Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

Hoảng sợ động đất ở thủy điện Sông Tranh 2 

Nam Nguyên, phóng viên RFA

Một loạt động đất với rung chấn cao nhất đo được 4,2 độ richter xảy ra tối 3/9/2012 ở huyện Trà My – Quảng Nam gây thêm quan ngại về sự an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2.
Đập Thủy điện Sông Tranh 2 ở huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam. File photo
Đập Thủy điện Sông Tranh 2 ở huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam. File photo
Vì nước thủy điện?
Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên vào tối 4/9/2012, TS Lê Huy Minh – Phó viện trưởng Viện Vật lý địa cầu trụ sở ở Hà Nội có những đánh giá sơ bộ mang tính quan ngại về công trình thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam). Ông nói:
“Trận động đất hôm qua (3/9) gây tiếng nổ rất lớn và sự rung động được ghi nhận là lớn nhất so với các trận động đất khác từ 2011 tới nay, vì thế người dân rất lo sợ. Thực ra khu vực Bắc Trà My trước khi xây dựng đập thủy điện thì hầu như chẳng có động đất, đến khi xây dựng đập thuỷ điện quá trình dẫn nước vào lòng hồ dẫn đến những hiện tượng như vậy nên nhân dân rất sợ”.
Thực ra khu vực Bắc Trà My trước khi xây dựng đập thủy điện thì hầu như chẳng có động đất.
TS Lê Huy Minh
Theo lời TS Lê Huy Minh, hồi tháng 11 năm ngoái có hai trận động đất cường độ chỉ có 3,4 rồi đến tháng 3 vừa rồi xảy ra động đất 3,1 đến hôm 3/9 động đất 4,2 độ richter và tần suất của nó cũng rất lớn. Tối 3/9 các chuyên viên ghi nhận được 4-5 trận động đất đến sáng 4/9 thêm mấy trận nữa. Sự kiện này chứng tỏ tần suất động đất chưa giảm đi chút nào và sự lo sợ của người dân là đúng.
Trả lời Nam Nguyên một ngày sau trận địa chấn 3/9, ông Nguyễn Thế Tài – Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My, nơi có công trình thủy điện Sông Tranh 2 xác nhận là người dân rất hoang mang. Ông nói:
“Động đất rung chuyển xô đẩy ly chén, tôi ghi nhận lúc 7 giờ 35 rồi 9 giờ kém 10 và lúc 10 giờ kém 5, nhân dân lo sợ ngủ không được. Tôi nghĩ là hiện nay nhân dân đang hoang mang đang lo về tính mạng về lâu về dài… tất cả đã được báo cáo về cấp trên… Tỉnh và Trung ương sẽ tính toán cụ thể… tôi động viên nhân dân cần bình tĩnh”.
Độ an toàn của đập?
Động đất ở huyện Bắc Trà My, Quảng Nam làm nhiều nhà dân bị rạn nứt. Courtesy 24h
Động đất ở huyện Bắc Trà My, Quảng Nam làm nhiều nhà dân bị rạn nứt. Courtesy 24h
Công trình thủy điện Sông Tranh 2 có tổng đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, công suất tổng cộng 190 MW được xây dựng từ 2006 đến cuối năm 2010, cả hai tổ máy đều đã phát điện. Điểm đáng chú ý hồ chứa nước thủy điện Sông Tranh 2 dung tích 730 triệu m3 nuớc, thuộc hàng lớn nhất miền Trung và được thiết kế cao hơn vùng hạ lưu khoảng 100 m. Cuối năm 2011 đầu năm 2012, cùng với những trận động đất chưa từng xảy ra, thân đập thủy điện Sông Tranh 2 bị rò rỉ nước và xuất hiện một số vết nứt.
Một thời gian dài dư luận chấn động và vấn đề an toàn của Sông Tranh 2 được đưa ra trước diễn đàn Quốc hội. Gần đây chủ đầu tư và nhà thầu đã tiến hành sửa chữa trám các vết nứt và khe rò rỉ nước. Sau khi thủy điện Sông Tranh 2 vận hành được khoảng 1 năm, một công trình đắt tiền được mô tả là để góp phần phát triển kinh tế lại được người dân Quảng Nam gọi là quả bom nước khổng lồ, đang treo lơ lửng trên đầu cả trăm ngàn người của 4 huyện vùng hạ lưu.
Sự lo ngại của người dân và chính quyền địa phương là có cơ sở, nhất là với một loạt địa chấn xảy ra từ chiều tối 3/9 và sáng 4/9. TS Lê Huy Minh, Viện phó Viện Vật lý địa cầu nhận định:
Động đất rung chuyển xô đẩy ly chén, tôi nghĩ là hiện nay nhân dân đang hoang mang, đang lo về tính mạng về lâu về dài.

