Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Nguyễn Hưng Quốc - Chống toàn trị là chống cái gì? 


Nguyễn Hưng Quốc

Trong hai bài “Tôi không chống Cộng” và “Từ chống Cộng đến chống toàn trị”, tôi đã trình bày một luận điểm chính: Chúng ta chống lại chế độ Việt Nam hiện nay không phải vì chế độ ấy theo chủ thuyết Marx-Lenin và cũng không phải vì chế độ ấy do đảng Cộng sản lãnh đạo. Không chống lại chủ thuyết Marx-Lenin vì, một, nó thuộc phạm trù tư tưởng mà yếu tính của dân chủ - lý tưởng mà chúng ta nhân danh để tranh đấu - lại đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận quyền tự do lựa chọn tư tưởng của người khác; hai, chủ thuyết ấy, thật ra, đã bị loại bỏ, một cách chính thức hay không chính thức, như một nền tảng ý thức hệ của chế độ. Nó chỉ còn tồn tại như một nhãn hiệu. Một lá phướn. Không hơn không kém. Chúng ta không chống lại sự kiện đảng Cộng sản lãnh đạo vì hai lý do chính: Một, hầu hết các chế độ, ngay cả ở các quốc gia dân chủ nhất, cũng do một đảng nào đó lãnh đạo; hai, nếu (xin lưu ý chữ “nếu”), việc lãnh đạo ấy của đảng Cộng sản là kết quả của một cuộc bầu cử tự do và nếu (lại “nếu”), trong việc lãnh đạo, họ cũng tôn trọng tự do của người khác thì không có vấn đề gì cả.


Chúng ta chống lại chế độ Cộng sản vì tính chất toàn trị của nó. Tính chất toàn trị ấy thể hiện ở ba điểm chính:

Thứ nhất, nó cai trị một cách độc tôn, không chấp nhận bất cứ một đảng phái đối lập nào khác, thậm chí, không chấp nhận bất cứ một lực lượng độc lập nào khác, những lực lượng tồn tại không phải để cạnh tranh với đảng Cộng sản mà chỉ đóng vai trò giám sát và phản biện (như truyền thông và các tổ chức xã hội dân sự).

Thứ hai, nó cai trị một cách độc tài: Mọi quyết định từ lập pháp đến hành pháp và tư pháp đều nằm trong tay đảng; trong khi đảng lại nằm ngoài hoặc ở trên luật pháp; ở đó, họ không bị bất cứ sự kiểm tra hay phản biện nào cả. Từ độc tài, nó biến thành tàn bạo, sẵn sàng chà đạp lên dân chúng và trấn áp mọi thành phần độc lập (không nói đến chuyện đối lập).

Và thứ ba, nó hoàn toàn bất lực trong việc lãnh đạo và quản lý đất nước trên hầu như mọi phương diện, từ kinh tế đến y tế, giáo dục, xã hội, văn hóa và cả quốc phòng (đặc biệt trong quan hệ với Trung Quốc), một lãnh vực vốn được xem là mạnh nhất và là niềm tự hào của chế độ ấy trong suốt hơn nửa thế kỷ.

Nhưng chống tính chất toàn trị ấy là chống ai và chống cái gì?

Trước hết, cần nhấn mạnh: Chống tính chất toàn trị của đảng Cộng sản không phải là chống mọi người Cộng sản. Có mấy lý do chính.

Một, trong số 4 triệu đảng viên Cộng sản hiện nay, có người tốt kẻ xấu, không phải ai cũng đáng bị chống; hơn nữa, chỉ có một số ít là thực sự có quyền hành, còn lại, phần lớn, chỉ đóng vai trò công cụ hoặc thừa hành.

