Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

Con người đích thực của Karl Marx 

Tháng 5 4, 2013
pro&contra – Đã có bao nhiêu cuốn sách viết về Karl Marx? Không đếm xuể. Còn có gì để khám phá nơi cuộc đời đã được nghiên cứu tường tận từng chi tiết của nhà tư tưởng có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất thế kỉ hai mươi này? Đúng dịp kỉ niệm 130 năm ngày mất và 195 năm ngày sinh của Marx, với cuốn tiểu sử Karl Marx: Một cuộc đời thế kỷ mười chín (Karl Marx: A Nineteenth-Century Life) tác giả Jonathan Sperber, Giáo sư Sử học tại Đại học Missouri, tìm một cách tiếp cận mới: nhấc Karl Marx khỏi những lí thuyết và biến động xã hội sau khi ông qua đời, đặt ông trở lại bối cảnh của thời đại ông ở thế kỉ mười chín. Sau đây là bài của triết gia John Gray, nguyên Giáo sư Lịch sử Tư tưởng châu Âu tại Học viện Kinh tế Chính trị London, điểm cuốn sách này trên  The New York Review of Books.
_______________________
Về nhiều phương diện, Jonathan Sperber nhận xét, Marx là “một nhân vật nệ cổ”, với viễn tượng về tương lai dựa trên những hoàn cảnh khác hẳn so với bất kỳ hoàn cảnh nào phổ biến hiện nay:
Quan điểm xem Marx như một người đương thời với những tư tưởng đang định hình thế giới hiện đại đã hết thời, và đã đến lúc cần có cách hiểu mới về ông, xem ông như một nhân vật của một kỷ nguyên lịch sử quá vãng, một kỷ nguyên ngày càng xa xôi với kỷ nguyên của chính chúng ta: thời đại của Cách mạng Pháp, của triết học Hegel, của những năm đầu thời kỳ công nghiệp hóa của Anh Quốc và nền kinh tế chính trị xuất phát từ đó.
Mục đích của Sperber là giới thiệu con người thực sự của Marx – một nhà tư tưởng thế kỷ mười chín bận tâm với những tư tưởng và sự kiện vào thời của ông. Nếu ta nhìn nhận Marx theo cách này, nhiều tranh luận trong những cuộc tranh luận bùng lên xung quanh di sản của ông trong thế kỷ vừa qua dường như sẽ chẳng còn ích lợi gì, thậm chí chẳng còn phù hợp. Nhận định rằng Marx có phần “chịu trách nhiệm về mặt tri thức” tạo nên chủ nghĩa cộng sản trong thế kỷ hai mươi dường như sẽ là một nhận định hoàn toàn lầm lạc; nhưng nếu biện hộ Marx là một nhà dân chủ cấp tiến thì cũng sai lầm, vì cả hai quan điểm này “quay trở ngược lại những cuộc tranh luận hồi thế kỷ mười chín về các thời đại sau đó”.
Hẳn nhiên Marx hiểu các đặc điểm chủ yếu của chủ nghĩa tư bản; nhưng đó là “các đặc điểm của chủ nghĩa tư bản tồn tại trong những thập niên đầu của thế kỷ mười chín”, chứ không phải cái chủ nghĩa tư bản rất khác biệt tồn tại vào đầu thế kỷ hai mươi mốt. Vả lại, khi ông nhìn về tương lai hướng tới một loại hình mới của xã hội loài người sẽ hình thành sau khi chủ nghĩa tư bản sụp đổ, Marx không có khái niệm dứt khoát hình thái xã hội như vậy sẽ ra sao. Theo tác giả Sperber, nếu muốn nhờ ông giúp ta thấy được tương lai của ta, thì cũng sai lầm hệt như đổ tội cho ông về quá khứ của ta.
Dùng ấn bản mới công bố của tuyển tập Marx and Engels, thường được gọi bằng tên viết tắt trong tiếng Đức là MEGA [i], Sperber khắc họa hình ảnh về chính trị của Marx có nội dung khác hẳn hình ảnh lưu giữ trong những tư liệu thông thường. Các quan điểm của Marx ít khi chịu ảnh hưởng của bất cứ cam kết lý thuyết nào đã có về chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa cộng sản. Chúng thường phản ánh các thái độ của ông đối với các thế lực cầm quyền ở Châu Âu và những xung đột của họ, các mưu toan và những cuộc đối đầu mà ông can dự khi hoạt động chính trị.