Ô. Nguyễn Thế Tài
“Rung động động đất được đánh giá bằng một thang 12 cấp từ 1 đến 12, mỗi một cấp có khoảng gia tốc nền nhất định. Viện Vật lý địa cầu kiến nghị cho chủ đầu tư xây dựng đập ấy có gia tốc nền là 150 cm /giây bình phương tức là ứng với độ rung động cấp 8. Trận động đất hôm thứ hai độ rung động ở chân đập mà máy gia tốc của Ban Quản lý Thủy điện Sông Tranh 2 ghi nhận được là 88,3 cm/giây bình phương tức là ứng với động đất cấp 7, như thế chưa vuợt quá mức động đất cực đại mà đập được thiết kế. Tuy nhiên phải xem xét là với trận động đất xảy ra như vậy các khe nhiệt có phát triển hay không”.
Theo lời TS Lê Huy Minh, từ hồi tháng 4 đến nay khi nhóm của ông vào Quảng Nam xem xét, ghi nhận Ban quản lý thủy điện Sông Tranh 2 đã đưa tất cả máy quan trắc thân đập vào hoạt động. Trong đó có sự theo dõi độ giãn nở của các khe nhiệt theo thời gian, rồi theo lưu lượng nước chảy qua thân đập cũng như độ lún của nền đập, độ dịch chuyển ngang của nền đập và nhiều thông số vật lý khác của đập. TS Lê Huy Minh nhấn mạnh chỉ có trên cơ sở theo dõi hiện trạng đập một cách chặt chẽ như thế mới có thể đánh giá được độ an toàn của đập như thế nào.
N.N.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/quakes-cause-concern-song-tranh-2-nn-09042012170441.html
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/40995
=====================================================================
4 trận động đất lại rung chuyển Sông Tranh 2

