"Nếu mà nói là lợi cho phong trào dân chủ ở Việt Nam thì tôi nghĩ là
không. Chắc chắn là không. Những năm gần đây Vatican cố gắng chứng tỏ
với nhà nước Việt Nam là Giáo Hội không can dự vào chuyện tranh đấu của
các đảng phải chính trị, các phong trào dân chủ ở Việt Nam. Bởi thế tôi
nghĩ có lẽ không có chuyện Đức Giáo Hoàng lấy vấn đề dân chủ mà áp lực
với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong những cuộc gặp thế này. Đối
với nhà cầm quyền cộng sản VN thì ngược lại. Hiện tại họ đang bị kết án
nặng nề vì những hành vi vi phạm nhân quyền. Trong bối cảnh đó cuộc gặp
của ông Tổng Bí Thư với Đức Giáo Hoàng, một cách mặc nhiên, được coi như
là một lá bài nhằm che bớt đi bộ mặt xấu xa nhem nhuốc của một chế độ
hà khắc, khiến nhiều người lầm tưởng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có
thiện cảm với Công giáo và có thiện chí bảo vệ nhân quyền..." - Linh mục Nguyễn Văn Khải.
*
Hiền Vy (thông tín viên RFA)
- Vào ngày thứ Ba, 22 tháng 1, Đức Giáo Hoàng Benedicto 16 đã tiếp kiến
Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng tại Vatican. Hiền Vy có cuộc nói
chuyện nhanh với LM Nguyễn Văn Khải, người đang du học tại Rome, trước
hết LM Khải cho biết ý kiến của ông về buổi gặp gỡ của Đức Giáo Hoàng và
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng:
Đức Giáo hoàng Benedict XVI (phải) tiếp TBT đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng tại Vatican hôm 22-01-2013. AFP PHOTO/Osservatore Romano
Thành công ngoại giao?
LM Nguyễn Văn Khải: Ở Việt Nam những năm gần đây thực quyền của
chức Tổng Bí thư Đảng cộng sản bị suy giảm. Trong số ba nhân vật chủ
chốt nắm giữ các chức vụ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng, thì
bản thân ông Nguyễn Phú Trọng, về phương diện cá nhân, cũng không phải
là người thể hiện được vai trò lãnh đạo nổi bật hơn Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Trên phương diện ngoại giao quốc
tế thì vị thế Tổng Bí thư ngày càng mờ nhạt. Năm ngoái ông đã có một
chuyến công du không thành công tại Mỹ Latin. Sau nữa, trong bộ máy nhà
nước Việt Nam, chức vụ Thủ tướng và Chủ tịch nước đều đã gặp Đức Giáo
Hoàng, nên bây giờ họ muốn Tổng Bí thư còn lại cũng gặp nốt. Đối với các
nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam thì những chuyện thế này là quan trọng.
Trong chiều hướng đấy, tôi nghĩ cuộc gặp lần này giữa Đức Giáo Hoàng
Benedicto XVI và ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là do phía Việt Nam đề
nghị rồi Tòa Thánh đã chấp thuận và Đức Giáo Hoàng đã chiếu cố tiếp ông
Tổng Bí thư và đoàn tùy tùng. Có lẽ Đức Giáo hoàng tiếp ông không phải
với tư cách là người đứng đầu một đảng phái, mà với tư cách của một
nguyên thủ quốc gia theo thực tế tổ chức của chế độ cộng sản.
Hiền Vy: Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng có lợi gì cho phong trào Dân Chủ tại VN không? Thưa LM.
