Nguyễn Văn Soạn (Tuần Việt Nam)
- Việc nhân viên y tế ăn chia với "cò" bệnh viện là có cơ sở. Có ý kiến
cho rằng "cò' bệnh viện cũng là một hệ lụy của hiện tượng quá tải của
bệnh viện tuyến trên.
LTS: Hiện tượng "phong bì" cho
tới "cò" bệnh viện không còn là mới mẻ. Có điều, chỉ ra nguyên nhân và
tìm các giải pháp ngăn chặn, "chữa trị" xem ra còn rất nan giải. Tuần
Việt Nam chúng tôi xin đăng tải bài viết của một bác sĩ vừa gửi đến, với
hy vọng, nhận được nhiều ý kiến xa gần của bạn đọc, các nhà quản lý y
tế - những giải pháp hữu hiệu giúp môi trường chữa bệnh của các bệnh
viện cũng trở nên lành mạnh hơn. Bài vở xin gửi về
tuanvietnam@vietnamnet.vn.
Từ lâu, chuyện "phong bì' trong ngành y tế đã trở thành "một biểu tượng"
của thực trạng xuống cấp, suy thoái đạo đức của ngành y.
Chưa có hồi âm...
Trả lời chất vấn của các đại biểu tại kỳ họp Quốc hội mới đây, bà Bộ
trưởng Bộ Y tế thừa nhận 'tệ nạn' này là thực tại chung tại các bệnh
viện, cũng như thẳng thắn đánh giá tác hại của nó trong đời sống văn
hóa, chính trị xã hội của đất nước.
Một trong các biện pháp mang tính đồng bộ nhằm giải quyết tệ nạn, là bà
Bộ trưởng có lời đề nghị cử tri cả nước, các vị đại biểu Quốc hội, đưa
ra bằng chứng, bằng cách chụp ảnh nhân viên y tế nhận phong bì của bệnh
nhân gửi cho Bộ trưởng. Cùng với lời hứa sẽ xử lý nghiêm các các cán bộ
viên chức này.
Có điều cho tới này, lời đề nghị trên đây vẫn chưa có hồi âm. Chưa có ai
có được một bằng chứng như người đứng đầu ngành y tế yêu cầu.
Trong khi câu chuyện về cái phong bì trong ngành y tế còn chưa có lời
giải, thì một tệ nạn khác, cũng liên quan tới chuyện phong bì trong
ngành y tế. Đó là chuyện "cò" bệnh viện... bắt tay với bác sĩ.
Môi trường giúp cho "cò" nảy nở
Môi giới giao dịch là một hoạt động bình thường của nền kinh tế thị
trường. Hoạt động này giúp mọi người khi có nhu cầu, có thể tìm được một
sản phẩm, hoặc một dịch vụ có chất lượng.
Nhưng một khi những người chuyên làm nghề môi giới giao dịch được gọi là
"cò", thì ngay cách gọi dân dã, và miệt thị cho thấy, những hoạt động
môi giới giao dịch đó mang tính chất mờ ám, dựa trên những thông tin
không rõ ràng minh bạch. Thậm chí, có những hành vi mang tính chất lừa
đảo.
Môi trường giúp cho "cò" nẩy nở và phát triển là khi nền hành chính của
một quốc gia nói chung, hoặc hoạt động của một ngành nào, một cơ sở nào
đó nói riêng, thiếu minh bạch rõ ràng, có nhiều sơ hở, khiến lòng tham
của con người tìm ra cách luồn lách để kiếm lợi.
'Cò' bệnh viện hoạt động được và... sống khỏe, là nhờ dựa trên những
thông tin không được rõ ràng minh bạch, trong tổ chức hoạt động khám
chữa bệnh, trong các bệnh viện, trung tâm y tế lớn
Về chiêu thức (ngôn ngữ thủ đoạn) của "cò" bệnh viện lại rất giống nhau
và chỉ bằng một điệp khúc: "Bác sĩ A, hay B... giỏi, trình độ chuyên môn
cao". Nó đánh đúng tâm lý con người, vì lúc lâm trọng bệnh ai cũng muốn
tìm đến thầy giỏi, thuốc hay, và mau chóng được chữa khỏi bệnh.
