Tứ Ly - Đi Xem Mũ Giấy
at 8/03/2013 12:03:00 PM
Tứ Ly
Thay lời tựa: -Phương ngôn ta có câu rằng: hay đi đêm có ngày gặp ma.Xem như vậy thì đủ biết có ma, mà muốn gặp ma, ắt là phải đi đêm.Nhưng không phải ai đi đêm cũng gặp ma: phần nhiều là gặp ả đào.Muốn gặp ma phải có duyên với ma, mà có duyên với ma thì chẳng ma nào muốn.Bởi nhẽ ấy, tuy có ma mà chưa ai được gặp.Riêng có tôi là khác thường: tôi có thể gặp được các cụ lớn đội mũ cánh chuồn, thời tôi cũng có thể gặp được ma (ma đây là những danh nhân đã khuất). Cho nên những lúc trà dư tửu hậu, tôi xuống chơi dưới suối vàng, đem sự mắt thấy tai nghe, ghi chép vào thiên ký sự này, ngõ hầu mong về sau người nào nối gót xuống du ngoạn cõi âm khỏi lạc đường vào chỗ chết.
Tứ Ly
Có một lối xuống cõi âm giản dị nhất, ai cũng biết: là chết đi. Nhưng
lối ấy có một điều bất tiện: là không sống được nữa. Đã không sống được
nữa, thì những điều trông thấy, nghe thấy còn kể cho... ma nghe!
Cho nên, tuy giản dị, nhưng những người làm nghề đi xuống cõi âm -tôi
muốn nói bọn phù thủy- không hay dùng lối ấy. Họ chỉ hay dùng lối đánh
đồng thiếp. Công hiệu của lối này lạ lắm: muốn xuống chơi nơi địa ngục,
tôi đã chịu nằm ba đêm chẵn để cho họ lôi đi. Nhưng họ chỉ lôi vào giấc
ngủ dài và say.
Lối ấy vô công hiệu, tôi bèn làm sớ gửi cho Diêm Vương, mượn tay một bà
đốt đi. Nhưng tốn đến hàng chục tờ sớ, đêm nằm tôi chỉ nghe thấy tôi
ngáy. Chán nản, tôi đành ở lại dương thế vậy.
Bỗng một đêm không có trăng, tôi đương mơ mơ màng màng, chợt thấy người
tôi hóa ra nhẹ nhàng như đám mây. Tự nhiên, tôi mở mắt ra, bay bổng lên
không, lọt qua khe cửa mà ra ngoài. Tôi ngạc nhiên, chung quanh tôi
không phải là thành phố Hà Nội, nhưng là một cảnh trí thơ mộng. Nhà cửa
san sát nhưng có vẻ mỏng mảnh như bằng giấy; trên đường, người qua lại
gầy gò và cứng nhắc như hình nhân. Hỏi ra mới biết là âm phủ.
Tôi còn đương ngơ ngác, bỗng có ba người lính lệ nhẹ nhàng chạy đến trước mặt tôi. Một người thộp ngực, còn một người quát hỏi:
- Anh ở đâu? Tên là gì?
- Tôi là Tứ Ly ở Hà Nội.
- Có giấy căn cước không? Thẻ đâu?
Ấy, đi ngủ còn ai giắt thẻ vào người làm quỷ gì! Nhưng tôi giảng giải
thế nào họ cũng không nghe, nhất định lôi tôi vào phủ... Sau tôi phải
lôi ra đồng bạc -may là bạc giấy- biếu họ xơi thuốc, họ mới tha cho đi:
đâu cũng vậy, có tiền là xong cả, cụ Nguyễn Du tiên tri thật.
Đi được một quãng, tôi lại gặp mấy người đầu trâu, mặt ngựa chạy lại hỏi
thẻ: thật là quan tha ma bắt, chẳng đi đâu cho thoát. Nhưng cũng may,
bọn sai nha này lại là người của đức Diêm Vương. Họ nghe thấy tôi nói là
xuống điều tra dưới âm, họ bèn vồn vã mời tôi về tòa Diêm Vương.
Trong một phố vắng, trước một cái vườn hoa trồng tường vi và dâm bụt,
lâu đài của đức Diêm Vương trông có vẻ đồ sộ nguy nga. Chỉ hiềm lối kiến
trúc giở kim giở cổ, làm tôi nhớ đến kiểu nhà bánh khảo ở cõi dương.
