Nhân các chuyện quốc sự nóng bỏng,
mời bà con đọc lại một bài của tôi viết cách đây hơn 3 năm, kính nhờ các
trang mạng công bố giùm, trân trọng cám ơn.
BÙI MINH QUỐC
TÔI HOAN NGHÊNH MỘT NỬA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG VÀ CỰC LỰC PHẢN ĐỐI NỬA KIA
Một nửa mà tôi hoan nghênh là hình ảnh
thủ tướng khi đến thăm đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 07.05.2009 đã nói
với đại tướng: “Chính phủ xin tiếp thu ý kiến của đại tướng về dự án
bô-xít Tây Nguyên”.
Nửa kia mà tôi cực lực phản đối là hình
ảnh thủ tướng trong cuộc tiếp xúc với cử tri Hải Phòng ngày 09.05.2009
lại khẳng định: “đưa ngành công nghiệp khai thác quặng bô-xít trở thành
một ngành công nghiệp lớn của đất nước; góp phần thúc đẩy sự phát triển
kinh tế-xã hội vùng Tây nguyên”, nghĩa là ngược hẳn với ý kiến đại tướng
mà 2 ngày trước thủ tướng vừa trịnh trọng tuyên bố tiếp thu.
Ý kiến của đại tướng là rất rõ ràng và
dứt khoát, đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần: không nên khai thác bô-xít Tây
Nguyên.Đây là một ý kiến đúng; đúng với các kết luận khoa học, đúng với
chủ trương của Đảng trước đại hội 9, đúng với chủ trương “hạn chế xuất
khẩu tài nguyên thô” ghi trong báo cáo chính trị của đại hội 9, và bao
trùm lên tất cả là đúng với lòng dân, ý dân, chí dân, bày tỏ bước đầu
qua hàng ngàn chữ ký đã được gửi đến Quốc hội, chính phủ, và hàng nghìn
người đang tiếp tục ký.
“Tiếp thu” nghĩa là chân thành tiếp nhận nhằm thực hiện theo điều đúng, sửa chữa điều sai.
Thấy hiện ra một tình hình ngược nhau
giữa ý kiến của đại tướng Võ Nguyên Giáp – cũng là của đa số đảng viên
và nhân dân – với chủ trương của Bộ chính trị..
Chủ trương của Bộ chính trị hiển nhiên là
sai, sai từ gốc, rất nghiêm trọng, lại càng trở nên hết sức nghiêm
trọng khi hợp tác với Trung Quốc.
Trước đại hội 9, không có chuyện bô-xít,
vì, như đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nêu rõ, sau khi cân nhắc kỹ ý kiến
tư vấn của chính phủ Liên Xô (lúc ấy là bạn chí thiết, luôn là nước giúp
đỡ lớn nhất cho Việt Nam và đang rất cần nhôm), ta không chủ trương
khai thác bô-xít ở Tây Nguyên.
Tại đại hội 9, chữ “bô-xít” – mà nay đang
vang lên nhức nhối hàng ngày hàng giờ trong lòng mỗi người dân Việt –
chỉ xuất hiện, có vẻ như thoáng qua, trong báo cáo kinh tế.Còn trong báo
cáo chính trị, một văn kiện quan trọng bao trùm, thì ghi rõ “hạn chế
xuất khẩu tài nguyên thô”.Các đại biểu đại hội Đảng lần thứ 9 khi biểu
quyết thông qua các văn kiện, liệu có mấy người hiểu được ý nghĩa tiềm
ẩn của cái chữ “bô-xit” chìm lẫn giữa hàng loạt tên các tài nguyên khác
trong báo cáo kinh tế? Chắc là không có mấy người.Nhưng Bộ chính trị, ít
nhất là các ủy viên chủ chốt trong bộ chính trị thì hiểu.Và 6 tháng sau
thì cái ý nghĩa tiềm ẩn ấy bắt đầu bộc lộ khi chữ bô-xít xuất hiện
trong thông cáo chung Nông Đức Mạnh – Giang Trạch Dân ngày 03 tháng
12.2001.