Có lúc thái độ thù địch của Marx đối với các chế độ phản động của Châu Âu đã đưa ông đến những hành động cực đoan kỳ lạ. Là người kịch liệt chống đối chế độ chuyên quyền Nga và đã vận động cho một cuộc chiến tranh cách mạng chống Nga trong các năm 1848-1849, ông bất mãn về cách Anh Quốc xử lý thiếu quyết đoán Chiến tranh Crimea. Lên án việc giới cấp tiến hàng đầu ở Anh phản đối cuộc chiến này, Marx đi xa đến mức tuyên bố rằng các chính sách đối ngoại không kiên định của Anh là do Thủ tướng Anh, Lord Palmerston, làm điệp viên ăn lương của Nga Sa hoàng, một trong những kẻ phản bội nối tiếp nhau nắm giữ các vị trí quyền lực ở Anh Quốc trong hơn một thế kỷ – ông lặp lại lời cáo buộc này nhiều năm trong một loạt các bài báo được Eleanor, con gái ông, in lại thành cuốn Lịch sử ngoại giao bí mật của thế kỷ mười tám.
Tương tự, cuộc đấu tranh của ông với đối thủ người Nga Mikhail Bakunin để giành quyền kiểm soát Hội Liên hiệp Công nhân Quốc tế [ii] đã phản ánh lòng căm thù của Marx đối với chế độ quân chủ Phổ và nỗi nghi ngờ của ông về việc Bakunin là người có chủ trương ủng hộ phong trào đoàn kết toàn khối Slav với các mối liên hệ bí mật với Sa hoàng, hơn là phản ánh thái độ thù địch của ông đối với loại hình chủ nghĩa vô chính phủ mang tính chuyên chế của Bakunin. Chính các niềm đam mê và thái độ thù địch như vậy vào thế kỷ mười chín, chứ không phải những xung đột về ý thức hệ theo kiểu thường gặp của thời đại chiến tranh lạnh, đã định hình đời sống chính trị của Marx.
Cách nhìn mang tính xét lại khá tinh tế của Sperber mở rộng sang những gì từ trước đến nay thường được xem là các cam kết ý thức hệ đặc trưng của Marx. Ngày nay cũng như trong suốt thế kỷ hai mươi, Marx không thể tách rời khỏi tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản, nhưng ông không luôn luôn gắn kết với nó. Ngay trong bài viết đầu tiên vào năm 1842 sau khi ông đảm nhận vai trò chủ biên tờ Tin tức Rhineland, Marx mở một cuộc bút chiến gay gắt chống lại tờ báo hàng đầu của Đức, Tin tức tổng hợp Augsburg, vì đã đăng những bài cổ xúy chủ nghĩa cộng sản. Mũi dùi tấn công của ông không dựa trên bất cứ lập luận nào về tính phi thực tế của chủ nghĩa cộng sản: ông công kích chính cái tư tưởng [chủ nghĩa cộng sản] đó. Ta thán rằng “những đô thị thương mại một thời từng phát đạt của chúng ta không còn phồn thịnh nữa”, ông tuyên bố rằng sự truyền bá những tư tưởng cộng sản sẽ “tiêu diệt trí tuệ của chúng ta, chế ngự quan điểm của chúng ta”, một quá trình âm thầm [hủy hoại] vô phương cứu chữa. Ngược lại, bất kỳ nỗ lực nào nhằm biến chủ nghĩa cộng sản thành hiện thực có thể dễ dàng bị chặn đứng bằng vũ lực: “các nỗ lực thực tiễn [nhằm du nhập chủ nghĩa cộng sản], kể cả các nỗ lực đồng loạt, có thể được đáp trả bằng đại bác”. Như tác giả Sperber viết, “Người sẽ soạn Tuyên ngôn Cộng sản chỉ năm năm sau đó lại đang cổ xúy dùng quân đội để trấn áp một cuộc nổi dậy của giới công nhân cộng sản!”
Đây cũng không phải là một trường hợp khác thường cá biệt. Trong một bài phát biểu đọc trước Hội Dân chủ Cologne vào tháng 8 năm 1848, Marx gọi nền chuyên chính cách mạng bởi một giai cấp duy nhất là “vô nghĩa” – một ý kiến vô cùng đối lập với những quan điểm mà Marx đã bày tỏ chỉ mới sáu tháng trước đó trong Tuyên ngôn Cộng sản đến nỗi về sau những người Marxist-Leninist tuyển chọn các bài phát biểu của ông đã sai lầm khi không chịu chấp nhận tính xác thực của nó – và hơn hai mươi năm sau, vào lúc bùng nổ Chiến tranh Pháp-Phổ, Marx cũng gọi bất cứ ý niệm nào về Công xã Paris là “vô nghĩa”.
