất cả những gì tốt đẹp cho đất nước của ông”13. Tuy nhiên,
vào buổi trưa hôm sau, ngày 21-4- 1975, khi không còn Xuân Lộc, Tổng
thống Nguyễn Văn Thiệu triệu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm và Phó Tổng
thống Trần Văn Hương đến văn phòng, thông báo là ông từ chức. Chiều tối
hôm đó, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lên truyền hình công khai quyết định
của mình và giao quyền cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương.
Lúc
3 giờ 30 phút chiều ngày 22-4-1975, từ Hà Nội, một bức điện ký tên Bí
thư Thứ nhất Lê Duẩn được chuyển vào chiến trường: “Các anh ra chỉ thị
ngay cho các hướng hành động kịp thời, chú trọng kết hợp tấn công quân
sự và nổi dậy của quần chúng, sự hợp đồng giữa các hướng cũng như giữa
tiến công và nổi dậy sẽ thực hiện trong quá trình hành động. Nắm vững
thời cơ lớn, chúng ta nhất định giành toàn thắng”14.
Ngày
26-4-75, Tướng Văn Tiến Dũng, tư lệnh Chiến dịch, và Tướng Trần Văn Trà
di chuyển xuống Sở Chỉ huy tiền phương; hai ngày sau, Lê Đức Thọ và
Phạm Hùng tới. Đến lúc ấy thì tình hình đã ngã ngũ. Sài Gòn hoàn toàn bị
vây hãm. Phía Tây,Sư đoàn 5 của Đoàn 232 bắt đầu tấn công vào Sư đoàn
22, từ Tân An lên đến Cầu Voi; Trung đoàn 16 đánh chiếm cầu Bình Điền và
cầu An Lạc; hai Trung đoàn đặc công 115 và 117 chiếm Phú Lâm. Xa hơn về
phía tây, Lộ 4 bị cắt ở Cai Lậy.
Cũng
từ ngày 26-4, Sư đoàn 8 Quân khu VIII đã cắt hoàn toàn Lộ 4 đoạn từ ngã
ba Trung Lương lên giáp Tân An. Lực lượng Quân khu IX cũng khống chế
được đoạn Cái Vồn-Ba Càng. Con đường chiến lược độc nhất xuyên suốt đồng
bằng Cửu Long bị băm nát. Về phía Đông, Quân đoàn II ngày 26-4 cũng nổ
súng tấn công căn cứhuấn luyện thiết giáp Nước Trong, đánh chi khu Long
Thành; ngày 27-4 chiếm thị xã Bà Rịa. Đường 15 bị cắt đứt hoàn toàn.
Cùng đêm 26-4, Trung đoàn đặc công 116 bắt đầu đánh cầu xa lộ Đồng Nai;
Trung đoàn 10 đặc công đánh từ Phước Khánh đến ngã ba Đồng Tranh, khóa
chặt đường sông. Sân bay Biên Hòa bị bắn phá bằng pháo 130 ly. Ngày
23-4, sân bay Biên Hòa bị đóng cửa cùng lúc với tòalãnh sự Mỹ ở thị xã
Biên Hòa. Sài Gòn chỉ còn kiểm soát hai sân bay cuối cùng: Lộ Tẻ (Cần
Thơ) và Tân Sơn Nhất”15.
Tướng Big Minh
Đầu
tháng 4-1975, có những thông tin cho thấy người Mỹ quan tâm tới “phương
án Big Minh”. Tài liệu của CIA nói là ngày 2-4-1975, trùm CIA tại Sài
Gòn Thomas Polgar gửi một bức điện về Tổng Hành dinh đề xuất lật Thiệu
để đưa Dương Văn Minh lên thay, hy vọng thành lập được một chính phủ
liên hiệp “có khả năng làm chậm lại cuộc xâm lược của Bắc Việt”16. Theo
Polgar, trưởng đoàn Hungary trong Ủy ban Kiểm soát Bốn bên nói Hà Nội
cho biết nếu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bị loại thì Bắc Việt sẵn sàng
thương thuyết. Tại Dinh Hoa Lan (vốn là một dinh thự của Đức Từ Cung ở
số 3 Trần Quý Cáp, nay là Võ Văn Tần, được Tổng thống Ngô Đình Diệm ban
tặng cho Tướng Minh), nhóm ông Minh bắt đầu thảo luận về khả năng chấp
chính.
Đại
tướng Dương Văn Minh17 sinh năm 1916 tại Mỹ Tho. Cha ông, Đốc phủ sứ
Dương Văn Huề, có bảy người con. Em kế ông Minh, Dương Thanh Nhựt, “tập
kết” ra Bắc năm 1954. Ông Minh, vốn là một sỹ quan trong quân đội Pháp,
sau Cách mạng tháng Tám đã từng tham gia kháng Pháp. Từ năm 1960, Xứ ủy
Nam Bộ, khi ấy được lãnh đạo bởi ông Mười Cúc Nguyễn Văn Linh, đã yêu
cầu Cục trưởng CụcĐịch vận Võ Văn Thời giao nhiệm vụ cho Dương Thanh
Nhựt về Nam để tiếp cận với Dương Văn Minh. Tháng 3-1961, Dương Thanh
Nhựt, bấy giờ mang bí danh Mười Ty, về đến miền Nam, và tới tháng 8-1962
thì móc nối được với cậu ruột và vợ làSử Thị Hương.
Ngày
1-11-1963, Dương Văn Minh, người hùng của Ngô Đình Diệm, đã nhân danh
chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng phát lệnh đảo chính tổng thống.
Năm
1967, khi Dương Văn Minh đi Pháp, ông Mười Cúc cũng đã cử Mười Ty qua
Paris; trước đó, Mười Ty cũng được đưa qua Hồng Kông tìm Dương Văn Minh,
nhưng cả hai lần đều không gặp18.
Giữa
tháng 4-1975, tại một nhà hàng đặc sản của Tướng Mai Hữu Xuân nằm trong
rừng cao su trên xa lộ Đại Hàn có tên là Đường Sơn Quán, ông Dương
Văn Minh tổ chức họp mặt với đông đủ báo giới trong và ngoài nước, tuyên
bố “sẵn sàng thay Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu như một giải pháp tình
huống để tìm cơ hội hòa bình cho miền Nam”. Sau cuộc họp báo, ngày 17-4,
Đại sứ Pháp Jean Marie Mérillon đã đến Dinh Hoa Lan bằng xe có cắm quốc
kỳ Pháp. Hành động của ông Đại sứ được báo chí Sài Gòn bình luận là cố
tình vi phạm nguyên tắc ngoại giao nhằm công khai lập trường của Pháp
đối với tình hình chính trị miền Nam.
Sau
khi từ chức, ngày 21-4-1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và gia đình
vẫn sống trong Dinh Độc Lập. Phe đối lập và Đài Hà Nội liền gọi Sài Gòn
là “Chính phủ Thiệu mà không có Thiệu”. Cả Tổng thống tạm quyền Trần Văn
Hương và Tướng Big Minh đều đánh tiếng để Đại sứ Martin thu xếp đưa ông
Thiệu đi. Về mặt công khai, chuyến đi của ông Nguyễn Văn Thiệu và Đại
tướng Trần Thiện Khiêm là “công cán”.
Buổi
chiều ngày 25-4-1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu với sự tháp tùng của
một sỹ quan tùy viên, Trung tá Tôn Thất Ái Chiêu, đi một vòng “hậu
dinh”, nơi ở của gia đình ông, và chỉ ra yêu cầu chuẩn bị đồ đạc cá nhân
để đưa về tư gia. Sau đó, ông đến văn phòng tổng thống. Sỹ quan tùy viên
của ông Hương nói “Tổng thống đang họp”. Ông Thiệu đưa cho viên sỹ quan
một phong thư, dặn khi nào Tổng thống họp xong thì trình.
Theo
ông Nguyễn Đức Từ, một trợ tá và là em rể họ của ông Thiệu, bức thư
viết: “Thưa cụ, theo chỉ thị của cụ, tôi và Đại tướng Trần Thiện Khiêm
đi giải độc tại các quốc gia bạn, cùng với đoàn tùy tùng gồm: Đại tá
Đức, Đại tá Thiết, Đại tá Diên, Trung tá Chiêu…”. Sau đó, ông Nguyễn Văn
Thiệu cùng tùy tùng đến nhà Tướng Khiêm ở Bộ Tổng Tham mưu; tại đây,
một tiệc nhẹ đã dọn sẵn. Ăn xong, Tướng Nguyễn Văn Thiệu cùng Trung tá
Chiêu đi bộ về nhà, cũng trong khuôn viên Bộ Tổng. Khi họ quay lại thì
bàn ăn nhà Tướng Khiêm đã được dùng làm bàn thủ tục cho chuyến bay.
Khoảng
9 giờ tối, ông Nguyễn Văn Thiệu cùng tùy tùng được đưa ra phi trường
bằng ba chiếc xe do hai sỹ quan CIA lái. Đoàn xe ra khỏi cổng Bộ Tổng
Tham mưu, thay vì rẽ phải vào phi trường, đã rẽ trái đi ngược ra Sài
Gòn, vào Chợ Lớn, qua trường đua Phú Thọ, Lăng Cha Cả… qua cổng Phi
Long, Bộ Tư lệnh Không quân, theo đường ngược chiều chạy vào sân bay.
Tại “cổng nhà kính” của Không quân, đèn tắt, không có nhân viên Việt Nam
nào làm việc, chỉ có thủy quân lục chiến và quân cảnh Mỹ. Sau khi nhận
tín hiệu bằng đèn pin, đoàn xe đi qua, chạy thẳng tới cầu thang một chiếc
máy bay C-118. Ở đó, Đại sứ Mỹ Martin đã đứng chờ đưa tiễn. Đêm ấy,
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bay đi Đài Loan19.
