Tạ Duy Anh
Bùi một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông
(Nguyễn Trãi)
Lời tự bạch:Cổ nhân có câu: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Người thất học còn phải chịu trách nhiệm trước sự hưng vong của xã tắc, nữa là một kẻ ít nhiều có đọc qua vài trang sách Thánh hiền.
Tôi có ba tư cách để viết chuyên luận này: Tư cách con dân Việt, tư cách chiến binh Việt bẩm sinh và tư cách một kẻ sĩ Việt.
Tôi dựa trên nền tảng quan điểm sau:
- Mục tiêu lớn nhất của Trung Quốc trong thế kỷ 21 là thôn tính Biển Đông và đối thủ số một là ViệtNam.
- Việt Nam là nước nhỏ hơn nên luôn cần hoà bình, sống yên ổn bên cạnh Trung Quốc, nhưng Trung Quốc cũng cần yên bờ cõi không kém, đặc biệt là cửa ngõ phía Nam, nơi Việt Nam có lợi thế về vị trí địa lý trong tác chiến.
- Một cuộc chiến tổng lực giữa ViệtNamvà Trung Quốc trên Biển Đông là bất phân thắng bại nhưng là thảm hoạ cho cả hai nước. Cả ViệtNamvà Trung Quốc đều cần hoà bình.
Tôi tin rằng:
- Thượng sách là làm sao để sống hòa bình với Trung Quốc mà vẫn giữ được chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền tinh thần (bao gồm chính trị, văn hóa, lối sống…)
- Hạ sách là phải lựa chọn chiến tranh, dù ngắn hay dài, bởi hệ lụy của nó thì chưa thể biết hết, nhưng điều biết trước là – do cùng chung biên giới – sau sự tan hoang, đổ máu sự căng thẳng luôn trở về đúng điểm xuất phát khi chưa xảy ra binh đao và nguy hiểm hơn là nó tiếp tục làm tăng thêm mối hằn thù dân tộc là thứ sẽ để lại hậu quả cho con cháu lâu dài.
- Tối hạ sách là quá sợ chiến tranh mà đành ôm mối nhục để kẻ thù xâu xé cương vực, nuốt dần lãnh thổ, giết hại dân lành.
Chuyên luận chia làm ba phần: Bản chất của mối quan hệ Việt-Trung; Biển Đông và những điều có thể xảy ra; và Dự đoán hành động của Trung Quốc và sự lựa chọn của Việt Nam.
Tôi được khích lệ, chia sẻ ý tưởng từ nhiều người, nhất là những bạn trẻ nhiệt huyết với vận mệnh đất nước, những đồng nghiệp nhiều ưu tư nhưng vì nhiều lý do mà không thể tự do phát biểu quan điểm như tôi. Tôi xin tặng lại chuyên luận này cho họ.
Có thể những gì tôi suy nghĩ và viết ra chỉ đáng là những điều vô bổ, nông cạn hoặc là những chuyện đã biết rồi, không ai cần đọc. Nhưng tôi không vì điều đó mà nản chí bởi đây là tấm lòng của tôi với đất nước, một đất nước chưa bao giờ thôi khốn khó nhưng là nơi duy nhất tôi có thể sống và chết. Tôi cũng không giấu giếm rằng, cho đến khi hạ chữ cuối cùng của chuyên luận này, tôi vẫn chưa thoát khỏi cảm giác Nghĩ mãi không ra.
PHẦN I:
BẢN CHẤT CỦA MỐI QUAN HỆ VIỆT-TRUNG
Kể từ cuộc xâm lược Đại Việt của nhà Tống cho đến năm 1979, cứ cách
ngắn nhất là 200, dài nhất là gần 400 năm (trung bình khoảng 250 năm)
người Hán lại chủ động gây can qua với nước ta. Tất cả đều nhằm tới mục
tiêu thôn tính lãnh thổ, biến nước ta thành quận huyện của họ. Nếu khẩu
độ thời gian này thành quy luật, thì chúng ta đang ở vào thời kỳ Hoà
Bình với Trung Quốc. Nhưng không có bất cứ điều gì đảm bảo cho nhận định
đó. Tôi luôn cảm thấy chúng ta còn rất ít thời gian để chuẩn bị cho một
cuộc đối đầu mới với Trung Quốc, vượt khỏi quy luật về tần suất vừa nêu
và về mức độ khốc liệt. Nói cách khác, với Trung Quốc ngày nay, mọi sự
đều vô cùng khó lường. Vì thế chúng ta cần phải động não đưa ra được một
đối sách để tồn tại hoà bình lâu dài bên cạnh Trung Quốc mà không mất
chủ quyền lãnh thổ (trước mắt là không mất thêm vì hiện tại Trung Quốc
chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của chúng ta) và chủ quyền chính trị. Trong
thời gian qua, ngoài quan điểm được nói ra mồm của chính quyền: “Tránh
những hành động làm ảnh hưởng đến đại cục trong quan hệ Việt Nam-Trung
Quốc”, nổi lên những xu hướng sau từ phía dân chúng trong và ngoài nước:- Xu hướng chủ chiến muốn Việt Nam dàn quân ngay tức khắc, cụ thể là đưa tàu chiến, máy bay ra để đối lại với những hành động bắt nạt, cướp bóc và giết hại ngư dân Việt Nam mà phía Trung Quốc thực hiện, khi điều kiện cho phép có thể dùng vũ lực đánh chiếm lại quần đảo Hoàng Sa và những vị trí bị Trung Quốc chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa. Xu hướng này cũng lập tức kết tội chính quyền hiện tại hèn nhát, bán nước, làm tay sai cho Trung Quốc và yêu cầu họ nhường quyền lãnh đạo đất nước cho những lực lượng khác. Trong khi chưa thể chỉ ra lực lượng khác ấy là lực lượng nào, những người theo xu hướng này có lẽ cũng đã quên rằng, phần quần đảo Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc năm 1974 là từ quyền kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng hoà, đồng minh số 1 của Hoa Kỳ lúc ấy, khiến hơn 60 chiến sĩ hải quân là con dân nước Việt bị bắn chết một cách tức tưởi trong cảm hứng vô cùng dã man của kẻ thù. Với một hạm đội khổng lồ của ông bạn lớn Hoa Kỳ nằm cách đó vài chục km, với rất nhiều vũ khí hiện đại, nếu người Việt (cụ thể là chính quyền miền Nam lúc ấy) định dàn quân giành lại Hoàng Sa thì không còn cơ hội nào tốt hơn chính thời điểm đó. Thực tế này với chính sách bị coi là nhu nhược của chính quyền hiện tại như một số người quy kết, là hai vấn đề khác nhau và mỗi vấn đề đều cần phải làm rõ, rạch ròi, công bằng trước lịch sử.
- Xu hướng dân tộc chủ nghĩa cứng rắn muốn dựa vào tinh thần dân tộc, tinh thần bài Hán để thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Giới hạn của xu hướng này là công khai đối đầu với Trung Quốc về chính trị, ngoại giao, thậm chí nếu cần thì cắt đứt bang giao, sẵn sàng cho một cuộc đánh trả bằng quân sự. Xu hướng này gây sức ép với chính quyền để họ phải tỏ rõ thái độ chống lại Trung Quốc bằng lời lẽ và hành động ngay lập tức.
Nếu sau mọi chuyện, sáng dậy mở mắt ra chúng ta đã không còn là láng giềng của Trung Quốc thì chẳng có gì phải bàn nhiều.
Thực ra dưới thời cố Tổng bí thư Lê Duẩn, quan hệ Việt-Trung là thể hiện rõ ràng nhất của xu hướng này, với đỉnh cao của cuộc đối đầu là trận chiến biên giới năm 1979, kéo dài 30 ngày trên lý thuyết nhưng phải hơn 7 năm sau mới chấm dứt được sự đổ máu, sau khi để lại một biên giới tan hoang và một nền kinh tế kiệt quệ. Đấy là chưa kể thiệt hại lớn nhất về nhân mạng mà con số chắc chắn là nhiều vạn người vẫn còn trong vòng bí mật quốc gia!
- Xu hướng dân tộc chủ nghĩa mềm dẻo muốn Việt Nam độc lập với Trung Quốc về chính trị, ngoại giao để tự chủ quan hệ đồng minh với những quốc gia có chung lợi ích chiến lược ở Biển Đông, số 1 là Hoa Kỳ, khiến Trung Quốc không dám cậy mạnh lấn lướt mà phải lựa chọn sự hữu hảo bình đẳng. Mặt khác nhà cầm quyền cần từ bỏ ý thức hệ Xã hội chủ nghĩa như một mặc định vô lý, nhanh chóng dân chủ hoá đất nước theo tấm gương của một số quốc gia phát triển trong khu vực để nâng cao sức mạnh dân tộc, tập hợp được mọi lực lượng, tiến tới đưa nước ta thành một cường quốc kinh tế, quân sự… Khi đó nền hoà bình với Trung Quốc sẽ tự nhiên được thiết lập và có cơ sở để bền chắc và có cơ hội để đòi lại những phần lãnh thổ bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Hàng loạt kiến nghị, tuyên bố… của những nhân sĩ, trí thức, công, nông, binh… trong thời gian qua là theo xu hướng này. Cùng với đó là những đợt người dân hai thành phố lớn xuống đường giương biểu ngữ phản đối Trung Quốc khi có sự cố nào đó họ gây ra trên Biển Đông.
Đây là xu hướng trước sau đất nước cũng phải lựa chọn, bởi nó mang tính tất yếu về mặt phát triển, đáp ứng nhiều nhất lợi ích của dân tộc trên mọi phương diện. Tuy nhiên khi tiếp cận ở một vài vấn đề then chốt vẫn còn hấp tấp, thiếu đi độ lạnh của lý trí, sự điềm tĩnh cần thiết để duy trì sự tỉnh táo. Chính vì thế nhiều ý tưởng đầy trách nhiệm với quốc gia, xuất phát từ những tấm lòng lớn với xã tắc, lại bị lồng trong cái vỏ của thứ ngôn ngữ chỉ dùng khi chửi bới, miệt thị, chế nhạo khiến mất đi tính đối thoại, rất đáng tiếc. Ngoài ra, vì để cho sự bức xúc chi phối mà nhiều ý kiến thành tâm bị mọi người hiểu sai, dẫn đến tác giả của nó bị vùi dập không thương xót, cũng làm mất đi không khí bàn bạc, tôn trọng nhau mà đáng ra giới trí thức phải gương mẫu duy trì (*). Với cá nhân tôi, những gì xảy ra giữa một bộ phận người dân với chính quyền Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, sau đó là với Nhà nước Việt Nam thời gian qua là một bi kịch dân tộc. Trong khi kẻ thù đang lăm le ăn sống nuốt tươi lãnh thổ của Tổ Quốc, thì nội bộ Dân tộc lại bị phân tán. Tôi phản đối mạnh mẽ cách thức hành xử của chính quyền khi đàn áp biểu tình, tấn công các blogger có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Hành xử như vậy cho thấy chính quyền thiếu tự tin về trí tuệ nhưng lại quá tự mãn, ngạo mạn với vai trò và quyền lực của mình. Chính quyền không thể cho mình cái quyền không cần đối thoại với dân chúng mà chỉ một mực đòi họ tuyệt đối tin tưởng, trước một vấn đề nước sôi lửa bỏng như vấn đề chủ quyền và sinh mệnh đồng bào. Họ là những người dân bình thường, không thể đòi hỏi họ cũng phải tư duy như những chính khách và càng không thể vì thiếu tư duy ấy mà họ bị khép tội. Họ có quyền lo lắng cho đất nước và cần biết niềm tin của họ có cơ sở hay không và đang đặt vào đâu. Ngay cả khi phải giữ bí mật, phải đóng kịch với Trung Quốc để không phá vỡ sách lược nào đó không cần phải cho người dân biết, thì vẫn có cách chuyển tải điều đó cho dân chúng. Sự vụng về thì có thể thông cảm được chứ rất khó mà chia sẻ với cái kiểu “bí thí tốt” như đã xảy ra.
Nhưng mặt khác cũng phải nói một sự thật rằng, chúng ta không thể đối phó được âm mưu của Trung Quốc muốn chiếm vĩnh viễn Hoàng Sa và Trường Sa nếu chỉ bằng những cuộc biểu tình trên đường phố hoặc những lời hô hào trên Internet. Đánh thức lòng yêu nước, sự cảnh giác của mọi tầng lớp dân chúng trước âm mưu Hán hoá mà Trung Quốc đang tiến hành với Việt Nam là cần thiết, thậm chí cấp thiết hơn bao giờ hết và chắc chắn còn có nhiều cách khác nữa. Nhưng sự tỉnh táo sau đó để giải mã hành động của Trung Quốc rồi đưa ra đối sách khôn ngoan mới là thứ cần thiết hơn. Chúng ta không sợ một cuộc chiến tranh với Trung Quốc – nếu nó xảy ra – không có nghĩa rằng chúng ta luôn sẵn sàng để tuyên chiến với Trung Quốc, đặt đất nước thường xuyên bên bờ vực chiến tranh. Những lời hô hào kích động cho một cuộc chiến tranh thấy rải rác đâu đó, là vô cùng thiếu lý trí, thậm chí là vô trách nhiệm. Nếu ai đó ở Trung Quốc cũng nuôi quan điểm như vậy với ViệtNam, cho dù họ ở thế nước lớn gấp 30 lần chúng ta, cũng đáng bị coi là thiển cận.
Một cuộc chiến tranh với Trung Quốc là điều đầu tiên chúng ta (và không chỉ chúng ta, ngay nước Mỹ, nước Nhật…) phải tìm mọi cách để tránh khi còn có thể. Bản thân Trung Quốc cũng phải làm điều tương tự với các láng giềng của họ, ngoại trừ họ ảo tưởng mù quáng về sức mạnh hoặc có kẻ nào đó trong giới chóp bu tại Bắc Kinh lại thích cá cược với lịch sử. Tìm mọi cách để tránh, khác với tránh nó bằng mọi giá. Đọc lại lịch sử chúng ta đều nhận thấy ông cha ta cực kỳ nhất quán với quan điểm đó, tức là cố gắng hoà hiếu đến phút chót và chỉ khi không còn cách nào khác mới phải dùng đến vũ khí. Trước thế giặc quá mạnh, Triều đình Nhà Trần thậm chí đã nghĩ đến chuyện buông vũ khí để mong không phải chịu cảnh binh đao khốc liệt có nguy cơ huỷ diệt cả dân tộc! Sửa chữa sai lầm chết người đó chính là nhân sĩ, trí thức, tướng lĩnh và những người dân cày Đại Việt. Rút cuộc vua tôi nhà Trần đã khiến kẻ thù phải bạc tóc hàng trăm năm sau mỗi khi nhớ lại cuộc xâm lược nhục nhã đó. Bởi vì nhà Trần có những vị vua vô cùng anh minh, lại khiêm nhường (những người còn tin có thần Phật, trời đất đều khiêm nhường), biết coi sinh mệnh của xã tắc cao hơn sĩ diện cá nhân, sĩ diện của triều đại. Nhà vua dám nói lên suy nghĩ của mình, dám thú nhận với bá tính sự kém cỏi, thiếu tự tin của mình trước một kẻ thù quá mạnh (dám thú nhận sự kém cỏi của mình chưa bao giờ là người kém cỏi!), cần đến các hiền tài dân tộc, cần tiếng nói quyết định của mọi tầng lớp nhân dân. Chính nhờ ở tinh thần “bóp nát quả cam”, ở những lời nói khẳng khái “Đầu thần còn trên cổ thì hoàng thượng chớ lo”, “Nếu định hàng giặc thì trước hết hãy chém đầu thần đi đã”… mà Triều đình nhà Trần đã kết thành một khối rắn chắc chôn vùi huyền thoại sức mạnh Nguyên-Mông và tạo nên hào khí Đông A để tiếng thơm đến muôn đời. Có những bậc minh quân như vậy, những người biết chọn đối thoại, biết lắng nghe thay vì đối đầu với dân chúng, làm sao kẻ thù có thể thắng được.
Giờ đây là lúc cả dân tộc cần đến một sự gắn kết, cần một sự đồng lòng, cần những bộ óc thông minh, trong sạch hơn bao giờ hết. Bởi vì vận mạng của dân tộc, sự tồn vong của xã tắc chưa bao giờ bị đặt vào thế chông chênh như hiện tại. Kẻ thù ngày nay không phải là những đạo quân công khai tuyên bố sẽ làm cỏ cái nướcNamnhỏ bé với những tối hậu thư ngông cuồng và lỗ mãng, ép con dân Việt phải cầm vũ khí. Kẻ thù ngày nay luôn mang bộ mặt bạn bè, thậm chí còn là những người có cùng mục tiêu lý tưởng, luôn luôn vuốt ve bằng những lời lẽ ngoại giao thuộc loại lịch sự nhất. Kẻ thù trước đây đặt chúng ta vào tình thế hoặc đánh lại hoặc bị tiêu diệt. Kẻ thù ngày nay tạo cảm giác là chỗ dựa tin cậy, cùng tồn tại và cùng phát triển, vì một mục tiêu cao cả cùng hướng tới. Nhưng trên thực tế, chưa khi nào nước ta bị xâm lược ở quy mô lớn và toàn diện như hiện nay. Chưa khi nào nguy cơ lại rơi vào vòng lệ thuộc ngoại bang của dân tộc chúng ta hiển nhiên như hiện tại. Vì vậy con dân nước Việt mà đại diện của nó là giới trí thức, phải thật tỉnh táo để không gây ra trạng thái rối trí.
Chúng ta phải xác định ngay với nhau rằng, Trung Quốc là mối bận tâm lớn nhất của người Việt, từ cổ sử cho đến muôn đời. Người Pháp, người Nhật và sau cùng là người Mỹ, chỉ là những yếu tố ngẫu nhiên làm gián đoạn mối bận tâm chính yếu đó, xét trên suốt hành trình là không đáng kể cho dù nó cũng đã làm thay đổi số phận của dân tộc. Chính các cường quốc phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ đã giúp người Việt tạm thời quên đi những đau thương do Trung Quốc gây ra. Quan hệ Việt-Trung bỗng nồng ấm tình anh em khi người Pháp và liền sau là Mỹ quyết chia cắt Việt Namđể “ngăn cơn sóng đỏ”. Không thể trách những nhà chính trị miền Bắc thời ấy khi họ buộc phải dựa vào Trung Quốc (giống như những nhà chính trị của chính thể Việt Nam Cộng hoà phải dựa vào Hoa Kỳ) cho dù không ít người nhận ra bên trong những kiện hàng viện trợ là một tính toán lâu dài về lãnh thổ và lợi ích quốc gia của người Hán. Họ (bao gồm cả hai phía) đáng trách ở chỗ đã ngạo mạn đánh đồng các mục tiêu chính trị có tính đảng phái dựa trên những chủ thuyết chính trị, với các mục tiêu dân tộc vốn cao hơn, thiêng liêng hơn mọi ý thức hệ. Vì thế, người Việt nên trách nhau một cách nghiêm khắc thì công bằng hơn. Chúng ta đã thất bại quá lâu cho một cuộc hoà giải dân tộc (**) (giờ này vẫn chưa hết thất bại!), tạo cơ hội cho các loại ngoại bang nhảy vào xâu xé, chia chác, tự tiện đưa ra những quyết định theo ý họ trên lưng người Việt. Hàng triệu con cháu của bà Âu Cơ bị chính người anh em, đồng bào của họ giết chết bởi vũ khí ngoại bang, là điều khủng khiếp nhất của lịch sử đất nước và các thế hệ tương lai phải tiếp tục suy ngẫm về cơn bĩ cực đau thương đó. Trong số những ngoại bang ấy thì Trung Quốc là ẩn số lớn nhất, chứ không phải Hoa Kỳ. Việc Trung Quốc mạnh mẽ viện trợ chiến tranh cho Bắc Việt Nam nhưng lại không muốn thấy một nướcViệt Nam thống nhất, là bằng chứng rõ ràng nhất về điều đó. Họ muốn người Việt tàn sát nhau cho tới người cuối cùng để dễ bề nuốt gọn cái dải đất phíaNam mà hàng ngàn năm ông cha họ không thực hiện được, hoặc ít ra cũng biến thành cái đệm an ninh như họ đang đạt được với Bắc Triều Tiên. Trung Quốc là bậc thầy thiên hạ về khả năng giấu kín những mục tiêu chiến lược của mình. Những lời dạy của Đặng Tiểu Bình “Giấu mình chờ thời” đã nói rõ bản chất của nền chính trị Trung Hoa hiện đại. Giấu mình khi chưa đủ mạnh. Chờ thời cơ chín muồi, trong đó Trung Quốc đã là cường quốc, trong khi những cường quốc khác suy yếu, sẽ làm một cuộc trỗi dậy, đánh úp thiên hạ để rửa nhục cho những thất bại triền miên của dân tộc Trung Hoa (không phải chỉ thất bại trước người Việt). Thực ra đây là một tư tưởng nguy hiểm cho thế giới, đặc biệt với những nước láng giềng trong đó có ViệtNam. Và cũng chính thủ đoạn đầy tinh thần Đại Hán đó đã xác định bản chất của mối quan hệ không chỉ Việt-Trung mà cả giữa Trung Quốc với thế giới.
Chưa khi nào Trung Quốc ngạo mạn và tự tin vào sức mạnh của họ như hiện nay.
