Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

TS Nguyễn Nhã nói chuyện về chủ quyền biển đảo tại Praha

TS Nguyễn Nhã nói chuyện về chủ quyền biển đảo tại Praha 



Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã đã có buổi gặp gỡ và trò chuyện về chủ quyền biển đảo tối qua tại Praha (cộng hòa Séc). Khoảng gần 100 người Việt trong đó có đại diện cộng đồng, đại diện báo chí tới dự. Cuộc hội thảo về Hoàng Sa và Trường Sa do nhóm Văn Lang tổ chức tại nhà Văn hóa quận 4 (Praha).
Tiến sĩ Nguyễn Nhã là người đã mấy chục năm nghiên cứu sử học, từng phụ trách tập san Sử Địa – một tập san chuyên ngành ra đời từ trước năm 1975.

Giầu bằng chứng lịch sử
Theo đánh giá của tiến sĩ Nguyễn Nhã, không có nước nào trong khu vực tranh chấp có nhiều bằng chứng lịch sử về chủ quyền với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như Việt Nam.
Những bằng chứng liên quan tới Hoàng Sa được tìm thấy trong Phủ biên Tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn và liên tục được khẳng định và phát huy trong những thập niên sau đó, đặc biệt là thế kỉ 19. Vương triều Nguyễn với rất nhiều sử liệu như Dư Địa Chí (1821), Địa Nam thập Lục Chính Biên (1848), Khâm Định Đại Nam (1851), Đại Nam Nhất Thống Chí (1910)…
Bên cạnh sự khẳng định mang tính liên tục của các vương triều Nguyễn, Việt Nam cũng lưu giữ được nhiều bằng chứng lịch sử được ghi chép bởi phương Tây qua sự có mặt của thực dân Pháp ở Đông Dương từ nửa cuối thế kỉ 19. Những tài liệu này, theo tiến sĩ Nguyễn Nhã là “hết sức rõ rệt, không có gì tranh cãi”.
Cũng theo tài liệu để lại, thì các vương triều Nguyễn đã có sự đo đạc, vẽ bản đồ và cắm cột mốc trong những năm từ 1835 tới 1837 ở Hoàng Sa. Các đội lính của vương triều có mặt đều đặn ở Hoàng Sa và sử còn ghi lại Châu bản thời Bảo Đại phong thưởng cho những người lính có công ở Hoàng Sa.
Và cho tới năm 1909, bản đồ Trung Quốc hoàn toàn không có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trương Sa mà họ gọi là Nam sa và Tây sa.
Theo tiến sĩ Nguyễn Nhã, quá trình tranh chấp khởi đầu từ năm 1909 khi địa phương của Trung Quốc coi đây là quần đảo vô chủ và sáp nhập vào địa phương của mình và tiếp đó năm 1921 chính quyền Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Sự phản ứng của chính quyền Thực dân diễn ra khá chậm trễ, trong khi vương triều Nguyễn lúc đó nằm dưới sự kiểm soát của Pháp. Năm 1956 Trung Quốc chính thức chiếm một phần Hoàng Sa và tới 1974 chiếm toàn bộ.
Sự khẳng định là cần thiết
Vẫn theo tiến sĩ Nguyễn Nhã, sự tuyên bố liên tục của các đời phát ngôn bộ Ngoại Giao Việt Nam như: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền hợp pháp của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” là hết sức cần thiết. Nếu không có sự tuyên bố như vậy, Trung Quốc sẽ cho là Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của họ.
Trong phần giao lưu, rất nhiều những thắc mắc thú vị từ phía thính giả được nêu ra như bằng chứng của phía Trung Quốc liên quan tới chủ quyền Hoàng Sa, hay nên đánh giá công hàm 1958 như thế nào, đưa giáo dục chủ quyền vào sách giáo khoa, rồi biểu tình cũng là khẳng định chủ quyền.v.v.
Theo tiến sĩ Nguyễn Nhã, mối quan hệ với một nước lớn như Trung Quốc là hết sức tế nhị và đòi hỏi sự khéo léo, không chỉ trong bối cảnh hiện nay mà qua lịch sử hàng ngàn năm.
Được biết, buổi tọa đàm tại Praha là một trong một chuỗi các buổi nói chuyện của tiến sĩ Nguyễn Nhã tại châu Âu. Trong đó có 2 buổi tại Séc, 2 buổi tại Đức và một vài cuộc gặp gỡ khác ở Pháp. Các buổi nói chuyện của tiến sĩ Nguyễn Nhã về chủ quyền biển đảo diễn ra khá đều đặn ở nước ngoài trong mấy năm qua kể từ năm 2010.
Trong một diễn biến liên quan, ở Hà Nội, năm 2011 buổi nói chuyện của TS Nguyễn Nhã với nhóm No- U và các biểu tình viên tại nhà hàng Cá Mập (bên Hồ Gươm) đã bất ngờ bị cúp điện. Ở Séc, có dư luận cho rằng, Đại sứ quán Việt Nam đã gây sức ép với nhà hàng Hoàng Thành khiến cho buổi nói chuyện dự tính diễn ra tại đây bị hủy bỏ.
Đây là lần thứ 2 Văn Lang tổ chức sự kiện liên quan tới biển đảo. Đầu năm 2012, cùng với Đàn Chim Việt và một số bạn hữu tại Đức, Pháp nhóm này đã tổ chức thành công đợt chiếu phim “Hoàng Sa Việt Nam- Nỗi đau mất mát” ở châu Âu của ông André Menras Hồ Cương Quyết.
Ban tổ chức cho hay, buổi nói chuyện tối qua của tiến sĩ Nguyễn Nhã đã quyên góp được khoảng 1.700 đô-la cho quỹ dịch thuật và công bố những tài liệu liên quan tới chủ quyền biển đảo ra tiếng Anh.
Hôm nay, 26/8 tiến sĩ Nguyễn Nhã sẽ tiếp tục chương trình của mình tại Plzen, một thành phố cách Praha 100km, trước khi ông qua Belin và trở lại Pháp.
Một số hình ảnh








