Phần III: Dấu ấn Nguyễn Văn Linh
Chương 14: KHOẢNG CÁCH LINH - KIỆT
Tại sao Đỗ Mười
Ngày 10-3-1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ
trưởng Phạm Hùng qua đời. Người kế nhiệm, ông Đỗ Mười, kể: “Anh Hùng đi
đột ngột. Anh ấy đang bình thường, khỏe mạnh, ăn cơm xong nằm nghỉ trưa
nghe vọng cổ rồi bị sặc cơm mà mất”. Thể theo hiến pháp, ngày 11-3-1988,
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công ký quyết định cử ông Võ Văn
Kiệt, phó Chủ tịch thường trực làm quyền chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
“cho đến khi Quốc hội bầu chủ tịch mới”. Ông Đỗ Mười nói tiếp: “Tôi thấy
bình thường. Tôi từ khi tham gia cách mạng tới giờ Đảng bảo làm gì làm
nấy, không đòi hỏi gì cả, không xin gì cả”.
Ông Đỗ Mười coi việc ông Võ Văn Kiệt tạm
đứng đầu Chính phủ là bình thường không chỉ là một phát biểu xã giao.
Theo ông Nguyễn Đình Hương, phó Ban Tổ chức Trung ương: “Từ Đại hội IV,
năm 1976, khi đưa Tố Hữu, Võ Văn Kiệt, Đỗ Mười đứng vào hàng uỷ viên dự
khuyết Bộ Chính trị, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ đã bàn với nhau và có sự ủng hộ
của Phạm Văn Đồng, thống nhất đặt ba người vào trong đội dự bị. Năm
1982 khi điều ông Võ Văn Kiệt từ Sài Gòn, ông Lê Đức Thọ nói đưa Sáu Dân
ra Hà Nội là để chuẩn bị làm thủ tướng. Khi ấy Tố Hữu cũng được chuẩn
bị cho chức vụ Tổng bí thư. Nhưng Tố Hữu khi làm phó chủ tịch thường
trực Hội đồng Bộ trưởng vướng vào sai lầm trong vụ giá-lương-tiền nên uy
tín sút giảm. Tại Đại hội VI tuy Tố Hữu vẫn được đề cử vào Trung ương
nhưng khi bầu thì không trúng”.
Tháng 6-1988, Quốc hội khoá VIII nhóm họp
kỳ thứ Ba, nhiều đại biểu ngạc nhiên khi người được đề cử chính thức
thay thế ông Phạm Hùng là ông Đỗ Mười thay vì ông Kiệt. Bà Ba Thi Nguyễn
Thị Ráo, một phụ nữ thân thuộc với cả ông Kiệt và Tổng bí thư Nguyễn
Văn Linh nói trước Quốc hội: “Chúng tôi tha thiết đề cử đồng chí Võ Văn
Kiệt. Nhân dân miền Nam, nhất là Sài Gòn rất kính trọng đồng chí Võ Văn
Kiệt. Chúng tôi chỉ biết Võ Văn Kiệt, tôi tha thiết đề nghị Quốc hội bầu
đồng chí Võ Văn Kiệt”.
Đại biểu Lý Chánh Trung đề nghị đưa hai
ứng cử viên để Quốc hội bầu, ông nói: “Một trong những động lực giúp
chúng tôi vận động bà con Sài Gòn xuống đường là để chống bầu cử độc
diễn ở Sài Gòn. Bây giờ chúng ta có độc lập mà vẫn độc diễn thì chúng
tôi khó ăn nói với bà con lắm”. Ý kiến của bà Ba Thi đã bị một đại biểu ở
miền Bắc, bà Nguyễn Thị Kim Đính, chủ tịch Liên hiệp Xã Hải Hưng, phản
đối: “Tôi đồng tình có hai ứng cử viên nhưng tôi không đồng ý với chị Ba
Thi, nếu chúng tôi cũng nói là miền Bắc chỉ biết đồng chí Đỗ Mười thì
sao”.
Thực ra không chỉ có các đại biểu đến từ
miền Nam, Quốc hội biết khá rõ ông Đỗ Mười. Bầu “tư lệnh” của cả hai
chiến dịch “cải tạo tư sản” đứng đầu chính phủ trong thời kỳ thực hiện
chính sách “kinh tế nhiều thành phần” không khỏi làm cho nhiều đại biểu
băn khoăn, thắc mắc.