Tuy hai nước Việt – Trung đã có quan hệ
ngoại giao bình thường, nhưng thế lực bành trướng Bắc kinh vẫn không
ngừng xúc tiến chiến lược bao vây, xâm lấn, xâm nhập phá hoại nhiều mặt
nhằm kiềm chế, khống chế đi tới thôn tính đất nước ta.Trung Quốc đại lục
với Đài Loan tuy xung khắc nhau về chính trị nhưng lại đồng hành trong
chủ nghĩa bành trướng (gần đây thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, thiếu
tướng Lê Văn Cương, kỹ sư Doãn Mạnh Dũng lại nhấn mạnh và nêu thêm những
cảnh báo cập nhật).Bộ chính trị biết rất rõ điều đó, thế thì tại sao
tổng bí thư Nông Đức Mạnh lại tự tiện đem một nguồn tài nguyên quốc gia
quan trọng trên một địa bàn chiến lược hiểm yếu vào bậc nhất để hợp tác
làm ăn với thế lực ấy? Khi ký thông cáo chung này, tổng bí thư Nông Đức
Mạnh đứng trên lập trường chính trị nào? Lập trường Tổ Quốc trên hết,
quyền dân trên hết, hay lập trường ý thức hệ giai cấp là thống soái, bộ
chỉnh trị là cơ quan quyền lực trùm lên đất nước, Quốc hội trong thực
chất cũng chỉ là cơ quan thừa hành của Bộ chính trị?
Sau thông cáo chung nêu trên, việc hợp
tác với Trung Quốc khai thác bô-xít Tây Nguyên đã được âm thầm xúc tiến
theo qui trình lộn ngược một cách khuất tất, đến khi lộ ra thì mọi người
mới giật mình trước tình trạng mà đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc
gọi là “việc đã rồi”.Xin mời đọc lại những dòng tâm huyết gửi Bộ chính
trị của thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên đại sứ nước ta tại Trung
Quốc từ năm 1974 đến năm 1989: “…mãi đến gần đây được đọc thư của Đại
tướng Võ Nguyên Giáp và hàng trăm ý kiến không đồng tình của các nhà
khoa học, cán bộ và người dân ở khắp Bắc – Trung – Nam, tôi mới biết ta
đồng ý cho Trung Quốc khai thác bauxit ở Tây Nguyên. Nguy hiểm quá!”.
Tôi (BMQ) xin nhắc lại: “Nguy hiểm quá!”!
Chủ thể gây ra tình hình nguy hiểm ấy là ai?
Là Bộ chính trị.
Cùng với tiếng than sửng sốt của vị tướng
lão thành cách mạng 70 tuổi đảng là tiếng cảnh báo gay gắt khẩn thiết
của nhiều nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà quân sự: đây là thảm họa hủy
diệt môi trường thiên nhiên và văn hóa, gây xáo động xã hội, là tạo chỗ
đứng chân cho thế lực bành trướng tại mái nhà Việt Nam và Đông Dương.
Theo tôi, Bộ chính trị đã phạm mấy sai lầm hết sức nghiêm trọng như sau:
-Làm ngược lại chủ trương của Đảng trước đại hội 9 và trái với báo cáo chính trị của đại hội 9.
-Xa rời lập trường dân tộc, làm hại cho
đất nước, làm lợi cho thế lực bành trướng, vi phạm Hiến pháp, luật pháp,
tự cho mình vượt quyền cơ quan quyền lực cao nhất là quốc hội để đem
tài nguyên quốc gia đi hợp tác với một đối tượng đang chiếm đóng một
phần lãnh thổ nước ta.
-Không chấp hành chủ trương dân biết dân
bàn của Đảng, đặt toàn Đảng toàn dân trước một việc đã rồi, giấu diếm
nhân dân để làm việc sai trái.
Các việc làm sai trái nêu trên không diễn
ra đơn lẻ, tình cờ, mà diễn ra một cách có hệ thống liên quan chặt chẽ
với các việc sai trái khác như:
-Dung túng cho tổng cục 2 tiến hành hoạt động phá hoại có hệ thống kéo dài
-Phá hội trường Ba Đình, một di tích lịch
sử liên quan đến chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều sự kiện trọng đại của
Đảng và Nhà nước (tôi chắc rằng cái ngày mà mảng tường đầu tiên của hội
trường Ba Đình vỡ toang dưới những nhát búa choòng trong tay các công
nhân Việt Nam thì mấy tay trùm bành trướng ở Bắc kinh rung đùi nâng cốc
bảo nhau: Hảo lớ! Việt Nam lại vừa được ban cho một bài học nữa, nhưng
lần này do chính Hà Nội thực hiện tại Ba Đình lịch sử!).
-Mở rộng Hà Nội một cách vô căn cứ.
