Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

Clinton: 'Không được cưỡng ép' ở Biển Đông 

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm qua kêu gọi Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á tránh "cưỡng ép", mà nên cùng hợp tác xây dựng bộ quy tắc ứng xử để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
> Hillary Clinton công du châu Á, bàn về Biển Đông
> Trung Quốc lại mời thầu dầu khí ở Biển Đông

Bà Hillary Clinton hội đàm với Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa tại Jakarta, nhắc lại quan điểm cho rằng Mỹ "có lợi ích quốc gia" trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông, vốn đang chứa đựng đầy căng thẳng.
"Chúng tôi tin rằng các nước trong khu vực cần làm việc hợp tác với nhau để giải quyết tranh chấp mà không sử dụng sự cưỡng ép hay hăm họa, không đe dọa sử dụng và không sử dụng vũ lực", bà Clinton nói.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong buổi họp báo cùng đồng nhiệm Indonesia Marty Natalegawa hôm nay. Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong buổi họp báo cùng đồng nhiệm Indonesia Marty Natalegawa hôm qua. Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi các nước thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á và Trung Quốc đạt "những tiến triển có ý nghĩa" hướng tới việc thiết lập một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Bà hy vọng rằng các bên sẽ đạt được bước tiến trước hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 11 này tại Campuchia.
Hồi tháng 7, các nước ASEAN cho biết đã đạt được thỏa thuận về những thành tố cơ bản của một bộ quy tắc, thường được biết đến với tên gọi COC. Bộ quy tắc này là bước đi cụ thể tiếp theo nhằm hiện thực hóa Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002. Tuy nhiên đại diện ngoại giao của Bắc Kinh khi đó cho hay sẽ chỉ đàm phán về COC một khi điều kiện chín muồi, dù khẳng định luôn sẵn sàng đàm phán.
Bà Hillary Clinton đang có chuyến công du tới 6 quốc gia châu Á Thái bình dương, trong đó có Indonesia, Trung Quốc và Nga. Giới quan sát đánh giá rằng chuyến công du này là một trong những cơ hội cuối cùng để chính phủ Mỹ khẳng định quan điểm của mình tại khu vực, trong vấn đề Biển Đông, trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra ngày 6/11 tới.
Biển Đông là nơi có tranh chấp chủ quyền giữa các nước Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Brunei. Tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng nhiều tháng qua thu hút sự chú ý của thế giới. Mỹ từng khẳng định cách đây hơn hai năm rằng nước này cũng có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo an ninh và tự do hàng hải. Mỹ và Trung Quốc đã có nhiều lời chỉ trích phê phán lẫn nhau xoay quanh vấn đề Biển Đông, dù Mỹ khẳng định không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền.
Với 4 thành viên đang liên quan đến tranh chấp, ASEAN cũng là một diễn đàn nơi chủ đề Biển Đông luôn được thảo luận sôi nổi. Kỳ họp các ngoại trưởng ASEAN tháng 7 vừa rồi đã không ra được thông cáo chung - điều chưa từng có trong lịch sử 45 năm tồn tại của Hiệp hội. Nguyên nhân là do bất đồng giữa các nước thành viên trong việc đề cập tranh chấp Biển Đông trong dự thảo thông cáo.
Theo kế hoạch, bà Clinton tới Trung Quốc hôm nay để tiếp tục thảo luận với giới chức Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông và một số vấn đề khác – như khủng hoảng tại Syria, chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên.
Mai Linh
nguồn:http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2012/09/clinton-khong-duoc-cuong-ep-o-bien-dong/
=================================================================
Ngoại trưởng Mỹ tới Bắc Kinh trong căng thẳng Biển Đông 

(Dân trí) - Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton hôm qua đã tới Bắc Kinh trong khuôn khổ công du Đông Nam Á, mục đích một phần để hối thúc Trung Quốc và các nước láng giềng thỏa thuận về một cơ chế có thể giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ trong Biển Đông.
 >> Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi tránh "cưỡng ép" ở Biển Đông

Ngoại trưởng Mỹ tới Bắc Kinh trong lúc Biển Đông căng thẳng
Ngoại trưởng Mỹ Clinton và người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì trong cuộc gặp tại Bắc Kinh ngày 4/9.

Sau khi tới Bắc Kinh, Ngoại trưởng Clinton đã gặp người tương nhiệm Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì. Tại cuộc gặp bà cho biết Washington “cam kết xây dựng một quan hệ đối tác có tính hợp tác với Trung Quốc.”

Bà Clinton khẳng định quan hệ Mỹ-Trung là một phần quan trọng trong chính sách của chính phủ Tổng Thống Obama nhằm đẩy mạnh chính sách của Washington góp mặt tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Bà Clinton bày tỏ mong muốn Bắc Kinh hợp tác với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để đi đến một bộ qui tắc ứng xử chung trên biển, nhằm có thể ngăn chặn, không cho các cuộc tranh chấp lãnh thổ leo thang trong Biển Đông, một khu vực giàu tài nguyên.