Sáng nay, hàng nghìn người dân huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) hoảng hốt vì liên tiếp cảm nhận 4 trận động đất, cường độ mạnh nhất tới 3,4 độ richter. Trong 4 ngày, khu vực thủy điện này này đã xảy ra 12 trận động đất.
Trong lúc đi dự lễ giao quân, tiễn bộ đội địa phương lên đường nhập ngũ, nhiều lãnh đạo huyện Bắc Trà My bỗng nghe trong lòng đất phát ra nhiều tiếng nổ lớn gây rung chuyển. “Sau tiếng nổ, mặt đất rung lên khiến ôtô cũng lắc lư theo”, bà Dung, một lãnh đạo UBND huyện Bắc Trà My cho biết.
Cảm nhận những trận động đất rõ nhất là hàng trăm hộ dân xã Phước Hiệp (huyện Phước Sơn) bởi đây là khu vực sát thủy điện Sông Tranh 2. Ông Trần Văn Anh giọng hốt hoảng: “Lúc 7h20, đang ngồi trong nhà uống trà với mấy anh bạn hàng xóm bỗng nghe lòng đất phát ra tiếng nổ ùm ùm rồi nền nhà rung chuyển. Hoảng quá, chúng tôi chạy ra khỏi nhà trong tình trạng lảo đảo giống người say rượu”.
Dư chấn những trận động đất cũng lan rộng ra đến huyện Hiệp Đức và Nam Trà My. Mới tờ mờ sáng, nghe lòng đất rung chuyển, phát nổ, ai cũng lo sợ bỏ chạy ra khỏi nhà vì sợ ngói rơi trúng đầu gây thương vong.
Động đất gây trượt lở đất ở vai trái đập chính thủy điện Sông Tranh 2 tháng 11/2011. Ảnh: Trí Tín.
Động đất gây trượt lở đất ở vai trái đập chính thủy điện Sông Tranh 2 tháng 11/2011. Ảnh: Trí Tín.
Các chuyên gia Viện Vật lý Địa cầu xác nhận, sáng nay xảy ra đến 4 trận động đất gần khu vực công trình thủy điện Sông Tranh 2. Trong đó, cường độ mạnh nhất ghi nhận được là 3,4 độ richter, với độ chấn tiêu sâu 12,5 km. Trận động đất này có tâm chấn xảy ra ở xã Phước Hiệp (Phước Sơn) sát thủy điện Sông Tranh 2.
Theo thống kê của Viện này, trong hơn một năm qua có đến 58 trận động đất xảy ra xung quanh khu vực công trình thủy điện Sông Tranh 2. Riêng ngày 3 – 6/9 đã xảy ra 12 trận động đất, trong đó, trận động đất đêm 3/9 có cường độ 4,2 richter. Những rung chấn vừa qua có độ sâu chấn tiêu 10 – 15 km, có khả năng xảy ra trên đới đứt gãy Trà Bồng hoặc Hưng Nhượng – Tà Vi cách tuyến đập Sông Tranh 2 khoảng 3 km.
Trước đó, trong tháng 4/2012, khảo sát tình hình địa chất khu vực thủy điện Sông Tranh (Quảng Nam), các nhà khoa học cho rằng công trình này xây trên điểm xung yếu của vỏ trái đất, động đất mạnh nhất có thể đạt 6,1 độ richter. Kết luận này được Hội khoa học kỹ thuật địa vật lý Việt Nam đưa ra sau 6 ngày khảo sát dọc theo đới đứt gãy từ huyện miền núi Trà Bồng (Quảng Ngãi) ra huyện Bắc Trà My, Nam Trà My (Quảng Nam). Các chuyên gia đều có chung nhận định, hệ thống đứt gãy tại khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 có biểu hiện phức tạp.
GS Cao Đình Triều, chuyên gia Viện Vật lý Địa cầu nhận định, động đất mạnh nhất có thể xuất hiện tại khu vực hồ Sông Tranh 2 đạt xấp xỉ 5,5 – 6,1 độ richter. Nếu động đất mạnh xảy ra trong lòng hồ thì nguy cơ tạo nên cột sóng lớn (sóng thần) tác động trực tiếp vào thân đập có nguy cơ gây vỡ đập. Do hoạt động động đất thường xuyên, độ sâu chấn tiêu nông có thể gây nên biến đổi môi trường của đới đứt gãy đã có trước, làm tăng nguy cơ hoạt động của các tai biến địa chất khác như: trượt, lở, nứt, sụt đất, lũ quét.
GS Triều phân tích, căn cứ vào những điểm trượt lở đất, vai trái của đập thủy điện Sông Tranh 2 nằm vuông góc với đới đứt gãy địa chất. Nhà máy công trình này được xây dựng trong khu vực xung yếu của vỏ trái đất. Nếu hiện tượng động đất gia tăng và có cấp độ mạnh thì dễ gây ra nguy hiểm không chỉ cho riêng nhà máy, mà còn ảnh hưởng tới đời sống của cộng đồng dân cư đang sinh sống tại đây.
Trước tình hình động đất liên tục xảy ra liên tiếp trong vòng bốn ngày qua, GS Triều đề xuất, cần thiết lập khoảng 5 trạm địa chấn cố định xung quanh khu vực hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 nhằm theo dõi được đầy đủ động đất từ 1 độ richter trở lên; hạn chế tối đa sự biến động nhanh của mực nước hồ (độ cao mực nước hồ tăng nhanh hoặc giảm nhanh).
T.T.
Nguồn: http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/09/4-tran-dong-dat-lai-rung-chuyen-song-tranh-2/
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/41036
=======================================================================
ĐẤT TRỜI ĐÃ NỔI GIẬN


