Phần III: Dấu ấn NGUYỄN VĂN LINH
Chương 13: ĐA NGUYÊN
Cải cách ở bậc đại học
Chính sách kinh tế nhiều thành phần thông
qua tại Đại hội Đảng lần thứ VI, tháng 12-1986, đã đặt Việt Nam trước
nhiều áp lực thay đổi mà trước đó chưa ai trù liệu tới. Một trong những
lĩnh vực chịu áp lực đó là giáo dục. Trong bài trả lời “phỏng vấn Thông
tấn xã Việt Nam” ngày 4-12-1988, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh thừa nhận:
“Trong khi thực hiện những chính sách đúng đắn theo phương hướng đổi
mới, chúng ta chưa lường trước diễn biến phức tạp cho nên đã không kịp
thời xử lý tốt các vấn đề mới nảy sinh”.
Cũng như các nước xã hội chủ nghĩa khác,
giáo dục đại học của Việt Nam đã tuân theo mô hình bao cấp. Hằng năm,
căn cứ vào tính toán nhu cầu của các cơ quan, các địa phương, Uỷ ban Kế
hoạch Nhà nước phân bổ cho các trường đại học chỉ tiêu tuyển sinh. Rồi
căn cứ vào chỉ tiêu đó, ngân sách rót tiền cho các bộ chủ quản, các bộ
rót tiền xuống cho các trường thuộc quyền quản lý của mình. Sinh viên ra
trường được nhà nước phân công công việc.
Nhưng, từ năm 1987, nhiều lĩnh vực trước
đây thuộc khu vực công bắt đầu do “các thành phần kinh tế” khác đảm
trách: biên chế không còn nhu cầu, sinh viên ra trường không còn được
phân công về các cơ quan nhà nước. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội có
1.000 giáo viên, năm 1987 chỉ còn được giao chỉ tiêu tuyển sinh 100 sinh
viên. Các trường khác cũng rơi vào tình huống tương tự, viễn cảnh ra
trường không có việc làm làm cho sinh viên không muốn học, thầy cô không
muốn dạy. Bộ trưởng Đại học và Trung học Chuyên nghiệp (1987-1992),
Giáo sư Trần Hồng Quân nói: “Tình hình cực kỳ nguy hiểm, nếu không thay
đổi thì các trường đại học sẽ tan rã”.
Năm 1987, đang là Hiệu trưởng Đại học Bách
khoa Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Hồng Quân được bổ nhiệm giữ chức
Bộ trưởng Đại học và Trung học Chuyên nghiệp. Ông Quân là cháu gọi phu
nhân Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, bà Ngô Thị Huệ, là dì ruột. Không thể
định lượng mối quan hệ “dượng-cháu” này đã ảnh hưởng như thế nào tới các
quyết định của Bộ trưởng Trần Hồng Quân. Nhưng, đây là giai đoạn mà
chính sách tuyển sinh phân biệt đối xử được bãi bỏ và nhiều quyết định
của Bộ đã làm thay đổi giáo dục đại học Việt Nam(89).
Mùa hè năm 1987, Bộ Đại học quyết định
triệu tập hiệu trưởng và bí thư Đảng uỷ các trường đại học trong cả nước
về Nha Trang dự một hội nghị, về sau gọi là “Hội nghị Nha Trang”. Hội
nghị đã thảo luận bốn tiền đề đào tạo: Đào tạo không chỉ cho các cơ quan
nhà nước mà cho cả các thành phần kinh tế; Đào tạo theo dự báo yêu cầu
tương lai; Đào tạo phục vụ nhu cầu của nhân dân về học, không kèm theo
trách nhiệm phân công, sinh viên tự tìm việc làm và lập nghiệp tạo việc
làm cho xã hội; Đào tạo đa dạng, có cả những loại hình phi chính quy,
không chỉ bằng ngân sách mà còn thu học phí.
Lần đầu tiên, trong một hội nghị của ngành
các đại biểu có thể đối thoại với cơ quan quản lý. Bộ trưởng Trần Hồng
Quân nhớ lại: “Phản ứng kinh khủng, vì đào tạo không theo kế hoạch,
không phân công, không ngân sách là sai nguyên lý xã hội chủ nghĩa.
Nhiều bí thư đảng uỷ đòi đối thoại với ông Đặng Quốc Bảo, trưởng Ban
Khoa giáo Trung ương. Ông Bảo nói: ‘Cứ đối thoại với Bộ trưởng, tôi đến
đây để nghe’. Tôi nói: ‘Các đồng chí bác đề án này vậy có sáng kiến gì
khác để nền đại học của chúng ta tránh được sụp đổ?’. Mọi người chỉ than
mạo hiểm mà không đưa ra được phương án khác nào, cuối cùng phải chấp
nhận”.
Theo ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch Hội
đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp và Bí thư Trung ương Đảng Trần Xuân Bách
hoàn toàn ủng hộ kế hoạch cải cách này. Cả hai ông sau đó đã tham gia
Hội nghị Vũng Tàu và ủng hộ các trường ký trực tiếp với nước ngoài về
hợp tác đào tạo thay vì qua Bộ. Cho dù có những phản ứng lúc đầu, nhưng
sau Hội nghị Nha Trang, khi lên tàu trở về, các hiệu trưởng bắt đầu bàn
với nhau các kế hoạch thực hiện.
Ý tưởng bầu hiệu trưởng và phân cấp cho
các trường bắt đầu được đề cập đến ở Hội nghị Nha Trang. Về Hà Nội,
trong một lần gặp riêng tư, ông Trần Hồng Quân nói: “Tôi hỏi ông Võ Văn
Kiệt, khi ấy đang là phó chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng: ‘Chú
thấy sao?’. Ông Kiệt hỏi lại: ‘Mày còn phân vân à?’. Rồi nói: ‘Nếu tao
là bộ trưởng thì tao sẽ cho tiến hành’. Về, tôi cho áp dụng luôn ba hình
thức: bổ nhiệm thẳng hiệu trưởng, thăm dò trước khi bổ nhiệm và bầu
cử”.
Bầu hiệu trưởng đã tạo ra nhiều hiệu ứng
trong các trường đại học. Trước khi bỏ phiếu, Bộ trưởng trực tiếp đối
thoại với toàn thể cán bộ công nhân viên về mặt chủ trương. Sau đó, các
ứng cử viên đưa ra chương trình hành động của mình và đối thoại trực
tiếp với những người bỏ phiếu. Chính những cuộc đối thoại này đã làm cho
các ứng cử viên luôn luôn phải động não, luôn luôn phải làm hết sức
mình. Đó là một giai đoạn mà trong các nhà trường đại học, ở đâu cũng
thảo luận, ở đâu cũng bàn bạc. Ngày đầu tiên có cuộc đối thoại giữa Bộ
trưởng Trần Hồng Quân và cán bộ công nhân viên trường Đại học Tổng hợp
Hà Nội, hội trường Mễ Trì có sức chứa 600 người, từ sáng sớm đã chật từ
bên trong đến bên ngoài, tranh luận diễn ra liên tục từ bảy giờ sáng cho
tới một giờ chiều.
Tranh cử không phải là một sản phẩm của
đổi mới ở Việt Nam. Hội nghị Nha Trang diễn ra khi mà ở Moscow, vào ngày
21-6-1987, Xô viết Moscow đã tổ chức bầu cử chủ tịch và các phó chủ
tịch theo phương thức các đại biểu có thời gian ba ngày để thảo luận về
danh sách các ứng cử viên. Thay vì chỉ được biết tên các ứng cử viên
trước khi bỏ phiếu, như cách mà báo Nga gọi là “bộ máy cũ tái sản xuất
ra chính nó”(90).
Sinh viên và các phong trào tự phát
Cho dù không được tham gia bỏ phiếu, lực
lượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ chủ trương bầu hiệu trưởng vẫn là
sinh viên nhất là trong một giai đoạn “đòi tự do, dân chủ” đang trở
thành một trào lưu trên thế giới.
Ở Nam Triều Tiên, chính quyền độc tài quân
sự cũng bắt đầu lung lay. Một thứ trưởng ngoại giao Mỹ đã tới Seoul
trao tận tay Tổng thống Chun Doo Hwan lá thư của Tổng thống Reagan,
khuyên Chun đối xử nhẹ nhàng với những người biểu tình và đàm phán với
bên đối lập để sửa đổi hiến pháp. Đại sứ Mỹ tại Seoul cũng đã vào tận
nhà tù để gặp riêng hai lãnh tụ đối lập Kim Young Sam và Kim Dea Jung.
Sau bảy năm kiên trì đấu tranh, người dân
Hàn Quốc đã buộc Chun Doo Hwan phải chấp nhận sửa đổi hiến pháp và chế
độ bầu cử, bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận; thả tù nhân
chính trị và cam kết, đến tháng 2-1988, khi kết thúc nhiệm kỳ sẽ trao
lại quyền lực cho vị tổng thống dân sự được bầu ra theo nguyên tắc phổ
thông, trực tiếp. Người dân Seoul đổ xuống đường ăn mừng. Báo Tuổi Trẻ ngày 7-7-1987 gọi đây là “thắng lợi của sức mạnh quần chúng”.
Khi những người tuổi trẻ ý thức được sự
trưởng thành, họ không giới hạn sự đòi hỏi của mình trong những chuyện
cơm ăn, áo mặc. Không khí dân chủ trong môi trường đại học đã giúp họ
nhận ra và bày tỏ thái độ cả với chương trình đào tạo, thay vì cung cấp
những kiến thức cần thiết cho cuộc sống, sau năm 1975 đã bị chính trị
hoá(91).
Từ sau Nghị quyết 14 của Bộ Chính trị(92),
bậc “giáo dục mầm non”, dành cho trẻ từ hai đến bốn tuổi, cũng được coi
là “một bộ phận rất quan trọng trong sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ thành
những con người mới xã hội chủ nghĩa”. Ở bậc “giáo dục phổ thông” - từ
hệ 10 năm của miền Bắc được thiết kế thành hệ 12 năm như miền Nam - nội
dung giáo dục được yêu cầu phải “coi trọng các môn giáo dục công dân và
đạo đức cách mạng”. Tham gia đoàn thể là một hoạt động bắt buộc và trở
thành đoàn viên cộng sản là điều kiện tiên quyết để một học sinh được
thi vào đại học. Mục tiêu đầu tiên của bậc “giáo dục đại học” là đào tạo
những người “một lòng một dạ trung thành với tổ quốc xã hội chủ
nghĩa”(93). Chương trình học và sách giáo khoa bắt đầu được soạn mới,
chính trị càng tràn ngập trong các nội dung giảng dạy.
Giữa năm 1987, tại trường Đại học Tổng hợp
Thành phố Hồ Chí Minh, xảy ra vụ một sinh viên khoa Triết bị loại bài
thi và bị trưởng Bộ môn Marx-Lenin nhận xét: “Phê phán cực đoan và có
nguy cơ phản Đảng”. Nhiều sinh viên đã phản ứng. Đoàn trường Tổng hợp,
hồi tháng 6-1987, đã tiến hành một cuộc thăm dò dư luận cho thấy 89%
sinh viên được hỏi không thích học các môn lý luận chính trị, trong đó,
30% sinh viên cho rằng do bài giảng chính trị chất lượng kém, 20% cho
rằng cách tổ chức dạy và học chưa tốt.
Ngày 18-6-1987, Chi đoàn khoa Triết năm
thứ ba trường Đại học Tổng hợp tổ chức hội thảo về “giảng dạy và học chủ
nghĩa Marx-Lenin”. Tại đây, các sinh viên đã phê phán “giáo viên dạy lý
luận chính trị mà dựa vào sách vở như là viện dẫn kinh thánh”. Nhiều
sinh viên tuyên bố không thích học chính trị theo cách giảng dạy hiện
nay. Một sinh viên năm thứ tư cho rằng: “Tôn trọng thầy không có nghĩa
là không có quyền nhận xét thầy dạy dở. Đã đến lúc chất lượng bài giảng,
phương pháp giảng dạy, kể cả chất lượng giáo viên chính trị cần phải
được đánh giá lại”.
Không dừng lại ở nội dung giảng dạy, đầu
năm học 1987, hai sinh viên Đại học Kinh tế đã vẽ bốn tấm bích chương
dán ở bốn ký túc xá để thu thập chữ ký đòi các Ban Quản lý Ký túc xá cải
thiện điều kiện ăn ở cho sinh viên. Ở khoa Văn, Đại học Tổng hợp Thành
phố Hồ Chí Minh, sau khi phản ánh nhiều lần không có kết quả, sinh viên
đã xếp xe đạp thành rào chắn, chặn xe tải chạy vào xưởng cồn “cải thiện
đời sống” của khoa vì xưởng cồn gây ồn, ảnh hưởng đến các lớp học. Ban
Giám hiệu sau đó đã phải bố trí một nơi khác yên tĩnh hơn cho sinh viên,
còn “kẻ chủ mưu” cuộc biểu tình, sinh viên Nguyễn Ngọc Vinh, tháng
12-1987, được bầu làm bí thư Đoàn khoa Văn.Việc người lãnh đạo cuộc đấu
tranh với nhà trường được sinh viên tôn vinh cho thấy không gian dân chủ
trong giới sinh viên bắt đầu được đánh thức.
Không chỉ tình hình Đông Âu, giữa năm
1989, sự kiện Thiên An Môn(94) cũng trở thành đề tài bàn luận của sinh
viên Việt Nam. Tin tức về Thiên An Môn bị Ban Tuyên giáo kiểm soát. Báo
chí bị buộc phải đứng ngoài cho tới chuyến thăm lịch sử của Tổng bí thư
Liên Xô tới Bắc Kinh(95). Ngày 15-5-1989, trong bản tin nói về chuyến đi
của Gorbachev, báo Tuổi Trẻ mới có cơ hội lồng vào thông tin
liên quan tới Thiên An Môn: “Ngày 4-5-1989, khi tiếp các đại biểu ngân
hàng các nước dự hội nghị tại Bắc Kinh, Triệu Tử Dương nói, biểu tình sẽ
dần lắng dịu”. Một tuần sau, tuần tin Thanh Niên, xuất bản ngày
21-5-1989, viết rõ hơn: “Trong những ngày Gorbachev đang ở Bắc Kinh,
hàng trăm ngàn sinh viên vẫn biểu tình tại Thiên An Môn và tới nay thì
lôi cuốn tất cả các thành phần khác như nông dân, công nhân, các nhà
khoa học, nhà giáo, kể cả nhân viên nhà nước. Hàng ngàn sinh viên đang
tuyệt thực, trong đó có những sinh viên phải vào bệnh viện”.
Cho dù bị đàn áp đẫm máu(96), hình ảnh
đoàn xe tăng lầm lũi tiến vào Quảng trường Thiên An Môn bị chặn đứng bởi
một người đàn ông vô danh(97) đã khiến cho cuộc biểu tình được coi như
một biểu tượng quả cảm vì tự do, dân chủ. Bí thư Đoàn khoa Văn, Đại học
Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh năm 1989, Nguyễn Ngọc Vinh nhớ lại: “Ngay
từ khi ở Hàn Quốc, Thái Lan, đặc biệt là ở Thiên An Môn nổ ra biểu
tình, không khí trong sinh viên đã rất sôi sục. Anh em nói: ‘Khi nào hạ
lệnh là tụi em làm liền’. Tôi tìm gặp Giáo sư Lý Chánh Trung hỏi: ‘Thưa
thầy, có nên biểu tình?’. Giáo sư Lý Chánh Trung khuyên không nên, ông
phân tích tương quan rồi nói: ‘Trong chế độ này không nên làm cái gì
mang tính đối lập”.
Đất nước lúc ấy vẫn chưa hết nghèo đói, xã
hội rất bức bách, sinh viên bắt đầu trăn trở. Các thăm dò xã hội cho
thấy thanh niên không hài lòng với cuộc sống hiện thời(98). Cho dù không
có những hoạt động mang tính tổ chức nhưng nhu cầu phản kháng trong
giới sinh viên vẫn như một thùng thuốc súng. Chính yếu tố không có tính
tổ chức này đã làm cho các phản ứng của sinh viên rất bộc phát và đôi
khi vì những lý do nằm ngoài những bức xúc chính trị. Hai cuộc biểu tình
lớn diễn ra ở Sài Gòn trong năm 1989 đều có tính chất như vậy.
Cuộc biểu tình thứ nhất xảy ra vào đêm
10-6-1989. Vài giờ trước đó, tại ngã ba Nguyễn Cư Trinh - Cống Quỳnh,
dân quân Nguyễn Thanh Hùng đi xe đạp từ phía sau vượt lên va vào
ghi-đông xe đạp của hai sinh viên thuộc ký túc xá Trần Hưng Đạo. Vì xe
bị “tráng niền”, Hùng đánh hai sinh viên cho dù họ đề nghị Hùng mang xe
về ký túc xá sửa. Thay vì can gián, một nhân viên phường đội phường
Nguyễn Cư Trinh và một dân quân khác đã mang súng ra bắt hai sinh viên
về cơ quan phường đánh đập. Hay tin, hàng ngàn sinh viên đã kéo lên trụ
sở Uỷ ban Nhân dân Thành phố đòi phải trừng trị những kẻ đã đánh sinh
viên. Chính quyền Quận 1 ngay sau đó đã phải hứa cho điều tra, khởi tố
các nhân viên phường đội, sinh viên mới bằng lòng giải tán.
Cuộc biểu tình thứ hai nổ ra gần một tháng
sau giữa sinh viên và bảo vệ Công viên Kỳ Hoà. Sự việc bắt đầu cũng khá
đơn giản: Cuối giờ chiều ngày 6-7-1989, năm sinh viên ký túc xá Ngô Gia
Tự và một số học sinh lên Thành phố dự thi đang chơi ngoài bãi cỏ Công
viên Kỳ Hoà thì trời đổ mưa đột ngột. Họ cùng với những người khách khác
chạy vào trú mưa dưới mái hiên Nhà kính dị dạng. Ít phút sau, bảo vệ
công viên đi qua nhìn thấy một tấm kính bị vỡ nên đã mời số sinh viên
này lên phòng Ban Giám đốc giải quyết. Hai bên đôi co, người bảo vệ phát
hiện tấm kính vỡ đã đánh một sinh viên dập sống mũi. Một sinh viên khác
liền chạy về ký túc xá Ngô Gia Tự thông báo. Một số sinh viên, trong đó
có Ban Quản lý Ký túc xá đã đến Công viên Kỳ Hoà yêu cầu lập biên bản.
Cuộc làm việc chưa đi tới đâu thì bảo vệ
Kỳ Hoà cho thả chó bẹc-giê ra cắn hai sinh viên bị thương. Số sinh viên
đang đứng đợi dưới nhà, kêu lên: “Không đàm phán nữa, về kêu sinh viên
ra đập chết chó đi”. Một thành viên trong Ban Tự quản Sinh viên trực
tiếp thảo “lời kêu gọi” rồi đọc trên hệ thống loa phóng thanh của ký túc
xá Ngô Gia Tự. Hơn 600 sinh viên, trong đó gồm cả sinh viên ở ký túc xá
Nguyễn Chí Thanh, nghe tin cũng kéo theo, trực chỉ Hồ Kỳ Hoà. Ban Giám
đốc Công viên bỏ chạy. Bảo vệ chối không có chó. Sinh viên bắt phải tìm
ra con chó thủ phạm đã cắn sinh viên. Sẵn cừ tràm của một công trình
đang xây dựng trong Kỳ Hoà, sinh viên bẻ cừ, đập chết con chó đồng thời
làm hư hỏng thêm một số đồ vật khác.
Sinh viên vẫn đang sùng sục thì sáng ngày 9-7-1989, báo Sài Gòn Giải Phóng cho
đăng “Thông báo của Uỷ ban Nhân dân Quận 10”, đưa kết luận cuộc họp
ngày 7-7-1989 theo hướng bào chữa cho bảo vệ Kỳ Hoà. Ví dụ, sự kiện thả
chó, được nói: “Theo thông lệ, sau khi đóng cổng nhân viên trật tự đã
thả chó ra trong vòng rào công viên. Không may có thanh niên trong số
đông còn tụ tập sát cổng khu vực Kỳ Hoà II đã bị một con chó cào xước
nhẹ”. Cũng theo Thông báo: “Nhiều tốp sinh viên ở ký túc xá Ngô Gia Tự,
do nghe tin thổi phồng về tình hình xô xát đã kéo thêm đến công viên Kỳ
Hoà. Một số ít thanh niên trong các tốp đó đã xông vào đập phá gây thiệt
hại về tài sản cho cả các cơ sở trong hai khu vực Kỳ Hoà I & II”.
Thông báo nói rằng: “Cuộc họp đã kiến nghị điều tra, xử lý nhanh chóng
và nghiêm minh những người gây ra xô xát và đập phá tài sản công cộng”.
Số tiền mà Kỳ Hoà dự kiến đòi sinh viên bồi thường lên tới sáu mươi
triệu đồng.
Ngay sáng chủ nhật, 9-7-1989, hàng trăm sinh viên đã kéo tới Toà soạn báo Sài Gòn Giải Phóng yêu cầu đính chính. Sài Gòn Giải Phóng không
chịu, từ đường Nguyễn Thị Minh Khai, sinh viên kéo ra đường Lê Thánh
Tôn, đến trước trụ sở Uỷ ban Nhân dân Thành phố. Không chỉ có ký túc xá
Ngô Gia Tự, sinh viên từ các ký túc xá Trần Hưng Đạo, Nguyễn Chí Thanh
và từ Thủ Đức cũng lần lượt kéo lên. Cảnh sát phải chặn sinh viên từ Thủ
Đức lên ở bên kia cầu Sài Gòn. Ngay trong ngày 9-7-1989, chính quyền đã
dùng biện pháp mạnh, bắt bốn người trong Ban Tự quản Sinh viên: Phạm
Văn Chiến, Nguyễn Văn Tấn, Nguyễn Phong Thanh và Nguyễn Sơn Thuỷ Hùng.
Đồng thời, để xoa dịu tình hình, hai bảo vệ của Công viên Kỳ Hoà cũng bị
bắt.
Ngày 12-7-1989, báo Sài Gòn Giải Phóng “gặp
Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nguyễn Văn Bông”. Phát biểu của ông Bông
cho dù vẫn với thái độ “xử lý nghiêm minh” nhưng lời lẽ rõ ràng là “nói
lại cho rõ” những gì đăng trên tờ báo này hôm chủ nhật. Thay vì nói “mũi
của một sinh viên bị xây xát nhẹ”, ông Bông nói rõ: “Bảo vệ Dương Quang
Hiệp của Công viên Kỳ Hoà đã đánh học sinh Phạm Hữu Nghị gây thương
tích ở sống mũi”. Về vụ chó bẹc-giê cắn sinh viên, ông Bông nói: “Đội
phó bảo vệ Nguyễn Văn Lâm đã thả chó ra, chó cắn hai học sinh bị thương.
Theo quy định của Hồ Kỳ Hoà, chỉ khi không còn khách mới được thả chó
ra để bảo vệ”.
Nguyễn Sơn Thuỷ Hùng nhớ lại: “Khoảng bốn
giờ chiều ngày 9-7-1989, chúng tôi được mời lên công an thành phố. Với
sự chứng kiến của thầy hiệu phó và thầy Lý Chánh Trung họ đọc lệnh bắt,
đưa lên xe u-oát chở về 3C Tôn Đức Thắng”. Lệnh bắt nói là “tạm giam bốn
tháng” nhưng, người bị giữ lâu nhất là mười ngày, còn ba người còn lại
chỉ bị giữ một tuần rồi cho về. Giám đốc Sở Công an, Đại tá Nguyễn Hữu
Khương đã gặp bốn sinh viên ngay sau khi họ được thả ra. Ông Khương huấn
dụ: “Luật không cấm các em biểu tình, nhưng biểu tình thế là nguy hiểm,
là không kiểm soát được tình hình. Các em chớ dại”.
Theo báo cáo của Bộ Đại học và Trung học
Chuyên nghiệp tại Hội nghị Đồ Sơn mùa hè năm 1989, tính tới tháng
8-1989, trên cả nước có mười ba vụ “phản ứng tập thể của sinh viên” xảy
ra tại Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Cần Thơ và Sài Gòn. Theo báo
cáo này: “Phần lớn những đòi hỏi vừa qua của sinh viên là chính đáng.
Tuy nhiên, Bộ thấy rằng ở một số nơi, sinh viên có khuynh hướng giải
quyết yêu cầu bằng áp lực của số đông, dẫn đến tình hình phức tạp”. Biểu
tình càng bị coi là “phức tạp” hơn khi chính nó đang làm sụp đổ nhiều
quốc gia cộng sản.