Theo ông Vũ Mão, có 33 trên tổng số 53
đoàn đại biểu quốc hội đề cử ông Võ Văn Kiệt như một ứng cử viên thứ hai
để Quốc hội bầu chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; ngoài ra, còn có bốn đoàn
giới thiệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một đoàn giới thiệu ông Nguyễn Cơ
Thạch. Tuy nhiên, ông Võ Văn Kiệt kiên quyết từ chối, ông nói: “Tôi là
đảng viên, tôi tuân thủ nguyên tắc Đảng. Ban Chấp hành Trung ương đã
giới thiệu đồng chí Đỗ Mười rồi thì nếu có gì khác, chúng ta phải báo
cáo Trung ương”. Ban Bí thư phải họp, và theo ông Vũ Mão, chủ nhiệm Văn
phòng Quốc hội: “Anh Nguyễn Văn Linh rất hay ở chỗ, dù không ưa anh
Kiệt, anh vẫn đồng ý để Quốc hội bầu chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng với hai
ứng cử viên”.
Khi từ chối không tham gia cuộc bầu cử
này, ông Võ Văn Kiệt hiểu rất rõ “ý thức chấp hành” của một quốc hội mà
cho dù tỉ lệ đảng viên là bao nhiêu thì tất cả đại biểu đều là người của
Đảng. Nhưng, sau cuộc họp của Ban Bí thư, giữa đêm khuya, Chủ tịch Quốc
hội Lê Quang Đạo tìm đến nhà ông Kiệt nói: “Ban Bí thư bàn, thấy xưa
nay chưa có tiền lệ đưa hai ứng cử viên ra Quốc hội nhưng các đoàn đề
nghị gay gắt quá. Đề nghị anh không rút tên”.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi Đảng Cộng
sản Việt Nam cầm quyền, Quốc hội bầu một chức danh mà có hai ứng cử viên
trên lá phiếu. Việc làm này không chỉ mới mẻ với những đảng viên thường
mà với cả những người trong cuộc. Theo ông Vũ Mão: “Anh Đỗ Mười nói với
tôi: cả tuần nay, mình mất ngủ, không hiểu tại sao trong Đảng ta lại có
hai ứng cử viên. Tôi nói: thưa anh, đấy là thành quả của đổi mới”.
Chiều 22-6-1988, Quốc hội bỏ phiếu, kết quả: ông Đỗ Mười đắc cử với 296
phiếu; 168 đại biểu bỏ phiếu cho ông Võ Văn Kiệt; một đại biểu bỏ phiếu
trắng.
Ông Đỗ Mười nhận chức nhưng rất lo lắng vì
ông, ứng cử viên của Đảng, chỉ có được 63% số phiếu bầu thay vì 100%
như tiền lệ. Điều ông lo lắng hơn là sự ủng hộ của các địa phương miền
Nam. Ông Kiệt kể: “Tôi nói với anh Mười, tôi trực, tôi sẽ làm hết sức
mình, còn đối với anh em miền Nam anh cứ mạnh dạn vào làm việc, tôi tin
là anh em sẽ ủng hộ anh”. Nhớ lại thời kỳ này, ông Đỗ Mười nói: “Hai anh
em cộng tác rất tốt, tôi với anh Kiệt cũng gắn bó lắm”.
Một năm sau, ông Kiệt nói: “Khi kiểm điểm
trong Bộ Chính trị, có hai ba ý kiến đánh giá một trong những ưu điểm
của tôi là cộng tác tốt với anh Đỗ Mười. Tôi nói với họ các anh nói ưu
điểm thì tôi cũng vui nhưng tôi rất lạ là tại sao các anh có thể nghĩ là
tôi không thể cộng tác với anh Mười. Tôi đâu có cạnh tranh, lẽ ra tôi
dứt khoát rút tên nhưng Ban Bí thư đã quyết định thì tôi phải theo. Đây
là công việc đâu phải là vấn đề riêng tư để tôi có thể không cộng tác
với một người được Trung ương chọn”.
Đã từng là bí thư Trung ương Cục, ông
Nguyễn Văn Linh cũng tiên liệu được sự phản ứng của miền Nam khi quyết
định chọn Đỗ Mười. Trợ lý của Nguyễn Văn Linh, ông Bùi Văn Giao, kể:
“Sau khi ông Phạm Hùng chết, anh Linh lên Hồ Tây họp bàn trước với hai
ông cố vấn: Phạm Văn Đồng và Lê Đức Thọ. Họp xong, ông Linh kêu tôi qua
nói: ‘Giao à, bọn tôi bàn để Đỗ Mười thay Phạm Hùng’. Tôi kêu lên: ‘Trời
ơi, sao lại Đỗ Mười’. Ông Linh: ‘Tôi biết, nhưng từ khi làm Tổng bí thư
tôi nói Đỗ Mười nghe rồi’. Rồi ông Linh kêu tôi chuẩn bị, hôm sau đi
cùng ông. Ông Linh nói: ‘Trung ương giao tôi vào miền Nam, Võ Chí Công
vào miền Trung, Nguyễn Đức Tâm đi các tỉnh miền Bắc làm công tác tư
tưởng’. Ông Linh đi tới đâu cũng gặp phản ứng. Ông phải nói: ‘Đây là
quyết định của Bộ Chính trị”.