May mắn lớn nhất là đến giờ này chúng ta vẫn chưa bị Hán hoá! Trên thế giới hiếm có một dân tộc nào bị đô hộ tới cả ngàn năm mà lại vẫn sống sót với tư cách một dân tộc, để rồi sau đó phát triển thành một quốc gia, như ViệtNam. Đó là bi kịch khủng khiếp cho cả hai phía. Trong khi chúng ta bị dồn đuổi, bị áp bức, bị lệ thuộc, thì kẻ đô hộ cũng chẳng sung sướng gì. Sau một ngàn năm, việc người Hán đành phải nuốt hận dừng chân trên đường chinh phạt xuống phía Nam, chấp nhận có một quốc gia bé hơn họ gần ba mươi lần về diện tích, sống bên cạnh như một láng giềng, mà lại là láng giềng bướng bỉnh, là nỗi hổ thẹn không dễ gì quên đi được. Bằng chứng là từ khi nhà nước Đại Việt ra đời cho đến cuối thế kỷ 20, tức là 1000 năm sau đó, họ đã tám lần xua binh hùng tướng mạnh, lần lượt đối đầu với sáu triều đại chính của Việt Nam, quyết rửa nỗi nhục đế quốc mà vẫn không thành. Điều đó xác lập nên mối quan hệ lịch sử trớ trêu và bi thảm giữa chúng ta và Trung Quốc. Mỗi lần Trung Quốc muốn làm cỏ nướcNam, thì thêm mỗi lần họ phải nuốt xuống sâu hơn nỗi nhục thất bại. Nỗi nhục đó là nỗi nhục Quốc truyền. Ý thức rõ không thể tránh được Trung Quốc, các triều đại phong kiến Việt Nam đã tìm ra một triết lý sinh tồn bên cạnh người láng giềng khổng lồ và chưa bao giờ hết tham vọng lãnh thổ, đó là “thần phục giả vờ” (chữ của cố giáo sư Trần Quốc Vượng). Nghĩa là bề ngoài cha ông ta luôn tỏ vẻ thần phục Bắc triều với các hình thức dâng lễ vật hàng năm, bẩm báo một cách hình thức những việc trọng đại, chấp nhận chịu lễ phong vương (tức là chấp nhận thuộc quốc về mặt hình thức)… Thậm chí sau mỗi cuộc chiến, dù mình là người chính nghĩa và chiến thắng, nhưng – như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi và sau này là Quang Trung đã làm – vẫn giành cho kẻ thù chút sĩ diện để nó không quá nhục mà trở nên điên cuồng. Nhưng bên trong thì lúc nào cha ông ta cũng giữ độc lập, bình đẳng với Trung Quốc trong mọi việc, sẵn sàng – cả về tinh thần (đoàn kết dân tộc) lẫn vật chất (rèn luyện binh sĩ, vũ khí, chẳng hạn chính sách “ngụ binh ư nông”… hoàn toàn chỉ để đối phó với Trung Quốc) – để cho gã khổng lồ nếm tiếp nỗi nhục thất bại nếu nó lại gây can qua. Về phía các triều đại Trung Quốc, một mặt họ cay đắng chấp nhận sự thần phục mà họ biết rõ là vờ vĩnh đó, một mặt họ không nguôi tìm cách xóa xổ nước Việt ở phương Nam, khi điều kiện cho phép. Điều kiện đó là khi nước nhà ta suy yếu hay lủng củng về nội bộ. Điều kiện đó còn là khi các triều đại của Trung Hoa tiếm quyền nhau và muốn lấy lòng dân chúng, muốn chứng tỏ họ hùng mạnh, muốn mở mang cương vực (thời điểm hiện tại có vẻ như đang hội đủ những yếu tố bên trong và bên ngoài như vậy!). Họ đã thành công với hầu hết các nước nhỏ ở phía Tây, phía Bắc nhưng chưa bao giờ làm được điều tương tự khi quay xuống phươngNam. Vì thế, sự ngang nhiên tồn tại một nhà nước của một trong số những tộc Việt không thể tiêu diệt, chính là nỗi hận truyền đời của người Hán. Vì những mục tiêu lâu dài, trong một số điều kiện không thể chủ động, Trung Quốc buộc phải làm chỗ dựa cho ViệtNamtrong một thời gian. Đây là một phần của sự thật lịch sử bang giao hiện đại giữa ViệtNamvà Trung Quốc. Sự thật này có vẻ bề ngoài ngọt ngào nhưng bên trong vẫn là cái hạt đắng đót kết lại từ hàng ngàn năm quá khứ mà chính sách trắng của Bộ ngoại giao ViệtNamnăm 1979 đã chỉ ra. Cuộc chiến biên giới Tây Nam năm 1978 với chế độ đồ tể Pônpốt và cuộc chiến phía Bắc năm 1979 với bậc thầy của hắn ta, tuy với hai quốc gia khác nhau nhưng đều có một điểm xuất phát từ Bắc Kinh. Nó là nút thắt định mệnh mỗi 250 năm (chính xác chỉ có 190 năm, kể từ cuộc xâm lược của nhà Thanh, là khẩu độ thời gian ngắn nhất) của lịch sử chưa bao giờ hữu hảo thật sự giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Giờ đây, cho dù được khoác bằng những chữ vàng về tình anh em, được tô son trát phấn bởi đủ thứ mỹ tự, thì quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, trên thực tế là quan hệ giữa một con mãnh thú luôn đói mồi với một con nhím chỉ muốn yên thân nhưng bất khuất, đầy kinh nghiệm thoát hiểm và có khả năng làm đối phương phải tổn thương. Người Trung Quốc có thể cũng rất muốn có sự yên ổn ở phíaNam, nhưng với điều kiện các đòi hỏi về lãnh thổ và lãnh hải – đặc biệt là lãnh hải – của họ phải được thoả mãn. Mà điều vô lý theo kiểu sô-vanh đó thì không bao giờ được chấp nhận, một khi người Việt chưa diệt vong. Vì vậy, mọi sự hữu hảo giữa hai đảng, hai nước, hai dân tộc… chỉ là sự vờ vịt mà cả hai bên đều đọc thấy hết những gì thật sự ẩn chứa bên trong, sẽ còn kéo dài chưa biết đến bao giờ, ít nhất là chừng nào chúng ta còn chưa giành lại được Hoàng Sa, hoặc chừng nào Trung Quốc chưa trở thành một cường quốc dân chủ, có trách nhiệm và do đó từ bỏ tham vọng ngông cuồng, đầy ảo tưởng thể hiện trên bản đồ lãnh hải hình lưỡi bò.
Có thể đã thừa căn cứ để nói rằng: Không ai mong muốn làm láng giềng núi liền núi, sông liền sông với Trung Quốc như những gì thế giới chứng kiến ở họ. To lớn như nước Nga hay Ấn Độ họ cũng không thích thú gì có một ông bạn thâm hiểm, tham tàn và khó lường như Trung Quốc ở bên cạnh. Trong nửa sau thế kỷ 20, Trung Quốc trực tiếp và gián tiếp gây chiến tranh với hầu hết bạn bè lân bang, đúng tinh thần của Binh pháp Tôn Tử: “Viễn giao, cận công”. Vì thế, số phận quả là khắc nghiệt đã đặt chúng ta bên cạnh Trung Quốc, lại ở phía dễ tổn thương nhất. Việc thất bại trong quá trình đồng hoá và xâm lược ViệtNamsuốt hai ngàn năm, chưa phải là bài học cuối cùng cần khép lại vĩnh viễn với người Trung Quốc. Họ sẵn sàng theo đuổi tiếp hai ngàn năm nữa để thực hiện mục tiêu đó. Mấy chục năm hữu hảo, mấy trăm triệu đô la viện trợ để chúng ta có thể “đánh Mỹ tới người Việt Nam cuối cùng” chỉ là bước đi nhỏ, của một tính toán dài hạn, lạnh lùng, không thay đổi một li một lai mà người Trung Quốc vạch ra chi tiết cho việc thôn tính chúng ta. Xét về mọi khía cạnh thì đây là một thực tế bi thảm mà chúng ta phải đối mặt. Bi thảm vì chúng ta luôn ở thế lép vế so với họ; bi thảm vì chúng ta không có quyền lựa chọn không gian sống khác; bi thảm vì dân tộc chúng ta là một dân tộc quật cường, hoặc sống hoặc chết chứ không trở thành họ, càng không trở thành một bộ phận dơ dáy của họ. Bi thảm còn vì chúng ta không thể nhắm mắt lại rồi hy vọng khi mở ra đã ở bên một nước khác không phải Trung Quốc. Chúng ta, trong bất cứ khoảnh khắc nào đều không được phép sao lãng công việc để ý ông bạn láng giềng. Bỗng dưng nó mạnh lên là phải cảnh giác. Nhưng đột nhiên nó có nguy cơ tan vỡ cũng lại là mối nguy hiểm. Thấy họ cãi nhau với người hàng xóm khác (chẳng hạn như những căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc với Nhật Bản hay Philippines), phải nghĩ ngay đến việc họ đang giương đông kích tây, đánh lừa dư luận khỏi chú ý đến mục tiêu chính ở Biển Đông, tức là có thể bất ngờ đánh úp mình bất cứ lúc nào.
Nhưng có lẽ bi thảm nhất là vô tình chúng ta đóng vai trò vật cản tự nhiên của tham vọng bành trướng Đại Hán Trung Quốc. Đây là thực tế phũ phàng xác định tính thực chất lâu dài cho mối quan hệ Việt-Trung.
Nói gọn lại, chừng nào Trung Quốc còn nuôi ý đồ độc chiếm Biển Đông, chừng nào Trung Quốc còn chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa, tìm cách gặm dần Trường Sa của Việt Nam, chừng nào người Việt Nam còn không chấp nhận sự chiếm đóng của Trung Quốc trên một phần lãnh thổ, không chấp nhận sự lệ thuộc tinh thần, thì chừng đó quan hệ Việt-Trung là quan hệ của hai đối thủ, mọi sự hữu hảo chỉ là tạm thời và vờ vĩnh. Thực chất của mối quan hệ đó là bên này tìm cách cô lập, làm suy yếu bên kia càng nhiều càng tốt (trên thực tế điều này chỉ đang diễn ra một chiều, từ phía Trung Quốc). Với Trung Quốc là cả một chiến lược toàn diện, dài hạn, nhất quán, được chuẩn bị kỹ với tầm nhìn hàng trăm năm từ chuẩn bị lực lượng quân sự, chèn ép về buôn bán, giao thương, xâm lược văn hoá, quấy nhiễu, gây rối an ninh, áp đặt dư luận bằng quy mô tuyên truyền lớn, thao túng hàng hoá, tiền tệ, công nghệ, làm suy thoái nòi giống Việt (***)… không thể kể hết, đến những can dự vào chính trị, chia rẽ nội bộ, kiềm toả về ngoại giao, kinh tế, nhằm làm cho Việt Nam suy yếu toàn diện, … Còn về phía Việt Nam, chúng ta chỉ có một cách duy nhất là tỉnh táo thoát khỏi những mưu mô đó của Trung Quốc, tận dụng thời cơ trong đó có cả những mâu thuẫn giữa các cường quốc để phát triển. Về phần Trung Quốc, họ nắm toàn bộ sự chủ động, có thể đề ra luật chơi theo ý mình nhưng tuyệt đối không phải vì thế mà họ có quyền định đoạt. Về phần mình, chúng ta bắt buộc phải sống bên cạnh họ – nhiều người có vẻ không nhớ thực tế đơn giản này – đành ở vào thế phải nương theo và vì vậy chúng ta chỉ có thể tồn tại và phát triển bên cạnh Trung Quốc bằng một đối sách khôn ngoan.
T. D. A.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
(Còn nữa)
——————————————————-
(*) Tôi muốn nhắc đến trường hợp bài trả lời phỏng vấn của ông Lê Vĩnh Trương trên báo Pháp luật TPHCM ngày 4/11/2012 (và trước đó nữa là bài của giáo sư Ngô Bảo Châu). Ông Trương – trong khuôn khổ của một tờ báo chính thống – đưa ra được một số thông điệp như vậy là rất cố gắng, thực tế là chưa có tiền lệ trong thời gian từ sau năm 1991. Ông không đáng bị “ném đá” như những gì đã xảy ra, nếu mỗi người tỉnh táo, suy ngẫm thấu đáo hơn. Tôi đồng ý với đánh giá khá bình tĩnh của ông Dương Danh Huy. Những người ném đá ông Trương quên mất một thực tế là, do bị nhồi sọ quá lâu, hàng triệu người –những người cần biết thực tế của mối quan hệ Việt-Trung cũng như những việc hệ trọng khác của đất nước – vẫn chưa có thói quen tin vào những trang mạng tự do. Những thông tin trên đó bị “hàng rào chính trị” trong đầu họ gói tuốt vào một rổ với những thứ chống phá đất nước. Chúng ta có thể trách họ nhưng đó đang là thực tế. Theo tôi, những người bình thường có thể xả ra mọi bức xúc, hay vẫn gọi là “ném đá”, còn thứ mà giới trí thức “ném ra” chỉ nên là những quan điểm, ý tưởng có giá trị phản biện.
(**) Năm 2002 tôi có chuyến sang Hoa Kỳ và khi đến vùng có nhiều người Việt sinh sống thì tôi được người dẫn đường nói nhỏ vào tai: Đừng nói gì nhé, kẻo bị hành hung đấy. Hành hung thì chưa, nhưng tôi bị một cháu sinh viên Việt lừ mắt hỏi “Sang đây làm chi?” đáp lại vẻ mặt hớn hở và lời hỏi thăm đầy tình đồng bào của tôi sau một tháng xa nhà. Sau đó tôi được biết nhà văn N. K. từng bị chính đồng bào mình nện mũ cối vào đầu, nhà văn L. M. K. và H. A. T. thì phải nhờ đến cảnh sát Hoa Kỳ làm hàng rào mới thoát khỏi cuộc vây hãm của hàng trăm người Việt, nhà văn N. H. T. bị bao vây khi ông đến nói chuyện tại một trường đại học… Lý do chỉ là những nhà văn đầy tinh thần dân chủ này (tất nhiên không ai thèm biết điều đó!) từng và đang làm việc cho nhà nước Cộng sản. Khi về nước tôi cứ đau buồn mãi về chuyện này và tự hỏi: Bao giờ thì quan hệ của những “đồng bào Việt” mới không gắn với chính trị và bao giờ thì họ mới tha thứ cho nhau?.
(***) Ở tầm vĩ mô, ngoài những gì ghi trong sách trắng của Bộ Ngoại giao Việt Nam năm 1979, có thể kể thêm vụ ngăn cản Việt Nam bình thường hóa với Hoa Kỳ, gia nhập WTO, ép các nhà thầu dầu khí nước ngoài không hợp tác với Việt Nam… Còn ở những tiểu xảo thì muôn hình vạn trạng. Những chuyện như thu mua rễ cây hồi, đuôi trâu, đỉa, râu ngô có thể là một vài ví dụ. Năm 1995, một anh bạn thạo tin rỉ tai tôi là Trung Quốc bỏ ra khoảng 27 tỉ nhân dân tệ (hơn 4 tỉ USD) để trợ giá cho những mặt hàng như điện máy, điện tử, giày dép, đồ may mặc của họ… để giết chết những ngành này ở Việt Nam bằng buôn bán tiểu ngạch. Tôi không có điều kiện kiểm chứng thông tin này. Nhưng năm 1995, khi tôi sang Bằng Tường rồi vào sâu trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 30 km, tôi tận mắt chứng kiến những mặt hàng đã kể, cùng chủng loại, cùng nhãn mác… ở nội địa Trung Quốc bán cao gấp từ 2 đến 3 lần ở Lạng Sơn, Móng Cái… Vì thế những người dân Trung Quốc ở vùng biên bèn sang ViệtNam để mua hàng Trung Quốc, rẻ chưa bằng một nửa khi bán tại nước họ, về tiêu dùng.
Năm 1999 tôi có dịp thăm cửa khẩu Sóc Giang, Cao Bằng, chứng kiến cảnh Trung Quốc xua người dân lấn đất của Việt Nam bằng các cách sau: Dịch cột mốc tạm thời, cho người cắt cỏ theo đường phân giới, lấn sâu vào phía Việt Nam rồi cứ thế căn cứ vào màu cỏ để coi là ranh giới, trồng cây sao cho gốc chéo sang đất Việt Nam nhưng ngọn vẫn ở bên đất Trung Quốc rồi chờ đêm đến cho người ra dựng thẳng cái cây đó lên, coi như gốc cây là điểm giáp biên. Hoặc ở cửa khẩu Tà Lùng, có một con suối trở thành một đoạn đường biên tự nhiên giữa hai nước. Phía Trung Quốc bèn xui ViệtNamcùng họ đắp đập để lấy nước tưới. Nhưng khi tháo nước thì chỉ có phía ViệtNamthực hiện. Bờ sông phía Việt Nam lập tức bị nước khoét lõm vào khoảng vài chục mét – do áp lực nước quá lớn – và phía Trung Quốc lấy ngay cái bờ mới đó để chia lại đường phân thủy, kết quả là họ được lợi vài ngàn mét vuông. Chính anh em biên phòng bảo với tôi, phía Trung Quốc định ra mức thưởng 1000 nhân dân tệ (khoảng hơn 2 triệu đồng Việt Nam lúc ấy) cho một héc ta đất rừng lấn chiếm được. Người dân Trung Quốc ở vùng giáp biên với ViệtNamđa phần rất nghèo, có thể là nghèo nhất thế giới, nên họ thấy tiền là bất chấp tính mạng để lao vào. Cũng phải chứng kiến tận nơi mới thấy bộ đội biên phòng của chúng ta cũng như đồng bào ViệtNamở vùng biên gian khổ nhưng bất khuất và giàu lòng yêu nước như thế nào.
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/44019
======================================================================
Sống với Trung Quốc (2)
Sống với Trung Quốc (2)
Tạ Duy Anh
(tiếp theo)
Nhưng mọi tranh cãi chỉ là vô ích và vô nghĩa khi chúng ta hiểu người Trung Quốc nghĩ gì và muốn gì.
Người Trung Quốc tự coi họ là trung tâm của thế giới. Đây vừa là sự phô trương văn hoá, niềm hãnh diện tinh thần của một dân tộc lớn, nhưng chính điều đó cũng bắt đầu cho một bi kịch Trung Hoa kéo dài hàng ngàn năm qua chưa tìm ra lối thoát. Các triều đại Trung Hoa, với vị thế của một nước trung tâm, là vua thiên hạ, đã cố công để cho tấm áo khoác ngoài xứng tầm với vóc dáng của họ. Nhưng chính vì sự cao ngạo dân tộc đó mà suốt hàng ngàn năm, nước Trung Quốc thấy tự đủ là một thế giới, không cần phải mở ra bên ngoài, nơi chỉ là phên dậu, man di của họ. Hoàng đế tài giỏi Càn Long trở thành gã vua gàn khi cứ khăng khăng trước sứ thần người Anh là cho dù các ngươi tài giỏi đến đâu, cũng thua xa nước trẫm! (Chỉ mấy chục năm sau, Trung Quốc phải nhục nhã nhượng Hồng Kông cho Anh Quốc và chịu sự sai bảo như một thuộc quốc). Nghe nói Mao không thèm học ngoại ngữ, bởi vì với ông ta “Thế giới phải học tiếng Trung Quốc!”. Đó là một phần lý do khiến Trung Quốc ngủ yên trên ngai vàng suốt nhiều thế kỷ, tụt lại khá xa so với thế giới phương Tây và Nhật Bản.
Bi kịch xuất phát từ sự kiêu ngạo Trung Hoa khiến nước Trung Quốc chậm phát triển, bị canh chừng trên toàn thế giới. Nhưng điều đó chưa thấm vào đâu so với bi kịch về mặt địa lý trước vị thế của một cường quốc. Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nga… đều là những cường quốc thông với thế giới, hoặc có khả năng mở ra mọi hướng. Riêng Trung Quốc thì lọt tỏm giữa các thành trì – xét theo cả hai nghĩa. Phía Bắc là nước Nga khổng lồ, phía Đông là Nhật Bản và không gian “lợi ích cốt lõi về an ninh” của Hoa Kỳ, phía Tây có Ấn Độ án ngữ, thêm vào đó là vùng đệm Hồi Giáo bị cạnh tranh ảnh hưởng mạnh mẽ giữa Hoa Kỳ và Nga. Về mặt địa lý đó đều là những vùng núi non hiểm trở, đất đai cằn cỗi do sa mạc hoá, lại luôn bất ổn về chính trị, sắc tộc, rất khó kiểm soát. Đó là lý do vì sao Trung Quốc quyết tâm gây chiến với Ấn Độ để thôn tính hoàn toàn vùng đất mà Ấn Độ gọi là Nam Tây Tạng làm ngõ ra phía Tây bằng cái giá đắt. Rủi cho họ là mục tiêu đó chưa thành. Như vậy là ba lối ra của gã khổng lồ mơ giấc mơ đại cường đều vấp phải thành luỹ khó vượt qua, thậm chí là không thể vượt qua. Cuối cùng chỉ còn duy nhất ngả phía Nam, nơi có vùng biển rộng gần bằng nửa diện tích Trung Quốc, nối với ba lục địa quan trọng là châu Âu, châu Mỹ, châu Phi (tức là phần lớn thế giới) và hai đại dương chiến lược. Vùng biển này quan trọng với Trung Quốc cả về quốc phòng, kinh tế lẫn giao thương. Nhưng có lẽ quan trọng nhất là vùng biển này xác định vị thế trung tâm chi phối của Trung Quốc với thế giới về khả năng ảnh hưởng. Nếu cần nói rõ hơn thì sẽ là: Trung Quốc coi Biển Đông của Việt Namlà khu vực Exit của họ, có giá trị bảo hiểm cho những rủi ro dân tộc Trung Hoa về lâu dài. Vì vậy có thể thấy đây là vùng biển yết hầu, có ảnh hưởng to lớn đến mục tiêu bá chủ thế giới của Trung Quốc. Khắc nghiệt nhất với họ là vùng biển ấy lại của người khác, mang sứ mệnh đảm bảo giao thương hàng hải cho cả thế giới. Đây có thể là ý Trời, không muốn quả địa cầu này đến lúc nào đó chỉ còn duy nhất giống người mang dòng máu Hán. Không dân tộc nào có lỗi với Trung Quốc trong vấn đề này. Những gì họ đang làm là hành động cưỡng lại định mệnh xuất phát từ tham vọng mang tinh thần Đại Hán. Hãy giả định Trung Quốc làm chủ phần biển nằm trong đường chữ U do họ tự vẽ. Khi đó toàn bộ nguồn tài nguyên dưới đáy biển, được dự đoán là cực kỳ lớn, thuộc về họ, là thứ của dự trữ tự nhiên, khổng lồ gấp trăm lần vài ngàn tỷ USD dự trữ hiện nay của họ. Toàn bộ nguồn hải sản, đủ nuôi sống hàng trăm triệu người, cũng thuộc về họ. Hình dung tiếp: ngày nào đó thế giới cạn dầu, trong khi Trung Quốc vẫn rủng rỉnh, họ sẽ có quyền đưa ra những quyết định khiến thế giới phải phục tùng. Khi có thể đưa ra bất cứ quyết định nào về Biển Đông, Trung Quốc cũng dễ dàng hơn trong việc bắt chẹt Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt là chiến lược thu hồi Đài Loan, hoặc chính Đài Loan, trong thế kẹt không còn sự lựa chọn, phải tự nguyện trở về với Đại Lục.
Lý do thứ tư mang tính võ đoán nhưng rất có thể lại là mục tiêu chủ chốt của Trung Quốc: Muốn thực hiện giấc mơ cai quản toàn bộ khu vực Đông Nam Á, chi phối châu Á, tiến tới thống trị ít nhất là một nửa bán cầu. Chính Mao Trạch Đông đã chả từng muốn làm chủ tịch 500 triệu bần nông Đông Nam Á đó sao? Chính ông ta chả muốn đưa người Trung Quốc xuống sinh sống ở Lào,Thái Lan,Myanmar… đó sao? Liệu đây là sự buột miệng của một hoàng đế tự coi mình ngang với trời, hay là mật chỉ cho các thế hệ con cháu? Chúng ta sẽ phải tìm lý do xác đáng cho nhận định này sau một vài sự kiện ởIndonesia, Campuchia hay gần đây làMyanmar… Nhưng nếu chỉ dừng ở những lý do trên, cũng dễ dàng nhận ra, Trung Quốc sẽ không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào để có được điều họ vẫn thèm khát hàng trăm năm qua: Độc chiếm Biển Đông và trở thành đại cường số một thế giới!