Đông Âu
Cuộc cách mạng diễn ra trong cộng đồng các
nước xã hội chủ nghĩa cuối thập niên 1980 đã làm thay đổi bản đồ chính
trị thế giới. Tuy nhiên, những gì mà người dân Đông Âu và Liên xô coi là
cơ hội đã được Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh xác định như một nguy cơ.
Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được Chế độ
khẳng định là do Đảng Cộng sản Việt Nam thiết lập sau khi “đánh thắng ba
đế quốc to” (Nhật-Pháp-Mỹ). Trong khi, Chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu chủ
yếu được thiết lập sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II(99) dựa trên sự
áp đặt của Liên Xô. Trong đó, có những quốc gia được Liên Xô giải phóng
từ tay Hitler nhưng cũng có những quốc gia vốn là nạn nhân của họ(100).
Ngay từ những năm đầu, người dân và một số nhà lãnh đạo Đông Âu đã không
ngừng đấu tranh để chống lại sự áp đặt đó.
Sau cái chết của Joseph Stalin vào ngày
5-3-1953, hơn một triệu người dân Đông Đức đã xuống đường biểu tình.
Nhưng người dân Đông Đức đã bị đàn áp bởi xe tăng Liên Xô. Ngày
23-10-1956, người dân Hungary cũng nổi dậy, thành lập Hội đồng Lâm thời,
giải tán cảnh sát an ninh nhà nước, tuyên bố rút khỏi Khối Warszawa,
cam kết tái lập bầu cử tự do. Nhưng ngày 4-11-1956, Liên Xô đưa quân đội
sang, người dân Hungary đã chiến đấu cho tới ngày 10-11: hơn 2.500
người Hungary và 700 binh lính Liên Xô bị chết, hai mươi vạn người
Hungary phải đi tị nạn chính trị. Cựu Thủ tướng Nagy Imre bị bắt đưa
sang Liên xô. Ngày 17-6-1958, ông cùng những người nổi dậy bị Toà án Tối
cao Hungary tuyên bố hành quyết.
Cho dù Liên Xô đã dựng lên bức tường
Berlin(101), họ chưa bao giờ khuất phục được khát vọng tự do của người
Đông Âu. Từ năm 1965, ở Tiệp Khắc, mô hình Stalin được dần thay bằng mô
hình “xã hội chủ nghĩa thị trường”(102) với ước mơ xây dựng một chế độ
thực sự có “khuôn mặt con người”(103). Tháng 4-1968, Bí thư Dubček còn
đề cập tới khả năng về một quá trình mười năm để Tiệp Khắc chuyển sang
chế độ bầu cử dân chủ.
Nhưng, đêm 20-8-1968, Brezhnev đưa 200.000
lính, 2.000 xe tăng của “Khối Warszawa” tiến vào thủ đô Praha. Cuộc xâm
lăng này đã khiến 300.000 người dân Tiệp Khắc phải bỏ nước ra đi, trong
đó có 70.000 bỏ đi ngay lập tức. Ngày 19- 1-1969, một sinh viên tên là
Jan Palach đã tự thiêu tại Quảng trường Wenceslas ở Praha để phản đối sự
trấn áp quyền tự do ngôn luận(104).
Xe tăng Liên Xô đã làm tỉnh ngộ các đảng
viên cộng sản và hun đúc ý thức đấu tranh của người dân. Hơn 450.000
đảng viên rời khỏi đảng cộng sản, hoa tươi luôn được đặt nơi Jan Palach
tự thiêu. Từ cuộc vận động trả tự do cho nhóm nhạc “Plastic People”,
ngày 10-12-1977, Nhà viết kịch Vaclav Havel và các cộng sự quyết định
thành lập nhóm “đối lập xây dựng” và cho ra đời Hiến Chương 77 đòi chính
quyền tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng và các quyền
con người căn bản khác.
Ngày 6-1-1977, Hiến Chương 77 được công bố
với 242 người Tiệp Khắc ở trong nước đồng ký tên. Trong ngày, các thông
tín viên thường trực tại Praha đã loan tin Hiến Chương 77 đi toàn thế
giới. Cho dù chế độ gia tăng đàn áp, cứ phát ngôn viên này bị bắt thì
người khác trong nhóm lại đứng lên. Nhưng Đông Âu có thể đã phải mất
nhiều thời gian để thay đổi hơn, nếu như vào ngày 16-10-1978, Karol
Wojtyla, một người Ba Lan không trở thành Giáo hoàng John Paul II và đã
trở về thăm quê trong hào quang vào ngày 2-6-1979. Cho dù phải gần hai
năm sau, Ronald Reagan mới trở thành tổng thống, lúc ấy, từ một trang
trại của nước Mỹ ông đã cùng Richard Allen(105) theo dõi sát sao chuyến
đi của Giáo hoàng. Từ đầu thập niên 1980, chính sách ưu tiên của Reagan
là “đánh bật Ba Lan ra khỏi quỹ đạo Liên Xô”. Còn John Paul II thì gọi
Lech Walesa, lãnh tụ của phong trào Công đoàn Đoàn kết, là người “được
phái xuống bởi Chúa và ý Trời”. Nhưng, cả CIA lẫn Giáo hoàng cũng sẽ
không làm được gì nếu tự do, độc lập không phải là khát vọng bên trong
của những người dân Ba Lan, kể cả những người đang nắm quyền trong Đảng.
Trong kỷ nguyên cộng sản, người dân Ba Lan
đã từng đứng dậy ba lần vào các năm 1956, 1970 và 1976; cả ba lần chính
quyền đều đàn áp một cách tàn bạo. Nhưng, không phải tất cả các nhà
lãnh đạo người Ba Lan đều tán thành sử dụng vũ lực để chống lại nhân dân
mình. Năm 1980, khi các cuộc bãi công lại mau chóng lan rộng ra khắp
đất nước Ba Lan(106). Bí thư thứ nhất Gierek và bộ trưởng Quốc phòng của
ông, tướng Wojciech Jaruzelski, không muốn sử dụng lực lượng quân sự để
cưỡng bức những người bãi công trở lại làm việc cho dù họ bị Moscow đe
doạ.
Ngày 31-8-1980, Chính phủ Ba Lan đã phải
ký với Lech Walesa “Thoả ước Gdánsk” chấp nhận những đòi hỏi của công
nhân và đặc biệt hợp pháp hoá việc thành lập các tổ chức công đoàn độc
lập. Chưa đầy một tuần sau đó, ngày 5-9, dưới sức ép của Liên Xô, Gierek
mất chức. Ngày 27-3-1981, Walesa tổ chức một cuộc tổng bãi công làm cả
nước tê liệt, cả Kania và Jaruzelski, lúc này đã là chủ tịch Hội đồng Bộ
trưởng Ba Lan, lại bị triệu tập đến Moscow. Một trăm năm mươi nghìn
quân Nga và quân của Khối Warsawa được Liên Xô triển khai dọc biên giới
Ba Lan. Cả Jaruzelski và Kania cùng bị người đứng đầu KGB, Andropov, và
Bộ trưởng Quốc phòng Ustinov, đe doạ sẽ can thiệp quân sự nếu Ba Lan
không chịu đàn áp biểu tình.
Năm 1981, chỉ trong vòng chưa đầy ba
tháng, hai nhân vật quyền lực nhất thế giới và ủng hộ Công đoàn Đoàn kết
mạnh mẽ nhất bị ám sát: Tổng thống Reagan bị bắn vào ngày 23-2-1981,
Đức Giáo hoàng bị bắn vào ngày 13-5-1981. Nhưng, cả hai đều sống sót nhờ
viên đạn chỉ “đi chệch động mạch chủ vài milimet”.
Ngày 18-10-1981, theo đề nghị “của Moscow
và của tất cả các đảng cộng sản anh em”, Đảng Công nhân Thống nhất Ba
Lan đã cách chức Kania, chỉ định Jaruzelski làm bí thư thứ nhất. Tối
4-11-1981, Jaruzelski, Walesa và Tổng Giám mục Ba Lan Glemp gặp nhau.
Jaruzelski đề nghị lập “mặt trận hoà giải quốc gia” để chấm dứt những
cuộc hỗn loạn ở trong nước. Đề nghị của Jaruzelski tuy chưa được Walesa
tán thành nhưng vẫn làm cho Brezhnev tức giận. Ngày 21-11-1981, ông ta
đã gửi cho Jaruzelski một bức thư năm trang, đòi có “một trận đánh quyết
định chống lại kẻ thù giai cấp”. Trong tháng 11-1981, có 105 vụ đình
công và 115 vụ đình công khác đang được dự định tiến hành.
Ngày 10-12-1981, Bộ Chính trị Liên Xô họp
khẩn cấp. Nửa đêm, ngày 12-12-1981, trong vòng hai giờ, hầu hết những
người thuộc Uỷ ban Quốc gia vừa họp ở Gdánsk, “đòi bầu cử tự do và trưng
cầu dân ý về sự tồn tại của cộng sản”, đã bị bắt; quân đội với xe tăng
và bộ binh được điều vào các đường phố. Lệnh thiết quân luật vào ban đêm
có hiệu lực vô thời hạn. Ngoại trừ số máy dành cho quân đội và lực
lượng an ninh, tất cả điện thoại ở Ba Lan đều bị cắt. Jaruzelski lên
truyền hình, tuyên bố: “Không một nơi nào được phép tụ tập đông người
trừ nhà thờ”.
Danh sách những người bị bắt giữ lên tới
mười nghìn, tính tới tháng 3-1982. Walesa được đề nghị gặp Jaruzelski để
thương lượng nhưng ông yêu cầu tất cả những người bị bắt phải được thả
ra trước khi ông xem xét đàm phán với chính quyền.
Cuộc tấn công diễn ra khi cả bộ trưởng
Ngoại giao và bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đều không có mặt ở Washington. Ở
Hà Nội, báo Nhân Dân bình luận: “Reagan và bọn tay chân của đế quốc Mỹ
trên đất Ba Lan đã bị bất ngờ… Phần lớn bọn cầm đầu ở trung ương và địa
phương bị các lực lượng quân đội và an ninh theo dõi chặt chẽ, khoá tay
và tống vào trại giam”(107). Nhân Dân viết tiếp: “Bọn CIA và những tên
trùm phản động cầm đầu Công đoàn Đoàn kết không ngờ rằng lực lượng cách
mạng được huy động để trừng trị bọn chúng lại là quân đội nhân dân và
các lực lượng an ninh nhân dân Ba Lan… Chúng nghĩ như đinh đóng cột
rằng, lực lượng trừng trị chúng chỉ có thể đến từ một hướng duy nhất:
Quân đội Liên Xô”(108).
Ngày 7-6-1982, Reagan đến Vatican, nói
chuyện không qua phiên dịch suốt năm mươi phút trong phòng Giáo hoàng.
Tình hình Ba Lan không làm cho họ bi quan mà hai con người quyền lực
nhất thế giới này còn tính đến khả năng Liên Xô sụp đổ. Lúc đó, Reagan
bắt đầu chương trình chạy đua vũ trang, đặc biệt là “Star War”. Ông nói
với John Paul II việc chạy theo chính sách hạt nhân của Mỹ sẽ làm cho
Liên Xô kiệt quệ(109).
Đức Giáo hoàng trở về quê hương lần thứ
hai vào ngày 16-6-1983. Trước hai triệu người Ba Lan, Giáo hoàng đã ban
phước cho hai linh mục đấu tranh chống lại người Nga trong cuộc nổi dậy
thất bại của nhân dân Ba Lan vào năm 1863. Ngày hôm sau, John Paul II
gặp Walesa. Ngay sau đó, lệnh thiết quân luật được bãi bỏ. Tháng
10-1983, Walesa được trao giải Nobel Hoà bình… Nhưng, sự thay đổi của
Đông Âu còn chịu tác động rất nhiều bởi sự ra đi của “kỷ nguyên
Brezhnev”.
Leonid Brezhnep chết vào ngày 10-11-1982.
Người kế nhiệm ông là Yuri Andropov. Khi Walesa nhận giải Nobel Hoà
bình, Andropov đã tức giận viết thư trách cứ Jaruzelski. Nhưng, ông trùm
KGB này cũng chết vào tháng 2-1984. Người thay thế là Konstantin
Chernenko do ốm yếu nên chỉ nắm quyền được mười ba tháng. Tháng 3-1985,
Chernenko chết, Mikhail Gorbachev trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản
Liên Xô.
Tháng 4-1985, khi tới Ba Lan tham dự một
cuộc họp của Uỷ ban Tư vấn Chính trị Hiệp ước Warsawa, Gorbachev đã nán
lại để nói chuyện với Jaruzelski. Trước cuộc gặp, Gorbachev nói ông chỉ
có một giờ, nhưng cuộc nói chuyện đã kéo dài năm giờ.
Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận rất lâu về
Giáo hoàng và Vatican. Jaruzelski nhận ra Gorbachev không phải là một
người cộng sản Liên Xô như ông thường thấy. Cả hai phân tích “nguồn gốc
của hệ thống và sự cần thiết thay đổi”. Từ một người nghi ngại
Jaruzelski đi theo khuynh hướng đa nguyên, Gorbachev đã ngồi bàn với
Jaruzelski về việc áp dụng chủ nghĩa đa nguyên cho cả Ba Lan và Liên Xô.
Ngày 11-9-1986, Chính phủ Ba Lan tuyên bố
ân xá và phóng thích 225 tù nhân từng được coi là những “phần tử nguy
hiểm nhất cho quốc gia”. Trong số được phóng thích có Zbigniew Bujak,
người có gần năm năm vừa trốn lệnh truy nã vừa lãnh đạo công đoàn bí
mật. Lần đầu tiên kể từ tháng 12-1981, các lãnh tụ Công đoàn Đoàn kết có
thể tự do gặp gỡ.
Ngày 13-1-87, tại Vatican, tướng
Jaruzelski đã trao tận tay Giáo hoàng bản báo cáo về cuộc nói chuyện
mang “tư duy mới” giữa ông và Gorbachev. Jaruzelski có vẻ vững tâm hơn
khi bàn với Giáo hoàng về tương lai của Ba Lan trên tinh thần hoà giải,
một tương lai mà cả giáo hội và phe đối lập đều có vai trò.
Tháng 4-1987, tại Praha, Gorbachev tuyên
bố: “Mối quan hệ chính trị giữa các nước xã hội chủ nghĩa phải dựa trên
một sự độc lập tuyệt đối. Mọi quốc gia được chọn lựa con đường phát
triển riêng, được quyết định số phận và bảo vệ lãnh thổ cũng như các
nguồn nhân công và tài nguyên thiên nhiên của nó”. Cho tới lúc đó, các
nhà lãnh đạo Việt Nam, kể cả Nguyễn Văn Linh, chưa có đủ sự nhạy cảm để
nhận ra tuyên bố đó của Gorbachev có giá trị như pháo hiệu “giải phóng”
Đông Âu(110).
Cứu chủ nghĩa xã hội
Ngày 15-8-1989, tại Sài Gòn, khi phát biểu
khai mạc Hội nghị Trung ương Bảy, Nguyễn Văn Linh đã tự tin tuyên bố:
“Chúng đang hý hửng về điều mà Tổng thống Mỹ Bu-sơ (G.W.H. Bush) ngày
đêm trông đợi: ‘Chúng ta đang sống ở thời kỳ kết thúc một ý tưởng, sống ở
chương cuối của thể nghiệm cộng sản’(111). Đó là giấc mơ giữa ban ngày
của bọn đại biểu cho chủ nghĩa chống cộng khét tiếng, không đội trời
chung với chúng ta”. Ngày 24-8-1989, khi ở Sài Gòn Hội nghị Trung ương
Bảy về chống đa nguyên bế mạc, ở Ba Lan, Công đoàn Đoàn kết chính thức
lên cầm quyền(112). Ông Linh không còn lòng dạ nào mà “hí hửng” và sau
đó ông đã ứng xử rất “vội vàng”.
Ngày 25-8-1989, Tổng bí thư Nguyễn Văn
Linh triệu tập Bộ Chính trị họp khẩn cấp tại Cơ quan phía nam của Văn
phòng Trung ương (T78 - đường Lý Chính Thắng, Sài Gòn), thành phần mở
rộng có cả Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Trần Trọng Tân. Theo ông
Tân, Bộ Chính trị nhận định, sự kiện Ba Lan là “đảo chính phản cách
mạng”. Khi ấy Tổng Biên tập báo Nhân Dân Hà Đăng đi vắng nên ông Linh
nói với ông Tân: “Cậu phải viết ngay một bài xã luận”. Ông Trần Trọng
Tân ngồi ngay trong phòng họp Bộ Chính trị viết bài báo có tựa đề: “Sự
kiện chính trị ở Ba Lan và thái độ của chúng ta”. Theo ông Tân, bản thảo
bài báo được tất cả các uỷ viên Bộ Chính trị dự họp thông qua rất kỹ.
Bài xã luận đăng trên báo Nhân Dân số ra
ngày 26-8-1989 nhấn mạnh: “Những người cộng sản, giai cấp công nhân, các
tầng lớp nhân dân Việt Nam từ lâu đã có tình cảm gắn bó với những người
cách mạng chân chính ở Ba Lan vô cùng căm phẫn và cực lực lên án hành
động của những lực lượng phản động chống phá chủ nghĩa xã hội ở Ba
Lan”(113). Cùng ngày, bài báo còn xuất hiện trên một số tờ báo Đảng địa
phương. Theo ông Trần Trọng Tân, sau khi báo ra, ở Hà Nội, Bộ Chính trị -
Ban Bí thư còn cho các đoàn thể cử người đến Đại sứ quán Ba Lan “thăm
hỏi” với tinh thần là “tiếp sức cho họ”. Ông Tân nói: “Tưởng tay đại sứ
thuộc phe cộng sản, ai lường hắn thuộc phe lật đổ. Tay đại sứ đã cự lại,
và nói với đoàn của ta sự kiện ở Ba Lan không phải là lật đổ mà chính
là sự lựa chọn của nhân dân Ba Lan”(114).
Tình hình Liên Xô và Đông Âu trong năm
1989 thay đổi từng ngày, từng giờ. Ngày 9-6-1989, Đại hội Đại biểu Nhân
dân Liên Xô bế mạc. Đây là cơ quan nghị viện nhân dân đầu tiên ở Liên xô
được bầu cử công khai với năm ứng cử viên cho một ghế dân biểu. Ba mươi
lăm bí thư vùng của Đảng đã không đắc cử trong cuộc bầu cử này.
Khi Liên Xô khai mạc đại hội vào ngày
25-5-1989, nhiều đại biểu đã kêu gọi thành lập “nhóm đối lập” trong đại
hội. Boris Yeltsin cũng bắt đầu xuất hiện ở đây như một chính trị gia
khi ông đòi thúc đẩy nhanh quá trình cải tổ: xây dựng hiến pháp mới, ra
luật về đảng,… Yeltsin bị 964 phiếu chống khi tranh cử vào Xô viết Tối
cao Liên Xô, nhưng một giáo sư đại học đã nhường lại ghế của mình cho
Yeltsin và điều này đã được đại hội chấp thuận.
Tổng bí thư Gorbachev cũng đã phải “tranh
cử” từ một cuộc bỏ phiếu có hai ứng cử viên để trở thành chủ tịch Xô
viết Tối cao. Ông phát biểu trong phiên bế mạc: “Lần đầu tiên trong lịch
sử Liên Xô, tại đại hội này đã có thảo luận công khai. Đại hội đã đưa
Liên Xô lên một giai đoạn mới”. Một uỷ ban cũng đã được thành lập để sửa
đổi hiến pháp theo hướng “xây dựng một nhà nước ngăn chặn sự xuất hiện
trở lại ở Liên Xô tệ sùng bái cá nhân, chế độ độc đoán và quản lý xã hội
bằng mệnh lệnh hành chính”.
Ở Đức, từ cuối năm 1988 bắt đầu xuất hiện
những cuộc biểu tình đòi cải cách kinh tế. Mùa hè năm 1989, áp lực đòi
cải cách chính trị, đòi tự do ngôn luận, sửa đổi hiến pháp và đòi chính
phủ từ chức qua các cuộc biểu tình càng dâng cao. Ngay sau khi Hungary
từ bỏ thể chế cộng sản, mở cửa biên giới sang Áo, lập tức có mười nghìn
người dân Đông Đức tràn vào đất nước này và biến nó thành nơi để trốn
qua các nước phương Tây. Làn sóng trốn chạy khỏi các quốc gia cộng sản
Đông Âu đã lên tới “một con số khổng lồ” vào mùa hè năm 1989. Erich
Honecker, Tổng bí thư của Cộng hoà Dân chủ Đức phản đối việc mở cửa biên
giới sang Hungary, nhưng tiếng nói của ông vào lúc ấy không còn được ai
nghe nữa.
Tháng 10-1989, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh
tới Berlin dự lễ kỷ niệm bốn mươi năm ngày thành lập Nước Cộng hoà Dân
chủ Đức. Theo ông Lê Đăng Doanh: “Quyết địng đi dự 40 năm Quốc Khánh
CHDC Đức là quyết định trực tiếp của cá nhân anh Linh. Anh Linh đã bàn
với Bộ Chính trị về việc phải triệu tập một Hội nghị các Đảng Cộng Sản
và Công nhân quốc tế để cứu phong trào cộng sản, chống chủ nghĩa cơ hội.
Anh sang Berlin là để gặp các đồng chí để bàn về việc ấy và gặp
Gorbachev. Trong một cuộc họp, anh Linh nhận xét: Gorbachev là kẻ cơ hội
nhất hành tinh này”.
Ngày 4-10-1989, từ Hà Nội, hãng Interflug
của Cộng hoà Dân chủ Đức dành cho ông Linh một ghế hạng thương gia, các
thành viên cao cấp khác - Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, Trợ lý Tổng bí thư
Lê Xuân Tùng, Phó Ban Đối ngoại Trịnh Ngọc Thái, Đại sứ Tạ Hữu Canh và
thư ký Lê Đăng Doanh - chỉ ngồi khoang hành khách thường.
Một lễ đón đơn giản được tổ chức tại sân
bay Berlin-Schronefeld rồi sau đó đoàn về khách sạn. Năm giờ chiều ngày
6- 9-1989, cuộc mit-tin lớn bắt đầu, trên lễ đài: Honecker ngồi giữa,
một bên là Gorbachev, một bên là một phó thủ tướng, Uỷ viên Trung ương
Đảng Cộng sản Trung Quốc - Honecker muốn thể hiện chính sách đề cao
Trung Quốc làm đối trọng với Gorbachev; Ông Nguyễn Văn Linh được ngồi
hàng đầu nhưng ghế thứ hai từ ngoài vào, bên cạnh ghế hàng đầu cuối cùng
của Phó Thủ tướng Lào. Trong suốt chuyến thăm chính thức ấy, phía CHDC
Đức không thu xếp cho ông Linh một buổi gặp chính thức nào với Honecker
hay một nhà lãnh đạo khác. Thế nhưng, điều đó đã không làm ông Nguyễn
Văn Linh từ bỏ ý đồ đóng vai trò trung tâm cứu nguy chủ nghĩa xã hội.
Trong ngày 6-10-1989, giữa Berlin rét
mướt, ông Nguyễn Văn Linh đã tìm gặp các nhà lãnh đạo cộng sản đến dự lễ
quốc khánh để thảo luận về một sáng kiến mà ông đưa ra: triệu tập hội
nghị các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế. Ông Linh nói:
“Phe ta đang diễn biến phức tạp. Hơn bao giờ hết, đòi hỏi quốc tế vô sản
phải siết chặt hàng ngũ. Đảng Cộng sản Việt Nam thấy nên có một hội
nghị để thống nhất tư tưởng và hành động, tăng cường tình đoàn kết”.
Đa số các đảng cộng sản làm ngơ đề nghị
của ông Linh, chỉ có Batmunkho Tổng bí thư Mông Cổ, Phó Thủ tướng
Hernandez của Cuba, Tổng bí thư Ceaucescu của Rumania, Tổng bí thư Đảng
vừa thất cử của Ba Lan Jaruzelski, Chủ tịch Đảng Cộng Sản Tây Đức (DKP)
Herbert Mies là chấp nhận gặp. Chỉ có Helbert Mies, lãnh tụ của một đảng
không cầm quyền và Phó thủ tướng Cuba Hernandez là tự tới nơi ông Linh
ở. Theo ông Lê Đăng Doanh, những người khác chỉ tiếp ông Nguyễn Văn Linh
tại phòng riêng của họ.