Marx-kẻ-chống-cộng là một hình ảnh lạ lẫm; nhưng rõ ràng có những lúc ông đã chia sẻ quan điểm của những người có tư tưởng tự do vào thời của ông và về sau; mà theo quan điểm đó, chủ nghĩa cộng sản (giả sử có thể đạt được cái gì đại loại như thế) sẽ có hại cho sự tiến bộ của con người. Đây chỉ là một ví dụ về một sự thật lớn hơn. Bất chấp những khát vọng của chính ông và các nỗ lực của các thế hệ môn đồ của ông kể từ Engels trở đi, các tư tưởng của Marx chưa bao giờ tạo thành một hệ thống thống nhất. Một nguyên nhân của điều này là cuộc đời làm việc của Marx không được liền lạc. Tuy chúng ta xem Marx là một nhà lý luận an vị trong thư viện của Bảo tàng Anh Quốc, lý luận chỉ là một trong những thú tiêu khiển vụn vặt, chứ ít khi là hoạt động chủ yếu của ông:
Thường thì những thú vui đeo đuổi lý luận của Marx phải được chèn vào lịch sinh hoạt bề bộn với các hoạt động mất nhiều thời gian hơn: chính trị lưu vong, báo chí, Hội Liên hiệp Công nhân Quốc tế, trốn chủ nợ, và những căn bệnh hiểm nghèo hay chết người hành hạ vợ con ông, và của chính Marx, sau lúc khởi phát bệnh da của ông. Những nỗ lực lý luận của ông rất thường bị gián đoạn hàng tháng trời hoặc phải để dành cho những lúc đêm hôm khuya khoắt.
Nhưng nếu hoàn cảnh cuộc sống của Marx chẳng thích hợp cho nỗ lực liên tục đòi hỏi phải có để xây dựng hệ thống, tính chất chiết trung của lối tư duy của ông tạo ra một rào cản lớn hơn. Việc ông vay mượn các tư tưởng từ nhiều nguồn đã quá quen thuộc trong giới học thuật. Tác giả Sperber góp thêm vào câu chuyện thường nghe về phép chiết trung của Marx bằng cách tìm hiểu mối xung đột giữa việc ông liên tục trung thành với niềm tin của Hegel cho rằng lịch sử có một lôgic cố hữu về sự phát triển, và sự cam kết với khoa học mà Marx tiếp thu được từ phong trào thực chứng.
Bằng cách chỉ ra vai trò tri thức mang tính định hình của chủ nghĩa thực chứng vào giữa thế kỷ mười chín, Sperber tự chứng tỏ mình là người dẫn đường đáng tin cậy đến thế giới của những tư tưởng là môi trường vận động của Marx. Chủ nghĩa thực chứng lâu nay đã bị các sử gia tri thức sao lãng, rõ ràng một phần là do hiện nay nó dường như trở nên phản động đáng hổ thẹn về một số phương diện. Tuy nhiên nó đã tạo nên một khối tư tưởng có ảnh hưởng vô cùng lớn. Chủ nghĩa thực chứng xuất phát từ nhà xã hội người Pháp Henri de Saint-Simon (1760–1825) nhưng được Auguste Comte (1798–1857), một trong những nhà sáng lập môn xã hội học, phát triển trọn vẹn nhất. Chủ nghĩa thực chứng cổ xúy một viễn tượng về tương lai mà đến ngày nay vẫn còn thịnh hành và có ảnh hưởng mạnh. Khẳng định rằng khoa học là mô hình cho bất cứ loại tri thức thực thụ nào, Comte hướng tới một thời đại khi các tôn giáo truyền thống đã biến mất, các giai cấp xã hội của quá khứ đã được bãi bỏ, và chủ nghĩa công nghiệp (thuật ngữ do Saint-Simon đặt ra) tái tổ chức trên cơ sở duy lý và đại đồng – một biến đổi sẽ diễn ra trong một chuỗi các giai đoạn tiến hóa tương tự như các giai đoạn mà các nhà khoa học phát hiện trong thế giới tự nhiên.
Sperber cho chúng ta biết rằng Marx xem hệ thống triết lý của Comte là “rác rưởi thực chứng”; nhưng có nhiều điểm tương đồng giữa quan điểm của Marx về xã hội và lịch sử và những quan điểm của giới thực chứng:
Dù Marx cố tách mình ra khỏi các học thuyết [thực chứng] này, cách nhìn của chính ông về sự tiến bộ qua các giai đoạn riêng biệt của sự phát triển xã hội và cách chia lịch sử loài người thành hai phần gồm một thời kỳ ban đầu không có lý trí và một thời kỳ về sau có tính công nghiệp và khoa học chứa đựng những yếu tố thực chứng rõ rệt.