Tường thuật từ Praha, Cộng hòa Séc
© Đàn Chim Việt
Admin gửi hôm Thứ Ba, 27/08/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130827/ts-nguyen-nha-noi-chuyen-ve-chu-quyen-bien-dao-tai-praha
=======================================================================
Thử chấm điểm buổi tọa đàm của TS Nguyễn Nhã tại Praha

|
LTS: Như đã đưa tin, tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã có buổi nói chuyện tại Praha, Cộng hòa Séc hôm 25/8 vừa rồi. Chuyến đi châu Âu với mục đích thăm thân, nhưng TS Nguyễn Nhã tranh thủ nói chuyện về chủ quyền biển đảo ở nhiều nước như Đức, Pháp, Séc…
Những buổi nói chuyện mang tính chuyên đề thường rất khó thu hút được thính giả, nhưng buổi ở Praha đã có tới gần 100 người tham dự. Đó là một thành công lớn về số lượng người nghe. Nhưng những ghi nhận tại chỗ cho hay, một số người không hài lòng, thậm chí thất vọng khi TS Nguyễn Nhã không trả lời trực diện mà có phần “vòng vo” khi đụng chạm tới những vấn đề nhạy cảm như công hàm 1958 hay biểu tình phản đối Trung Quốc.v.v. Người khác lại cho rằng, ông ôm đồm quá nhiều, quỹ nọ, quỹ kia từ ẩm thực tới ca trù, rồi “Người Việt xấu xí” khiến cho trọng tâm bị loãng đi.
Rồi cũng có ý kiến nói, TS ăn nói y chang một cán bộ Ngoại Giao của chế độ và tư liệu hay bài giảng thì không có gì mới. Người nghe, nhất là những người ở nước ngoài mong đợi điều gì đó khác với truyền thông chính thống, điều gì chính quyền còn giấu giếm, hay những tình tiết thâm cung bí sử, đã ít nhiều cảm thấy thất vọng.
Nguyễn Cường là một thính giả, đồng thời cũng là thành viên của Ban tổ chức. Bài viết dưới đây anh đăng trên Facebook cá nhân. Chúng tôi đưa lại với sự đồng ý của anh để rộng đường dư luận.
——————————————————-
Trận Siêu Cúp Chelsea – Bayern (30/8) và buổi Tọa đàm của Tiến sĩ Nguyễn Nhã (25/8) ở Praha

Xem xong trận Siêu Cúp giữa Chelsea và Bayern tối qua mặc dù rất buồn cho Petr Cech nhưng tôi thấy sung sướng vì được chứng kiến tinh thần sắt truyền thống của Bayern.
Dù đội ngũ cầu thủ không hoàn toàn Đức nhưng cái chất của người Đức đã thấm vào từng cầu thủ Bayern cho dù họ đến từ quốc gia nào và ngay cả ông bầu Pep Guardiola cũng không ngoại lệ.
Praha được vinh dự tổ chức một sự kiện thể thao tuyệt vời và đã thành công trọn vẹn, hoàn hảo đến từng chi tiết. Nếu chấm điểm, tôi chấm:
1/ Ban Tổ chức (Praha): 5/5
2/ Diễn giả (Chelsea – Bayern): 5/5
3/ Khán-Thính giả: 5/5
(điểm 5 = Tốt nhất)