Đến nơi ở của các nhà lãnh đạo khác mới
thấy cách đối xử của Erich Honecker với ông Nguyễn Văn Linh. Theo ông Lê
Đăng Doanh: Trong khi ông Linh chỉ được xếp một phòng đôi lớn hơn phòng
các thành viên khác trong đoàn một chút thì chỗ ở của Ceausesscu là một
khu vực gồm nhiều phòng. Ông Linh và tuỳ tùng phải đi qua một sảnh lớn
nơi có một đội cận vệ 12 người bồng tiểu liên AK báng gập đứng chào.
Ceaucesscu đã để ông Linh phải ngồi chờ rất lâu. Ông Linh nói: “Mày liên
hệ thế nào mà giờ không thấy nó”. Tôi bảo: “Tính thằng này nó hình thức
thế”. Một lúc sau thì Ceausesscu ra, chính ông ta lại là người tỏ ra
hăng hái ủng hộ sáng kiến của ông Nguyễn Văn Linh nhất. Ceausesscu thậm
chí còn đòi để Rumani đăng cai. Tuy nhiên, cả Ceausesscu và các nhà lãnh
đạo cộng sản khác đều nói với ông Linh: “Vấn đề là ông kia, nếu ông ấy
không đồng ý thì rất khó”. “Ông kia” đề cập ở đây là Gorbachev.
Trước khi ông Nguyễn Văn Linh rời Hà Nội,
Ban Đối Ngoại đã liên lạc với phái viên Liên Xô và được Gorbachev đồng ý
sẽ có cuộc gặp vào ngày 8-10-1989, hai bên đều mang theo phiên dịch
Nga-Việt và Việt-Nga cho cuộc gặp. Hôm đó, ông Linh đang đau rất nặng.
Từ 19 đến 21 giờ tối 6-10-1989, sau phần đọc diễn văn, cuộc mit-tin được
chuyển từ trong một lâu đài ra một lễ đài ngoài trời duyệt quần chúng,
thanh niên rước đuốc. Ông Lê Đăng Doanh kể: Đám thanh niên tuần hành sôi
lên sùng sục kêu tên Gorbachev, “Gorby! Gorby!”. Anh Linh chỉ mặc bộ
complet, tối nhiệt độ xuống khoảng 8 C, cận vệ quên mang áo lạnh, ông
Nguyễn Văn Linh đứng run bần bật, kêu tôi: “Tao lạnh quá”. Tôi phải nói
với một viên tướng Đức đứng cạnh đấy: “Tổng bí thư của tôi quên mang áo
ấm”. Viên tướng cho mượn tạm tấm áo choàng của ông ta.
Sáng hôm sau, 7-10-1989, theo lịch trình,
mười giờ sẽ có duyệt binh, nhưng tám giờ, ông Nguyễn Văn Linh triệu tập
họp Chi bộ Đảng thông báo tình hình sức khỏe: “Mình thấy có gì đó không
bình thường, không nhắm được mắt, miệng cứng, không ăn được”. Về sau bác
sỹ xác định đó là triệu chứng liệt dây thần kinh số 7. Mọi người đề
nghị ông Linh không ra lễ đài, ông Nguyễn Khánh thay ông Linh dự duyệt
binh rồi báo với “bạn”. Phía CHDC Đức mời ông Linh ở lại khám chữa bệnh
và khuyên ông không nên về trong lúc này. Tuy bệnh tình càng ngày càng
nặng, nước mắt chảy ra nhiều, miệng có biểu hiện bị méo và nói bắt đầu
khó khăn, ông Nguyễn Văn Linh vẫn hy vọng rất nhiều vào cuộc gặp với
Gorbachev.
Cuộc gặp Gorbachev dự kiến diễn ra lúc
10:30 sáng 8-10-1989, nhưng chờ đến mười một giờ cũng không thấy văn
phòng ông ta gọi lại. Ông Linh rất sốt ruột. Theo ông Lê Đăng Doanh:
Trong khi đó, sáng ngủ dậy, bệnh ông Linh càng nặng thêm. Khi ăn cơm,
ông kêu tôi ra ngoài vì không muốn tôi chứng kiến cảnh ông ăn rất chật
vật. Hàm bên trái của ông Linh cứng lại. Ông phải nhai ở phía bên phải
sau đó dùng hai ngón tay đẩy thức ăn vào họng, chiêu một ngụm nước mới
nuốt được.
Cuộc gặp Gorbachev được lùi lại 2:30 rồi
5:30 chiều cùng ngày. Gorbachev, khi ấy vẫn là nhà lãnh đạo của cả phe
xã hội chủ nghĩa, được bố trí ở trong một toà lâu đài. Nhưng, cuộc tiếp
Tổng bí thư Việt Nam đã không diễn ra trong phòng khách riêng mà ở ngay
một phòng rộng mênh mông vừa dùng cho một tiệc chiêu đãi lớn, thức ăn
thừa còn bề bộn trên các bàn. Nhân viên dọn một góc, kê bàn để Gorbachev
tiếp ông Nguyễn Văn Linh. Gorbachev ra đón ông Linh ở sảnh và khi cửa
xe mở, ông cúi đầu nói: “Kẻ cơ hội nhất hành tinh kính chào đồng chí
Nguyễn Văn Linh”.
Dù đang bệnh, ông Nguyễn Văn Linh vẫn
trình bày rất nhiệt tình, nhưng theo ông Lê Đăng Doanh: Sáng kiến nào
của ông Linh cũng được Gorbachev khen là “rất tốt” nhưng chỉ là những
lời khen xã giao. Ông Linh nói: “Tôi đã gặp một số đảng cộng sản anh em.
Trong tình hình này, Đảng Cộng sản Việt Nam muốn đồng chí đứng ra triệu
tập hội nghị các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế”.
Gorbachev liền giơ hai tay lên tươi cười: “Ý này hay nhỉ. Để xem! Để
xem! Rất tiếc là giờ tôi đang nhiều việc quá!”. Ông Linh trân trọng mời
Gorbachev đến thăm Việt Nam. Gorbachev lại kêu lên: “Hay quá nhỉ! Cám
ơn! Cám ơn! Nhưng, tôi đang có nhiều lời mời quá mà chưa biết thu xếp
cái nào trước”.
Cuối cùng, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đề
cập đến truyền thống viện trợ của Liên xô và khi ông đề nghị Liên Xô
tiếp tục giúp đỡ cho Kế hoạch 5 năm 1990-1995 của Việt Nam thì Gorbachev
xua tay. Không còn xã giao, lịch sự như phần trên nữa, Gorbachev nói:
“Khó khăn lắm, khó khăn lắm, các đồng chí Việt Nam tự lo thôi”. Theo ông
Lê Đăng Doanh: Thế nhưng, ngày hôm sau, báo Nhân Dân và Pravda đều đưa
tin về cuộc gặp diễn ra trong “tình hữu nghị thắm thiết”.
Tối 8-10-1989, từ lâu đài của Gorbachev
trở về, ông Nguyễn Văn Linh không dự chiêu đãi của Honecker mà đi thẳng
vào bệnh viện Chính phủ ở Berlin-Buch. Ông được điều trị tại “Station 7”
- nơi dành riêng cho Bộ Chính trị của CHDC Đức - mỗi khu cho một bệnh
nhân có nhiều phòng cạnh nhau cho tuỳ tùng đi theo cùng ở. Trong
“Station 7” được trang bị truyền hình có thể bắt được các kênh phát đi
từ Tây Đức. Thời gian đó, hàng trăm nghìn người dân Đông Đức đã đổ xuống
đường phố Leipzig và Đông Berlin đòi phế truất Honecker.
Sau lễ mừng Quốc khánh, Honecker cũng phải
vào “Station 7”, nơi ông ta có một biệt thự riêng ở đó. Honecker cầu
cứu Gorbachev nhưng cũng như với Nguyễn Văn Linh, Gorbachev lại lịch sự
từ chối. Ông Lê Đăng Doanh kể: “Tôi dịch cho ông Linh những thông tin
trên truyền hình: Cảnh sát và người biểu tình đụng độ nhau ở khắp nơi.
Cộng hoà Dân chủ Đức nói đã có 160 cảnh sát bị thương”.
Nhưng cảnh sát không thể ngăn chặn những
cuộc biểu tình của người dân Đức. Ngày 18-10-1989, Eric Honecker từ
chức, Egon Krenz, một uỷ viên Bộ Chính trị trẻ tuổi, thay ông giữ chức
bí thư thứ nhất. Ông Lê Đăng Doanh kể: “Tình hình cũng không vì thế mà
có cải thiện. Chúng tôi lo lắng, nhỡ có chuyện gì xảy ra khi đang còn ở
đây thì nguy, trong túi thầy trò không hề có một đồng đô-la lận lưng nào
cả. Tôi bảo bác sỹ có thuốc gì tốt thì cấp cho xếp tao để ông đủ sức
khỏe bay về”.
Vào lúc mười một giờ ngày 23-10-1989,
trước khi rời Berlin, ông Nguyễn Văn Linh đã đến chúc mừng Egon Krenz
vừa lên nhận cương vị mới. Cuộc gặp vừa để chúc mừng Egon Krenz, vừa để
đưa tin công khai về sự vắng mặt dài ngày của ông Linh. Ông Linh là vị
nguyên thủ duy nhất kịp bắt tay Krenz. Ngày 24-10-1989, toàn thể Bộ
Chính trị và Đại sứ CHDC Đức ra tận cầu thang sân bay Gia Lâm đón Tổng
bí thư Nguyễn Văn Linh. Lễ đón rất trọng thị, mọi người thăm hỏi sức
khỏe và khuyên ông Linh nghỉ một thời gian để chữa bệnh tiếp.
Không chỉ có Erich Honecker và người kế
nhiệm, ông Egon Krenz, theo Gorbachev thì chính phương Tây cũng có nhiều
nỗ lực để ngăn chặn quá trình thống nhất nước Đức. Từ Thatcher (Anh),
Mitterrand (Pháp) cho đến Andreotti (Ý) đều “muốn ngăn chặn người Đức
thống nhất thành một quốc gia hùng mạnh trở lại và họ chờ đợi Liên Xô
đưa xe tăng vào Đức cùng với quân lính của Gorbachev”. Nhưng, theo
Gorbachev: “Sự sụp đổ của bức tường Berlin chỉ là hồi chót của một quá
trình đã diễn ra từ rất lâu. Khi Liên Xô bắt đầu tiến hành một loạt thay
đổi mang tính bước ngoặt, như tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên… Khi tiến
trình giải trừ quân bị bắt đầu giữa Nga và Mỹ để chấm dứt Chiến tranh
Lạnh”(115).
Ngày 9-11-1989, biên giới giữa Đông và Tây
Đức được mở ra. Ngày 10-11-1989, người dân bắt đầu phá bỏ bức tường
Berlin. Vài tháng sau, chế độ cộng sản ở Đông Đức sụp đổ. Cũng trong
ngày 10-11-1989, Todor Zhivkov cũng bị phế truất sau ba mươi năm trị vì ở
Bulgaria. Tại Praha, người dân đổ ra đường yêu cầu Husak từ chức.
Alexander Dubcek, người bị Liên Xô bắt giữ hồi “Mùa xuân 1968” bắt đầu
xuất hiện cùng với đoàn người biểu tình. Một tháng sau đó Husak từ chức.
Ngày 29-12-1989, Vaclav Havel, được bầu làm tổng thống đầu tiên của
Tiệp khắc.
Ở Rumani, chế độ của nhà độc tài Ceausescu
đã phải sụp đổ trong một cuộc biểu tình đẫm máu. Lực lượng an ninh
Rumani tấn công những người biểu tình trong khi quân đội ủng hộ dân
chúng. Hàng trăm người dân bị giết chết. Chỉ hơn một tháng rưỡi sau khi
tán đồng với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tổ chức một hội nghị quốc tế
cứu vãn phe xã hội chủ nghĩa, ngày 25-12-1989, Tổng bí thư Nicole
Ceausescu và vợ ông đã bị những người biểu tình đem ra xử bắn.
“Đa nguyên, đa đảng”
Giữa năm 1987, Câu lạc bộ Những người
Kháng chiến cũ ra đời. Sáng lập Câu lạc bộ là những người cộng sản lão
thành như Nguyễn Hộ, Đỗ Trung Hiếu, Trần Văn Giàu, Trần Nam Trung, Trần
Bạch Đằng… Nhưng, ngay từ đầu Câu lạc bộ Kháng chiến cũ đã gây lo ngại
cho chính quyền bởi những hoạt động như: “Hội thảo, mít tinh, kiến nghị,
viết báo, ra báo nhằm các mục tiêu cụ thể chống tiêu cực, quan liêu,
cửa quyền, ức hiếp trù dập quần chúng, tham nhũng, bè phái, bao che lẫn
nhau vì đặc quyền, đặc lợi trong hàng ngũ cán bộ đảng và nhà nước”.
Tháng 9-1988, Câu lạc bộ xuất bản tờ
Truyền Thống Kháng Chiến nhưng sau khi ra được hai số thì bị đóng cửa.
Những người chủ trương quyết định phát hành báo trong bí mật. Khi công
an “tấn công và thu hồi các bản in ở Sài Gòn”, Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng đưa
tờ báo chạy xuống Mỹ Tho, vừa làm chế bản xong thì Ban Tuyên huấn Tỉnh
uỷ ra lệnh không cho nhà in in báo. Những người Kháng chiến cũ lại phải
chạy xuống Cần Thơ. Nhưng hai mươi ngàn tờ báo vừa mới in ra thì có lệnh
tịch thu. Ngay sau đó chính quyền đóng cửa vĩnh viễn Truyền Thống Kháng
Chiến. Những người có vai vế như Trần Văn Trà, Trần Bạch Đằng rút lui
khỏi Câu lạc bộ. Ông Nguyễn Văn Linh lo sợ tất cả các hoạt động dưới
hình thức tổ chức cho dù tổ chức đó do ai lập ra.
Tháng 10-1988, hai đảng Dân chủ và Xã hội
bị ông Nguyễn Văn Linh giải tán bằng cách yêu cầu hai đảng này tự tuyên
bố “kết thúc hoạt động”. Cho dù, ông Linh biết rõ: “Tuy mang danh hiệu
là Đảng Xã hội (và Dân chủ) Việt Nam, nhưng đa số các đảng viên (của hai
đảng này) đều có mục đích và tôn chỉ hoạt động giống như những người
cộng sản”(116). Trên thực tế cả hai đảng đều được lập ra theo chỉ thị
của Hồ Chí Minh nhưng “máu mủ” không phải là điều mà ông Nguyễn Văn Linh
tin là có thể đem ra đảm bảo(117).
Lễ tuyên bố kết thúc hoạt động của các
đảng Dân chủ và Xã hội được “tổ chức trọng thể” vào ngày 15-10-1988 tại
Nhà hát Lớn Hà Nội. Diễn văn “Tổng kết 42 năm hoạt động” của đảng Dân
chủ được Tổng thư ký Nguyễn Xiển đọc thừa nhận: “Đến thời kỳ này, hầu
hết đảng viên Đảng Xã hội Việt Nam đã tuổi cao, sức yếu”. Cho dù ông
Nguyễn Xiển khẳng định “một lòng trung thành với lý tưởng xã hội chủ
nghĩa”, khi đọc diễn văn đáp lại, ông Nguyễn Văn Linh vẫn cho rằng: “Các
đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình”. Sau tuyên bố này
của Tổng bí thư, tên tuổi hai đảng không bao giờ còn được nhắc tới
nữa(118).
Giải quyết xong tình trạng “đa đảng”, ông
Nguyễn Văn Linh bắt tay xử lý vấn đề “đa nguyên”. Các cuộc đụng độ trên
mặt trận này bao gồm cả con người chứ không chỉ đơn thuần lý luận. Cho
tới lúc đó, “đa nguyên” chưa xuất hiện trên báo chí như là một vấn đề
mang tính chính trị. Tháng 10-1988, nhân có cuộc hội thảo diễn ra tại Hà
Nội của các nhà khoa học xã hội đến từ các nước xã hội chủ nghĩa, ông
Trần Xuân Bách, với tư cách là uỷ viên Bộ Chính trị phụ trách Khoa-Giáo,
đã tới dự và phát biểu khai mạc. Bài phát biểu của ông Trần Xuân Bách
bắt đầu chạm tới những vấn đề cốt lõi của lý luận và rồi sẽ bị coi như
là những “lệch lạc” bước đầu.
Ông Trần Xuân Bách cho rằng chủ nghĩa xã
hội mà Karl Marx dự báo “có những điểm không hoàn toàn khớp với hiện
thực bảy mươi năm qua”(118), trong khi: “Chủ nghĩa tư bản chứa đựng
những mầm mống và tiền đề vật chất-kỹ thuật cho xã hội mới”(120). Ông
Bách cho rằng: “Mô hình chủ nghĩa xã hội sẽ giảm tính thuyết phục, sức
hấp dẫn, nếu năng suất lao động thấp hơn chủ nghĩa tư bản, nếu mọi công
dân không thực sự có quyền tự do dân chủ. Những biểu hiện dân chủ hình
thức chỉ làm nảy sinh sự thờ ơ, bàng quan, làm giảm lòng tin”(121). Ông
Bách kêu gọi: “Các nhà khoa học xã hội Việt Nam cũng cần sử dụng đúng
đắn quyền dân chủ và tự do sáng tạo của mình để nghiên cứu sâu sắc hơn,
đề xuất với Đảng những ý kiến mới và cụ thể hơn liên quan đến thời kỳ
quá độ… Khoa học xã hội có nhiệm vụ làm cho mọi người ý thức đầy đủ
quyền tự do dân chủ của họ, giúp họ thực hiện quyền đó”(122).
Theo ông Trần Trọng Tân, trong ngày báo
Nhân Dân công bố phát biểu trên đây, khi gặp nhau ở Văn phòng Trung ương
Đảng, ông Tân đã nói với ông Trần Xuân Bách: “Anh nói thế là sai”. Ông
Bách chưa kịp trả lời thì Đào Duy Tùng, uỷ viên Thường trực Bộ Chính trị
tới. Trần Xuân Bách nhắc lại lời của ông Tân rồi nói: “Tôi phát biểu
thế mà Hai Tân bảo sai?”. Đào Duy Tùng trả lời: “Anh nói đại sai”.
Tháng 3-1989, tại Hội nghị Trung ương 6,
vấn đề “đa nguyên” bắt đầu được đưa ra. Tuy Nghị quyết chỉ nêu ngắn gọn:
“Không chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên”. Nhưng, trong bài phát biểu bế
mạc, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh: “Hội nghị Trung ương lần này
đã tỏ rõ sự nhất trí rất cao không chấp nhận tự do hoá tư sản, ‘chủ
nghĩa đa nguyên’, đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập nhằm phủ nhận chủ
nghĩa Marx-Lenin, chủ nghĩa xã hội và vai trò lãnh đạo của Đảng. Không
thể không thấy đó là âm mưu chính trị phản động của kẻ thù giai cấp và
dân tộc. Chúng ta quyết không mắc mưu xảo quyệt của bọn đế quốc và các
loại phản động”(123).
Không lâu sau đó, Trần Trọng Tân viết bài
nói rõ hơn quan điểm của Trung ương “Về chủ nghĩa đa nguyên”. Sau khi
dẫn gốc tiếng Anh (pluralism), tiếng Pháp (pluralisma) và ý nghĩa triết
học của từ “đa nguyên”, Trần Trọng Tân viết: “Nếu hiểu đa nguyên theo
nghĩa triết học thì từ lâu đã bị phê phán là sai lầm. Chúng ta không
chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên về triết học và Nghị quyết Hội nghị Trung
ương 6 vừa qua không chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên không phải trong bối
cảnh tranh luận về triết học… Chủ nghĩa đa nguyên mà chúng ta không chấp
nhận là chủ nghĩa đa nguyên mà cốt lõi của nó là đòi sự tồn tại của
đảng chống đối, của những tổ chức chính trị chống đối, bắt đầu từ việc
đả kích tiến đến làm vô hiệu hoá sự lãnh đạo của đảng, lái phong trào đi
chệch mục tiêu xã hội chủ nghĩa, đề xướng một kiểu dân chủ không cần
tập trung, dẫn tình hình xã hội đến chỗ hỗn loạn vô chính phủ”(124).
Mùa hè năm 1989, Tổng bí thư Nguyễn Văn
Linh trả lời phỏng vấn báo Trud (Lao Động) của Liên Xô. Khi phóng viên
thường trú của báo này tại Đông Nam Á, Kalashnikov hỏi: “Đồng chí có cho
rằng việc phản ánh trên báo chí toàn bộ sự đa nguyên của các ý kiến là
điều có thể có không?”. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh trả lời: “Dân chủ
cần phải tồn tại trong khuôn khổ tập trung và phải bảo đảm vai trò lãnh
đạo của đảng Marxist-Leninist, cần phải kiên quyết tránh để xuất hiện
trên báo chí các phát biểu vô chính phủ, xa lạ với chủ nghĩa xã
hội”(125).
Không giới hạn những tuyên bố của mình
trong phạm vi Việt Nam, ông Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh: “Chúng tôi không
chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên như là sự đa dạng của các trào lưu chính
trị khác nhau, kể cả trào lưu tư sản. Chúng tôi phản đối chế độ đa đảng,
phản đối sự tồn tại của các đảng phản động, chống chủ nghĩa xã hội.
Chúng tôi bác bỏ những lời kêu gọi đòi hỏi sự tồn tại tự do của các trào
lưu chính trị khác nhau đã xuất hiện ở một số nước. Sự đa dạng đó trên
thực tế sẽ đưa đất nước chúng tôi khỏi con đường xã hội chủ nghĩa và rời
bỏ chủ nghĩa Marx-Lenin… Chúng tôi chăm chú theo dõi để những hiện
tượng như vậy không xuất hiện ở Việt Nam. Chúng tôi cần phải đề cao cảnh
giác trước những âm mưu đen tối của một số nước đế quốc đang tìm mọi
cách để gây tình hình bất ổn trong sinh hoạt nội bộ của các nước xã hội
chủ nghĩa”(126).
Theo ông Hữu Thọ, khi ấy là phó tổng biên
tập báo Nhân Dân: “Ông Linh yêu cầu người phỏng vấn phải đăng nguyên văn
chứ không được cắt. Báo Trud đã phải cân nhắc khá lâu trước khi đăng”.
Ông Hữu Thọ kể: “Sau khi báo Lao Động đăng lại bài phỏng vấn này, ông
Trần Xuân Bách phê bình ông Linh là vi phạm nguyên tắc Đảng và nguyên
tắc đối ngoại khi công khai đưa ra quan điểm trái với Liên Xô và các
nước xã hội chủ nghĩa khác. Cho tới lúc ấy, Trung ương vẫn chưa chính
thức có nghị quyết chống đa nguyên, đa đảng”.
Ngày 14-8-1989, trên báo Sài Gòn Giải Phóng Trần
Bạch Đằng sử dụng nguyên một trang khổ lớn để bàn về đa nguyên “dưới
góc độ triết học, kinh tế học và xã hội học”. Ông Đằng nhập đề khá mở:
“Về chính trị, xã hội, kinh tế, đa nguyên luôn chủ trương tính đa dạng,
sự khác nhau trong quan điểm, trong xu hướng. Với một nghĩa hẹp hơn,
thuyết đa nguyên của một số học giả cộng sản chủ trương xây dựng chủ
nghĩa xã hội không theo một mô hình định sẵn”. Nhưng rồi ông kết luận:
“Là những người theo chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của
Marx-Lenin, các đảng viên cộng sản Việt Nam xác định quan điểm triết
học của mình và kiên trì bảo vệ nó. Coi nó là thế giới quan, nhân sinh
quan khoa học đứng vững qua thử thách 1,5 thế kỷ. Nói một cách khác về
triết học, chúng ta không chấp nhận thuyết đa nguyên”.
Về “đa đảng”, ông Trần Bạch Đằng viết:
“Đừng coi đa đảng như một thứ thời trang khi không có nhu cầu khách quan
đó. Cái then chốt của chúng ta là dân chủ. Xã hội và quần chúng đã có
trong tay rất nhiều công cụ để thực hiện dân chủ như quốc hội, hội đồng
nhân dân, đoàn thể rồi”. Ông Trần Bạch Đằng đặt câu hỏi: “Phải chăng đổi
mới là phải xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa và Đảng Cộng sản Việt Nam,
phải có các sự kiện như Công đoàn Đoàn kết, như khôi phục Imre Nagy, như
va chạm sắc tộc ở Grudia, như đổ máu ở Thiên An Môn?”. Rồi ông trả lời:
“Không! Vẫn có con đường đổi mới đích thực mà không ồn ào như vậy”.