Sperber cảm nhận khá sắc sảo về những điểm tương đồng căn bản giữa cách nhìn của Marx về sự phát triển của loài người và cách nhìn của Herbert Spencer (1820–1903), người (chứ không phải Darwin) đã phát minh ra cụm từ “sự sinh tồn của loài thích nghi nhất” (“survival of the fittest”) và dùng nó để biện hộ cho chủ nghĩa tư bản với thị trường và các thành phần tham gia được toàn quyền tự do. Chịu ảnh hưởng của Comte, Spencer chia các xã hội loài người thành hai loại: “loại ‘tham chiến’ để chỉ toàn bộ quá khứ trước thời kỳ công nghiệp và khoa học, và loại ‘công nghiệp’ để đánh dấu một kỷ nguyên mới trong lịch sử thế giới”.
Thế giới mới của Spencer là một phiên bản lý tưởng hóa của chủ nghĩa tư bản thời Victoria giai đoạn đầu, trong khi thế giới mới của Marx được cho là sẽ xuất hiện chỉ sau khi chủ nghĩa tư bản đã bị lật đổ; nhưng hai nhà tư tưởng này thống nhất với nhau ở chỗ “kỳ vọng một kỷ nguyên khoa học mới, một kỷ nguyên khác căn bản so với quá khứ loài người”. Như Sperber kết luận: “Ngày nay, ai đến thăm Nghĩa trang Highgate ở Bắc London cũng thấy mộ của Karl Marx và Herbert Spencer nằm đối diện nhau – dù giữa hai người có những khác biệt về tri thức, vị trí gần nhau như vậy không phải là hoàn toàn không thích hợp”.
Marx tiếp thu được từ các nhà thực chứng không chỉ cách nhìn về lịch sử như một quá trình tiến hóa đạt đến tột đỉnh ở một nền văn minh khoa học. Ông còn hấp thụ ít nhiều từ những lý thuyết của họ về các loại chủng tộc. Việc Marx nghiêm túc đón nhận các lý thuyết như vậy có thể đáng ngạc nhiên; nhưng ta cần nhớ rằng nhiều nhà tư tưởng hàng đầu thế kỷ mười chín – nhất là Herbert Spencer – là những người mê tướng số, và các nhà thực chứng từ lâu đã tin rằng để đạt được tính khoa học trọn vẹn, tư tưởng xã hội rốt cuộc cũng phải dựa trên sinh lý học.
Comte đã xác định chủng tộc (cùng với khí hậu) là một trong những yếu tố vật chất quyết định đời sống xã hội, và tác phẩm Luận về tính bất bình đẳng của các chủng tộc loài người (1853–1855) của Arthur de Gobineau, một lời biện hộ có ảnh hưởng rộng lớn về các thứ bậc chủng tộc vốn có, lấy một phần cảm hứng từ triết lý của Comte. Marx có phản ứng khinh miệt với cuốn sách của Gobineau, và không hề có dấu hiệu tin rằng chủng tộc của ông ưu việt trong mối quan hệ với người con rể Paul Lafargue gốc Châu Phi. (Lý do chính khiến ông phản đối cuộc hôn nhân đó là Lafargue thiếu nguồn thu nhập ổn định.) Đồng thời Marx không tránh được những lối suy nghĩ rập khuôn về chủng tộc vào thời của ông. Lời ông mô tả nhà xã hội Đức gốc Do Thái Ferdinand Lassalle, mà Sperber gọi là “một cơn trút giận xấu xa, ngay cả theo chuẩn mực của thế kỷ mười chín”, minh họa ảnh hưởng này:
Bây giờ tôi đã hoàn toàn thấy rõ, như hình dạng cái đầu của hắn và kiểu mọc tóc của hắn chứng minh, hắn [Lassalle] xuất phát từ những người da đen đã tham gia đoàn người của Moses ra khỏi Ai Cập (nếu mẹ hắn hoặc bà nội của hắn đã không ăn nằm với một tên mọi đen). Chính sự kết hợp giữa chất Do Thái và chất Đức với cái bản chất da đen này chắc hẳn tạo ra một sản phẩm dị thường. Thói hung hăng của tay này cũng giống bọn da đen.