Những
ngày ấy, trong Dinh Hoa Lan, theo mô tả của một người kề vai sát cánh
với ông Dương Văn Minh, Dân biểu đối lập Hồ Ngọc Nhuận, là “những ngày
dài như vô tận”. Tổng thống tạm quyền Trần Văn Hương, người trước đó
được Tướng Nguyễn Văn Thiệu phong hàm “hạ sỹ danh dự” đã “quyết tử thủ
dù Sài Gòn có phải tắm máu”. Tướng Big Minh nói với Dân biểu Hồ Ngọc
Nhuận: “Toa (anh) làm thế nào đó thì làm, nếu ông Hương cứ kéo dài hoài
thì moa (tôi) không nhận đâu!”. Ông Hồ Ngọc Nhuận hiểu đại từ tiếng Pháp
“toi” mà ông Tướng nói là nhằm chỉ ông Nhuận và nhóm dân biểu đối lập
đang “quậy” ở Quốc hội để ông Hương từ chức. Nghe ông Tướng nói “moa
không nhận”, Dân biểu Hồ Ngọc Nhuận nghĩ tới cái ghế tổng thống mà tới
giờ đó “ai cũng thấy là không còn cái chân nào”, ông Nhuận xót xa nghĩ:
“Ông Tướng đã từng muốn xua đi chén đắng để cuối cùng chấp nhận uống
chén đắng cho tới cặn sao”20.
Sau
đó, trong một cuộc họp ở Dinh Hoa Lan, Dân biểu Hồ Ngọc Nhuận khuyên
Tướng Big Minh “thôi”. Ông Dương Văn Minh ngạc nhiên: “Giờ này mà toa
còn nói đâm bang!”. Ông Hồ Ngọc Nhuận bỏ phòng họp lên sân thượng. Dân
biểu Dương Văn Ba sau đó theo lên nói: “Anh đừng buồn”. Ông Hồ Ngọc
Nhuận nói: “Nếu ông Tướng nhận, người ta sẽ làm nhục, giờ này thì chỉ có
đầu hàng thôi. Cho dù lâu nay hoạt động của chúng ta có gián tiếp tiếp
tay cho họ (phía Cách mạng), nhưng tôi không muốn đứng trong hàng ngũ
những người sẽ bị họ bắt quỳ gối, đầu hàng”. Kể từ đó, ông Nhuận không
tham gia các cuộc họp bàn thành lập “nội các” nữa, cho dù nhiều người
muốn ông Nhuận, người đã từng là quận trưởng Quận 8 và đang là một dân
biểu đối lập hàng đầu, ra tay “giúp ông Tướng” mà nhận lãnh vai trò “đô
trưởng”.
Ngày
27-4-1975, Quốc hội Sài Gòn nhóm họp. Chỉ còn 136 nghị sỹ trên tổng số
219 của lưỡng viện có mặt, phần đông trong số họ đã di tản ra nước
ngoài. Bộ trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn và Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn
Viên đã đến để thuyết trình tình hình chiến sự. Mãi tới 8 giờ 54 phút
tối hôm ấy, các nghị sỹ mới biểu quyết thông qua nghị quyết: “Yêu cầu
ông Trần Văn Hương trao quyền cho Tướng Dương Văn Minh để mưu cầu hòa
bình cho dân tộc”.
Ngày
28-4, Tướng Dương Văn Minh chính thức công bố thành phần chính phủ:
Luật sư Nguyễn Văn Huyền, cựu chủ tịch Thượng viện, giữ chức phó tổng
thống; luật sư Vũ Văn Mẫu giữ chức thủ tướng. Nội các còn có thêm một
thành viên chính thức nữa là Tổng trưởng Thông tin Lý Quý Chung.
Quyết
định đầu tiên của Đại tướng Dương Văn Minh là ký Văn thư số 33/TT/VT
“mật – hỏa tốc” với nội dung: “Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. Kính gửi
ông Đại sứ Hoa kỳ tại Việt Nam. Thưa ông Đại sứ. Tôi trân trọng yêu cầu
ông Đại sứ vui lòng ra chỉ thị cho các nhân viên của cơ quan tùy viên
quân sự DAO rời khỏi Việt Nam trong vòng hai mươi bốn giờ đồng hồ kể từ
ngày 29-4-1975 để vấn đề hòa bình Việt Nam sớm được giải quyết. Trân
trọng kính chào ông Đại sứ. Sài Gòn ngày 28-4-1975. Ký tên: Đại tướng
Dương Văn Minh”.
Trại Davis
Sáng
29-4-1975, một người bạn cùng sinh hoạt tôn giáo với Phó Tổng thống
Nguyễn Văn Huyền là nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu chủ động gặp ông
Huyền hỏi: “Chính quyền ông Dương Văn Minh thành lập được nói là để hòa
giải dân tộc, vậy các anh đã tiếp xúc gì với phía bên kia chưa?”. Phó
Tổng thống Nguyễn Văn Huyền nói chưa, và đề nghị ông Nguyễn Đình Đầu vào
trại Davis gặp đại diện Cách mạng có mặt ở đó với tư cách là thành viên
thuộc Ủy Ban Liên lạc Bốn bên theo Hiệp định Paris.
Từ
năm 1939, ông Nguyễn Đình Đầu hoạt động trong phong trào Thanh Lao
Công, một tổ chức của lực lượng thanh niên Công giáo. Tại đó, ông gặp
ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên giám đốc Kinh tế Bắc kỳ trong chính phủ thân
Nhật của ông Phan Kế Toại, người được ông Võ Nguyên Giáp tiến cử làm bộ
trưởng Kinh tế sau Cách Mạng tháng Tám. Ông Hà chọn ông Nguyễn Đình Đầu
làm bí thư Bộ, một trong bốn viên chức chính trị của Bộ21.
Phái
đoàn vào trại Davis hôm 29-4-1975 gồm ông Nguyễn Văn Diệp, ông Nguyễn
Đình Đầu, Kỹ sư Tô Văn Cang và ông Nguyễn Văn Hạnh. Dọc đường đi họ gặp
rất nhiều trở ngại do binh lính cản đường. Ở trại Davis, một cán bộ Cách
mạng tiếp họ nhưng nói là Phái đoàn Chính phủ Cách mạng không có nhiệm
vụ tiếp xúc. Nhưng khi trao đổi không chính thức, vị cán bộ này gợi ý:
chỉ cần các ông chấp nhận “Tuyên bố ngày 26-4-1975 của Chính phủ Cách
mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam”22.
Trở
về từ trại Davis, ông Diệp báo cáo với Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền.
Sau khi có tranh luận trong nội bộ Chính phủ, ông Nguyễn Văn Diệp và
ông Nguyễn Đình Đầu về nhà ông Diệp cùng soạn thảo bản tuyên bố “Chấp
nhận Điều kiện Ngừng bắn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam”. Dự
thảo viết xong lúc 16giờ và ngay sau đó được “Phó Tổng thống đặc trách
đàm phán” Nguyễn Văn Huyền trình lên Tổng thống. Tướng Dương Văn Minh
chấp thuận. Ông Nguyễn Văn Huyền đã công bố bản này trên Đài Phát thanh
Sài Gòn vào lúc 17 giờ ngày 29-4-1975. Cũng trong ngày 29-4, sau bữa cơm
trưa, Luật sư Trần Ngọc Liễng, một người hoạt động trong lực lượng thứ
ba, tới Dinh Hoa Lan gặp Tổng thống Dương Văn Minh. Ông Liễng, một người
của phía Cách mạng, thông báo với ông Minh về “bốn giàn pháo của quân
Giải phóng đặt quanh Sài Gòn” và nói: “Nếu anh chấp nhận không chống cự
thì tôi lên ngay trại Davis báo ý này với phái đoàn Chính phủ Cách mạng
Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và yêu cầu họ không pháo kích vào
Sài Gòn, tránh cho nhân dân khỏi bị chết chóc, Sài Gòn không đổ nát”.
Ông Minh suy nghĩ rồi nói: “Liễng đi đi”.
Khoảng
15 giờ, “sứ bộ” thứ hai gồm Luật sư Trần Ngọc Liễng, Linh mục Chân Tín,
Giáo sư Châu Tâm Luân vào trại Davis. Trưởng Phái đoàn Chính phủ Cách
mạng Võ Đông Giang ra tiếp, nhận thông điệp “Sài Gòn không chống cự” từ
ông Liễng. Do tình hình chiến sự, ông Võ Đông Giang đã giữ “sứ bộ” ở lại
trại Davis cho tới khi quân Giải phóng vào đến Sài Gòn. Trước đó, một
người trong nhóm của Luật sư Trần Ngọc Liễng đã được tiến cử để Tổng
thống Dương Văn Minh bổ nhiệm vào chức giám đốc Nha Cảnh sát Đô thành:
ông Triệu Quốc Mạnh, chánh Biện lý Gia Định, một “đảng viên cộng sản nằm
vùng”. Trong ngày 29-4, Triệu Quốc Mạnh đã kịp thi hành triệt để lệnh
của tổng thống: thả hết tù chính trị.
Nguyễn Hữu Hạnh
Trong
khi ấy, từ Cần Thơ, Chuẩn tướng hồi hưu Nguyễn Hữu Hạnh lặng lẽ theo
dõi tình hình, nhận thấy đây là cơ hội cuối cùng để mối quan hệ âm thầm
với Cách mạng gần chục năm qua mang về kết quả. Ông Hạnh với ông Minh đã
có hơn ba mươi năm biết nhau trên nghĩa thầy trò. Ngày đăng lính, ông
Nguyễn Hữu Hạnh được người Pháp đưa vào một đơn vị nơi ông Dương Văn
Minh là thiếu úy đại đội phó. Sau ba tháng huấn luyện với sự dìu dắt
trực tiếp của ông Minh, ông Hạnh được phong trung sỹ. Trong chiến dịch
Thoại Ngọc Hầu, truy quét quân Bình Xuyên năm 1956, ông Minh bổ nhiệm
ông Hạnh giữ chức tham mưu trưởng chiến dịch.