Như để trả lời từng luận điểm của ông Trần Bạch Đằng, ngày 15-8-1989, Tổng Biên tập Tô Hoà cho đăng trên Sài Gòn Giải Phóng bài
viết về “Dân Chủ” của Giáo sư Phan Đình Diệu. Giáo sư Diệu định nghĩa:
“Dân chủ là quyền tham gia vào việc tổ chức và quản lý xã hội, thể hiện ở
quyền tự do ứng cử và bầu cử, quyền tự do ngôn luận và các quyền tự do
khác”. Giáo sư Phan Đình Diệu cho rằng: “Thực tiễn cuộc sống ở đất nước
ta cũng như thế giới đang đặt ra những vấn đề to lớn mà không thể tìm ra
lời giải đáp hoàn toàn ở bất kỳ một học thuyết nào… Những gì xảy ra
trong thế kỷ hai mươi là điều không thể hình dung đối với những bộ óc,
dù là vĩ đại, của giữa thế kỷ mười chín”.
Tuy không sử dụng khái niệm đa nguyên,
nhưng Giáo sư Phan Đình Diệu vẫn nêu đầy đủ “nội hàm” của nó: “Ta đang
đi tìm đường đi cho đất nước trong thế giới hiện đại. Nhiều nguồn tri
thức phải được tiếp thu, nhiều cách lý giải phải được đề xuất và thảo
luận. Cái gì đã rõ thì ta cũng theo, cái gì chưa rõ thì ta cần cùng nhau
tìm cách làm rõ bằng việc vận dụng trí tuệ của thời đại”. Sau khi đọc
bài của Giáo sư Phan Đình Diệu, từ Hà Nội, Bí thư Trần Xuân Bách gửi cho
Tô Hoà một tấm danh thiếp của ông, mặt sau danh thiếp ghi: “Chuyển giùm
anh Phan Đình Diệu, tôi ca ngợi bài này”.
Đây là bài báo cuối cùng mà Tô Hoà cho đăng với tư cách tổng biên tập Sài Gòn Giải Phóng.
Ngày 12-8-1989, ông được Bí thư Thành uỷ Võ Trần Chí mời lên hỏi:
“Trước anh có viết thư xin nghỉ, giờ anh có giữ ý kiến không?”. Tô Hoà
trả lời: “Tôi vẫn giữ”. Võ Trần Chí: “Vậy khi nào anh nghỉ được?”. Tô
Hoà: “Ngay hôm nay”. Theo ông Tô Hoà, sở dĩ ông đồng ý nghỉ ngay là vì,
nguồn tin của ông từ Hà Nội cho hay, ông Nguyễn Văn Linh “muốn Tô Hoà
rời Sài Gòn Giải Phóng trước khi Hội nghị Trung ương 7, bàn về chống đa nguyên, khai mạc tại Sài Gòn vào ngày 15-8-1989”.
Trở về toà soạn, Tô Hoà lặng lẽ viết một
lá thư chia tay đăng trên số báo ra ngày 13-8, tự quyết định là sẽ bàn
giao chức tổng biên tập vào ngày 15-8-1989 để có thời gian công bố hai
bài viết của Trần Bạch Đằng và Phan Đình Diệu mà ông đã có trong tay
trước đó.
Từ ngày 15 đến ngày 24-8-1989, Trung ương
Đảng khoá VI kỳ họp thứ 7 ở Sài Gòn bàn “một số vấn đề cấp bách về công
tác tư tưởng”. Phát biểu trong phiên bế mạc, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh
cho rằng, hội nghị đã được nhóm họp với “sự nhạy cảm sâu sắc về chính
trị”. Tình hình trong nước và trên thế giới lúc ấy được Trung ương đánh
giá là “diễn biến phức tạp” và “trong một số ít cán bộ đảng viên đã xuất
hiện một số tư tưởng lệch lạc, sai lầm, nếu không sớm ngăn chặn và khắc
phục có thể dẫn tới những tác hại không nhỏ”.
Ông Nguyễn Văn Linh cho biết: “Hội nghị
Trung ương lần này đã tỏ rõ sự nhất trí rất cao không chấp nhận tự do
hoá tư sản, chủ nghĩa đa nguyên, đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập
nhằm phủ nhận chủ nghĩa Marx-Lenin, chủ nghĩa xã hội và vai trò lãnh đạo
của Đảng. Không thể không thấy đó là âm mưu chính trị phản động của kẻ
thù giai cấp và dân tộc. Chúng ta quyết không mắc mưu xảo quyệt của bọn
đế quốc và các loại phản động”. Bài phát biểu của ông Nguyễn Văn Linh
được đăng công khai, ít ai hiểu, những lập luận sắt đá đó còn là để đáp
trả một phát biểu của uỷ viên Bộ Chính trị Trần Xuân Bách chủ trương:
“Kinh tế thị trường và đa nguyên chính trị”.
Cách chức Trần Xuân Bách
Ông Bách sinh năm 1926, cùng quê với ông
Lê Đức Thọ. Cuối năm 1977, khi Lê Đức Thọ được Lê Duẩn giao phụ trách
“công tác đặc biệt” - tên gọi của một kế hoạch bí mật chuẩn bị cho cuộc
tiến đánh Pol Pot trên đất Campuchia - Trần Xuân Bách được tham gia với
vai trò phụ tá. Cuối năm 1978, ông Bách được cử làm phó chính uỷ của
chiến dịch.
Ông Trần Xuân Bách ở lại Phnom Penh cho
tới năm 1982 với chức danh chính thức là “Trưởng Đoàn B68”, chuyên gia
giúp Đảng và Nhà nước Campuchia. Năm 1982, ông Trần Xuân Bách được bầu
vào Ban Bí thư kiêm giữ chức chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Tại Đại
hội Đảng lần thứ VI, ông được bầu vào Bộ Chính trị.
Vợ ông, bà Trần Thị Đức Thịnh cho biết:
“Trước Đại hội VI (1986), lấy phiếu thăm dò Tổng bí thư, anh Bách hơn
phiếu Phạm Hùng và chỉ kém Nguyễn Văn Linh hai phiếu”. Theo ông Nguyễn
Đình Hương, phó Ban Tổ chức Trung ương khoá VI: “Khi ông Phạm Văn Đồng
và Lê Đức Thọ chọn Nguyễn Văn Linh làm Tổng bí thư, ông Trần Xuân Bách
phản đối. Ông Bách cho rằng Nguyễn Văn Linh chẳng có trình độ gì, khi
ông Linh làm Tổng bí thư rồi, ông Bách vẫn coi thường ra mặt”(127). Cố
vấn kinh tế của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói:
“Trần Xuân Bách được Lê Đức Thọ rỉ tai: Nguyễn Văn Linh là nhân vật quá
độ. Ông Linh chỉ làm nửa khoá rồi đưa ông Bách lên”. Trong Trung ương
lúc bấy giờ bắt đầu có tin Bí thư Trần Xuân Bách ngầm xung đột với Tổng
bí thư Nguyễn Văn Linh(128).
Khi đề cập đến vấn đề “đa nguyên” trong
Hội nghị Trung ương 6, tháng 3-1986, và sau đó đưa ra Hội nghị Trung
ương 7, tháng 8-1989, như một nội dung chính của kỳ họp, không những ông
Nguyễn Văn Linh có thể làm suy yếu Trần Xuân Bách mà còn có thể tập hợp
được sự ủng hộ của một nhà lý luận miền Bắc: Uỷ viên Thường trực Bộ
Chính trị Đào Duy Tùng. Tất nhiên, “chống đa nguyên” còn phản ánh quan
điểm của ông Nguyễn Văn Linh trước những gì diễn ra trong phe xã hội chủ
nghĩa ở thời điểm ấy.
Những diễn tiến quốc tế ấy giải thích thêm
vì sao sau Hội nghị Trung ương 7 (8-1989) một nhà chính trị kinh nghiệm
như ông Trần Xuân Bách vẫn tiếp tục trình bày công khai quan điểm của
ông về đa nguyên. Theo ông Lê Đăng Doanh: “Những lời rỉ tai của Lê Đức
Thọ và sức khỏe của ông Nguyễn Văn Linh có lẽ là một nguyên nhân khiến
ông Trần Xuân Bách nghĩ rằng thời cơ đã đến để Việt Nam có thể đi theo
xu thế chung của thời đại”.
Trong năm 1989, ông Nguyễn Văn Linh đã
từng phải đi Liên Xô làm phẫu thuật cắt một đoạn ruột. Ngày 23-10-1989,
khi từ Berlin trở về, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh được đón tiếp rất
trọng thể. Toàn bộ các uỷ viên trong Bộ Chính trị đã ra sân bay đón ông.
Nhưng, ngay sau khi xuống sân bay, ông Linh đã phải vào bệnh viện. Theo
ông Lê Đăng Doanh: “Ông Trần Xuân Bách càng đẩy nhanh các hoạt động của
mình”.
Ông Lê Đăng Doanh cho rằng, Văn phòng
Trung ương cho tới sau này vẫn in dấu ấn của Trần Xuân Bách, người thiết
lập một mô hình và cung cách làm việc khá là khoa học kể từ khi nhậm
chức chánh văn phòng. Sau Đại hội V, theo ông Lê Đăng Doanh: “Thường Lê
Đức Thọ không dự họp Bộ Chính trị. Họp xong, ông Bách đi báo cáo cho ông
Thọ và ông Thọ thường cho những ý kiến khác khiến ông Bách phải tìm
cách lèo lái”.
Năm 1989, với tư cách là người phụ trách
công tác lý luận của Đảng, ông Trần Xuân Bách chính thức hình thành một
nhóm nghiên cứu gồm năm người: Lê Hồng Tâm, nhà kinh tế, Vũ Cao Đàm,
viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ,
Bùi Thế Vĩnh, viện trưởng Viện Hành chính học, Học viện Hành chính Quốc
gia, Nguyễn Mạnh Tôn, chuyên viên Ngân hàng Ngoại thương và Nguyễn Thanh
Sơn, chuyên viên Ban Công nghiệp Trung ương.
Theo ông Vũ Cao Đàm: “Anh Bách giao cho
mỗi người chúng tôi phụ trách một chuyên đề: Lê Hồng Tâm nghiên cứu về
chính sách kinh tế để phục hưng đất nước. Bùi Thế Vĩnh nghiên cứu biện
pháp giải phóng lực lượng sản xuất. Vũ Cao Đàm nghiên cứu hệ thống chính
trị trong tiến trình cải cách kinh tế. Nguyễn Thanh Sơn nghiên cứu
chính sách phát triển nhân lực. Nguyễn Mạnh Tôn nghiên cứu biện pháp
chống lạm phát”(129).
Ông Vũ Cao Đàm nói: “Trước khi khai mạc
Hội nghị Trung ương 7, anh Trần Xuân Bách chuẩn bị bài phát biểu, trong
đó đề cập hai nội dung về kinh tế thị trường và đa nguyên chính trị. Anh
đưa bài phát biểu cho nhóm chúng tôi thảo luận để đóng góp ý kiến. Khi
đó, tôi có nêu câu hỏi: ‘Anh cân nhắc thêm, xem phát biểu bây giờ liệu
có quá sớm không?’. Anh Bách đã trả lời ý là không quá sớm và cũng không
quá muộn”.
Bà Trần Thị Đức Thịnh kể, ông tỏ ra rất
quyết tâm. Khi bà Thịnh khuyên: “Anh ơi, chưa đúng lúc, anh đưa ra bây
giờ không ai ủng hộ đâu”. Ông suy nghĩ một lúc rồi nhỏ nhẹ nói với vợ:
“Hay để anh lo nhà cửa cho ba mẹ con em rồi chúng ta li dị để ba mẹ con
em không phải liên luỵ nhé!”. Họ đã không li dị cho dù sau đó ông Trần
Xuân Bách vẫn phát biểu về “đa nguyên” trước Trung ương.
Theo ông Vũ Cao Đàm, ông Trần Xuân Bách có
hai lần đưa quan điểm của mình thảo luận trong khuôn khổ những diễn đàn
rộng hơn: một lần với các nhà khoa học tại phòng họp của Liên hiệp các
hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ở số 53 Nguyễn Du, Hà Nội; một lần
cũng với các nhà khoa học tại phòng họp của Ban Khoa giáo Trung ương
Đảng ở số 10 Nguyễn Cảnh Chân. Còn một cuộc nói chuyện công khai nữa của
ông Bách ở Ký túc xá Ngô Gia Tự, Sài Gòn, thì ngay cả những người giúp
việc cũng không biết đến. Theo ông Kiều Xuân Long, vụ phó Vụ Công tác
phía Nam của Ban Khoa giáo Trung ương tại Thành phố Hồ Chí Minh, người
đưa ông Trần Xuân Bách xuống Ký túc xá Ngô Gia Tự: “Chuyến đi của ông
Trần Xuân Bách làm cho Thành uỷ và nhiều người không thích. Về sau ông
Bách bị quy kết là đã thực hiện mục đích lôi kéo sinh viên”.
Trong số các sinh viên dự nghe ông Trần
Xuân Bách có Nguyễn Sơn Thuỷ Hùng, người bị bắt trong vụ Công viên Kỳ
Hoà mùa hè năm 1989. Sau khi được tạm tha, Hùng cùng ba sinh viên khác
bị “cấm đi khỏi nơi cư trú”, bởi vậy, suốt mùa hè năm 1989, anh phải ở
lại ký túc xá Ngô Gia Tự tuy đã hoàn thành năm học cuối cùng. Nguyễn Sơn
Thuỷ Hùng kể: Vào một ngày mưa lâm râm giữa tháng 9-1989, cô Mai Vinh,
trưởng Ban Quản lý Ký túc xá mời các sinh viên đến hội trường “nghe lãnh
đạo nói chuyện”. Từ khi được báo cho đến khi ông đến chỉ trong vòng 15
phút, khoảng 200 sinh viên trong ký túc xá ngồi nghe ông Bách nói chuyện
suốt gần ba giờ.
Theo ông Kiều Xuân Long, ông Trần Xuân
Bách rất ấn tượng khi thấy không có sinh viên nào nói đến cơm áo gạo
tiền cho dù lúc đó các em rất thiếu thốn. Sinh viên đặt những câu hỏi,
nêu những vấn đề ở tầm quốc tế, quốc gia, cho thấy các em rất quan tâm
tới chính trị và tình hình đất nước. Bằng một phong thái nhẹ nhàng, ông
Trần Xuân Bách phân tích tình hình Liên Xô và Đông Âu với sinh viên. Ông
nói: “Xu hướng thời đại giờ đây là phải chống độc đoán. Xã hội muốn
phát triển thì phải có đấu tranh giữa các mặt đối lập. Muốn có đấu
tranh, phải phát huy dân chủ, muốn dân chủ thì phải tôn trọng nhân
quyền. Mô hình các nước xã hội chủ nghĩa thực chất là đã không tuân thủ
các nguyên tắc này. Hôm nay, chú chỉ nói với các cháu xu hướng của thời
đại, của thế giới. Các cháu lớn rồi, tự các cháu suy nghĩ và quyết
định”.
Cũng như khi nói chuyện ở Ký túc xá Ngô
Gia Tự, trong cuộc nói chuyện ở 53 Nguyễn Du, ông Trần Xuân Bách không
hề sử dụng trực tiếp từ “đa nguyên”. Dù rằng ông đã khéo léo để trình
bày khá đầy đủ quan điểm của ông: “cải cách kinh tế phải đi đối với cải
cách chính trị”(130). Ông Trần Xuân Bách nhắc lại điều mà ông nói trước
cuộc hội thảo của các nhà xã hội học tháng 10-1988 rằng, “chủ nghĩa tư
bản hiện đại, có nhiều cái khác với thời Mác”. Ông nói, phải có tư duy
khoa học chứ “tụng từng câu Kinh Thánh trong sách Mác không bảo vệ được
chủ nghĩa Mác đâu”(131).
Cuộc nói chuyện ở 53 Nguyễn Du vào ngày
13-12-1989 được coi như “giọt nước tràn ly”. Phát biểu của ông Trần Xuân
Bách được Câu lạc bộ Những người Kháng chiến cũ lược ghi, quay ronéo và
phổ biến. Bài viết định đăng trên tờ báo Khoa Học & Tổ Quốc của
Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật, số ra ngay sau đó nhưng không
thành. Tới số 3-1990, Khoa Học & Tổ Quốc mới cho đăng một tin ngắn
về sự kiện Trần Xuân Bách nói chuyện tại 53 Nguyễn Du, đồng thời trên
hai số liên tiếp, 3 và 4-1990, Khoa Học & Tổ Quốc cho đăng hai bài
viết, một của ông Đỗ Đức Dục, cựu tổng thư ký Đảng Dân chủ và ông Đặng
Kim Giang, ký tên là Lương Dân, nói về “đa nguyên, đa đảng”.
Tổng thư ký toà soạn tờ Khoa Học & Tổ
Quốc lúc đó, ông Phạm Quế Dương, kể: “Đoạn cuối trong bài của ông Đỗ Đức
Dục kêu gọi ‘đa nguyên, đa đảng’, tôi định cắt nhưng ông Trần Văn Giàu
khi đó là chủ tịch danh dự của Liên hiệp hội đọc và không cho tôi cắt.
Báo vừa ra thì bị tịch thu và công an khởi tố vụ án”.
Đầu năm 1990, sau khi chủ nghĩa xã hội sụp
đổ ở Đông Âu, các tổ chức “người Việt chống Cộng” ở nước ngoài, kể cả
các tổ chức trước đó chủ trương vũ trang lật đổ, cũng bắt đầu ra nhiều
tuyên ngôn, tuyên cáo, kêu gọi “chuyển lửa về quê hương”. Đặc biệt là
bức tâm thư của nhóm các “trí thức thiên tả” ở nước ngoài, những người
một thời đã đứng về phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Ngọc Giao, một trí thức
Việt kiều tại Pháp đã từng phiên dịch cho Lê Đức Thọ thời kỳ Hội đàm
Paris: “Ngay trong nội bộ phong trào Việt kiều ủng hộ cuộc kháng chiến
chống Mỹ, cũng đã có ít nhất bốn bản tâm thư kêu gọi dân chủ hoá đời
sống chính trị Việt Nam, song bản tâm thư mà chúng tôi công bố có tiếng
vang hơn cả, có lẽ vì nó tập hợp rộng rãi những thành viên tiêu biểu ở
các nước, nội dung thể hiện một lập trường chân thành và trách nhiệm,
kiên quyết mà ôn hoà”(132).
Ngày 22-1-1990, nhóm Nguyễn Ngọc Giao gửi
về Việt Nam bản Tâm thư kêu gọi cải cách với mức khởi đầu có ba mươi
người ký, gồm: Vĩnh Anh (Canada), Lê Văn Cát (Tây Đức), Huỳnh Trí Chánh
(Nhật), Nguyễn Văn Chuyển (Nhật), Lê Văn Cường (Pháp), Nguyễn Ngọc Giao
(Pháp), Lê Thành Khôi (Pháp), Lâm Thành Mỹ (Pháp), Bùi Văn Nam Sơn (Tây
Đức), Phạm Ngọc Thuần (Pháp), Trương Phước Trường (Úc)…(133).
Đầu năm 1990, bệnh tình của Lê Đức Thọ bắt
đầu chuyển nặng trong khi sức khỏe của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã
được cải thiện nhiều.
Theo ông Lê Đăng Doanh: “Ông Nguyễn Văn
Linh bắt đầu ra tay. Ông Đỗ Mười ủng hộ. Để có thể bàn việc kỷ luật Trần
Xuân Bách mà không có Trần Xuân Bách, thay vì Bộ Chính trị họp chính
thức, ông Linh có sáng kiến để cho Phạm Văn Đồng, lúc này là cố vấn Ban
Chấp hành Trung ương, mời các uỷ viên Bộ Chính trị tới nhà ông họp. Cuộc
họp đầu tiên của Bộ Chính trị để phê phán Trần Xuân Bách bắt đầu vào
ngày 2-2-1990 tại nhà riêng Phạm Văn Đồng”.
Tại Hội nghị Trung ương 8, khoá VI, họp
trong Nhà Rùa, nằm cạnh khu Biệt thự Tây Hồ, kéo dài từ ngày 12 đến
27-3-1990, Trần Xuân Bách bị phê phán nặng nề suốt gần một tuần và theo
ông Lê Đăng Doanh, người có mặt tại Nhà Rùa trong suốt mười lăm ngày hội
nghị: “Trong hai lần phát biểu ý kiến vào ngày 17 và 27-3-1990, ông
Bách đã đơn thương, độc mã phê bình Nguyễn Văn Linh gay gắt”.
Phía những người muốn loại trừ ông Bách
cũng có những cân nhắc, theo ông Trần Trọng Tân: “Tôi có nói với Võ Chí
Công là kỷ luật Trần Xuân Bách phải nên tính toán thế nào để tránh bị
bên ngoài lợi dụng. Võ Chí Công nói Bộ Chính trị đã có tính toán. Lúc
đầu Uỷ ban Kiểm tra cũng dự kiến chỉ khiển trách trong Trung ương.
Nhưng, Trần Xuân Bách cương quá lại còn nói như dạy cho các uỷ viên khác
về đa nguyên nên nhiều người tức”.
Ngày Chủ nhật 25-3-1990, Bộ Chính trị lại
họp tại nhà Phạm Văn Đồng. Cố vấn Phạm Văn Đồng được Bộ Chính trị nhờ
làm trung gian thương lượng với Trần Xuân Bách. Ngày 27-3-1990, vào lúc 6
giờ 30 sáng, Phạm Văn Đồng gọi Trần Xuân Bách sang gặp, nói: “Nếu hôm
nay anh nhận lỗi thì sẽ giữ anh lại trong Trung ương. Nếu không nhận lỗi
thì anh chỉ còn là đảng viên thường thôi”. Trần Xuân Bách đứng lên:
“Tôi có lỗi gì đâu”. Phạm Văn Đồng khuyên: “Có lúc cũng phải mềm dẻo để
tồn tại, khi gặp thời thế lại đứng lên”. Nhưng, Trần Xuân Bách nói: “Tôi
có lỗi thì mới nhận được, không có lỗi mà nhận sẽ tạo ra một tiền lệ
xấu cho những đồng chí khác”. Rồi Trần Xuân Bách đi về nhà, chọn bộ đồ
sang trọng nhất: sơ mi trắng, vét đen mặc vào, đàng hoàng đi ra Nhà Rùa.
Hôm ấy Trung ương biểu quyết, kỷ luật cách hết mọi chức vụ của ông.
Vợ ông, bà Trần Thị Đức Thịnh được tin
chồng mình bị kỷ luật vào tối 28-3-1990, qua Đài Tiếng nói Việt Nam khi
đang công tác ở Quảng Ninh. Phần cuối “Thông báo của Ban Chấp hành Trung
ương” được đọc trên Đài và đăng trên các báo vào sáng hôm sau viết:
“Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (Khoá VI) đã quyết định
cách chức uỷ viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương, uỷ viên Ban Chấp hành
Trung ương Đảng đối với đồng chí Trần Xuân Bách, vì đã vi phạm nghiêm
trọng nguyên tắc tổ chức và kỷ luật của Đảng, gây ra nhiều hậu quả xấu”.
Bà Thịnh kể: Tối hôm đó về tới nhà, anh
kêu tôi ngồi xuống: “Em bình tĩnh, để anh nói em nghe”. Tôi bảo: “Trên ô
tô em đã nghe Đài nói rồi. Anh đã không đội ghế lên đầu, từ bỏ những
điều mà mình tin là đúng. Anh yên tâm, anh của em sẽ có sự nghiệp”. Anh
ôm lấy tôi, nước mắt hai hàng: “Thịnh ơi anh đã không nhầm khi chọn
em”(134).