Sperber nhận xét rằng đoạn văn này thể hiện “cách hiểu không mang tính chủng tộc về người Do Thái” của Marx. “‘Sự kết hợp giữa chất Do Thái và chất Đức’ mà Marx thấy ở Lassalle có tính văn hóa và chính trị”, chứ không có tính sinh học. Tuy nhiên, như Sperber tiếp tục mô tả, Marx cũng nhắc đến các loại chủng tộc này bằng những cách cho thấy những loại này được căn cứ vào các nòi giống sinh học. Ca tụng tác phẩm của nhà dân tộc học và nhà địa chất học người Pháp Pierre Trémaux (1818–1895), tác giả của cuốn sách Nguồn gốc và sự biến đổi của con người và các sinh vật khácmà ông đọc năm 1866, Marx khen gợi lý thuyết của Trémaux về vai trò của địa chất học trong sự tiến hóa của động vật và con người là “quan trọng hơn nhiều và phong phú hơn nhiều so với Darwin” trong việc cung cấp một “nền tảng tự nhiên” cho tính chất dân tộc và chứng tỏ rằng “loại [chủng tộc] da đen thông thường chỉ là dạng thoái hóa của một dạng cao cấp hơn nhiều”. Với những nhận xét này, Sperber bình luận,
Marx dường như đi theo hướng dùng sinh học hay địa chất học để giải thích những khác biệt về tính chất dân tộc – dù gì đi nữa cũng là lối giải thích gắn kết tính chất dân tộc với nòi giống, lý giải theo khoa học tự nhiên… một ví dụ khác cho thấy tầm ảnh hưởng đối với của những tư tưởng thực chứng về ưu tiên tri thức của các môn khoa học tự nhiên.
Lòng ngưỡng mộ của Marx đối với Darwin là điều ai cũng biết. Theo một huyền thoại phổ biến, Marx ngỏ ý đề tặng cuốn Tư bảncho Darwin. Sperber mô tả đây là “một huyền thoại xưa nay nhiều lần bị phản bác nhưng dường như không thể xóa hẳn được”, vì chính Edward Aveling, người yêu của Eleanor, con gái Marx, đã thất bại khi xin phép Darwin đề tặng một tập sách nổi tiếng mà ông đã viết về tiến hóa. Nhưng không có gì nghi ngờ về chuyện Marx hoan nghênh công trình của Darwin, xem đó (theo lời của Sperber) là “một cú đấm tri thức nữa có lợi cho chủ nghĩa duy vậy và thuyết vô thần”.
Những bất đồng sâu sắc giữa Marx và Darwin thì ít người biết hơn. Nếu Marx xem công trình của Trémaux là “một bước hoàn thiện rất quan trọng so với Darwin”, lý do là “sự tiến bộ, mà theo quan điểm của Darwin là hoàn toàn tình cờ, ở đây là cần thiết trên cơ sở các thời kỳ phát triển của vật thể trái đất”. Gần như tất cả các môn đệ của Darwin thời đó tin rằng ông đã dùng khoa học chứng minh sự tiến bộ trong tự nhiên; nhưng mặc dù chính Darwin đôi khi có phần dao động về luận điểm này, đó chưa bao giờ là quan điểm căn bản của ông. Thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin chẳng bàn gì về kiểu cải thiện nào cả – như Darwin có lần từng nhận xét, xét từ góc độ của chính loài ong, con ong là một cải thiện so với con người – và tầm hiểu biết sâu sắc của Marx được chứng tỏ qua việc, khác với đại đa số những người cổ xúy tư tưởng tiến hóa, Marx hiểu rằng học thuyết Darwin thiếu tư tưởng về sự tiến bộ. Thế nhưng, cũng như những người đó, về mặt tình cảm ông không đủ khả năng chấp nhận cái thế giới ngẫu nhiên mà Darwin đã khám phá.
Như cố triết gia Leszek Kołakowski thường nói, “Marx là một triết gia Đức”. Cách Marx lý giải lịch sử không xuất phát từ khoa học, mà là cách giải thích siêu hình của Hegel về sự bộc lộ của tinh thần (Geist) trong thế giới. Khẳng định cơ sở duy vật của thế giới ý tưởng, Marx đã ngoạn mục đảo ngược triết lý của Hegel; nhưng trong quá trình đảo ngược này, niềm tin của Hegel cho rằng lịch sử thực chất là một tiến trình tiến hóa duy lý tái hiện thành quan niệm của Marx về một chuỗi các biến đổi mang tính cách mạng tiến bộ. Tiến trình này có thể không hoàn toàn tất yếu; luôn có khả năng quay trở lại với tình trạng man rợ. Nhưng sự phát triển trọn vẹn các năng lực của con người, theo Marx, vẫn là ở điểm cuối cùng của lịch sử. Điều mà Marx và rất nhiều người khác muốn từ thuyết tiến hóa là một nền tảng cho niềm tin của họ về bước tiến đến một thế giới tốt đẹp hơn; nhưng thành tựu của Darwin là ở chỗ chứng minh sự tiến hóa vận hành không có một phương hướng hay trạng thái cuối cùng nào cả. Không chịu chấp nhận khám phá của Darwin, Marx bèn xoay sang vận dụng những lý thuyết viển vông và nay đã bị lãng quên rất xứng đáng của Trémaux.