Ông
Hạnh có một người bác, nhưng nhỏ tuổi hơn ông, ông Nguyễn Tấn Thành –
thường gọi là Tám Vô Tư. Ông Nguyễn Tấn Thành “trụ” lại ở miền Nam,
trong khi con
trai của ông, Nguyễn Tấn Phát23, được đưa ra miền Bắc. Mấy lần ông Tám
Vô Tư bị chính quyền Sài Gòn bắt, ông Nguyễn Hữu Hạnh đều khéo léo sử
dụng quyền lực và
các mối quan hệ để cứu ra. Khi ba của ông Nguyễn Hữu Hạnh mất, ông Hạnh
muốn đưa về an táng ở quê lúc bấy giờ nằm trong vùng kiểm soát của quân
Giải phóng, ông Tám Vô Tư lại đứng ra “dàn xếp”. “Ổng khéo lắm”, Chuẩn
tướng Nguyễn Hữu Hạnh nhớ lại. Dần dần, ông Nguyễn Hữu Hạnh nhận ra bác
mình, ông Tám Vô Tư, đang thực hiện một kế hoạch “binh vận” do ông Bảy
Lương, tức Lê Quốc Lương24, phụ trách.
Tướng
Nguyễn Hữu Hạnh tỏ ra hợp tác; tuy nhiên, ông khôn khéo từ chối lời đề
nghị “ra căn cứ dựng cờ sỹ quan yêu nước trong Mặt trận Giải phóng”, từ
chối tham gia lực lượng thứ ba, và từ chối tiếp xúc với “anh em Cách
mạng”. Tướng Nguyễn Hữu Hạnh nói với ông Tám Vô Tư: “Ông bị bắt, tôi
cứu, tôi mà bị bắt không ai cứu được”. Giữa năm 1974, Tổng thống Nguyễn
Văn Thiệu cho Nguyễn Hữu Hạnh về hưu; ông về Cần Thơ, gặp gỡ binh vận
nhiều hơn nhưng vẫn không chịu “đi hẳn theo Cách mạng”. Tuy nhiên, khi
thế cờ đã gần như ngã ngũ, đặc biệt, khi thấy ông thầy Dương Văn Minh
nhảy ra chấp chính, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh quyết định nắm lấy cơ
hội cuối cùng.
Ông
kể: “Sáng 29-04-1975 tôi đến gặp ông Minh tại nhà riêng, văn phòng khi
ấy vẫn còn ở nhà ông, số 3 Trần Quý Cáp. Trung tướng Mai Hữu Xuân, phụ
trách sự vụ nói với tôi: Đại tướng bận họp, Chuẩn tướng chờ một chút.
Ông Dương Văn Minh là một con người kín đáo, trầm lặng, nhưng lúc này
trên gương mặt ông cũng lộ rõ vẻ suy nghĩ lo âu. Một sĩ quan tùy viên
vào trình có Đại sứ pháp đến. Tôi sang phòng bên để ông Minh và ông
Huyền tiếp Mérillon nhưng vẫn nghe được tiếng của Đại sứ Mérillon thông
báo là Tổng trưởng Ngoại giao Pháp đã liên lạc với Hà Nội về vấn đề
thương thuyết, nhưng Hà Nội trả lời ‘Rất tiếc là đã quá trễ’.
Hai
ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu tiếp tục trao đổi sau khi Mérillon ra
về. Họ quyết định tuyên bố thả hết tù chính trị. Tôi hỏi ông Dương Văn
Minh: ‘Thưa Đại tướng, còn về tình hình quân sự ra sao?’. Ông Minh nói:
‘Toa là quân nhân không đi xem còn hỏi gì?’ Là tổng tư lệnh quân đội,
nhưng lúc bấy giờ ông Minh cũng không nắm nổi tình hình mà còn phó thác
cho Trung tướng Đồng Văn Khuyên phụ trách mọi việc ở Bộ Tổng tham mưu.
Tôi thấy lúc này cần phải nắm lấy việc chỉ huy quân đội và tôi đoán thế
nào ông Minh cũng trao việc này cho tôi. Tôi nói: ‘Tôi về hưu rồi đi coi
sao được. Đại tướng có cho quyền thì tôi mới đi’. Ngay lúc đó ông Minh
phái tôi đến Bộ Tổng Tham mưu xem xét tình hình quân sự”.
Ông
Nguyễn Hữu Hạnh chưa kịp về tới nhiệm sở thì Tổng Tham mưu trưởng Cao
Văn Viên và Tướng Nguyễn Văn Minh, tư lệnh Biệt khu Thủ đô, đã bỏ ra
nước ngoài. Trung tướng Vĩnh Lộc được cử giữ chức tổng tham mưu trưởng,
Thiếu tướng Lâm Văn Phát giữ chức tư lệnh Biệt khu Thủ đô. Tướng Vĩnh
Lộc trao cho ông Nguyễn Hữu Hạnh bộ đồ quân phục của một đại úy và cho
ông cặp quân hàm chuẩn tướng. Chân ông Hạnh đi giày quân sự nhưng đầu
thì không mũ, Tướng Vĩnh Lộc nhìn, lắc đầu, chửi thề rồi nói: “Bây giờ
chúng nó chạy như chuột”.
Tình
hình ở Bộ Tham mưu rối ren, bế tắc. Theo Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, khi ông
Minh gọi Tướng Vĩnh Lộc tới nhà, cử ông làm tổng tham mưu trưởng, thì
Tướng Vĩnh Lộc từ chối: “Đại tướng giao cho Ngô Quang Trưởng đi, sớm nay
tôi còn thấy nó ở Tổng Tham mưu”. Quân đoàn I của Tướng Trưởng vừa bị
đánh tan tác ở Huế và Đà Nẵng, Tướng Trưởng vừa mới chạy tới Sài Gòn.
Dương Văn Minh không đồng ý.
Nhân
khi ông Minh rời phòng khách, Tướng Nguyễn Hữu Hạnh cố thuyết phục Vĩnh
Lộc chấp nhận. Tướng Vĩnh Lộc lên nắm quyền nhưng vẫn sắp xếp cho gia
đình chuẩn bị “di tản”. Ông Hạnh nhớ lại: “Cái chức ấy bao năm qua nhiều
kẻ đã phải giành giật nhau, vậy mà bấy giờ không ai muốn nhận nữa”.
Sài Gòn trong vòng vây
Theo
Henry A. Kissinger, cuối tháng 4-1975, người Mỹ đã hoàn thành phần lớn
việc di tản, kể cả hơn một trăm nghìn người Việt Nam có thể bị nguy hiểm
do đã cộng tác với người Mỹ. Ngày 22-4-1975, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã “chấp
thuận yêu cầu” của Tổng thống Gerald Ford, đồng ý gỡ bỏ những điều kiện
hạn chế (extend parole) cho “khoảng 130,000 dân tị nạn đến từ Đông
dương, trong đó có 50,000 người thuộc diện nguy cơ cao”. Đây là lần thứ
hai Bộ Tư pháp Hoa Kỳ “chấp thuận một trường hợp ngoại lệ” (lần đầu, năm
1960, được dành cho “dân tị nạn Cuba”).
Từ
ngày 21-4, các máy bay, C-141 vào ban ngày và C-130 vào ban đêm, liên
tục cất cánh từ Sài Gòn, đưa “khoảng 50.000 người Việt nam” ra đi. Hơn
80.000 người Việt Nam khác “với sự trợ giúp của Mỹ chạy thoát bằng các
phương tiện khác”.
Tuy
nhiên, vào 4 giờ sáng ngày 29-4, khi quân Giải phóng tấn công bằng tên
lửa vào sân bay Tân Sơn Nhất, 8.000 người Việt nam và 400 người Mỹ vẫn
còn đang tập trung ở đó để chờ lên máy bay. Cuộc sơ tán đã phải tạm
ngưng vì đám đông hoảng loạn. Trong ngày hôm ấy, Sài Gòn chứng kiến
những đợt rút chạy cuối cùng của phái bộ Mỹ, trực thăng lên xuống ầm ĩ
trên vùng trời Tân Sơn Nhất, binh sĩ dưới đất bắn lên, tức giận.
Ba
giờ chiều ngày 29-04-1975, tình hình quân sự được báo cáo về Bộ tổng
tham mưu Sài Gòn: Hướng Củ Chi, Sư đoàn 25 của Chuẩn tướng Lý Tòng Bá
thất thủ vào chiều 28-04-1975 sau khi căn cứ Đồng Dù bị mất. Ở Biên Hòa,
Trung tướng Toàn cho biết: trong ngày 28-04-1975, lúc 18 giờ 10 phút,
Việt Cộng dùng xe tăng đánh chiếm chi khu Long Thành; 18 giờ 50 phút mất
tỉnh lị Bà Rịa; 19 giờ 30 phút Biên Hoà bị bao vây ba mặt.
Tối
29-04-1975, Thiếu tướng Lê Minh Đảo nói với Tướng Nguyễn Hữu Hạnh ông
đang bị bọc hậu và xin rút về bên này sông Đồng Nai để cố thủ. Theo ông
Hạnh thì giọng Tướng Lê Minh Đảo lạc đi. Cách đó mới hơn một tuần, Tướng
Đảo tuyên bố “Cố thủ Xuân Lộc”, nhưng rồi Sư đoàn 18 đã phải rút chạy.