Để thực hiện mục tiêu đó, nghe nói Trung Quốc đưa ra đường lối chiến lược 100 năm, lấy mốc là năm 2049, năm kỷ niệm chẵn một thế kỷ thành lập nước Trung Hoa hiện đại! Những năm đầu, do sai lầm trong đường lối kinh tế, do ảo tưởng về sức mạnh Trung Hoa và chủ yếu do mải mê củng cố quyền lực, đấu đá tiêu diệt lẫn nhau, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã khiến đất nước của họ tiều tuỵ, to xác nhưng rỗng ruột, không khiến ai vị nể. Họ đành tạm nuốt xuống mục tiêu đầy tham vọng đã nêu. Và nó được nhớ lại khi ông Đặng Tiểu Bình lên cầm quyền, mở đầu thời kỳ tư bản hoá nền kinh tế, biến Trung Quốc thành một nước phát triển nhanh nhất (đồng thời cũng tàn phá kinh khủng nhất) thế giới trong ba chục năm qua. Cho dù nhiều người thích nói lấy được khi gán mọi sự tiêu cực cho sự vươn dậy của Trung Quốc, thì sức mạnh Trung Quốc vẫn không vì thế mà thiếu tính hiện thực. Giờ đây càng ngày Trung Quốc càng có trong tay nhiều công cụ để thực hiện giấc mơ cường quốc, thậm chí là cường quốc duy nhất. Nhưng họ vẫn chưa thể đủ sức đưa ra những phán quyết theo ý mình khi chưa có trong tay thứ quan trọng đang thuộc về người khác ở cửa ngõ phía Nam. Họ vẫn phải “giấu mình”. Nếu xét kỹ thì chiến lược “giấu mình chờ thời” của Trung Quốc là vì mục tiêu lớn nhất thâu tóm Biển Đông. Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng ở châu Phi, có thể chi phốiNam Á… nhưng đó chỉ là những chi phối mang màu sắc thương mại nhất thời. Tại đó Trung Quốc thực hiện cuộc “bòn vét”, “tận thu” thuộc địa mà không phải xua quân đội chiếm đóng, cai quản. Trên thực tế Trung Quốc thực hiện thứ chủ nghĩa thực dân kiểu Hán: Không chiếm đất mà chỉ cần chiếm của cải, sau đó rũ tay phủi trách nhiệm về vô vàn hậu quả họ để lại. Sẽ đến lúc những nền chính trị ở những khu vực đó trưởng thành, họ sẽ xua đuổi Trung Quốc, y như các thuộc địa xua đuổi thực dân châu Âu đầu và giữa thế kỷ trước. Khi đó người Trung Quốc sẽ thay chân người Mỹ trở thành mục tiêu khủng bố của những kẻ dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Biển Hoa Đông, với vài hòn đảo tranh chấp, không quá quan trọng với Trung Quốc về kinh tế cũng như mở rộng không gian sinh tồn. Vả lại họ biết rằng không thể vượt qua bức thành trì Nhật Bản có Hoa Kỳ luôn ở phía sau, một cách dễ dàng. Cuối cùng chỉ có thâu tóm Biển Đông, Trung Quốc mới tạo ra được sự chi phối mang giá trị địa chính trị, chi phối về an ninh, tạo bàn đạp để Trung Quốc vươn ảnh hưởng ra toàn cầu. Thiếu cái bàn đạp định mệnh này, giống như Trung Quốc chưa có điểm dậm chân hữu hiệu cho cú nhảy quyết định xem mình ở tầm cao nào. Điều đó giải thích vì sao Trung Quốc giành mọi ưu tiên chiến lược lãnh thổ cho Biển Đông. Để làm điều này, Trung Quốc dùng mọi thủ đoạn chính trị. Một trong những thủ đoạn thành công nhất của họ là đã khiến cho những đối thủ tiềm tàng mất cảnh giác. Đầu tiên họ tìm cách qua mặt Hoa Kỳ bằng cú lừa “trỗi dậy hoà bình”, chờ Hoa Kỳ sa lầy họ mới lộ diện. Với Việt Nam, đối thủ chính cần tiêu diệt đầu tiên nhưng lại khó nuốt nhất, họ đánh lừa bằng 16 chữ vàng, tinh thần 4 tốt, lấy lợi ích đại cục mang tính ý thức hệ làm chính. Chúng ta chưa đủ bằng chứng để kết luận các lãnh tụ hàng đầu của Việt Nam đều tin vào những lời đường mật của Trung Quốc, nhưng rõ ràng, chúng ta đã để cho Trung Quốc dắt mũi khá lâu (trong đó có cả việc khiến người Việt bịt miệng người Việt về chủ quyền lãnh hải) ít ra là cho đến khi họ vẽ đường lưỡi bò trên Biển Đông. Trong khoảng thời gian 20 năm chơi trò gian lận ngoại giao, Trung Quốc đã chủ động cầm cái cuộc chơi ấy, kịp cho họ âm thầm chuẩn bị lực lượng mọi mặt, trong khi Việt Nam và cả Philippines vẫn bình chân như vại. Hải quân, không quân Việt Nam đã thuộc loại yếu, những lực lượng này của Philippines còn yếu hơn, tạo cho Trung Quốc thế thượng phong tuyệt đối trên biển. Chỉ đến khi tàu Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của ViệtNam, nhòm ngó bãi cạn Scarborough màPhilippines tuyên bố chủ quyền, lãnh đạo của hai nước mới không còn có thể nhắm mắt bịt tai tự dối lòng mình được nữa.
Một câu hỏi cấp thiết đặt ra là: Với ý đồ chiến lược ấy, liệu Trung Quốc có quyết tâm đánh chiếm Biển Đông bằng một cuộc hải chiến toàn diện hay không và nó xảy ra khi nào?
Trả lời câu hỏi này trước hết phải trả lời được những câu hỏi sau:
- Hải quân và không quân của Trung Quốc nói riêng và tiềm lực của Trung Quốc nói chung thực chất mạnh đến cỡ nào?
- Nếu trận hải chiến toàn diện xảy ra, liệu nó sẽ kéo quốc gia nào vào cuộc?
- Phản ứng mạnh mẽ nhất của Hoa Kỳ sẽ ở mức nào?
- Hậu quả của cuộc hải chiến mà Trung Quốc phải gánh chịu lớn tới mức nào?
Chúng ta sẽ lần lượt xem xét từng khía cạnh một.
Trung Quốc có nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ, có thể nhanh chóng huy động tiềm lực quốc gia nhưng với hơn 1,3 tỉ dân, trong đó già nửa số đó thuộc diện nghèo đói, áp lực an sinh là vô cùng lớn. Trung Quốc luôn phải đối diện với sự rối loạn từ bên trong. Thay vì tập trung cho việc chiến đấu, quân đội Trung Quốc phải thường trực một lực lượng lớn để đề phòng hội chứng “mùa xuân Ả Rập”.
Hải quân, không quân Trung Quốc tuy mạnh lên khá nhanh nhưng chưa đủ áp đảo trong một cuộc chiến mà tầm hoạt động quá xa như ở Biển Đông. Với diện tích mặt nước mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền rộng hơn 3 triệu km vuông, thì lực lượng hải quân của Trung Quốc hiện tại quá mỏng, lại chưa từng qua thử thách chiến trường, trong khi đó đối phương sẽ không bao giờ chịu ngồi yên. Bài học về cuộc chiến biên giới năm 1979 hẳn nhiều nhà quân sự Trung Quốc chưa quên. Lừa được ViệtNammất cảnh giác để bất ngờ mở cuộc đánh úp khiến lực lượng “mỏng dính” của ViệtNamnhanh chóng bị chọc thủng. Nhưng chỉ sau đó vài ngày phía Trung Quốc bắt đầu ngấm đòn từ những chiến binh Việt ngày thường mặc áo nông dân. Trên bộ còn thế nữa là trên biển, nơi chưa bao giờ Trung Quốc được coi là có thế mạnh. Đó là chưa kể sau khi đánh chiếm rồi thì còn phải giữ được nó. Trung Quốc rất biết điểm yếu này. Trung Quốc chưa có tàu sân bay và về lâu dài thì tàu sân bay của Trung Quốc cũng chưa thể hoạt động có hiệu quả. Không quân Trung Quốc giương oai thanh thế với thiên hạ là chính chứ chưa thể với tầm ra toàn bộ Biển Đông, đặc biệt là khả năng khống chế đối phương có bờ biển dài như ViệtNam. Nếu Việt Nam có kế hoạch phòng thủ tốt trên các đảo ở quần đảo Trường Sa, có sự hỗ trợ của không quân Việt Nam với tầm bay ngắn chỉ bằng một nửa của đối phương, thêm vào sự hỗ trợ của tên lửa phòng thủ bờ biển có độ chính xác cao, tên lửa đặt trên các tàu khu trục, tàu ngầm… thì mặc dù mỏng manh hơn Trung Quốc nhiều lần, các lực lượng phối hợp đó vẫn là đối tượng khó vượt qua của Trung Quốc. Vì vậy, ngay cả khi Trung Quốc có thể tự do hành động (ngụ ý không bị cản trở trực tiếp bởi Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ…), Trung Quốc cũng phải tính toán cực kỳ kỹ lưỡng trước khi khai hoả. Nếu chỉ dựa vào sức mạnh thuần tuý, Trung Quốc chưa dám phiêu lưu bằng cuộc chiến tổng lực quá nhiều rủi ro như vậy.
Việc quốc gia nào bị kéo vào cuộc xung đột trực tiếp, phần lớn phụ thuộc vào tính toán của Trung Quốc. Đây là lợi thế của nước lớn. Họ sẽ chủ động điều chỉnh phạm vi chiến trường sao cho không phải phân tán lực lượng và không thách thức công khai Hoa Kỳ. Bằng vào những thực tế chính trị, địa lý hiện tại, có thể trả lời, ngoài Việt Nam, sẽ không có nước nào bị lôi kéo đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Những gì mà Trung Quốc chuẩn bị công phu mấy chục năm qua cho lực lượng hải quân và không quân là để đối đầu và đè bẹp ViệtNam! Những hành động cố làm cho to chuyện ở biển Hoa Đông chỉ là đòn nghi binh của Trung Quốc, để ViệtNam mất cảnh giác. Nhưng Trung Quốc biết rõ những lực lượng nào của thế giới sẽ hậu thuẫn Việt Nam, những lực lượng mà chỉ khi chiến tranh nổ ra họ mới công khai xuất hiện, vì lợi ích của họ và còn cả vì sự căm ghét Trung Quốc là thứ tình cảm có thật vẫn tồn tại trên khắp hành tinh. Điều đó có nguy cơ đẩy Trung Quốc trở thành kẻ chống lại phần lớn thế giới.
Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất hiểu sâu sắc và thực tế cái giá đắt mà họ, sau đó đến thế giới phải trả một khi Trung Quốc chiếm được Biển Đông. Nếu để chuyện đó xảy ra, Hoa Kỳ sẽ mất lợi ích và mất quyền lãnh đạo thực sự với thế giới, đặc biệt là với khu vực Thái Bình Dương cực kỳ quan trọng với họ. Ngoài ra Hoa Kỳ còn có nghĩa vụ với đồng minh là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Úc, Singapore… những quốc gia có lợi ích kinh tế và an ninh gắn chặt với Biển Đông. Vì những lý do chiến lược ấy, Hoa Kỳ sẽ quyết tâm ngăn cản bằng các biện pháp gián tiếp để cuộc chiến không xảy ra. Hoa Kỳ làm được điều này, ít nhất là trong tương quan hiện tại. Trung Quốc chưa đủ mạnh và còn rất lâu nữa vẫn chưa đủ mạnh đến mức có thể phớt lờ những cảnh báo mang tính răn đe của Hoa Kỳ!
Bây giờ chúng ta sẽ xem xét đến yếu tố quan trọng nhất quyết định cuộc chiến Biển Đông có xảy ra hay không, đó là hậu quả của nó mà Trung Quốc phải gánh chịu lớn tới mức nào.
Thế giới này luôn luôn hiện hữu những mối ràng buộc giữa các quốc gia, các châu lục. Trung Quốc, như đã phân tích, cho dù có tiềm lực quốc gia lớn, nhưng vẫn là nước mới thoát nghèo về thu nhập. Trung Quốc luôn luôn có vấn đề nội bộ khiến họ rất khó phình to thêm mà không sợ bị tan vỡ. Chỉ riêng vấn đề Tây Tạng, Tân Cương… có thể sẽ hút cạn vốn liếng chính trị và sự tự tin của họ trong thời gian tới đây. Trên thực tế trong mấy thập kỷ qua Trung Quốc phát triển được là nhờ ở việc chấp nhận có sự phụ thuộc lẫn nhau. Không mở cửa với Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu… không bao giờ Trung Quốc có được vị thế kinh tế, quốc phòng như hiện nay. Mối liên quan ràng buộc chặt chẽ với nhau này khiến mỗi quốc gia không thể tuỳ tiện đưa ra những hành động đơn phương mà không gây tổn thất cho quốc gia khác và cho chính mình. Nền hoà bình thế giới và khu vực được duy trì chính bởi những sợi dây quyền lợi này. Vì thế Trung Quốc sẽ phải lượng xem họ có thể chịu nổi hậu quả của một sự ly khai của thế giới khi họ phát động chiến tranh hay không. Chẳng hạn một lệnh trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ và đồng minh nhắm vào Trung Quốc, nếu họ gây chiến với ViệtNamvàPhilippines. Một sự trừng phạt như vậy là hoàn toàn hiện thực. Và Trung Quốc như một gã khổng lồ với đôi chân yếu, có thể không chịu nổi điều đó nhiều hơn thời gian tối thiểu mà một quốc gia yếu kém có thể chịu đựng. Hoặc chẳng hạn một cuộc tẩy chay Trung Quốc và các lợi ích của Trung Quốc diễn ra trên toàn cầu? Điều này cũng hoàn toàn có thể thành hiện thực. Trung Quốc khi đó sẽ đánh mất toàn bộ thứ giá trị Trung Hoa mà họ gây dựng, cổ suý suốt bao nhiêu năm trước khi có thể trở thành cường quốc thực sự. Đó là chưa kể Trung Quốc có thể phải đối mặt với những cuộc ly khai mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa của các vùng lãnh thổ tự trị rộng lớn, tạo điều kiện cho Ấn Độ mở rộng ảnh hưởng. Bởi vì xã hội Trung Quốc chưa bao giờ thống nhất. Nó luôn tiềm ẩn sự chia rẽ sâu sắc và chỉ chờ cơ hội để nổ ra.
Trên đây chúng ta đã chỉ ra những hạn chế về thực lực quân sự và những ràng buộc chính trị khiến Trung Quốc phải cân nhắc khi họ dự định một cuộc hải chiến lớn ở Biển Đông. Dù sao thì những nhận định đó cũng chỉ là giả thuyết tương đối. Với nền chính trị kiểu Trung Hoa thì một cuộc phiêu lưu quân sự đôi khi được bắt đầu bằng những lý do rất mơ hồ và khó lường. Cuộc chiến Việt-Trung năm 1979 cũng đã từng nằm ngoài mọi dự đoán của nhiều nhà phân tích trong và ngoài nước, khi họ quá tin vào logic thông thường, chỉ dựa trên những hiện tượng bề nổi. Nhưng còn có thứ logic khác, đó là logic của thứ phi logic mà văn minh Trung Hoa luôn coi đó như một sản phẩm độc đáo. Có thể đã đủ chứng cứ khẳng định cá nhân ông Đặng Tiểu Bình đưa ra quyết định xâm lược Việt Nam, phần nhiều vì sĩ diện cá nhân và còn vì ông muốn làm một cú test quyền lực cho bản thân. So với cú test của Mao, thì số sinh mạng ông Đặng đem ra đặt cược nhỏ hơn rất nhiều. Ngay cả con số lính Trung Quốc bỏ mạng trong một tháng Nam chinh ấy là 30 ngàn như ước tính của Hoa Kỳ, thì cũng chỉ bằng một phần ngàn số người mà bậc đàn anh của ông làm thịt vì cuộc thử nghiệm quái gở mang tên Cách mạng văn hoá. Nền chính trị Trung Hoa luôn ẩn chứa rủi ro không chỉ cho họ mà còn cho thế giới, vì nó vẫn là một nền chính trị tôn sùng bá đạo, thực chất là một nền chính trị thủ ác, nền chính trị của bóng tối. Vì thế, nếu chỉ vì những ràng buộc trên, chưa đủ để khẳng định một cuộc chiến đẫm máu, do Trung Quốc khởi xướng, không xảy ra trên Biển Đông. Nhưng lý do sau đây có thể là điều khiến Trung Quốc sẽ còn phải chùn tay: Họ không dám chắc thắng tuyệt đối bằng một trận tổng lực, trong thời gian ngắn, tức là chưa có trong tay kịch bản kết thúc cuộc chiến. Mà điều này thì hoàn toàn có thể xảy ra. Lịch sử của những cuộc nhà Hán chinh phục phươngNam hẳn là điều họ chưa thể quên được. Thêm một lần thất bại nữa, nước Trung Hoa hiện đại có thể sụp đổ, trước hết là sụp đổ tinh thần Trung Hoa mà họ đang tìm mọi cách dung dưỡng. Hậu quả nhãn tiền của nó là sẽ khiến mọi bí mật hư hư thực thực của tiềm lực Trung Hoa – thứ mà Trung Quốc đang sử dụng hiệu quả trong việc chèn ép thiên hạ – bị lộ mặt, từ đó bẽ mặt với cả đồng minh lẫn kẻ thù. Lợi thế răn đe của Trung Quốc với các lân bang khác ngoài Đông Nam Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt là Đài Loan… cũng vì thế mà không còn. Khi đó Trung Quốc mất sạch cả vốn lẫn lãi và có thể lịch sử Trung Hoa buộc phải viết lại từ nhiều trang trong quá khứ.
Vì vậy, như đã nói, vấn đề lớn nhất với Trung Quốc không phải là bắt đầu cuộc chiến như thế nào, mà sẽ kết thúc cuộc chiến ra sao? Các chiến lược gia diều hâu của Trung Quốc chưa thể nghĩ ra kịch bản nào tốt hơn là sau khi khai hoả, ồ ạt áp đảo đối phương bằng lực lượng vượt trội, có thể giành một chút chiến thắng nhưng sau đó sẽ lại phải rút về. Nếu biết trước như vậy mà vẫn lao vào thì chỉ những kẻ mất trí mới làm. Không kết thúc được, nghĩa là toàn bộ sườn phíaNam có giá trị như cửa sinh tử của Trung Quốc sẽ ở trong tình trạng chiến tranh, chưa biết đến bao giờ. Khi đó quyền chủ động cuộc chơi nằm trong tay các nước đối đầu mà nguy hiểm nhất với họ chính là ViệtNam. ViệtNam là dân tộc có khả năng phòng thủ kiên cường và nghệ thuật quân sự chứa nhiều ẩn số vào loại nhất thế giới. Khi buộc phải đánh nhau, khi Biển Đông là chiến trường, khi có sự hỗ trợ ngầm về vũ khí từ các cường quốc vì lợi ích của họ, thì Việt Nam có thể khiến Trung Quốc sống dở chết dở, có khả năng bóp nghẹt, cắt đứt con đường giao thương quan trọng nhất của họ để qua eo biển Malacca. Những gì họ đang làm ở Campuchia là để phòng xa sự cố này cũng sẽ vô ích. Không ai phải nghi ngờ điều này và cũng không cần phải có tới 5000 quả tên lửa diệt hạm, con số trên lý thuyết để dìm toàn bộ lực lượng hải quân của Trung Quốc xuống Biển Đông. Bởi vì đó là bản năng sinh tồn của người Việt hình thành từ hàng ngàn năm, để không thể bị tiêu diệt.
Kết lại: Trung Quốc sẽ khai hoả ngay tức thì ở Biển Đông một khi họ đã có trong tay kịch bản kết thúc chiến tranh. Chúng ta sẽ phải cho người Trung Quốc thấy, không bao giờ họ thực sự có trong tay cái bảo bối ấy và do đó, một điều tưởng phi logic khác lại trở thành thứ logic của định mệnh: Chính người Việt sẽ quyết định có cho phép Trung Quốc làm mưa làm gió ở Biển Đông hay không. Việt Nam là nước nhỏ hơn nên luôn cần hoà bình, sống yên ổn bên cạnh Trung Quốc, nhưng Trung Quốc cũng cần yên bờ cõi không kém, đặc biệt là cửa ngõ phía Nam, nơi họ không thể phớt lờ Việt nếu muốn có sự đảm bảo trên thực tế về an ninh.
T. D. A.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
(Còn nữa)
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/44049
======================================================================
Sống với Trung Quốc (3)
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
PHẦN II:
BIỂN ĐÔNG VÀ ĐIỀU CÓ THỂ XẢY RA
Trung Quốc luôn viện dẫn căn cứ vùng biển lịch sử
để bào chữa cho lý do họ muốn chiếm trọn Biển Đông. Một trong những căn
cứ mơ hồ đó là tên gọi lấy phương vị dựa theo lục địa Trung Quốc: Biển
Nam Trung Hoa. Diễn nôm ra theo ý họ thì đó là vùng biển phíaNam của
Trung Quốc. Đây là sự diễn dịch vô lối: từ phương diện thuận tiện cho
hàng hải biến thành phương diện chủ quyền. Nó cũng là căn cứ mang màu
sắc nước lớn bắt nạt thiên hạ. Trung Quốc chỉ nên lấy đó làm niềm tự hào
dân tộc – trên phương diện địa lý, văn hoá, chủng tộc. Thực tế là từng
có cả một đại dương mang tên nước Ấn Độ song điều đó không có nghĩa Ấn
Độ có chủ quyền toàn bộ cái đại dương mênh mông đó.Mexico trong quan hệ
chủ quyền với vịnhMexico sẽ là ví dụ tiếp theo.Nhưng mọi tranh cãi chỉ là vô ích và vô nghĩa khi chúng ta hiểu người Trung Quốc nghĩ gì và muốn gì.
Người Trung Quốc tự coi họ là trung tâm của thế giới. Đây vừa là sự phô trương văn hoá, niềm hãnh diện tinh thần của một dân tộc lớn, nhưng chính điều đó cũng bắt đầu cho một bi kịch Trung Hoa kéo dài hàng ngàn năm qua chưa tìm ra lối thoát. Các triều đại Trung Hoa, với vị thế của một nước trung tâm, là vua thiên hạ, đã cố công để cho tấm áo khoác ngoài xứng tầm với vóc dáng của họ. Nhưng chính vì sự cao ngạo dân tộc đó mà suốt hàng ngàn năm, nước Trung Quốc thấy tự đủ là một thế giới, không cần phải mở ra bên ngoài, nơi chỉ là phên dậu, man di của họ. Hoàng đế tài giỏi Càn Long trở thành gã vua gàn khi cứ khăng khăng trước sứ thần người Anh là cho dù các ngươi tài giỏi đến đâu, cũng thua xa nước trẫm! (Chỉ mấy chục năm sau, Trung Quốc phải nhục nhã nhượng Hồng Kông cho Anh Quốc và chịu sự sai bảo như một thuộc quốc). Nghe nói Mao không thèm học ngoại ngữ, bởi vì với ông ta “Thế giới phải học tiếng Trung Quốc!”. Đó là một phần lý do khiến Trung Quốc ngủ yên trên ngai vàng suốt nhiều thế kỷ, tụt lại khá xa so với thế giới phương Tây và Nhật Bản.