Một uỷ viên Trung ương thân cận của ông
Nguyễn Văn Linh, Trưởng Ban Tuyên huấn Trần Trọng Tân, kể: “Anh Linh
giải thích: Hồi cải tạo, tôi với anh Đỗ Mười khác nhau lắm, đụng nhau dữ
lắm. Nhưng anh Đỗ Mười có cái hay, điều gì Đảng đã quyết rồi thì anh ấy
thi hành quyết liệt”. Một người từng làm trợ lý cho ông Nguyễn Văn
Linh, ông Dương Đình Thảo, bổ sung: “Ông Mười Cúc đã từng cãi nhau rất
găng với ông Đỗ Mười về đổi mới nhưng ông nghĩ, Đỗ Mười là người trung
thành, tổ chức thực hiện kiên quyết khi đã có nghị quyết”.
Nhưng vấn đề không phải là tán thành hay
không tán thành ông Đỗ Mười. Tuy Nguyễn Văn Linh sinh ra và lớn lên ở
miền Bắc nhưng cuộc đời hoạt động của ông gắn với miền Nam, gắn với Sài
Gòn. Năm 1956, ông Võ Văn Kiệt gặp ông Nguyễn Văn Linh lần đầu tiên và
cho đến cuối đời ông Kiệt vẫn nhắc món bê non thui chấm nước mắm gừng
theo kiểu Bắc mà ông Linh đãi ông năm ấy. Tại sao ông Linh đã không chọn
ông Võ Văn Kiệt trở thành câu hỏi của rất nhiều cán bộ miền Nam, những
người đã gắn bó với cả ông Kiệt và ông Nguyễn Văn Linh từ thời Trung
ương Cục.
Ông Bùi Văn Giao kể: “Vừa nghe ông Linh
nói chọn ông Mười, tôi thắc mắc ngay ‘Sao không chọn ông Kiệt?’. Ông
Linh kể một loạt cái xấu của ông Kiệt rồi nói: ‘Khi tôi mất Bộ Chính
trị, về Sài Gòn, Sáu Dân không bao giờ gặp tôi’. Anh Linh tốt nhưng
thành kiến ai thì chết người đó”. Ông Chín Đào Phan Minh Tánh, bí thư
Trung ương Đảng cho biết: “Ông Kiệt nhiều lần tâm sự, ‘Chín Đào coi mình
với anh Linh có gì không đúng?’. Tôi nói với ảnh: Khi ra Hà Nội anh có
thơ gởi đồng bào từ giã, trong thơ có dặn dò về anh Linh. Anh Linh cho
là trịch thượng. Chị Bảy Huệ cũng đồng ý với chồng. Anh Kiệt cười: ‘Chín
Đào biết mình coi anh Linh là đàn anh về tuổi, là thầy về cách mạng.
Sao ảnh nỡ nói vậy. Nhưng thôi, kệ ảnh”.
Cuối năm 1981, ông Nguyễn Văn Linh được
điều trở lại Sài Gòn như một động thái cơ cấu lại cán bộ chuẩn bị Đại
hội Đảng lần thứ V họp vào đầu năm 1982. Thế chính trị của ông Linh lúc
ấy rất khó khăn, ông bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị vài tháng sau đó. Phó
Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương nói: “Nếu ông Lê Duẩn còn sống
tới Đại hội VI thì sẽ không có Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh vì từ Đại hội
V, ông Lê Duẩn và ông Lê Đức Thọ đã thống nhất quy hoạch Tố Hữu sẽ làm
Tổng bí thư, Võ Văn Kiệt làm thủ tướng và đặt ông Linh ra rìa”. Trợ lý
của Lê Duẩn, ông Trần Phương nói: “Anh Ba đánh giá Mười Cúc rất thấp”.
Theo ông Võ Văn Kiệt, chính ông đã đề nghị ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ
điều ông Nguyễn Văn Linh trở lại Thành phố Hồ Chí Minh khi ông Linh
không được dự kiến cho một chức vụ gì cụ thể.
