Võ Văn Trực - Tập trung mồ mả
Võ Văn Trực
(trích từ chương X
cuốn Chuyện Làng Ngày Ấy
của Võ Văn Trực)
cuốn Chuyện Làng Ngày Ấy
của Võ Văn Trực)
Ðất canh tác bị chia cắt manh mún thành hàng trăm mảnh nhỏ. Mảnh thì
vuông. Mảnh thì méo. Mảnh thì xiên xẹo. Trong những mảnh ruộng ấy, chen
chúc bao nhiêu ngôi mộ lớn mộ nhỏ. Có những thửa ruộng rất thảm hại: đất
cấy lúa trồng khoai len lách giữa mồ mả choán gần hết diện tích. Ðất bị
xé ra như lòng người bị xé vụn bởi những ganh ghét. Ðã mấy đời như thế
rồi, hỡi đất đai?
Chủ trương của chính quyền cách mạng tập trung mồ mả vào một nơi là
phải. Tập thể hóa tổ tiên, thần linh là việc làm nghiêm túc - hài hước,
là tiếng cười mỉa mai sau khi người ta bình tĩnh nhìn lại niềm tin ấu
trĩ. Nhưng tập trung mồ mả là việc làm nghiêm túc, hoàn toàn không pha
vị hài hước. Hàng trăm ngôi mộ cũ đã được dời đi, đông điền trông quang
quẻ, thoáng mát, cây lúa cây khoai mọc lên một cách đàng hoàng, không
phải chui rúc giữa mồ mả.
Có ngờ đâu công việc nghiêm túc ấy, người ta lại vô tình biến thành công
việc hài hước và độc ác. Ðáng lẽ chính quyền phải báo cho các gia đình
tự lo liệu lấy việc dời hài cốt, gia đình không tự lo nổi thì mới yêu
cầu sự giúp đỡ của tập thể. Ðàng này người ta lại đùng đùng phát động
thanh niên mở chiến dịch đào mồ đào mả.
Sáng hôm ấy, con gái và con trai, cuốc và xẻng, thuổng và bàn vét, ngổn
ngang ồ ạt xông ra đồng. Hai cánh đồng Ruộng Quan và Cồn Rộng nhiều mồ
nhất, phải mở hai mũi quân mạnh nhất xung phong vào hai “cứ điểm” này.
Không biết từ bao giờ ông cha mình chọn nơi đây làm nghĩa địa cho người
nghèo. Hầu hết những nhà giàu có, người ta táng vào thửa ruộng riêng,
ngôi mộ to hơn và thế đất thịnh vượng hơn. Chỉ có nhà nghèo, hiếm ruộng
hoặc không có ruộng, mới táng nhờ vào mảnh đất công này. Có khi đào
huyệt mới lại chạm vào tấm áo quan cũ hoặc tiểu sành cũ. Mộ chen chúc
nhau. Mộ chồng lên mộ, tầng tầng lớp lớp hài cốt. Ðủ mọi dạng mọi kiểu
cất táng: tiểu sành, tiểu gỗ, nồi đất, chiếu... Mỗi nắm xương khô là một
cuộc đời riêng, một thế giới riêng được giấu kín vào lòng đất, phức tạp
và huyền bí. Mộ ông Liễn, một tay đặt chuyện vè nổi tiếng. Ngôi mộ ông
là pho biên niên sử đã khép lại trang cuối cùng, ta vẫn cảm được qua nắm
đất cái xôn xao đầm ấm của hương thôn, cái châm chọc cay nghiệt đối với
bọn hào lý. Mộ anh Tiếu, con ông mõ nghèo xơ xác, tác giả của nhiều câu
ca dao trữ tình trong những đêm hát phường vải. Mộ o Thiện, một cô gái
con nhà giàu, lẳng lơ, đa tình, trốn cha trốn mẹ để ân ái với những
chàng trai nghèo. Mộ ông Ðường, không vợ con, là thầy lang suốt đời mang
cái bị thuốc đi làm phúc cho thiên hạ, đến lúc chết không kèn không
trống, chỉ có vô khối những nén hương ân huệ cắm lên mồ.