ĐẤT TRỜI ĐÃ NỔI GIẬN

Hồ ngọc Nhuận

Những ngày cuối tháng 8 vừa qua đã chứng kiến nỗi kinh hoàng của người dân Trà My Quảng Nam trước nguy cơ vỡ đập Sông Tranh 2, sau khi xảy ra sự cố thấm, nứt và nước chảy ồ ạt ra phía hạ du tại đập chính, ngay giữa mùa lụt bão.
Các ngành chức năng đã đổ xô đi xây dựng phương án ứng phó thảm họa vỡ đập”, phương án mà ngay cả những người chức trách cũng nhìn nhận “phải có thời gian khảo sát nghiên cứu tính toán kỹ lưỡng nên chưa thể hoàn thành trong năm 2012”.
Thủy điện Sông Tranh 2 có hồ chứa lớn nhất khu vực miền Trung, diện tích lưu vực 1.100km2, lưu lượng hồ chứa khoảng 730 triệu m3 nước.Công trình có ảnh hưởng trực tiếp đến vùng hạ du của 7 địa phương gồm Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn và cả thành phố cỗ Hội An.
Theo dư luận báo chí và nhận định của người dân tại chỗ thì đây là “ bài học đắt giá nhất cho những ai có trách nhiệm. Nếu họ biết đặt lợi ích của người dân lên trên hết thì đã không mắc sai lầm tương tự như vậy. Thảm họa có khả năng xảy ra với thủy điện Sông Tranh 2 chắc chắn là nhân tai chứ không phải thiên tai ” .
Chưa hết bang hoàng trước thảm họa vỡ đập có thể xảy ra, thì liền sau ngày Quốc Khánh khu vực thủy điện Sông Tranh 2 lại rung chuyển mạnh.Cùng với những đợt rung chuyển là những vụ nổ trong lòng đất. “Những tiếng nổ kinh hoàng giữa đêm tối, nhà cửa rung bần bật, cả thị trấn bỗng nhốn nháo, hàng ngàn người dân đổ ra đường suốt đêmĐiều đáng lo ngại là vụ động đất xảy ra ngay khu vực thủy điện Sông Tranh 2 - nơi đang có những vấn đề còn băn khoăn về sự an toàn của đập tích nướcTiếng nổ như ai đánh bom sát tường nhà. Ly, tách trên bàn đổ ầm xuống đất. gạch ngói vỡ nát đổ ập xuống trước sân nhà, tường gạch dày 15cm cũng bị đổ. Nghe tiếng xe chạy ngoài đường cứ ngỡ tiếng nước ầm ào từ thủy điện Sông Tranh đang ùa về. Toàn vùng mất điện khiến người dân càng hoang mang hơn”.