Lần đầu tiên đặt Marx trọn vẹn trong thế kỷ mười chín, tiểu sử mới của tác giả Sperber có thể là tư liệu đáng tin cậy nhất trong nhiều năm sắp đến. Viết bằng giọng văn dễ hiểu và thanh thoát, cuốn sách này chứa đầy những hiểu biết sâu về tiểu sử và các giai thoại đáng nhớ, được khéo léo đan quyện với một bức tranh có sức thuyết phục về Châu Âu thế kỷ mười chín và cách kiến giải đáng suy gẫm về các tư tưởng của Marx. Các mối quan hệ của Marx với cha mẹ ông và di sản Do Thái của ông, thời sinh viên, câu chuyện bảy năm tìm hiểu rồi kết hôn với con gái của một quan chức chính phủ Phổ không thành đạt lắm, và cuộc đời dài sống trong nghèo khổ nhưng vẫn giữ kiểu cách thanh cao và hệ quả là tình trạng không ổn định rày đây mai đó được minh họa sống động.
Sperber mô tả nhiều sự nghiệp của Marx – trong đó, theo nhận xét của Sperber, Marx thành công khi là một nhà báo cấp tiến sáng lập một tờ báo hơn là khi cố gắng tập hợp giai cấp cần lao – và tác giả phân tích kỹ các thái độ tri thức và chính trị thường xuyên thay đổi của Marx. Rõ ràng Sperber thành công khi khắc họa Marx là một nhân vật phức tạp và hay thay đổi đắm chìm trong một thế giới hoàn toàn cách biệt với thế giới của chính chúng ta hiện nay. Liệu như vậy có nghĩa là tư tưởng của Marx hoàn toàn không can hệ gì đến các xung đột và những tranh luận của thế kỷ hai mươi và thế kỷ hai mươi mốt lại là một chuyện khác.
Có người nhận định rằng các tư tưởng của Marx chịu trách nhiệm một phần về các tội ác của chủ nghĩa cộng sản, nhưng cũng có người tin rằng Marx lĩnh hội các khía cạnh của chủ nghĩa tư bản mà hiện nay vẫn có ý nghĩa quan trọng. Cả nhận định lẫn niềm tin đó đều không thể được bác bỏ một cách dễ dàng như tác giả Sperber mong muốn. Có lẽ Marx đã chưa bao giờ có chủ đích tạo ra một hình thái giống như nhà nước toàn trị được tạo nên ở Liên Xô – thực ra một nhà nước như vậy rất có thể là không thể tưởng tượng nổi đối với ông. Tuy vậy, cái chế độ trỗi dậy ở Liên Xô là kết quả của việc cố gắng hiện thực hóa một viễn tượng rõ ràng mang màu sắc chủ nghĩa Marx. Marx không hề hiểu biết gì cái xã hội mới mà ông kỳ vọng sẽ vươn lên từ tàn tích của chủ nghĩa tư bản. Như Sperber ghi nhận, “Cuối đời, Marx thay thế một viễn tượng không tưởng về việc bãi bỏ hoàn toàn sự phân công lao động bị thù ghét bằng một viễn tượng khác, viễn tượng nhân loại toàn tâm toàn ý mưu cầu nghệ thuật và học thuật”. Tuy nhiên, Marx thực sự tin rằng một thế giới khác và tốt đẹp hơn không thể sánh được sẽ hình thành sau khi chủ nghĩa tư bản bị tiêu diệt, dựa niềm tin của mình về khả năng của một thế giới như vậy trên cơ sở một mớ hỗn độn rời rạc của triết lý duy tâm, sự suy đoán tiến hóa mơ hồ, và cách nhìn thực chứng về lịch sử.