LM Nguyễn Văn Khải: Nếu mà nói là lợi cho phong trào dân chủ ở
Việt Nam thì tôi nghĩ là không. Chắc chắn là không. Những năm gần đây
Vatican cố gắng chứng tỏ với nhà nước Việt Nam là Giáo Hội không can dự
vào chuyện tranh đấu của các đảng phải chính trị, các phong trào dân chủ
ở Việt Nam. Bởi thế tôi nghĩ có lẽ không có chuyện Đức Giáo Hoàng lấy
vấn đề dân chủ mà áp lực với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong những
cuộc gặp thế này. Đối với nhà cầm quyền cộng sản VN thì ngược lại. Hiện
tại họ đang bị kết án nặng nề vì những hành vi vi phạm nhân quyền.
Trong bối cảnh đó cuộc gặp của ông Tổng Bí Thư với Đức Giáo Hoàng, một
cách mặc nhiên, được coi như là một lá bài nhằm che bớt đi bộ mặt xấu xa
nhem nhuốc của một chế độ hà khắc, khiến nhiều người lầm tưởng nhà cầm
quyền cộng sản Việt Nam có thiện cảm với Công giáo và có thiện chí bảo
vệ nhân quyền. Bởi vậy, tôi nghĩ cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo hoàng và ông
Tổng Bí thư lần này chả có lợi gì cho phong trào dân chủ ở Việt Nam.
Ngược lại, chế độ sẽ lại lợi dụng những “thành công” ngoại giao kiểu này
để gia tăng đàn áp những cá nhân và tổ chức ở Việt Nam đang đòi dân
chủ, và họ phớt lờ những đòi hỏi tôn trọng nhân quyền từ cộng đồng quốc
tế. Đấy là thực tế đã thể hiện trong những năm gần đây.
Thiện chí của Vatican
Hiền Vy: Nhà nước VN và Vatican chưa thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ thì sự gặp gỡ này có bình thường không?
LM Nguyễn Văn Khải: Thế nào là bình thường và thế nào không bình
thường? Nếu lấy việc thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa hai quốc
gia làm tiêu chí phán đoán cho cuộc tiếp kiến này là bình thường hay
không bình thường thì theo tôi cũng không chuẩn. Bởi vì chả có gì ngăn
cản một vị giáo hoàng, với tư cách là người đứng đầu quốc gia Vatican
gặp một nguyên thủ quốc gia khác, dù hai bên đã hay chưa thiết lập quan
hệ ngoại giao với nhau. Trước đây Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II cũng đã
tiếp ông Tổng Bí thứ Đảng Cộng sản Liên Xô Gorbachov vào ngày 1 tháng
12 năm 1989, khi ấy hai bên cũng chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với
nhau. Cuộc gặp gỡ lần này theo tôi hiểu có lẽ diễn ra trong bối cảnh
quan hệ ngoại giao giữa hai bên đã “tiến thêm một bước” như nhiều người
thường nói.
Đức
Giáo hoàng Benedict XVI (phải) tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam
Nguyễn Phú Trọng tại Vatican hôm 22-01-2013. AFP PHOTO.
Cụ thể ấy là việc đầu năm 2011 nhà nước Việt Nam chấp thuận cho Vatican
có một vị đại diện không thường trú tại Việt Nam và cuối năm 2012 chấp
thuận cho Giáo hội Việt Nam tổ chức hội nghị của Liên Hội đồng các giám
mục châu Á. Tuy nhiên, nhiều người khác lại thấy là không bình thường,
vì thời gian gần đây nhà nước cộng sản Việt Nam đàn áp người công giáo
dữ dội hơn trước, tình trạng vi phạm nhân quyền nói chung và vi phạm tự
do tôn giáo nói riêng diễn ra trắng trợn và thường xuyên hơn trước. Hơn
nữa, nghị định tôn giáo mới ban hành thì siết chặt quyền tự do tôn giáo
nhiều hơn trước. Song ngay cả điều này nữa, thì cũng không thể nào ngăn
cản cuộc tiếp kiến. Theo tôi hiểu cuộc gặp lần này cũng như các lần
trước diễn tả thiện chí muốn đối thoại và kiên trì đối thoại của Tòa
Thánh Vatican với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.