Trong khi đó, ở Sư 22 đóng tại Tân An, Chuẩn tướng Phan Đình Niệm đã bỏ
trốn. Hướng Thủ Dầu Một do Sư 5 trấn giữ đã bị chọc thủng đêm
29-04-1975, liên lạc bị cắt đứt.
Khi
quân Giải phóng tràn đến Hố Nai, Sư đoàn 18 và Lữ đoàn 5 thiết giáp lập
tuyến phòng thủ bên này sông Đồng Nai. Đêm 29-04-1975, nhiều đoàn xe
của quân Giải phóng từ phía Hóc Môn đã tiến về Sài Gòn. Tư lệnh Biệt khu
Thủ đô cho biết đã lập xong kế hoạch phản công. Theo Chuẩn tướng Nguyễn
Hữu Hạnh, muốn kéo dài sự phòng thủ thì cần chỉ thị sắp xếp quân lại.
Tuy nhiên, ông đã không bàn với Tướng Vĩnh Lộc việc này. Theo chỉ thị
của Tổng thống Dương Văn Minh, “không được di chuyển quân để chờ ông
thương thuyết”.
Trước
khi về gặp tổng thống, ông Nguyễn Hữu Hạnh trình bày tình hình quân sự
với Trung tướng Vĩnh Lộc và Trung tướng Nguyễn Hữu Có: “Phía Tân Sơn
Nhất quân của Biệt khu Thủ đô đang chạm súng với Việt Cộng. Có thể họ sẽ
giữ nổi nhưng phải chịu thiệt hại nhiều về người và vật chất. Tuy nhiên
phía Biên Hòa và Thủ Dầu Một, Quân đoàn III không còn; chỉ huy các đơn
vị của họ, Trung tướng Toàn đã bỏ chạy; Sư đoàn 18 và Lữ đoàn 5 thiết
giáp kẹt ở tuyến sông Đồng Nai. Hướng Thủ Dầu Một bị bỏ ngỏ. Một đoàn
chiến xa của Việt Cộng đang tiến về Sài Gòn. Mặt trận phía này chúng ta
không có quân xung kích mà chỉ có lực lượng phòng thủ. Tôi e trong thời
gian ngắn nữa chúng ta sẽ không thể gỡ nổi”. Theo ông Nguyễn Hữu Hạnh:
“Nghe xong, Tướng Vĩnh Lộc biến đổi sắc mặt, vội cầm lấy điện thoại báo
cáo với ông Dương Văn Minh. Sau đó Vĩnh Lộc bắt tay tôi, đó là cái bắt
tay cuối cùng”. Tám giờ sáng 30-04-1975, viên tướng dòng dõi hoàng tộc
này đã cùng gia đình “di tản” bằng đường thủy.
Ông
Nguyễn Hữu Hạnh nhớ lại: “Tôi và Tướng Nguyễn Hữu Có chạy đi tìm xe,
tài xế đã bỏ đi mất. Tướng Có phải gọi điện thoại về nhà đưa chiếc xe
riêng đón chúng tôi đến nhà ông Dương Văn Minh lúc 6 giờ sáng. Gặp ông
Minh, Tướng Có trình bày lại toàn bộ tình hình quân sự như tôi đã nói.
Ông Minh trầm ngâm. Tôi nói thêm: ‘Tình hình rất nguy ngập, xin Đại tướng
quyết định gấp’. Ông Minh quay lại hỏi: ‘Bây giờ toa muốn gì?’ Tôi nói:
‘Thưa Đại tướng quyền chính trị là ở Đại tướng, riêng về quân sự thì Đại
tướng phải giải quyết, tình hình quá nguy ngập không cho phép chúng ta
chần chừ nữa’. Ông Minh suy nghĩ trầm ngâm một hồi rồi nói: ‘Thôi để tôi
đi bàn với ông Huyền và ông Mẫu, các toa ngồi đây đợi’. Tôi đề nghị
được đi theo, ông Minh đồng ý”.
Ông
Minh và ông Hạnh tới Phủ Thủ tướng, số 7 đường Thống Nhất (nay là đường
Lê Duẩn). Trên đường đi họ chứng kiến sự hốt hoảng của dân chúng, tại
tòa đại sứ Mỹ có nhiều kẻ đang hôi của. Đại sứ Mỹ Martin rời khỏi Sài
Gòn vào lúc 4 giờ 58 phút sáng 30-4-1975. Tuy nhiên, chuyến trực thăng
cuối cùng rời khỏi tòa Đại sứ Mỹ, theo Ngoại trưởng Kissinger, là vào
lúc 8 giờ 53 phút sáng 30-4, để sơ tán 129 lính thủy đánh bộ bảo vệ cuộc
di tản ở tòa Đại sứ.
Ông
Dương Văn Minh yêu cầu cho xe đón ông Huyền và ông Mẫu. Xe riêng của
tổng thống đã đón ông Nguyễn Đình Đầu trước khi qua nhà ông Nguyễn Văn
Huyền. Ông Đầu thuật lại, trên đường đi đến số 7 Thống Nhất, ông Huyền
có nói với ông Đầu một câu bằng tiếng Pháp “Il faut se rendre”(phải đầu
hàng).
Tình
hình chiến sự mỗi phút càng nguy ngập. Lúc 8 giờ sáng 30-4, ba ông
Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền và Vũ Văn Mẫu không còn lựa chọn nào
hơn là đơn phương tuyên bố “bàn giao chính quyền cho Chính phủ Cách mạng
Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam”. Ông Vũ Văn Mẫu soạn lời tuyên bố
mất khoảng một tiếng đồng hồ; 9 giờ ông Minh đọc vào máy ghi âm, và lúc 9
giờ 30 phút lời tuyên bố này được phát đi trên sóng. Những người như
ông Võ Văn Kiệt như trút được gánh nặng khi nghe được tuyên bố này phát
trên đài Sài Gòn.
Vào
khoảnh khắc Bản Tuyên bố bàn giao chính quyền sắp được đọc vào máy ghi
âm, trước 9 giờ ngày 30-04-1975, Tướng Vannuxem đến Phủ Thủ tướng gặp
ông Nguyễn Hữu Hạnh nhờ ông Hạnh đưa vào gặp ông Minh, khi đó đang ngồi
trong phòng khách với ông Nguyễn Văn Huyền và ông Vũ Văn Mẫu. Vannuxem
là thiếu tướng người Pháp đã hồi hưu, thân Mỹ và thân cả Tổng thống
Nguyễn Văn Thiệu và Tướng Cao Văn Viên. Vannuxem đi ngay vào câu chuyện:
“Tôi ở Paris mới đến, trước khi đi có gặp nhiều nhân vật, kể cả đại sứ
Trung Cộng”. Rồi Vannuxem yêu cầu ông Minh kéo dài cuộc chiến ít nhất
hai mươi bốn tiếng đồng hồ, tuyên bố bỏ
Mỹ
đi với Bắc Kinh. Theo ông Vannuxem, làm như vậy Bắc Kinh sẽ gây áp lực
với Hà Nội để ngưng chiến tại miền Nam. Ông Minh không đồng ý. Khi
Vannuxem về rồi, ông Dương Văn Minh nói: “Mình đã lỡ đi với Mỹ, bây giờ lại bán nước cho Trung Cộng sao”.
Theo
kế hoạch thì chính phủ của Thủ tướng Vũ Văn Mẫu sẽ “ra mắt” vào lúc 10
giờ sáng 30-4-1975, nhưng khi các nhân vật của chính phủ cũ và mới đến
số 7 Thống
Nhất thì họ nghe được Tuyên bố Bàn giao Chính quyền. Nhiều người trong
số họ đã di chuyển sang Dinh Độc Lập không phải để tuyên thệ mà để chờ
đợi.
Trong
thời gian ấy, Tướng Nguyễn Hữu Hạnh mang Tuyên bố Bàn giao Chính quyền
của Tống thống Dương Văn Minh và Chỉ thị buông súng của Phụ tá Tổng Tham
mưu trưởng Nguyễn Hữu Hạnh sang phát trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Khi
Tướng Hạnh trở lại Phủ Thủ tướng thì nơi đây đã hoàn toàn vắng lặng. Ông
Hạnh chạy đến nhà ông Dương Văn Minh ở số 3 Trần Quý Cáp thì được biết
ông Minh và gia đình đã vào Dinh Độc Lập. Ông Hạnh đến Dinh Độc Lập.
Ngoài đường lúc ấy im phắc. Ông Nguyễn Hữu Hạnh vào Dinh bằng cổng
chính, cổng Dinh mở, không lính gác.
Trước
thềm Dinh, ông Hạnh thấy một xe Jeep và một xe GMC đầy lính vũ trang.
Tướng Hạnh hỏi một sỹ quan đeo lon trung úy mới biết Thiếu tá Tiểu đoàn
trưởng Tiểu đoàn Lôi Hổ phòng thủ Tân Sơn Nhất đang gặp ông Minh ở tầng
một Dinh Độc Lập. Tướng Nguyễn Hữu Hạnh định về Bộ Tổng tham mưu, nhưng
ông Minh giữ lại. Vừa lúc, điện thoại tại phòng làm việc của Chánh văn
phòng Tổng thống reng. Một thiếu tá xin gặp Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh.
Đó là Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Lôi Hổ phụ trách phòng thủ Bộ
Tổng tham mưu.
Viên
thiếu tá hỏi: “Chuẩn tướng bảo chúng tôi buông súng là làm sao? Tôi
không đầu hàng đâu, tôi đã bắn cháy ba xe tăng”. Tướng Nguyễn Hữu Hạnh
giải thích và khuyên: “Thiếu tá không nên để cho máu đổ ở giờ thứ 25”.