Hai, trong số 4 triệu đảng viên ấy, có thể có một số người là thân nhân hoặc là bạn thân của chúng ta. Chả lẽ chúng ta cũng chống lại họ? Xin lấy bản thân tôi làm ví dụ. Trong gia đình cũng như trong họ hàng của tôi, không có ai là đảng viên Cộng sản. Nhưng trong bạn bè tôi thì có. Nhiều nữa là khác. Bạn, bao gồm hai loại: bạn cũ và bạn mới. Bạn cũ, quen thân từ thời tiểu học, trung học, đại học hoặc sau khi tốt nghiệp đi làm, nhiều người bây giờ là đảng viên. Bạn mới, hầu hết trong giới văn nghệ và giáo dục, đặc biệt ở miền Bắc, phần lớn là đảng viên. Tôi biết họ là đảng viên. Họ cũng không hề giấu giếm việc họ là đảng viên. Nhưng thành thực mà nói, quan hệ giữa chúng tôi, nói chung, vẫn tốt đẹp. Chúng tôi thân thiện và tin cậy nhau. Gặp nhau, chúng tôi nói đủ thứ chuyện, từ chuyện gia đình đến chuyện xã hội, văn học nghệ thuật và cả chuyện chính trị nữa. Tôi hay nói thẳng những điều tôi nghĩ về chế độ. Cho đến bây giờ, chưa ai cãi lại tôi. Không những đồng ý, họ còn phê phán chế độ một cách gay gắt và sâu sắc khiến tôi phải sửng sốt. Thì cũng phải. Những gì tôi biết qua sách vở, họ biết bằng da thịt của chính họ. Họ sống dưới cái chế độ ấy lâu hơn tôi, cọ xát nhiều hơn tôi, chịu đựng nhiều cay đắng hơn tôi. Họ phải suy nghĩ về nó và phải đối phó với nó từng giờ từng phút. Chẳng có lý do gì để tôi chống lại họ cả.

Trường hợp của tôi, chắc chắn cũng là trường hợp của nhiều người khác. Tôi biết nhiều người, ngay cả ở hải ngoại, không những có bạn bè mà còn có cả thân nhân là đảng viên. Cả nhà văn Phan Nhật Nam lẫn nhà văn Cao Xuân Huy, hai cây bút được xem là chống Cộng nổi tiếng, một, ngay từ trước năm 1975 ở miền Nam, và một, ở hải ngoại sau năm 1975, đều có bố là đảng viên, sau năm 1954, sống và làm việc ở miền Bắc. Sau này, hiện tượng ấy có lẽ càng lúc càng nhiều: Nếu không phải bố mẹ thì là chú bác, anh em, họ hàng. Thì cứ nghĩ mà xem: Đâu phải gia đình nào cũng may mắn vượt biên được hết? Thế nào cũng còn một ít thân nhân tiếp tục sống ở Việt Nam. Sống, phải làm việc; làm việc, phải tính toán và phấn đấu; tính toán và phấn đấu đến một lúc nào đó thì người ta vào đảng. Vào đảng không phải vì lý tưởng mà vì quyền lợi. Chả lẽ chúng ta chống lại cả họ?

Xin lưu ý: Chúng ta đang ở thời bình. Thời chiến, như ở Việt Nam trước 1975, thì khác. Văn hóa chiến tranh xóa mờ cá nhân. Ở chiến trường, chỉ có phe ta và phe địch. Ngay cả khi biết bên phe địch có bố hoặc anh em ruột thịt của mình, người ta vẫn phải nổ súng. Không có lựa chọn nào khác. Nhưng vấn đề là hiện nay, chúng ta đang sống trong thời bình. Văn hóa thời bình khác hẳn. Nó có không gian rộng rãi cho những tình nghĩa cá nhân. Trong một văn hóa mà vai trò của cá nhân và quan hệ cá nhân nổi bật như vậy, khi chống Cộng, người ta có bắt buộc phải chống lại người thân của mình hay không?

Ba, nếu muốn chống và nếu may mắn có thể chống lại được cả bốn triệu đảng viên Cộng sản thì cũng không nên chống. Một trong những nguyên tắc căn bản của chiến lược là không chống lại một tập thể khi, tự bản chất, tập thể ấy không phải là một cái gì thuần nhất. Mà đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, hầu như ai cũng thấy, không hề thuần nhất và thống nhất. Phần lớn những tiếng nói phê phán và phản biện gay gắt nhất chúng ta nghe từ trong nước hiện nay là từ những đảng viên. Một lý do khác của việc không nên ấy là nguyên tắc dân chủ: Chúng ta không nhắm vào con người.