Đêm ấy, khi dọn đồ, bà Thịnh nhìn thấy một
gói nhỏ trong có hai bộ quần áo màu cứt ngựa, hai áo may ô, hai quần
đùi, vài thứ thông dụng và một mảnh giấy: “Nếu người ta đưa anh đi luôn
thì em gửi mấy thứ này vào cho anh”. Bà sững sờ, thì ra, trong buổi sáng
27-3-1990, sau khi gặp Phạm Văn Đồng, Trần Xuân Bách đã chuẩn bị cho
mình khả năng bị bắt. Ngay lúc đó, bà Thịnh tự nhủ: “Mình phải không để
cho ai biết là mình buồn, mình khổ, nhất là những người ghét chồng mình
nhất”. Bà nói với ông Bách: “Kể cả em phải ra đường bưng mẹt thuốc lá để
bán em cũng ráng nuôi con ăn học, anh yên tâm”. Trong thời gian Trung
ương đang kiểm điểm Trần Xuân Bách, bà Thịnh cho biết: “Ông Nguyễn Văn
Linh mấy lần nhắn tôi sang nói chuyện để về thuyết phục anh Bách. Nhưng
tôi không sang”(135).
Tuy vẫn được ở lại toà biệt thự cũ thêm
một thời gian, nhưng năm ngày sau Hội nghị Trung ương 8, tiêu chuẩn sữa
tươi cho uỷ viên Bộ Chính trị, 2 lít/ngày, mà Ban Tài chính Quản trị
Trung ương vẫn cung cấp cho ông, bị cắt. Khi ông Bách còn tại chức, ngày
nào cửa hàng Tôn Đản cũng mang tới tận nhà ông nào thịt, nào cá tươi,
gạo ngon, sau khi ông ra khỏi Trung ương, mọi thứ không còn nữa.
Từ năm 1984-1989, bà Thịnh vừa làm việc ở
Ban Tài chính Quản trị Trung ương vừa đi học Đại học Thương mại tại
chức. Khi ông Trần Xuân Bách còn đương chức, đích thân một thứ trưởng Bộ
Thuỷ sản đến tận nhà “xin” bà Trần Thị Đức Thịnh về công tác tại
Seaprodex. Quyết định điều động bà Thịnh về Seaprodex được ký vào ngày
15-2-1990. Chưa kịp bố trí chức vụ cho bà thì ông Trần Xuân Bách mất
chức. Bà Thịnh nhớ lại: “Họ cử tôi ra đứng vỉa hè giữ xe gắn máy cho
khách đến liên hệ với cơ quan”. Bà nói: “Tôi không để anh ấy biết, tôi
không muốn anh ấy bị hẫng. Tôi tự đi mua sữa tươi, vẫn ngày hai lít. Anh
tưởng tôi vẫn lấy sữa của Trung ương, kiên quyết bảo tôi phải từ chối.
Suốt ba năm người ta không trả lương cho anh, còn tôi thì cả năm không
được giao việc”.
Để nuôi chồng và hai con ăn học, bà Thịnh
kể: “Tối tối, tôi xin đi rửa chén ở các nhà hàng. Tôi phải đi xa, trùm
khăn kín mặt cả mùa đông lẫn mùa hè để không có ai nhận ra. Có thời
gian, cứ nửa đêm, tôi nhận đi áp tải các xe chở sắt cho các công trường
xây dựng. Chở sắt sang Gia Lâm, tôi được trả ba đồng một đêm. Anh thấy
tôi đi sớm, về khuya, tưởng tôi vẫn được trọng dụng”.
Bà Thịnh kể tiếp: “Mấy năm sau, có người
bạn cũ gặp lại mời tôi đi ăn bún chả. Tôi ăn một mạch hết hai bát, không
còn nhớ đến có ai ở xung quanh. Ăn xong, tôi thú thật với bạn tôi, suốt
hai năm trời tôi không hề được ăn một miếng thịt vì có miếng nào lại để
dành cho chồng, cho con. Thỉnh thoảng, đợi anh đi ngủ tôi mới lấy miếng
cơm cháy, rưới ít mỡ vào, đốt lên bếp may xo, ngồi ăn cho đỡ thèm chất
mỡ. Nhưng, điều khó khăn nhất của tôi là chứng kiến sự ghẻ lạnh. Kể từ
sau khi anh mất chức, những ai đã từng cười với tôi mấy lần ở đâu, tôi
vẫn còn nhớ rõ và vô cùng biết ơn họ”.
Hơn một tháng sau ngày Trung ương kỷ luật
Trần Xuân Bách, tại miền Nam, Tạ Bá Tòng, Hồ Hiếu, Đỗ Trung Hiếu bị bắt.
Một người ủng hộ Câu lạc bộ Những người Kháng chiến cũ, ông Lê Đình
Mạnh, sau đó cũng bị bắt theo. Trước đó, vào ngày 21-3-1990, ông Nguyễn
Hộ bỏ Sài Gòn về Phú Giáo, một vùng đất cách Sài Gòn sáu mươi cây số.
Ngày 7-9-1990, khi ông Nguyễn Hộ đang bơi xuồng trên sông Sài Gòn thì bị
bắt. Ông bị giam tại Xuân Lộc bốn tháng, sau đó được đưa về quản thúc
tại nhà riêng trên đường Võ Văn Tần.
Dù vậy, các nhà trí thức trong nước vẫn
lên tiếng mạnh mẽ: Hà Sĩ Phu viết bài Dắt Tay Nhau Đi Dưới Những Tấm
Biển Chỉ Đường Của Trí Tuệ. Hoàng Minh Chính viết Góp Ý kiến Về Dự Thảo
Cương lĩnh. Lương Dân “Bàn Về Sự Lãnh đạo Của Đảng”. Phan Đình Diệu
“Kiến Nghị Về Một Chương trình Cấp Bách Nhằm Khắc Phục Khủng Hoảng Và
Tạo Điều kiện Lành Mạnh Cho Sự Phát triển Đất Nước”. Trần Quốc Vượng
viết Nỗi Ám Ảnh Của Quá Khứ. Nữ nhà văn Dương Thu Hương dự đoán “nếu
Đảng không cải cách sẽ có một cuộc lưu huyết”(136).
Cuối năm 1990, Đại tá Bùi Tín, phó tổng
biên tập báo Nhân Dân, quyết định ở lại Paris sau chuyến đi Pháp dự lễ
kỷ niệm ngày thành lập báo Humanité. Từ Paris, vào lúc 21 giờ 30 ngày
26-11-1990, Đại tá Bùi Tín gửi về nước “Bản Kiến nghị của một công dân”
và sau đó liên tục trả lời phỏng vấn Trưởng ban Việt ngữ BBC Đỗ Văn, kêu
gọi “xây dựng một chế độ dân chủ thực sự có tính chất nhân dân” và đề
nghị “đổi tên nước thành Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đổi tên Đảng thành
Đảng Lao động Việt Nam, thực hiện hoà giải dân tộc, thực hiện chính sách
hoà bình, hữu nghị không liên kết và hợp tác với tất cả các dân tộc”.
Trong khi dân chúng, đặc biệt là cán bộ
đảng viên, lặng lẽ đón nghe từng buổi phát thanh của đài BBC, nhân bản
các phát biểu của nhà báo Bùi Tín, truyền đọc và bình luận thì Ban Bí
thư có hai thông báo cho rằng “Bùi Tín đã có những hoạt động sai trái ở
Pháp”. Sau khi nhắc lại “một số quan hệ nam nữ bất chính” của Bùi Tín và
tố cáo ông “có con trai chạy sang Hồng Kông giữa năm 1989 nhưng không
báo cáo với cơ quan và chi bộ Đảng”, Ban Bí thư cho rằng: “Các thế lực
phản động đã lợi dụng và lôi kéo Bùi Tin để phục vụ âm mưu của chúng
hòng chống phá cách mạng nước ta, thực hiện diễn biến hoà bình, bôi xấu
Đảng và Nhà nước ta, chia rẽ nhân dân và Đảng”(137). Sự kiện Bùi Tín
càng củng cố những lo lắng của ông Nguyễn Văn Linh đối với giới văn nghệ
sỹ.
Cũng trong thời gian đó, một số tổ chức
Việt kiều và các nhà văn nước ngoài bắt đầu liên lạc gặp gỡ, mời các nhà
văn trong nước đi ra nước ngoài. Trong một số lần gặp gỡ những chức sắc
văn nghệ, ông Nguyễn Văn Linh cho rằng những người này đã được các “thế
lực phản động nước ngoài nuôi dưỡng”. Các văn kiện chính thức cũng xếp
những phát biểu này vào danh mục những “bài nói, bài viết chống đối chế
độ và sự lãnh đạo của Đảng”(138). Trước Đại hội lần thứ VII, tháng
6-1991, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ra lệnh bắt giam nhà văn Dương Thu
Hương(139).
Kết thúc “trăng mật” với báo giới
Năm đầu tiên trên cương vị Tổng bí thư,
ông Nguyễn Văn Linh được gọi là “người đổi mới”. Không chỉ vì truyền
thông nhà nước có truyền thống chỉ nói những điều tốt đẹp về các nhà
lãnh đạo, cá nhân Nguyễn Văn Linh cũng tạo được nhiều thiện cảm với báo
chí. Ông xuất hiện ở Hà Nội như một chính khách thay vì với cung cách
“lãnh tụ” như những người tiền nhiệm.
Thời bao cấp, du lịch là một khái niệm
không tồn tại đối với thường dân. Những cán bộ có thành tích lâu lâu mới
được công đoàn cho đi “nghỉ mát”. Những khu du lịch nổi tiếng thường
chỉ đón các nhà lãnh đạo đến làm việc và nghỉ ngơi. Những biệt thự tốt
nhất ở Đồ Sơn, Tam Đảo, Sapa và sau năm 1975, ở Vũng Tàu, Đà Lạt thường
được dành riêng để “xuân thu nhị kỳ” lãnh đạo và gia đình đến ở. Dưới
thời Nguyễn Văn Linh, quỹ biệt thự này được giao cho Ban Tài chính Quản
trị làm “kinh tế Đảng” thay vì giữ cho lãnh đạo sử dụng riêng. Tổng bí
thư Nguyễn Văn Linh cũng không dùng chuyên cơ khi đi lại giữa Hà Nội và
Thành phố Hồ Chí Minh. Ông và tuỳ tùng chỉ mua một khoang riêng; máy bay
chở Tổng bí thư vẫn được quyền bán vé phần ghế dư ra cho khách.
Trước và sau thời ông Nguyễn Văn Linh,
những người giữ các chức danh Tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ
tịch quốc hội thường sử dụng một máy bay riêng khi đi lại. Những chuyến
bay này gọi là chuyên cơ. Chi phí một chuyến chuyên cơ từ Hà Nội vào
Sài Gòn theo thời giá thập niên 1980 lên đến 160 triệu đồng, trong khi
chi phí mua khoang của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh chỉ mất mười sáu
triệu.
Năm 1989, khi Trung ương họp tại Thành phố
Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Linh đã yêu cầu các uỷ viên Trung ương phải
đi tàu hoả. Tuy nhiên, quy định này của ông Linh chỉ áp dụng được một
lần do có nhiều uỷ viên Trung ương phản ứng và do đi tàu vừa mất thời
gian vừa tốn kém vì ngành đường sắt không thể bán vé cho thường dân vào
buồng bốn ghế nằm đã có một hai “ông Trung ương” ở đó.
Khi nhậm chức, Nguyễn Văn Linh vẫn sử dụng
một chiếc xe hơi hiệu Lada của Liên Xô đã cũ thay vì tiêu chuẩn của
Tổng bí thư phải là “Volga đen” hoặc Toyota. Theo ông Bùi Văn Giao, trợ
lý của Nguyễn Văn Linh: “Ông không biết rằng, để Lada có thể chở Tổng bí
thư, Văn phòng phải gắn thêm máy lạnh. Vì tải thêm máy lạnh mà tuổi thọ
của những chiếc Lada này bị giảm đi rất nhanh, cứ sau một hai năm là
phá luôn giàn máy. Một lần ông Linh đi công tác về tỉnh, chiếc máy lạnh
tự chế phát nổ. May mà khi đó, ông Linh đang ngồi trong phòng họp còn
chiếc xe thì đậu ngoài sân”. Ông Linh dùng Lada thì các vị lãnh đạo khác
cũng phải Lada. Không ai dám nói với Tổng bí thư, tuy tiền mua Lada rẻ
hơn các loại “xe tư bản” nhưng tuổi thọ xe ngắn và lượng xăng sử dụng
tốn hơn rất nhiều so với “xe tư bản”(140).
Trong chế độ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa
Việt Nam, mọi hoạt động của Tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ
tịch quốc hội đều được báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam và Đài
Truyền hình đưa tin. Tần suất xuất hiện của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh
trên truyền thông nhiều hơn vì phong cách năng động và mối giao hảo cá
nhân giữa ông và báo giới. Tuy nhiên, dưới thời Nguyễn Văn Linh, trí
thức, văn nghệ sỹ bắt đầu tư duy độc lập, kể cả độc lập trong cách nhìn
và đánh giá vị Tổng bí thư đã hô hào “cởi trói”.
Đầu tháng 6-1988, trong chuyến đi tìm hiểu
về “cải tiến cơ chế khoán trong công nghiệp” ở Hà Nội và Thành phố Hồ
Chí Minh, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đưa ra khái niệm “xử lý hộp
đen”(141). Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cho rằng: “Xử lý hộp đen là cải
tiến quản lý và cải tiến kỹ thuật là khâu quan trọng lúc này cũng như về
lâu dài”(142).
Trước đó, ngày 10-6-1988, báo Nhân Dân tổ
chức cuộc trao đổi ý kiến với nhiều giám đốc về vấn đề: “Làm thế nào để
xử lý hộp đen có hiệu quả theo tinh thần các nghị quyết của Đảng và nhà
nước mới ban hành”. Cuộc trao đổi do tổng biên tập báo Nhân Dân chủ trì
với sự tham gia của hơn hai mươi tổng giám đốc và giám đốc các doanh
nghiệp lớn. Từ đó cho tới đầu tháng 7-1988, báo Nhân Dân lần lượt đăng
phát biểu của nhiều giám đốc, ai cũng trăn trở: “Làm thế nào để xử lý
hộp đen”. Mặc dù, ý kiến của họ cho thấy không ai thực sự hiểu như thế
nào là “hộp đen” cả.
Không thể ngồi nhìn “hộp đen” cứ “quay”,
Giáo sư Hoàng Tuỵ và Giáo sư Phan Đình Diệu đành phải viết thư gửi báo
Nhân Dân. Hai nhà khoa học nói thẳng rằng, các thuật ngữ, xuất hiện
thường xuyên trên báo Nhân Dân và các báo lớn, như “hộp đen”, “xử lý hộp
đen” và “quay hộp đen” đã “bị hiểu sai lạc và sử dụng tuỳ tiện”. Sau
khi dẫn các giải thích của các nhà lãnh đạo cũng như một số “nhà khoa
học” đăng trên các báo, Giáo sư Hoàng Tuỵ và Phan Đình Diệu kết luận:
“Không có một nhà điều khiển học đứng đắn nào, không có một nhà kinh tế
học nghiêm chỉnh nào lại có thể hiểu về hộp đen như thế”(143).
Thoạt tiên, Giáo sư Hoàng Tuỵ và Phan Đình
Diệu gửi ý kiến của mình đến báo Nhân Dân. Nhưng báo Nhân Dân lờ đi. Họ
gửi tới Văn phòng Trung ương, nhưng không ai đủ dũng cảm để nói với
Tổng bí thư. Trong các cuộc họp, Tổng bí thư vẫn tiếp tục “xử lý hộp
đen”. Hoàng Tuỵ và Phan Đình Diệu đành phải đưa bài tới cho nhà văn
Nguyên Ngọc. Nguyên Ngọc kể, ông đã gọi điện cho Tổng Biên tập báo Nhân
Dân Hà Đăng, nhưng Hà Đăng nói: “Tôi không dám đăng”. Nguyên Ngọc nghĩ:
“Một bài báo mấy trăm chữ mà hai bậc đại trí thức của Việt Nam phải đồng
ký tên. Cái sai không chỉ là của một cá nhân Tổng bí thư nữa mà có nguy
cơ trở thành ‘kiến thức’ phổ thông. Nếu mình cũng sợ không đăng thì
người ta sẽ nghĩ là cả nước Việt Nam không biết”. Ngày 30-7-1988, Nguyên
Ngọc cho đăng bài Hộp Đen Và Quay Hộp Đen trên báo Văn Nghệ. Từ hôm đó, trên báo Nhân Dân, khái niệm “hộp đen” biến mất.
Không chỉ vì vụ “hộp đen”, cuối năm 1988, mối quan hệ giữa Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và tướng Trần Độ, người ủng hộ báo Văn Nghệ và
khuynh hướng tự do sáng tạo của văn nghệ sỹ, cũng bắt đầu rạn nứt. Theo
Trần Độ: “Trước Nghị quyết 05 mối quan hệ này ấm cúng bao nhiêu thì sau
Nghị quyết 05, giá lạnh bấy nhiêu. Đối với tôi đây là một điều đau xót,
không chỉ trong việc chung mà cả tình cảm riêng tư”.
Cùng lúc với sự ra đời của nhiều tác phẩm
văn học, nghệ thuật được dư luận xôn xao đón nhận, trong chính trường
bắt đầu xuất hiện những chỉ trích các tác phẩm này, coi đó là những
“lệch lạc” trong văn nghệ. Nghị quyết 05 bị ngầm quy kết là đã góp phần
tạo ra những “lệch lạc” ấy. Sự quy kết không chỉ nhắm đến tướng Trần Độ
mà còn trở thành công cụ chính trị hướng tới Nguyễn Văn Linh. Trong khi
đó, trong vụ cấm vở kịch Em Đẹp Dần Lên Trong Mắt Anh, Trần Độ lại giữ
thái độ không khoan nhượng ngay cả khi ông Nguyễn Văn Linh đã có ý
kiến(144).
Theo ông Trần Trọng Tân, trưởng Ban Tuyên
huấn Trung ương khoá VI: “Ông Linh đã định kiến ai thì gỡ ra rất khó.
Nhưng việc Nguyên Ngọc bị mất chức tổng biên tập báoVăn Nghệ vào tháng 12-1988 và vai trò của Trần Độ bị giảm đi không chỉ vì mối quan hệ cá nhân giữa ông Nguyễn Văn Linh và họ”.
Bên cạnh những phóng sự “trực diện với đời
sống” của Phùng Gia Lộc, Trần Huy Quang, Hồ Trung Tú,… phần sáng tác
công bố trên tuần báo Văn Nghệ “thời Nguyên Ngọc” cũng gây nhiều tranh cãi. Không chỉ có những truyện ngắn lạ và mượt mà của Nguyễn Huy Thiệp như Những Ngọn Gió Hua Tát, Sang Sông…, Văn Nghệ còn cho đăng những truyện ngắn mới của ông như Vàng Lửa và Phẩm Tiết,
đưa ra một góc nhìn về các nhân vật lịch sử như Quang Trung, Gia Long
khác với đánh giá của nền giáo dục và chính trị đương thời. Cùng lúc, Văn Nghệ cũng cho công bố truyện ngắn Năm Ngày của
Phạm Thị Hoài, một tác phẩm làm rộ lên những lời phê bình trái ngược
nhau gay gắt. Đặc biệt, mảng “lý luận phê bình” bắt đầu chạm vào những
lằn ranh chính trị.
Từ Moscow, Lê Ngọc Trà gửi về bài viết đầu tiên, Văn Nghệ Và Chính Trị,
nhắc nhở vai trò gần như độc lập của các văn nghệ sỹ. Để rồi sau đó,
Nguyên Ngọc triển khai mở rộng phần lý luận nói về mối quan hệ giữa văn
nghệ và hiện thực. Ngày 5-12-1987, Văn Nghệ cho công bố bài viết, gây chấn động ngay từ đầu đề, của nhà văn Nguyễn Minh Châu: Hãy Đọc Lời Ai Điếu Cho Một Giai Đoạn Văn Nghệ Minh Hoạ, giai đoạn mà theo Nguyễn Minh Châu, các “nhà văn hiền lành, vô sự, chỉ biết ca ngợi”.
Ngày 21-11-1988, khi trả lời phỏng vấn báo Văn Nghệ,
Nguyễn Minh Châu cho rằng “chúng ta đã tự trói mình”. Ông nói: “Cái lỗi
lớn nhất của mỗi người chúng ta là đã khiếp hãi trước cái xấu và cái
ác. Và, lâu dần dường như không làm gì được thì chúng ta coi như không
có nó - cuộc đời không có cái xấu và cái ác đang hoành hành, đang chi
phối số phận con người, coi như cuộc đời không có oan khiên, oan khuất”.
Cũng trong thời gian đó, Liên Xô xét lại nhiều vụ án văn nghệ được dựng lên dưới thời Stalin. Ngày 23-1-1988, Văn Nghệ cho
trích dịch bài viết trên tờ Tin Moscow số ra ngày 20-12-1987 đề cập đến
nhiều cuốn sách của các nhà văn Nga “bị vùi dập qua nhiều thập kỷ”. Tác
giả bài báo bình luận: “Kẻ nào giấu kín quá khứ sẽ không yên lành được
với tương lai”.
Ngày 16-4-1988, trên tờ Văn Nghệ,
Trần Độ dẫn một tuyên bố từ tạp chí Người Cộng Sản của Liên Xô: “Ngăn
đường một tác phẩm có tài nhưng không phù hợp với cái nhất thời là vô
nghĩa”. Một giáo viên ở Nghĩa Bình viết: Sau khi đọc những phóng sự như
Cái Đêm Hôm Ấy… Đêm Gì? của Phùng Gia Lộc, Suy Nghĩ Trên Đường Làng của
Hồ Trung Tú…, làm sao chúng tôi có thể làm cho học sinh tin vào những
điển hình xã hội chủ nghĩa như “Biền” trong Tầm Nhìn Xa, như Anh Chủ
Nhiệm(145)…
Ngày 16 và 23-7-1988, trên hai số báo
liền, Nguyên Ngọc cho đăng lại bài tường thuật hội thảo bàn tròn do báo
Văn Học Liên Xô tổ chức: “Liệu chúng ta có từ bỏ chủ nghĩa hiện thực xã
hội chủ nghĩa”. Bài viết dẫn lời các nhà văn Nga cho rằng: “Chủ nghĩa
hiện thực đã bị Stalin áp đặt một cách tàn bạo và giáo điều hoá”. Bài
viết trích lời của một nhà văn Nga: “Thời đại bị lợi dụng cho lời cầu
phúc và thời đại đã nói dối, giết người rồi biện minh cho tính chất vô
sản của chủ nghĩa anh hùng chúng ta”.
Không khí cải tổ trong Hội Nhà văn Liên Xô
tác động một cách trực tiếp lên công tác chuẩn bị Đại hội lần thứ V Hội
Nhà văn Việt Nam. Liên tục trên nhiều số, Văn Nghệ cho đăng bài kêu gọi đổi mới từ nội dung cho tới phương thức tổ chức đại hội của Hội Nhà văn. Ngày 4-6-1988, Văn Nghệ đăng
tuyên bố của nữ nhà văn Dương Thu Hương: “Đại hội này là dịp cuối cùng
để thế hệ 40 giành lấy quyền nói tiếng nói quyết định trong các vấn đề
văn học và nhất là trong công việc của Hội, trước khi nó trở nên già cả
và bảo thủ”.
Trí thức, văn nghệ sỹ có vẻ như đang bộc
lộ nhu cầu mở cái “nút thắt cuối cùng: dân chủ - tự do”, thay vì chỉ có
vấn đề sáng tác. Theo Nguyên Ngọc, Ban Thư ký Hội Nhà văn bắt đầu đòi
can thiệp vào bài vở của tuần báo Văn Nghệ. Nhưng Nguyên Ngọc không chấp nhận, ông tuyên bố: “Tôi là tổng biên tập, tôi chịu trách nhiệm”.
Mối lo ngại không còn chỉ đến từ Ban Thư
ký, từ ngày 5 đến ngày 9-9-1988, Ban Chấp hành Hội Nhà văn họp có Uỷ
viên Bộ Chính trị Đào Duy Tùng đến dự. Theo “Bản tin chi tiết” của Hội
Nhà văn đăng trên báo Văn Nghệ ngày 1-10-1988, tại cuộc họp, Ban Chấp hành Hội Nhà văn kết luận: “Văn Nghệ đã
có một số đóng góp tích cực trong công cuộc đổi mới. Song bên cạnh đó,
tuần báo đã có những khuyết điểm và lệch lạc nghiêm trọng”. Trước đó, tờ
báo bị phê phán là: “Đã đăng những ý kiến phủ nhận cả giai đoạn văn học
trước đây, nói Hội Nhà văn có cũng như không, nói chưa bao giờ văn nghệ
sỹ bị khinh rẻ như bây giờ. Nhiều ý kiến nêu rõ đổi mới nhưng không thể
tách rời khỏi tình hình xã hội hiện nay. Đổi mới nhưng không được làm
đổ vỡ lòng tin vào sức sống của chủ nghĩa xã hội”(146).