Trở lại với buổi Tọa đàm tại Praha hôm 25/8 của Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã ( Ts. NN) về đề tài Chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Nhóm Văn Lang (VL) tổ chức, là một trong những người tham gia tổ chức, xin nêu mấy ý kiến cá nhân và nếu chấm điểm, tôi chấm như sau:
1/ Ban Tổ chức (nhóm VL): 4/5
2/ Diễn giả (Ts NN): 2/5
3/ Thính giả: 5/5

cuong
- Về Ban Tổ chức: Với một “nguồn lực” khiêm tốn, cả người lẫn tiền, chúng tôi phải cân nhắc đến từng đồng cho việc thuê phòng, mượn thiết bị, in tờ rơi, quảng cáo…
Sau phần 1, anh N. đại diện Hội NVN tại Séc có nói với tôi: “Sao không mượn Micro mà để Ts. NN nói không như vậy?”. Tôi phải thú thật: “vốn liếng của VL (xem tài khoản công bố mở trên web VL) hạn chế lắm anh. Vụ này VL trả tiền thuê phòng, quảng cáo do Vietinfo, EICVN và các báo cộng đồng: Tuần Tin Mới, Xa Xứ, Đàn Chim Việt…giúp miễn phí, còn lại từ in ấn tờ rơi, đi lại, in CD, gửi giấy mời….là do các cá nhân bỏ tiền túi anh ạ. Thậm chí, lúc đầu BTC cũng định mua nước uống nhưng suy đi tính lại đành phải để mọi người tự bấm… automat” (cũng may, Praha tối đó mưa to nên mọi người cũng không đến nỗi ….khát lắm).
Về chuyện tài chính, BTC quyết định ngay từ đầu là không dùng 1 xu nào từ tiền quyên góp và đúng vậy, toàn bộ số tiền quyên góp được, BTC đã trao cho Ts. NN cuối buổi Tọa đàm trước chứng kiến của nhiều người. Thiếu sót hay yếu kém của BTC là không kiểm chứng hay không có đủ thông tin về Diễn giả do mình mời, ở đây là Ts. NN.
Hy vọng sau 2 lần tổ chức (lần đầu là buổi chiếu phim “Hoàng Sa Việt Nam – Nỗi đau mất mát” của ông Andre Menras Hồ Cương Quyết tháng 4/2012) VL sẽ có kinh nghiệm hơn.
- Về Diễn giả (Ts. NN): Buổi Tọa đàm có 2 phần. Phần 1 là trình bày của Ts. NN. Phần 2 là Thảo luận, Hỏi-Đáp.
Trong phần 1, từ cách trình bày đến giá trị của các tư liệu, số liệu..do Ts. NN đưa ra tôi thấy thiếu thuyết phục.
Những chứng cứ, số liệu Ts. đưa dẫn chỉ là những sao chép, thống kê lại từ những tài liệu, nguồn dữ liệu đã có sẵn. Cách trình bày của Ts. NN cũng không khoa học, có lúc tôi thấy như 1 ông thầy đọc lại cho học sinh những gì viết sẵn trên bảng. Tôi không thấy có thông tin hay chứng cứ gì do chính bản thân Ts. tìm ra hay chứng minh. Liệu với một cơ sở lý luận và chứng cứ như vậy thì Ts. NN (nói riêng) và Việt Nam (nói chung) có khả năng thắng không nếu như tới đây có 1 “trận siêu cúp” giữa VN và bên đối thủ là TQ cùng các quốc gia đang tranh chấp với chúng ta về chủ quyền, quyền lợi ở HS, TS?
