TBKTVN (TuanVietnam) - Không
còn những Phạm Thanh Bình, Dương Chí Dũng, Đào Văn Hưng..., khi kẻ thì
vừa lĩnh án, kẻ vừa bị bắt sau thời gian lẩn trốn bất thành, người thì
đang chịu thi hành kỷ luật... Trong khi trước đó chỉ không lâu, họ đều
là những gương mặt sáng giá, những hạt “giống đỏ” gánh trọng trách phát
triển kinh tế, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công ích khác
như an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa...
Chớp mắt, đã thấy thời gian trôi vèo vèo với đầy biến cố. Chợt chạnh
lòng thấy buồn như ông đồ già của thi nhân Vũ Đình Liên cùng hoài cảm
“Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ...”
Cuối giờ chiều ngày 4/8 của hơn hai năm trước, cùng với sự xôn xao của
dư luận vì tin bắt “tại trận” Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinashin, là
phiên họp báo thường kỳ, một phiên họp đặc biệt khi người chủ trì là Phó
thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng.
Đó cũng là phiên họp chuyên đề về Vinashin. Chính phủ qua đó đã đưa ra
thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm “trục vớt” con tàu khổng lồ này. Chủ
tịch của Vinalines, lúc đó là ông Dương Chí Dũng, cũng có mặt.
Bên lề phiên họp, ông Dũng đã được báo chí nhiệt tình quây chặt vòng
trong vòng ngoài, hỏi về sứ mạng “giang tay cứu giúp” của Vinalines dành
cho Vinashin.
Với vẻ xúc động và hồ hởi, ông Dũng trả lời những câu tràn đầy tinh thần nghĩa hiệp như: “Chúng
tôi rất mừng vì đây là việc làm không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, quan
hệ giữa Vinashin và Vinalines, mà nó mang lại những ý nghĩa xã hội, kinh
tế, chính trị lớn hơn rất nhiều”... Đồng thời, ông say sưa phác
thảo về viễn cảnh cả hai con tàu Vinashin và Vinalines sẽ sớm cùng nhau
đạp sóng vùng vẫy giữa biển khơi...
“Giấc mơ” này đã đổ vỡ một cách thảm hại chỉ hơn một năm sau đó. Không
những không kéo được Vinashin lên, Vinalines còn bị “chìm” theo, để lại
cho đời nhiều tranh cãi về việc có phải vì thực hiện sứ mạng này mà
Vinalines chìm hay chìm vì những yếu kém vốn thường trực trong cơ thể
các tập đoàn kinh tế nhà nước mà nhờ những đặc quyền đặc lợi, những yếu
kém này hầu như không bao giờ bị soi xét tới nên đã trở thành ung nhọt
di căn...
Vinalines, Vinashin chỉ là một trong những ví dụ về sự trượt dài của
danh tiếng các tập đoàn kinh tế nhà nước mà theo cùng với đó, oanh liệt
của khối này ngày một trở thành quá khứ lùi xa.
Từ sáng giá, thoắt đã thành “tối giá”
Theo thông lệ từ vài năm nay, cứ mỗi dịp năm hết Tết đến, Thủ tướng lại
gặp gỡ với lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Năm nay cũng
vậy. Đứng từ bục cao của hội trường, người đứng đầu Chính phủ luôn nhìn
thấy được đầy đủ các gương mặt đã cùng Chính phủ trong một năm qua chèo
chống nền kinh tế.
Không còn những Phạm Thanh Bình, Dương Chí Dũng, Đào Văn Hưng..., khi kẻ
thì vừa lĩnh án, kẻ vừa bị bắt sau thời gian lẩn trốn bất thành, người
thì đang chịu thi hành kỷ luật... Trong khi trước đó chỉ không lâu, họ
đều là những gương mặt sáng giá, những hạt “giống đỏ” gánh trọng trách
phát triển kinh tế, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công ích
khác như an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa...
Chớp mắt, đã thấy thời gian trôi vèo vèo với đầy biến cố. Chợt chạnh
lòng thấy buồn như ông đồ già của thi nhân Vũ Đình Liên cùng hoài cảm “Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ...”
Không những không kéo được Vinashin lên,
Vinalines còn bị “chìm” theo, để lại cho đời nhiều tranh cãi...
Thủ tướng nói ông rất đau lòng, tất nhiên, không phải vì sự vắng mặt của
những người đã từng một thời là “hạt giống đỏ”, là những đứa con cưng
của Chính phủ, mà vì “làm ăn thua lỗ như thế ai mà không xót ruột...”
Còn nhớ, báo cáo tại Hội nghị Chính phủ với các tập đoàn kinh tế nhà
nước hồi tháng 12/2011, tức là mới chỉ hơn một năm trước, Chủ tịch Hội
đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Đào Văn Hưng, góp
một bản tham luận chất chứa biết bao tâm huyết và nhiệt huyết trong đó.
Bản tham luận điểm lại quá trình từ khi EVN ra đời và lớn lên, với một loạt nhận định “EVN
đã phát huy tốt thế mạnh của mình để tiếp tục là tập đoàn kinh tế hàng
đầu của đất nước, đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế quốc dân, làm
“bà đỡ” cho hình thành và phát triển thị trường điện ở Việt Nam”; “trong
giai đoạn nền kinh tế có những điều chỉnh rõ rệt theo các biến động khó
lường của nền kinh tế thế giới, nhưng EVN vẫn hoàn thành thắng lợi các
chỉ tiêu kinh tế, chính trị xã hội do Đảng và Chính phủ giao”...