Trung Quốc đòi chủ quyền hầu như toàn bộ vùng Biển Đông. Bắc Kinh chống đối các cuộc thương thuyết đa phương sẽ cho phép các nước nhỏ trong khối ASEAN tạo uy thế lớn hơn.

Bắc Kinh ủng hộ các cuộc thương thuyết song phương, vì như thế vị thế Trung Quốc sẽ mạnh hơn so với các nước có chủ quyền trong vùng biển này, như  Brunei, Malaysia, Philippines, và Việt Nam.

Trong chuyến công du thứ ba tới khu vực Đông Nam Á kể từ tháng 5, bà Clinton đã khuyến khích một mặt trận thống nhất giữa 10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong khi mạnh mẽ kêu gọi tự do hàng hải trên vùng biển chiến lược này.

Theo dự đoán của các cơ quan truyền thông quốc tế, trong chuyến công du hai ngày tại Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ rất có thể hội kiến với chủ tịch Hồ Cẩm Đào và tại thủ đô Bắc Kinh, hồ sơ xung khắc tại biển Hoa Đông và Biển Đông sẽ được thảo luận.

Vài giờ trước khi bà Hillary Clinton rời Jakarta, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc phát pháo lệnh đe dọa : “Chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ tôn trọng cam kết không can thiệp vào tranh chấp địa phương về chủ quyền biển đảo”.

Thái độ lấn át của Trung Quốc tại Hoa Đông, với Nhật bản, và tại Biển Đông với Việt Nam và Philippines càng ngày càng lộ liễu. Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn lên tiếng chỉ trích Washington bênh vực Tokyo trong vụ Điếu Ngư/ Senkaku và can thiệp ủng hộ Manila khi Trung Quốc xâm phạm vùng đảo đá ngầm Scarborough.

Báo chí nhà nước Trung Quốc hôm qua cũng dành cho bà Hillary Clinton những lời công kích gay gắt phản ảnh thái độ hoài nghi.

Vũ Quý
Theo AFP
nguồn:http://dantri.com.vn/c36/s36-637285/ngoai-truong-my-toi-bac-kinh-trong-cang-thang-bien-dong.htm
==================================================================
Bà Clinton bàn về Biển Đông trong các cuộc thảo luận ở Bắc Kinh

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Rodham Clinton gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Bắc Kinh, ngày 4/9/2012

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton hứa mang một thông điệp mạnh mẽ tới các nhà lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề giải quyết những mối tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Bà Clinton muốn Trung Quốc làm việc với khối ASEAN để ký kết một bộ qui tắc hành xử nhằm quản lý những vụ tranh chấp với hy vọng có thể ngăn chặn những vụ xung đột trong khu vực có nhiều tài nguyên thiên nhiên này.

Trung Quốc, là nước tuyên bố đòi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, đã tỏ ý không muốn ký kết một bộ qui tắc như vậy. Thay vào đó họ muốn giải quyết riêng với từng nước đòi chủ quyền ở Biển Đông, bao gồm Đài Loan, Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.

Trước khi rời Indonesia đi Trung Quốc, bà Clinton đã nói rằng các nước Đông Nam Á nên hình thành một mặt trận thống nhất về những vụ tranh chấp để “giữ cho vùng biển này được yên bình”.

Bà Clinton phát biểu như vậy sau cuộc họp ở Jakarta với Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono và Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ sẽ thảo luận trong hai ngày với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, những người cho đến nay vẫn bác bỏ sự can dự của Mỹ trong những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo.

Tại cuộc họp báo hôm nay ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lên tiếng chống đối điều mà ông gọi là “sự can thiệp” của Mỹ.

Ông Hồng nói rằng Hoa Kỳ nhiều lần tuyên bố không có lập trường trong vụ tranh chấp Biển Đông và Trung Quốc hy vọng Hoa Kỳ giữ đúng lời hứa và làm những việc có lợi cho hòa bình ổn định của khu vực thay vì có hại.

Ông Ralph Cossa, một nhà phân tích an ninh của Diễn đàn Thái bình dương ở Hawaii, nói rằng việc xảy ra một cuộc xung đột vũ trang toàn diện giữa Trung Quốc với các nước khác đòi chủ quyền Biển Đông có xác suất rất thấp.

Nhưng ông Cossa cũng cho rằng bà Clinton có phần chắc sẽ không đạt được tiến bộ nào đáng kể về bộ qui tắc hành xử trong chuyến công du Trung Quốc lần này.

Ông Cossa cho rằng nếu có được một bộ qui tắc hành xử đi nữa thì cũng rất khó lòng có được những cơ chế chứng thực hay chấp hành, và như thế, văn kiện đó chỉ là một thỏa thuận khác nữa mà các bên sẽ vi phạm.

Ngoài vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Clinton theo dự liệu cũng sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề nhân quyền và các vấn đề quốc tế khác, trong đó có các chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên và Iran.
nguồn:http://www.voatiengviet.com/content/ba-clinton-ban-ve-van-de-bien-dong-trong-cac-cuoc-thao-luan-o-bac-kinh/1501563.html
==================================================================  
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001