HiềnVy: Là một người đang du học tại Rome, xin LM cho biết với sự đàn áp giáo dân tại VN và cuộc gặp gỡ này có sự liên quan gì không?
LM Nguyễn Văn Khải: Tình hình chính trị, xã hội, tôn giáo ở Việt
Nam phức tạp và rối ren như mớ bòng bong. Không thể gắn kết các cuộc gặp
gỡ song phương giữa Tòa Thánh và nhà nước CS Việt Nam với các vụ đàn áp
giáo dân. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận một thực tế là sau một
cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng hoặc sau một thỏa thuận công khai nào đó
giữa Tòa Thánh và nhà nước Việt Nam được công bố, thì thường xảy ra
những vụ đàn áp dưới hình thức nào đó liên quan đến giáo dân.
Thí dụ: Năm 2007, sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Đức Giáo Hoàng
thì ngày 29 tháng 1 xảy ra vụ công an phá tượng Đức Mẹ Sầu Bi ở giáo xứ
Đồng Đinh, Ninh Bình. Sau khi ông Nguyễn Minh Triết gặp Đức Giáo Hoàng
cuối năm 2009, thì đầu năm 2010 xảy ra vụ phá thánh giá ở giáo xứ Đồng
Chiêm, Hà Nội và giáo dân ở đây bị đàn áp dài ngày. Năm 2011 sau khi nhà
cầm quyền đồng ý cho vị đại diện ngoại giao không thường trú đến Việt
Nam, thì họ tiến hành bắt bớ hàng loạt các thanh niên công giáo nhiệt
thành, rồi tấn công giáo xứ Mỹ Lộc ở Hà Tĩnh và giáo điểm Con Cuông ở
Nghệ An. Cuối tháng 11 năm 2012 nhà nước cho tổ chức Hội nghị các Giám
mục châu Á ở Xuân Lộc, thì sau đó diễn ra các vụ xử án các giáo dân Công
giáo với những bản án nặng nề quá sức tưởng tượng.
Trong các cuộc làm việc chung giữa Tòa Thánh và Việt Nam thì Tòa Thánh
luôn muốn bảo đảm cho người công giáo được có quyền công dân đầy đủ và
Giáo hội Công giáo được bình đẳng với các tổ chức xã hội khác. Thế nhưng
đó là điều khó có thể thực hiện. Bởi vì nếu nhà nước Việt Nam đáp ứng
đầy đủ những đề nghị của Tòa Thánh đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam
thì họ cũng phải đáp ứng những mong muốn tương tự của các tôn giáo khác ở
Việt Nam. Chưa kể rằng nhà nước Việt Nam từ trước tới nay, ở mọi cấp độ
và môi trường, họ luôn giữ thái độ căm thù cố hữu với Công giáo và
trong thực tế hành xử thì nhà nước Cộng sản luôn có ý kiềm chế và tiêu
diệt Công giáo, bất chấp thiện chí của giáo hội Công giáo trên phương
diện cá nhân cũng như trên phương diện tập thể.
Bởi vậy, vượt ra ngoài mong muốn của Tòa Thánh, về mặt đối ngoại nhà cầm
quyền CSVN có thể lợi dụng các cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng và các
cuộc làm việc song phương nhằm đánh bóng mình trước con mắt quốc tế,
trong khi lại gia tăng sức ép và sự kiểm soát trên các cộng đồng giáo
dân, và hơn nữa sẵn sàng đàn áp giáo dân vì những lý do vô lý. Bất chấp
những thỏa thuận không căn bản đạt được giữa Tòa Thánh và Việt Nam thì
căn bản Việt Nam vẫn không có tự do tôn giáo, giáo dân và Giáo hội Công
giáo Việt Nam căn bản vẫn bị phân biệt đối xử, thậm chí bị đàn áp. Từ
năm 1988 đến nay, chưa khi nào tôi thấy nhà nước Việt Nam đàn áp Công
giáo và tấn công giáo dân một cách trắng trợn và dã man như 5 năm vừa
qua.