Trong tình huống đó, trước khi chính thức
ra Hà Nội nhận chức phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Võ Văn Kiệt đã
viết một bức thư ngỏ đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng. Sau khi
chúc Tết và cám ơn “nhân dân Thành phố”, ông Võ Văn Kiệt đã giới thiệu
về ông Nguyễn Văn Linh như là nói về một người tiếp theo mình chứ không
rõ ra là nói về một đàn anh của mình(156).
Theo ông Tô Hoà, tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng:
“Ông Kiệt cũng cân nhắc, viết rất trân trọng và thận trọng. Nhưng ông
Linh phản ứng với tôi ngay: Sáu Dân lấy tư cách gì để giới thiệu tôi”.
Ông Linh về Thành phố làm bí thư, ông Kiệt ra Trung ương làm phó chủ
tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách kế hoạch, Thành phố cũng có nhiều việc
phải trao đổi và gặp gỡ. Ông Tô Hoà nói: “Trong quan hệ, ông Kiệt cũng
rất dở. Có lần ông Kiệt về nhà ở An Phú, Sài Gòn. Sáng ra khi ông đang
chơi tennis với ông Ngô Công Đức thì ông Linh lên gặp. Lẽ ra nên ra tiếp
ngay thì ông Kiệt lại ham bóng, cố theo cho xong trái bóng. Ông Linh
rất bực”.
Cũng theo ông Phan Minh Tánh: “Trước Đại
hội VI, ông Linh cũng nghi ông Kiệt vận động Trường Chinh ở lại và không
bỏ phiếu ủng hộ ông Linh làm Tổng bí thư”. Tại Hội nghị Trung ương 12,
khoá V, khi thảo luận nhân sự cho khoá VI, theo ông Lê Văn Triết(157):
“Tôi nói: ‘Anh Trường Chinh nên tiếp tục làm Tổng bí thư thêm một thời
gian nữa rồi bàn giao cho anh Nguyễn Văn Linh. Thủ tướng thì nên để anh
Võ Văn Kiệt. Chủ tịch nước, theo tôi bây giờ không ai có uy tín qua anh
Giáp’. Nghe tới đó, ông Linh - đang thảo luận cùng tổ - đập bàn cái rầm,
quát: ‘Thôi! Bộ Chính trị yêu cầu các đồng chí tập trung thảo luận hai
vấn đề mà Bộ Chính trị hướng dẫn: cơ cấu và tiêu chuẩn. Tôi đề nghị đồng
chí tổ trưởng điều hành đúng’. Uỷ viên Trung ương Lê Phước Thọ thấy
căng, đề nghị giải lao. Ra hành lang, Nguyễn Văn Linh nói: ‘Cậu biết gì
về Sáu Dân? Tôi đề nghị cậu không được nói tới vấn đề Sáu Dân nữa. Dốt
mà không chịu học. Làm Uỷ ban Kế hoạch còn không xong lấy đâu ra thủ
tướng’”. Không chỉ ông Triết, nhiều người bất ngờ với thái độ này của
ông Nguyễn Văn Linh nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đó.
Cimexcol hay “Vụ án Dương Văn Ba”
Tháng 12-1987, Bộ Nội vụ khởi tố vụ án Cimexcol, Phó Giám đốc Dương Văn Ba bị bắt. Dương Văn Ba, cựu thành viên báo Tin Sáng,
là người mà năm 1971 khi tái tranh cử dân biểu tại Sóc Trăng đã được
ông Võ Văn Kiệt, khi ấy là bí thư Khu uỷ, cử người liên lạc và ngầm ủng
hộ.
Tiền thân của Cimexcol là một liên doanh
giữa Minh Hải và Thành phố Hồ Chí Minh, được lập ra để hợp tác khai thác
gỗ với Công ty Phát triển miền rừng núi Lào(158). Trước khi Cimexcol ra
đời, với sự thu xếp của ông Trần Bạch Đằng, ông Lê Văn Bình khi ấy là
uỷ viên thường vụ Tỉnh uỷ Minh Hải đã gặp báo cáo với Bí thư Thành uỷ
Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Linh. Năm 1985, Cimexcol ra đời, Minh
Hải cử ông Nguyễn Quang Sang, uỷ viên thường vụ Tỉnh uỷ, giám đốc Sở Tài
chánh, giữ chức giám đốc, nhưng người điều hành công ty trên thực tế là
Dương Văn Ba.
Việc sử dụng ông Dương Văn Ba, theo ông
Đoàn Thành Vị, lúc đó là bí thư Minh Hải: “Anh Lê Quân, nguyên phó bí
thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng, nói, lúc kháng chiến chống Mỹ, anh Kiệt có phân
công anh liên hệ với Dương Văn Ba. Anh Võ Văn Kiệt nói với chúng tôi,
Dương Văn Ba thuộc thành phần thứ ba, việc làm ăn bây giờ thì tôi không
rành nhưng các anh sử dụng được. Bất cứ ai mà làm ăn phi pháp thì phải ở
tù. Anh Kiệt dặn làm ăn với Lào thì phải lợi ích sòng phẳng, đừng đem
kinh nghiệm phá rừng ở Việt Nam sang Lào phá tiếp”.