Đức Diêm Vương còn trẻ và có vẻ tân thời hơn tòa nhà lối trung dung của
người nhiều. Người đương vận áo sơ-mi cụt tay, thấy tôi, bắt tay niềm nở
chào hỏi:
- Ông tha lỗi cho, tôi vừa đánh xong một sét ten-nít. Ông có muốn đánh, tôi xin hầu.
Tôi cáo từ, hơi lấy làm ngạc nhiên. Đức Diêm Vương như biết ý, cười bảo tôi rằng:
- Ông không nên lấy làm lạ, nếu ông thấy một người mới như tôi còn ở một
tòa nhà cũ kỹ và không có mỹ thuật. Nhưng hẳn ông biết, cá nhân tiến bộ
bao giờ cũng chóng hơn hoàn cảnh.
Tôi lại càng ngạc nhiên. Một ông Diêm Vương mà ăn nói như một ông sinh viên trường Cao đẳng Hà Nội!
- Cứ lấy sự kinh nghiệm còn non của tôi mà suy xét, người cõi âm không khác người cõi dương một tí gì.
Đức Diêm Vương mỉm cười trả lời:
- Ông vẫn chưa biết điều ấy ư? Ông há lại không biết rằng không phải vì
hết thở mà tâm tính người ta thay đổi đi. Chết xuống cõi âm, người đời
vẫn y nguyên như khi ở trên trần. Họ xuống đó thì họ lại đem những điều
xấu của họ theo xuống. Sự chết thật không có ích gì cho họ. Ông để ý mà
xem, ông sẽ lại thấy họ ích kỷ, tham lam, hám hư danh và ưa giả dối. Nói
tóm lại, họ vẫn là người...
- Tôi ở trên trần vẫn thường nghe nói địa ngục là nơi trừng phạt những người có tội đối với lương tâm. Sự đó không có hay sao?
- Địa ngục chỉ có ở trong trí tưởng tượng người ta. Họ nói dối nhau để
cho bớt cái tính tàn ác thiên nhiên của họ, chứ thực ra chúng tôi làm gì
có thì giờ rỗi mà xét đến công việc từng người chết xuống đây. Họ dọa
nhau những hình phạt ghê gớm: như bỏ vạc dầu, cưa đôi người. Nhưng chúng
tôi nào có ác tâm như họ đâu, mà lấy sự đau đớn của người khác làm sự
vui sướng của mình. Thực ra thì chết xuống đây, người nào đem nết xấu
của người ấy xuống là họ đã đem theo cái hình phạt của họ rồi...
- Bẩm vậy, ra người ta xấu xa thật, nhưng chết đi vẫn chưa được yên thân. Cái hình phạt như vậy thì nặng nề quá.
Đức Diêm Vương mỉm cười:
- Nặng nề đối với người biết nghĩ mà thôi. Còn thì họ lấy sống làm mãn nguyện rồi, dẫu sống một cách khổ sở hết chỗ nói.
Tôi sực nhớ đến người ta trên cõi trần, sực nhớ đến vô số người ham cái
sống phù du, ham cái vinh thân, phì gia mà làm những điều kém với lương
tâm... đức Diêm Vương thực đã biết người lắm.
Thán phục, tôi từ tạ trở về sau khi xin được phép của đức Diêm Vương cho
tự do đi điều tra dưới cõi âm và phỏng vấn những danh nhân đã thác.
Tiễn ra cửa, đức Diêm Vương còn ân cần nói với tôi:
- Khi nào thư thả, ông đến chơi đánh ten-nít cho vui nhé.
Đức Diêm Vương ngài ưa đánh ten-nít. Ý chừng lúc còn ở trên trần, ngài chỉ có cái nết xấu vừa vừa ấy...
*
Thiên chi sinh vật, tất nhân kỳ tài nhi đốc yên, cố tai giả bới chi, khuynh giả phúc chi.
Trời sinh ra muôn vật, nhân cái tài lực của từng vật mà đôn đốc thêm,
cho nên vật nào có thể vun đắp được, thì vun đắp vào cho tốt lên, vật
nào nghiêng lệch thì làm cho đổ nát đi.