Bên trong, theo Nguyên Ngọc, ông bị Trưởng
Ban Tuyên huấn Trần Trọng Tân phê bình: “Làm báo là làm chính trị, làm
chính trị thì phải nhạy cảm chính trị, trước hết nhạy cảm với kẻ thù”.
Nguyên Ngọc cãi lại: “Nhạy cảm chính trị trước hết là nhạy cảm với nỗi
đau của nhân dân. Chính những kẻ làm đau khổ nhân dân mới là kẻ thù”.
Đào Duy Tùng dàn hoà: “Tôi thấy anh Tân và anh Ngọc không khác nhau, chỉ
khác nhau ở cách diễn đạt”. Nguyên Ngọc không khoan nhượng: “Không anh,
chúng tôi khác nhau về cơ bản”.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cảnh báo trước Ban Chấp hành Hội: “Đối xử với Tổng Biên tập Văn Nghệ cũng
là đối xử với đổi mới… Đối với nhà văn, nơi tranh giành là trang giấy.
Cái ghế không có giá trị văn học”. Nhưng, Tổng Thư ký Nguyễn Đình Thi
vẫn kết luận: “Ban Chấp hành giao cho Ban Thư ký uốn nắn, chấn chỉnh tờ
báo cả về nội dung và tổ chức”.
Những tuần sau đó, Nguyên Ngọc vào Sài Gòn họp cộng tác viên, giới văn nghệ miền Nam đã “đổ thêm dầu vào lửa” khi ca ngợi tờ Văn Nghệ là
“đã nói tiếng nói lương tri của người cầm bút” và khen tờ báo đã “không
còn hướng thượng” nữa. Ngày 12-11-1988, tướng Trần Độ xuất hiện trên Văn Nghệ bằng
một bài báo đăng trọn trang, nhìn nhận một số “thiếu sót không thể
tránh khỏi” của tờ báo, đồng thời trích dẫn ý kiến của dư luận và một
nhận định cũ của Ban Bí thư “Văn Nghệ lành mạnh và có triển vọng”. Rồi Trần Độ kết luận: “Văn Nghệ cần
tiếp tục đổi mới”. Nhưng, tiếng nói của tướng Trần Độ vào lúc này chỉ
có tác dụng chứng minh cho những chỉ trích mà “Bản tin chi tiết của Hội
Nhà văn” đã từng đề cập: “Một số hội viên đảng viên thuộc cơ quan Hội
Nhà văn cho rằng báo Văn Nghệ dựa vào ô dù ở trên để vô hiệu hoá Ban Thư ký”.
Trong số báo ra ngày 3-12-1988 (trên thực
tế đã phát hành từ ngày 1-12) Nguyên Ngọc cho đăng lại quyết định ngày
20-10-1988 của Bộ Chính trị Liên Xô “thừa nhận sai lầm của Nghị quyết
ngày 14-8-1946”, xoá án cho Zoshchenko và Akhmatova, lãnh đạo hai tờ tạp
chí Ngôi Sao và Leningrad. Zoshchenko và Akhmatova từng cho đăng những
bài viết bị quy kết là “bôi đen chế độ Xô viết”. Đặc biệt, Nghị quyết
14-8-1946 cũng đã từng sử dụng cụm từ “lệch lạc nghiêm trọng” mà ngày
1-10-1988 Nguyễn Đình Thi dùng để phê bình Văn Nghệ. Đây là số báo cuối cùng của Nguyên Ngọc.
Ngay trong ngày 2-12-1988, Nguyễn Đình Thi và Chính Hữu thay mặt Ban Thư ký Hội Nhà văn trực tiếp xuống trụ sở báo Văn Nghệ.
Nguyên Ngọc nhớ lại: “Các vị ấy đã chuẩn bị nhiều phương án. Đầu tiên,
Chính Hữu rút ra tờ quyết định thuyên chuyển tôi về làm phó Ban Trù bị
Đại hội. Tôi nói, việc đó thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành. Chính Hữu
liền rút ra quyết định bổ nhiệm tôi làm trưởng Ban Trù bị. Tôi cười bảo,
các anh cứ làm quyết định cách chức đi”. Nhưng không hiểu sao Ban Thư
ký Hội Nhà văn đã không dám dùng từ “cách chức”.
Trong số báo tiếp theo, ra ngày 10-12-1988, báo Văn Nghệ để trống mục “Tổng Biên tập” và cho đăng bài của Nguyễn Đình Thi giải thích sự “lệch” sinh ra “lạc” của tờ Văn Nghệ thời Nguyên Ngọc. Báo chí Sài Gòn và miền Trung ngay sau đó đã có nhiều tin bài phản đối Hội Nhà văn. Ngày 20-12-1988, báo Tuổi Trẻ đăng hàng loạt ý kiến của giới văn nghệ phía Nam “phản đối việc thuyên chuyển tổng biên tập báo Văn Nghệ”. Trong đó, nhà thơ Thanh Thảo viết: “Tôi kịch liệt phản đối quyết định cách chức tổng biên tập báo Văn Nghệ. Chỉ có Đại hội Hội Nhà văn mới có thẩm quyền quyết định vấn đề này”.
Cũng trong tuần lễ đầu của tháng 12-1988,
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh chủ trì họp Bộ Chính trị bàn “một số vấn đề
trước mắt trong công tác tư tưởng”. Tuy không chỉ ra “những sai phạm”
của báo chí, nhưng trong “bài phát biểu tại Hội nghị Bộ Chính trị” Tổng
bí thư Nguyễn Văn Linh yêu cầu: “Cần thông tin đầy đủ và đúng đắn về
tình hình đất nước… Cần làm rõ, dân chủ phải có lãnh đạo, mở rộng dân
chủ phải nhằm nâng cao ý thức giữ vững kỷ luật và tuân thủ pháp
luật”(147).
Tại hội nghị này, Bộ Chính trị cũng đã
quyết định thành lập một “Uỷ Ban công tác tư tưởng của Đảng” nhằm giúp
Ban Bí thư “đánh giá tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và tâm trạng
chính trị của quần chúng để báo cáo định kỳ”. Tổng bí thư kêu gọi: “Luôn
luôn tỉnh táo, hết sức coi trọng công tác tư tưởng”. Không chỉ đề cập
đến tình hình Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh còn nói đến chính
sách cải tổ của Liên Xô. Có thể nói, ông là nhà lãnh đạo cộng sản đầu
tiên nhận ra tiến trình cải tổ là vô cùng “phức tạp”(148).
Ba tháng sau, Hội nghị Trung ương 6, tháng
3-1989, đã nhấn mạnh những lo ngại chính trị trong “quá trình phát huy
dân chủ”, kêu gọi “phải tỉnh táo đấu tranh chống lại những lực lượng lợi
dụng việc mở rộng dân chủ để chống chế độ ta”. Hội nghị Trung ương 6
cho rằng, “tự do tư tưởng, thảo luận và tranh luận thẳng thắn” phải đi
đối với việc “ngăn ngừa và uốn nắn những biểu hiện lợi dụng dân chủ,
công khai để xuyên tạc sự thật, kích động, phá hoại công cuộc đổi mới”.
Sau khi “phê phán những khuynh hướng phủ nhận hoặc hạ thấp” vai trò của
Đảng, Hội nghị Trung ương 6 tuyên bố: “Không cho phép ra báo tư nhân và
lập các nhà xuất bản tư nhân”. Nghị quyết Hội nghị Bộ Chính trị tháng
12-1988 và Hội nghị Trung ương 6 thể hiện rõ quan điểm Nguyễn Văn Linh:
mở ra có mức độ về kinh tế, nhưng kiên định về lập trường chính trị.
Những người như Nguyên Ngọc hay Tổng Biên tập Sài Gòn Giải Phóng Tô
Hoà có thâm niên cộng sản(149). Họ tham gia cách mạng vì lý tưởng chủ
nghĩa xã hội và đổi mới cũng vì nhận ra những sai lầm do áp dụng những
nguyên lý không tưởng đó. Thế hệ Tô Hoà, Nguyên Ngọc tự nhận lấy phần
trách nhiệm của mình trong những chính sách sai lầm của Đảng thay vì chỉ
đổi mới trong chừng mực mà Đảng cho phép mở ra. Sau khi Nguyên Ngọc bị
mất chức tổng biên tập Văn Nghệ, những nhà lý luận văn học cấp
tiến như Trần Hữu Tá, Lê Ngọc Trà có được chỗ dựa ở Tô Hoà. Tờ báo Đảng
dưới thời Tô Hoà tiếp tục tự cởi trói cho mình trong khi “vòng dây” bên
ngoài vẫn âm thầm siết lại.
Sau khi Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố tại Hội nghị Trung ương 6: “Dân chủ phải có lãnh đạo”, trên trang nhất Sài Gòn Giải Phóng,
ông Tô Hoà cho đăng ý kiến của “một bạn đọc” có tên là Trần Nghiên nói
rằng “không ít người lo lắng là điều đó sẽ làm cho dân chủ bị chựng
lại”(150). Trần Nghiên nêu ví dụ, tại đại hội ở một quận, nhân danh “dân
chủ có lãnh đạo”, chủ tịch đoàn đã “gò ép, hạn chế đến thô bạo quyền
dân chủ tối thiểu của đại biểu là được trình bày ý kiến”. Ngày 2-7-1989,
ông Tô Hoà cho đăng bài của Tiến sỹ Lê Ngọc Trà, bày tỏ khá rõ ràng lựa
chọn của tờ Sài Gòn Giải Phóng: “Đấu tranh cho một xã hội tốt
hơn, cho chủ nghĩa xã hội đích thực, cho dân chủ và công khai, cho đổi
mới cũng là một cuộc cách mạng nhân danh con người, vì con người. Bởi
vậy, đứng ở đâu trong cuộc đấu tranh này là cả một thử thách đau đớn, là
thước đo cách hiểu về văn chương, quan niệm về con người và chính ngay
nhân cách của bản thân những ai cầm bút”.
Cũng như khi Nguyên Ngọc bị cách chức, sự
ra đi của Tô Hoà cũng được những người đổi mới coi như là một tổn thất.
Nhiều người đọc thư Tô Hoà đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng số ra
ngày 13-8-1989 đã rất bất ngờ, kể cả ông Võ Văn Kiệt, người bổ nhiệm Tô
Hoà giữ chức vụ này từ năm 1981. Một bạn đọc gửi tới ông bài thơ:
Được thư anh viết chia tay
Tôi băn khoăn mãi thế này là sao
Lý do anh tuổi đã cao
Hay còn nguyên cớ khác nào nữa đây
Báo đang đổi mới hàng ngày
Sao người cầm chịch chia tay bất ngờ…
Đứng bên cạnh tờ Sài Gòn Giải Phóng, những tờ báo như Thanh Niên, Tuổi Trẻ lúc ấy cũng đã như những “cánh tay nối dài” của tờ Văn Nghệ thời Nguyên Ngọc. Tuổi Trẻ Chủ Nhật thường đăng lại những tác phẩm gây xôn xao dư luận trên báo Văn Nghệ như truyện ngắn Tướng Về Hưu, phóng sự Cái Đêm Hôm Ấy Đêm Gì?… và tự mình thực hiện nhiều điều tra, phóng sự.
Nếu như những bài báo đăng trên tờ Văn Nghệ biểu
lộ sự thức tỉnh của những người làm báo xã hội chủ nghĩa, những trang
viết của họ là những bản tự kiểm, đụng chạm không chỉ niềm tin cá nhân
mà còn cả thần tượng và ý thức hệ thì những người làm báo ở Tuổi Trẻ, cuối thập niên 1980, vẫn mang sự nhiệt thành của những thanh niên ở trong độ tuổi hồn nhiên. Đội ngũ lãnh đạo Tuổi Trẻ lúc
bấy giờ gồm những người đã từng hoạt động trong phong trào sinh viên
học sinh trước 30-4-1975 tại miền Nam. Cho dù vẫn giữ sự đồng hành với
Đảng, niềm say mê nghề nghiệp, khát khao đổi mới đã khiến họ đấu tranh
không mệt mỏi bảo vệ “dân sinh” và hào hứng với các trào lưu dân chủ.
Nếu như trước đó, Tuổi Trẻ, Sài Gòn Giải Phóng thường
chỉ khai thác thời sự quốc tế qua báo chí Liên Xô hoặc qua Thông tấn xã
Việt Nam, thì lúc bấy giờ bắt đầu khai thác cả “báo chí tư bản” để
tường thuật các diễn biến trên thế giới. Báo chí không chỉ giúp người
dân, đặc biệt là sinh viên, thanh niên, hiểu được những gì đang xảy ra
xung quanh mà còn khai thác những thông tin ấy theo hướng tác động trực
tiếp vào những sự kiện đang xảy ra trong nước.
Giữa năm 1987, bằng cách đưa tin của mình, báo Tuổi Trẻ đóng
vai trò quan trọng làm thay đổi kết quả bầu cử ở đại hội Đoàn Thanh
niên Cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh. Các đại biểu đã bầu Lê Văn Nuôi làm
bí thư thay vì bầu Phạm Phương Thảo như phê chuẩn ban đầu của Thành
uỷ(151). Ngay sau khi đắc cử, Lê Văn Nuôi chủ trương “bầu trực tiếp bí
thư Đoàn trường học sinh” và tuyên bố: “Tổ chức của giới nào phải có thủ
lĩnh của giới đó”. Trước đó, Lê Xuân Khuê, trưởng Ban Trường học Thành
Đoàn, phát biểu trên báo Tuổi Trẻ ngày 2-7-1987 rằng: sinh viên
không còn muốn tiếp tục bị coi là những đứa trẻ bị thầy cô cầm tay chỉ
việc, thậm chí làm thay cả công tác Đoàn nữa. Khuê nói: “Chúng tôi không
muốn bị coi là bé, là trẻ người non dạ mãi”.
Cho dù tất cả những sự kiện đó đều như
những giọt nước tích tụ vào ly nhưng chỉ bị đánh giá là thiếu bản lĩnh
chính trị chứ chưa bị coi là lệch lạc. Theo ông Nguyễn Sơn, phó Ban
Tuyên huấn Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh trong thập niên 1980-1990:
“Kim Hạnh, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cũng như Thế Thanh, tổng
biên tập báo Phụ Nữ Thành Phố, cùng bị coi là chịu ảnh hưởng của những
nhân vật đổi mới cực đoan như Trần Độ, Dương Thu Hương, Nguyên Ngọc…
nhưng lúc đầu, Thành uỷ thấy có thể quản lý được. Tuy nhiên, loạt bài về
Bình Nhưỡng và ‘thư Nguyễn Ái Quốc gửi vợ’ đăng trên Tuổi Trẻ đã chạm đến hai vấn đề thiêng liêng: niềm tin vào lãnh tụ và chủ nghĩa xã hội”.
Năm 1989, sau khi dự “Liên hoan Thanh
niên, Sinh viên” tại Bình Nhưỡng trở về, nhà báo Vũ Kim Hạnh đã có loạt
bài mô tả Bắc Triều Tiên như một thành phố không còn gương mặt con
người: dân chúng không được tiếp xúc với người nước ngoài; radio, tivi
chỉ bắt được đài nhà nước…(152). Chủ nghĩa xã hội được mô tả như một thứ
trại tập trung có quy mô toàn quốc. Lỗi này sẽ được “ghim” lại cho đến
ngày 18-5-1991(153).
Ngày 18-5-1991, Tổng Biên tập Vũ Kim Hạnh cho đăng trên trang nhất Tuổi Trẻ một
bài báo về bức thư của Nguyễn Ái Quốc “gửi vợ” Tăng Tuyết Minh. Bài báo
cùng lúc được gửi đăng trên tờ Nhân Dân Chủ Nhật (số ra ngày 19-5-1991,
nhưng thực chất là xuất bản cùng ngày 18-5). Tuy cùng nội dung, nhưng
trong khi tựa đề in trên tờ Nhân Dân số ra ngày 19-5-1991 là: “Một số tư
liệu nói về đời riêng của Nguyễn Ái Quốc”; thì tựa trên tờTuổi Trẻ của
Vũ Kim Hạnh lại là: “Thư của Nguyễn Ái Quốc gửi vợ năm 1928”(154).
Thông báo số 245 ngày 22-5-1991 do Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Võ Danh ký
cho biết: “Đảng viên và quần chúng rất phẫn nộ. Liên tiếp trong các
ngày 19, 20, 21, 22-5, nhiều quận huyện, nhiều người gửi văn bản, gửi
thư hoặc đến trực tiếp Văn phòng Thành uỷ bày tỏ thái độ bất bình và
phẫn nộ… Nhiều đồng chí cán bộ hưu trí, lực lượng công an thành phố đề
nghị khởi tố vụ án”.
Một tháng trước khi ông Nguyễn Văn Linh
kết thúc nhiệm kỳ, nhà báo Vũ Kim Hạnh bị cách chức tổng biên tập với
“hình phạt bổ sung” không công khai: vĩnh viễn không cho làm báo. Gần
như các nhân tố mới xuất hiện kể từ sau khi ông Linh hô hào cởi trói đều
bị truy bức. Có người bị trói lại bằng “còng”. Cho dù không thể đưa một
xã hội đã bắt đầu thức tỉnh quay trở lại lồng, ông Nguyễn Văn Linh đã
bỏ lỡ cơ hội để được lịch sử đánh giá như một Tổng bí thư đổi mới(155).
Chú thích
(89) Mùa hè năm 1987, Nguyễn Mạnh Huy
quyết định thi đại học lần thứ tư. Kết quả, Huy được 22 điểm trong khi
chỉ cần 20 là đỗ vào đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, cả lần
này, Nguyễn Mạnh Huy vẫn “không được đi học vì cha chết trận”. Nguyễn
Mạnh Huy viết thư gửi báo Thanh Niên: “Đây là lần thi cuối cùng của tôi.
Tôi tuyệt vọng!” Bức thư đến tay người phụ trách toà soạn lúc bấy giờ
là nhà báo Nguyễn Công Thắng, ông Thắng đã trực tiếp xử lý và được người
có quyền quyết định về nội dung lúc ấy là Phó Tổng Biên Tập Nguyễn Công
Khế đồng ý đưa lên mục Diễn Đàn. Hơn 1000 thư đã gửi về báo Thanh Niên
bày tỏ thái độ ủng hộ Nguyễn Mạnh Huy và báo Thanh Niên. Các báo Tiền
Phong, Tuổi Trẻ cũng cùng lên tiếng. Nhưng, trong khi lương tâm
của nhiều người cắn rứt vì sự nghiệt ngã của một số phận thì “lập trường
giai cấp” trong lòng nhiều quan chức vẫn như một thành trì. Ban Giáo
dục Chuyên nghiệp tỉnh Nghĩa Bình đã gửi cho báo Thanh Niên một bức điện
lạnh lùng: “Về việc tuyển sinh vào các trường đại học, trong tổng kết
năm 1986, Giáo sư, Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp Mai
Hữu Khuê đã nói: Công tác tuyển sinh khẳng định là phải mang tính chất
giai cấp. Ở bất cứ chế độ xã hội nào đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ
thuật, công nhân kỹ thuật, đội ngũ đó phải trung thành với chế độ và
phục vụ một cách có hiệu quả cho chế độ đó”. Cuối tháng 11-1987, khi vụ
Nguyễn Mạnh Huy được đưa ra thảo luận tại các trung tâm hội thảo của Đại
hội Đoàn toàn quốc, báo Thanh Niên đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ.
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh trực tiếp viết thư cho Tỉnh uỷ Nghĩa Bình và
theo ông Nguyễn Công Khế: “Khi các đại biểu Đại hội Đoàn tới thăm, Tổng
bí thư Nguyễn Văn Linh đã cho công bố thư của Bí thư Nghĩa Bình trả lời
ông Linh, đồng ý cho Nguyễn Mạnh Huy đi học”. Thành công của báo chí,
đặc biệt là báo Thanh Niên trong vụ Nguyễn Mạnh Huy, đã buộc chính quyền
phải sửa đổi chính sách phân loại “13 hạng thanh niên” trong tuyển
sinh.
(90) Tuổi Trẻ 18-7-1987.
(91) Hơn hai tuần sau khi giành được Sài
Gòn, ngày 17-6-1975, Tố Hữu ký Chỉ thị 222 (của Ban bí thư) quy định:
“Trong năm học 1975-1976, ngoài việc giảng dạy các môn văn hoá và chuyên
môn theo chương trình và nội dung mới, phải ghi vào chương trình các
môn học chính trị và hoạt động xã hội cho suốt cả năm học và cho tất cả
các đối tượng học sinh từ năm đầu đến năm cuối. Nội dung xoay quanh ba
chủ đề lớn sau đây: thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu
nước; đường lối và chính sách cách mạng Việt Nam - đường lối giáo dục
cách mạng; nghĩa vụ và quyền lợi của người công dân mới, của người cán
bộ cách mạng. Thông qua ba nội dung lớn trên mà phân tích và xác định
cho mọi người nhận rõ ta, bạn, thù, giáo dục tinh thần yêu nước, yêu chủ
nghĩa xã hội”. Di chúc của Hồ Chủ Tịch; bài phát biểu của Lê Duẩn tại
Lễ mừng chiến thắng ở Hà Nội; bài phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ
tại Lễ mừng chiến thắng ở Sài Gòn được Ban bí thư coi là “ba nội dung
lớn” được biên soạn thành sách làm bài giảng cho học sinh, sinh viên.
Đội ngũ giảng dạy chính trị trong các trường đại học, gọi là giảng viên
triết học Marx-Lenin, thường được tuyển từ những quân nhân được gửi vào
các trường đại học sau ngày 30-4-1975. Thời gian đầu, Ban Bí thư còn
“huy động lực lượng cán bộ tuyên huấn có năng lực ở các địa phương tham
gia giảng dạy”. (Văn Kiện Đảng Toàn tập, tập 36, Nhà Xuất bản Chính trị
Quốc gia 2004, trang 248-249).
(92) Thông qua ngay 11-1-1979 cũng do Tố Hữu chủ trì soạn thảo.
(93) Sài Gòn Giải Phóng số 1326, ngay 27-8-1979.
(94) Tháng 4-1989, nhân lễ tang cựu Tổng
bí thư Hồ Diệu Bang - một nhà cải cách bị Đặng Tiểu Bình phế truất hai
năm trước đó - dân chúng Trung Quốc đã tổ chức nhiều vụ xuống đường biểu
tình. Ngày 18-4-1989, hơn 10.000 sinh viên tổ chức biểu tình ngồi tại
Quảng trường Thiên An Môn, vài ngàn sinh viên khác cùng lúc tụ tập trước
Trung Nam Hải. Biểu tình càng mạnh lên khi sinh viên tin rằng truyền
thông nhà nước đã bóp méo tính chất hành động của họ. Đêm 21-4-1989,
trước lễ tang Hồ Diệu Bang, khoảng 100.000 sinh viên đã tuần hành trên
Quảng trường Thiên An Môn. Sau khi yêu cầu gặp mặt Thủ tướng Lý Bằng
không được sinh viên Bắc Kinh kêu gọi bãi khoá. Chính quyền gần như đã
“đổ dầu vào lửa” khi, ngày 26-4-1989, Nhân Dân Nhật báo đăng xã luận
“Dương cao ngọn cờ phản đối bất kỳ sự xáo động nào”, buộc tội “một số kẻ
cơ hội lạc lõng” đang “âm mưu gây bất ổn dân sự”. Bài báo được cho là
đã thể hiện tinh thần của Đặng Tiểu Bình được ông nói ra trước đó trong
một bài diễn văn nội bộ. Bài xã luận đã làm sinh viên nổi giận. Ngày
27-4-1989, khoảng 50.000 sinh viên tụ tập trên các đường phố Bắc Kinh
bất chấp lời cảnh báo đàn áp của chính quyền. Ngày 4-5-1989, khoảng
100.000 sinh viên và công nhân tuần hành ở Bắc Kinh yêu cầu một cuộc đối
thoại chính thức giữa chính quyền và các đại biểu do sinh viên bầu ra.
(95) Trong nhiều thập niên trước đó, các nhà lãnh đạo Moscow và Bắc Kinh không hề viếng thăm nhau.