Bằng cách khai thông những con đường hiểm
trở nhất, đưa gỗ từ Lào qua Vinh xuất khẩu, cả Cimexcol và phía đối tác
Lào cùng kiếm được hàng chục triệu đôla và biến một vùng hẻo lánh cách
biên giới Việt Nam 20km thành một thị trấn nhộn nhịp về sau gọi là thị
trấn Lạc Sao.
Vào lúc công việc kinh doanh đang làm hài
lòng cả Chính phủ Lào và chính quyền Minh Hải thì ngày 4-12-1987, Ngô
Vĩnh Hải, tổ trưởng tổ kiều hối của Cimexcol bị bắt. Ngô Vĩnh Hải từng
là một phóng viên của báo Tin Sáng, anh trai của ông là Giáo sư
Ngô Vĩnh Long khi ấy đang là Việt kiều ở Mỹ. Ngày 25-12-1987, Dương Văn
Ba bị bắt và sau đó, công an bắt tiếp các thành viên khác trong ban giám
đốc và các trưởng phòng ban của Công ty Cimexcol.
Cũng trong tháng 12-1987, tại Thành phố Hồ
Chí Minh, chính quyền đưa vụ án “Hoàng Cơ Minh và đồng bọn” ra xét xử.
Hoàng Cơ Minh là phó đề đốc, tư lệnh Vùng II Duyên hải, Hải quân Việt
Nam Cộng hoà, di tản sang Mỹ từ tháng 4-1975. Năm 1981, ông về Thái Lan,
lập căn cứ tại Udon một tỉnh gần biên giới Lào. Năm 1982, ông tổ chức
đại hội thành lập Đảng Việt Tân và Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải
phóng Việt Nam. Trong khoảng thời gian Cimexcol đưa người sang Lào khai
thác gỗ, lực lượng Hoàng Cơ Minh tổ chức nhiều cuộc thâm nhập vào biên
giới Việt Nam mang tên “Đông Tiến I”, “Đông Tiến II”… nhưng tất cả đều
thất bại. Hoàng Cơ Minh bị thương và tự sát vào đêm 27-8-1987.
Có thể đã không có vụ án Cimexcol nếu như
tư lệnh cuộc hành quân “Đông Tiến I” không có tên là Dương Văn Tư. Một
số bị can trong vụ Cimexcol đã bị thẩm vấn: “Dương Văn Tư có phải là em
ruột của Dương Văn Ba không?”. Một thành viên của “Ban chuyên án
Cimexcol”, ông Tống Kỳ Hiệp, phó bí thư thường trực tỉnh Minh Hải, thừa
nhận: “Vụ án Cimexcol lúc đầu là vụ án chính trị, khởi tố theo thư từ tố
cáo của cán bộ về hưu cũng như đương chức tỉnh Minh Hải: Dương Văn Ba
đưa vào Công ty hơn bốn mươi người của chế độ cũ, thao túng và vô hiệu
hoá ban giám đốc Cimexcol để hoạt động chống cách mạng”(159).
Trung tướng Võ Viết Thanh, khi ấy là thứ
trưởng Bộ Nội vụ, nói: “Phụ trách an ninh, tôi thấy không có cơ sở nào
để tin Cimexcol sang Lào chuẩn bị chiến khu, làm cơ sở thâm nhập vào
Việt Nam. Khi ấy ai cũng biết ông Võ Văn Kiệt rất ủng hộ nhóm anh em ở
Cimexcol hợp tác với Lào. Trong khi giữa ông Nguyễn Văn Linh và ông Võ
Văn Kiệt lại đang có vấn đề. Ông Linh chỉ đạo ông Lâm Văn Thê trực tiếp
làm án. Ông Thê lúc ấy là thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm giám đốc Công an
Thành phố Hồ Chí Minh”.