Viên thiếu tá yêu cầu nói chuyện với Tổng thống, Tướng Hạnh mời ông Minh
đến, nhưng câu chuyện chưa xong thì chiếc tăng 843 xuất hiện. Ông Minh
nói: “Quân Giải phóng đã vào tới Dinh rồi, thôi cúp”.
Xe tăng 390
Lúc
đó là 10 giờ 45 phút ngày 30-4-1975. Trước đó ít phút, khi Tiểu đoàn
trưởng Lôi Hổ phòng thủ Tân Sơn Nhất bỏ đi, một dân biểu thuộc lực lượng
thứ ba, Trung tá Nguyễn Văn Binh, đã cẩn thận đóng cổng Dinh Độc Lập.
Hành động này của Trung tá Nguyễn Văn Binh đã điều chỉnh một chi tiết
trong lịch sử: Chiếc tăng 843 đi
theo đường Thống Nhất từ Sở Thú tới trước rồi dừng lại trước cổng phụ
trong khi xe tăng 390 tới sau, nhưng hùng dũng húc đổ cổng chính Dinh
Độc Lập, cánh cửa cuối cùng của cuộc chiến.
Vào
lúc 9 giờ 30 phút sáng 30-4, khi ở phía Tây Sài Gòn, ông Võ Văn Kiệt ra
lệnh “giản chính đồ đạc”, ở phía Đông, Trung tá Bùi Văn Tùng, chính ủy
Lữ đoàn tăng
203, cũng nghe được tuyên bố của Tướng Dương Văn Minh qua chiếc radio
mà ông luôn đeo bên người. Phía sau ông, Tư lệnh Quân đoàn II, Tướng
Nguyễn Hữu An,
luôn theo sát đốc chiến. Họ như những người lính xung trận linh cảm
được chiến thắng, càng nóng lòng hơn khi có thể “sờ” thấy ở phía trước
mục tiêu cuối cùng.
Đêm
29-4, Tướng Nguyễn Hữu An gửi thư cho Lữ đoàn 203. Bức thư được Trung
tá Bùi Tùng ghi chú “Nhận lúc 24 giờ ngày 29-4-1975” viết: “Anh Tài và
Tùng. Bảy chiếc
tăng và một bộ phận bộ binh đã đến cầu xa lộ Biên Hòa gặp bộ phận đặc
công của 116 giữ đã hai ngày nay. Tình hình như vậy là thuận lợi do đó
phải mạnh dạn tiến lên, đừng để bọn tàn binh lẻ tẻ nó cản trở. Cố gắng
đưa toàn bộ đội hình của các anh qua bên Tây cầu đêm nay và độ 3-4 giờ
sáng 30-4 là ta xốc được tới Sài Gòn chiếm xong cầu Rạch Chiếc và Tân
Cảng đến cầu Sài Gòn. Tôi đã nói anh Ân cho 2D (tiểu đoàn) của E9 tràn
về phía cầu xa lộ Biên Hòa. Các anh thi hành khẩn trương và giữ liên lạc
với tôi thường xuyên. Mục tiêu vào Sài Gòn là Dinh Tổng thống – Đài
Phát thanh, BTL (Bộ Tư lệnh) Hải quân, ngân hàng, phủ đặc ủy trung ương
tình báo./An”.
Trước
đó, vào lúc 10 giờ ngày 29-4-1975, ngay sau khi Tổng thống Dương Văn
Minh ra lệnh cho quân đội Sài Gòn ngừng di quân, Bộ Chính trị điện: “Gửi
anh Sáu, anh Bảy, anh Tư, / Đồng điện anh Tấn,/Bộ Chính trị và Quân uỷ
đang họp thì được tin Dương Văn Minh ra lệnh ngừng bắn. Bộ Chính trị và
Quân uỷ Trung ương chỉ thị: Các anh ra lệnh cho quân ta tiếp tục tiến
công vào Sài Gòn theo kế hoạch; tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất,
giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí toàn bộ quân đội
địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự
chống cự của chúng. Công bố đặt thành phố Sài Gòn-Gia Định dưới quyền
của Uỷ Ban Quân Quản do tướng Trần Văn Trà làm chủ tịch. Sẽ có điện
tiếp, nhận được điện trả lời ngay. Ba”25.
Rạng
sáng ngày 30-4-1975, những chiếc tăng đầu tiên của Lữ đoàn 203 chạy đến
căn cứ Nước Trong, Long Khánh. Lúc bấy giờ, Thiếu úy Lê Văn Phượng,
trưởng xe 390, vẫn chưa biết chiếc tăng T59 của mình sẽ đi vào lịch sử.
Sống chết vẫn còn gang tấc. Khi cho xe dừng lại định nấu cơm bên một bìa
rừng cao su, pháo thủ số hai của tăng 390, Đỗ Cao Trường, bị một toán
thủy quân lục chiến núp trong vườn cao su bắn bị thương. Thiếu úy Phượng
ra lệnh quay nòng pháo vào vườn cao su, bắn cho tới khi toán thủy quân
lục chiến rút hết. Họ để Đỗ Cao Trường ở lại cho du kích rồi bốn anh em
lên xe tiến về Sài Gòn. Tới ngã tư Hàng Xanh, những chiếc tăng phải chạy
lòng vòng để tìm đường.
Trước
đó không lâu, trong một cánh rừng cao su, Trung tướng Lê Trọng Tấn giao
nhiệm vụ cho Quân đoàn IV: “đánh chiếm mục tiêu quan trọng nhất”. Tướng
Nguyễn Hữu An, tư lệnh Quân đoàn II, hỏi: “Nếu Quân đoàn II vào trước
có được đánh chiếm mục tiêu quan trọng nhất không?”. Tướng Lê Trọng Tấn
gật đầu. Ngày 24-4, cũng tại một vườn cao su ở Long Thành, Tướng Nguyễn
Hữu An đặt vấn đề với Lữ đoàn 203: “Cậu Tài (Trung tá Nguyễn Tất Tài, lữ
trưởng 203) tốt nghiệp ở Liên Xô, cậu Tùng tốt nghiệp Học viện Thiết
giáp Trung Quốc, các cậu biết rõ Liên Xô khi kết thúc Thế chiến thứ II
đã dùng một sư đoàn tăng để tấn công vào sào huyệt cuối cùng. Tại sao
mình có một lữ tăng, mình không vào Dinh Độc Lập?”. Ngay sau đó, trong
khi “mũi thọc sâu” của Quân đoàn IV là bộ binh thì Tướng Nguyễn
Hữu An đã đưa Lữ tăng lên tiên phong. Xe 390 đi trước nhưng chạy thẳng
theo đường Hồng Thập Tự, thay vì đi hướng từ Sở Thú lên như 843, nên khi
vào đến Dinh Độc lập lúc 10 giờ 45 phút, đã thấy xe 843 của trung úy
Bùi Quang Thận tấp qua bên trái, dừng lại trước cổng phụ. Bùi Quang Thận
phất tay ra hiệu cho xe của Lê Văn Phượng tiến lên.
Thiếu
úy Lê Văn Phượng ngồi thụp xuống, đậy nắp tháp pháo và lệnh cho xe ủi
vào cổng chính. Anh nghe tiếng “rầm” và tiếp đó là âm thanh bánh xích
nghiền nát cánh cổng sắt. Biết cổng không có mìn, Lê Văn Phượng mở nắp
tháp pháo, đứng nhô lên nửa người, từ xa anh thấy một nữ phóng viên
“Tây” ngồi trên thảm cỏ. Nhưng khi xe anh cán lên bãi cỏ thì không thấy
chị phóng viên đâu nữa. Hai mươi năm sau, Lê Quang Phượng sẽ gặp lại
người phụ nữ ấy, còn lúc bấy giờ thì anh không có thời gian để tìm xem
chị ở đâu.
Đến
thềm Dinh, anh quay lại, thấy xe 843 vẫn đậu chỗ cũ, nhưng Trung úy Bùi
Quang Thận thì đã nhảy xuống, chạy núp theo sau xe 390, tay cầm lá cờ
khổ nhỏ, loại cờ được để sẵn rất nhiều ở trên mỗi xe để cứ chiếm được
mục tiêu quan trọng nào lại cắm lên. Pháo thủ số 1 của xe 390 cũng cầm
cờ định nhảy xuống, nhưng Lê Văn Phượng ra lệnh: “Anh Thận cầm cờ rồi,
hãy nạp pháo, chuẩn bị!”. Rồi Lê Văn Phượng giữ lấy khẩu đại liên, yểm
trợ. Nhưng từ lúc ấy, họ không còn phải bắn một phát đạn nào.
Khi
chiếc tăng 390 đỗ lại, chính trị viên đại đội Vũ Đăng Toàn xách AK nhảy
xuống, chờ đại đội trưởng Bùi Quang Thận cầm cờ tiến vào. Cả hai chạy
lên thềm
Dinh
trong tư thế được mô tả là sẵn sàng chiến đấu. Bùi Quang Thận nhớ lại
là anh đã hơi lo khi thấy bên trong có người mặc quân phục. Có thể vì
quá căng thẳng và có thể vì là một người lính nông dân lần đầu đứng
trước một tấm kính khổng lồ, Bùi Quang Thận lao vào cửa kính mạnh đến
nỗi anh ngã bật ra phía sau trong khi tay vẫn không rời lá cờ. Từ trong
Dinh, một người bận đồ dân sự chạy ra, mời vào.
Bùi
Quang Thận đứng trước một “Nội các” có lẽ cũng bối rối không kém. Không
biết phải làm gì hơn, Bùi Quang Thận đề nghị Vũ Đăng Toàn ở lại “canh
chừng”, chờ cấp chỉ huy đến còn mình thì làm nốt “vai trò lịch sử”, cắm
cờ trên nóc Dinh Độc Lập. Chỉ huy lực lượng Phòng vệ Phủ Tổng thống, Đại
tá Chiêm, được lệnh hướng dẫn Bùi Quang Thận đi thang máy lên nóc Dinh.