Dĩ nhiên, việc không nhắm vào con người ấy có hai điểm cần lưu ý: Thứ nhất, trừ những người nắm vai trò lãnh đạo chủ chốt, và thứ hai, trừ phi những con người ấy có hành động gì sai trái quá đáng. Nhưng ngay cả ở hai điểm này, mục tiêu cũng không hẳn là con người. Trong trường hợp thứ nhất, chúng ta chỉ chống lại chức vụ. Một Tổng bí thư, chẳng hạn, khi đã về hưu hay khi đã mất quyền, sẽ không còn là đối tượng chống đối nữa. Ví dụ, bây giờ mà mở chiến dịch chống ông Lê Khả Phiêu hay Nông Đức Mạnh thì chả để làm gì. Chúng ta có thể tiếp tục phê phán hay lên án họ, hoặc có thể lôi họ ra tòa, nếu có điều kiện. Nhưng không cần chống lại họ. Với những người có chức vụ thấp, như những đảng viên công an đánh đập hoặc giết chết những người vô tội, chúng ta cũng cần chống. Nhưng trong trường hợp ấy, chúng ta chỉ chống lại hành động tàn bạo chứ cũng không phải chống lại con người.

Không nhắm vào con người, việc chống lại một chế độ toàn trị chỉ nhắm vào hai đối tượng chính:

Thứ nhất là cơ chế. Có hai loại cơ chế: cơ chế toàn trị và cơ chế duy trì sự toàn trị. Thuộc cơ chế đầu là vai trò độc tôn của đảng Cộng sản như đã ghi trong Hiến pháp Việt Nam. Thuộc cơ chế sau là vai trò của tư pháp, công an, quân đội và truyền thông vốn đáng lẽ phải được độc lập với đảng cầm quyền. Trong các cơ quan vừa kể, quan trọng nhất là công an. Có thể nói chế độ Cộng sản Việt Nam hiện nay, cũng giống mọi chế độ độc tài khác, tồn tại được là nhờ công an. Không phải ngẫu nhiên mà, dù bị mọi người đả kích, câu biểu ngữ “Còn đảng, còn mình” vẫn cứ được hiên ngang treo trên các trụ sở công an: Đó thực sự là điều đảng Cộng sản đang muốn công an phải nhập tâm.

Thứ hai là chính sách, bao gồm các chính sách trên mọi lãnh vực, từ kinh tế đến y tế, giáo dục, xã hội, văn hóa, chính trị, quốc phòng, v.v.. Ở Việt Nam hiện nay, hầu như chính sách nào cũng có vấn đề. Trong đó có một số vấn đề nổi bật lên hẳn vì tính chất khẩn cấp. Như các chính sách nhu nhược trước Trung Quốc hoặc các chính sách trấn áp những người dân muốn lên tiếng chống lại Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền và độc lập, chẳng hạn. Có những vấn đề vừa khẩn cấp vừa bao trùm lên hầu hết các vấn đề khác. Như các chính sách nhồi sọ và ngu dân. Chuyện nhồi sọ, hầu như ai cũng biết. Nhưng ngu dân? Chúng ta dễ nghĩ đó là âm mưu của thực dân ngày trước. Còn bây giờ, khi trình độ dân trí càng ngày càng cao, nói đến ngu dân, dễ có cảm tưởng như một sự tuyên truyền rẻ tiền. Nhưng đó lại là sự thật. Bưng bít thông tin là một cách ngu dân. Trên báo chí chính thống, chỉ đăng tải toàn những chuyện vớ vẩn mà làm ngơ những vấn đề quan trọng khiến dân chúng bức xúc nhất cũng là một cách ngu dân. Viết và dạy một thứ lịch sử đầy dối trá cũng là một cách ngu dân nữa. Vân vân.

Và vân vân.

Chỉ riêng việc chống lại hai điểm căn bản trên đã mệt lắm rồi!
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/05/nguyen-hung-quoc-chong-toan-tri-la.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001