Khi không tìm thấy bằng chứng của một vụ
hoạt động chính trị, lẽ ra phải đình chỉ điều tra, vụ Cimexcol lại được
chuyển qua thành vụ án kinh tế. Để có thể xét xử Cimexcol như một vụ án
kinh tế, chuyện Dương Văn Ba “móc nối với một số tư nhân có xe ô tô trốn
cải tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai về Minh Hải hợp đồng kéo gỗ
do Ba làm đại diện từ năm 1979” đã được lật lại. Cho dù Cimexcol “lãi
2,235 triệu đôla và đang có tổng tài sản trị giá mười ba triệu đôla”,
nhưng các cơ quan tố tụng chỉ ghi nhận con số mà Cimexcol đang nợ ngân
hàng - 5,3 triệu đô la - để đánh giá công ty làm ăn thua lỗ. Việc nhập
xe gắn máy “Honda nghĩa địa” với giá từ 180-200 đôla/chiếc về bán “theo
chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh uỷ cho cán bộ” với giá từ 400-600 đôla cũng
bị coi là “tội” vì tuy công ty vẫn lãi gấp đôi, gấp ba nhưng so với “giá
thị trường” thì giá bán này của Cimexcol đã gây “thiệt hại 1063 lượng
vàng” cho Nhà nước.
Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Minh Hải Lê
Văn Bình, tên thường gọi là Năm Hạnh, đã bị đưa ra trước vành móng ngựa.
Báo cáo trước cuộc họp ngày 9-3-1994 của Ban Bí thư tại Thành phố Hồ
Chí Minh, ông Tống Kỳ Hiệp nói: “Lúc đầu chọn đưa anh Ba Hùng ra, vì anh
Ba Hùng lúc Cimexcol hoạt động là chủ tịch, nhưng anh Nguyễn Đức Tâm
nói: Ba Hùng đã về hưu đưa ra xử lý không có ý nghĩa, phải chọn người
đương chức, nên chọn anh Năm Hạnh. Lúc đó anh Ba Hương (Lâm Văn Thê),
thứ trưởng Bộ Nội vụ, kêu chúng tôi nói với Năm Hạnh ra toà đừng nói gì
cả, chỉ nhận là thiếu trách nhiệm được rồi, để xử lý bọn kia thôi. Nhưng
anh Năm Hạnh không làm vậy, ra toà anh còn phát biểu bào chữa cho
Cimexcol”.
Ở thời điểm ấy, ông Năm Hạnh đang là chủ
tịch kiêm trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Minh Hải. Ông vừa tu nghiệp
ở Liên Xô về và khi ấy đang là một cán bộ có nhiều triển vọng. Việc
truy tố ông Năm Hạnh Lê Văn Bình gây ngạc nhiên cho toàn miền Tây.
Đầu thập niên 1970, Năm Hạnh từng là cánh
tay mặt của ông Võ Văn Kiệt. Khi ông Kiệt là bí thư Khu uỷ Tây Nam Bộ,
Năm Hạnh là bí thư Khu Đoàn được những cán bộ trẻ của Khu Tây Nam Bộ coi
như thần tượng.
Phiên toà xử vụ án Cimexcol diễn ra từ
ngày 14 đến 22-4-1989 theo thủ tục kết hợp “sơ chung thẩm”, nghĩa là các
bị án không có quyền kháng cáo. Theo ông Phạm Văn Hoài (Ba Hùng), người
tiền nhiệm của ông Năm Hạnh: “Vì tính chất điển hình, Toà mời đại diện
các tỉnh thành thuộc B2 cũ tham dự rút kinh nghiệm, bố trí lực lượng
cảnh sát dày đặc, cả công an chìm vừa để ngăn chặn biểu tình, vừa để
trấn áp. Lãnh đạo cơ quan thông tin đại chúng đưa tin trước, trong và
sau phiên toà để hướng dẫn dư luận. Hơn sáu mươi phóng viên báo đài từ
trung ương đến địa phương đã có mặt. Riêng tại Minh Hải thì truyền thanh
trực tiếp phiên toà và truyền hình mỗi đêm. Phải nói tổ chức một phiên
toà quá đặc biệt”. Tuy nhiên, dư luận thay vì được “hướng dẫn” bởi phiên
toà đã quay sang chia sẻ rất nhiều với các bị cáo.
Trước phiên toà, Bộ Thông tin và Toà án đã
tổ chức họp báo tại Bạc Liêu. Báo chí và dư luận hết sức xôn xao. Toà
chưa khai mạc, báo Công An Nhân Dân đã cho xuất bản phụ san “Cimexcol
trả giá đắt” đưa xuống bán 5.000 đồng một tờ ở Minh Hải. “Phụ bản đã có
nhiều nội dung xuyên tạc, vu cáo, không những đả kích cá nhân mà còn xâm
phạm đến uy tín danh dự của Đảng bộ và nhân dân Minh Hải. Đặc biệt, do
đăng mức án theo dự kiến cho từng bị cáo trước khi phiên toà diễn ra nên
có những bị cáo như Ngô Vĩnh Hải, án theo phụ san là ba năm tù, phiên
toà đã tuyên vô tội”(160).