Cùng đi theo hỗ trợ có sinh viên Nguyễn Hữu Thái (cựu Chủ tịch Tổng hội
Sinh viên Sài Gòn) và Tiến sỹ Huỳnh Văn Tòng [27].
Khi
ấy, thang bộ của Dinh chưa sử dụng được vì ngày 8-4-1975 đã bị phi công
Nguyễn Thành Trung, một người được Cách Mạng cài vào quân đội Sài Gòn,
ném bom làm hỏng. Đại tá Chiêm dẫn ba người đến trước thang máy, loại
phương tiện mà đối với Bùi Quang Thận còn lạ hơn những tấm kính khổ rộng
rất nhiều. Bùi Quang Thận nhất quyết không vào; về sau anh kể lại: “Lúc
đó tôi thấy thang máy giống như… cái hòm, vào đó nhỡ nó nhốt mình luôn,
biết bao giờ mới ra được!”. Sau khi nghe Đại tá Chiêm giải thích, Bùi
Quang Thận mới chịu dùng thang máy.
Phải
mất khá lâu, ba người đi cùng mới giúp Bùi Quang Thận hạ lá cờ ba sọc
vàng xuống bởi nó khá lớn và được buộc giây chắc chắn. Bùi Quang Thận
kéo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng nửa xanh nửa đỏ có sao vàng ở
giữa lên, sau khi viết và ký tên vào: “11g30 ngày 30-4. Thận” [28].
Đầu hàng
Khi
Bùi Quang Thận được Đại tá Chiêm dẫn lên nóc Dinh, Trung úy Vũ Đăng
Toàn ở lại tầng hai. Trung úy Toàn viết: “Tôi dồn toàn bộ nội các Dương
Văn Minh vào một chỗ. Dồn xong thì ông Nguyễn Hữu Hạnh mời ông Dương Văn
Minh ra chào. Khi ông Minh vừa ra thì anh Phạm Xuân Thệ cùng hai trợ lý
đến. Anh Thệ nói: ‘Tôi là đại úy Phạm Xuân Thệ, trung đoàn phó Trung
đoàn 66′”.
Borries
Gallasch, phóng viên tạp chí Tấm Gương của Cộng hòa Liên bang Đức,
người châu Âu duy nhất có mặt trong Dinh Độc Lập vào thời điểm đó, tường
thuật: “Tay Thệ cầm súng ngắn đã lên đạn, một khẩu K54 của Nga, Thệ rất
phấn khích la lớn yêu cầu ông Minh ra đài phát thanh. Nhưng tướng Minh
không muốn đi. Ông ta đề nghị rằng bài nói của ông phải được thu âm vào
máy thu ở trong Dinh. Họ tranh luận việc đó. Càng lúc càng nhiều người
lính Giải phóng chạy vào. Rồi họ bắt đầu tìm máy thu nhưng không có kết
quả. Không có một cái máy ghi âm nào trong Dinh cả. Sự hoang mang chấm
dứt khi người chỉ huy của quân Giải phóng, Chính ủy Bùi Văn Tùng, xuất
hiện”29.
Ở
cửa Dinh, Trung tá Bùi Văn Tùng, chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 đã nghe
báo cáo: “Có Tổng thống Ngụy”. Ông Tùng quá mừng: “Vớ được cả tổng thống
cơ à!”. Tổng thống Dương Văn Minh thấy ông Tùng, một người cao lớn,
bước vào, thì lịch sự chào: “Thưa ông, chúng tôi đợi các ông vào đã lâu
rồi để bàn giao chính quyền”.
Ông
Bùi Văn Tùng nói: “Các ông là người bại trận. Các ông không có gì để
bàn giao cả mà chỉ có đầu hàng vô điều kiện”. Ông Tùng hỏi Chuẩn tướng
Nguyễn Hữu Hạnh:
“Đường giây liên lạc từ đây qua đài thế nào?”. Ông Hạnh nói: “Hư hết
rồi”. Ông Tùng quyết định cho đưa vị tổng thống bị bắt giữ đến đài phát
thanh.
Khi
xe tăng 390 dừng lại, mọi người xuống hết, Trung sỹ Nguyễn Văn Tập, lái
xe 390, cũng định đi vào trong Dinh, nhưng khi nhảy lên bậc thềm ngoảnh
lại thấy vắng quá. Anh nghĩ, “nhỡ địch quay lại chiếm mất xe mình thì
sao?”, bèn quay lại nhảy vào ghế lái ngồi thò đầu ra ngoài. Chỉ một lúc
sau, Trung sỹ Tập thấy “Nội các Ngụy” ra, đi rất hiên ngang. Cùng đi có
cả Phạm Xuân Thệ nhưng khi ấy anh Tập chỉ nhận ra thủ trưởng của mình là
Chính ủy Bùi Văn Tùng. Trung sỹ Tập có lẽ liên hệ đến bức ảnh của Phan
Thoan và lời đề nổi tiếng của Tố Hữu: “O du kích nhỏ dương cao súng /
Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu”, nên kêu lên: “Thủ trưởng ơi, thủ
trưởng bắt nó phải cúi đầu xuống chứ!” Trung tá Bùi Văn Tùng nói: “Việc
ấy là của tớ”.
Chiếc
xe Jeep mang biển số 15770 mà Trung đoàn 66 thu được từ chiến trường
Đại Lộc, Quảng Nam, do chiến sỹ Đào Ngọc Vận lái, được trưng dụng để chở
Tổng thống Dương Văn Minh đi từ Dinh Độc Lập qua đài. Đào Ngọc Vận30
kể: “Tôi thấy Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ dẫn theo hai người đàn ông
tiến lại chiếc xe Jeep 15770 mà tôi cầm lái. Trung đoàn phó cùng một
người ngồi hàng ghế phía trên, người kia ngồi phía dưới, cùng Trung úy
Phùng Bá Đam, Trung úy Nguyễn Khắc Nhu. Hai chiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng và
Bàng Nguyên Thất ngồi hai bên thành xe. Mãi sau này tôi mới biết người
to béo, đeo kính trắng, đi giày đen ngồi ngay bên cạnh mình là Tổng
thống Dương Văn Minh, và vị quan chức mặc bộ complet, sơ mi trắng ngồi
phía sau là Thủ tướng Vũ Văn Mẫu”.
Nhà
báo Borries Gallasch viết tiếp: “Chỉ có hai chiếc xe của chúng tôi chạy
giữa thành phố lúc ấy – một thành phố đã từng sôi sục mà nay sự sợ hãi
bỗng nhiên được làm dịu đi – qua Tòa đại sứ Mỹ trống hoác, đến Đài Phát
thanh nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chúng tôi đi vào phòng thu nhỏ
trên lầu một. Những kỹ thuật viên đã lấy chân dung của Thiệu từ trên
tường xuống và ném qua cửa sổ ra sân. Chúng tôi ngồi bất động một lát.
Ông Mẫu quạt mặt mình bằng một quyển sách. Tổng thống Dương Văn Minh và
Chính ủy xe tăng Bùi Văn Tùng ngồi trên hai chiếc ghế và tôi ngồi giữa
họ tại một chiếc bàn nhỏ. Ông Tùng thảo văn kiện đầu hàng trên một mảnh
giấy màu xanh”31.
Trung
tá Bùi Văn Tùng nhớ lại: “Tôi với ông Dương Văn Minh ngồi cùng một băng
ghế dài. Khi ấy, sau 8-9 đêm mất ngủ, tôi có cảm giác mệt rã người.
Nhưng một ý nghĩ chợt thoáng qua, “ổng mà nói linh tinh thì chết”. Mồ
hôi tự nhiên toát ra như tắm, người tỉnh hẳn, tôi nói: “Ông phải tuyên
bố đầu hàng vô điều kiện”. Tổng thống Dương Văn Minh nói: “Ông muốn gì
hãy ghi ra”.
Trung
tá Bùi Văn Tùng viết ngắn gọn: “Tôi, Dương Văn Minh, tổng thống chính
quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng
không điều kiện quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố Chính
quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ
trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền
Nam Việt Nam”.
Tướng
Dương Văn Minh đọc xong, Trung tá Bùi Văn Tùng nói tiếp vào máy ghi âm:
“Chúng tôi đại diện lực lượng quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam long
trọng tuyên
bố thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu
hàng không điều kiện của tướng Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền
Sài Gòn”32. Thủ tướng Vũ Văn Mẫu cũng được dành cho ít phút để phát biểu
và đây, có lẽ, mới là “chính kiến” của nhóm ông: “Trong tinh thần hòa
giải và hòa hợp dân tộc, tôi – giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng – kêu gọi
tất cả các tầng lớp đồng bào vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc
và trở lại sinh hoạt bình thường. Các nhân viên của các cơ quan hành
chánh quay trở về vị trí cũ theo sự hướng dẫn của chính quyền cách
mạng”33.
Ông
Võ Văn Kiệt đến Dinh khi nơi này đã được tiếp quản bởi một lực lượng
của Quân đoàn IV. Ông là vị trung ương uỷ viên Đảng Lao động Việt Nam
đầu tiên đến Dinh Độc Lập. Ông Kiệt nắm thêm tình hình quân sự và nhắc
nhở chỉ huy các đơn vị chiếm đóng đối xử tốt với những người trong chính
phủ ông Dương Văn Minh, chờ lệnh.