Trung Dung
Cõi âm mờ mịt như đám sương mù. Hai quỷ sứ dẫn tôi đi như bay, bỗng tôi
thấy ở bên cạnh đường có một tòa văn miếu đã đổ nát như ẩn như hiện. Hỏi
quỷ sứ, tôi mới hay là dinh thự của đức Khổng Tử. Dừng chân lại, tôi
đến cổng bấm chuông rồi đưa danh thiếp cho quỷ sứ đem vào.
Một lát sau, cánh cửa mở từ từ theo lệ, rồi bỗng thấy khởi nhạc.
Đương lúc bát âm cùng hòa, một lũ ma, đứa cầm khiên (can), đứa cầm búa
(kích), đứa cầm lông chim sẻ (vũ), đứa cầm lông đuôi bò (mao), múa lung
thiên.
Đối cảnh ấy, lòng tôi sinh cảm xúc, nên vừa đi vừa hát bài bình bán:
Trên trời thanh có trăng,
Dưới đây thuyền đưa khách thung thăng.
Thuyền đi dắt theo cô Hằng
Trên dòng trường giang người người ca xang.
Thật là đủ cả chuông trống, đàn địch, múa hát và văn thơ, nhạc đủ hết.
Đức Khổng Tử nhường cũng biết là tôi hiểu thấu lễ nhạc của người, nên
tươi cười bước ra đón. Đến trước mặt tôi, người theo lễ chắp hai tay
lại, mình giữ thẳng, tà áo giữ ngay nếp rồi đưa tôi vào, bàn tay vẫn
chắp lại, còn hai khủy tay để ngang như hai cái cánh chim, trông thật
ngoạn mục.
Lúc người mời tôi ngồi, người giơ tay ra. Tôi bèn bắt lấy mà nói rằng:
- Tôi được biết ngài, rất lấy làm hân hạnh.
Đức Khổng tử Ngạc nhiên, rút tay lại mà kêu lên:
- Lễ hồ! Lễ hồ! (lễ vậy ôi! lễ vậy ôi!)
Tôi vội nói ngay:
- Sở dĩ chế trung giã. Tôi vẫn biết vậy, nhưng muốn chữa cho vừa đạo trung thì bắt tay hay vái dài, cũng không khác nhau lắm.
Đức Khổng nét mặt bỗng dịu lại: những vạch của quả dưa chín dần dần nhạt đi. Người ngồi xuống chiếu, cùng với tôi hàn huyên.
Tôi nhìn chung quanh, thấy bên tay phải đức Khổng, đứng một người học
trò na ná như nhà thi sĩ Tản Đà, nhất là vì người ấy đeo ở dây lưng một
cái bầu: ý chừng là bầu rượu. Nhìn kỹ, tôi mới rõ là bình đựng nước, bấy
giờ tôi mới biết người ấy là thầy Nhan Hồi. Bên tay trái đức Khổng, có
con kỳ lân què, cố đứng thẳng theo lễ, nhưng không được.
Giữa chiếc chiếu vuông vắn, tôi thấy để một cái mâm cũng vuông vắn.
Trong mâm, mấy đĩa đồ ăn, đồ ăn vuông vắn. Tôi cố ngồi vuông người lại,
chắp tay mà nói rằng:
- Người ta nói quả không sai. Ngài thích những đồ vật ngay ngắn và vuông
vắn. Giá Ngài sống về thời bây giờ, hẳn ngài sẽ là một nhà kỷ hà học có
tài.
Đức Khổng tử nhìn thẳng, cất giọng ôn hòa đáp lại:
- Vâng, chính tôi như vậy. Đồ ăn thái không vuông vắn, tôi không ăn.
- Nhưng còn cơm?
- Cơm thì chẳng nhẽ tôi không ăn, chứ thật tôi lấy làm khó chịu, vì không sao mà làm vuông hột cơm đi được.
Tôi cười mà bảo rằng:
- Nếu vậy, ngài ăn bánh tây thì tốt lắm. Là vì bánh tây có thứ bánh
vuông. Họ lại lấy ruột bánh ra, cắt từng miếng vuông rồi cho miếng thịt
“jambon” vuông vào, gọi là sandwich.
Vui vẻ, đức Khổng hỏi:
- Thật thế ư? Nếu tôi được thứ bánh mì đó mà ăn thì hay quá.