-Đàn áp những người biểu tình chống giặc
bành trướng xâm chiếm Hoàng Sa Trường Sa.Trong lịch sử dân tộc ta, lần
đầu tiên có một triều đại tự nhận là yêu nước lại đàn áp người dân xuống
đường bày tỏ lòng yêu nước!
-Cấm đoán việc tái bản và xuất bản các
công trình nghiên cứu, các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài chủ
nghĩa bành trướng Trung Quốc, về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ
chức, về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và giúp nước bạn Cam-pu-chia
thoát họa diệt chủng, về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, về cuộc
chiến chống bành trướng Trung Quốc trên biển Đông…, trong khi đó thì vừa
dung túng cho nhà xuất bản Văn Học in trên bìa 4 cuốn “Ma chiến hữu”
những lời ca tụng cuộc chiến tranh Trung Quốc xâm lấn nước ta năm 1979
lại vừa đàn áp nhà xuất bản Đà Nẵng, báo Du lịch vì 2 cơ quan này đã
mạnh dạn đề cập đến các đề tài nêu trên, đồng thời suốt nhiều năm dài kể
cả trong dịp kỷ niệm 30 năm (1979 – 2009) lại không tổ chức tưởng niệm
xứng đáng các liệt sĩ đã hy sinh tại các mặt trận ấy.Tất cả những việc
làm đó gây hậu quả rõ rệt là làm suy yếu tinh thần chiến đấu của quân
đội ta, nhân dân ta, suy yếu nội lực dân tộc.
Bảo rằng khai thác bô-xít Tây Nguyên là
chủ trương lớn của Đảng, vậy mục tiêu dân chủ ghi trong di chúc của chủ
tịch Hồ Chí Minh và trong cương lĩnh chính trị từ đại hội Đảng lần thứ 9
không phải là chủ trương lớn ư? Nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng nói rõ
sự thật, dân biết dân bàn công khai, đó không là chủ trương lớn ư? Bộ
chính trị hầu như không làm gì để thực hiện mà lại luôn hoạt động chống
lại các chủ trương lớn ấy, trong khi ngấm ngầm và hối hả lao vào xúc
tiến “chủ trương lớn” khai thác bô-xít Tây Nguyên bất chấp bao nhiêu
cảnh báo và phản đối.
Còn nhiều vấn đề nghiêm trọng khác nữa, tôi chỉ nêu một số việc nổi cộm nhất.
Tóm lại, theo nhận xét của riêng tôi, các
việc làm của Bộ chính trị mà tôi vừa kể chính là hành vi nội xâm, là
hành động Lê Chiêu Thống hiện đại núp sau thẻ đỏ ngồi giữa nhà đỏ.Bộ
chính trị cần “tự xem lại mình” (cụm từ của ủy viên Bộ chính trị Nguyễn
Minh Triết) xem có đúng thế không? Tôi thấy sự thật đúng là như thế, một
sự thật đau lòng chưa từng có trong cuộc đời tôi, mà chắc chắn là cả
trong cuộc đời đại đa số đảng viên và toàn thể những người dân Việt đã
một lòng theo Đảng.
Trong Bộ chính trị có bao nhiêu phần trăm
biểu quyết tán thành các quyết định sai lầm nêu trên? Bao nhiêu phần
trăm không tán thành? Tôi chưa biết.Nhưng bây giờ thì thấy ít nhất có
một nửa thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu thị thái độ muốn nhích chân tách
khỏi trách nhiệm về các quyết định sai lầm đó để đến đứng gần hơn với
đại tướng Võ Nguyên Giáp, với nhân dân.Nhiều anh em bảo tôi, cái nửa này
là giả, cái nửa hiện ra ở Hải Phòng mới là thật, nhưng tôi cứ tạm tin
lời phát biểu của thủ tướng với đại tướng Võ Nguyên Giáp hôm 07.05.2009
là thật lòng, vì thủ tướng từng tuyên bố rất hùng hồn: “Tôi ghét nhất sự
dối trá”.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, tác giả
của lời phát biểu gây được nhiều chú ý.thiện cảm “tôi thấy cần phải tự
xem lại mình” bây giờ đang nghĩ gì? Ông thuộc vào cái phần trăm đa số