Chủ tịch huyện Bắc Trà My còn cho biết : “Khoảng 5 ngày trở lại đây ở Bắc Trà My liên tục có hiện tượng rung, nhưng đây là trận rung lắc mạnh nhất từ ngày thủy điện Sông Tranh 2 tích nước đến nay. Người dân rất lo lắng.Thế nhưng Trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3 vẫn cho rằng chưa có dấu hiệu gì ảnh hưởng đến công trình thủy điện, tuy… chưa có kết quả thu thập số liệu từ các máy đo động đất”.
Chưa có kết quả đo đạt mà dám nói là chưa có dấu hiệu gì ảnh hưởng đến công trình thủy điện thì thật là…nói cho lấy được !
.Người dân còn cho biết “có mấy chuyên gia động đất ở Hà Nội nói rằng rung chuyển là do đất bị kích thích vì tích nước để làm thủy điện, sau này sẽ giảm dần và hết. Nhưng giảm mô không thấy, chỉ thấy ngày càng mạnh hơn lại còn nổ nữa ”. Có người còn nhắc : “Hồi tháng 10-2011, đã có rung chấn xảy ra lần đầu, và nhiều người đã cảnh báo hiện tượng trượt đất, nhưng vẫn bị làm ngơ… Mấy cái Viện hay Bộ gì đó cứ hứa lấp máy đo đạt hay máy nầy máy nọ mà chẳng thấy làm.. Hiện nước trong lòng hồ vẫn ở dưới mực nước chết (cao trình dưới 140m), mưa ít, nước về hồ không nhiều.Liệu khi nước đầy mà có động đất tiếp thì mọi việc sẽ ra sao”.. .
Giám đốc “Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần” cho biết “xu thế động đất ở khu vực này chưa giảm khi trận sau có cường độ lớn hơn trận trước và xảy ra nhiều hơn…. Chấn tâm động đất không phải chỉ nằm trong khu vực hồ chứa mà có trận xảy ra ngay trong hồ chứa, có trận sau hồ chứa. Như vậy có khả năng là nước ở hồ thủy điện thấm theo đứt gãy làm cho hoạt động của đứt gãy phức tạp hơn”…
Vậy mà hôm qua, 05/9/2012, Bộ Trưởng Bộ Xây Dựng VN thông báo đã “kiểm tra” mọi thứ, từ “hiện trạng thi công tại đập, các hư hõng có thể ảnh hưởng đến độ an toàn của đập, công tác quản lý, vận hành, điều tiết duy tu bảo dưỡng”… để đi đến kết luận : “về an toàn của đập cho phép tích nước trở lại“.
“Kết luận về an toàn cho phép tích nước trở lại”, nhưng Bộ trường lại yêu cầu “đơn vị chủ quản công trình cần hoàn thành một số việc mà phía tư vấn độc lập yêu cầu để…quá trình vận hành khai thác công trình đảm bảo an toàn”. “Hội đồng nghiệm thu nhà nước phối hợp với Bộ Công thương cần vào kiểm tra tình hình”! Như vậy thì các trò quen thuộc “kiểm tra kiểm tra, kết luận kết luận” lại cứ tiếp diễn như trong nhiều chục năm qua.
Đến đây không ai không nhớ tới thảm họa động đất và sóng thần ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật.Nhưng người ta cứ cố sống cố chết duy trì dự án nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Mà không cần trưng cầu ý dân như nhiều nước đã làm, cũng không cần đưa ra thảo luận.sâu rộng trong nhân dân, bất chấp những cảnh báo của nhiều chuyên gia Việt Nam có uy tín hiện đang làm việc ở nước ngoài.
Không biết giữa các lãnh đạo, chuyên gia ở đây và ở Nhật , ai hơn ai, về tài năng và tinh thần trách nhiệm . Nhưng theo nhân định chung của nhân dân Nhật thì lãnh đạo của họ luôn nói dối về thảm họa ở Fukushima.Trước thảm họa , sau thảm họa đều nói dối.Nói dối rồi xin lỗi, xin lỗi rồi nói dối tiếp. Còn ở đây thì trong tự điển hình như không có hai tiếng xin lỗi…
Theo trí nhớ của nhiều người thì hằng trăm năm qua, người dân từng sống ở đây chưa hề thấy Hà Nội , Sài Gòn rung chuyển khiến cư dân phải chạy ra đường như cách đây mấy năm. Và bây giờ thì mặt đất Trà My xứ Quảng phải tức giận đến nổ tung rung chuyển.Tại sao ? Tại vì người ta cứ liên tục không ngừng dối gạt và chọc giận người dân thì làm sao đất trời không nổi cơn thịnh nộ cho được.

Lao động TQ ở VN

Đã có người ở Lâm Đồng hết chịu nỗi phải ra tận Hà Nội để hỏi : “Người Việt Nam chúng ta đâu có thiếu lao động phổ thông, nhưng tại sao các dự án bôxit trên Tây nguyên lại toàn lao động Trung Quốc?”.Và nhiều người khác cũng đã hỏi : “Tại sao bao nhiêu công trình trọng điểm, chiếm toàn những vị trí xung yếu yết hầu của đất nước, lại dồn hết cho các công ty Trung Quốc” ?
Lòng dân là lòng trời.Đã tới lúc phải ăn ở thật lòng với dân, và đuổi cổ hết bọn giặc ngoài, dù chúng ẩn núp ở đâu..Đừng tiếp tục chạy theo tham vọng lợi quyền và dối gạt chọc giận người dân nữa . Để đừng chọc giận trời dất. Và để sau cùng không phải nghe tiếng thét : CÚT. /.

( 06/9/2102,HNN )

Bản gốc của tác giả

Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001