Phần 2, đúng ra phải là phần lôi cuốn và hứng thú nhất bởi khi nhìn vào thành phần thính giả thì đa số là những khuôn mặt quen biết trong cộng đồng và là những người thực sự quan tâm tới chủ đề HS-TS, tới thời sự…Chắc Ts. NN cũng nhận ra sự thất vọng của thính giả, thậm chí có những tiếng nói không đồng ý với cách trả lời quá khéo léo, vòng vo của Ts. Một trong những thất vọng mà tôi cảm nhận rõ nhất là khi Ts. kêu gọi mỗi cá nhân hãy dũng cảm, đoàn kết phát huy nội lực…nhưng thuyết phục sao được khi bản thân Ts. là một trí thức, một người làm sử học lại tránh né, không dám thẳng thắn?
Anh N. người tổ chức buổi nói chuyện thứ hai tại Plzen (cách Praha 80km) nói với tôi: “Nhiều người đến dự (buổi ở Plzen) hy vọng được nghe những lời tâm huyết, ngay thẳng cuối cùng thất vọng vì cảm tưởng như nghe 1 ông cán bộ ngoại giao của chính quyền cử đến”. Và nhiều ý kiến thất vọng nữa do Ts. NN miên man, lạc đề khi nói quá nhiều tới chuyện ẩm thực, bếp núc…
Một chi tiết rất nhỏ, nhưng cũng không thể không nhắc tới, đó là đôi tất (vớ) của Ts. NN. Ngồi ngay hàng đầu nên tôi để ý và giật mình khi thấy ông mặc bộ comple đen nhưng mang đôi tất (vớ) trắng. Một lỗi rất hay thấy của đàn ông Việt Nam, may mà hôm đó không có truyền hình Séc.
- Về khán-thính giả: Theo tôi, có 2 lý do để có con số gần 100 người tham dự buổi Tọa đàm ở Praha. Một là do dư âm từ việc ông Pham Hữu Uyển, thành viên của nhóm VL vừa rồi trở thành Đại diện của nhóm người Séc gốc Việt tại Hội đồng dân tộc thiểu số thuộc Chính phủ Séc và hai là do đề tài HS-TS thật sự đang là quan tâm của người mọi VN. Và chính nhờ thành phần thính giả như vậy nên mặc dù không thỏa mãn hay hài lòng nhưng mọi người vẫn vui vẻ, nhiệt tình ủng hộ BTC (tinh thần) và Ts. NN (tài chính cho Quỹ dịch thuật HNNN).
Thay cho cảm ơn, tôi xin chấm điểm 5, điểm tốt nhất cho những người tới tham dự buổi Tọa đàm. Đặc biệt là sự ủng hộ và góp mặt của một số bạn bè từ Warszawa, Ba Lan.
Có câu “Người Việt mình nó thế” hay “Tây mà làm thì khỏi chê”.
Tôi thấy quá đúng trong 2 sự kiện xảy ra vừa rồi ở Praha.
Có thể tôi hơi quá khi dám cho buổi Tọa đàm do VL tổ chức là sự kiện để so với trận Siêu Cúp Chelsea – Bayern.
Nhưng không làm thì sao biết được hay – dở?