Rồi ngài dặn đi dặn lại tôi có lên trần thì gửi xuống cho ngài vài chục chiếc.
- Tôi lại nghe nói, ngài chỉ đi đường thẳng, không đi đường quẹo. Có thật thế không?
Trịnh trọng, đức Khổng đáp:
- Quả có vậy. Tôi bao giờ cũng đi chính đạo, không dùng đường cong queo, dẫu gần hơn mấy cây số cũng vậy.
- Tính ngài như thế thì lại càng nên ở đời khoa học bây giờ lắm. Chúng
tôi có xe lửa, có ô tô, cứ theo đường thẳng mà đi, ngài ngồi trên những
xe ấy, chắc không bao giờ ra ngoài lễ cả.
Nghe tôi nói, đức Khổng vừa lấy làm lạ, vừa háo hức muốn lên trần chơi
một chuyến. Nhưng vì biết không sao vượt được thiên mệnh, ngài đành phải
ung dung ngồi thúc thủ để giữ lấy đạo trung vậy.
Ngài nói rằng:
- Tôi tiếc sinh khí sớm một ít. Nhưng người quân tử bao giờ cũng phải vui, nên tôi không lấy thế làm buồn.
- Chúng tôi cũng vậy, bao giờ cũng vui.
Đức Khổng cả cười mà rằng:
- Nếu vậy thì linh hồn đôi ta gặp nhau rồi.
- Nhưng hai linh hồn ta khác nhau ở chỗ ngài muốn khuôn người ta vào
vòng lễ nghi phiền phức, mà chúng tôi lại không muốn vậy; ở chỗ ngài
hiếu tĩnh, mà chúng tôi hiếu động; đạo ngài đặt ra tôn ti trật tự quá
phân minh, mà chúng tôi lại cho thế là một sự bất công, trái với thiên
ý...
Nhưng lúc đó, đức Khổng đã bắt đầu cầm đũa, nên ngài không trả lời gì
cả. Ngài thực hành đạo của ngài: thực bất ngữ, tẩm bất ngôn, nên ngài
không nói gì nữa, cứ việc “chuyên nhất chi tâm” mà ăn.
Còn tôi, tôi cũng đành “chuyên nhất chi tâm” mà về.
*
Dân nào, nghị viên nấy
Tục ngữ mới
Tôi ở dinh đức Khổng phu tử ra, quỷ sứ dẫn đường nhe bộ răng ngựa bảo tôi rằng:
- Mời ông vào xem nghị viên.
Vừa nói vừa trỏ một tòa nhà giống nhà Khai Trí như đúc.
Ngạc nhiên, tôi hỏi:
- Nghị viên à? Nghị viên dưới âm ty? Ở dưới âm ty cũng có bầu dân biểu à?
Quỷ sứ lắc đầu trâu, giảng giải:
- Không phải thế. Nghị viên đây không phải là một cơ quan thay mặt dân
cõi âm để thỉnh cầu những việc tầm phơ, đây chỉ là tòa nhà của các ông
nghị ở trên dương thế đã hạ cố chết xuống dưới này.
Tôi chợt nghĩ ra rằng ở trên trần, đương lúc các ông nghị sống bàn việc
nước, biết đâu các ông nghị chết lại không họp nhau bàn việc dân. Tôi
bèn cưỡi xe ô tô giấy, phóng vào nhà một ông cựu nghị viên, phỏng vấn:
Đến ngõ, tôi bỗng nghe thấy tiếng sang sảng: “... Ích quốc... lợi dân...
hiến tim cho xã hội...” Tôi giật mình đã tưởng là ông Phạm huy Lục.
Nhưng không, tôi nhầm: thật là may cho ông Nghị trưởng viện dân biểu Bắc
kỳ, mà cũng may cho lỗ tai của tôi.
Ông nghị ma này chỉ là một ông nghị thường đã bỏ vợ, bỏ con, bỏ nghị
viện một buổi trời đông lạnh lẽo. Thấy tôi, ông bỏ tờ đít-cua ông đang
đọc xuống bàn, nhìn tôi đợi vỗ tay. Tôi bèn vỗ tay. Ông ta mỉm cười, khẽ
nghiêng mình như nhận lấy sự hoan nghênh; rồi vồn vã mời tôi ngồi. Ý
chừng ông ta lầm tôi là một cử tri của ông hẳn.