Thực ra, nghề chữa bệnh cứu người là công việc cao quí, nhưng cũng đầy
gian nan, khó lường hết được những bất trắc có thể xảy ra, nên không một
thầy thuốc nào dám tự nhận mình là giỏi. Đây là một sự thật. Đó cũng là
đức tính khiêm tốn, là văn hóa trong giao tiếp, ứng xử với đồng nghiệp
của người thầy thuốc.
Tại các bệnh viên ngày nay, hoạt động chuyên môn trong khám chữa bệnh,
và cũng thường chỉ làm việc trong phạm vi được phân công hoặc trong phạm
vi chuyên khoa được đào tạo. Trình độ chuyên môn các thầy thuốc được
thể hiện bằng học vị, học hàm, nhưng họ vẫn thực hiện quy chế hội chẩn
trong cùng, hoặc nhiều chuyên khoa.
Bởi bằng cấp càng cao, họ càng chuyên sâu ở một lĩnh vực chuyên khoa nào
đó, nghĩa là có thể rất sâu ở một chuyên khoa này, thì lại kém ở chuyên
khoa khác. Ngay trong cùng một chuyên khoa, các bác sĩ có trình độ-
bằng cấp, tuổi nghề cao thấp khác nhau vẫn cùng tiến hành hội chẩn, lắng
nghe tôn trọng ý kiến của nhau.
Ảnh minh họa
"Cò" bệnh viện nói theo ai?
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học nói chung, y học nói riêng
đã có những phát triển tiến bộ vượt bậc. Để giảm tải cho các bệnh viện
tuyến trên, sự chuyển giao các kỹ thuật từ tuyến trên xuống tuyến dưới
là cần thiết, và cũng là một nhiệm vụ chính trị của ngành.
Để diễn đạt cho nhiệm vụ chính trị này, những người có trách nhiệm ngành
y tế thường dùng cụm từ 'bác sĩ giỏi, trình độ chuyên môn cao'. Tuy
vậy, cần minh định rõ ràng 'bác sĩ giỏi, trình độ chuyên môn cao' ở lĩnh
vực chuyên khoa nào?
Chính sự thiếu minh định trong ngôn ngữ, diễn đạt, của những người có
trách nhiệm như vậy, vô tình đã kích thích tâm lý con người trong lúc
lâm trọng bệnh, là chuyển viện vượt tuyến, bất chấp các thủ tục hành
chính cần thiết, và đã trở thành ngôn ngữ của 'cò' bệnh viện.
Có một sự thật tại nhiều bệnh viện tuyến dưới: Tổ chức phòng khám bệnh
chuyên khoa, nhưng người trực tiếp làm việc lại là bác sĩ đa khoa. Bác
sĩ thuộc chuyên khoa khác, thậm chí còn do bác sĩ thuộc hệ y học dự
phòng (chuyên khoa vệ sinh phòng dịch, y tế công cộng)... đảm nhiệm.
Trên bàn khám bệnh thường không có biển để dán ảnh, ghi tên tuổi, học
hàm, học vị, cũng như chuyên khoa của bác sĩ trực tiếp làm việc. Những
thông tin này chỉ thể hiện trên biển công chức. Nhưng do kích thước và
cỡ chữ trên đó quá nhỏ, khiến bệnh nhân không thể đọc và phân biệt được.
Khi đi khám bệnh tại các bệnh viện, bệnh nhân thường không biết người
vừa khám bệnh cho mình là ai.
Mặt khác, sự phân công bác sĩ khám chữa bệnh một cách tùy tiện, cùng với
cách công khai những thông tin về bác sĩ trực tiếp khám, chữa bệnh, tại
các bệnh viện như vậy, cũng là điều kiện tốt cho 'cò' hoạt động.
"Cò" bệnh viện dễ nhận biết, nhưng...