Lenin theo chân Marx khi tạo ra một phiên bản mới của niềm tin này. Không có lý do gì để rút lại nhận định, do Kołakowski và những người khác đưa ra, rằng tính xác định siêu hình và khoa học giả hiệu mà Lenin hấp thụ từ Marx đóng một vai trò hệ trọng trong việc tạo nên chủ nghĩa toàn trị cộng sản. Theo đuổi một viễn tượng không thể hiện thực hóa được của một tương lai đại đồng sau khi chủ nghĩa tư bản sụp đổ, các môn đồ Leninist của Marx đã tạo ra một xã hội áp bức và vô nhân đạo mà chính nó đã sụp đổ, trong khi chủ nghĩa tư bản – dù đầy rẫy những vấn đề của riêng nó – tiếp tục phát triển.
Tuy Marx không thể tránh bị dính líu đến một số tội ác trong những tội ác kinh khủng nhất của thế kỷ vừa qua, cũng đúng là ông làm sáng tỏ một số trong những tình trạng tiến thoái lưỡng nan của chúng ta hiện nay. Sperber thấy không có gì đáng chú ý ở đoạn văn nổi tiếng trong Tuyên ngôn Cộng sản mà qua đó Marx và Engels tuyên bố:
Tất cả những gì rắn chắc đều tiêu tan thành mây khói; tất cả những gì thiêng liêng đều bị ô uế, và rốt cuộc con người buộc phải đối diện với các hoàn cảnh sống thực sự của mình và các quan hệ với đồng loại, bằng con mắt tỉnh táo. [iii]
Theo Sperber, cái ý tưởng cho rằng “sự khẳng định về biến đổi không ngừng và đa dạng” này báo trước tình cảnh của chủ nghĩa tư bản cuối thế kỷ hai mươi và đầu thế kỷ hai mươi mốt xuất phát từ cách dịch sai bản gốc tiếng Đức, mà có thể diễn đạt một cách chính xác hơn là:
Tất cả mọi thứ đang tồn tại một cách chắc chắn và mọi yếu tố của xã hội có giai cấp sẽ tan biến, mọi thứ thiêng liêng biến thành phàm tục và con người rốt cuộc cũng buộc phải nhìn nhận vị thế của họ trong đời sống và những quan hệ giữa người với người bằng con mắt tỉnh táo.
Tuy phiên bản của Sperber rõ ràng nghe kém mượt mà hơn (như ông công nhận), tôi chẳng thấy có gì khác biệt thực sự về nghĩa giữa hai phiên bản. Bất luận được dịch ra sao, đoạn văn đó chỉ ra một đặc điểm trọng tâm của chủ nghĩa tư bản – đó là tự thân nó có xu hướng cách mạng hóa xã hội – mà phần lớn các nhà kinh tế học và chính khách vào thời của Marx và về sau đã làm ngơ hoặc đánh giá quá thấp.
Các chương trình của “giới bảo thủ thị trường tự do” nhằm xóa bỏ các gọng kềm của quản lý nhà nước đối với sự vận hành của các lực thị trường trong khi bảo tồn hoặc khôi phục các mẫu hình truyền thống của đời sống gia đình và trật tự xã hội, phụ thuộc vào giả định rằng tác động của thị trường có thể được hạn chế trong phạm vi nền kinh tế. Nhận định rằng các thị trường tự do phá hủy và tạo nên các hình thức của đời sống xã hội khi chúng sản xuất và tiêu hủy các sản phẩm và các ngành công nghiệp, Marx chứng minh rằng giả định này sai lầm rất lớn. Trái với kỳ vọng của ông, chủ nghĩa dân tộc và tôn giáo đã không phai tàn và không hề có dấu hiệu phai tàn trong tương lai trước mắt; nhưng khi ông cảm nhận cách thức mà chủ nghĩa tư bản đang phá hoại đời sống tư sản, ông đã lĩnh hội một chân lý quan trọng.
Nói như vậy không có nghĩa là Marx có thể chỉ cho chúng ta cách thoát ra khỏi những khó khăn kinh tế hiện nay của chúng ta. Ta có thể hiểu nhiều hơn về xu hướng chủ nghĩa tư bản gặp những cuộc khủng hoảng thường tái diễn qua những trước tác của John Maynard Keynes hay một môn đồ chịu phê bình Keynes chẳng hạn như Hyman Minsky hơn là qua tác phẩm của Marx. Do xa rời với bất cứ hoàn cảnh xã hội nào hiện có hoặc có thể hình dung được một cách thực tế, cái “tư tưởng cộng sản” do các nhà tư tưởng như Alain Badiou và Slavoj Žižek khôi phục cũng chẳng khác gì những ảo tưởng về thị trường tự do được phái hữu hồi sinh. Cái ý thức hệ do nhà kinh tế học người Áo F.A. Hayek và các môn đệ của ông cổ xúy, trong đó chủ nghĩa tư bản giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh sinh tồn giữa các hệ thống kinh tế khác nhau, có nhiều điểm tương đồng với phiên bản kém chất lượng hơn về sự tiến hóa do Herbert Spencer truyền bá cách đây hơn một thế kỷ. Nhắc lại các ngụy biện đã bị đập tan từ lâu, những lý thuyết tân Marxist và tân tự do này chỉ càng minh họa sức mạnh bền bỉ của các tư tưởng hứa hẹn sự giải thoát kỳ diệu khỏi xung đột của con người.