- Ngài đã xuống cửu tuyền mà còn nghĩ đến dân đến nước như thế này, thì chắc thuở sinh thời, ngài đã nhiều phen xả thân...
- Ngài tính có lợi lộc gì mà xả thân. Tôi cũng như các ông nghị khác mà
thôi. Có điều khi còn ở trên trần, tôi hay tập đọc diễn thuyết một mình,
lâu thành ra thói quen, nên xuống dưới này, mỗi năm cứ đến ngày họp hội
đồng thường niên, tôi lại nhớ đem diễn văn cũ ra bình lại... kể cũng
còn hợp thời lắm.
Tôi sực nhớ rằng, những người chết đi, nết nào vẫn giữ tật ấy. Tôi nhìn
kỹ ông nghị ma của tôi, nhận thấy đầu ông cử động luôn luôn: không lắc
lư từ bên trái sang bên phải và từ bên phải sang bên trái, thì cũng lắc
lư từ trên xuống dưới và từ dưới lên. Thấy tôi nhìn, ông ta hiểu ý, hơi
buồn mà bảo tôi rằng:
- Ông nhìn tôi cử động, phải không? Đầu tôi như vậy chẳng qua là nó nhớ
lại hồi ở trên dương gian, nó hay gật và lắc. Bây giờ đã thành tật,
không thể nào chữa được nữa.
Rồi ông mỉm cười, nói tiếp:
- Nhưng tôi không lấy thế làm hổ thẹn. Là vì mười ông nghị chết xuống
đây, đến chín ông rưỡi cũng như tôi. Cái tật ấy vốn là cái tật thông
thường của anh em chúng tôi. Phiền một nỗi là ở dưới này, chúng tôi khó
chịu vì cái tật ấy hơn xưa nhiều, mà người nào lúc sống gật nhiều, thì
lúc chết đi tật lại càng nặng. Vậy ngài có trở lên dương thế, phiền ngài
làm ơn nhắn các bạn đồng nghiệp tôi rằng, gật vừa vừa thôi.
Ông ta nói vậy thì tôi cũng biết vậy, chứ dám đâu đem lời ông thuật lại
với các ông nghị trên trần: họ lại cho là mình nói thóc mách hay đặt
điều thì chẳng bỏ công.
Tôi đành phải theo phép lịch sự mà ừ hữ cho qua, và nói đãi bôi rằng gật hay lắc không phải là phạm tội gì to lắm.
- Vâng, ông nói chí phải. Bằng lòng thì gật, không bằng lòng thì lắc.
Lỗi đó, thưa ông, không phải là tại nghị viên. Thật thế, ông ạ. Từ ngày
tôi xuống đây, trí tôi sáng suốt ra, nên tôi biết. Nghị viên chỉ có
quyền tư vấn và quyền thỉnh cầu. Vậy tôi lại phiền ông về trên ấy nhắn
hộ bạn đồng nghiệp tôi rằng, không nên lấy thế làm thẹn, cứ việc gật đi.
Nghe lời ông nghị ma bàn, tôi bỗng thấy động lòng thương các ông nghị
sống từ xưa đến này bị diễu oan. Các ông ấy có tội tình gì đâu? Dân nào,
nghị viên nấy. Tội là tội ở dân chọn các ông ấy ra thay mặt. Dân ta có
học hơn chút nữa, sẽ có ông nghị tài giỏi hơn bây giờ. Vậy điều cần nhất
là mở mang trí tuệ cho dân, cho toàn thể quốc dân... Công việc lớn lao,
không phải một vài người làm nổi. Hay là ta lập hội, lập hội để khai
trí thức cho dân quê, hô hào dân quê bỏ việc xôi thịt, phá lũy tre mà
sống một đời văn mình hơn? Tôi chợt nhớ ra rằng, đã có hội Khai Trí...
Ông nghị ma lúc đó dường như cũng nghĩ đến hội Khai Trí. Ông tắc lưỡi bảo tôi:
- Viện dân biểu họp ở nhà Khai Trí thì hơi chật. Nếu để ăn uống thì chen
vai, thích cánh cùng vui, nhưng nào chỉ có thế thôi. Còn phải biên chép
nữa. Mà lúc biên chép lại đụng chạm nhau, thì thật là bất tiện: nghị
viên chứ nào phải người dưới xóm đâu mà lấy sự đụng chạm nhau làm dễ
chịu hơn.