Bi kịch xuất phát từ sự kiêu ngạo Trung Hoa khiến nước Trung Quốc chậm phát triển, bị canh chừng trên toàn thế giới. Nhưng điều đó chưa thấm vào đâu so với bi kịch về mặt địa lý trước vị thế của một cường quốc. Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nga… đều là những cường quốc thông với thế giới, hoặc có khả năng mở ra mọi hướng. Riêng Trung Quốc thì lọt tỏm giữa các thành trì – xét theo cả hai nghĩa. Phía Bắc là nước Nga khổng lồ, phía Đông là Nhật Bản và không gian “lợi ích cốt lõi về an ninh” của Hoa Kỳ, phía Tây có Ấn Độ án ngữ, thêm vào đó là vùng đệm Hồi Giáo bị cạnh tranh ảnh hưởng mạnh mẽ giữa Hoa Kỳ và Nga. Về mặt địa lý đó đều là những vùng núi non hiểm trở, đất đai cằn cỗi do sa mạc hoá, lại luôn bất ổn về chính trị, sắc tộc, rất khó kiểm soát. Đó là lý do vì sao Trung Quốc quyết tâm gây chiến với Ấn Độ để thôn tính hoàn toàn vùng đất mà Ấn Độ gọi là Nam Tây Tạng làm ngõ ra phía Tây bằng cái giá đắt. Rủi cho họ là mục tiêu đó chưa thành. Như vậy là ba lối ra của gã khổng lồ mơ giấc mơ đại cường đều vấp phải thành luỹ khó vượt qua, thậm chí là không thể vượt qua. Cuối cùng chỉ còn duy nhất ngả phía Nam, nơi có vùng biển rộng gần bằng nửa diện tích Trung Quốc, nối với ba lục địa quan trọng là châu Âu, châu Mỹ, châu Phi (tức là phần lớn thế giới) và hai đại dương chiến lược. Vùng biển này quan trọng với Trung Quốc cả về quốc phòng, kinh tế lẫn giao thương. Nhưng có lẽ quan trọng nhất là vùng biển này xác định vị thế trung tâm chi phối của Trung Quốc với thế giới về khả năng ảnh hưởng. Nếu cần nói rõ hơn thì sẽ là: Trung Quốc coi Biển Đông của Việt Namlà khu vực Exit của họ, có giá trị bảo hiểm cho những rủi ro dân tộc Trung Hoa về lâu dài. Vì vậy có thể thấy đây là vùng biển yết hầu, có ảnh hưởng to lớn đến mục tiêu bá chủ thế giới của Trung Quốc. Khắc nghiệt nhất với họ là vùng biển ấy lại của người khác, mang sứ mệnh đảm bảo giao thương hàng hải cho cả thế giới. Đây có thể là ý Trời, không muốn quả địa cầu này đến lúc nào đó chỉ còn duy nhất giống người mang dòng máu Hán. Không dân tộc nào có lỗi với Trung Quốc trong vấn đề này. Những gì họ đang làm là hành động cưỡng lại định mệnh xuất phát từ tham vọng mang tinh thần Đại Hán. Hãy giả định Trung Quốc làm chủ phần biển nằm trong đường chữ U do họ tự vẽ. Khi đó toàn bộ nguồn tài nguyên dưới đáy biển, được dự đoán là cực kỳ lớn, thuộc về họ, là thứ của dự trữ tự nhiên, khổng lồ gấp trăm lần vài ngàn tỷ USD dự trữ hiện nay của họ. Toàn bộ nguồn hải sản, đủ nuôi sống hàng trăm triệu người, cũng thuộc về họ. Hình dung tiếp: ngày nào đó thế giới cạn dầu, trong khi Trung Quốc vẫn rủng rỉnh, họ sẽ có quyền đưa ra những quyết định khiến thế giới phải phục tùng. Khi có thể đưa ra bất cứ quyết định nào về Biển Đông, Trung Quốc cũng dễ dàng hơn trong việc bắt chẹt Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt là chiến lược thu hồi Đài Loan, hoặc chính Đài Loan, trong thế kẹt không còn sự lựa chọn, phải tự nguyện trở về với Đại Lục.
Lý do thứ tư mang tính võ đoán nhưng rất có thể lại là mục tiêu chủ chốt của Trung Quốc: Muốn thực hiện giấc mơ cai quản toàn bộ khu vực Đông Nam Á, chi phối châu Á, tiến tới thống trị ít nhất là một nửa bán cầu. Chính Mao Trạch Đông đã chả từng muốn làm chủ tịch 500 triệu bần nông Đông Nam Á đó sao? Chính ông ta chả muốn đưa người Trung Quốc xuống sinh sống ở Lào,Thái Lan,Myanmar… đó sao? Liệu đây là sự buột miệng của một hoàng đế tự coi mình ngang với trời, hay là mật chỉ cho các thế hệ con cháu? Chúng ta sẽ phải tìm lý do xác đáng cho nhận định này sau một vài sự kiện ởIndonesia, Campuchia hay gần đây làMyanmar… Nhưng nếu chỉ dừng ở những lý do trên, cũng dễ dàng nhận ra, Trung Quốc sẽ không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào để có được điều họ vẫn thèm khát hàng trăm năm qua: Độc chiếm Biển Đông và trở thành đại cường số một thế giới!
Để thực hiện mục tiêu đó, nghe nói Trung Quốc đưa ra đường lối chiến lược 100 năm, lấy mốc là năm 2049, năm kỷ niệm chẵn một thế kỷ thành lập nước Trung Hoa hiện đại! Những năm đầu, do sai lầm trong đường lối kinh tế, do ảo tưởng về sức mạnh Trung Hoa và chủ yếu do mải mê củng cố quyền lực, đấu đá tiêu diệt lẫn nhau, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã khiến đất nước của họ tiều tuỵ, to xác nhưng rỗng ruột, không khiến ai vị nể. Họ đành tạm nuốt xuống mục tiêu đầy tham vọng đã nêu. Và nó được nhớ lại khi ông Đặng Tiểu Bình lên cầm quyền, mở đầu thời kỳ tư bản hoá nền kinh tế, biến Trung Quốc thành một nước phát triển nhanh nhất (đồng thời cũng tàn phá kinh khủng nhất) thế giới trong ba chục năm qua. Cho dù nhiều người thích nói lấy được khi gán mọi sự tiêu cực cho sự vươn dậy của Trung Quốc, thì sức mạnh Trung Quốc vẫn không vì thế mà thiếu tính hiện thực. Giờ đây càng ngày Trung Quốc càng có trong tay nhiều công cụ để thực hiện giấc mơ cường quốc, thậm chí là cường quốc duy nhất. Nhưng họ vẫn chưa thể đủ sức đưa ra những phán quyết theo ý mình khi chưa có trong tay thứ quan trọng đang thuộc về người khác ở cửa ngõ phía Nam. Họ vẫn phải “giấu mình”. Nếu xét kỹ thì chiến lược “giấu mình chờ thời” của Trung Quốc là vì mục tiêu lớn nhất thâu tóm Biển Đông. Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng ở châu Phi, có thể chi phốiNam Á… nhưng đó chỉ là những chi phối mang màu sắc thương mại nhất thời. Tại đó Trung Quốc thực hiện cuộc “bòn vét”, “tận thu” thuộc địa mà không phải xua quân đội chiếm đóng, cai quản. Trên thực tế Trung Quốc thực hiện thứ chủ nghĩa thực dân kiểu Hán: Không chiếm đất mà chỉ cần chiếm của cải, sau đó rũ tay phủi trách nhiệm về vô vàn hậu quả họ để lại. Sẽ đến lúc những nền chính trị ở những khu vực đó trưởng thành, họ sẽ xua đuổi Trung Quốc, y như các thuộc địa xua đuổi thực dân châu Âu đầu và giữa thế kỷ trước. Khi đó người Trung Quốc sẽ thay chân người Mỹ trở thành mục tiêu khủng bố của những kẻ dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Biển Hoa Đông, với vài hòn đảo tranh chấp, không quá quan trọng với Trung Quốc về kinh tế cũng như mở rộng không gian sinh tồn. Vả lại họ biết rằng không thể vượt qua bức thành trì Nhật Bản có Hoa Kỳ luôn ở phía sau, một cách dễ dàng. Cuối cùng chỉ có thâu tóm Biển Đông, Trung Quốc mới tạo ra được sự chi phối mang giá trị địa chính trị, chi phối về an ninh, tạo bàn đạp để Trung Quốc vươn ảnh hưởng ra toàn cầu. Thiếu cái bàn đạp định mệnh này, giống như Trung Quốc chưa có điểm dậm chân hữu hiệu cho cú nhảy quyết định xem mình ở tầm cao nào. Điều đó giải thích vì sao Trung Quốc giành mọi ưu tiên chiến lược lãnh thổ cho Biển Đông. Để làm điều này, Trung Quốc dùng mọi thủ đoạn chính trị. Một trong những thủ đoạn thành công nhất của họ là đã khiến cho những đối thủ tiềm tàng mất cảnh giác. Đầu tiên họ tìm cách qua mặt Hoa Kỳ bằng cú lừa “trỗi dậy hoà bình”, chờ Hoa Kỳ sa lầy họ mới lộ diện. Với Việt Nam, đối thủ chính cần tiêu diệt đầu tiên nhưng lại khó nuốt nhất, họ đánh lừa bằng 16 chữ vàng, tinh thần 4 tốt, lấy lợi ích đại cục mang tính ý thức hệ làm chính. Chúng ta chưa đủ bằng chứng để kết luận các lãnh tụ hàng đầu của Việt Nam đều tin vào những lời đường mật của Trung Quốc, nhưng rõ ràng, chúng ta đã để cho Trung Quốc dắt mũi khá lâu (trong đó có cả việc khiến người Việt bịt miệng người Việt về chủ quyền lãnh hải) ít ra là cho đến khi họ vẽ đường lưỡi bò trên Biển Đông. Trong khoảng thời gian 20 năm chơi trò gian lận ngoại giao, Trung Quốc đã chủ động cầm cái cuộc chơi ấy, kịp cho họ âm thầm chuẩn bị lực lượng mọi mặt, trong khi Việt Nam và cả Philippines vẫn bình chân như vại. Hải quân, không quân Việt Nam đã thuộc loại yếu, những lực lượng này của Philippines còn yếu hơn, tạo cho Trung Quốc thế thượng phong tuyệt đối trên biển. Chỉ đến khi tàu Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của ViệtNam, nhòm ngó bãi cạn Scarborough màPhilippines tuyên bố chủ quyền, lãnh đạo của hai nước mới không còn có thể nhắm mắt bịt tai tự dối lòng mình được nữa.
Một câu hỏi cấp thiết đặt ra là: Với ý đồ chiến lược ấy, liệu Trung Quốc có quyết tâm đánh chiếm Biển Đông bằng một cuộc hải chiến toàn diện hay không và nó xảy ra khi nào?
Trả lời câu hỏi này trước hết phải trả lời được những câu hỏi sau:
- Hải quân và không quân của Trung Quốc nói riêng và tiềm lực của Trung Quốc nói chung thực chất mạnh đến cỡ nào?
- Nếu trận hải chiến toàn diện xảy ra, liệu nó sẽ kéo quốc gia nào vào cuộc?
- Phản ứng mạnh mẽ nhất của Hoa Kỳ sẽ ở mức nào?
- Hậu quả của cuộc hải chiến mà Trung Quốc phải gánh chịu lớn tới mức nào?
Chúng ta sẽ lần lượt xem xét từng khía cạnh một.
Trung Quốc có nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ, có thể nhanh chóng huy động tiềm lực quốc gia nhưng với hơn 1,3 tỉ dân, trong đó già nửa số đó thuộc diện nghèo đói, áp lực an sinh là vô cùng lớn. Trung Quốc luôn phải đối diện với sự rối loạn từ bên trong. Thay vì tập trung cho việc chiến đấu, quân đội Trung Quốc phải thường trực một lực lượng lớn để đề phòng hội chứng “mùa xuân Ả Rập”.
Hải quân, không quân Trung Quốc tuy mạnh lên khá nhanh nhưng chưa đủ áp đảo trong một cuộc chiến mà tầm hoạt động quá xa như ở Biển Đông. Với diện tích mặt nước mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền rộng hơn 3 triệu km vuông, thì lực lượng hải quân của Trung Quốc hiện tại quá mỏng, lại chưa từng qua thử thách chiến trường, trong khi đó đối phương sẽ không bao giờ chịu ngồi yên. Bài học về cuộc chiến biên giới năm 1979 hẳn nhiều nhà quân sự Trung Quốc chưa quên. Lừa được ViệtNammất cảnh giác để bất ngờ mở cuộc đánh úp khiến lực lượng “mỏng dính” của ViệtNamnhanh chóng bị chọc thủng. Nhưng chỉ sau đó vài ngày phía Trung Quốc bắt đầu ngấm đòn từ những chiến binh Việt ngày thường mặc áo nông dân. Trên bộ còn thế nữa là trên biển, nơi chưa bao giờ Trung Quốc được coi là có thế mạnh. Đó là chưa kể sau khi đánh chiếm rồi thì còn phải giữ được nó. Trung Quốc rất biết điểm yếu này. Trung Quốc chưa có tàu sân bay và về lâu dài thì tàu sân bay của Trung Quốc cũng chưa thể hoạt động có hiệu quả. Không quân Trung Quốc giương oai thanh thế với thiên hạ là chính chứ chưa thể với tầm ra toàn bộ Biển Đông, đặc biệt là khả năng khống chế đối phương có bờ biển dài như ViệtNam. Nếu Việt Nam có kế hoạch phòng thủ tốt trên các đảo ở quần đảo Trường Sa, có sự hỗ trợ của không quân Việt Nam với tầm bay ngắn chỉ bằng một nửa của đối phương, thêm vào sự hỗ trợ của tên lửa phòng thủ bờ biển có độ chính xác cao, tên lửa đặt trên các tàu khu trục, tàu ngầm… thì mặc dù mỏng manh hơn Trung Quốc nhiều lần, các lực lượng phối hợp đó vẫn là đối tượng khó vượt qua của Trung Quốc. Vì vậy, ngay cả khi Trung Quốc có thể tự do hành động (ngụ ý không bị cản trở trực tiếp bởi Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ…), Trung Quốc cũng phải tính toán cực kỳ kỹ lưỡng trước khi khai hoả. Nếu chỉ dựa vào sức mạnh thuần tuý, Trung Quốc chưa dám phiêu lưu bằng cuộc chiến tổng lực quá nhiều rủi ro như vậy.
Việc quốc gia nào bị kéo vào cuộc xung đột trực tiếp, phần lớn phụ thuộc vào tính toán của Trung Quốc. Đây là lợi thế của nước lớn. Họ sẽ chủ động điều chỉnh phạm vi chiến trường sao cho không phải phân tán lực lượng và không thách thức công khai Hoa Kỳ. Bằng vào những thực tế chính trị, địa lý hiện tại, có thể trả lời, ngoài Việt Nam, sẽ không có nước nào bị lôi kéo đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Những gì mà Trung Quốc chuẩn bị công phu mấy chục năm qua cho lực lượng hải quân và không quân là để đối đầu và đè bẹp ViệtNam! Những hành động cố làm cho to chuyện ở biển Hoa Đông chỉ là đòn nghi binh của Trung Quốc, để ViệtNam mất cảnh giác. Nhưng Trung Quốc biết rõ những lực lượng nào của thế giới sẽ hậu thuẫn Việt Nam, những lực lượng mà chỉ khi chiến tranh nổ ra họ mới công khai xuất hiện, vì lợi ích của họ và còn cả vì sự căm ghét Trung Quốc là thứ tình cảm có thật vẫn tồn tại trên khắp hành tinh. Điều đó có nguy cơ đẩy Trung Quốc trở thành kẻ chống lại phần lớn thế giới.
Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất hiểu sâu sắc và thực tế cái giá đắt mà họ, sau đó đến thế giới phải trả một khi Trung Quốc chiếm được Biển Đông. Nếu để chuyện đó xảy ra, Hoa Kỳ sẽ mất lợi ích và mất quyền lãnh đạo thực sự với thế giới, đặc biệt là với khu vực Thái Bình Dương cực kỳ quan trọng với họ. Ngoài ra Hoa Kỳ còn có nghĩa vụ với đồng minh là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Úc, Singapore… những quốc gia có lợi ích kinh tế và an ninh gắn chặt với Biển Đông. Vì những lý do chiến lược ấy, Hoa Kỳ sẽ quyết tâm ngăn cản bằng các biện pháp gián tiếp để cuộc chiến không xảy ra. Hoa Kỳ làm được điều này, ít nhất là trong tương quan hiện tại. Trung Quốc chưa đủ mạnh và còn rất lâu nữa vẫn chưa đủ mạnh đến mức có thể phớt lờ những cảnh báo mang tính răn đe của Hoa Kỳ!
Bây giờ chúng ta sẽ xem xét đến yếu tố quan trọng nhất quyết định cuộc chiến Biển Đông có xảy ra hay không, đó là hậu quả của nó mà Trung Quốc phải gánh chịu lớn tới mức nào.
Thế giới này luôn luôn hiện hữu những mối ràng buộc giữa các quốc gia, các châu lục. Trung Quốc, như đã phân tích, cho dù có tiềm lực quốc gia lớn, nhưng vẫn là nước mới thoát nghèo về thu nhập. Trung Quốc luôn luôn có vấn đề nội bộ khiến họ rất khó phình to thêm mà không sợ bị tan vỡ. Chỉ riêng vấn đề Tây Tạng, Tân Cương… có thể sẽ hút cạn vốn liếng chính trị và sự tự tin của họ trong thời gian tới đây. Trên thực tế trong mấy thập kỷ qua Trung Quốc phát triển được là nhờ ở việc chấp nhận có sự phụ thuộc lẫn nhau. Không mở cửa với Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu… không bao giờ Trung Quốc có được vị thế kinh tế, quốc phòng như hiện nay. Mối liên quan ràng buộc chặt chẽ với nhau này khiến mỗi quốc gia không thể tuỳ tiện đưa ra những hành động đơn phương mà không gây tổn thất cho quốc gia khác và cho chính mình. Nền hoà bình thế giới và khu vực được duy trì chính bởi những sợi dây quyền lợi này. Vì thế Trung Quốc sẽ phải lượng xem họ có thể chịu nổi hậu quả của một sự ly khai của thế giới khi họ phát động chiến tranh hay không. Chẳng hạn một lệnh trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ và đồng minh nhắm vào Trung Quốc, nếu họ gây chiến với ViệtNamvàPhilippines. Một sự trừng phạt như vậy là hoàn toàn hiện thực. Và Trung Quốc như một gã khổng lồ với đôi chân yếu, có thể không chịu nổi điều đó nhiều hơn thời gian tối thiểu mà một quốc gia yếu kém có thể chịu đựng. Hoặc chẳng hạn một cuộc tẩy chay Trung Quốc và các lợi ích của Trung Quốc diễn ra trên toàn cầu? Điều này cũng hoàn toàn có thể thành hiện thực. Trung Quốc khi đó sẽ đánh mất toàn bộ thứ giá trị Trung Hoa mà họ gây dựng, cổ suý suốt bao nhiêu năm trước khi có thể trở thành cường quốc thực sự. Đó là chưa kể Trung Quốc có thể phải đối mặt với những cuộc ly khai mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa của các vùng lãnh thổ tự trị rộng lớn, tạo điều kiện cho Ấn Độ mở rộng ảnh hưởng. Bởi vì xã hội Trung Quốc chưa bao giờ thống nhất. Nó luôn tiềm ẩn sự chia rẽ sâu sắc và chỉ chờ cơ hội để nổ ra.
Trên đây chúng ta đã chỉ ra những hạn chế về thực lực quân sự và những ràng buộc chính trị khiến Trung Quốc phải cân nhắc khi họ dự định một cuộc hải chiến lớn ở Biển Đông. Dù sao thì những nhận định đó cũng chỉ là giả thuyết tương đối. Với nền chính trị kiểu Trung Hoa thì một cuộc phiêu lưu quân sự đôi khi được bắt đầu bằng những lý do rất mơ hồ và khó lường. Cuộc chiến Việt-Trung năm 1979 cũng đã từng nằm ngoài mọi dự đoán của nhiều nhà phân tích trong và ngoài nước, khi họ quá tin vào logic thông thường, chỉ dựa trên những hiện tượng bề nổi. Nhưng còn có thứ logic khác, đó là logic của thứ phi logic mà văn minh Trung Hoa luôn coi đó như một sản phẩm độc đáo. Có thể đã đủ chứng cứ khẳng định cá nhân ông Đặng Tiểu Bình đưa ra quyết định xâm lược Việt Nam, phần nhiều vì sĩ diện cá nhân và còn vì ông muốn làm một cú test quyền lực cho bản thân. So với cú test của Mao, thì số sinh mạng ông Đặng đem ra đặt cược nhỏ hơn rất nhiều. Ngay cả con số lính Trung Quốc bỏ mạng trong một tháng Nam chinh ấy là 30 ngàn như ước tính của Hoa Kỳ, thì cũng chỉ bằng một phần ngàn số người mà bậc đàn anh của ông làm thịt vì cuộc thử nghiệm quái gở mang tên Cách mạng văn hoá. Nền chính trị Trung Hoa luôn ẩn chứa rủi ro không chỉ cho họ mà còn cho thế giới, vì nó vẫn là một nền chính trị tôn sùng bá đạo, thực chất là một nền chính trị thủ ác, nền chính trị của bóng tối. Vì thế, nếu chỉ vì những ràng buộc trên, chưa đủ để khẳng định một cuộc chiến đẫm máu, do Trung Quốc khởi xướng, không xảy ra trên Biển Đông. Nhưng lý do sau đây có thể là điều khiến Trung Quốc sẽ còn phải chùn tay: Họ không dám chắc thắng tuyệt đối bằng một trận tổng lực, trong thời gian ngắn, tức là chưa có trong tay kịch bản kết thúc cuộc chiến. Mà điều này thì hoàn toàn có thể xảy ra. Lịch sử của những cuộc nhà Hán chinh phục phươngNam hẳn là điều họ chưa thể quên được. Thêm một lần thất bại nữa, nước Trung Hoa hiện đại có thể sụp đổ, trước hết là sụp đổ tinh thần Trung Hoa mà họ đang tìm mọi cách dung dưỡng. Hậu quả nhãn tiền của nó là sẽ khiến mọi bí mật hư hư thực thực của tiềm lực Trung Hoa – thứ mà Trung Quốc đang sử dụng hiệu quả trong việc chèn ép thiên hạ – bị lộ mặt, từ đó bẽ mặt với cả đồng minh lẫn kẻ thù. Lợi thế răn đe của Trung Quốc với các lân bang khác ngoài Đông Nam Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt là Đài Loan… cũng vì thế mà không còn. Khi đó Trung Quốc mất sạch cả vốn lẫn lãi và có thể lịch sử Trung Hoa buộc phải viết lại từ nhiều trang trong quá khứ.