"Cò" bệnh viện cũng rất phong phú đa dạng. Từ "cò" phòng khám, đến ..."cò" máu. Nhưng cơ bản chia ra hai loại:
1- "Cò" ngoại: Hoạt động phía ngoài cổng bệnh viện, thực chất là các nhóm tội phạm hoạt động lừa đảo bệnh nhân.
2- "Cò" nội: Hoạt động trong bệnh viện, thường là có nhân viên y tế tiếp
tay, giúp cho cò thực hiện hành vi của mình. Cũng có khi 'cò' lại chính
là nhân viên y tế, hoặc cán bộ được bệnh viện hợp đồng (bảo vệ, trong
giữ xe..) có trường hợp lại chính là người nhà của giám đốc bệnh viện.
Có nhiều ý kiến khác nhau về sự tồn tại, cũng như cách giải quyết tệ nạn 'cò' bệnh viện.
Nếu cho rằng 'cò' bệnh viện thuộc loại tội phạm lừa đảo, thì căn cứ vào
mức độ thiệt hại do 'cò' bệnh viện gây ra trong mỗi 'phi vụ' chỉ từ vài
chục ngàn, tới vài trăm ngàn đồng, thì mức xử phạt chắc cũng chỉ "phê
bình", "cò" cam kết rồi cho về với hy vọng không tái diễn!?
Cách giải quyết như vậy chắc chắn không có hiệu quả gì.
Việc nhân viên y tế ăn chia với "cò" bệnh viện là có cơ sở. Có ý kiến
cho rằng 'cò' bệnh viện cũng là một hệ lụy của hiện tượng quá tải của
bệnh viện tuyến trên.
Ông Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: Một
số đại diện bệnh viện ở các nước xung quanh rất lạ khi ở bệnh viện của
Việt Nam có nạn cò mồi. Tình trạng này chủ yếu tập trung tại khu vực
bệnh viện Nhà nước, đây là "khuyết tật" về mặt xã hội thuộc khu vực
công!
Cũng có nhiều ý kiến qui trách nhiệm cho việc lộng hành của 'cò' bệnh
viện, là do sự dung túng của giám đốc các bệnh viện, cũng như các cấp
quản lý trong ngành y tế, và sự thiếu trách nhiệm của người đứng đầu
ngành y.
Nhưng thật sự có nhiều việc trong lĩnh vực y tế, không phải hoàn toàn
trách nhiệm thuộc về người đứng đầu ngành y. Ví dụ như; việc bổ nhiệm
chức danh giám đốc của một bệnh viện tuyến dưới chẳng hạn, từ việc dự
nguồn, quy hoạch đến bổ nhiệm luôn là nhiệm vụ của cấp ủy Đảng các cấp,
và theo phân cấp quản lý Nhà nước thì người ký quyết định, chắc chắn
cũng không phải là Bộ trưởng.
Có giám đốc bệnh viện công lập, trong quản lý, điều hành hoạt động của
bệnh viện, đã vi phạm hầu hết các văn bản pháp luật quy định cho hoạt
động của bệnh viện. Các văn bản này do chính Bộ Y tế ban hành. Nhưng
khi kiểm tra chấp hành điều lệ Đảng thì cấp ủy vẫn kết luận "tròn vo" về
phẩm chất tư cách, và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao!?
Và giả thử có một ngày, có người gửi cho Bộ trưởng đầy đủ chứng cứ 'cò'
bệnh viện là người nhà của giám đốc một bệnh viện nào đó thì sao? Bộ
trưởng sẽ xử lý thế nào? Xử lý 'cò' hay xử lý vị giám đốc bệnh viện
kia?
Đây chính là cái "khuyết tật" trong khu vực công, đã dẫn tới xử lý 'cò'
thì không được mà xử lý cán bộ cũng không xong. Kết quả là 'cò' bệnh
viện đã 'sống khỏe' và sinh sôi phát triển như bây giờ.
Vậy thì đến bao giờ, thì cả cái phong bì và "cò" bệnh viện sẽ biến mất?
nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2013/01/tu-phong-bi-en-cac-loai-co-benh-vien.html#more
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào
“nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ
xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001