Tìm được một câu bông đùa lý thú, ông nghị ma lấy làm thích chí, cười
mãi. Rồi vui chuyện, ông tỉ tê kể lể công cuộc ông đã làm lúc ông còn
sống ở trên cõi dương. Nhưng công cuộc của ông giống như công cuộc của
các ông nghị còn sống lắm, nên tôi kiếm lời từ tạ. Ông ta chưa chịu tha,
níu lại hỏi nhỏ tôi:
- Nghe đâu trên ấy mới có cuộc cải cách: nghị viên được đeo thẻ bài riêng...
- Vâng, có vậy.
- Nếu thế thì tôi chết tiếc khi sớm quá.
Rồi ông ta hậm hực than thở mãi, khiến tôi cầm lòng không đậu, đành phải
hứa với ông ra rằng, lên trên cõi trần tôi sẽ đốt cho ông một cái thẻ
bài để ông đeo. Được lời như cởi tấm lòng, ông nghị ma nở một nụ cười
sung sướng tiễn tôi về.
*
Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
Kìa như bóng nguyệt lòng sông
Ai hay không có, có không là gì.
Từ Đạo Hạnh
Quỷ sứ dẫn tôi đi, đi rất lâu về phương tây. Đến một xứ mơ mộng, lúc ẩn
lúc hiện, như có như không. Hai bên đường trồng toàn trúc cả, thỉnh
thoảng lại có cây bồ đề cành lá rườm rà: tôi đã đến Tây Trúc mà không
biết.
Ngồi dưới một cây bồ đề lớn, trên một tòa sen bằng gỗ sơn son thiếp
vàng, đức Phật Như Lai đương từ bi tĩnh tọa. Trông thấy tôi, ngài mỉm
cười, cái mỉm cười bí mật của những pho tượng Phật ở Đế Thiên, Đế Thích.
Rồi như người sáng suốt soi thấu lòng tôi. Người tự nhiên điềm tĩnh bảo
tôi rằng:
- Hãy dừng chân lại!
Tôi cũng điềm tĩnh lại gần, ngồi ở bên tòa sen. Đức Phật gọi tiểu đồng
pha nước cam lồ mời tôi uống. Nước ngọt như đường cát, mát như đường
phèn, và thơm như nước cam Nghệ: thật là một thứ nước cam hiếm có.
Nhấp giọng rồi, tôi vừa định bụng phỏng vấn đức Phật về cái đạo mầu nhiệm của Người, đã thấy Người mỉm cười nói rằng:
- Tôi trông thấy ý nghĩ của ông. Tôi từ lúc ngộ đạo, phát nguyện lăn
bánh xe để cứu độ cho chúng sinh, vẫn thường nhìn về cõi tục. Tôi thấy
đạo tôi đã suy vi, nhưng tôi không lấy thế làm buồn, vì tôi không còn
biết đau khổ nữa...
Trên nét mặt thản nhiên của đức Phật, tôi nhìn thấy rõ lòng hờ hững,
lãnh đạm đối với sự vật. Nhưng tôi nghĩ thầm, có lẽ đâu ngài lại hờ hững
với Phật giáo hội ở nước ta được. Tôi bèn hỏi:
- Chắc đức Phật ngài biết ở nước chúng tôi đương có người cổ động chấn hưng đạo của ngài?
- Tôi biết rõ lắm. Nhưng những tư tưởng mà họ bảo là của tôi, nào có
phải là tư tưởng của tôi nữa đâu. Nếu sống là thay đổi, biến hóa đi, thì
những tư tưởng của tôi đã sống một cách mạnh mẽ lắm.
- Ngài có lấy thế làm vui không?
- Lấy thế làm vui, tất là còn ham muốn, thì sao đến được cõi Nát Bàn.
Vậy ra đức Phật ngài không vui, không buồn, không còn biết cảm giác là
gì nữa. Tôi nhìn Người rồi lại nhìn cây bồ đề vô tri vô giác điềm nhiên
mọc ở giữa trời, không đau khổ mà cũng không sung sướng. Tôi lại nhớ đến
hai ông Lê Dư, Nguyễn Năng Quốc, tín đồ khi vui khi buồn của đạo Phật;
tôi lại nhớ đến mấy nhà sư đi tìm cảm giác mới lạ ở dưới xóm chị em.