Hiền Vy: Xin cảm ơn Linh Mục đã dành cho RFA buổi phỏng vấn này.
2013-01-23
*
Vatican – VN: Có đi nhưng chưa có lại?
Đoàn Xuân Lộc (BBC)
- Hôm Thứ Ba (22/01), Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã dành một cuộc đón
tiếp được coi là ngoại lệ cho Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng khi
ông và phái đoàn Việt Nam tới thăm Vatican.
Thông thường ĐGH không tiếp khách vào ngày thứ Ba trong tuần vì đó là
ngày nghỉ của Ngài. Cũng theo thông lệ Ngài chỉ tiếp nguyên thủ, thủ
thướng chính phủ của một quốc gia. Hơn nữa, Vatican và Việt Nam vẫn chưa
thiết lập quan hệ ngoại giao.
Do đó, việc dành một sự đón tiếp như vậy cho người đứng đầu một đảng
phái – hơn nữa đó lại là đảng Cộng sản – làm dư luận ngạc nhiên, coi đó
là bất thường.
Một điểm khác gây bất ngờ, nếu không muốn nói gây thắc mắc cho không ít
người, trong đó có những người Công giáo Việt Nam, là cuộc gặp này diễn
ra chỉ gần hai tuần sau khi tòa án tỉnh Nghệ An kết án 14 thanh niên
Công giáo và Tin lành. Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, trong đó có Mỹ
và Liên hiệp châu Âu, đã lên tiếng chỉ trích bản án.
Và mới cách đây hai ngày, hôm 20/01, Ban Công Lý và Hòa Bình (CL&HB)
Giáo phận Vinh đã chính thức ‘phản đối bản án phi pháp và bất công’ ấy
vì ‘việc công dân tham gia hoạt động đảng phái, bày tỏ lập trường quan
điểm chính kiến chính trị là quyền của một người dân bình thường được
luật pháp quốc tế bảo đảm’, vì bản án đó ‘vi hiến’ và vì ‘tiến trình tố
tụng thiếu minh bạch và sai pháp luật tố tụng’.
Vậy tại sao lại có cuộc gặp ngoại lệ, bất thường này?
Chủ trương đối thoại
Việc dành sự tiếp đón đó cho lãnh đạo đảng CSVN nhân dịp ông đến Ý cho
thấy dù đối lập về nhân sinh quan và dù quan hệ giữa Giáo hội Công giáo
và chính quyền Việt Nam đang có nhiều điểm bất đồng, Tòa Thánh vẫn luôn
coi trọng đối thoại và coi việc tiếp, xúc trao đổi là phương pháp tốt
nhất để giải quyết những khúc mắc.
Năm 1998, ĐGH John Paul II đã tới thăm Cuba và trong chuyến thăm lịch sử
ấy Ngài đã kêu gọi ‘Cuba mở cửa ra với thế giới, và thế giới mở vòng
tay đón Cuba’. Và 14 năm sau, vào tháng Ba năm ngoái, Đức Giáo Hoàng
Benedict XVI cũng đã tới thăm đất nước Cộng sản này.
ĐGH Benedict XVI cũng đã đón tiếp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vào
tháng 1 năm 2007 và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vào tháng 12 năm
2009. Do đó, chuyện Ngài tiếp ông Trọng dịp này cũng không phải hoàn
toàn là một trường hợp cá biệt.
Với giới lãnh đạo Việt Nam, việc ông Trọng gặp ĐGH cũng chứng tỏ rằng dù
muốn hay không họ vẫn coi trọng ảnh hưởng của Vatican vì ít hay nhiều
những cuộc gặp như vậy giúp họ tạo dựng hình ảnh, củng cố uy tín đối với
dư luận quốc tế nói chung và đối với người Công giáo Việt Nam nói
riêng. Hơn ai hết, chắc giới lãnh đạo Việt Nam biết rõ sự tác động của
Tòa Thánh đối với giáo dân Việt Nam.