Nguyễn Cường, Praha, Cộng hòa Séc
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/78998/thu-cham-diem-buoi-toa-dam-cua-ts-nguyen-nha-tai-praha/2013/08
=======================================================================
Khán giả và buổi thuyết trình của tiến sỹ Nguyễn Nhã 

|
Gần 100 người tới dự buổi tọa đàm của TS Nguyễn Nhã tại Praha 25/8
Gần 100 người tới dự buổi tọa đàm của TS Nguyễn Nhã tại Praha 25/8. Ảnh Đàn Chim Việt
Ra khỏi phòng tọa đàm cùng Ts Nguyễn Nhã (TsNN), tại tòa nhà số 9, thành phố Plzen, của anh chị Nam, Hà. Gần 20 khán giả đều cảm thấy không hài lòng, bởi những mong muốn những gì được nghe từ vị Ts sử học này không mấy thỏa đáng.
Có hai thông điệp của Ts NN đưa ra.
Một là dự án BÊP VIỆT, quảng bà ẩm thực của Việt Nam ra thế giới.
Hai là chuyển tải những sử liệu về biển Đông và hai quần đảo Hoàng sa, Trường sa, đến công chúng.
Và khoảng 20 người tới dự buổi ngày hôm sau ở Plzen
Và khoảng 20 người tới dự buổi ngày hôm sau ở Plzen. Ảnh FB Hoàng Hùng.
Dự án BV, coi như không ai quan tâm, mọi chú ý của khán giả đều tập trung vào vấn đề biển đảo. Khán giả đến dự buổi tọa đàm kỳ vọng được biết thêm những thông tin mới mẻ,và giải tỏa bớt những bức xúc trước sự ngang ngược của TQ xâm lược biển đảo của VN, nhưng cũng chẳng được gì hơn ngoài những cứ liệu và khẳng định HS, TS là của VN như chính quyền đã công bố.
TsNN nói VN chưa có luật giải mật như các nước, nên nhiều thông tin chưa thể tiếp cận được, khiến nhiều sự kiện đúng sai chưa thể phân định. Chẳng hạn như có người hỏi rằng  có bao nhiêu Km2 đất liền và mặt biển của VN đã mất vào tay Trung Quốc. Mặc dù có nói là mất, nhưng Ts cũng không biết số lượng cụ thể là bao nhiêu?.
Trong vấn đề ngoại giao, chúng ta càng phải khéo léo, Ts nói, từ thời Quang Trung, Lê Lợi, vv, trong lịch sử chúng ta đã bao lần đánh tan giặc phương bắc xâm lược. Nhưng sau mỗi lần chiến thắng chúng ta đều phải nhún nhường xin sắc phong, thậm chí đúc cả tượng vàng để xin triều cống… Nhưng cái chính là các triều đại phong kiến VN không để mất đi một tấc đất của tổ tiên đã không được nhắc đến. Theo ý của Ts thì chúng ta phải nhún nhường đến phải mất cả đất đai để giữ hòa khí chăng?.
Một thính giả hỏi rằng, khi ông đại tá Trần Đăng Thanh đăng đàn trước các giáo viên đã nói rằng, chúng ta phải bằng mọi giá giữ ổn định chính trị, đấy là ý riêng của ông ấy hay là của cả chính phủ?
Việc này thì phải hỏi ông ấy chứ sao lại hỏi tôi..!
Câu hỏi tuy ngoài luồng, câu trả lời cũng chính xác, nhưng sao nghe chưa vừa.
Trong suốt buổi nói chuyện Ts vẫn thường khẳng định, tôi là người nghiên cứu lịch sử, nên chỉ muốn cung cấp những số liệu cụ thể, khách quan, mà tiêu chí là minh bạch rõ ràng, còn đánh giá như thế nào là quyền của mọi người. Ts cũng nhắc lời tiền nhân, quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Thế nhưng trong cách trả lời của Ts thường né tránh những vấn đề mà nhà nước cộng sản VN cho là nhạy cảm. Chả ai trách được Ts cả, Ts là người nói sử, không cần phải thể hiện chính kiến của mình. Nhưng chính điều này đã khiến thính giả chán chường.
Công hàm năm 1958 của thủ tướng Pham Văn Đồng, cũng là đề tài mà trả lời của Ts NN gây nhiều tranh cãi. Thậm chí Ts NN còn cho rằng nhắc đến sự kiện này là về hùa với TQ. Theo Ts NN, công hàm này không có giá trị pháp lý, nhắc nhiều đến nó chỉ có lợi cho TQ. Thính giả TDT đã thẳng thắn phản đối việc Ts cho là về hùa với TQ. Ý này Ts nêu ra trong buổi nói chuyện ở Praha trước đó nhưng chưa có ai phản đối.
Nỗi bức xúc về chủ quyền biển đảo được tăng lên, khi một thính giả  là cựu quân nhân thời chiến tranh biên giới Trung Việt, tháng 2. 1979, kể lại một kỷ niệm khó quên. Có một người dân tộc thiểu số xách súng hết đạn chạy giặc Tầu đến tận đơn vị nơi anh đóng quân, hô lớn, cho tối ít đạn để tôi chơi với bọn Tầu. Nói thế để thấy rằng dân ta không hề sợ giặc TQ. Mà chỉ vì không đủ điều kiện.