Ông
Kiệt là bí thư Đảng ủy Đặc biệt Ủy ban Quân quản, là vị trí thực sự
“đứng đầu” ở Thành phố lúc bấy giờ. Tuy nhiên, người công khai xuất hiện
trong vai trò đứng đầu tại thời điểm ấy lại là Trần Văn Trà. Ngày
1-5-1975, khi đang ở Sở chỉ huy tiền phương, Thượng tướng Trần Văn Trà
được ông Lê Đức Thọ và ông Phạm Hùng thông báo: “Điện anh Ba Lê Duẩn nói
Bộ Chính trị quyết định cậu làm chủ tịch Uỷ Ban Quân quản Sài Gòn-Gia
Định. Đi ngay cho kịp”.
Ông
Võ Văn Kiệt cho rằng đây là một thay đổi hợp lý. Sài Gòn mới tiếp quản
cần một quân nhân đồng thời phải là một quân nhân không quá xa lạ với
dân chúng.
Tướng
Trà từng là trưởng Phái đoàn Quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng
hoà Miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp Quân sự Bốn bên thực thi Hiệp
định Paris. Năm 1973, ông đã có một thời gian khá lâu ở Sài Gòn, và đã
từng được báo chí Sài Gòn nhắc đến.
Ngày
2-5, Tướng Trần Văn Trà mới về đến Dinh Độc Lập. Ông kể34: “Theo chỉ
thị của Bộ Chính trị, tôi cho thả tất cả những nhân vật trọng yếu của
ngụy quyền mà từ
hôm giải phóng Sài Gòn, bộ đội ta đã giam giữ họ tại một phòng ở đây.
Tôi chỉ gặp những người đứng đầu: Dương Văn Minh, tổng thống, Nguyễn Văn
Huyền, phó tổng thống và Vũ Văn Mẫu, thủ tướng ngụy quyền, giải thích
cho họ chính sách của cách mạng là quang minh, chính đại, độ lượng,
khoan hồng. Tôi đã nhấn mạnh: Tất cả những việc làm đã qua chúng tôi xếp
nó vào quá khứ, chúng tôi căn cứ vào thái độ và hành động từ ngày nay
trở đi. Tôi mong họ quan niệm được sự thắng lợi vĩ đại của dân tộc vừa
rồi mà tự hào rằng mình cũng là người Việt Nam. Có vẻ họ tỏ ra xúc động.
Dương Văn Minh đã phát biểu: Tôi vui mừng được là công dân của một nước
Việt Nam độc lập”35.
Tuẫn tiết
Với
năm cánh quân Giải phóng áp sát Sài Gòn trong sáng 30-4, không ai có
thể đủ sức cưỡng lại chiến thắng của quân đội miền Bắc. Tuy nhiên, ‘Việt
cộng” chỉ thực sự nắm được miền Tây vào chiều tối 30-4-1975.
Vào
thời điểm ấy, không chỉ có sỹ quan chỉ huy hai tiểu đoàn Lôi Hổ xộc vào
Dinh Độc Lập chất vấn tổng thống về quyết định buông súng. Từ mấy ngày
trước, các sư đoàn không quân còn lại của Việt Nam Cộng hòa đã di chuyển
xuống Trà Nóc và các sân bay lân cận. Tướng Nguyễn Cao Kỳ cũng bay
xuống, nhóm họp với các tướng lãnh, các tỉnh trưởng của Vùng IV với sự
tham gia của Phó đề đốc Hải quân Hoàng Cơ Minh, người khi ấy đang làm tư
lệnh Lực lượng Thủy bộ 211.
Bộ
Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh bố trí Đoàn 232 của Tướng Lê Đức Anh ở
hướng Long An nhằm phòng ngừa khả năng lực lượng của Tướng Nguyễn Khoa
Nam từ Cần Thơ lên ứng cứu là có cơ sở. Tuy nhiên, ngay trong đêm
29-4-1975, gần như tất cả lực lượng hải quân đều bỏ trốn.
Theo
Thiếu úy Dương Đức Dũng, phóng viên mặt trận của Sư 21 không quân:
“Tướng Nguyễn Khoa Nam ra lệnh oanh tạc những kẻ đào ngũ nhưng anh em
không quân không chấp hành”. Sáng 30-4-1975 vẫn còn lệnh bay. Máy bay
bắt đầu trút hết bom vào đồng trống. Một số phi công nói với Thiếu úy
Dũng: “Tụi tao được lệnh di tản sang U-Tapao (Thái Lan), mày có đi thì
lên”. Dũng đã ở lại. Bầu trời Cần Thơ từ lúc ấy không một phút yên tĩnh.
Đầu tiên là các khu trục A1E, A1H, sau đó làA37 rồi C123. Trực thăng
túa lên trời như châu chấu.
Bảy
giờ sáng ngày 30-4-1975, Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh Quân đoàn
IV báo cáo về Bộ Tổng Tham mưu bằng điện thoại: “Tôi bị tấn công mạnh ở
ba nơi: Vĩnh Bình, Bạc Liêu và một nơi cách sân bay Trà Nóc ba cây số.
Nhưng tôi đã đẩy lùi được cuộc tấn công của Việt Cộng. Tôi sẽ giữ các vị
trí còn lại. Các lực lượng Quân đoàn và Quân khu IV, mặc dầu có bị tấn
công vài nơi, nhưng vẫn còn nguyên vẹn”36. Phó tướng của Nguyễn Khoa Nam
khi đó là Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, người mà năm 1972 đã từng tử thủ ở An
Lộc. Từ Bộ Tổng Tham mưu, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh nhắc Tướng Nam:
“Anh cố gắng thi hành lệnh của Tổng thống”.
Năm
giờ 30 phút chiều 30-4-1975, Tướng Lê Văn Hưng rời Bộ Tư lệnh Quân đoàn
IV, về Bộ Chỉ huy phụ. Khi đại diện bộ đội miền Bắc vào Bộ Tư lệnh
Quânđoàn IV gặp Tướng Nguyễn Khoa Nam yêu cầu “đầu hàng”, Tướng Nam và
Tướng Hưng chỉ chấp nhận “bàn giao”. Khi vị đại diện miền Bắc này qua
khỏi cầu Cái Răng, Tướng Hưng liên hệ với Tướng Mạch Văn Trường và ra
lệnh điều động hai chi đội thiết giáp ra án ngữ cầu Cái Răng và chiếm
lại đài phát thanh rồi cho mời Mạch Văn Trường và chỉ huy các đơn vị
đóng xung quanh vành đai thị xã Cần Thơ về họp. Sáu giờ 30 phút chiều,
khi các vị sĩ quan về tới cổng Bộ Chỉ huy của Tướng Hưng, một nhóm nhân
sĩ Cần Thơ đến gặp Tướng Hưng, xin ông đừng phản công để tránh bị “Việt
Cộng pháo kích vào thị xã”.
Tại
Vĩnh Long, các lực lượng của miền Nam vẫn không thôi kháng cự. Theo ông
Phạm Văn Trà37: “Chiều ngày 30-4, sau khi bộ phận trinh sát kỹ thuật
của Bộ Tư lệnh tiền phương quân khu bắt được sóng đài của địch, anh Ba
Trung đã sử dụng điện đài tuyên bố với viên tỉnh trưởng Vĩnh Long rằng
tính mạng của y đã nằm trong tay quân Giải phóng. Nếu đầu hàng, cách
mạng sẽ khoan hồng, tha thứ lỗi lầm trước đây, tính mạng, tài sản của
bản thân và gia đình, vợ con được bảo toàn; bằng không, y sẽ phải đền
tội và vợ con, gia đình cũng khó bề bảo toàn tính mạng, mặc dù Cách mạng
không muốn điều đó. Sau 30 phút suy tính, vào lúc 17 giờ ngày 30-4,
tỉnh trưởng Vĩnh Long chấp nhận đầu hàng và xin anh Ba Trung giữ lời hứa
bảo toàn tính mạng”38.
Chiều 30-4-1975, tại căn cứ Đồng Tâm, Chuẩn tướng Trần Văn Hai, tư lệnh Sư đoàn 7 tự tử bằng thuốc độc39.
Sáu
giờ 45 phút chiều, hai vị tướng chỉ huy lực lượng Quân lực Việt Nam
Cộng hòa ở miền Tây vẫn trao đổi điện thoại với nhau. Tướng Nam cho đến
lúc ấy vẫn định phát lời kêu gọi dân chúng Cần Thơ, nhưng cả hai đều biết
là quá trễ. Theo Đại tướng Văn Tiến Dũng: “Do sức ép của ta ngày càng
mạnh, các Trung đoàn 31, 32, 33 ngụy cùng phần lớn các cơ quan chỉ huy
sư đoàn ngụy đã tự động vứt bỏ vũ khí, cởi bỏ áo lính trở về nhà. Chỉ
còn một số sĩ quan ngụy cao cấp ở lại để xin đầu hàng ta vào lúc 20 giờ
cùng ngày”40.
Bảy
giờ 30 phút tối 30-4-1975, Tướng Lê Văn Hưng về phòng nói lời từ biệt
với thuộc cấp và vợ con. Tám giờ 45 phút, từ dưới nhà, vợ ông, bà Phạm
Thị Kim Hoàng, nghe tiếng súng, chạy lên. Khi cùng người nhà cạy cửa
phòng, bà Hoàng thấy Tướng Hưng đã chết với một phát súng tự bắn vào
đầu. Mười một giờ đêm hôm đó, Tướng Nguyễn Khoa Nam gọi điện thoại cho
bà Hoàng chia buồn. Sáng hôm sau, khoảng 7 giờ 30 phút ngày 1-5-1975, Tư
lệnh Quân đoàn IV, Quân đoàn cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, Tướng
Nguyễn Khoa Nam tự sát.
Trước
đó, như một hành động nhận lãnh trách nhiệm của mình, ngày 29-4-1975,
Tư lệnh Quân đoàn II, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, người đảm trách cuộc
triệt thoái thất bại khỏi ba tỉnh Cao Nguyên, đã tự tử bằng một liều
thuốc độc; gia đình đã đưa vào bệnh viện Grall, nhưng đến trưa
30-4-1975, khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, thì tắt thở.