(96) Quân đội được điều về Bắc Kinh thiết
lập các trạm kiểm soát, lùng bắt những người phản kháng và phong toả các
khu vực trường đại học. Cuộc tấn công bắt đầu lúc 10:30 tối ngày
3-6-1989: Xe bọc thép và quân đội vũ trang với lưỡi lê tiến vào từ nhiều
hướng đi theo sau là máy ủi và xe phun nước. Quân đội đã bắn thẳng về
phía trước và xung quanh. Các sinh viên chạy trốn trong các xe buýt bị
các nhóm binh sĩ lôi ra và đánh đập bằng những cây gậy lớn. Những sinh
viên đang tìm cách rời khỏi quảng trường cũng bị binh sĩ bao vây và đánh
đập. Rất nhiều người biểu tình đã bị xe tăng cán chết, không biết chắc
có bao nhiêu người bị tàn sát ngay tại Quảng trường Thiên An Môn. Chính
phủ Trung Quốc không bao giờ đưa ra con số chính xác về lượng người bị
giết. Các nhà báo nước ngoài, những người chứng kiến vụ việc, tuyên bố
có ít nhất 3.000 người chết. Các nhà phân tích tình báo của NATO cho
rằng con số thương vong lên tới 5.000 đến 7.000 người (6.000 thường dân
1.000 binh sĩ). 5:40 phút sáng ngày 4-6-1989, Quảng trường được rửa sạch
cả xác người và máu.
(97) Phóng viên của hãng thông tấn AP, Jeff Widener, chụp ngày 5-6-1989.
(98) Cuộc thăm dò trong thanh niên được đăng trên báo Tuổi Trẻ số
ra ngày 14-1-89 cho thấy: 57,3% không hài lòng cuộc sống hiện thời;
41,15% không hài lòng vì tương lai không được đảm bảo; 82,69% quan tâm
đến việc làm, nghề nghiệp; 82,38% quan tâm đến kinh tế đất nước; Chỉ có
10/260 ý kiến lạc quan cho rằng đất nước sẽ khá lên; 24,2% phân vân;
5,3% không tin tưởng; 49% tin đất nước sẽ khá nhưng còn lâu dài.
(99) Từ ngày 4 đến 11-2-1945, trước khi
Hitler bị các gọng kìm siết lại, Stalin, Roosevelt và Churchill lại nhóm
họp họp tại Cung điện Livadia gần thành phố Yalta, miền nam Ukraina,
nhằm giải quyết những bất đồng để giành chiến thắng, buộc Đức đầu hàng
vô điều kiện và tổ chức lại thế giới sau chiến tranh. Hội nghị Yalta
quyết định: Chia nước Đức sau khi bị chiếm ra 4 vùng; Buộc Đức phải phi
quân sự hoá, dân chủ hoá và bồi thường chiến tranh. Một “trật tự hai
cực” bắt đầu hình thành tại Yalta, sau khi “tam đại gia” đi đến thoả
thuận, theo đó: Liên Xô nắm Đông Âu, Đông Đức, Đông Berlin, quần đảo
Cu-ryl, Bắc Triều Tiên, Đông Bắc Trung Quốc và Mông Cổ; Hoa Kỳ nắm ảnh
hưởng ở Tây Âu và phần còn lại của Nhật Bản. Bán đảo Triều Tiên được
chia đôi ở vĩ tuyến 38: quân đội Liên Xô chiếm đóng miền Bắc; quân đội
Mỹ chiếm đóng miền Nam. Nước Đức chia hai, hình thành hai nhà nước với
hai chế độ chính trị khác nhau: Cộng hoà Liên bang Đức ở phía Tây và
Cộng hoà Dân chủ Đức phía Đông.
(100) Ngày 1-9-1939, Đức xâm lược Ba Lan.
Ngày 17-9-1939, trong khi Ba Lan đang dồn tổng lực lên phía Tây chống
Đức, Liên Xô tiến đánh đất nước nhỏ bé này từ phía Đông. Quân đội Ba Lan
phải chạy sang tổ chức lại trên đất Pháp. Ngày 6-10-1939, Ba Lan bị
chia làm hai: phần do Hitler chiếm bị kiểm soát dưới một thiết chế gọi
là “Toàn quyền Đức”; phần do Stalin chiếm bị nhập vào “lãnh thổ Liên
Xô”. Hơn 100 nghìn người Ba Lan đã bị quân đội Stalin sát hại, một triệu
người khác bị đày tới Siberi. Đặc biệt, 22.000 người Ba Lan, trong đó
có 15.000 tù binh, đã bị Bộ Chính trị do Stalin đứng đầu phê chuẩn lệnh,
đưa ra rừng Katyl sát hại.
(101) Sau chiến tranh thế giới thứ II,
Berlin cũng như nước Đức, bị “xẻ làm tư” theo thoả ước Potsdam. Các nước
Anh, Pháp, Mỹ sau đó đã trả lại quyền tự chủ cho người Đức trên phần
lãnh thổ mà mình tiếp quản. Năm 1948, Stalin ra lệnh phong toả, không
cho vận chuyển lương thực thực phẩm từ Đông sang Tây nhưng vẫn không có
người Tây Đức nào đi sang phía Đông Cộng sản. Trong khi, có hơn 3,5
triệu người Đông Đức bỏ chạy sang Tây Đức. Ngày 1-8-1961, Tổng bí thư
Liên Xô, Krushchev, điện đàm với Ulbricht, Bí thư thứ nhất Đông Đức, đưa
ra “sáng kiến” để ngày 12-8-1961, Ulbricht ký lệnh đóng cửa biên giới
và một bức tường bê tông đã được người Đức cùng với “Hồng Quân Liên xô”
nửa đêm “lén lút dựng lên”.
(102) Theo mô hình Kinh tế Mới nhằm giải phóng nền kinh tế của Nhà kinh tế học Ota Šik.
(103) Tăng quyền tự do cho báo chí, và cho tự do đi lại, “quan hệ tốt với các nước phương Tây”.
(104) Liên Xô mặc dù đã bắt giữ Dubček vào
đêm 20-8-1968 đưa về Moscow nhưng trước áp lực của dân chúng đã phải
đưa ông trở lại. Tháng 4-1969, Dubček mới bị trục xuất khỏi Đảng Cộng
sản Tiệp Khắc và được trao cho một công việc tại sở kiểm lâm.
(105) Cố vấn An ninh Quốc gia dưới thời Reagan.
(106) Từ tháng 6-1980, biểu tình, đình
công đã lan rộng trong hơn 150 nhà máy, xí nghiệp. Tại xưởng đóng tàu
Gdánsk, nơi mà tháng 12-1970, cảnh sát đã giết hại bốn mươi lăm công
nhân tham gia biểu tình, Lech Walesa đưa ra “bản yêu cầu 16 điểm” cho
chính quyền. Ngày 16-8-1980, sau khi nhận được lời hứa tăng lương và đảm
bảo rằng, một bia tưởng niệm sẽ được xây dựng ngay trong xưởng để tưởng
nhớ những công nhân bị giết hồi năm 1970, nhiều công dân đã định ra về.
Nhưng, Walesa đã thuyết phục họ ở lại để ông nâng bản yêu cầu của mình
lên “18 điểm”.
(107) Thành Tín, Sự kiện Ba Lan, Nhân Dân ngày 1-1-1982.
(108) Thành Tín, Sự kiện Ba Lan, Nhân Dân
ngày 1-1-1982. [Ông Jaruzelski sau đó viết hồi ký nói rằng Thiết quân
luật là điều “tồi tệ nhưng cần thiết” để ngăn không cho Liên Xô đưa quân
vào dẹp các cuộc biểu tình của Công đoàn Đoàn kết. Nhưng, các bằng
chứng mới được Viện Ký ức Quốc gia (Instytut Pamieci Narodowej - IPN)
đưa ra sau thời cộng sản lại nói chính ông Jaruzelski đã gặp phía Liên
Xô để xin có can thiệp quân sự. Giáo sư Antoni Dudek, Đại học Tổng hợp
Warsaw, làm việc cho IPN trong bài đăng trên trang báo Tygodnik
Powszechny hôm 1/12/2011, nhân kỷ niệm 30 năm Thiết quân luật
(http://tygodnik.onet.pl/1,71626,druk.html) đã viết rằng vài ngày trước
khi ra quyết định, tướng Jaruzelski đã xin Nguyên soái Liên Xô Viktor
Kulikov, Tổng tư lệnh khối Hiệp ước Warsaw cho can thiệp quân sự từ bên
ngoài. Các sử gia phe hữu Ba Lan cũng bác bỏ quan điểm ‘cứu quốc’ của
ông Jaruzelski, và cho rằng ông làm như vậy chỉ là để cứu chức vụ của
chính mình và duy trì quyền lực. Vào thời điểm xảy ra Thiết quân luật,
tai Ba Lan có ít nhất hàng chục nghìn quân Liên Xô, đóng từ sau Thế
chiến II. Theo Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Tương trợ 14-5-1955, và
Hiệp ước về quân đội Liên Xô đồn trú tại Ba Lan 17-12-1956, Liên Xô đóng
tại vùng từ 400-500 nghìn quân trong nhiều năm ở 60 căn cứ và doanh
trại từ các vùng phía Tây lên tới cảng Kolobrzeg và vịnh Szczecin (giáp
Đức). Con số này đến cuối thập niên 1980 giảm xuống nhưng cũng còn ít
nhất 70 nghìn trước khi rút về nước sau khi Liên Xô sụp đổ].
(109) Reagan quan sát rất tinh tế khi đưa
ra nhận xét: “Làm sao bạn có thể nghĩ rằng đó là một nền kinh tế vững
chắc trong khi nó thực sự chẳng khác một gia đình trong đó bảy người
cùng sở hữu một chiếc xe ô tô, và nếu bạn bắt đầu mua một cái bạn phải
đợi mười năm mới đến lượt” (Theo John Paul II và Lịch sử bị che đậy
trong thời đại chúng ta).
(110) Tuyên bố đó của Gorbachev đã bị phản
đối bởi những lãnh tụ cộng sản như Gustav Husak, Tổng bí thư Tiệp Khắc,
Erich Honecker, Tổng bí thư Đông Đức và Nicolae Ceausescu, Tổng bí thư
Rumani.
(111) Tuyên bố ngày 24-5-1989 của Tổng
thống G. W. H. Bush. [Hơn hai mươi ngày trước đó, ngày 26-7-1989, khi
phát biểu nhân kỷ niệm ba mươi sáu năm vụ tấn công vào pháo đài Moncada,
chủ tịch Cuba, Phidel Castro, cũng đã nói câu “đế quốc chớ có hí hửng
vội vàng”. Khi đó, Liên Xô đang căng thẳng do xung đột sắc tộc và do
hàng trăm nghìn thợ mỏ đình công ở Siberi và Donhetsk. Không phải ngẫu
nhiên mà từ hai đầu bán cầu, hai nhà lãnh đạo cùng tương thanh. Ngày
24-4-1989, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã có chuyến thăm kéo dài năm
ngày ở Cuba. Trở về Sài Gòn gặp tổng biên tập các tờ báo Thành Phố, ông
Linh đã tỏ ra hết sức tâm đắc với Chủ tịch Phidel Castro nhất là trên
phương diện chống đế quốc và bảo vệ thành trì cộng sản].
(112) Bước ngoặt lịch sử này có thể nói là
bắt đầu được đánh dấu kể từ ngày 18-1-89, khi Jaruzelski công nhận vai
trò hợp pháp của Công đoàn Đoàn kết. Ngày 6-2-89, đại diện chính phủ và
các phe đối lập đã ngồi lại với nhau để bàn về tương lai của Ba Lan.
Theo đó, một cuộc bầu cử tự do bầu Thượng viên và Hạ viện Ba Lan sẽ diễn
ra vào ngày 4-6-1989. Công đoàn Đoàn kết đã giành thắng lợi gần như
tuyệt đối tại Thượng viện và chiếm được gần phân nửa tại Hạ viện.
Jaruzelski vẫn được Quốc hội của Walesa ủng hộ lên làm Tổng thống Ba
Lan. Nhưng, ngày 22-8-1989, khi Jaruzelski định đưa người của Đảng Công
nhân Thống nhất Ba Lan lên làm thủ tướng, Công đoàn Đoàn Kết đã không
chấp nhận. Ngày 24-8-1989, Tadeusz Mazowwiecki, cố vấn của Walesa trong
các cuộc biểu tình năm 1980 ở Gdansk, đã được đưa lên làm thủ tướng Ba
Lan. Walesa tuyên bố: “Chúng tôi sẽ đưa Ba Lan trở lại tình trạng trước
chiến tranh, phát triển như là một nước tư bản chủ nghĩa. Nếu Đảng Công
nhân Thống nhất Ba Lan không cùng đi theo con đường của chúng tôi thì sẽ
bị gạt ra khỏi chính phủ”.
(113) Bài xã luận, đăng ngay trong số báo Nhân Dân số
ra ngày 26-8-1989, viết: “Thực chất sự kiện chính trị đang diễn ra ở Ba
Lan là Công đoàn Đoàn kết với sự tiếp tay của các thế lực đế quốc, chủ
yếu là đế quốc Mỹ, đang làm cuộc đảo chính phản cách mạng ở Ba Lan. Cuộc
đấu tranh của những người cách mạng Ba Lan dưới sự lãnh đạo của Đảng
Công nhân Thống nhất Ba Lan là cuộc đấu tranh chính nghĩa, quyết định
chủ quyền dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Ba Lan, quyết định việc bảo vệ
thành quả cách mạng của nhiều thế hệ cách mạng và của giai cấp công nhân
và nhân dân lao động Ba Lan đã giành được, nay đang đứng trước nguy cơ
lớn. Những người cộng sản, giai cấp công nhân, các tầng lớp nhân dân
Việt Nam từ lâu đã có tình cảm gắn bó với những người cách mạng chân
chính ở Ba Lan vô cùng căm phẫn và cực lực lên án hành động của những
lực lượng phản động chống phá chủ nghĩa xã hội ở Ba Lan”.
(114) Trả lời phỏng vấn tác giả.
(115) Vào ngày 6-10-1989, tại Đông Berlin,
Gorbachev tuyên bố: “Kẻ nào đến quá chậm sẽ bị lịch sử trừng phạt”.
Gorbachev nhớ lại: Khi nghe những nhóm thanh niên đứng dưới lễ đài gào
lên bằng tiếng Đức, “Gorby, tự do”, Thủ tướng Ba Lan Tadeusz Mazowiecki
đến gặp tôi và nói: “Mikhail Sergeevich, ngài có hiểu tiếng Đức không?”.
Tôi trả lời: “Đọc hiệp định bằng tiếng Đức thì khó, chứ những gì mà họ
gào lên với tôi, tôi hiểu cả”. Ông ấy trả lời: “Thế thì bây giờ ngài sẽ
hiểu rằng đấy chính là sự kết thúc”.
(116) Diễn văn của Nguyễn Văn Linh đọc vào
ngày 15-10-1988 tại Nhà hát lớn Hà nội trong lễ tuyên bố kết thúc hoạt
động của các đảng Dân chủ và Xã hội
(117) Theo ông Hàm Châu, tổng biên tập báo
Tổ Quốc, cơ quan của Đảng Xã Hội: “Năm 1944, Bác viết thư cho ông Dương
Đức Hiền, giao cho ông Hiền thành lập Đảng Dân Chủ - sau này trở thành
một tổ chức thành viên của Việt Minh. Năm 1946, Bác Hồ và ông Trường
Chinh trực tiếp giao trách nhiệm cho ông Phan Tư Nghĩa, nguyên đảng viên
Đảng Xã Hội Pháp và Hoàng Minh Giám, phó tổng thư ký đảng bộ Đảng Xã
Hội Pháp tại Đông Dương, lập ra Đảng Xã Hội Việt Nam. Vai trò của hai
đảng này là rất quan trọng, nhất là trong giai đoạn Hồ Chí Minh ra tuyên
bố giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau năm 1975, theo chủ trương của
Đảng Lao Động Việt Nam, hai đảng Dân Chủ và Xã Hội không còn được kết
nạp thêm đảng viên mới”.
(118) Trong bức thư viết ngày 12-1-1994
gửi Tổng bí thư Đỗ Mười, ông Nguyễn Xiển viết: “Thưa Anh. Chắc Anh còn
nhớ lại nội dung câu chuyện giữa chúng ta trong buổi trao tặng huân
chương Sao vàng cho Đảng Xã hội Việt Nam trước khi kết thúc 40 năm hoạt
động. Tôi có nói với Anh tại sao tôi không gia nhập Đảng cộng sản: ‘Hồ
chủ tịch đã giao cho tôi làm phó Tổng thư ký rồi Tổng thư ký Đảng Xã hội
Việt Nam. Bây giờ đã già rồi, tôi vào Đảng cộng sản làm gì’. Sau khi
tuyên bố thôi hoạt động thì chúng tôi an phận thủ thường. Tuy không nhắc
lại chuyện cũ, nhưng cũng thật khó hiểu vì sao khi đăng tin cáo phó
hoặc mừng thọ một số đảng viên Xã hội hay Dân chủ, kể cả các nguyên uỷ
viên Ban chấp hành Trung ương, thì báo chí ta không dám nói đến khía
cạnh hoạt động này nọ. Trường hợp đưa tin mừng đại thọ 90 tuổi của anh
Hoàng Minh Giám trên bao Nhân Dân (có đăng ảnh Anh đến thăm gia đình) là
một ví dụ điển hình. Vì sao lại không dám nhắc đến việc làm phó Tổng
thư ký Đảng Xã hội Việt Nam của Anh ấy trong mấy chục năm qua, nhưng lại
nêu là đã từng làm Phó chủ tịch Quốc hội (một chức vụ Anh Giám chưa bao
giờ làm) Tôi đã đích thân yêu cầu Báo Nhân Dân đính chính nhưng
đã không được đáp đúng mức. Việc viết lịch sử cách mạng Việt Nam gần
đây, trong đó có lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, thường quá chú
trọng đến thành tích, quy công cho Đảng, nhưng lại chưa nêu đúng mức
hoăc bỏ qua những sai lầm, khuyêt điểm (thậm chí có lúc nghiêm trọng)
cũng như vai trò, đóng góp của quần chúng, những người ngoài Đảng. Bản
sơ thảo lịch sử Quốc hội khoa I là một ví dụ. Những bài viết về tôi đăng
trên một số báo gần đây không dám đề cập đến hoạt động 40 năm của tôi
trong Đảng Xã hội Việt Nam. Tôi xin nêu thí dụ gần đây nhất: Nhà báo
Hoàng Phong có viết một bài về sự nghiệp của tôi, đăng trên báo Đoàn Kết
của Hội Việt kiều tại Pháp. Mặc dù rất thân, song cũng không dám đả
động gì đến 40 năm làm Phó rồi Tổng thư ký Đảng Xã hội Việt Nam của
tôi”.
(119) Ông Trần Xuân Bách nói: “Như mọi
người đều biết, thắng lợi của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên
và sự ra đời của hệ thống xã hội chủ nghĩa đã không diễn ra ở những nước
tư bản phát triển. Vì vậy, chủ nghĩa xã hội được Karl Marx dự báo có
những điểm không hoàn toàn khớp với hiện thực 70 năm qua. Khoa học xã
hội chưa phân tích đầy đủ những hiện tượng ấy, ít vạch ra sự không ăn
khớp đó mà chủ yếu là bảo vệ, biện luận những tư tưởng kinh điển, rốt
cuộc là rơi vào giáo điều cả trong lý luận lẫn thực tiễn. Những mô hình
chủ nghĩa xã hội, vì vậy, tỏ ra thiếu sức sống, ít thuyết phục và kém
hấp dẫn” (Nhân Dân 27-10-1988).
(120) Báo Nhân Dân số ra ngày 27-10-1988.
(121) Báo Nhân Dân số ra ngày 27-10-1988.
(122) Báo Nhân Dân số ra ngày 27-10-1988.
(123) Tuổi Trẻ 1-4-1989.
(124) Nhân Dân số ra ngày 6-6-1989.
(125) Báo Lao Động số ra ngày 10-8-1989.
(126) Báo Lao Động số ra ngày 10-8-1989.
(127) Trả lời phỏng vấn tác giả ngày 20-11- 2011.
(128) Khi đó, ở miền Nam, ông Linh “bật
đèn xanh” cho các tập đoàn, hợp tác xã trả lại đất cho nông dân. Người
được ông Linh trực tiếp giao nhiệm vụ này là ông Nguyễn Thành Thơ kể
trong hồi ký chưa xuất bản của mình: “Một hôm, khoảng mười giờ sáng, anh
Mười Dài (Nguyễn Văn Long, phó Ban Nông nghiệp Trung ương), nói: ‘Tối
nay tôi tới gặp anh, đề nghị anh ở nhà, không đi đâu’. Tối, đúng sáu
giờ, Mười Dài tới. Anh chủ động nói: ‘Tôi mới làm việc với anh Nguyễn
Đức Tâm, trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, anh Trần Xuân Bách, Bí thư
Trung ương. Các anh nói với tôi: Anh Nguyễn Văn Linh đi theo con đường
xét lại, lôi kéo mươi Thơ chạy theo, tôi đề nghị anh tách khỏi anh Linh,
quên những gì anh Linh nói’. Tôi nghe như sét đánh trời quang. Thời
gian đó, có dư luận nói, anh Sáu Lê Đức Thọ vào Sài Gòn bàn với các đồng
chí lão thành cách mạng về việc thay đồng chí Nguyễn Văn Linh vì đồng
chí Linh đi theo xét lại. Anh Linh đi họp Câu lạc bộ Những người Kháng
chiến cũ tại Dinh Độc Lập nói: Đưa tôi lên bằng lá phiếu, đề nghị đưa
tối xuống cũng bằng lá phiếu, đừng đưa tôi xuống bằng súng đạn”.
(129) Ông Vũ Cao Đàm nói: “Ông Trần Xuân
Bách chưa một lần nói đến hai chữ ‘đa đảng’. Toàn bộ những nghiên cứu
của chúng tôi đã được anh Bách xem xét rất thận trọng và cuối cùng anh
đã tóm lược (rất kín kẽ) như sau: Thứ nhất, cần mạnh dạn thực hành chính
sách kinh tế theo kiểu chính sách kinh tế mới của Lenin, và anh Bách đã
nói theo cách đã sử dụng từ Đại hội lần thứ VI, là ‘kinh tế thị
trường’, với sự tham gia của mọi thành phần xã hội. Thứ hai, theo kinh
tế quyết định luận của Marx, đã đa thành phần kinh tế, mà anh gọi là ‘đa
nguyên kinh tế’, thì tất yếu sẽ dẫn đến ‘đa thành phần’ trong xu hướng
chính trị, mà anh cũng thẳng thắn gọi là ‘đa nguyên chính trị’. Thứ ba,
anh đưa ra nhận định khái quát: thị trường và đa nguyên là những thành
tựu nổi bật của nhân loại”.
(130) Trong bài phát bài nói chuyện ở 53
Nguyễn Du vào ngày 13-12-1989, bản lược ghi được “Câu lạc bộ Những người
Kháng chiến cũ” quay ronéo và phổ biến, ông Trần Xuân Bách nói: “Quan
hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là thế nào? Có nước tự cho
mình không cần đổi mới, đã bị bục vỡ. Có nước coi đổi mới kinh tế phải
làm nhanh, còn đổi mới chính trị thì chầm chậm cũng bục chuyện. Có nước
chỉ đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị, đã bục to. Có nước làm cả
hai, nhưng không nhịp nhàng, gặp khó khăn. Hai lãnh vực này phải nhịp
nhàng, không chân trước chân sau, không tấp tễnh đi một chân”. Về dân
chủ ông Bách nói: “Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng
dân chủ. Đó là quyền của dân, với tư cách là người làm nên lịch sử,
không phải là ban phát, do tấm lòng của người lãnh đạo này hay người
lãnh đạo kia. Thực chất của dân chủ hoá là khơi động trí tuệ của toàn
dân tộc để tháo gỡ khó khăn và đưa đất nước đi lên kịp thời đại”. Về
kinh tế, ông Bách cho rằng: Hai vấn đề chủ yếu của cơ chế kinh tế là vấn
đề sở hữu và vấn đề thị trường (luận đề: Kế hoạch nằm trong chứ không
nằm ngoài và đứng trên thị trường). Hai vấn đề chính của cơ chế chính
trị là: quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh, vai trò lãnh đạo của
Đảng và quyền lực của nhân dân (luận đề: Đảng nằm trong chứ không nằm
ngoài và đứng trên xã hội).