Ts NN cũng nhắc lại, trong một hội nghị, người ta nêu ra một công thức gọi là 8K, như kiên quyết, kiên định .v.v, tôi đã xin nói thêm một K nữa là KHÔNG SỢ. Trong khán giả có tiếng xì xào, dân thì không sợ TQ, mà chỉ sợ chính quyền, còn chính quyền thì sợ TQ. Chúng ta, kể cả Ts cần phải rũ bỏ sợ hãi, một thính giả lên tiếng.
Tại sao chúng ta không kiện TQ ra tòa án quốc tế như Filipin?, một thính giả nữ được Ts NN khuyến khích đã hỏi như thế. Câu trả lời là, kiện tụng như thế tốn kém lắm, án phí hàng bảy tám triệu đôla, lại nữa ta chưa có thẩm phán quốc tế nào là người VN, tòa án, kiện tụng mà, thắng thua chưa biết được. TQ vẫn nói ta lật long họ, rằng ta nói một đằng làm một nẻo, Nhưng chính họ đã lật lọng ta trước, họ đã đi đêm với Mỹ năm 1972. TQ tấn chiếm HS, nước Mỹ phải có trách nhiệm…!
Trước năm 1975, VNCH và VNDCCH là hai chính quyền được quốc tế công nhận, cớ sao VNDCCH lại ký giấy bán HS, TS của VNCH cho TQ?. Câu hỏi của một thính giả có vẻ bỗ bã.
Ngày trước Đài loan chiếm đảo Thái bình, thuộc quần đảo TS, đảo này chính tôi đã đổi tên là Ba bình. Chính quyền VNCH lúc đó cũng hoan hô lắm, vì cho rằng Đài loan là đồng minh chiếm giữ hộ. Cũng như chính quyền miền bắc, để TQ đánh chiếm HS là lấy làm mừng vì cũng là đồng minh chiếm giữ hộ. Ts dẫn lời ông Dương Danh Dy nói rằng VN ta bị TQ lừa nhiều lắm rồi.
Những kiến thức về biển đảo rất cần được phổ cập trong nhân dân nhất là lớp trẻ, chính phủ đã có kế hoạch gì đưa giáo dục biển đảo vào nhà trường?. Có rồi! Ts trả lời, Chúng ta đã đưa giáo dục biển đảo vào nhà trường, nhưng chủ quyền biển đảo thì chưa..! Nghe cũng hơi bị mỉa mai, có thể người ta chỉ muốn con dân mình biết là có biển đảo như thế, còn quyền lợi khoan hãy biết?
Thưa Ts! Qua những sử liệu Ts đưa ra khẳng định HS,TS là của VN. Chính phủ VN cũng khẳng định như thế. Nhưng thực tế thì toàn bộ quần đảo HS đã nằm trong tay TQ từ năm 1974, tám đảo nổi, chìm ở TS cũng đang được TQ giữ hộ. Theo quan điểm riêng của Ts , có cách gì giúp VN lấy lại các đảo đã bị chiếm?.
Trong lịch sử một nghìn năm bắc thuộc, sau cùng rồi nước ta cũng giành được độc lập. Chúng ta phải biết kiên trì chờ đợi thời cơ, xây dựng nội lực…Ts trả lời!. Khán giả ngẩn ngơ, là chờ đợi như thế nào?, đến bao giờ?. Chủ nghĩa cộng sản đã đem tai họa này đến VN, rồi lừa đảo, chặt chém lẫn nhau, chẳng hề quan tâm đến lợi ích quốc gia, bây giờ mới ra cơ sự như vậy. Đúng vậy, phải có nội lực, phải có sự vượt thoát ra khỏi sự khống chế của cộng sản TQ. Nhưng tất cả những điều này lại tùy thuộc vào tự do dân chủ, hay độc tài chuyên chính. Ai cũng hiểu VN chả bằng được quốc gia nào bây giờ, kể cả Campuchia, bởi vì VN có đảng CS ưu tú lãnh đạo, chỉ cỏ đảng là không chịu hiểu. Đảng cộng sản VN còn, thì HS, TS mất vĩnh viễn, tôi đồng tình với bài viết có tiêu đề như thế. Gần 40 năm VN thống nhất, xây dưng, đất nước ngày càng lệ thuộc nhiều vào TQ, chủ quyền biển đảo chẵng còn bao nhiêu, làm sao có nội lực đây?
Sau cùng Ts NN kêu gọi mọi người ủng hộ kế hoạch dịch những tài liệu của ông ra tiếng anh, nhằm quảng bá cho thế giới hiểu biết nhiều hơn về biển Đông và quần đảo HS, TS.
Tôi thật không muốn làm buồn lòng Ts NN, khi thay mặt nhiều thính giả nói rằng, sẽ chẳng đi đến đâu khi quan điểm của Ts NN quá gần như quan điểm của chính quyền hiện tại, kẻ đã để chủ quyền biển đảo của VN rơi vào tay TQ.
© Việt Nguyễn
© Đàn Chim Việt
Đọc bài liên quan:
TS Nguyễn Nhã nói chuyện về chủ quyền biển đảo tại Praha
Thử chấm điểm buổi tọa đàm của TS Nguyễn Nhã tại Praha
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/79011/khan-gia-va-buoi-thuyet-trinh-cua-tien-sy-nguyen-nha/2013/09
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001