Những cuộc đời riêng là vậy, những nỗi niềm riêng là vậy! Thế mà đến
sáng mai này tất cả mọi bộ hài cốt được trộn vào trong một khối cộng
đồng bao bọc bởi tấm ni lông!
Vốn lúc đầu đám thanh niên cũng còn giữ được lễ nghĩa: mỗi bộ hài cốt để
riêng một nơi. Nhưng mộ nhiều quá, nếu cứ cẩn thận như vậy, tiến trình
chiến dịch sẽ kéo dài, họ xô bồ đào xới và xô bồ bốc tất cả hài cốt vào
một tấm ni lông. Hàng chục cái sọ dừa, hàng chục cái xương tay xương
chân, hàng chục bộ răng đổ ào vào một đống.
Ông T. quê làng Thanh Lý, đang làm thuê ở Phủ Quỳ, xa trên năm chục
kilômét, nghe tin xã mình tổ chức dời mồ mả để quy hoạch lại đông điền,
ba chân bốn cẳng chạy về. Ðến đầu làng, áo quần ướt đẫm mồ hôi và lấm bê
bết bụi bặm, chợt thấy đám thanh niên đang lố nhố đào mả ngoài đồng,
ông hộc tốc chạy ra, vừa khóc vừa la hét: “Hài cốt của cha tôi đâu rồi?”
Bọn thanh niên láu cá đánh lừa ông: bốc riêng ra một cái sọ dừa và mấy
cái xương trao cho ông. Ông ôm bộ hài cốt, khóc rưng rức. Một lúc sau,
trầm tĩnh lại, ông thấy còn thiếu một ống xương chân, đòi kỳ được. Mấy
cậu thanh niên mặt tỉnh khô, trả lời: “Mộ cha ông chôn lâu ngày, làm sao
mà đủ được xương!” Ông T. vẫn không chịu, nằng nặc đòi cái xương ống
chân của cha. P., một thanh niên lớn tuổi nhất, xóc xóc đống hài cốt
trong túi ni lông, nhặt ra một đoạn xương chân trao cho ông T. (!).
Sau mấy ngày đào bới, tất cả hài cốt được mang lên táng tại khu nghĩa
địa mới chung của toàn xã. Nói là nghĩa địa, nhưng nào có ra cái hình
dáng gì đâu. Ở một số xã khác như xã Diên Thái, nghĩa địa được xây dựng
rất nghiêm trang, xung quanh trồng cây, phía trong có lối đi ngang đi
dọc, hàng trăm ngôi mộ nằm im lặng gợi không khí thiêng liêng. Còn ở xã
tôi, hầu như người ta quá “duy vật”, cho nên không coi trọng việc xây
dựng nghĩa địa cho tử tế. Giữa cánh đồng màu, nham nhở lồi lõm mô gò,
bùn lầy, xương cốt vùi xuống, đất lấp lên, thế là xong! Ðể tiết kiệm
đất, không được đắp riêng từng nấm mộ, mà mỗi chi họ đào một cái rãnh
dài, rồi xếp các bộ hài cốt liền nhau, đắp đất như bờ ruộng. Tệ hơn nữa
là có mấy cậu thanh niên nghịch ngợm, đắp khu mộ hình khẩu súng lục hoặc
hình khẩu súng trường.
Chôn cất kiểu này khó mà phân biệt được mộ của ai. Chỉ biết đấy là mộ
chung, mộ tập thể. Có gia đình cẩn thận làm mộ chí bằng đá, mấy ngày sau
bọn xấu bụng ăn cắp mộ chí đem về làm đá tảng kê cột nhà. Người ta lại
làm dấu tại ngôi mộ bằng cách đóng cái cọc tre thật sâu, cũng chỉ mấy
ngày sau là bọn trẻ chăn trâu nhổ cọc tre vứt lung tung. Chúng nhổ cọc
tre để làm gì? Chẳng làm gì cả, nghịch thế thôi, không có mục đích.
