Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

VOA - Kế hoạch Mỹ-Nhật gởi tới Trung Quốc lời cảnh báo mạnh mẽ
VOA

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ mới đây cho biết họ đang làm việc chung với Nhật Bản để chống lại bất kỳ hành động nào của Trung Quốc nhằm chiếm cứ quần đảo có tranh chấp ở Biển Đông Trung Hoa. Các nhà phân tích cho rằng loan báo này là một lời cảnh báo mạnh mẽ và bất ngờ đối với giới lãnh đạo ở Bắc Kinh.
Tàu tuần duyên Akaishi của Nhật Bảng chạy cạnh tàu hải giám Haijan 51 của Trung Quốc trong vùng biển nằm về phía đông Trung Quốc, gần quần đảo tranh chấp, 4/2/2013


Hôm thứ tư, một giới chức quốc phòng Hoa Kỳ cho đài VOA biết rằng Đại tướng Shiregu Iwasaki, Chủ tịch ban tham mưu liên quân của Đội Tự vệ Nhật Bản, cuối tuần này sẽ họp với Đô đốc Samuel Locklear, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái bình dương của quân đội Hoa Kỳ, để bàn về một kế hoạch nhằm chiếm lại quần đảo mà Nhật gọi là Senkaku, trong trường hợp các đảo này bị Trung Quốc xâm chiếm.

Phát biểu của giới chức vừa kể xác nhận bản tin mà nhật báo Nikkei ở Nhật Bản đã loan tải trước đó trong ngày hôm qua.
​​
Các giới chức ở Washington nhiều lần tuyên bố rằng quần đảo này nằm trong phạm vi của một hiệp ước phòng thủ chung giữa Hoa Kỳ với Nhật Bản, đòi hỏi Washington trợ giúp Tokyo trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã thận trọng, không muốn làm phật lòng Trung Quốc, và khẳng định rằng Washington không có lập trường đối với vấn đề chủ quyền của quần đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Trong vài tháng qua, Trung Quốc đã thực hiện những hoạt động tuần tra hầu như mỗi ngày xung quanh các hòn đảo do Nhật kiểm soát, khiến cho nhiều nhà phân tích tin rằng Bắc Kinh đang tìm cách thiết lập một hiện trạng mới trong khu vực có nhiều tài nguyên thiên nhiên và có tầm quan trọng chiến lược này.

Cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều từng ra lệnh cho chiến đấu cơ phản lực của họ cất cánh khẩn cấp để bay tới vùng này, làm tăng mối lo ngại về việc hai nước có thể xảy ra những cuộc đụng độ quân sự.

Giáo sư Mohan Malik là một chuyên gia về vấn đề an ninh Á châu của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Á châu Thái bình dương ở Hawaii. Ông nói với đài VOA rằng loan báo của Ngũ giác đài về kế hoạch tái chiếm đảo có mục đích răn đe để Trung Quốc không làm cho vụ tranh chấp leo thang thêm nữa. Ông nói:

"Trung Quốc đang tìm cách thách thức quyền kiểm soát của Nhật đối với các đảo này qua việc triển khai các tàu hải giám dân sự. Họ tin rằng làm như vậy sẽ làm yếu đi quyền kiểm soát của Nhật đối với quần đảo này và làm mạnh thêm những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc."

Giáo sư Malik cho biết Hoa Kỳ cũng lo ngại là Nhật Bản có thể có phản ứng quá độ đối với những hoạt động tuần tra của Trung Quốc.

Ông nói thêm rằng loan báo của Ngũ giác đài có mục đích làm yên lòng các giới chức Nhật Bản, là những người lâu nay vẫn muốn Hoa Kỳ đưa ra những tuyên bố rõ ràng để ủng hộ Nhật Bản trong vấn đề này:

"Họ muốn Hoa Kỳ đưa ra những tuyên bố rõ ràng và chắc chắn để hỗ trợ cho các yêu sách của họ, và điều đó đã được thực hiện ở cấp độ ngoại giao. Nhưng rõ ràng là họ muốn có một sự chứng tỏ nào đó về mặt quân sự cho cam kết này và loan báo của Ngũ giác đài có thể được xem là một phần của những đáp ứng của phía Mỹ."

Ông John Blaxland là một nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Chiến lược và Quốc phòng của Đại học Quốc gia Australia. Ông cho đài VOA biết rằng ông không cảm thấy ngạc nhiên về việc Hoa Kỳ bàn thảo các kế hoạch phòng hờ với Nhật Bản. Ông nói thêm như sau:

"Nhưng điều ngạc nhiên ở đây là việc này được rò rỉ cho giới truyền thông. Sự kiện một giới chức Ngũ giác đài nói rằng chúng tôi đang lên kế hoạch chiếm lại đảo, tự nó, là một diễn tiến quan trọng. Và điều này chứng tỏ rằng đây là một hành động có chủ ý để đưa ra một thông điệp mạnh mẽ cho Trung Quốc về vấn đề quần đảo Senkaka/Điếu Ngư."

Hôm nay, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã phản ứng với một thông cáo nói rằng họ kiên quyết phản đối “bất kỳ hành động nào có thể làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng và phức tạp hơn.”

Thông cáo nói thêm rằng “quyết tâm và ý chí của các lực lượng vũ trang Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc là không thể lay chuyển.”

Trong nhiều thập niên qua, Trung Quốc và Nhật Bản đã tranh cãi với nhau về những hòn đảo nhỏ, không có người ở, nằm trong vùng biển có nguồn cá phong phú và những tuyến hàng hải chiến lược.

Vụ tranh chấp đã leo thang trong hơn 10 năm nay sau khi các cuộc khảo sát cho thấy khu vực này cũng có nhiều dầu lửa và khí đốt.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/03/ke-hoach-voa-my-nhat-goi-toi-trung-quoc.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001