hay phần trăm thiểu số trong Bộ chính trị?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thì tỏ rõ một thái độ công chức chỉn chu và lạnh lùng:“Không
phải bất kỳ vấn đề nào cũng đưa ra lấy ý kiến của Quốc hội mà còn tùy
thuộc vào quy mô, tầm cỡ của các dự án. Trong khi đó, quy mô mỗi dự án
bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ mới chỉ là hơn 600 triệu đôla“.Người đứng
đầu cơ quan đại diện cho dân được Hiến pháp qui định là cơ quan quyền
lực tối cao lại dửng dưng đứng ngoài mối bức xúc nóng bỏng của nhân dân
về an ninh quốc phòng mà ông thừa biết đã được nói giùm qua bức thư của
lão thành cách mạng Nguyễn Trọng Vĩnh:”Chúng ta đều biết Trung Quốc xây
dựng căn cứ hải quân hùng mạnh ở Tam Á đảo Hải Nam, nói thẳng ra là
không phải để chống kẻ thù xâm lược nào, mà là đe doạ Việt Nam và sẵn
sàng chờ thời cơ thôn tính nốt Trường Sa của chúng ta, sau khi đã nhanh
tay chiếm Hoàng Sa từ tay Chính quyền Sài Gòn. Nay lại để Trung Quốc
khai thác bauxit ở Tây Nguyên thì sẽ có năm, bảy nghìn hoặc một vạn công
nhân hay quân nhân Trung Quốc đến cư trú và hoạt động tại đây, sẽ hình
thành một “thị trấn Trung Hoa”, một “căn cứ quân sự” trên địa bàn chiến
lược vô cùng xung yếu của chúng ta (vũ khí đưa vào thì không khó gì).
Phía Bắc nước ta, trên biển có căn cứ hải quân hùng mạnh, phía Tây Nam
nước ta có căn cứ lục quân trang bị đầy đủ thì độc lập, chủ quyền mà
chúng ta đã phải đổi bằng hàng triệu sinh mạng cùng xương máu sẽ như thế
nào?!”
Còn bộ trưởng Bộ quốc phòng Phùng Quang Thanh?
Không biết giờ đây đại tướng bộ trưởng Bộ
quốc phòng Phùng Quang Thanh nghĩ gi? Liệu trong ông còn đập trái tim
của người lính Việt Nam? Trước tình hình nguy hiểm này, ông có thấy cần
phải gọi hồn các đồng đội đã bỏ mình ở biên giới Tây Nam, ở Cam-pu-chia,
ở biên giới phía Bắc, trên biển Đông, hãy bật mồ đứng dậy hỏi thẳng Bộ
chính trị: tại sao mấy chục năm qua lại cấm không cho sách báo nhắc gì
đến họ? Ông ăn nói thế nào đây với các gia đình liệt sĩ, gia đình quân
nhân, với các chiến sĩ, sĩ quan đang ngày đêm phơi mình sương gió giữ
từng tấc đất tấc biển khi Bộ chính trị âm thầm để cho những binh đội trá
hình của Trung Quốc luồn vào cắm ở Tây Nguyên? Những người lính lấy
đâu tinh thần để xông lên diệt giặc khi họ biết rằng nếu họ bỏ mình vì
Tổ Quốc thì những người lãnh đạo tối cao cũng sẽ không cho nhắc nhở gì
tới sự hy sinh của họ? Họ làm sao còn đủ ý chí cầm nổi khẩu súng nhằm về
phía giặc khi nhận ra thực chất họ đang phải sống thân phận của người
canh giữ túi vàng két bạc cho những kẻ ngồi trên đầu họ ngoài miệng luôn
cao giọng hô to Tổ Quốc nhưng bàn tay ngấm ngầm đưa giặc vào ngự trên
sống lưng Tổ Quốc?
Tóm lại, Bộ chính trị đang tự đặt mình vào vị trí để nhân dân xem xét về tư cách yêu nước.
Và Bộ chính trị đang đẩy toàn thể đảng viên vào tình thế nếu giữ tư cách đảng viên thì mất tư cách yêu nước.
Nay mai khi đưa ra thảo luận ở Quốc hội,
nếu các đại biểu là đảng viên làm theo chỉ thị của Bộ chính trị phải
biểu quyết cho thực hiện dự án khai thác bô-xít Tây Nguyên (như đã từng
làm với vụ phá hội trường Ba Đình và vụ mở rộng Hà Nội) thì nhân dân sẽ
coi các đại biểu đó không còn tư cách yêu nước, không còn tư cách đại
diện cho dân mà chỉ là cánh tay nối dài của Bộ chính trị.