Mọi người thở dài, bó tay, đành chịu vậy. Thời buổi thế thì phải chịu
thế, chứ biết làm sao. Một số cụ già nhìn nghĩa địa luôm nhuôm như vậy,
sợ thân phận mình sau khi nhắm mắt xuôi tay. Ai sẽ thờ phụng mình? Mộ
mình có còn nữa đâu để con cháu tảo mộ? Lúc sống đã cơ cực, còn nghìn
lần cơ cực sau lúc chết. Có cụ đâm ra sợ chết. Tôi nói thật đấy mà. Tâm
lý dân tộc ta là người đã bảy mươi, tám mươi, ra đi rất thanh thản. Thế
mà ở làng tôi, cụ cố Ðính nhìn cái nghĩa địa tồi tệ mà sợ mình phải
chết. Cố đã trên tám mươi tuổi. Vào giờ phút lâm chung, con cháu khiêng
cố ra nhà ngoài, cố không cho khiêng, con cháu thay áo mới, cố không cho
thay. Cố nói thều thào: “Tao nhìn cái nghĩa địa, tao sợ lắm, đừng bắt
tao chết...”
*
Chủ trương dời mồ mả để quy hoạch lại đông điền là đúng. Nhưng các ngôi
mộ có tính chất lịch sử và không ảnh hưởng đến đất đai canh tác, có nên
dời không? Dĩ nhiên trăm phần trăm là không nên! Ấy thế mà ở làng tôi,
người ta dời tuốt tuồn tuột, bất kỳ ngôi mộ nào.
Mộ bà cô trước nhà thờ đại tôn. Bà là con gái đức tổ Triệu Cơ. Dân làng
kính trọng gọi là “bà cô” chứ hồi ấy bà chỉ mới lên tám tuổi. Hằng ngày,
bà đi chăn trâu cắt cỏ. Cô bé bình thường như hàng trăm cô bé khác,
nhưng cuộc đời cô đã được dân làng dệt nên những tấm áo huyền thoại
khoác lên thân thể và trở thành một “bà cô” đầy hấp dẫn qua nhiều thế
hệ. Bà có nhiều công trạng giữ biên cương đất đai của thôn ấp. Lúc bị
bọn giặc cỏ đến cướp đất, bà trát bùn đầy người và tả xung hữu đột. Hàng
trăm mũi tên giặc không thể bắn thủng được lớp bùn trên người bà. Chẳng
may giữa một trận kịch chiến, bùn bị rơi và trồi ra một mảng da, mũi
tên giặc bắn trúng vào đó, bà ngã xuống. Sau khi bà chết, dân làng vẫn
đặt thi thể bà trên lưng trâu và lùa trâu đuổi giặc. Tụi giặc sợ cái uy
của bà, bỏ chạy như vịt cỏ.
Mộ bà được táng trước nhà thờ Tổ, tức là nhà thờ bố. Ðiều đó rất có ý
nghĩa. Cơn cớ gì mà phải dời ngôi mộ ấy? Ngôi mộ nhỏ thôi, nằm khiêm tốn
ở góc sân nhà thờ, chẳng choán một tấc vườn tấc ruộng của ai, người ta
cũng đào lên và đem chôn chung với hàng loạt ngôi mộ khác. Thế là mất mộ
“bà cô”, mất một dấu vết của huyền thoại.
Mộ Tổ nổi lên như một cái gò, rộng chừng ba sào đất, ở giữa làng. Ðây
chính là ngôi mộ của đức Triệu Cơ Võ Chính Ðạo, người đã sáng lập cái
làng này từ thế kỷ XIII. Cách ngôi mộ chừng ba chục mét là nhà thờ đại
tôn thờ đức Triệu Cơ.
Gần mộ Tổ có “cồn Tổ con” tức là ngôi mộ táng hài cốt con trai ông Võ
Chính Ðạo. Cồn Tổ con rộng một sào đất, nổi lên cao thành một cái gò bên
cạnh những bụi ruối già cỗi. Tục truyền rằng: khi đức tổ Triệu Cơ đã về
chầu trời, người con trai buồn bã cỡi voi đi lang thang, đến bụi ruối
này ông cột voi lại và “hóa” theo cha. Cây ruối có nghĩa có tình sống
qua thế kỷ này đến thế kỷ khác, nghiêng bóng mát trên ngôi mộ luôn luôn
xanh mướt cỏ.
