Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

Jim Armitage - Đoàn Nguyên Đức, người hâm mộ Arsenal và những cáo buộc cướp đất 


Diên Vỹ chuyển ngữ
17.05..2013


Hiếm khi các fan hâm mộ bóng đá mách tin cho tôi để viết bài bình luận trên trang này, nhưng trong trường hợp của nhà tỉ phú Việt Nam Đoàn Nguyên Đức, một bài blog về Arsenal lại là nguồn cung cấp thông tin. Bài viết đề cập đến quan hệ đối tác giữa Gunners (Arsenal) và công ty HAGL của nhà tài phiệt này và bày tỏ mối quan tâm sâu sắc về liệu câu lạc bộ bóng đá này có nên dính líu đến nó hay không.
Vì sao? Vì những tố cáo đối với công ty này về hoạt động khai thác rừng, cưỡng bức nông dân khỏi mảnh đất của họ để trồng cao su trên những khu vực rộng lớn ở Lào và Cambodia.
Đoàn Nguyên Đức, còn được biết đến cái tên sinh động hơn là Bầu Đức, đúng thật sự là một đại gia. Với xuất xứ khiêm nhường là một thợ mộc, ông tự xoay xở để trở thành một người có thể nói là giàu nhất trong khu vực.
Với những phô trương đầy đủ chẳng khác nào một tỉ phú phương tây, ông đã mua một đội bóng đá, là người Việt đầu tiên mua máy bay phản lực riêng, và tận hưởng cuộc sống trong những khách sạn năm sao sang trọng.
Nhiều câu hỏi được đặt ra về việc ông làm cách nào để trở thành giàu có tột bực một cách nhanh chóng. Được biết là ông có liên quan đến lĩnh vực khai thác gỗ từ những năm 1990 trong giai đoạn mà nạn phá rừng đang hoành hành tại Việt Nam. Mặc dù ông bác bỏ việc hoạt động phi pháp nhưng ông lại từng phác hoạ một bức tranh đầy sống động về chiến lược kinh doanh của mình trong một bài phỏng vấn của tạp chí Forbes vài năm trước đây, trong đó ông tuyên bố rằng: ”Tôi nghĩ tài nguyên thiên nhiên thì giới hạn, và tôi cần phải khai thác chúng trước khi cạn kiệt.”.
Hoàn toàn chân thực, không quanh co.
Nhưng một báo cáo mới đây đã chiếu một luồng sáng cực kỳ khắc nghiệt vào những hoạt động của ông Bầu tại những quốc gia Đông nam Á láng giềng là Lào và Cambodia. Theo tổ chức Global Witness, ở đấy HAGL là một trong những nhân vật chính tham gia vào quá trình cưỡng chế đất đai trong đó đã có đến hàng nghìn héc ta đất bị ngốn trọn để biến thành các nông trại trồng cây cao su.
Phần đông là đất đai sử dụng của người dân địa phương, thường dùng để canh tác tự sống. Có rất nhiều đất rừng vốn là nguồn lương thực và thuốc men của người dân. Bản báo cáo chứa đầy những câu chuyện về những người dân địa phương bị cưỡng chế khỏi mảnh đất của mình và không còn khả năng kiếm sống.
Một người dân làng kể: ”Công ty này đến và xâm chiếm chúng tôi. Cũng tương tự như ngày xưa, khi kẻ thù xâm chiếm làng mạc của chúng tôi.”
Theo Global Witness: ”Thường thì người dân mới biết đến đồn điền chỉ khi những xe ủi đất của công ty đến san bằng ruộng rẫy của họ.”
HAGL và Tập đoàn Cao su Việt Nam của nhà nước đã mua hơn 200 nghìn héc ta đất từ chính phủ Lào và Cambodia. Những hợp đồng này thì cực kỳ mơ hồ và khó để theo dõi vì việc sử dụng nhiều công ty con và những phương tiện nằm ở nước ngoài. Trong khi HAGL thừa nhận là đã mua hơn 46 nghìn héc ta đất, họ nói rằng không có bất kỳ tranh chấp nào với dân địa phương và bảo rằng họ luôn hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.
Theo bản báo cáo, hai công ty trên ”hoạt động hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát, tàn phá đời sống người dân địa phương và môi trường.”
Việc xây dựng đồn điền ở mức độ như thế này thì không thể thực hiện được chỉ với vốn đầu tư của Việt Nam. Còn cần có cả đầu tư từ phương Tây. Vì thế Ngân hàng Deutsche đã nhúng tay vào và mua cổ phần trực tiếp từ cả hai công ty trên.
Vấn đề có lẽ nghiêm trọng hơn khi Ngân hàng Thế giới cũng hỗ trợ những hoạt động của họ với lập luận rằng các đồn điền giúp đưa nguồn đầu tư vào các quốc gia này.
Và hãy thử đoán xem bạn phải tìm ai nếu muốn đầu tư vào kinh doanh của ông Bầu? Ngạc nhiên chưa, đấy là nơi của những công ty khai thác mỏ đầy hấp dẫn như ENRC, Glencore Xstrata và Vedanta - Thị trường Chứng khoán London.
Thông tin chào hàng đầu tư vào cổ phiếu của HAGL ở London đã đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ về những rủi cố hữu cho các nhà đầu tư.
Một số “công trình hiện tại của HAGL đang được phát triển mà không có sự phê chuẩn, giấy phép hoặc môn bài cần thiết của chính quyền,”, ngoài ra ”việc phát triển và hoạt động của một số công trình không hoàn toàn tuân theo những luật lệ thích hợp.”
Và có lẽ nổi bật hơn hết là: ”Việc xây dựng và hoạt động trong các  lĩnh vực nhà đất, đồn điền cao su, khai thác quặng sắt, sản xuất thuỷ điện, sản xuất bàn ghế và đá hoa cương trên một số quốc gia đã gặp phải chống đối từ các cộng đồng địa phương nơi các doanh nghiệp đang đặt cơ sở.” Nhưng Arsenal thì liên quan gì đến những việc này? Bên cạnh là nhà phân phối chính các sản phẩm mang thương hiệu câu lạc bộ tại Việt Nam, Đức còn là một cổ động viên sáng giá của Arsenal và thường xuyên được chụp ảnh cùng với thần tượng của mình là Arsene Wenge. HAGL đã đăng quảng cáo tại các trận bóng của Arsenal và thậm chí Đức còn thuyết phục đội bóng này đến giao đấu hữu nghị tại Việt Nam vào mùa hè.
Cho đến nay, các ông chủ tại sân Emirates vẫn hoan hỉ nhận tiền của Đức cũng như mối quen biết với những khu vực kinh tế đang phát triển nhanh chóng tại Đông nam Á. Arsenal nói rằng họ không biết được những tố giác về HAGL, nhưng sẽ tìm cách trả lời về bản báo cáo của Global Witness. Tuy nhiên những cổ động viên thuần thành Arsenal rõ ràng là không ấn tượng mấy.
Diên Vỹ gửi hôm Chủ Nhật, 19/05/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130519/jim-armitage-doan-nguyen-duc-ke-ham-mo-arsenal-va-nhung-cao-buoc-ve-viec-cuop-dat
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001