(131) Ông Trần Xuân Bách nói: “Sau vụ đàn
áp Thiên An Môn, Trung Quốc không tuyên truyền về cải tổ ở Liên Xô nữa. Ở
Liên Xô, Gorbachev coi cải tổ là cuộc cách mạng với các thành phần và
các nhân tố khác nhau, đan xen nhau, thống nhất với nhau và độ dài của
cải tổ có thể là hàng chục năm. Đồng chí Gorbachev nêu lên ba vấn đề
chính của cải tổ dân chủ hoá, hạch toán kinh tế và cải tổ Đảng, cải tổ
để có chủ nghĩa xã hội nhiều hơn. Đặt vấn đề như vậy là đúng chứ không
sai”. Ông Bách cho rằng: “Mác sống thời chủ nghĩa tư bản cổ điển, ngày
nay là chủ nghĩa tư bản hiện đại, có nhiều cái khác với thời Mác. Ngay
thời Lê-nin, khi đề ra chính sách kinh tế mới (NEP), cũng đã đổi khác
với những dự báo của Mác rồi. Phải có tư duy khoa học. Tụng từng câu
‘Kinh Thánh’ trong sách Mác không bảo vệ được chủ nghĩa Mác đâu. Ngay cả
về chủ nghĩa xã hội hiện nay đang có những cuộc tranh luận để hiểu nó
thế nào cho đúng. Mục tiêu của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là
đi tới một xã hội, trong đó sự phát triển toàn diện của mọi người là
điều kiện cho sự phát triển toàn diện của xã hội như Mác và Ănghen nói
trong ‘Tuyên ngôn Cộng sản’. Còn cụ thể như thế nào thì ta phải tìm.
Trong Hội nghị Trung ương Bảy, có thảo luận một vấn đề thú vị: Ban Văn
hoá Tư tưởng đề nghị nêu những thuộc tính của chủ nghĩa xã hội, nhưng bị
bác bỏ” (Bài nói chuyện ở 53 Nguyễn Du vào ngày 13-12-1989 của ông Trần
Xuân Bách bản lược ghi được “Câu lạc bộ Những người Kháng chiến cũ”
quay ronéo và phổ biến).
(132) Bức Tâm thư ngày 22-1-1990 của nhóm
Nguyễn Ngọc Giao gửi về Việt Nam viết: “Do những đường lối, chính sách
không phù hợp với tình hình thế giới cũng như với thực tế của Việt Nam,
nước ta đã bị cô lập về mặt kinh tế cũng như ngoại giao và vẫn chưa
thoát ra khỏi cảnh nghèo khó. Đau lòng hơn nữa, cuộc đổi mới khởi động
năm 1986 đã bị trì hoãn, bỏ lỡ một cơ may lớn, làm tổn thương lòng tin
của nhân dân mới phần nào được phục hồi. Những biến cố vừa xảy ra ở Đông
Đức, Tiệp Khắc và nhất là Rumani cho thấy là trong một tình hình chính
trị, kinh tế, xã hội bế tắc kéo dài quá lâu, sự thụ động bề ngoài của
quần chúng mà sức kiên nhẫn chịu đựng dẫu sao cũng có giới hạn, nhiều
khi chỉ là sự bình lặng trước cơn bão lớn. Để tránh cho đất nước khỏi
rơi vào thảm kịch Thiên An Môn hay Rumani, trước tiên cần nhận thức rằng
không thề dùng đàn áp hay bạo động để giải quyết những vấn đề trầm
trọng hiện nay của đất nước mà phải tìm được những phương pháp chính trị
thích nghi”. Bức Tâm thư kêu gọi: “Hãy vì quyền lợi tối cao của dân
tộc, sớm cải tổ hệ thống chính trị hiện có bằng cách: Thực sự tách rời
các định chế của Nhà nước ra khỏi bộ máy chính đảng để cho Nhà nước thu
hồi trọn vẹn những quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp của mình, để cho
không một ai cũng như không một tổ chức nào có thể đứng trên và chi phối
Nhà nước; Thiết lập một nền dân chủ đa nguyên, thực sự bảo đảm an toàn
cá nhân và các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội, lập
đảng”.
(133) Những người ký tâm thư, sau đó, hoặc
không được cấp visa về nước, hoặc bị thẩm vấn, có người được nêu tên
trong suốt 14 năm trời ở “Bảo tàng tội ác Mỹ - Nguỵ”; danh sách 34 người
ký tên đầu tiên được niêm yết ở trụ sở các tỉnh đội và cơ quan công an,
nhân viên sứ quán ở nhiều nước (kể cả đại sứ) được chỉ thị ngăn chặn
đồng bào ký tên hay thúc ép rút tên nhưng bức Tâm thư vẫn có hơn 700
người ký.
(134) Ông Trần Xuân Bách li dị từ năm 1956
và sống độc thân cho tới giữa thập niên 1970, khi ông đang làm trưởng
Ban Tôn giáo của Đảng. Một lần đến sân bay Gia Lâm đón đoàn khách quốc
tế, ông Bách nhìn thấy một cô gái chỉ mới ngoài hai mươi, tóc dài, gương
mặt trái xoan, trắng mịn và xinh đẹp. Người con gái đó là Trần Thị Đức
Thịnh, sinh năm 1954 ở làng Ngọc Thuỵ, Long Biên, Hà Nội. “Anh ấy yêu
tôi từ phút đầu”, bà Thịnh kể. Bà Thịnh nói tiếp: “Tôi cũng yêu anh ấy
nhưng khi anh đặt vấn đề thì tôi sợ. Anh Bách hơn tôi hai mươi tám tuổi.
Tôi chỉ là một nữ tiếp tân phụ trách đội nữ nhà bàn ở nhà khách trung
ương còn anh thì đang là một nhà lãnh đạo tên tuổi”. Mối tình của họ
thoạt đầu bị dư luận phản đối. Năm 1975, bà Thịnh được điều vào Sài Gòn
làm việc ở Nhà khách Trung ương T78 những sự xa cách lại làm cho họ thêm
quyết tâm. Năm 1976, trước Đại hội Đảng lần thứ IV, Lê Đức Thọ gặp Trần
Xuân Bách: “Chúng tớ muốn cơ cấu cậu vào Trung ương nhưng cái dở là cậu
lại yêu cô Thịnh. Cậu chọn thế nào?”. Bà Thịnh kể: “Chồng tôi nói lại
với ông Sáu Thọ: ‘Vào Trung ương thì cũng chỉ một hai khoá rồi thôi, còn
lấy vợ để sống cả đời anh ạ’. Rất may là cả ông Trường Chinh và Lê Duẩn
đều ủng hộ: ‘Lấy vợ là việc riêng, đừng can thiệp!”. Tháng 12-1976, họ
cưới nhau, năm 1977 sinh con gái đầu lòng đặt tên là Trần Vũ Vân Anh,
năm 1982 sinh tiếp cô con gái thứ hai đặt tên là Trần Vũ Xuân Hương.
(135) Sau khi bị mất chức, ông Trần Xuân
Bách vẫn được ở lại biệt thự 65 Phan Đình Phùng, nhưng các chế độ thực
phẩm từ cửa hàng “Tôn Đản” thì ngay lập tức bị cắt. Về sau, ông được cấp
một căn biệt thự khác có khuôn viên rộng 400m2 ở khu Trung Tự, từ tháng 9- 1995 ông chuyển về đây.
(136) Trong “Kiến nghị về một chương trình
cấp bách nhằm khắc phục khủng hoảng”, Giáo sư Phan Đình Diệu cho rằng:
“Một chế độ chính trị dân chủ, đoan kết và hoà hợp dân tộc. Nên kinh tế
thị trường với sự tôn trọng đầy đủ quyền tự do kinh doanh và trao đổi
hàng hoá của mọi thành viên xã hội tất yếu phải được hỗ trợ bởi một chế
độ chính trị tôn trọng các quyền tự do dân chủ của mọi người dân”. “Nỗi
ám ảnh của quá khứ” của giáo sư Trần Quốc Vượng viết: “Có độc lập rồi
chăng, nhưng hoạ lệ thuộc vẫn luôn luôn mai phục, cả về mô hình chính
trị và sự phát triển kinh tế… Có thống nhất rồi chăng, nhưng mầm chia rẽ
vẫn mọc rễ sâu xa, nào Băc/Nam, nào cộng sản/không cộng sản… Điều chắc
chắn là nhân dân chưa có hạnh phúc, tự do thật sự”. Ngày 1-3-1990, khi
nói chuyện với cán bộ Ban Tổ chức Trung ương, nhà văn Dương Thu Hương
cảnh báo: “Nếu Đảng và nhà nước không có một chương trình cải cách thật
sự và triệt để, không tìm được một mô hình xã hội tiến bộ thích hợp với
các điều kiện lịch sử Việt Nam thì chắc chắn sẽ xảy ra một cuộc lưu
huyết”. Theo nữ văn sỹ Dương Thu Hương, hai điều cốt lõi của cải cách xã
hội, là: Bo ngay nguyên tắc chuyên chính vô sản và nguyên tắc tập trung
dân chủ. Theo bà: “Thực chất hai nguyên tắc này đảm bảo cho mô hình một
xã hội độc tài và cực quyền. Tôi nói gọn lại: Xã hội ta chỉ có thể được
cải cách và phát triển khi nó thủ tiêu hai nguyên tắc đã quá lạc hậu và
man rợ: chuyên chính và tập trung”. Năm 1989, Dương Thu Hương đã bị
khai trừ Đảng tịch vì đã viết những cuốn sách ám chỉ chủ nghĩa xã hội là
những “Thiên đường mù”, là những “Bờ ảo vọng”.
(137) Thông báo số 232/TB-TW, ngày
6-12-1990 của Ban Bí thư viết: “Các thế lực phản động đa lợi dụng và lôi
keo Thành Tín để phục vụ âm mưu của chúng hòng chống phá cách mạng nước
ta, thực hiện diễn biến hoà bình, bôi xấu Đảng và Nhà nước ta, chia rẽ
nhân dân và Đảng, làm cho nhân dân mất tin tưởng ở Đảng, ở chế độ xã hội
chủ nghĩa, kích động và gây sức ép đòi Đảng ta thay đổi đường lối, từ
bỏ sự lãnh đạo. Việc làm của Thành Tín ở Pháp cùng những bài nói của
Thành Tín trên đài BBC (Anh) mang tính chất phản bội Đảng và nhân dân
ta, gây tác hại nghiêm trộng về nhiều măt… Ban Bí thư giao cho Ban tư
tưởng-văn hoá Trung ương vạch rõ những quan điểm sai trai trong những
lời phát biểu của Thành Tín trên đài BBC (Anh) để toàn Đảng biết, giao
cho Ban biên tập báo Nhân Dân bày tỏ trên báo Nhân Dân thái độ của mình đối với hành động của Thành Tín”.
(138) Công văn ngày 27-8-1991 của Ban Tư
tưởng Văn hoá Trung ương đã xếp những phát biểu này vào danh mục những
“bài nói, bài viết chống đối chế độ và sự lãnh đạo của Đảng”. Ban Tư
tưởng Văn hoá Trung ương cho in roneo những bài viết này, gửi Trưởng ban
tuyên huân các tỉnh, thanh, đặc khu, yêu cầu họ “nghiên cứu phân tích,
phê phán những quan điểm sai trái và giáo dục cảnh giác, vạch trần những
luận điệu, xuyên tạc, chống đối” của các tác giả. Theo công văn ngày
27-8-1991, các giáo sư Phan Đình Diệu, Trần Quốc Vượng,… được xếp chung
với ông Bùi Tín.
(139) Theo ông Võ Viết Thanh, khi ấy là
Thứ trưởng Bộ Nội vụ phụ trách An ninh: “Không phải công an mà Văn hoá
Tư tưởng có dùng một số biện pháp rất căng với chị Dương Thu Hương. Tôi
cho anh em A25 tiếp cận khuyên chị: Bên ngoài có thể lợi dụng, chị nên
cẩn thận, nếu sa đà quá thì trong bối cảnh này bất lợi cho một nước đang
tập trung đổi mới kinh tế và đang cần ổn định. Tôi đề xuất và ông Mai
Chí Thọ cũng đồng ý là không nên bắt. Khi đó, chị Hương xin xuất cảnh
tôi vẫn cho chị đi dù Tuyên huấn khuyên không nên cho đi. Một hôm, tôi
đang công tác ở miền Nam thì nhận được điện của Cục Tham mưu nói Ban Bí
thư yêu cầu bắt Dương Thu Hương. Tôi biết đó là ý kiến của ông Nguyễn
Văn Linh và ông Nguyễn Đức Bình nên trả lời: Đã Ban Bí thư chỉ đạo thì
chúng ta phải chấp hành”.
(140) Thư ký của Tổng bí thư Đỗ Mười, ông
Nguyễn Văn Nam, kể: Khi ông Đỗ Mười lên thay, Văn phòng phải đổi xe cho
ông bằng cách, một buổi sáng trước giờ vào Vinh công tác, Văn phòng báo
là chiếc Lada bị hư, phải thay gấp bằng một chiếc Nissan mới. Ông Đỗ
Mười đành phải lên chiếc Nissan rồi trong suốt chuyến đi ông nhận ra “xe
tư bản” chạy êm hơn rất nhiều so với chiếc Lada xã hội chủ nghĩa. Tới
Vinh, ông Đỗ Mười xuống xe, vươn vai khoan khoái. Cán bộ Văn phòng chớp
thời cơ thưa với ông: “Sức khỏe của anh là tài sản quốc gia, từ nay, đề
nghị anh sử dụng chiếc xe này”. Ông Đỗ Mười im lặng và chiếc Lada được
đem “thanh lý”.
(141) Theo báo Nhân Dân số ra ngày
14-6-1988: Xử lý hộp đen hay gọi theo cách thông dụng là “quay hộp đen”
nhằm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của các xí nghiệp công nghiệp là
một biện pháp quan trọng góp phần chống lạm phát, ổn định tình hình kinh
tế, xã hội. Đến xí nghiệp, hợp tác xã nào đồng chí Tổng bí thư cũng nêu
vấn đề đó, nghe báo cáo và thảo luận với giám đốc và công nhân, yêu cầu
được nghe về biện pháp “xử lý hộp đen”… Đồng chí Tổng bí thư nhấn mạnh:
“Đã từ lâu nay, thiết bị, vật tư chúng ta tính ra giá quá rẻ, tính
không đủ ‘đầu vào’, nhà nước bù lỗ quá lớn. Tình trạng ‘lời giả’, ‘lỗ
thật’ rất phổ biến. Tuy nhiên, theo Tổng bí thư: “Chúng ta phải có trách
nhiệm với người sản xuất và người tiêu dùng. Không nên vin vào ‘thị
trường chấp nhận’ rồi đưa giá lên, vì trong lúc này có những thứ giá cắt
cổ mà người mua vẫn chấp nhận”.
(142) Số ra ngày 14-6-1988.
(143) Thư của Giáo sư Hoàng Tuỵ và Giáo sư Phan Đình Diệu gửi báo Nhân Dân viết:
Hơn một tháng nay, trên các báo trung ương thường thấy xuất hiện, cả ở
dòng tít lớn, một số thuật ngữ mới như “hộp đen”, “xử lý hộp đen” và
“quay hộp đen”. Mới nghe, tưởng như các nhà quản lý kinh tế nước ta đang
trên đà đổi mới, dám mạnh dạn vận dụng cả những khái niệm điều khiển
học mà ngay cả các nước tiên tiến nhất cũng chỉ mới có một sốt ít nhà
chuyên môn dùng đến. Nhưng, đọc kỹ thì hoá ra các thuật ngữ khoa học đó
bị hiểu sai lạc và sử dụng tuỳ tiện, không ăn nhập gì với nội dung khoa
học thật sự của chúng. Điều đáng tiếc nhất là các vấn đề được bàn tới
bằng các thuật ngữ đó lại là những vấn đề cực kỳ hệ trọng và nghiêm
chỉnh của đất nước ta hiện nay… Và, trong số những người hay dùng thuật
ngữ đó lại có nhiều cán bộ lãnh đạo từ cấp cao tới cấp thấp. Theo Giáo
sư Hoàng Tuỵ và Giáo sư Phan Đình Diệu: Trong điều khiển học, hộp đen
(black box) chỉ dùng để chỉ một hệ thống mà người nghiên cứu không có
khả năng hoặc điều kiện để biết (hoặc không cần biết) cấu trúc và cơ chế
hoạt động bên trong của nó. Do đó, phải nghiên cứu hệ thống bằng cách
quan sát và theo dõi mối quan hệ giữa các tác động từ bên ngoài vào với
các phản ứng đáp lại của hệ thống… Như vậy, các thuật ngữ ‘xử lý hộp
đen’, ‘quay hộp đen’ là hoàn toàn vô nghĩa…”. Sau khi dẫn các giải thích
của các nhà lãnh đạo cũng như một số “nhà khoa học” đăng trên các báo,
Giáo sư Hoàng Tuỵ và Phan Đình Diệu kết luận rằng: “Không có một nhà
điều khiển học đứng đắn nào, không có một nhà kinh tế học nghiêm chỉnh
nào lại có thể hiểu về hộp đen như thế. Khi viết những dòng nói trên,
hai vị giáo sư khả kính đã phải rào đón: Chúng tôi rất phân vân: chẳng
lẽ im lặng, cứ để việc không hay này kéo dài mà không có ý kiến. Nhưng,
góp ý thì đụng đến báo chí (nhất là báo Đảng), đụng đến lãnh đạo. Thật
ra ai cũng hiểu rằng, cán bộ lãnh đạo dùng các thuật ngữ khoa học không
phải do tự mình nghĩ ra mà do gợi ý của các tham mưu khoa học. Cho nên
đáng trách ở đây là các tham mưu khoa học nào đó đã không thận trọng,
bản thân chưa nắm vững các khái niệm cơ bản của điều khiển học mà đã dám
mượn uy tín lãnh đạo tung các khái niệm ấy ra quần chúng một cách vô
trách nhiệm (Văn Nghệ30-7-1988).
(144) Theo Trần Độ: “Đây không phải là một
vở kịch hay. Nhưng, Ban Tuyên huấn Hà Nội muốn ‘đánh chết’. Thay vì nói
thẳng với đoàn kịch, họ tổ chức một buổi trình diễn có cả Bí thư Thành
uỷ Nguyễn Thanh Bình và Trưởng ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương dự, hy
vọng ông Độ, ông Bình chê, rồi ‘cáo mượn oai hùm’, kết liễu đời một tác
phẩm”. Nhưng xem xong vở kịch, Trần Độ đề nghị cứ cho đoàn kịch diễn.
Tháng 6-1988, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 5, khoá VI, Nguyễn Văn
Linh phê phán một số tác phẩm văn nghệ, trong đó có vở kịch “Em đẹp dần
lên trong mắt anh”. Theo Trần Độ, cuối phần phát biểu ông Linh kết luận:
“Dân chủ phải có lãnh đạo, tự do không phải là vô bờ bến”. Trần Độ nói
lại: “Sáng nay, đồng chí Tổng bí thư trong khi nói về Văn hoá văn nghệ
có nhận xét đánh giá một số tác phẩm. Tôi đề nghị nên coi đó là ý kiến
của một công chúng bình thường thưởng thức nghệ thuật”. Nguyễn Văn Linh
phát biểu buổi sáng, Trần Độ trả lời vào buổi chiều, nhưng chiều hôm đó
ông Linh lại không có mặt. Bốn chữ “công chúng bình thường”, theo Trần
Độ: “Đã được một số kẻ cơ hội nống lên để kích Tổng bí thư… Trong một
cuộc họp Bộ Chính trị, Đào Duy Tùng, Bí thư Trung ương Đảng phụ trách
công tác tư tưởng, nói: Sau Nghị quyết 05 có xảy ra một số sự kiện đáng
lưu ý, trong đó có chuyện đồng chí Trần Độ nói Tổng bí thư là một công
chúng bình thường…”. Trần Độ nhớ lại: “Thế là anh Linh giận tôi. Tôi
biết rõ điều này qua thái độ của anh đối với tôi những ngày sau đó.
Trong một dịp làm việc với Bộ Chính Trị, anh Linh đã nói một cách nghiêm
trọng với tôi: Anh nói thế là xúc phạm tôi một cách nặng nề”. Trần Độ
kể rằng, ông đã cố gắng xử lý mối bất hoà với Tổng bí thư bằng cách viết
thư. Nhưng, ảnh hưởng của Trần Độ với phong trào đổi mới trong văn nghệ
coi như kết thúc khi, cuối thư trả lời Trần Độ, ông Nguyễn Văn Linh
“tái bút: Dạo này tôi bận lắm, vì vậy có chuyện gì về văn hoá văn nghệ
anh nói với anh Đào Duy Tùng, chứ đừng nói chuyện với tôi nữa”.
(145) Trần Hoài Anh, Văn Nghệ 30-4-1988.
(146) Báo Văn Nghệ ngày 1-10-1988.
(147) Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 15-12-1988.
(148) Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nói: “Sự
nghiệp đổi mới ở nước ta, công cuộc cải tổ ở Liên Xô và các nước xã hội
chủ nghĩa khác đang đặt ra nhiều vấn đề mới tác động đến nhận thức tư
tưởng và tâm trạng chính trị, xã hội phức tạp. Kẻ thù và những phần tử
xấu đang xuyên tạc tình hình, phá hoại lòng tin của quần chúng đối với
sự lãnh đạo của Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa” (Tuổi Trẻ 15-12-1988).
(149) Tô Hoà sinh năm 1926 tại Quảng Ngãi,
năm 1945 ông tham gia cướp chính quyền tại Sài Gòn. Năm 1954 ông đi tập
kết làm báo ở miền Bắc, năm 1970 về lại miền Nam làm trưởng Tiểu Ban
Báo chí Khu uỷ Sài Gòn-Gia Định.
(150) Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 1-7-1989.
(151) Tờ Tuổi Trẻ (ngày 9-7-1987)
đưa tin: Tối 7-7-1987, Ban Chấp hành Thành Đoàn họp thông qua danh sách
dự kiến, Phạm Phương Thảo làm bí thư; Lê Văn Nuôi làm phó bí thư thường
trực. Việc ban chấp hành cũ giới thiệu người vào các chức danh cụ thể là
một việc làm rất cũ của hệ thống chính trị nhưng thông tin đó đã làm
cho các đại biểu về dự đại hội có cảm giác như họ bị đặt vào tay một
“chuyện đã rồi”. Hôm sau, 11-7-1987, đúng ngày Đại hội Đoàn Thành phố bỏ
phiếu, báo Tuổi Trẻ lại “nhắc nhở” các đại biểu khi cho dịch từ
báo Liên Xô câu nói của đại biểu Huyện đoàn Kursk: “Chúng tôi cần thủ
lĩnh Đoàn cho chính mình chứ không phải cho cấp trên”. Kết quả: Phạm
Phương Thảo đã không trúng cử; Lê Văn Nuôi, nguyên chủ tịch Tổng hội học
sinh Sài Gòn trước 1975, trở thành bí thư Thành Đoàn. Việc làm này của Tuổi Trẻ bị Thường vụ Thành đoàn (cũ) phê bình: “Đã làm cho đoàn viên thanh niên hiểu lầm là Ban Chấp hành cũ làm việc không dân chủ” (Tuổi Trẻ 14-7-1987).
(152) Kim Hạnh, Những Gương Mặt Triều Tiên Tôi Đã Gặp, Tuổi Trẻ 27-7-1989 và Đến Thăm Trường Mẫu Giáo Bình Nhưỡng, Tuổi Trẻ 29-7-1989.
(153) Thông báo Kỷ luật nhà báo Vũ Kim
Hạnh được ông Nguyễn Võ Danh ký ngày 8-8-1991 cho biết: “Cá nhân đồng
chí Tổng Biên tập Kim Hạnh đã bộc lộ những sai lầm về quan điểm chính
trị, thiếu vững vàng về lập trường giai cấp công nhân… Những sai lầm đó
được bộc lộ rõ nhất là từ năm 1989 tới nay”.
(154) Hồ Chí Minh được “chính sử” ghi là không lấy vợ vì “cả cuộc đời vì nước vì non”.
(155) Năm 1991, khi viết bài thơ:
Kim-Mộc-Thuỷ-Hoả-Thổ, trong đó có hai câu: Ta nhờn nhợn cái há mồm vĩ
nhân tôm cá/ Khạc đủ đồ nghề thằng nọ con kia…, theo nhà thơ Nguyễn Duy
là để “tức cảnh” khi nghe ông Nguyễn Văn Linh gọi “Con Hương, thằng
Sáng”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001