Ông Hưng còn tuyên hứa bởi những lời rất đẹp: “Nền kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn tiếp tục cần các điều chỉnh, chỉ đạo từ
Đảng và Nhà nước, EVN và các tập đoàn kinh tế nhà nước khác cam kết
mạnh mẽ sẽ tiếp tục là các công cụ kinh tế đắc lực để thực hiện thắng
lợi các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...”
Hơn một tháng sau tham luận này, ngày 1/2/2012, Thủ tướng Chính phủ đã
ký quyết định ông Đào Văn Hưng thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành
viên EVN, về nhận công tác tại Bộ Công Thương. Đến 28/12/2012, Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục ký hai quyết định khác tuyên bố thi hành kỷ
luật, khi đó ông Đào Văn Hưng chỉ còn là nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành
viên EVN, nhận mức kỷ luật cảnh cáo.
Một “tướng” còn lại là của EVN là Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh, nhận mức
kỷ luật khiển trách. Nguyên nhân dẫn đến kỷ luật đều liên quan đến EVN
Telecom kinh doanh thua lỗ gây hậu quả nghiêm trọng.
Về một sự “thắng cuộc”
Tháng 9/2012, lần đầu tiên có một ấn phẩm có sức công phá tương đương cỡ
một “trái bom” đánh thẳng vào những yếu kém của doanh nghiệp nhà nước,
đồng thời lột tả một cách cụ thể và sinh động nhất về lợi ích nhóm trong
khối này được công bố rộng rãi trong dư luận. Cơ quan chịu trách nhiệm
về ấn phẩm này là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Lần hồi quá khứ ba năm
trở về trước, thì mới thấy Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các tập đoàn,
tổng công ty nhà nước, đúng là có rất nhiều “duyên”.
Vào năm 2009, Ủy ban Kinh tế trình tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XII
một báo cáo giám sát về tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Lúc hoàn thành
báo cáo giám sát này, trước khi trình ra Quốc hội, thì Ủy ban Kinh tế có
trình ra phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến. Còn nhớ,
khi đó, tài liệu báo cáo giám sát được phát ra cho giới truyền thông,
nhưng sau đó đã lập tức bị thu lại, vì e ngại “quá nhạy cảm”.
Và mặc dù, vào thời điểm bấy giờ, một báo cáo giám sát như vậy cũng có
thể xem là sánh ngang tầm một “quả bom tấn” vào các tập đoàn kinh tế nhà
nước và Quốc hội cũng đã ban hành hẳn một nghị quyết giám sát về việc
nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử
dụng vốn, tài sản tại các doanh nghiệp nhà nước, yêu cầu Chính phủ phải
thực hiện một loạt động thái để siết lại hoạt động của khối này.
Nhưng cuối cùng, cả báo cáo giám sát lẫn nghị quyết giám sát cũng chỉ
dừng ở mức “bàn ra bàn vào” ở Quốc hội, rồi thôi. Không muốn dùng từ
“thờ”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Mai Xuân Hùng nói “Chính
phủ thực hiện nghị quyết này không mạnh mẽ. Chẳng hạn, nghị quyết của
Quốc hội yêu cầu phải tiến hành cơ cấu toàn diện, đồng bộ các vấn đề về
quản trị doanh nghiệp, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, nhanh chóng cổ
phần hóa doanh nghiệp tiến tới xã hội hóa đầu tư cho doanh nghiệp nhằm
nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, nhưng đến nay cũng
chưa làm được bao nhiêu”. Coi như lần đó, Ủy ban Kinh tế đã không thành công.
Nhưng với ấn phẩm “Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu” mà
Ủy ban Kinh tế gửi đến các đại biểu Quốc hội trước kỳ họp thứ 4, mặc dù
giá trị pháp lý không cao như báo cáo giám sát 3 năm trước, song, nó lại
có sức lan tỏa rất lớn.
Trong báo cáo này, đã đưa ra một loạt nhận định hết sức mạnh mẽ như:
Việt Nam tập trung rất nhiều nguồn lực xây dựng các tập đoàn kinh tế
thành “quả đấm thép” là “công cụ ổn định kinh tế vĩ mô”; Tuy nhiên việc
dùng các tập đoàn kinh tế, công ty nhà nước để bù lỗ, ổn định giá đều
quá tốn kém, không hiệu quả và bị chia chác trong “lợi ích nhóm”.
Báo cáo cũng nhấn mạnh: “quan điểm “kinh tế nhà nước là chủ đạo” đang bị
các nhóm lợi ích tận dụng triệt để cho lợi ích của một số cá nhân có
liên quan. Đây là miếng đất màu mỡ để tạo ra các mối “quan hệ” vây quanh
các tập đoàn và tổng công ty nhà nước nảy nở và phát triển”.
Sau đó, tại kỳ họp thứ 4, tháng 10/2012, khi cho ý kiến vào bản dự thảo
sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhiều đại biểu Quốc hội đều đã cho rằng
không thể tiếp tục coi kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, khi mà lực
lượng này trong suốt thời gian qua không làm được nhiệm vụ dẫn dắt nền
kinh tế. Nhiều lần cân nhắc nâng lên đặt xuống, Ủy ban dự thảo sửa đổi
Hiến pháp năm 1992 đã quyết định bỏ khái niệm “Kinh tế nhà nước là chủ
đạo” trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đang được công bố để
lấy ý kiến nhân dân.
Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam
nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2013/01/tap-oan-ngay-ay-bay-gio.html#more
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào
“nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ
xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001