Lão thành cách mạng Nguyễn Trọng Vĩnh nghiêm khắc cảnh tỉnh:
“Đành rằng các đồng chí có quyền, muốn
làm gì cũng được, quyết định thế nào cũng được, nhưng cũng nên quan tâm
dư luận, lắng nghe những lời phân tích lợi, hại, phải, trái mà suy nghĩ
cân nhắc. Từ xưa đến nay, ở triều đại nào cũng vậy, chủ trương, chính
sách ích quốc, lợi dân thì được dân ủng hộ, chủ trương chính sách sai
trái tổn quốc, hại dân thì dân oán. Dân oán, mất lòng tin thì khó yên ổn
và thịnh vượng được. “Quan nhất thời, dân vạn đại”, “vua cũng nhất
thời, dân vạn đại”.
Lâu nay Bộ chính trị luôn hành xử theo
cung cách “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” thâu tóm quyền lực độc tôn vào tay
mình, lấy quyền lực thay cho lẽ phải, coi thường ý kiến của các lão
thành, của giới trí thức và nhân dân, coi thường sức mạnh của lẽ phải.
Nhưng nhân dân và đại đa số đảng viên tuy
không còn tin ở Bộ chính trị nữa song không bao giờ mất niềm tin ở sức
mạnh của lẽ phải, một sức mạnh muôn đời, muôn nơi, muôn người và nhất
định sẽ chiến thắng bạo quyền.Ngay giữa lòng Bộ chính trị, nơi chóp đỉnh
bộ máy quyền lực luôn ở thế độc tôn không có sự giám sát độc lập, không
có cơ chế hãm, khiến con người từng ngày từng giờ bị cuốn theo mê lộ
của những tham vọng vị kỷ, thì hạt mầm sức mạnh của lẽ phải vẫn luôn tồn
tại, dù rất nhỏ nhoi và chỉ mới thoáng hiện ở một nửa con người thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi đến thăm đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân
dịp kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.Và tôi tin rằng không chỉ
có một nửa con người thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và dẫu một nửa này chưa
phải là sự thành tâm thì ít ra cũng là một sự thức thời.
Thức thời để nhận thấy rằng đã xuất hiện
ngay trong Đảng một đòi hỏi phải tách Đảng ra làm hai, đại đa số đảng
viên tử tế tất yếu sẽ tiến tới một sự lựa chọn xé rào mới bằng bản lĩnh
và phương pháp Kim Ngọc và Võ Văn Kiệt, dứt khoát không tiếp tục cam
chịu làm con rối, làm bình phong cho trò xiếc về tổ chức mà nguyên phó
ban tổ chức trung ương Nguyễn Đình Hương đã thẳng thắn vạch rõ là thủ
đoạn sắp đặt nhân sự trong tay một nhóm người.Cái con người tách đôi của
thủ thướng Nguyễn Tấn Dũng chính là biểu hiện cái sự thật đau đớn và
ghê tởm kinh niên không còn che giấu được nữa: trong lòng một đảng cầm
quyền cùng chung danh xưng từ lâu đã chứa đựng hai đảng đối nghịch nhau
về tiêu chí chính trị, về lẽ sống, lối sống, mức sống.
Tách Đảng ra làm hai chính là đáp ứng một
yêu cầu cả khách quan lẫn chủ quan không gì cưỡng nổi, như thế vừa dễ
xử cho mọi đảng viên vừa là thức thời trước sức ép của qui luật: một
đảng của số ít các quan chức hoạt động để giữ ghế, một đảng của số đông
các đảng viên tử tế nguyện dâng trọn đời vì dân vì nước, quyết giữ trọn
tư cách yêu nước, tư cách người chiến sĩ cách mạng chiến đấu vì độc lập
dân tộc và vì quyền tự do của mỗi con người.Hai đảng thi đua nhau, cạnh
tranh nhau làm đầy tớ thật sự của nhân dân, dân thấy đảng nào đúng là
đầy tớ thật của mình thì dân chọn và tự nguyện đóng góp gạo mắm để
nuôi.Vậy thôi, đơn giản và rõ ràng vậy thôi, cần chi lý lẽ vòng vo tam
quốc về chỉnh đốn với xây dựng, về phê với tự phê lặp đi lặp lại đến
phát nhàm.
Tác giả gửi cho NTT blog
nguồn:http://nguyentuongthuy2012.wordpress.com/2012/10/14/toi-hoan-nghenh-mot-nua-thu-tuong-nguyen-tan-dung-va-cuc-luc-phan-doi-nua-kia/
=====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để
xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001