Vì vậy, như đã nói, vấn đề lớn nhất với Trung Quốc không phải là bắt đầu cuộc chiến như thế nào, mà sẽ kết thúc cuộc chiến ra sao? Các chiến lược gia diều hâu của Trung Quốc chưa thể nghĩ ra kịch bản nào tốt hơn là sau khi khai hoả, ồ ạt áp đảo đối phương bằng lực lượng vượt trội, có thể giành một chút chiến thắng nhưng sau đó sẽ lại phải rút về. Nếu biết trước như vậy mà vẫn lao vào thì chỉ những kẻ mất trí mới làm. Không kết thúc được, nghĩa là toàn bộ sườn phíaNam có giá trị như cửa sinh tử của Trung Quốc sẽ ở trong tình trạng chiến tranh, chưa biết đến bao giờ. Khi đó quyền chủ động cuộc chơi nằm trong tay các nước đối đầu mà nguy hiểm nhất với họ chính là ViệtNam. ViệtNam là dân tộc có khả năng phòng thủ kiên cường và nghệ thuật quân sự chứa nhiều ẩn số vào loại nhất thế giới. Khi buộc phải đánh nhau, khi Biển Đông là chiến trường, khi có sự hỗ trợ ngầm về vũ khí từ các cường quốc vì lợi ích của họ, thì Việt Nam có thể khiến Trung Quốc sống dở chết dở, có khả năng bóp nghẹt, cắt đứt con đường giao thương quan trọng nhất của họ để qua eo biển Malacca. Những gì họ đang làm ở Campuchia là để phòng xa sự cố này cũng sẽ vô ích. Không ai phải nghi ngờ điều này và cũng không cần phải có tới 5000 quả tên lửa diệt hạm, con số trên lý thuyết để dìm toàn bộ lực lượng hải quân của Trung Quốc xuống Biển Đông. Bởi vì đó là bản năng sinh tồn của người Việt hình thành từ hàng ngàn năm, để không thể bị tiêu diệt.
Kết lại: Trung Quốc sẽ khai hoả ngay tức thì ở Biển Đông một khi họ đã có trong tay kịch bản kết thúc chiến tranh. Chúng ta sẽ phải cho người Trung Quốc thấy, không bao giờ họ thực sự có trong tay cái bảo bối ấy và do đó, một điều tưởng phi logic khác lại trở thành thứ logic của định mệnh: Chính người Việt sẽ quyết định có cho phép Trung Quốc làm mưa làm gió ở Biển Đông hay không. Việt Nam là nước nhỏ hơn nên luôn cần hoà bình, sống yên ổn bên cạnh Trung Quốc, nhưng Trung Quốc cũng cần yên bờ cõi không kém, đặc biệt là cửa ngõ phía Nam, nơi họ không thể phớt lờ Việt nếu muốn có sự đảm bảo trên thực tế về an ninh.
T. D. A.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
(Còn nữa)
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/44049
======================================================================
Sống với Trung Quốc (3)
Tạ Duy Anh
(tiếp theo và hết)
Thứ nhất họ chỉ có thắng mà không thua, chỉ được mà không mất, vì đối phương vốn ở thế yếu, sẽ phải kiềm chế, không dễ có hành động tương ứng đáp trả ngay tức khắc.
Thứ hai là họ phân hoá được đối tượng làm áp lực với họ. Vì lợi ích quốc gia, nhiều nước sẽ dĩ hoà vi quý để hưởng lợi. Nhiều nhà phân tích phương Tây cho rằng, không ít quyết định của chính quyền địa phương, của quân đội Trung Quốc liên quan đến Biển Đông là tự ý, chính quyền trung ương không biết. Nhận định này căn cứ trên lời bao biện của một số nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Nó có thể do quá ngây thơ, hoặc do thói quen sống trong môi trường thượng tôn luật pháp, mọi thứ đều minh bạch kiểu dân chủ phương Tây. Thực ra đó là thứ kế sách kiểu Trung Hoa. Họ dùng biện pháp đó để dò đường. Nếu mọi chuyện êm xuôi, thì coi như là chính sách của nhà nước. Còn nếu không thuận lợi, thì họ dễ bề chối bỏ trách nhiệm ở tầm quốc gia. Tương tự như vậy họ đã dùng tờ Hoàn Cầu thời báo để tung ra những quan điểm mang tính thám hiểm phản ứng của đối phương. Nó dễ dàng biến thành quan điểm của nhà nước Trung Quốc nếu điều kiện cho phép. Đó cũng là cách mà Trung Quốc dùng để “bắn tin dữ” với thiên hạ. Một nền chính trị như ở Trung Quốc hiện nay, nhất cử nhất động đều bị kiểm soát, không cấp dưới nào dám mạo hiểm làm như vậy nếu như đó không phải cũng là quan điểm của chính quyền trung ương.
Thứ ba là chỉ dừng lại ở những phi vụ “vặt vãnh” như vậy, chưa đủ là cái cớ để đối phương hoặc những quốc gia liên quan coi là chiến tranh.
Cái lợi thứ tư là Trung Quốc cho thấy họ liên tục đòi hỏi chủ quyền một cách quyết liệt ở những vùng mà nước khác cũng đòi hỏi. Đây là cách pháp lý hoá những việc bất hợp pháp sau này theo kiểu Trung Hoa. Bước chuẩn bị mà họ vừa làm là thành lập tỉnh Tam Sa. Chúng ta không nên coi thường động thái này. Đầu tiên chỉ là cái tỉnh trên giấy, bị ViệtNam,Philippines… coi là vô giá trị. Nhưng sau đó, họ sẽ ấn cái tỉnh đó vào đầu hàng tỉ người Trung Quốc, tạo ra những giao tiếp thương mại, ngoại giao với các nước láng giềng không bị ảnh hưởng quyền lợi bởi hành động của họ, thông qua Tam Sa. Chẳng hạn hành động mời thầu thăm dò dầu khí vừa rồi. Hay những phi vụ buôn bán thương mại với lợi nhuận hấp dẫn, gắn với cái địa danh Tam Sa? Những hội nghị, triển lãm, thi đấu thể thao nhỏ… do Trung Quốc đăng cai được tổ chức ở Tam Sa! Dần dần cái tên Tam Sa sẽ thành một địa danh quen thuộc với thế giới. Nó sẽ đi vào các văn bản giấy tờ mang tính quốc tế. Nó cứ từ từ là một đơn vị hành chính hiện thực của Trung Quốc. Khi đó những hoạt động trên Biển Đông của chúng ta, được mặc nhiên coi là hoạt động ở tỉnh Tam Sa của Trung Quốc! Thế giới không bị buộc phải nhớ Tam Sa thực chất là cái gì, gây tổn hại cho ai, mà họ chỉ cần biết Tam Sa mang lại cho họ cái gì. Giống như thói quen thế giới gọi biển phía Nam Trung Quốc là biển Hoa Nam, tết Âm lịch là tết Trung Quốc, đến lúc nào đó, họ chỉ còn biết Tam Sa là một tỉnh của Trung Quốc! Về phần mình, Trung Quốc sẽ dựa vào đó để coi hành động tuyên chiến của họ là quyền tự vệ, cụ thể ở đây là bảo vệ Tam Sa!
Đây là một mưu đồ rất thâm hiểm và nguy hiểm cho ViệtNam.
Chúng ta đang ở vào thế khó khi phải đưa ra những quyết định quan trọng liên quan đến vấn đề chủ quyền đối với Trung Quốc. Đó là thực tế hiện nay đặt ra trước cả dân tộc chứ không chỉ đối với Đảng Cộng sản. Những người cộng sản đương nhiên là rất bí bởi họ tự nguyện quàng thêm vào cổ cái ách ý thức hệ để tự trói tay mình. Trong khi ý thức hệ là cái bẫy chiến thuật của người Trung Quốc, thì với nhiều lãnh đạo cộng sản ViệtNamnó lại được coi là giải pháp mang tính chiến lược.
Kết luận rằng những người cộng sản Việt Nam không làm gì, hoặc không quyết tâm bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải là nói lấy được, cốt cho bõ tức hơn là đưa ra một nhận định nghiêm túc. Chỉ có thể nghi ngờ hiệu quả của biện pháp mà họ đang áp dụng. Trong thời gian qua, biện pháp ấy của họ là phỏng theo sự khôn ngoan kiểu con sóc: Dùng tài leo dây để thoát hiểm. Đó là một mưu mẹo không hề thiếu sự khôn ngoan. Nhưng chiến thuật này sẽ chỉ có tác dụng nhất thời, trong điều kiện hiện tại của Trung Quốc. Khi họ đã là cường quốc thì mọi xảo thuật lập tức bị vô hiệu hoá. Nói thẳng ra thì giải quyết tranh chấp với Trung Quốc vào thời điểm này, mặc dù cực kỳ khó khăn nhưng vẫn thuận lợi hơn phải làm điều đó với họ sau vài chục năm nữa. Vì vậy không cẩn thận chính người Việt đang tạo thuận lợi cho việc câu giờ của Trung Quốc. Chúng ta cứ hay quên rằng chính Trung Quốc mới là phía cần sự yên tĩnh xung quanh hơn chúng ta để thực hiện chiến lược trỗi dậy và ổn định nội tình. Chúng ta, do quá tự ti về tầm vóc, mà không dám tận dụng vị trí lợi hại của mình để chủ động áp đặt điều kiện ngược lại với Trung Quốc. Nói khác đi trong tay người Việt không thiếu “con bài” mà Trung Quốc phải dè chừng. Nếu không tỉnh táo, tự bịt mắt nhau, tự làm nhụt chí nhau, người ViệtNamsẽ mắc vào chính cái lưới do mình giăng ra với mục đích kìm chân đối phương. Cái lưới đó là viện vào ý thức hệ; cái lưới đó là không làm cho tình hình Biển Đông phức tạp thêm; cái lưới đó còn là tự bưng bít thông tin vì sợ làm xấu mối quan hệ hai đảng anh em, sau đó là làm suy yếu tư tưởng cộng sản chủ nghĩa.
Quan điểm của chúng tôi là mọi biện pháp bảo vệ được chủ quyền, lợi ích đất nước, bảo vệ được công dân ViệtNam(đặc biệt là những ngư dân) đều tốt nếu nó thực sự cho thấy sự khôn ngoan và hữu hiệu. Hãy thử thật bình tĩnh, khách quan và lý trí phân tích xem chúng ta có thể dựa vào đâu để đạt mục tiêu đó.
Dựa vào ý thức hệ
Có vẻ như thực tế của những cuộc đối đầu giữa Việt Nam với Trung Quốc và giữa Philippines với Trung Quốc có sự khác biệt bởi có yếu tố ý thức hệ: Trung Quốc đối đầu với Philippines là đối đầu với một địch thủ, còn với Việt Nam là cuộc tranh giành của thừa kế giữa hai anh em? Vì thế, cho dù ViệtNammới là vật cản chính trên con đườngNamtiến của Trung Quốc, thì những tranh chấp lại có vẻ đỡ khốc liệt hơn?
Nếu chỉ nhìn vào những biểu hiện thì quả là có thấy dấu hiệu này.
Nhưng đây là chỗ bất lợi nhất do chính ViệtNamtạo ra cho mình trong việc đề ra sách lược bảo vệ đất nước. Trung Quốc đã thổi phồng lợi ích của mối tương đồng hình thức về thể chế để lừa lại những nhà lãnh đạo của ViệtNam. Về lý thuyết thì khi chủ nghĩa cộng sản toàn thắng, mọi biên giới quốc gia, mọi nhà nước cũng sẽ biến mất. Không lý gì hai quốc gia đang nỗ lực hết mình cho mục tiêu ấy của nhân loại lại không hiểu tương lai nào mới là quan trọng với họ. Một số nhà lãnh đạo ViệtNamdo cả tin và do tình cảm ý thức hệ chi phối, đã nhất nhất phụng sự mục tiêu đó bằng cách đẩy lợi ích dân tộc xuống hàng thứ yếu. Điều đó phản ánh sinh động và cô đọng nhất trong câu nói nổi tiếng của một trong những lãnh tụ cộng sản hàng đầu ViệtNam: “Trung Quốc có thể xấu, tham lam nhưng họ bảo vệ chủ nghĩa xã hội”. Chính nhà lãnh đạo này đã cấm tiệt báo chí trong suốt hàng chục năm, từ 1991 – sau Hội nghị Thành Đô – không được nhắc đến địa danh Hoàng Sa vì sợ điều đó làm phật lòng Trung Quốc, có thể khiến hỏng đại cục (lời thổ lộ của một cựu lãnh đạo báo Nhân Dân trong buổi nói chuyện tại Trường viết văn Nguyễn Du năm 1994 với mục đích ca ngợi “tầm nhìn” của nhà lãnh đạo kia). Đại cục ở đây là phong trào cộng sản quốc tế do Trung Quốc đi đầu. Một số còn lại thì thấy bám vào chỗ dựa ý thức hệ là cách tốt nhất để đẩy quả bóng chủ quyền cho thế hệ tương lai. Đối với những người này thì quyền lực của họ – núp dưới quyền lực đảng – cao hơn, quan trọng hơn quyền lợi dân tộc.
Không có gì phải bàn nếu Trung Quốc cũng nghĩ và hành động như vậy. Nhưng thực tế hoàn toàn khác. Trung Quốc tung ra chiêu hoả mù ý thức hệ như một chiến thuật vô hiệu hoá ViệtNamít tốn kém nhất. Trong khi trói Việt Nam vào sợi dây vô hình đó khiến cho Việt Nam không dám tự ý hành động vì lợi ích quốc gia trong vấn đề Biển Đông và hàng loạt vấn đề khác, thì họ tranh thủ từng phút để lập hồ sơ giả về Biển Đông, nuôi dưỡng tinh thần dân tộc Đại Hán cho mục tiêu chiếm Biển Đông khi có điều kiện. Những thoả thuận mập mờ “giữa lãnh đạo hai nước” là đòn hiểm mà Trung Quốc đạt được quá dễ dàng trước các nhà lãnh đạo ViệtNam. Những thoả thuận không minh bạch nội dung như vậy có tác dụng chia rẽ nội bộ dân tộc, chia rẽ và gây nghi ngờ giữa các nhà lãnh đạo, giữa người dân với người cầm quyền… cực kỳ hữu hiệu. Nhưng nguy hiểm hơn, nó khiến cho những người ủng hộ Việt Nam mệt mỏi, chán ngán, thiếu tin tưởng và cứ thế phân tán dần sự quan tâm. Khi Philippines muốn biết Việt Nam thoả thuận gì với Trung Quốc, thì Trung Quốc đã coi như đạt mục đích, có thể ôm bụng mà cười đắc chí.Philippinescó thể không quá quan trọng. Nhưng Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, thậm chí cả Nga cũng cùng có câu hỏi ấy, nghĩa là chúng ta sắp bị bỏ rơi cho con mãnh thú.
Vậy là có thể kết luận: Lá chắn ý thức hệ chỉ tạo ra ảo giác về lợi ích trước mắt, ngắn hạn, có lợi cho Trung Quốc nhiều hơn. Nhưng cái lá chắn giống như những sợi chỉ căng ngang ấy, một mặt không thể giúp ngăn được chút tham vọng nào của người Hán, mặt khác trên thực tế nó đang trói tay chúng ta trong những hành động vì lợi ích lâu dài của dân tộc và cách ly Việt Nam khỏi thế giới, điều có lẽ Trung Quốc không mong gì hơn.
Dựa vào khối ASEAN
Một trong những thành tựu ngoại giao lớn nhất mà những người cộng sản ViệtNamđạt được trong vòng 20 năm qua chính là đã đưa nước ta gia nhập khối ASEAN (chỉ cần nhớ lại thái độ bực tức, bất lực của Trung Quốc khi ấy cũng thấy). Có thể nói đó là dấu mốc của một sự chuyển hướng quan trọng trong tư duy chính trị ViệtNam. Là thành viên của khối ASEAN, ViệtNamđã mở được cửa chính thông ra với thế giới để từ đó đi những bước tiếp theo với vị thế của một nước lớn (hay ít ra cũng là nước quan trọng) trong tiểu khu vực. Không ở đâu chúng ta có được sự đánh giá này. Không ở đâu chúng ta có tiếng nói mà người khác buộc phải chăm chú lắng nghe, như trong Hiệp hội ASEAN. Cũng từ vị thế thành viên Hiệp hội, từ đây chúng ta có thêm nhiều thuận lợi trong việc thoát khỏi cái bóng khổng lồ Trung Quốc, đặt Trung Quốc vào thế phải tính toán thận trọng hơn khi đưa ra những đòi hỏi lợi ích liên quan đến toàn khu vực. Điều quan trọng hơn, chúng ta có thêm kênh để quan hệ với Hoa Kỳ và những nước quan trọng khác thường nhìn vào thái độ của Hoa Kỳ để đưa ra quyết định. Thế giới này đã, đang và sẽ còn sự phụ thuộc như vậy. Bỏ qua thực tế ấy là thiếu khôn ngoan, thiển cận về chính trị.
Nhưng trong vấn đề chủ quyền biển, đảo ở Biển Đông, ASEAN chỉ có tác dụng như một tiếng nói, có thể là tiếng nói quan trọng, về mặt dư luận và thể hiện thái độ. Trung Quốc không thể phớt lờ tiếng nói này, bởi quyền lợi của họ với cả khối là khá lớn. Vả lại, phía sau một mình Việt Nam là những lực lượng khác xa với phía sau ASEAN trong đó có Việt Nam. Trung Quốc biết rõ điều này, rằng luôn có một Hoa Kỳ lởn vởn lúc xa, lúc gần, là đối tác của cả khối, có quyền lợi quốc gia về thương mại, chính trị, ngoại giao, nơi họ có khá nhiều đồng minh truyền thống, trong đó quan trọng bậc nhất là Indonesia và nếu thời cuộc thuận lợi, Việt Nam sẽ là danh sách tiếp theo. Ngoài ra là Nhật Bản, Ấn Độ, Liên hiệp châu Âu và từ những sức ép lợi ích khiến cả Nga cũng nhập cuộc, trở thành những đối tác có sự can dự thường xuyên, biến ASEAN thành trung tâm quốc tế về an ninh, hàng hải, trao đổi các ý tưởng. Sự can dự này vô tình khiến Trung Quốc phải ở vào thế bị lép vế. Chúng ta cần phải triệt để khai thác vị thế thành viên của ASEAN, nơi những tranh chấp đơn phương nào cũng có nguy cơ thành tranh chấp đa phương – điều mà Trung Quốc ngán nhất. Không phải họ ngán lực lượng yếu ớt và không bao giờ thống nhất của ASEAN, mà họ biết rằng, Hoa Kỳ sẽ không bao giờ bỏ mất cơ hội để can dự vào nội tình khu vực, mà thực chất của can dự đó là tìm bằng chứng ngăn cản Trung Quốc. Họ biết rõ, bất kỳ thỏa thuận nào giữa ASEAN và Trung Quốc cũng có bàn tay của Hoa Kỳ, khác rất xa những thoả thuận chỉ có ViệtNam và Trung Quốc.
Kết luận lại, chúng ta không thể dựa vào ASEAN như một lực lượng có thể răn đe hoặc để giành chiến thắng khi phải đối đầu quân sự trực tiếp với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền. Nhưng ASEAN là một tiếng nói có sức mạnh chính trị, nơi có khả năng khiến Trung Quốc không thể tự ý đưa ra quyết định độc đoán. Vì vậy, với Hiệp hội ASEAN, Việt Nam cần gắn kết chặt hơn nữa, thúc đẩy quá trình ràng buộc các bên nhiều hơn nữa, chứng tỏ sự chân thành hơn nữa, thậm chí phải hy sinh chút ít lợi ích nhỏ để kéo cả khối can dự sâu hơn nữa vào Biển Đông bằng nhiều cách thức, đặc biệt nhấn mạnh vấn đề an ninh và tự do hàng hải. Biển Đông là vấn đề của cả Hiệp hội ASEAN, tức là của quốc tế – Việt Nam cần nhất quán lập trường này, ở bất cứ diễn đàn nào, bất cứ cuộc đối thoại nào, vô hiệu hoá mọi mưu đồ xé nhỏ ASEAN của Trung Quốc như họ đang làm và có vẻ thành công bước đầu trong trường hợp với chính phủ Campuchia.
Dựa vào các bạn bè truyền thống
Trong số này hiển nhiên quan trọng nhất là Liên bang Nga. ViệtNamcần phải duy trì mối quan hệ với người bạn quan trọng này, bất chấp mọi thời tiết chính trị của nước Nga cũng như của thế giới. Cho đến nay Nga vẫn là đối tác đáng nhờ cậy nhất về mặt quân sự. Nhưng nước Nga không phải là Liên Xô trước đây có thể dễ dàng đưa ra những quyết định cảm tính dựa trên tinh thần quốc tế, tức là phải hy sinh một phần lợi ích dân tộc. Nước Nga ngày nay có đường lối đối ngoại thực dụng, dân tộc lạnh lùng và khó đoán. Nga là quốc gia duy trì nhiều mối quan hệ phức tạp nhất trên thế giới và nó luôn được đảm bảo bằng công cụ dễ tráo trở là tiền. Nga không còn ở thế có thể can dự trực tiếp vào những vấn đề bên ngoài lãnh thổ của họ và các chính khách của Nga ngày nay sẽ không làm điều đó. Xét về mối quan hệ thương mại cũng như những lợi ích mà Nga đang có từ Trung Quốc, xét về vị trí địa lý và hàng loạt mối ràng buộc khác, có thể thấy Trung Quốc quan trọng với Nga gấp nhiều lần Việt Nam. Hy sinh lợi ích với Trung Quốc là một tính toán thiển cận và nước Nga giờ đây không cho phép bất cứ nhà lãnh đạo nào của họ tự ý làm điều đó. Vì thế, có thể thấy Nga không bao giờ mong muốn một Trung Quốc hùng mạnh, có thể nuốt chửng vùng Viễn Đông của họ trong tương lai, có thể áp chế họ như những gì nước Mỹ đang làm, nhưng Nga sẽ quyết tâm không bị lôi kéo vào cuộc đụng độ ở Biển Đông. Tuy vậy, Nga có sĩ diện dân tộc rất lớn, không dễ bỏ mất vị thế cường quốc của họ. Vả lại Nga cũng cần Việt Nam trong chiến lược trở lại Đông Nam Á. Đó là lý do Nga sẽ làm hết sức để Trung Quốc không ngang nhiên dàn quân uy hiếp Việt Nam, đẩy Nga vào thế khó. Trong tay họ có một vài quân bài như: năng lượng, công nghệ quân sự, lợi ích ngoại giao với vị thế là Uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tạm thời những quân bài đó còn đủ mạnh để họ có thể chi phối phần nào những quyết định của Trung Quốc. Nhưng phép màu của những quân bài đó đang mất dần. Điều chúng ta có thể và cần tranh thủ Nga lúc này là mua những loại vũ khí hiện đại, có độ chính xác cao, tiếp cận công nghệ của họ tiến tới có thể sản xuất chúng ngay trên lãnh thổ Việt Nam như Nga đã và đang làm với Ấn Độ. Tạo mọi điều kiện để Nga can dự trở lại Đông Nam Á, phân tán mối quan tâm của Trung Quốc.