Cũng
trưa 30-4, tại Lai Khê, Tướng Lê Nguyên Vỹ tự sát tại Bộ Tư lệnh Sư
đoàn 5 sau khi cho binh lính rã ngũ. Vào lúc 2 giờ chiều ngày
30-04-1975, Ðại tá Đặng Sĩ Vinh cùng gia đình gồm vợ và bảy người con đã
tự tử bằng súng lục.
Nhưng
đấy vẫn chưa phải là những phát súng cuối cùng của cuộc chiến tranh.
Nhiều quân nhân vô danh vẫn tìm đến cái chết trong những ngày sau đó.
Chú thích chương I
1Tiểu thuyết cách mạng của Trung Quốc.
2 Tiểu thuyết cách mạng của Liên Xô.
3 Đạo diễn điện ảnh.
4 Tổ chức cho người Hoa nộp vàng để được vượt biên bán chính thức (1978-1979).
5 Cải tạo những người giàu lên bất thường (1983).
6 Ngày 14-4-1975.
7 Trước năm 1973, Daisy Cutler và CBU vẫn được dùng để dọn bãi cho trực thăng.
8 Trần Văn Trà, 1982, trang 254.
9 Trần Văn Trà, 1982, trang 255.
10Sđd, trang 258.
11Sđd. Trang 261.
12Kissinger, 2003, trang 536.
13Kissinger, 2003, trang 543.
14Văn Kiện Đảng, tập 36-1975, 2004, trang 167.
15Trần Văn Trà, 1982, trang 281-282.
16Larry Berman, 2001.
17Năm
1964 khi bị "chỉnh lý" bởi Tướng Nguyễn Khánh, "Quốc trưởng" Nguyễn
Khánh phong cho ông hàm đại tướng, nhưng ông Minh và những người của ông
không thừa nhận nên về sau có người gọi ông là đại tướng có người vẫn
gọi ông là trung tướng.
18Sau
khi ông Dương Văn Minh rời Việt Nam, Mười Ty đã có những báo cáo với tư
cách là Đại tá Dương Thanh Nhựt, nói rằng anh mình đã biến chuyển rất
nhiều bởi “binh vận”.
19Về
sau, ông Nguyễn Văn Thiệu sang Mỹ, ông sống lưu vong lặng lẽ suốt phần
đời còn lại cho đến ngày 29-9-2001, mất tại Boston, Mỹ.
20Trong
cuốn Kết Thúc Chiến Tranh 30 Năm, Tướng Trần Văn Trà đánh giá: “Còn
Minh, có lẽ do bản chất có phần thật thà, tin vào phù phép của tả phò
Martin và hữu trợ Mérillon, nên đã bị chúng gạt ra rìa từ lâu mà đến giờ
chót còn cố vươn vai gánh chịu cái đầu hàng vô điều kiện”(trang 283).
21Là
một nhà nghiên cứu lịch sử có nhiều công trình khảo cứu hết sức giá
trị, ông Nguyễn Đình Đầu cho đến tận cuối đời vẫn giữ được tờ Sự Vụ lệnh
do cụ Hồ Chí Minh ký, cử ông vào Nam mua gạo cứu đói năm 1945. Về sau,
ông theo những người Công giáo di cư vào Nam. Hành động gợi ý và nhận
lãnh vai trò “đi sứ” vào trại Davis của ông có lẽ nhờ sự mẫn cảm
thời
cuộc hơn là được giao nhiệm vụ. Về sau khi có tờ báo nói ông là tình
báo viên của miền Bắc, ông Nguyễn Đình Đầu nói ông cảm thấy như là bị
xúc phạm.
22Tuyên
bố ngày 26-4 gồm hai nội dung chính: “Mỹ phải thực hiện nghiêm chỉnh
Hiệp định Paris (ngừng bắn), tôn trọng quyền dân tộc căn bản và quyền tự
quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam; xóa bỏ chính quyền Sài Gòn, công
cụ của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, xóa bỏ bộ máy chiến tranh và bộ
máy kìm kẹp, đàn áp nhân dân miền Nam Việt Nam”.
23Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IX, X, Thứ trưởng Bộ Giáo dục.
24Sau 1975 là phó giám đốc Sở Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh.
25Văn Kiện Đảng, tập 36-1975, 2004, trang 176.
26Xem Phụ lục 1: Sự thật lịch sử về tăng 390 và tăng 384.
27Tiến
sỹ Huỳnh Văn Tòng, sinh viên Nguyễn Hữu Thái và nhà báo Cung Văn đến
Dinh Độc Lập sau khi nghe ông Dương Văn Minh tuyên bố ngừng bắn trên đài
phát thanh. Họ là những người hoạt động bí mật hoặc hoạt động trong các
phong trào do phía Cách Mạng lập ra trước năm 1975.
28Theo
Đại tá Bùi Văn Tùng: “Những ngày đầu đài báo của mình không nói rõ ai
là người cắm cờ, nên đã xảy ra tranh chấp giữa Bùi Quang Thận và đại úy
Phạm Xuân Thệ. Trung tá Lữ đoàn trưởng 203 Nguyễn Tất Tài, lúc này đã
trở thành Phó Bảo Tàng Quân đội, hỏi anh Thệ: ‘Vậy anh có giữ lá cờ Ba
que không?’. Anh Thệ đưa ra một lá, anh Thận đưa ra một lá, cả
hai
cùng rách diềm. Ông Tài, trong ngày 30-4 đã cẩn thận leo lên nóc Dinh,
gỡ diềm ‘cờ Ba Que’ còn vướng lại rồi lặng lẽ cất đi. Ông Tài cho trải
cả hai lá cờ ra, ráp diềm vào mới xác nhận được lá cờ anh Thận giữ là lá
cờ cuối cùng được Chính quyền Sài Gòn treo trên nóc Dinh Độc Lập”.
29Tạp chí Xưa & Nay, số 258, tháng 4-2006, và số 264 tháng 7-2006
30Sau chiến tranh là công nhân Phòng Thị chính, Thị xã Thanh Hóa.
31Xưa & Nay, số 258 và 264, 2006.
32Giữa
năm 1985, ông Phạm Xuân Thệ, lúc này đã đeo quân hàm thiếu tướng lên
tiếng trên báo Quân đội Nhân dân nhận rằng chính ông là người bắt sống
nội các Dương Văn Minh và tự tay thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Dương
Văn Minh đọc.
Ngày
19-10-2005, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Quân sự đã tổ chức
“Tọa đàm khoa học xung quanh sự kiện đánh chiếm Dinh Độc lập ngày
30-4-1975" nhưng không mời các nhân chứng có mặt trong Dinh và Đài phát
thanh tại thời điểm trưa 30-4-1975; không mời các cán bộ, chiến sỹ của
Lữ 203 và đơn vị đặc công 116. Để rồi, ngày 17-1-2006, Viện Lịch sử Quân
sự đã ra kết luận cho rằng “Tại Đài phát thanh đồng chí Phạm Xuân Thệ
cùng các cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 66 tổ chức soạn thảo lời Tuyên bố
đầu hàng cho Dương Văn Minh. Văn bản đang được soạn thảo thì trung tá
Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn tăng 203 xuất hiện, Từ đó, bộ phận cán
bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bùi Văn Tùng
tiếp tục soạn thảo và hoàn chỉnh lời Tuyên bố đầu hàng”. Ngay sau khi
công bố, Kết luận của Viện Lịch sử Quân sử đã bị ông Bùi Văn Tùng, các
các sỹ quan, chiến sỹ trên xe tăng 390 và kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái,
người có mặt tại Đài phát thanh trưa 30-4-1975, phản đối (nhiều ý kiến
đăng trên hai số báo Xưa & Nay, 258- tháng 4-2006, và 264 tháng
7-2006).
33Người
ghi âm những tuyên bố lịch sử này là ông Nguyễn Nhã. Lúc bấy bấy giờ,
ông Nguyễn Nhã là giáo sư sử địa Trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức,
thuộc Đại học Sư phạm Sài Gòn, chủ nhiệm kiêm chủ bút Tập san Sử Địa,
Đại học Sư phạm.
34Trả lời phỏng vấn của tác giả năm 1996, có tham khảo hồi ký “Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm” của Thượng tướng Trần Văn Trà.
35Xem Phụ lục 2: Tướng Big Minh sau 1975.
36Theo Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh.
37Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1, đơn vị đánh vào Cần Thơ, Vĩnh Long trong ngày 30-4-1975.
38Phạm Văn Trà, 2009, trang 237-238.
39Theo
Văn Tiến Dũng: “Chán nản và tuyệt vọng, Trần Văn Hai tự sát vào lúc 3
giờ sáng ngày 1-5-1975”, tuy nhiên những người thân cận Tướng Trần Văn
Hai nói ông tự sát vào chiều 30-4.
40Văn Tiến Dũng, 1976, 305.
Tên viết cuốn sách này đúng là tên viẹt cộng vẩu. Tại sao vẩu như tên thủ tướng phạm văn đồng (hay chì)vì có thể là con rơi con rớt của thằng đồng, đây là nếp song gian manh gian trá của việt cộng, mà cũng có thể vì cạp củ mì mà béc và đểng gọi là sắn ngay từ khi chưa ở trong bụng cái hĩm già nên mới vẩu. Trông mặt mà bắt hình dong nên tên này chỉ làm tên thợ viết tuyền truyền láo khoét cho bọn khỉ trường sơn việt cộng. Luật 10/59 sẽ chat đầu tên này và be lũ một ngày không xa. Vẩu vem vào vênh váo vờ vịt vơ vét vu vơ . . .vọt.
Trả lờiXóa