Mộ Tổ và cồn Tổ con cũng bị đào, bị phá tanh bành. Thật là một sự xúc
phạm quá lớn đối với tổ tiên. Một làng Việt Nam giữ gìn được mộ ông Tổ
khai sáng làng mình cách đây gần bảy trăm năm quý giá biết chừng nào -
quý về mặt lịch sử và mặt dân tộc học. Thế mà đến cái thời đại văn minh
này người ta lại cả gan tung hê một cách vô ý thức.
Tìm hài cốt đức Triệu Cơ có dễ dàng gì đâu. Mộ rộng ba sào đất, ở giữa
nhô cao lên và có mộ chí, người ta tưởng hài cốt ở ngay dưới chân mộ chí
nhưng đào xuống chẳng thấy gì cả. Người ta lại đào lung tung, đào toang
hoang, đào kỳ được mới thôi. Cuối cùng, tìm được hài cốt và không hề
ngần ngại, người ta mời cụ Tổ vào nằm chung với bảy thế kỷ con cháu (!).
Mộ Cố Hùng rộng gần một mẫu, nổi cao giữa vùng đồng trũng ngay bên bờ
sông Bùng. Vốn lúc đầu chỉ là một ngôi mộ bình thường, qua nhiều đời mộ
được đắp to thêm. Dân cho đó là điềm “phát” của một ngôi mộ thiêng, hễ
cứ ai đi qua ném vào một hòn đất cho nên mộ lớn dần thành cái gò đường
bệ như ngày nay.
Cố Hùng là ai? Hương sử còn ghi và thần phả còn lưu lại. Tên thật là Võ
Cương, con trai một lực điền. Khi Lê Lợi và Nguyễn Trãi kéo quân qua
vùng này, dừng lại để tuyển quân bằng cách tổ chức hội vật. Ngài đã vỗ
bụng liên tục hàng trăm đối thủ. Vua Lê chọn ngài vào hàng quân vệ. Ngài
đã cùng góp mưu với Ðinh Lễ hạ thành Trài của giặc Minh, tức thành Diễn
Châu. Sau khi thắng trận, Ngài được vua Lê phong là Hùng Lễ Bá. Do đó
dân làng thường gọi là “Cố Hùng”. Ngài qua đời, dân lập đền thờ ở giữa
làng, gọi là đền thờ Cố Hùng.
Hằng năm, đi tảo mộ, thế nào ông tôi cũng dẫn đến sửa mộ đức tổ Triệu
Cơ, mộ bà cô và mộ Cố Hùng. Ngày lễ đền, trước khi vào điện thờ, ông bắt
tôi phải tắm rửa, thay quần áo mới. Hình ảnh linh thiêng của chiếc ngai
sơn đỏ và ngọn nến đỏ in sâu vào tâm trí tôi như một hoài vọng cao cả
của tuổi thơ.
Huyền thoại về Cố Hùng bao bọc lấy đời tôi như kén bọc tằm. Nhiều lúc đi
chăn trâu, nằm trên mộ, áp tai vào cỏ, tôi tưởng tượng nghe được tiếng
gươm khua, tiếng ngựa phi và mơ thấy võ tướng Hùng Lễ Bá ào ào đuổi
giặc.
Ngôi mộ quá lớn, phải huy động tới ba chục thanh niên ra đào bới. Ðào
suốt một ngày ròng, chẳng thấy hài cốt đâu cả. Mặt gò bằng phẳng, xanh
mướt cỏ, bỗng trở nên lổn nhổn những lỗ đào xuống, những tảng đất trồi
lên. Mấy cậu thanh niên cáu tiết, đào mộ chí bằng đá khá lớn, khiêng đi
một đoạn xa, rồi ném tòm xuống ruộng nước.