Khác với Nga, Nhật Bản và Ấn Độ ít ràng buộc lợi ích chiến lược với Trung Quốc hơn. Đường lối ngoại giao của họ cũng rõ ràng hơn. Đây là hai cường quốc khu vực cực kỳ quan trọng với ViệtNam. Nếu xét cả về lợi ích và vị thế cũng như tầm vóc, Ấn Độ dễ chấp nhận dấn thân hơn. Chúng tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của Ấn Độ với ViệtNamtrong vấn đề Biển Đông. Lịch sử quan hệ và tranh chấp lãnh thổ khiến nước lớn này là địch thủ công khai và lâu dài của Trung Quốc. Rất khó để hai nước tìm được sự hữu hảo thực sự, khi mà Trung Quốc còn công khai khai tuyên bố chủ quyền với vùng đất chiến lược của Ấn Độ. Ấn Độ không bao giờ chấp nhận sự lãnh đạo của Trung Quốc ở châu Á. Lòng tự trọng dân tộc, quy mô diện tích, dân số và vai trò nước lớn trong khu vực không cho Ấn Độ thoả hiệp với tư tưởng hạ mình ấy. Can dự vào những vấn đề an ninh khu vực được Ấn Độ coi là quyền lợi và sứ mệnh của họ. Mối quan hệ mật thiết của Trung Quốc với Pakistsan khiến Ấn Độ tìm thấy thêm lý do phải cân bằng lực lượng ở Biển Đông ngoài lý do bảo vệ lợi ích và đó là thuận lợi cho chúng ta. Nếu xảy ra đụng độ lớn tại Biển Đông, Ấn Độ sẽ là những quốc gia đứng về phía Việt Nam mạnh mẽ nhất, có thể công khai cung cấp vũ khí hiện đại cho Việt Nam, thậm chí sẵn sàng gây áp lực quân sự với Trung Quốc ở giới hạn nào đó. Ấn Độ ở vào vị thế tương đối độc lập khi đưa ra những quyết định như vậy. Nhưng Ấn Độ cũng sẽ không để bị lôi kéo vào cuộc chiến.
Trong khi đó Nhật Bản rất khó làm điều tương tự như Ấn Độ vì luật pháp hoà bình của nước này và vì mối ràng buộc với Hoa Kỳ. Cũng như Ấn Độ, Nhật Bản có lợi ích sống còn về hàng hải ở Biển Đông và chung lợi ích chiến lược, chia sẻ những giá trị lịch sử với Việt Nam trong vấn đề kìm chế Trung Quốc. Mà kìm chế tốt nhất là không để Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Họ sẽ làm mọi cách có thể cùng với ViệtNamđể thực hiện điều đó nhưng vai trò chi phối quân sự của Nhật là có giới hạn. Cũng như Úc, châu Âu, họ chỉ có thể ngầm giúp chúng ta, chỉ có thể đóng vai trò người can ngăn, có thể gián tiếp tạo ra một sự ủng hộ từ Hoa Kỳ với chúng ta.
Dựa vào Hoa Kỳ
Phải khẳng định là, nếu không có Hoa kỳ thì Trung Quốc không chỉ nuốt sống Biển Đông, biển Hoa Đông, mà đã tìm cách thống trị thế giới từ lâu rồi. Đó hoàn toàn không chỉ là một cách nói. Chủ nghĩa bành trướng Đại Hán, định nghĩa theo một cách dễ hiểu hơn, là không có giới hạn nào về địa lý thoả mãn được nó. Nếu không bị cả thế giới tìm cách ngăn chặn, sẽ đến lúc mục tiêu của nó là lãnh thổ Hoa Kỳ, trước khi nó hướng tới mặt trăng. Trung Quốc hiện tại, cho dù đang thức tỉnh, đang thay đổi thì vẫn cứ là một thực thể quá nặng nề để có thể mở cuộc đua bứt phá với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ chưa cần làm gì, Trung Quốc đã phải dè chừng. Nhưng vẫn có những biến số trong một thế giới đang thay đổi chóng mặt. Không ai tiên đoán nổi, chỉ trong vòng vài chục năm, cuộc đổi vai trò cường quốc giữa Liên Xô (sau đó là Nga) với Trung Quốc lại đơn giản thế. Đơn giản còn hơn cả việc thực thi một hiệp ước có ký kết. Chính sự thay đổi đó mà thế giới ngày nay thậm chí còn nguy hiểm hơn với những nước nhỏ, so với thời chiến tranh lạnh. Nguy hiểm nhất là không thể biết con sư tử Trung Hoa còn đói mồi đến bao lâu và có ai hy sinh lợi ích để ngăn chặn nó. Hàng trăm năm qua đã có tới cả ngàn lời khuyên quý giá của các triết gia, các nhà chính trị lớn, về cách mà thế giới sẽ phải làm để có thể sống với Trung Quốc. Nhưng chỉ có Hoa Kỳ quan tâm và hiểu những lời khuyên đó. Những cố gắng to lớn của Hoa Kỳ trong việc đưa Trung Quốc vào khuôn khổ, yêu cầu họ phải nhận lấy một phần trách nhiệm nước lớn, đã giúp thế giới có được sự yên ổn tương đối và những phát triển ngoạn mục khi Trung Quốc tư bản hoá nền kinh tế và nới rộng hơn chiếc cùm chính trị đối với hơn một tỷ người.
Nhưng Hoa Kỳ đang sắp phải trả giá cho hành động của mình. Trung Quốc đã đánh lừa cả thế giới bằng những thông điệp đơn giản nhưng dễ lọt tai. Giờ đây họ sắp sửa cười vào ngay chính những thông điệp đó. Đòi hỏi gần hết chủ quyền Biển Đông bằng cách vẽ trên giấy một đường ranh giới lãnh hải hình cái lưỡi bò, rồi bắt mọi người phải tôn trọng, không có chuyện tranh cãi, là hành động mang tính biểu tượng cao xác quyết quyền lực Trung Hoa, không chỉ nhằm vào lợi ích trực tiếp của Việt Nam và vài nước Đông Nam Á, mà hướng sự thách thức vào Hoa Kỳ và những nước lớn khác như Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, thậm chí cả Nga. Đây là thông điệp mang tinh thần Trung Hoa hiện đại: Tự tin đến ngạo mạn gửi tới toàn thế giới. Sắp tới, theo lý luận Trung Hoa, toàn bộ châu Phi là vùng họ cai quản, toàn bộ châu Á thuộc về sự bảo hộ của họ. Phía bên kia, nước Mỹ là kẻ thù cuối cùng…
Với Trung Quốc mọi điều đều có thể.
Trước mắt giả thuyết đó còn cần một điều kiện: Nếu Hoa Kỳ khoanh tay đứng nhìn, làm ngơ hay bất lực.
May thay nước Mỹ đã kịp thức tỉnh khi nó còn là cường quốc số một. Bằng quyết định quay lại châu Á, ngài Barack Obama có lẽ là tổng thống thông minh nhất của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ trong vòng 20 năm trở lại đây. Bởi vì Trung Quốc trước sau cũng trở thành mối đe doạ toàn cầu, trước hết về mặt văn hoá, sản phẩm chính trị bẩn, sau mới đến hàng hoá giá rẻ có chứa chất độc và cuối cùng là sức mạnh quân sự. Những gì mà người Trung Quốc đang reo giắc ở châuPhi,NamÁ… là bằng chứng hiển nhiên nhất. Nó đương nhiên cũng là mối đe doạ cho riêng nước Mỹ.
Nhưng trên phương diện lợi ích dân tộc, chúng ta chờ đợi điều gì từ sự quay lại châu Á của Hoa Kỳ? Có thể nói ngay: Không chỉ Việt Nam mà cả thế giới, dù ghét bỏ Hoa Kỳ đến đâu đi nữa, thì cũng sẽ không thể thiếu được họ, nếu muốn cuộc sinh tồn này còn có công lý tương đối. Bất chấp thực tế này là thiếu công bằng và thiển cận. Chỉ có điều, sẽ còn thiển cận hơn với bất cứ người Việt Namnào coi Hoa Kỳ là chỗ dựa tuyệt đối tin cậy, phó thác tất cả cho họ. Bởi vì ngay cả khi, giả dụ những người cộng sản Việt Nam đã được giải phóng khỏi cái ách ý thức hệ, Việt Nam trở thành nước dân chủ cùng chung hệ giá trị với các nước văn minh, thì ý tưởng trở thành đồng minh của Hoa Kỳ, được nằm trong cái ô hạt nhân của họ, như nhiều người đề xuất, chỉ đáng coi là một mong ước, rất thức thời, thể hiện nỗi âu lo chân thành cho vận mệnh đất nước nhưng không khả thi. Thậm chí trong một thời gian dài nữa đó vẫn còn là ý tưởng hão huyền. Nhiều người lấy nước Nhật ra làm bài học cho ViệtNam trong việc trở thành đồng minh của Mỹ. Có vẻ như họ tìm thấy rất nhiều tương đồng lý thú. Nhưng chưa kể đến sự khác biệt về thể chế, vị trí địa lý, sự lựa chọn con đường phát triển giữa Nhật Bản và Việt Nam, chưa kể đến sự khác biệt trong lịch sử bang giao Nhật-Mỹ so với Việt-Mỹ, thì hoàn cảnh lịch sử thế giới khi Nhật trở thành đồng minh của Mỹ sẽ không tái hiện thêm một lần nữa với Việt Nam. Thế giới của nửa thế kỷ trước là thế giới của những mối liên kết quân sự, phụ thuộc chính trị hơn là liên kết kinh tế, vì cuộc đối đầu ý thức hệ rạch một giới tuyến rõ ràng, bên này lùi thì bên kia tiến. Nó cần sự gắn kết chặt chẽ về mặt nhà nước giữa các quốc gia cùng hệ ý thức. Nhật Bản và sau này cả Hàn Quốc, Đài Loan… có giá trị với Mỹ như những căn cứ quân sự tiền đồn ở châu Á, những trạm trung chuyển hậu cần nếu chiến tranh ý thức hệ xảy ra, hơn là những đối tác thương mại. Còn giờ đây, sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, sau khi Liên Xô và Đông Âu tan rã, nhu cầu hình thành vòng cung bao vây do Hoa Kỳ cầm đầu không còn cấp thiết nữa. Mối quan hệ Mỹ-Nhật, Mỹ-Hàn, Mỹ-Đài Loan… trở thành di sản cuối cùng của chiến tranh lạnh và thực tế là nó cũng đang lỏng dần ra vì những liên kết song phương khác do các bên tiến hành. Người ta từng chứng kiến Hiệp ước Mỹ-Nhật, Mỹ-Hàn nhiều phen gặp sóng gió do vấn đề lợi ích kinh tế – vấn đề mà trước đây bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Còn với Đài Loan, số phận của hòn đảo này từng có lúc được Mỹ đặt lên bàn cân với Trung Quốc đại lục (sau khi Mỹ hi sinh Việt Nam Cộng hoà trong vấn đề Hoàng Sa năm 1974, hy sinh tiếp tính mạng của gần hai triệu người dân Campuchia cũng đều vì lợi ích với Trung Quốc). Thực tế đó cho thấy hai điều: Thứ nhất, những mối quan hệ đồng minh toàn diện giữa hai quốc gia không còn hợp thời và thứ hai, chính Hoa Kỳ cũng có lúc không đáng tin! (Có thể giờ đây họ đang nỗ lực để sửa chữa sai lầm mang tính đạo đức này?).
Nhưng chúng ta tạm thời chỉ quan tâm đến vấn đề thứ nhất, là vấn đề khách quan quyết định những mối liên kết. Giờ đây thế giới đã bước vào thời kỳ của sự phụ thuộc lẫn nhau về lợi ích và an ninh. Internet và chủ nghĩa khủng bố quyết định điều này. Internet khiến thế giới nhỏ lại, không còn ranh giới về địa lý, quốc tịch, ngôn ngữ, văn hoá… Chủ nghĩa khủng bố, với tư cách là kẻ thù của toàn cầu, đã tạo ra nỗi hoảng sợ khổng lồ, xuyên quốc gia và một bóng đen hiểm hoạ vô tận. Chưa bao giờ thế giới phẳng như hiện nay. Nhưng mặt khác, chưa bao giờ thế giới nhiều vách ngăn như hiện nay. Trong khi Internet chủ trương tạo ra kiểu công dân toàn cầu, tin tưởng lẫn nhau, phụ thuộc nhau về lợi ích, thì chưa bao giờ con người lại bị đẩy ra xa nhau, với đầy những nghi kị, những tính toán ích kỷ như hiện nay. Chủ nghĩa khủng bố tước đi của các cường quốc vị thế nước lớn trong nhiều vấn đề. Bởi vì không quốc gia nào đủ tự tin để không phải dựa vào quốc gia khác khi giải quyết nỗi sợ hãi do chủ nghĩa khủng bố tạo ra. Thay vì dựa lưng vào nhau, dựa vào một nhóm nước, giờ đây mỗi quốc gia là một tập hợp của các mối quan hệ chằng chéo. Nó tất yếu không thể bền chắc, cố định được mà phải lỏng lẻo, mang tính chiến thuật để dễ thay đổi. Nói như cách lý luận phương Đông: Trong kẻ thù có yếu tố bạn bè, đối tác và ngược lại! Vì thế việc hình thành nên những đồng minh giữa hai quốc gia vấp phải vật cản bất khả vượt qua dựng lên từ chính những tính toán lợi ích của các quốc gia đó. Những tính toán như vậy của Hoa Kỳ lớn hơn ViệtNamrất nhiều nếu đem đặt lên bàn cân. Nhưng giả sử cả ViệtNamvà Hoa Kỳ đều tìm thấy lợi ích sống còn khi là đồng minh quân sự với nhau, thì vấn đề lớn nhất mà cả hai bên khó lòng vượt qua là niềm tin.
Hãy gạt bỏ khỏi đầu mong ước trở thành đồng minh toàn diện của Hoa Kỳ để tính đến những liên kết khả thi và thực tế hơn. Chúng ta cần nắm lấy thời cơ là chưa bao giờ Việt Namquan trọng với Hoa Kỳ như khi họ quyết định trở lại châu Á. Họ biết rõ chúng ta là ai, có thể làm gì giúp cho mục tiêu của họ. Cái mục tiêu ấy là không cho Trung Quốc vượt qua giới hạn đỏ về quyền lực bằng những bành trướng nhanh chóng lực lượng hải quân do đó phải thôn tính Biển Đông làm bàn đạp. May thay đấy cũng là mục tiêu của chúng ta, trùng khít với lợi ích của chúng ta ở khía cạnh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Sự trùng hợp lợi ích này chính là cơ sở bền chắc và đáng tin nhất cho một mối quan hệ thân cận, phụ thuộc nhau về mục tiêu chiến lược, lợi ích lâu dài giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Thời cơ cho mối quan hệ này đang chín muồi và Việt Nam, vì lợi ích lâu dài của dân tộc, sẽ phải chủ động dọn dẹp, dũng cảm gạt sang một bên những vật cản mà lịch sử quăng lại để tiến về phía Hoa Kỳ, hơn là đòi hỏi điều ngược lại.
Dựa vào sức mình
Nếu xảy ra đụng độ với Trung Quốc, Việt Namsẽ phải chiến đấu một mình, đó là điều có thể thấy trước. Vì vậy trong vấn đề bảo vệ chủ quyền, Việt Namchỉ có một chỗ dựa chắc chắn, đáng tin duy nhất là sức mạnh toàn dân tộc. Theo hướng đó, chúng tôi thấy hiện tại Việt Namcó sáu lợi thế quan trọng và đi kèm với nó là sáu bất lợi cơ bản sau:
Lợi thế và là điểm mạnh tuyệt đối của ViệtNam trong tranh chấp Biển Đông chính là ở vị trí địa lý và tâm lý dân tộc: Có bờ biển dài và không ai trong số 90 triệu dân sợ và chấp nhận quyền lực Trung Quốc. Dọc hơn 3000 km con đường hàng hải huyết mạch của Trung Quốc để qua eo biển Malacca, đều có thể nằm trong tầm khống chế của các lực lượng quân sự ViệtNam. Trong khi đó lượng vận tải của Trung Quốc rất lớn, chủ yếu phải đi qua khu vực này. Trung Quốc chỉ có thể an toàn trong hai trường hợp: Hoặc chiếm giữ toàn bộ Biển Đông, đủ sức kiểm soát nó bằng quân sự và được quốc tế thừa nhận; hoặc chấp nhận hiện trạng đó là vùng biển quốc tế, thừa nhận chủ quyền của các nước khác. Trường hợp thứ nhất là điều Trung Quốc mong muốn nhưng không bao giờ thành hiện thực. Vì vậy, trên thực tế, chỉ ViệtNam mới có thể đảm bảo an toàn hàng hải cho Trung Quốc.
Lợi thế thứ hai là chúng ta ở về phía phòng thủ, có thể bị động về thời gian xảy ra chiến sự nhưng lại hoàn toàn chủ động trong việc chi phối chiến cuộc, tránh được tổn thất vì vậy có thể duy trì chiến tranh trong thời gian đủ dài để lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc mất hết nhuệ khí. Điều Trung Quốc lo sợ nhất là không thể thắng chớp nhoáng, phải đánh nhau dằng dai thì lại đúng vào sở trường của phía ViệtNam: Lấy ít đánh lại nhiều và đánh trường kỳ, không cho kẻ thù kết thúc có lợi.
Lợi thế thứ ba là hầu hết các cường quốc còn lại và Liên hiệp châu Âu đều công khai hoặc ngấm ngầm đứng về phía ViệtNam vì họ không chấp nhận Trung Quốc quản lý Biển Đông.
Lợi thế thứ tư chính lại ở cái yếu thế của ViệtNam: Nước nhỏ hơn trong cuộc đối đầu, là nước bị bắt nạt, là phía chính nghĩa cả về pháp lý và tình cảm, sẽ nhận được sự ủng hộ của nhân dân các nước. Trung Quốc không thể coi thường những cuộc biểu tình phản đối với hàng chục triệu người xuống đường trên khắp thế giới.
Lợi thế thứ năm là chúng ta có kinh nghiệm chiến tranh, với một quân đội thiện chiến, được khích lệ bởi những chiến thắng trong lịch sử, có giá trị như một điểm tựa tinh thần chắc chắn.
Lợi thế thứ sáu đó là khả năng chịu đựng tốt của kết cấu xã hội trong tình trạng thời chiến nhờ đã được tôi luyện. Ngoài ra do chúng ta nhỏ hơn nên khả năng chuyển đổi để thích nghi nhanh hơn.
Còn đây là sáu bất lợi:
Bất lợi thứ nhất là tiềm lực kinh tế của chúng ta quá nhỏ bé, ít tích luỹ, hậu quả là tiềm lực quốc phòng, đặc biệt là hải quân và không quân thua xa đối phương cả về số lượng và công nghệ. Trong khi đó chúng ta vẫn đang tiếp tục lãng phí những nguồn lực quan trọng nhất của đất nước khiến hạn chế khả năng huy động tổng lực cho chiến tranh – nếu nó xảy ra. (****)
Bất lợi thứ hai là người dân bị bưng bít thông tin, kém hiểu biết về tình hình đất nước, tình hình lãnh thổ, lãnh hải, nếu chiến tranh xảy ra dễ ở vào thế hoang mang, bị động.
Bất lợi thứ ba là mâu thuẫn dân tộc còn khá nặng nề, không phát huy được tối đa sức mạnh trong và ngoài nước.
Bất lợi thứ tư là hạt nhân tập hợp lực lượng không còn đủ sức hút cần thiết, hạn chế khả năng lãnh đạo, động viên mọi tầng lớp xã hội trong tình trạng đất nước nguy cấp.
Bất lợi thứ năm là tiếng nói của ViệtNam ít gây chú ý với cộng đồng quốc tế do bị Trung Quốc thao túng dư luận, xuyên tạc sự thật quá lâu.
Bất lợi thứ sáu là ViệtNam không có đồng minh quân sự.
Những điểm yếu mà chúng tôi nêu ra đều có nguyên nhân chủ quan và đều thuộc về nội tình đất nước. Vì vậy vấn đề hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm khắc phục của tất cả những con dân Việt. Với niềm tin rằng, không kẻ thù nào chiến thắng nổi một dân tộc có tới ngót 100 triệu quyết tâm, có nhiều hơn thế lòng tự tôn và có vô số khả năng nằm ngoài mọi phán đoán của những kẻ ngoại bang, chúng tôi đưa ra kiến nghị khẩn thiết sau:
Thực hiện triệt để hoà giải dân tộc thể hiện bằng một đạo luật, trong đó nghiêm cấm tất cả những hành vi phân biệt đối xử giữa các công dân Việt Nam qua các thời kỳ và các thể chế khác nhau và hiện sinh sống trên những quốc gia khác nhau, nghiêm cấm trả thù, nghiêm cấm hành vi tuyên truyền, kích động thù hận, hành vi gợi lại nỗi đau của dân tộc. Ngày 30-4 hàng năm trở thành ngày Hoà giải và tha thứ.
Làm được điều đó, chúng ta có thứ vũ khí mà kẻ xâm lược nào cũng không còn đáng sợ.
Kết luận:
Vấn đề làm thế nào để có thể tiếp tục sống yên ổn, nguyên vẹn bờ cõi bên cạnh Trung Quốc là chuyện của thời khắc này, nhưng cũng là chuyện của lâu dài, của muôn đời con cháu. Không thể đưa đẩy trốn tránh trách nhiệm nhưng cũng không được nóng vội, hấp tấp, thiếu chín chắn bởi dù thích hay không, người Việt không thể lựa chọn một láng giềng khác ở phía Bắc. Bất cứ sai lầm nào cũng đều không có cơ hội sửa chữa hoặc phải trả giá đắt kéo dài suốt nhiều đời. Đó là điều khác biệt cơ bản so với tất cả những vấn đề quốc gia đại sự còn lại. Nó luôn ở thì chưa hoàn thành, không có kết thúc. Những gì cha ông để lại cho chúng ta là một cương vực rõ ràng, một nền hoà bình tương đối và một kho báu kinh nghiệm để trường tồn. Chúng ta không thể để lại cho tương lai một di sản kém hơn.
Để làm được điều đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là đất nước phải hùng mạnh và trở thành một thành tố trong chuỗi giá trị toàn cầu, càng nhanh càng tốt. Vấn đề còn lại chỉ là người Việt sẽ đi đến mục tiêu đó bằng cách nào. Từ cuộc vươn dậy nhọc nhằn, đau thương của dân tộc và thực tế thế giới suốt một thế kỷ qua, đã đủ bằng chứng để rút ra kết luận: không có lựa chọn nào khác tốt hơn con đường xây dựng một xã hội dân chủ thực sự. Đó có thể là con đường chông gai nhất, đau đớn nhất, nhiều phân vân nhất của người Việt trong thế kỷ này. Nhưng chỉ riêng việc phải lựa chọn giữa sống hay là chết dưới tay Trung Quốc, chúng ta đã không còn thời gian để cân nhắc.
Hà Nội tháng 5 -2012 đến tháng 12-2012
(Rút từ cuốn Nghĩ mãi không ra)
T. D. A.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
_________________________________________________________
(****) Chúng ta đang lãng phí một cách không thể chấp nhận được, gồm: 1-Lãng phí của cải và nguồn lực đất nước (chỉ riêng thiệt hại do một mình tập đoàn Vinashin gây ra tương đương với giá của gần 4000 quả tên lửa diệt hạm tối tân, tương đương với 12 chiếc tàu ngầm lớp Kilo mua của Nga, tương đương với hàng chục chiếc tàu khu trục hiện đại có khả năng tàng hình của Ấn Độ. Bất cứ quốc gia biển nào chỉ cần sở hữu một trong những số lượng vũ khí kể trên cũng được coi là một quốc gia có lực lượng hải quân đáng gờm); 2-Lãng phí nhân tài; 3-Lãng phí thời gian và cơ hội; 4-Lãng phí ý tưởng; 5-Lãng phí cảm hứng; 6-Lãng phí lòng yêu nước và cuối cùng là 7-Lãng phí sự chân thành và các giá trị đạo đức. Những lãng phí này khiến nội lực dân tộc bị suy nhựơc kinh niên.