Hơn nữa, so với quan hệ Vatican-Trung Quốc, mối quan hệ giữa Tòa Thánh
và Hà Nội cũng đỡ căng thẳng hơn, nếu không muốn nói là tiến triển tốt
đẹp hơn. Vatican chưa có những cuộc gặp cấp cao như vậy với Bắc Kinh.
Ngoài ra, trong những năm qua đã có nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi, làm
việc giữa hai bên.
Trong cuộc gặp được coi là thân thiện lần này, Vatican và Hà Nội cũng đã
trao đổi các chủ đề mà hai bên cùng quan tâm và bày tỏ ‘hy vọng sẽ giải
quyết một số vấn đề và nếu chưa giải quyết được, thì quan hệ hiện tại
được củng cố’.
Nhưng những vấn đề chưa được giải quyết đó là gì và cuộc gặp được coi là lịch sử này có thể giúp giải quyết những vấn đề ấy.
Theo một bài viết của Frédéric Mounier đăng trên nhật báo Công giáo La
Croix tại Pháp hôm 22/01/2013, trong các vấn đề đó có việc trả lại tài
sản cho Giáo hội, hoạt động giáo dục của Giáo hội, bản án nặng dành cho
các thanh niên Công giáo và Tin Lành vừa qua.
Cũng theo bài viết này vấn đề bình thường hóa quan hệ ngoại giao không
được đưa vào chương trình nghị sự lần này mặc dù khi được đón tiếp cách
đây gần ba năm, Chủ tịch Việt Nam đã bày tỏ mong muốn ấy. Điều đó cũng
cho thấy cuộc gặp này sẽ không mang đến những cải thiện đáng kể trong
quan hệ song phương trong thời gian tới. Những vấn đề được đề cập trên
chắc chắn sẽ không được giải quyết nay mai.
Sau hai cuộc gặp của ĐGH với ông Dũng và ông Triết, có người hy vọng
rằng mối quan hệ giữa hai bên sẽ có những thay đổi lớn. Nhưng thực tế
không có gì thay đổi nhiều trong những năm qua, ngoại trừ việc Việt Nam
chấp nhận việc bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli người Ý làm
đại diện không thường trực của Tòa Thánh tại Việt Nam vào tháng 11 năm
2011.
Trong khi đó, Vatican đã thiết lập quan hệ ngoại giao hay có đại diện
thường trú tại nhiều nước Đông Nam Á khác, như Singapore, Malaysia,
Brunei, Thái Lan và Indonesia – những quốc gia có ít người Công giáo hơn
Việt Nam.
Việc đến giờ Vatican vẫn chưa thiết lập được quan hệ ngoại giao với Việt
Nam hay có một đại diện thường trực tại đây sau hơn hai mươi năm tiếp
xúc, trao đổi, đối thoại giữa Tòa Thánh và Hà Nội cho thấy vẫn còn có
nhiều khác biệt giữa hai bên.
Ba vị lãnh đạo cao cấp của Việt Nam đã được ĐGH tiếp đón tại Vatican.
Trong khi đó, viễn cảnh chính quyền Cộng sản Việt Nam đồng ý đón tiếp
người đứng đầu Giáo hội Công giáo như Cuba đã làm vẫn còn mờ mịt. Xem ra
trong quan hệ giữa Vatican và Hà Nội chỉ có đi nhưng chưa có lại.
Vẫn nhiều khác biệt
Chuyến
thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến tòa thánh Vatican diễn ra chỉ
vài ngày sau khi tòa án Nghệ An tuyên án tù với 14 giáo dân trong nước.
Tình trạng đó cứ tồn tại vì những cuộc đối thoại, trao đổi ấy không làm
giảm khoảng cách về ý thức hệ, về nhân sinh quan, về cách tiếp cận vấn
đề giữa hai bên.