Chừng nửa tháng sau, bác Chắt Kế đi dạo mát ngoài đồng, chợt thấy giữa
ruộng nhô lên một khối đá hình đầu rồng. Bác xắn quần lội xuống, đến tận
nơi xem, mới biết đó là cái mộ chí. Tôi đang tát nước ở gần đấy, bác
gọi đến, cùng bác khiêng mộ chí lên bờ. Bác múc nước rửa sạch mặt đá,
rồi trương mục kỉnh đọc nhưng dòng chữ Hán đã mờ nét. Một lát sau, bác
thở dài:
- Cháu ạ, mộ chí Cố Hùng. Ðứa nào chơi cái trò vô ý thức này?
Tôi thưa:
- Ðám thanh niên hôm trước đào không thấy hài cốt, chúng nó khiêng mộ chí ném xuống đấy.
Mặt bác đỏ gay:
- Ai giáo dục cho thanh niên làm việc đó? Chủ nghĩa cộng sản phải biết
quý trọng lịch sử dân tộc cháu ạ. Hử... Hồi hoạt động ở Thái Lan, bác Hồ
còn viết diễn ca về ông Trần Hưng Ðạo. Hử... Thanh niên vô ơn với tổ
tiên thì làm cách mạng sao được! Cháu có biết lịch sử Cố Hùng không?
Hử... một võ tướng của Lê Lợi. Lúc nào bác rỗi, bác kể lại cho cháu ghi
sự tích Cố Hùng.
Bác là người có vốn Hán học khá uyên thâm, hiểu biết tường tận lịch sử
làng xóm. Nghe bác nói tôi “vâng” “dạ” và tỏ lòng kính trọng bác. Hai
bác cháu hì hục khiêng mộ chí chôn vào chỗ cũ, vừa làm vừa trò chuyện.
- Thưa bác. Cố Hùng là tướng của vua Lê đánh giặc Minh, Như thế thì ngôi
mộ này đã có năm thế kỷ, theo cháu thì không nên dời đi.
- Hử... Ðã dời mồ mả phải dời tất cả thì mới quy hoạch đông điền theo
thế đứng chủ nghĩa xã hội được. Làm cách mạng phải làm triệt để cháu ạ,
chứ cách mạng nửa vời thì hỏng bét.
Một thời gian sau, hàng chục thanh niên lại được huy động đi đào hài cốt
Cố Hùng. Ðào một ngày không được thì đào hai ngày, hai ngày không được
thì ba ngày. Cương quyết không để một ngôi mộ nào nằm cá thể ngoài đồng.
A, đây rồi, đây có phải là hài cốt Cố Hùng không? Một nắm xương bọc
trong chiếc mo cau xơ xác. Lục thần phả xem thì đúng đó là hài cốt võ
tướng Hùng Lễ Bá. Cụ già đọc thần phả, mắt rớm lệ, còn các cậu thanh
niên thì tỉnh khô. Cụ gọi một số bô lão lên gặp ông chủ nhiệm để xin
mười lăm đồng mua chiếc tiểu sành đựng hài cốt. Ông chủ nhiệm xẵng giọng
trả lời: “Mộ vua mộ chúa mộ thượng thư cũng dập thành đống đất, huống
hồ là một ông tướng làng các cụ”. Mấy cụ già xìu mặt ra về. Thế là số
phận một vị tướng được chuyển từ mảnh mo cau sang tấm ni lông và táng
vào chiếc huyệt chung của khu mộ mới (!).
Mộ cũ thì sao? Gò đất rộng một mẫu, vẫn còn đó. Ðất rắn lắm, cày cấy sao
được. Vẫn còn nguyên hình dáng và vị trí ngôi mộ, chỉ có điều là trong
lòng ngôi mộ ấy không còn nắm hài cốt của Hùng Lễ Bá.
Bác Chắt Kế đi công tác xa, trở về làng, nghe tin tìm được hài cốt Cố
Hùng trong mo cau, rơm rớm nước mắt. Bác tìm gặp tôi: “Trực ơi, có ai
mang mộ chí lên nghĩa địa mới không?” Tôi trả lời: “Thưa bác, không ạ”.
Hai bác cháu lại hì hụi đến ngôi mộ cũ để tìm mộ chí, ông hàng chài cho
biết rằng đám thanh niên đã ném chiếc mộ chí có tuổi thọ năm thế kỷ ấy
xuống sông Bùng!
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/05/vo-van-truc-tap-trung-mo-ma.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001