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/44068
======================================================================
PHẦN III:
DỰ ĐOÁN HÀNH ĐỘNG CỦA TRUNG QUỐC VÀ NHỮNG LỰA CHỌN CỦA VIỆT NAM
Tuy nhiên, việc Trung Quốc
nuôi ý đồ quyết chiếm đoạt Biển Đông là điều không còn gì phải nghi ngờ.
Đừng ai ảo tưởng tin vào thiện chí của Trung Quốc, được quảng bá bằng
đủ thứ lời lẽ ngoại giao hoa mỹ. Vấn đề cần quan tâm là họ có khả năng
làm được điều đó hay không và phương pháp mà họ sẽ tiến hành.
Từ những phân tích ở trên, có thể đưa ra phỏng đoán, trong thời gian
tới, Trung Quốc sẽ “doạ” là chính, tìm cách gây áp lực, mua chuộc, ve
vãn, chèn ép… để các nước có liên quan đến Biển Đông lâm vào khó khăn
phải tìm cách thoả thuận với Trung Quốc theo những điều kiện Trung Quốc
đặt ra. Cách Trung Quốc làm vẫn sẽ là tạo ra những sự cố ồn ào rồi nhân
đấy áp đặt quan điểm của họ hoặc nếu có thể thì gặm một miếng – như
miếng Gạc-ma năm 1988 và miếng Vành khăn năm 1995, 1998. Khi các quốc
gia kịp phản ứng thì việc đã ở vào chuyện đã rồi. Nói rõ ra thì
Trung Quốc sẽ vẫn chỉ áp dụng biện pháp tằm ăn dâu, gặm từ từ, đánh
lấn, quấy nhiễu, chủ động làm phức tạp hoá tình hình để can dự và gây áp
lực. Cách làm này của Trung Quốc có lợi thế tuyệt đối với họ.Thứ nhất họ chỉ có thắng mà không thua, chỉ được mà không mất, vì đối phương vốn ở thế yếu, sẽ phải kiềm chế, không dễ có hành động tương ứng đáp trả ngay tức khắc.
Thứ hai là họ phân hoá được đối tượng làm áp lực với họ. Vì lợi ích quốc gia, nhiều nước sẽ dĩ hoà vi quý để hưởng lợi. Nhiều nhà phân tích phương Tây cho rằng, không ít quyết định của chính quyền địa phương, của quân đội Trung Quốc liên quan đến Biển Đông là tự ý, chính quyền trung ương không biết. Nhận định này căn cứ trên lời bao biện của một số nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Nó có thể do quá ngây thơ, hoặc do thói quen sống trong môi trường thượng tôn luật pháp, mọi thứ đều minh bạch kiểu dân chủ phương Tây. Thực ra đó là thứ kế sách kiểu Trung Hoa. Họ dùng biện pháp đó để dò đường. Nếu mọi chuyện êm xuôi, thì coi như là chính sách của nhà nước. Còn nếu không thuận lợi, thì họ dễ bề chối bỏ trách nhiệm ở tầm quốc gia. Tương tự như vậy họ đã dùng tờ Hoàn Cầu thời báo để tung ra những quan điểm mang tính thám hiểm phản ứng của đối phương. Nó dễ dàng biến thành quan điểm của nhà nước Trung Quốc nếu điều kiện cho phép. Đó cũng là cách mà Trung Quốc dùng để “bắn tin dữ” với thiên hạ. Một nền chính trị như ở Trung Quốc hiện nay, nhất cử nhất động đều bị kiểm soát, không cấp dưới nào dám mạo hiểm làm như vậy nếu như đó không phải cũng là quan điểm của chính quyền trung ương.
Thứ ba là chỉ dừng lại ở những phi vụ “vặt vãnh” như vậy, chưa đủ là cái cớ để đối phương hoặc những quốc gia liên quan coi là chiến tranh.
Cái lợi thứ tư là Trung Quốc cho thấy họ liên tục đòi hỏi chủ quyền một cách quyết liệt ở những vùng mà nước khác cũng đòi hỏi. Đây là cách pháp lý hoá những việc bất hợp pháp sau này theo kiểu Trung Hoa. Bước chuẩn bị mà họ vừa làm là thành lập tỉnh Tam Sa. Chúng ta không nên coi thường động thái này. Đầu tiên chỉ là cái tỉnh trên giấy, bị ViệtNam,Philippines… coi là vô giá trị. Nhưng sau đó, họ sẽ ấn cái tỉnh đó vào đầu hàng tỉ người Trung Quốc, tạo ra những giao tiếp thương mại, ngoại giao với các nước láng giềng không bị ảnh hưởng quyền lợi bởi hành động của họ, thông qua Tam Sa. Chẳng hạn hành động mời thầu thăm dò dầu khí vừa rồi. Hay những phi vụ buôn bán thương mại với lợi nhuận hấp dẫn, gắn với cái địa danh Tam Sa? Những hội nghị, triển lãm, thi đấu thể thao nhỏ… do Trung Quốc đăng cai được tổ chức ở Tam Sa! Dần dần cái tên Tam Sa sẽ thành một địa danh quen thuộc với thế giới. Nó sẽ đi vào các văn bản giấy tờ mang tính quốc tế. Nó cứ từ từ là một đơn vị hành chính hiện thực của Trung Quốc. Khi đó những hoạt động trên Biển Đông của chúng ta, được mặc nhiên coi là hoạt động ở tỉnh Tam Sa của Trung Quốc! Thế giới không bị buộc phải nhớ Tam Sa thực chất là cái gì, gây tổn hại cho ai, mà họ chỉ cần biết Tam Sa mang lại cho họ cái gì. Giống như thói quen thế giới gọi biển phía Nam Trung Quốc là biển Hoa Nam, tết Âm lịch là tết Trung Quốc, đến lúc nào đó, họ chỉ còn biết Tam Sa là một tỉnh của Trung Quốc! Về phần mình, Trung Quốc sẽ dựa vào đó để coi hành động tuyên chiến của họ là quyền tự vệ, cụ thể ở đây là bảo vệ Tam Sa!
Đây là một mưu đồ rất thâm hiểm và nguy hiểm cho ViệtNam.
Chúng ta đang ở vào thế khó khi phải đưa ra những quyết định quan trọng liên quan đến vấn đề chủ quyền đối với Trung Quốc. Đó là thực tế hiện nay đặt ra trước cả dân tộc chứ không chỉ đối với Đảng Cộng sản. Những người cộng sản đương nhiên là rất bí bởi họ tự nguyện quàng thêm vào cổ cái ách ý thức hệ để tự trói tay mình. Trong khi ý thức hệ là cái bẫy chiến thuật của người Trung Quốc, thì với nhiều lãnh đạo cộng sản ViệtNamnó lại được coi là giải pháp mang tính chiến lược.
Kết luận rằng những người cộng sản Việt Nam không làm gì, hoặc không quyết tâm bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải là nói lấy được, cốt cho bõ tức hơn là đưa ra một nhận định nghiêm túc. Chỉ có thể nghi ngờ hiệu quả của biện pháp mà họ đang áp dụng. Trong thời gian qua, biện pháp ấy của họ là phỏng theo sự khôn ngoan kiểu con sóc: Dùng tài leo dây để thoát hiểm. Đó là một mưu mẹo không hề thiếu sự khôn ngoan. Nhưng chiến thuật này sẽ chỉ có tác dụng nhất thời, trong điều kiện hiện tại của Trung Quốc. Khi họ đã là cường quốc thì mọi xảo thuật lập tức bị vô hiệu hoá. Nói thẳng ra thì giải quyết tranh chấp với Trung Quốc vào thời điểm này, mặc dù cực kỳ khó khăn nhưng vẫn thuận lợi hơn phải làm điều đó với họ sau vài chục năm nữa. Vì vậy không cẩn thận chính người Việt đang tạo thuận lợi cho việc câu giờ của Trung Quốc. Chúng ta cứ hay quên rằng chính Trung Quốc mới là phía cần sự yên tĩnh xung quanh hơn chúng ta để thực hiện chiến lược trỗi dậy và ổn định nội tình. Chúng ta, do quá tự ti về tầm vóc, mà không dám tận dụng vị trí lợi hại của mình để chủ động áp đặt điều kiện ngược lại với Trung Quốc. Nói khác đi trong tay người Việt không thiếu “con bài” mà Trung Quốc phải dè chừng. Nếu không tỉnh táo, tự bịt mắt nhau, tự làm nhụt chí nhau, người ViệtNamsẽ mắc vào chính cái lưới do mình giăng ra với mục đích kìm chân đối phương. Cái lưới đó là viện vào ý thức hệ; cái lưới đó là không làm cho tình hình Biển Đông phức tạp thêm; cái lưới đó còn là tự bưng bít thông tin vì sợ làm xấu mối quan hệ hai đảng anh em, sau đó là làm suy yếu tư tưởng cộng sản chủ nghĩa.
Quan điểm của chúng tôi là mọi biện pháp bảo vệ được chủ quyền, lợi ích đất nước, bảo vệ được công dân ViệtNam(đặc biệt là những ngư dân) đều tốt nếu nó thực sự cho thấy sự khôn ngoan và hữu hiệu. Hãy thử thật bình tĩnh, khách quan và lý trí phân tích xem chúng ta có thể dựa vào đâu để đạt mục tiêu đó.
Dựa vào ý thức hệ
Có vẻ như thực tế của những cuộc đối đầu giữa Việt Nam với Trung Quốc và giữa Philippines với Trung Quốc có sự khác biệt bởi có yếu tố ý thức hệ: Trung Quốc đối đầu với Philippines là đối đầu với một địch thủ, còn với Việt Nam là cuộc tranh giành của thừa kế giữa hai anh em? Vì thế, cho dù ViệtNammới là vật cản chính trên con đườngNamtiến của Trung Quốc, thì những tranh chấp lại có vẻ đỡ khốc liệt hơn?
Nếu chỉ nhìn vào những biểu hiện thì quả là có thấy dấu hiệu này.
Nhưng đây là chỗ bất lợi nhất do chính ViệtNamtạo ra cho mình trong việc đề ra sách lược bảo vệ đất nước. Trung Quốc đã thổi phồng lợi ích của mối tương đồng hình thức về thể chế để lừa lại những nhà lãnh đạo của ViệtNam. Về lý thuyết thì khi chủ nghĩa cộng sản toàn thắng, mọi biên giới quốc gia, mọi nhà nước cũng sẽ biến mất. Không lý gì hai quốc gia đang nỗ lực hết mình cho mục tiêu ấy của nhân loại lại không hiểu tương lai nào mới là quan trọng với họ. Một số nhà lãnh đạo ViệtNamdo cả tin và do tình cảm ý thức hệ chi phối, đã nhất nhất phụng sự mục tiêu đó bằng cách đẩy lợi ích dân tộc xuống hàng thứ yếu. Điều đó phản ánh sinh động và cô đọng nhất trong câu nói nổi tiếng của một trong những lãnh tụ cộng sản hàng đầu ViệtNam: “Trung Quốc có thể xấu, tham lam nhưng họ bảo vệ chủ nghĩa xã hội”. Chính nhà lãnh đạo này đã cấm tiệt báo chí trong suốt hàng chục năm, từ 1991 – sau Hội nghị Thành Đô – không được nhắc đến địa danh Hoàng Sa vì sợ điều đó làm phật lòng Trung Quốc, có thể khiến hỏng đại cục (lời thổ lộ của một cựu lãnh đạo báo Nhân Dân trong buổi nói chuyện tại Trường viết văn Nguyễn Du năm 1994 với mục đích ca ngợi “tầm nhìn” của nhà lãnh đạo kia). Đại cục ở đây là phong trào cộng sản quốc tế do Trung Quốc đi đầu. Một số còn lại thì thấy bám vào chỗ dựa ý thức hệ là cách tốt nhất để đẩy quả bóng chủ quyền cho thế hệ tương lai. Đối với những người này thì quyền lực của họ – núp dưới quyền lực đảng – cao hơn, quan trọng hơn quyền lợi dân tộc.
Không có gì phải bàn nếu Trung Quốc cũng nghĩ và hành động như vậy. Nhưng thực tế hoàn toàn khác. Trung Quốc tung ra chiêu hoả mù ý thức hệ như một chiến thuật vô hiệu hoá ViệtNamít tốn kém nhất. Trong khi trói Việt Nam vào sợi dây vô hình đó khiến cho Việt Nam không dám tự ý hành động vì lợi ích quốc gia trong vấn đề Biển Đông và hàng loạt vấn đề khác, thì họ tranh thủ từng phút để lập hồ sơ giả về Biển Đông, nuôi dưỡng tinh thần dân tộc Đại Hán cho mục tiêu chiếm Biển Đông khi có điều kiện. Những thoả thuận mập mờ “giữa lãnh đạo hai nước” là đòn hiểm mà Trung Quốc đạt được quá dễ dàng trước các nhà lãnh đạo ViệtNam. Những thoả thuận không minh bạch nội dung như vậy có tác dụng chia rẽ nội bộ dân tộc, chia rẽ và gây nghi ngờ giữa các nhà lãnh đạo, giữa người dân với người cầm quyền… cực kỳ hữu hiệu. Nhưng nguy hiểm hơn, nó khiến cho những người ủng hộ Việt Nam mệt mỏi, chán ngán, thiếu tin tưởng và cứ thế phân tán dần sự quan tâm. Khi Philippines muốn biết Việt Nam thoả thuận gì với Trung Quốc, thì Trung Quốc đã coi như đạt mục đích, có thể ôm bụng mà cười đắc chí.Philippinescó thể không quá quan trọng. Nhưng Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, thậm chí cả Nga cũng cùng có câu hỏi ấy, nghĩa là chúng ta sắp bị bỏ rơi cho con mãnh thú.
Vậy là có thể kết luận: Lá chắn ý thức hệ chỉ tạo ra ảo giác về lợi ích trước mắt, ngắn hạn, có lợi cho Trung Quốc nhiều hơn. Nhưng cái lá chắn giống như những sợi chỉ căng ngang ấy, một mặt không thể giúp ngăn được chút tham vọng nào của người Hán, mặt khác trên thực tế nó đang trói tay chúng ta trong những hành động vì lợi ích lâu dài của dân tộc và cách ly Việt Nam khỏi thế giới, điều có lẽ Trung Quốc không mong gì hơn.
Dựa vào khối ASEAN
Một trong những thành tựu ngoại giao lớn nhất mà những người cộng sản ViệtNamđạt được trong vòng 20 năm qua chính là đã đưa nước ta gia nhập khối ASEAN (chỉ cần nhớ lại thái độ bực tức, bất lực của Trung Quốc khi ấy cũng thấy). Có thể nói đó là dấu mốc của một sự chuyển hướng quan trọng trong tư duy chính trị ViệtNam. Là thành viên của khối ASEAN, ViệtNamđã mở được cửa chính thông ra với thế giới để từ đó đi những bước tiếp theo với vị thế của một nước lớn (hay ít ra cũng là nước quan trọng) trong tiểu khu vực. Không ở đâu chúng ta có được sự đánh giá này. Không ở đâu chúng ta có tiếng nói mà người khác buộc phải chăm chú lắng nghe, như trong Hiệp hội ASEAN. Cũng từ vị thế thành viên Hiệp hội, từ đây chúng ta có thêm nhiều thuận lợi trong việc thoát khỏi cái bóng khổng lồ Trung Quốc, đặt Trung Quốc vào thế phải tính toán thận trọng hơn khi đưa ra những đòi hỏi lợi ích liên quan đến toàn khu vực. Điều quan trọng hơn, chúng ta có thêm kênh để quan hệ với Hoa Kỳ và những nước quan trọng khác thường nhìn vào thái độ của Hoa Kỳ để đưa ra quyết định. Thế giới này đã, đang và sẽ còn sự phụ thuộc như vậy. Bỏ qua thực tế ấy là thiếu khôn ngoan, thiển cận về chính trị.
Nhưng trong vấn đề chủ quyền biển, đảo ở Biển Đông, ASEAN chỉ có tác dụng như một tiếng nói, có thể là tiếng nói quan trọng, về mặt dư luận và thể hiện thái độ. Trung Quốc không thể phớt lờ tiếng nói này, bởi quyền lợi của họ với cả khối là khá lớn. Vả lại, phía sau một mình Việt Nam là những lực lượng khác xa với phía sau ASEAN trong đó có Việt Nam. Trung Quốc biết rõ điều này, rằng luôn có một Hoa Kỳ lởn vởn lúc xa, lúc gần, là đối tác của cả khối, có quyền lợi quốc gia về thương mại, chính trị, ngoại giao, nơi họ có khá nhiều đồng minh truyền thống, trong đó quan trọng bậc nhất là Indonesia và nếu thời cuộc thuận lợi, Việt Nam sẽ là danh sách tiếp theo. Ngoài ra là Nhật Bản, Ấn Độ, Liên hiệp châu Âu và từ những sức ép lợi ích khiến cả Nga cũng nhập cuộc, trở thành những đối tác có sự can dự thường xuyên, biến ASEAN thành trung tâm quốc tế về an ninh, hàng hải, trao đổi các ý tưởng. Sự can dự này vô tình khiến Trung Quốc phải ở vào thế bị lép vế. Chúng ta cần phải triệt để khai thác vị thế thành viên của ASEAN, nơi những tranh chấp đơn phương nào cũng có nguy cơ thành tranh chấp đa phương – điều mà Trung Quốc ngán nhất. Không phải họ ngán lực lượng yếu ớt và không bao giờ thống nhất của ASEAN, mà họ biết rằng, Hoa Kỳ sẽ không bao giờ bỏ mất cơ hội để can dự vào nội tình khu vực, mà thực chất của can dự đó là tìm bằng chứng ngăn cản Trung Quốc. Họ biết rõ, bất kỳ thỏa thuận nào giữa ASEAN và Trung Quốc cũng có bàn tay của Hoa Kỳ, khác rất xa những thoả thuận chỉ có ViệtNam và Trung Quốc.
Kết luận lại, chúng ta không thể dựa vào ASEAN như một lực lượng có thể răn đe hoặc để giành chiến thắng khi phải đối đầu quân sự trực tiếp với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền. Nhưng ASEAN là một tiếng nói có sức mạnh chính trị, nơi có khả năng khiến Trung Quốc không thể tự ý đưa ra quyết định độc đoán. Vì vậy, với Hiệp hội ASEAN, Việt Nam cần gắn kết chặt hơn nữa, thúc đẩy quá trình ràng buộc các bên nhiều hơn nữa, chứng tỏ sự chân thành hơn nữa, thậm chí phải hy sinh chút ít lợi ích nhỏ để kéo cả khối can dự sâu hơn nữa vào Biển Đông bằng nhiều cách thức, đặc biệt nhấn mạnh vấn đề an ninh và tự do hàng hải. Biển Đông là vấn đề của cả Hiệp hội ASEAN, tức là của quốc tế – Việt Nam cần nhất quán lập trường này, ở bất cứ diễn đàn nào, bất cứ cuộc đối thoại nào, vô hiệu hoá mọi mưu đồ xé nhỏ ASEAN của Trung Quốc như họ đang làm và có vẻ thành công bước đầu trong trường hợp với chính phủ Campuchia.
Dựa vào các bạn bè truyền thống
Trong số này hiển nhiên quan trọng nhất là Liên bang Nga. ViệtNamcần phải duy trì mối quan hệ với người bạn quan trọng này, bất chấp mọi thời tiết chính trị của nước Nga cũng như của thế giới. Cho đến nay Nga vẫn là đối tác đáng nhờ cậy nhất về mặt quân sự. Nhưng nước Nga không phải là Liên Xô trước đây có thể dễ dàng đưa ra những quyết định cảm tính dựa trên tinh thần quốc tế, tức là phải hy sinh một phần lợi ích dân tộc. Nước Nga ngày nay có đường lối đối ngoại thực dụng, dân tộc lạnh lùng và khó đoán. Nga là quốc gia duy trì nhiều mối quan hệ phức tạp nhất trên thế giới và nó luôn được đảm bảo bằng công cụ dễ tráo trở là tiền. Nga không còn ở thế có thể can dự trực tiếp vào những vấn đề bên ngoài lãnh thổ của họ và các chính khách của Nga ngày nay sẽ không làm điều đó. Xét về mối quan hệ thương mại cũng như những lợi ích mà Nga đang có từ Trung Quốc, xét về vị trí địa lý và hàng loạt mối ràng buộc khác, có thể thấy Trung Quốc quan trọng với Nga gấp nhiều lần Việt Nam. Hy sinh lợi ích với Trung Quốc là một tính toán thiển cận và nước Nga giờ đây không cho phép bất cứ nhà lãnh đạo nào của họ tự ý làm điều đó. Vì thế, có thể thấy Nga không bao giờ mong muốn một Trung Quốc hùng mạnh, có thể nuốt chửng vùng Viễn Đông của họ trong tương lai, có thể áp chế họ như những gì nước Mỹ đang làm, nhưng Nga sẽ quyết tâm không bị lôi kéo vào cuộc đụng độ ở Biển Đông. Tuy vậy, Nga có sĩ diện dân tộc rất lớn, không dễ bỏ mất vị thế cường quốc của họ. Vả lại Nga cũng cần Việt Nam trong chiến lược trở lại Đông Nam Á. Đó là lý do Nga sẽ làm hết sức để Trung Quốc không ngang nhiên dàn quân uy hiếp Việt Nam, đẩy Nga vào thế khó. Trong tay họ có một vài quân bài như: năng lượng, công nghệ quân sự, lợi ích ngoại giao với vị thế là Uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tạm thời những quân bài đó còn đủ mạnh để họ có thể chi phối phần nào những quyết định của Trung Quốc. Nhưng phép màu của những quân bài đó đang mất dần. Điều chúng ta có thể và cần tranh thủ Nga lúc này là mua những loại vũ khí hiện đại, có độ chính xác cao, tiếp cận công nghệ của họ tiến tới có thể sản xuất chúng ngay trên lãnh thổ Việt Nam như Nga đã và đang làm với Ấn Độ. Tạo mọi điều kiện để Nga can dự trở lại Đông Nam Á, phân tán mối quan tâm của Trung Quốc.