Nhưng, tôi nhớ nhất, là sự cạnh tranh của hội Phật giáo và bọn sa môn
của chùa Bà Đá.
Tôi bèn đem những việc ấy nói với đức Phật. Người chỉ mỉm cười, không trả lời. Hỏi gặng mãi, Người mới đáp rằng:
- Ta coi ngôi vương hầu như luồng bụi qua khe hở, coi cả đại thế giới
như một hạt cải con. Vậy trong hạt cải con ấy, nếu có lũ vi sinh vật vì
tham sân, si, hay bố, mà công kích, mà phỉ báng nhau, thì có can hệ đến
ta đâu.
- Nhưng, như lời Người đã nói, Người không vào địa ngục, thì còn ai vào được địa ngục thay Người nữa?
Động lòng bác ái, đức Phật phán rằng:
- Nếu vậy, nhờ ông về nhắn giúp với họ rằng, họ nên chín bỏ làm mười,
theo phép lục hòa mà cùng nhau tu tỉnh lại, mới mong đến cõi Nát Bàn
được.
Nhưng nếu họ chỉ hỏi tôi: đến Nát Bàn để làm gì, thì tôi biết trả lời họ ra sao?
- Ông sẽ thuyết pháp cho họ nghe. Ông sẽ bảo họ rằng, đạo tôi giản dị
lắm, đại cương như thế này: “Làm người là khổ: sinh là khổ, bệnh là khổ,
cái gì không ưa mà phải hợp là khổ, cái gì ưa mà phải rời là khổ, cái
gì muốn mà không được là khổ, chung qui cái gì cũng khổ cả.”
Cũng mỉm cười bí mật, tôi hỏi:
- Nhưng cái gì ưa mà hợp lại là sướng, cái gì không ưa mà không hợp lại
là sướng, cái gì muốn mà được cũng lại là sướng. Vậy ở đời, không những
có khổ, còn có sướng...
- Sướng ít, khổ nhiều...
- Nhưng có khổ mới có sướng. Ăn cơm gạo tám mãi không biết gạo ngon;
nhưng nếu ngày ngày ăn gạo hẩm, bỗng được bát cơm gạo tám thì thơm tho
biết là chừng nào! Còn khổ mãi cũng quen đi, không biết là mình khổ nữa,
như dân Annam chẳng hạn.
Mỉm cười, đức Phật đáp:
- Nếu lấy ở đời là sướng, thì cứ việc mà ở đời, còn mong đến Nát Bàn làm gì nữa. Nhưng đời là khổ...
- Nếu đời là khổ, thì quyên sinh là thượng sách?
- Nhưng còn có luân hồi, nghiệp báo. Chết đi sẽ sống lại, sống lại sẽ
chết đi, cứ loanh quanh mãi trong cái vòng lẩn quẩn ấy, là vì lòng ham
sống, lòng tham dục hãy còn vướng lại trong tâm hồn. Diệt được dục là
thoát khỏi luân hồi, là tới cõi Nát Bàn rồi vậy.
- Nhưng lấy nhẽ gì mà bảo là có luân hồi?
Cầm cành dương phe phẩy, đức Phật nở nụ cười bí mật:
- Bởi vì có luân hồi.
Rồi, Người ân cần nhắc lại:
- Vậy, nhờ ông về bảo hộ chúng sinh tìm đường diệt dục đi.
Nhưng tôi, một chúng sinh còn muốn uống nước cam lồ ngon ngọt, nếu trước
khi từ tạ đức Phật, hãy rót thêm một cốc uống cho tan lòng dục đi đã.
Uống cạn cốc ấy, lại thấy muốn uống nữa, nhưng cũng phải nén sự khổ -cái
gì ưa phải rời là khổ- vui vẻ ra về. Trời trong xanh vờn mấy đám mây
trắng, gió mát ca trong cành trúc la đà, tôi cảm thấy sự vui sống ở đời
(tuy rằng lúc đó, tôi đang ở dưới âm ty).
TỨ LY
Phong Hóa, số 139, ngày 8 Mars - số 158, ngày 18 Oct.1935
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/08/tu-ly-i-xem-mu-giay.html
========================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001