Việc Marx lại được ưa chuộng là một sự tình cờ của lịch sử. Nếu Chiến tranh Thế giới thứ nhất không xảy ra và làm sụp đổ chế độ Sa hoàng, nếu phe Bạch vệ thắng lợi trong Cuộc Nội chiến Nga như Lenin nhiều lúc đã e sợ như vậy và nếu lãnh tụ Bolshevik đã không thể cướp chính quyền và duy trì quyền lực của mình, hoặc nếu bất cứ sự kiện nào trong vô vàn sự kiện đã không xảy ra như trên thực tế, thì hiện nay Marx là cái tên mà hầu hết những người có học thức phải vắt óc mới nhớ nổi. Thực tế là chúng ta chỉ còn thừa hưởng những sai sót và lầm lẫn của Marx. Marx hiểu sức sống trong trạng thái hỗn loạn của chủ nghĩa tư bản sớm hơn và rõ hơn có lẽ bất cứ ai khác. Nhưng cái viễn tượng về tương lai mà ông tiếp thu từ chủ nghĩa thực chứng, và chia sẻ với nhà tiên tri kia cùng thời Victoria có ngôi mộ đối diện với mộ của ông ở Nghĩa trang Highgate, một viễn tượng mà ở đó các xã hội công nghiệp đang cận kề một nền văn minh khoa học trong đó các tôn giáo và xung đột của quá khứ sẽ phai tàn, là viễn tượng thiếu cơ sở duy lý – một huyền thoại mà, cũng như chuyện Marx muốn đề tặng tác phẩm quan trọng của mình cho Darwin, đã bị đập tan nhiều lần nhưng dường như không thể xóa bỏ được.
Rõ ràng là nếu tin rằng nhân loại đang tiến hóa đến một trạng thái đại đồng hơn, thì nhiều người sẽ cảm thấy an tâm. Song, chúng ta sẽ chuẩn bị tốt hơn để đương đầu với những xung đột của mình nếu ta có thể gác lại cách nhìn của Marx về lịch sử, cũng như niềm tin thời thế kỷ mười chín của ông về khả năng có một xã hội khác hẳn bất cứ xã hội nào đã từng tồn tại.
Nguồn: John Gray, “The Real Karl Marx”, The New York Review of Books, 9/5/2013
Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ & pro&contra
_________
Ảnh: Karl Marx và con gái Jenny, một nhà báo cánh tả và thư ký cho Marx, năm 1869. Jonathan Sperber viết: ‘Chiếc thánh giá bà đang đeo không phải dấu hiệu sùng đạo, mà là biểu tượng của cuộc khởi nghĩa Ba Lan năm 1863.’ (Nguồn: Bundesarchiv Berlin-Lichterfelde)

[i] Marx-Engels-Gesamtausgabe (N.D.)
[ii] Tức Đệ nhất Quốc tế (N.D.)
[iii] So sánh với bản tiếng Việt ở tàng thư Marxist Internet Archive: “Tất cả những gì mang tính đẳng cấp và trí tuệ đều tiêu tan như mây khói; tất cả những gì là thiêng liêng đều bị ô uế, và rốt cuộc, mỗi người đều buộc phải nhìn những điều kiện sinh hoạt của họ và những quan hệ giữa họ với nhau bằng con mắt tỉnh táo.” Tiếng Anh: “All that is solid melts into air, all that is holy is profaned, and man is at last compelled to face with sober senses his real conditions of life, and his relations with his kind.” Tiếng Đức: “Alles Ständische und Stehende verdampft, alles Heilige wird entweiht, und die Menschen sind endlich gezwungen, ihre Lebensstellung, ihre gegenseitigen Beziehungen mit nüchternen Augen anzusehen.” (N.D.)
nguồn:http://www.procontra.asia/?p=2414
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001