E-kip truyền hình của Đài Cần Thơ theo dõi
phiên toà suốt bảy ngày sau đó về biên tập lại thành bảy chương trình
có thời lượng tương đương với 4 giờ 30 phút. Thay vì nói đủ về hai mươi
mốt bị cáo, nhà báo Ngô Hoàng Giang đã xoay quanh ba bị cáo gây tranh
cãi nhất tại phiên toà. Như tên được đặt cho chương trình, “Buộc tội và
Gỡ tội”, trong từng phần, ý kiến của công tố viên và luật sư được tường
thuật đối nhau. Theo bà Ngô Hoàng Giang(161): “Đồng bằng sông Cửu Long
xem xong phản ứng dậy sóng luôn, Mười Mẫn, chủ tịch tỉnh Cửu Long, khen
hết lời còn cấp uỷ các địa phương trong vùng thì rất ủng hộ”. Sau khi
theo dõi phiên toà qua đài truyền hình, Ban Liên lạc đồng hương Minh Hải
ở Hậu Giang, gồm hai mươi cụ đang nghỉ hưu ở Cần Thơ, gửi thư phản đối
phiên toà. Một số nhà báo ở miền Tây cũng soạn thảo một lá đơn kiến
nghị.
Ngày 20-5-1989, Ban Thường trực Mặt trận
Tổ quốc tỉnh Minh Hải sau khi “tham khảo dư luận xã hội đối với phiên
toà” đã có một bản báo cáo nói rằng: “Phiên toà thể hiện thiếu dân chủ
ngay từ đầu: Cáo trạng và luận tội giống nhau, bất chấp diễn tiến công
khai xét hỏi và tranh luận; Cấm không cho báo chí bình luận, cấm không
được hoan nghinh khi bị cáo nói đúng; Báo Công An Nhân Dân đã sử dụng
tài liệu của Cục An ninh điều tra bôi nhọ các bị cáo… đầu độc tâm lý
quần chúng, hướng dư luận hiểu sai sự thật. Buộc tội Lê Văn Bình thiếu
trách nhiệm là không đúng, suốt thời gian Cimexcol hoạt động, Lê Văn
Bình chỉ là phó chủ tịch, khi lên chủ tịch thì được đưa đi học ở Liên
Xô, Lê Văn Bình trở về chỉ được bốn tháng thì Cimexcol bị thanh tra;
Phiên toà đã sử dụng Nguyễn Quang Sang, Thạch Phen để buộc tội Dương Văn
Ba nên tạo thời gian cho họ mặc sức tố Dương Văn Ba trong khi khống chế
thời gian bào chữa của các luật sư và bị cáo”. Báo cáo của Mặt trận Tổ
quốc kết luận: “Ở những phiên toà khác thì các bị cáo thường bị quần
chúng căm ghét, nhưng ở phiên toà này quần chúng lại xót thương và phải
rơi lệ đối với tội phạm. Quần chúng vỗ tay hoan nghinh bị cáo, nhứt là
với bị cáo Lê Văn Bình”.
Ngày 4-5-1989, ông Võ Văn Kiệt viết thư
gửi Đài Cần Thơ: “Đề nghị các đồng chí gửi cho tôi số băng ghi chương
trình đã phát. Đồng thời các đồng chí sang băng toàn bộ số băng ghi hình
để làm tư liệu của Đài cho tôi mượn”. Khi mang số băng ghi hình này lên
cho ông Võ Văn Kiệt, nhà báo Ngô Hoàng Giang nhớ lại: Có lẽ tình hình
rất căng nên khi tôi xin ông cái biên nhận thì vợ ông, bà Cầm ngăn lại,
nhưng ông la bà rồi lấy giấy ra viết biên nhận cho tôi. Xong, ông dặn:
“Tiếp tục dũng cảm đồng chí con nhé!”. Tôi nói: “Chuyện người lớn con
không biết, cái gì thấy đúng thì con sẽ làm”. Ngày 15-5-1989, Văn phòng
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cũng cử Trợ lý Trương Anh Dũng vào xin các
cuộn băng về “vụ án Dương Văn Ba”.
Ngày 19-5-1989, Ban Bí thư điện cho Bộ
trưởng Bộ Văn hoá-Thông tin Trần Hoàn về “dư luận sau khi toà án xử vụ
Cimexcol” và yêu cầu kiểm tra việc đưa tin của Đài Truyền hình Cần Thơ.