Trong một huấn từ với các Giám Mục Việt Nam vào tháng 6 năm 2009 tại
Rôma, ĐGH Benedict XVI mời gọi người Công giáo Việt Nam ‘cần chứng tỏ
qua cuộc sống dựa trên bác ái, trung thực, yêu chuộng công ích rằng một
người Công Giáo tốt cũng là một công dân tốt’.
Từ đó, câu nói ‘Người Công Giáo tốt là người công dân tốt’ luôn được
chính quyền Việt Nam sử dụng. Nó được các quan chức Việt Nam lặp đi lặp
lại trong các cuộc gặp, diễn văn liên quan đến người Công giáo. Hình như
nhiều lúc nó còn được trích dẫn để nhắc nhở hay ‘dạy’ lại giáo dân,
linh mục, tu sỹ coi như họ không hiểu gì hay chưa thấm nhuần giáo lý của
mình.
Với chính quyền Việt Nam, câu nói đó thường được diễn giải theo nghĩa
người Công giáo tốt trước hết phải biết chấp hành – hay ít ra không được
đi ngược – những đường lối, chủ trương chính sách của đảng, của nhà
nước.
Nhưng với người Công giáo, câu nói đó không đơn thuần được hiểu như vậy.
Chẳng hạn, là công dân, người giáo dân ‘phải tích cực tham gia càng
nhiều càng tốt vào đời sống xã hội’, ‘được phép bênh vực các quyền lợi
riêng của mình cũng như của đồng bào, chống lại những lạm dụng của công
quyền’, hay ‘phải phát triển những định chế nhằm cải thiện điều kiện
sinh sống của con người’.
Đó cũng là lý do, vào tháng 11 năm 2012, Ủy ban CL&HB của Hội đồng
Giám Mục Việt Nam đã có một bản phúc trình nêu rõ một số vấn nạn đang
xảy ra tại Việt Nam như xử án bất công, dùng bạo lực để giải quyết các
tranh chấp dân sự, tình trạng tham nhũng, chủ quyền đất nước không được
coi trọng, phẩm giá con người bị chà đạp, thiếu tự do ngôn luận, thiếu
tự do tôn giáo.
Khi đưa ra bản phúc trình ấy, Giáo hội muốn ‘chứng tỏ rằng người Công
Giáo không hề thờ ơ với tình hình đất nước, nhưng luôn thể hiện một tình
yêu nước nồng nàn và nỗ lực kiếm tìm giải pháp tích cực dựa trên Giáo
huấn Xã hội của Giáo hội để xây dựng hòa bình’.
Cũng với cách hiểu như vậy, vào tháng 8 năm 2012, Ban CL&HB Giáo
phận Vinh cũng đã có một bản nhận định về ‘vụ án các thanh niên Công
giáo’, trong đó nêu rõ rằng ‘tất cả các thanh niên bị bắt và xét xử đều
là những sinh viên tốt, xuất thân từ các gia đình nông dân chất phác và
cần cù, hăng say tham gia các hoạt động tích cực vì lợi ích của cộng
đồng và xã hội và hành vi của họ có động cơ mục đích nhắm đến là một xã
hội tự do, tiến bộ và phát triển’.
Hai cách hiểu khác nhau về câu nói của ĐGH cũng như hai cách nhìn, thái
độ hoàn toàn trái ngược nhau về vụ án các thanh niên Công giáo và Tinh
lành này ít hay nhiều cho thấy những sự bất đồng lớn giữa nhà nước Việt
Nam và Giáo hội Công giáo.
Chừng nào hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong quan điểm,
nhận thức, trong việc tiếp cận các vấn đề chừng ấy vẫn chưa có những
thay đổi đáng kể trong quan hệ giữa chính quyền Việt Nam với Vatican và
Giáo hội Công giáo tại Việt Nam nói riêng.
nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2013/01/y-kien-ve-viec-gh-benedicto-16-tiep-tbt.html#more
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào
“nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ
xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001