Khác với Nga, Nhật Bản và Ấn Độ ít ràng buộc lợi ích chiến lược với Trung Quốc hơn. Đường lối ngoại giao của họ cũng rõ ràng hơn. Đây là hai cường quốc khu vực cực kỳ quan trọng với ViệtNam. Nếu xét cả về lợi ích và vị thế cũng như tầm vóc, Ấn Độ dễ chấp nhận dấn thân hơn. Chúng tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của Ấn Độ với ViệtNamtrong vấn đề Biển Đông. Lịch sử quan hệ và tranh chấp lãnh thổ khiến nước lớn này là địch thủ công khai và lâu dài của Trung Quốc. Rất khó để hai nước tìm được sự hữu hảo thực sự, khi mà Trung Quốc còn công khai khai tuyên bố chủ quyền với vùng đất chiến lược của Ấn Độ. Ấn Độ không bao giờ chấp nhận sự lãnh đạo của Trung Quốc ở châu Á. Lòng tự trọng dân tộc, quy mô diện tích, dân số và vai trò nước lớn trong khu vực không cho Ấn Độ thoả hiệp với tư tưởng hạ mình ấy. Can dự vào những vấn đề an ninh khu vực được Ấn Độ coi là quyền lợi và sứ mệnh của họ. Mối quan hệ mật thiết của Trung Quốc với Pakistsan khiến Ấn Độ tìm thấy thêm lý do phải cân bằng lực lượng ở Biển Đông ngoài lý do bảo vệ lợi ích và đó là thuận lợi cho chúng ta. Nếu xảy ra đụng độ lớn tại Biển Đông, Ấn Độ sẽ là những quốc gia đứng về phía Việt Nam mạnh mẽ nhất, có thể công khai cung cấp vũ khí hiện đại cho Việt Nam, thậm chí sẵn sàng gây áp lực quân sự với Trung Quốc ở giới hạn nào đó. Ấn Độ ở vào vị thế tương đối độc lập khi đưa ra những quyết định như vậy. Nhưng Ấn Độ cũng sẽ không để bị lôi kéo vào cuộc chiến.
Trong khi đó Nhật Bản rất khó làm điều tương tự như Ấn Độ vì luật pháp hoà bình của nước này và vì mối ràng buộc với Hoa Kỳ. Cũng như Ấn Độ, Nhật Bản có lợi ích sống còn về hàng hải ở Biển Đông và chung lợi ích chiến lược, chia sẻ những giá trị lịch sử với Việt Nam trong vấn đề kìm chế Trung Quốc. Mà kìm chế tốt nhất là không để Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Họ sẽ làm mọi cách có thể cùng với ViệtNamđể thực hiện điều đó nhưng vai trò chi phối quân sự của Nhật là có giới hạn. Cũng như Úc, châu Âu, họ chỉ có thể ngầm giúp chúng ta, chỉ có thể đóng vai trò người can ngăn, có thể gián tiếp tạo ra một sự ủng hộ từ Hoa Kỳ với chúng ta.
Dựa vào Hoa Kỳ
Phải khẳng định là, nếu không có Hoa kỳ thì Trung Quốc không chỉ nuốt sống Biển Đông, biển Hoa Đông, mà đã tìm cách thống trị thế giới từ lâu rồi. Đó hoàn toàn không chỉ là một cách nói. Chủ nghĩa bành trướng Đại Hán, định nghĩa theo một cách dễ hiểu hơn, là không có giới hạn nào về địa lý thoả mãn được nó. Nếu không bị cả thế giới tìm cách ngăn chặn, sẽ đến lúc mục tiêu của nó là lãnh thổ Hoa Kỳ, trước khi nó hướng tới mặt trăng. Trung Quốc hiện tại, cho dù đang thức tỉnh, đang thay đổi thì vẫn cứ là một thực thể quá nặng nề để có thể mở cuộc đua bứt phá với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ chưa cần làm gì, Trung Quốc đã phải dè chừng. Nhưng vẫn có những biến số trong một thế giới đang thay đổi chóng mặt. Không ai tiên đoán nổi, chỉ trong vòng vài chục năm, cuộc đổi vai trò cường quốc giữa Liên Xô (sau đó là Nga) với Trung Quốc lại đơn giản thế. Đơn giản còn hơn cả việc thực thi một hiệp ước có ký kết. Chính sự thay đổi đó mà thế giới ngày nay thậm chí còn nguy hiểm hơn với những nước nhỏ, so với thời chiến tranh lạnh. Nguy hiểm nhất là không thể biết con sư tử Trung Hoa còn đói mồi đến bao lâu và có ai hy sinh lợi ích để ngăn chặn nó. Hàng trăm năm qua đã có tới cả ngàn lời khuyên quý giá của các triết gia, các nhà chính trị lớn, về cách mà thế giới sẽ phải làm để có thể sống với Trung Quốc. Nhưng chỉ có Hoa Kỳ quan tâm và hiểu những lời khuyên đó. Những cố gắng to lớn của Hoa Kỳ trong việc đưa Trung Quốc vào khuôn khổ, yêu cầu họ phải nhận lấy một phần trách nhiệm nước lớn, đã giúp thế giới có được sự yên ổn tương đối và những phát triển ngoạn mục khi Trung Quốc tư bản hoá nền kinh tế và nới rộng hơn chiếc cùm chính trị đối với hơn một tỷ người.
Nhưng Hoa Kỳ đang sắp phải trả giá cho hành động của mình. Trung Quốc đã đánh lừa cả thế giới bằng những thông điệp đơn giản nhưng dễ lọt tai. Giờ đây họ sắp sửa cười vào ngay chính những thông điệp đó. Đòi hỏi gần hết chủ quyền Biển Đông bằng cách vẽ trên giấy một đường ranh giới lãnh hải hình cái lưỡi bò, rồi bắt mọi người phải tôn trọng, không có chuyện tranh cãi, là hành động mang tính biểu tượng cao xác quyết quyền lực Trung Hoa, không chỉ nhằm vào lợi ích trực tiếp của Việt Nam và vài nước Đông Nam Á, mà hướng sự thách thức vào Hoa Kỳ và những nước lớn khác như Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, thậm chí cả Nga. Đây là thông điệp mang tinh thần Trung Hoa hiện đại: Tự tin đến ngạo mạn gửi tới toàn thế giới. Sắp tới, theo lý luận Trung Hoa, toàn bộ châu Phi là vùng họ cai quản, toàn bộ châu Á thuộc về sự bảo hộ của họ. Phía bên kia, nước Mỹ là kẻ thù cuối cùng…
Với Trung Quốc mọi điều đều có thể.
Trước mắt giả thuyết đó còn cần một điều kiện: Nếu Hoa Kỳ khoanh tay đứng nhìn, làm ngơ hay bất lực.
May thay nước Mỹ đã kịp thức tỉnh khi nó còn là cường quốc số một. Bằng quyết định quay lại châu Á, ngài Barack Obama có lẽ là tổng thống thông minh nhất của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ trong vòng 20 năm trở lại đây. Bởi vì Trung Quốc trước sau cũng trở thành mối đe doạ toàn cầu, trước hết về mặt văn hoá, sản phẩm chính trị bẩn, sau mới đến hàng hoá giá rẻ có chứa chất độc và cuối cùng là sức mạnh quân sự. Những gì mà người Trung Quốc đang reo giắc ở châuPhi,NamÁ… là bằng chứng hiển nhiên nhất. Nó đương nhiên cũng là mối đe doạ cho riêng nước Mỹ.
Nhưng trên phương diện lợi ích dân tộc, chúng ta chờ đợi điều gì từ sự quay lại châu Á của Hoa Kỳ? Có thể nói ngay: Không chỉ Việt Nam mà cả thế giới, dù ghét bỏ Hoa Kỳ đến đâu đi nữa, thì cũng sẽ không thể thiếu được họ, nếu muốn cuộc sinh tồn này còn có công lý tương đối. Bất chấp thực tế này là thiếu công bằng và thiển cận. Chỉ có điều, sẽ còn thiển cận hơn với bất cứ người Việt Namnào coi Hoa Kỳ là chỗ dựa tuyệt đối tin cậy, phó thác tất cả cho họ. Bởi vì ngay cả khi, giả dụ những người cộng sản Việt Nam đã được giải phóng khỏi cái ách ý thức hệ, Việt Nam trở thành nước dân chủ cùng chung hệ giá trị với các nước văn minh, thì ý tưởng trở thành đồng minh của Hoa Kỳ, được nằm trong cái ô hạt nhân của họ, như nhiều người đề xuất, chỉ đáng coi là một mong ước, rất thức thời, thể hiện nỗi âu lo chân thành cho vận mệnh đất nước nhưng không khả thi. Thậm chí trong một thời gian dài nữa đó vẫn còn là ý tưởng hão huyền. Nhiều người lấy nước Nhật ra làm bài học cho ViệtNam trong việc trở thành đồng minh của Mỹ. Có vẻ như họ tìm thấy rất nhiều tương đồng lý thú. Nhưng chưa kể đến sự khác biệt về thể chế, vị trí địa lý, sự lựa chọn con đường phát triển giữa Nhật Bản và Việt Nam, chưa kể đến sự khác biệt trong lịch sử bang giao Nhật-Mỹ so với Việt-Mỹ, thì hoàn cảnh lịch sử thế giới khi Nhật trở thành đồng minh của Mỹ sẽ không tái hiện thêm một lần nữa với Việt Nam. Thế giới của nửa thế kỷ trước là thế giới của những mối liên kết quân sự, phụ thuộc chính trị hơn là liên kết kinh tế, vì cuộc đối đầu ý thức hệ rạch một giới tuyến rõ ràng, bên này lùi thì bên kia tiến. Nó cần sự gắn kết chặt chẽ về mặt nhà nước giữa các quốc gia cùng hệ ý thức. Nhật Bản và sau này cả Hàn Quốc, Đài Loan… có giá trị với Mỹ như những căn cứ quân sự tiền đồn ở châu Á, những trạm trung chuyển hậu cần nếu chiến tranh ý thức hệ xảy ra, hơn là những đối tác thương mại. Còn giờ đây, sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, sau khi Liên Xô và Đông Âu tan rã, nhu cầu hình thành vòng cung bao vây do Hoa Kỳ cầm đầu không còn cấp thiết nữa. Mối quan hệ Mỹ-Nhật, Mỹ-Hàn, Mỹ-Đài Loan… trở thành di sản cuối cùng của chiến tranh lạnh và thực tế là nó cũng đang lỏng dần ra vì những liên kết song phương khác do các bên tiến hành. Người ta từng chứng kiến Hiệp ước Mỹ-Nhật, Mỹ-Hàn nhiều phen gặp sóng gió do vấn đề lợi ích kinh tế – vấn đề mà trước đây bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Còn với Đài Loan, số phận của hòn đảo này từng có lúc được Mỹ đặt lên bàn cân với Trung Quốc đại lục (sau khi Mỹ hi sinh Việt Nam Cộng hoà trong vấn đề Hoàng Sa năm 1974, hy sinh tiếp tính mạng của gần hai triệu người dân Campuchia cũng đều vì lợi ích với Trung Quốc). Thực tế đó cho thấy hai điều: Thứ nhất, những mối quan hệ đồng minh toàn diện giữa hai quốc gia không còn hợp thời và thứ hai, chính Hoa Kỳ cũng có lúc không đáng tin! (Có thể giờ đây họ đang nỗ lực để sửa chữa sai lầm mang tính đạo đức này?).
Nhưng chúng ta tạm thời chỉ quan tâm đến vấn đề thứ nhất, là vấn đề khách quan quyết định những mối liên kết. Giờ đây thế giới đã bước vào thời kỳ của sự phụ thuộc lẫn nhau về lợi ích và an ninh. Internet và chủ nghĩa khủng bố quyết định điều này. Internet khiến thế giới nhỏ lại, không còn ranh giới về địa lý, quốc tịch, ngôn ngữ, văn hoá… Chủ nghĩa khủng bố, với tư cách là kẻ thù của toàn cầu, đã tạo ra nỗi hoảng sợ khổng lồ, xuyên quốc gia và một bóng đen hiểm hoạ vô tận. Chưa bao giờ thế giới phẳng như hiện nay. Nhưng mặt khác, chưa bao giờ thế giới nhiều vách ngăn như hiện nay. Trong khi Internet chủ trương tạo ra kiểu công dân toàn cầu, tin tưởng lẫn nhau, phụ thuộc nhau về lợi ích, thì chưa bao giờ con người lại bị đẩy ra xa nhau, với đầy những nghi kị, những tính toán ích kỷ như hiện nay. Chủ nghĩa khủng bố tước đi của các cường quốc vị thế nước lớn trong nhiều vấn đề. Bởi vì không quốc gia nào đủ tự tin để không phải dựa vào quốc gia khác khi giải quyết nỗi sợ hãi do chủ nghĩa khủng bố tạo ra. Thay vì dựa lưng vào nhau, dựa vào một nhóm nước, giờ đây mỗi quốc gia là một tập hợp của các mối quan hệ chằng chéo. Nó tất yếu không thể bền chắc, cố định được mà phải lỏng lẻo, mang tính chiến thuật để dễ thay đổi. Nói như cách lý luận phương Đông: Trong kẻ thù có yếu tố bạn bè, đối tác và ngược lại! Vì thế việc hình thành nên những đồng minh giữa hai quốc gia vấp phải vật cản bất khả vượt qua dựng lên từ chính những tính toán lợi ích của các quốc gia đó. Những tính toán như vậy của Hoa Kỳ lớn hơn ViệtNamrất nhiều nếu đem đặt lên bàn cân. Nhưng giả sử cả ViệtNamvà Hoa Kỳ đều tìm thấy lợi ích sống còn khi là đồng minh quân sự với nhau, thì vấn đề lớn nhất mà cả hai bên khó lòng vượt qua là niềm tin.
Hãy gạt bỏ khỏi đầu mong ước trở thành đồng minh toàn diện của Hoa Kỳ để tính đến những liên kết khả thi và thực tế hơn. Chúng ta cần nắm lấy thời cơ là chưa bao giờ Việt Namquan trọng với Hoa Kỳ như khi họ quyết định trở lại châu Á. Họ biết rõ chúng ta là ai, có thể làm gì giúp cho mục tiêu của họ. Cái mục tiêu ấy là không cho Trung Quốc vượt qua giới hạn đỏ về quyền lực bằng những bành trướng nhanh chóng lực lượng hải quân do đó phải thôn tính Biển Đông làm bàn đạp. May thay đấy cũng là mục tiêu của chúng ta, trùng khít với lợi ích của chúng ta ở khía cạnh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Sự trùng hợp lợi ích này chính là cơ sở bền chắc và đáng tin nhất cho một mối quan hệ thân cận, phụ thuộc nhau về mục tiêu chiến lược, lợi ích lâu dài giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Thời cơ cho mối quan hệ này đang chín muồi và Việt Nam, vì lợi ích lâu dài của dân tộc, sẽ phải chủ động dọn dẹp, dũng cảm gạt sang một bên những vật cản mà lịch sử quăng lại để tiến về phía Hoa Kỳ, hơn là đòi hỏi điều ngược lại.
Dựa vào sức mình
Nếu xảy ra đụng độ với Trung Quốc, Việt Namsẽ phải chiến đấu một mình, đó là điều có thể thấy trước. Vì vậy trong vấn đề bảo vệ chủ quyền, Việt Namchỉ có một chỗ dựa chắc chắn, đáng tin duy nhất là sức mạnh toàn dân tộc. Theo hướng đó, chúng tôi thấy hiện tại Việt Namcó sáu lợi thế quan trọng và đi kèm với nó là sáu bất lợi cơ bản sau:
Lợi thế và là điểm mạnh tuyệt đối của ViệtNam trong tranh chấp Biển Đông chính là ở vị trí địa lý và tâm lý dân tộc: Có bờ biển dài và không ai trong số 90 triệu dân sợ và chấp nhận quyền lực Trung Quốc. Dọc hơn 3000 km con đường hàng hải huyết mạch của Trung Quốc để qua eo biển Malacca, đều có thể nằm trong tầm khống chế của các lực lượng quân sự ViệtNam. Trong khi đó lượng vận tải của Trung Quốc rất lớn, chủ yếu phải đi qua khu vực này. Trung Quốc chỉ có thể an toàn trong hai trường hợp: Hoặc chiếm giữ toàn bộ Biển Đông, đủ sức kiểm soát nó bằng quân sự và được quốc tế thừa nhận; hoặc chấp nhận hiện trạng đó là vùng biển quốc tế, thừa nhận chủ quyền của các nước khác. Trường hợp thứ nhất là điều Trung Quốc mong muốn nhưng không bao giờ thành hiện thực. Vì vậy, trên thực tế, chỉ ViệtNam mới có thể đảm bảo an toàn hàng hải cho Trung Quốc.
Lợi thế thứ hai là chúng ta ở về phía phòng thủ, có thể bị động về thời gian xảy ra chiến sự nhưng lại hoàn toàn chủ động trong việc chi phối chiến cuộc, tránh được tổn thất vì vậy có thể duy trì chiến tranh trong thời gian đủ dài để lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc mất hết nhuệ khí. Điều Trung Quốc lo sợ nhất là không thể thắng chớp nhoáng, phải đánh nhau dằng dai thì lại đúng vào sở trường của phía ViệtNam: Lấy ít đánh lại nhiều và đánh trường kỳ, không cho kẻ thù kết thúc có lợi.
Lợi thế thứ ba là hầu hết các cường quốc còn lại và Liên hiệp châu Âu đều công khai hoặc ngấm ngầm đứng về phía ViệtNam vì họ không chấp nhận Trung Quốc quản lý Biển Đông.
Lợi thế thứ tư chính lại ở cái yếu thế của ViệtNam: Nước nhỏ hơn trong cuộc đối đầu, là nước bị bắt nạt, là phía chính nghĩa cả về pháp lý và tình cảm, sẽ nhận được sự ủng hộ của nhân dân các nước. Trung Quốc không thể coi thường những cuộc biểu tình phản đối với hàng chục triệu người xuống đường trên khắp thế giới.
Lợi thế thứ năm là chúng ta có kinh nghiệm chiến tranh, với một quân đội thiện chiến, được khích lệ bởi những chiến thắng trong lịch sử, có giá trị như một điểm tựa tinh thần chắc chắn.
Lợi thế thứ sáu đó là khả năng chịu đựng tốt của kết cấu xã hội trong tình trạng thời chiến nhờ đã được tôi luyện. Ngoài ra do chúng ta nhỏ hơn nên khả năng chuyển đổi để thích nghi nhanh hơn.
Còn đây là sáu bất lợi:
Bất lợi thứ nhất là tiềm lực kinh tế của chúng ta quá nhỏ bé, ít tích luỹ, hậu quả là tiềm lực quốc phòng, đặc biệt là hải quân và không quân thua xa đối phương cả về số lượng và công nghệ. Trong khi đó chúng ta vẫn đang tiếp tục lãng phí những nguồn lực quan trọng nhất của đất nước khiến hạn chế khả năng huy động tổng lực cho chiến tranh – nếu nó xảy ra. (****)
Bất lợi thứ hai là người dân bị bưng bít thông tin, kém hiểu biết về tình hình đất nước, tình hình lãnh thổ, lãnh hải, nếu chiến tranh xảy ra dễ ở vào thế hoang mang, bị động.
Bất lợi thứ ba là mâu thuẫn dân tộc còn khá nặng nề, không phát huy được tối đa sức mạnh trong và ngoài nước.
Bất lợi thứ tư là hạt nhân tập hợp lực lượng không còn đủ sức hút cần thiết, hạn chế khả năng lãnh đạo, động viên mọi tầng lớp xã hội trong tình trạng đất nước nguy cấp.
Bất lợi thứ năm là tiếng nói của ViệtNam ít gây chú ý với cộng đồng quốc tế do bị Trung Quốc thao túng dư luận, xuyên tạc sự thật quá lâu.
Bất lợi thứ sáu là ViệtNam không có đồng minh quân sự.
Những điểm yếu mà chúng tôi nêu ra đều có nguyên nhân chủ quan và đều thuộc về nội tình đất nước. Vì vậy vấn đề hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm khắc phục của tất cả những con dân Việt. Với niềm tin rằng, không kẻ thù nào chiến thắng nổi một dân tộc có tới ngót 100 triệu quyết tâm, có nhiều hơn thế lòng tự tôn và có vô số khả năng nằm ngoài mọi phán đoán của những kẻ ngoại bang, chúng tôi đưa ra kiến nghị khẩn thiết sau:
Thực hiện triệt để hoà giải dân tộc thể hiện bằng một đạo luật, trong đó nghiêm cấm tất cả những hành vi phân biệt đối xử giữa các công dân Việt Nam qua các thời kỳ và các thể chế khác nhau và hiện sinh sống trên những quốc gia khác nhau, nghiêm cấm trả thù, nghiêm cấm hành vi tuyên truyền, kích động thù hận, hành vi gợi lại nỗi đau của dân tộc. Ngày 30-4 hàng năm trở thành ngày Hoà giải và tha thứ.
Làm được điều đó, chúng ta có thứ vũ khí mà kẻ xâm lược nào cũng không còn đáng sợ.
Kết luận:
Vấn đề làm thế nào để có thể tiếp tục sống yên ổn, nguyên vẹn bờ cõi bên cạnh Trung Quốc là chuyện của thời khắc này, nhưng cũng là chuyện của lâu dài, của muôn đời con cháu. Không thể đưa đẩy trốn tránh trách nhiệm nhưng cũng không được nóng vội, hấp tấp, thiếu chín chắn bởi dù thích hay không, người Việt không thể lựa chọn một láng giềng khác ở phía Bắc. Bất cứ sai lầm nào cũng đều không có cơ hội sửa chữa hoặc phải trả giá đắt kéo dài suốt nhiều đời. Đó là điều khác biệt cơ bản so với tất cả những vấn đề quốc gia đại sự còn lại. Nó luôn ở thì chưa hoàn thành, không có kết thúc. Những gì cha ông để lại cho chúng ta là một cương vực rõ ràng, một nền hoà bình tương đối và một kho báu kinh nghiệm để trường tồn. Chúng ta không thể để lại cho tương lai một di sản kém hơn.
Để làm được điều đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là đất nước phải hùng mạnh và trở thành một thành tố trong chuỗi giá trị toàn cầu, càng nhanh càng tốt. Vấn đề còn lại chỉ là người Việt sẽ đi đến mục tiêu đó bằng cách nào. Từ cuộc vươn dậy nhọc nhằn, đau thương của dân tộc và thực tế thế giới suốt một thế kỷ qua, đã đủ bằng chứng để rút ra kết luận: không có lựa chọn nào khác tốt hơn con đường xây dựng một xã hội dân chủ thực sự. Đó có thể là con đường chông gai nhất, đau đớn nhất, nhiều phân vân nhất của người Việt trong thế kỷ này. Nhưng chỉ riêng việc phải lựa chọn giữa sống hay là chết dưới tay Trung Quốc, chúng ta đã không còn thời gian để cân nhắc.
Hà Nội tháng 5 -2012 đến tháng 12-2012
(Rút từ cuốn Nghĩ mãi không ra)
T. D. A.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
_________________________________________________________
(****) Chúng ta đang lãng phí một cách không thể chấp nhận được, gồm: 1-Lãng phí của cải và nguồn lực đất nước (chỉ riêng thiệt hại do một mình tập đoàn Vinashin gây ra tương đương với giá của gần 4000 quả tên lửa diệt hạm tối tân, tương đương với 12 chiếc tàu ngầm lớp Kilo mua của Nga, tương đương với hàng chục chiếc tàu khu trục hiện đại có khả năng tàng hình của Ấn Độ. Bất cứ quốc gia biển nào chỉ cần sở hữu một trong những số lượng vũ khí kể trên cũng được coi là một quốc gia có lực lượng hải quân đáng gờm); 2-Lãng phí nhân tài; 3-Lãng phí thời gian và cơ hội; 4-Lãng phí ý tưởng; 5-Lãng phí cảm hứng; 6-Lãng phí lòng yêu nước và cuối cùng là 7-Lãng phí sự chân thành và các giá trị đạo đức. Những lãng phí này khiến nội lực dân tộc bị suy nhựơc kinh niên.
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/44068
======================================================================
Sẽ
xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001