Bộ trưởng Trần Hoàn đã cử ông Lê Quý, giám đốc cơ quan thường trú phía
Nam, ngay trong ngày 20-5-1989, xuống Đài Cần Thơ làm việc. Ông Lê Quý
đã yêu cầu Truyền hình Cần Thơ “tạm ngưng tuyên truyền”, cho dù theo Ban
Giám đốc Đài thì họ nhận được rất nhiều thư yêu cầu phát lại và đưa
thêm ý kiến.
Ông Lê Quý lưu ý: “Nhiều đồng chí nói, các
buổi tường thuật của Đài cho thấy toà án của ta yếu quá, kém quá, hỏi
các bị cáo nhiều câu ngớ ngẩn quá. Trong khi đó lời bào chữa của bị cáo
chính và của luật sư thì vững vàng, có lý có lẽ và có tính thuyết phục”.
Báo cáo nhanh ngày 22-5-1989 của ông Lê Quý viết tiếp: “Có thể đó là sự
thật, nhưng nếu kết quả đối với người xem tường thuật vụ án chỉ có vậy
thì đúng là cần phải rút kinh nghiệm”.
Trong hai ngày 29 và 30-5-1989, Ban Bí thư
Trung ương Đảng họp nghe báo cáo “diễn biến trước, trong và sau phiên
toà Cimexcol”. Trong ngày 30-5, Ban Bí thư ra Thông báo 142 do chính
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ký, khẳng định: “Kết quả phiên toà xét xử cơ
bản là tốt vì đã xử đúng người đúng pháp luật. Nhưng trước phiên toà,
chung quanh phiên toà và sau phiên toà có những luồng dư luận phủ nhận
kết luận của phiên toà và có những hoạt động không lành mạnh gây hoang
mang trong dư luận”. Ông Nguyễn Văn Linh cho rằng: “Sở dĩ có tình hình
đó là do có những người liên quan đến can phạm và vụ án đã hoạt động
chống lại việc xét xử”.
Ông Linh thừa nhận một số thiếu sót của
các cơ quan tố tụng và: “Yêu cầu làm ngay các việc sau đây: a) Tỉnh uỷ
Minh Hải phải có thông báo đánh giá tính chất, hậu quả của vụ án, rồi
đăng lên các báo khẳng định: toà xử là đúng không phải Trung ương trù
dập Minh Hải như một số dư luận loan truyền; b) Ban Tư tưởng-Văn hoá làm
việc với một số trưởng ban tuyên huấn của một số tỉnh thành phía Nam và
một số báo, đài để thông tin rõ cho chị em hiểu, không phải như những
dư luận không đúng đã và đang loan truyền; kiểm điểm và xử lý nghiêm
khắc một số cá nhân cố ý đưa tin, viết bài, quay phim một cách lệch lạc
(chú ý kiểm điểm Đài Cần Thơ, Đài Truyền thanh và báo Minh Hải, báo Công
An Nhân Dân). Hướng ngay báo đài viết một số bài về vụ án”.
Ngay sau đó, đích thân Thứ trưởng Bộ Văn
hoá-Thông tin Lê Thành Tâm dẫn đầu các đoàn làm việc xuống kiểm điểm Đài
Cần Thơ và nhà báo Ngô Hoàng Giang. Bà Giang nhớ lại: “Họ đặt ra cho
tôi một loạt câu hỏi: tại sao đặt tên chương trình là “buộc tội và gỡ
tội”, tại sao tường thuật phiên toà lại quay cảnh nhân dân ngồi dưới loa
nghe các bị cáo nói rồi khóc, tại sao quay hình ảnh bị cáo, luật sư thì
đẹp còn toà viện thì tối um…”. Cho dù bà Ngô Hoàng Giang giải trình ra
sao thì trước chỉ thị của Tổng bí thư, Đài Truyền hình Cần Thơ cũng phải
nhìn nhận là đã “đưa tin phiến diện, một số câu hỏi sắc sảo của Viện
Kiểm sát, của Toà đã không được tường thuật”.
Phó Giám đốc Đài Cần Thơ Trần Quang Mẫn bị
khiển trách vì “chủ quan, tin ở cán bộ biên tập”. Phó Giám đốc Châu
Ngọc Tiếp bị cảnh cáo vì “đã theo dõi phiên toà, hiểu vấn đề phức tạp
nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm”. Phó Phòng Thời sự Ngô Hoàng Giang bị
cách chức vì “vi phạm tính chân thật của báo chí cách mạng”. Ngày
10-6-1989, Tỉnh uỷ Minh Hải cũng phải cho ra Thông báo số 19, yêu cầu:
“Cán bộ, nhân dân Minh Hải cần tỉnh táo, nhận thức đúng đắn kết quả
phiên toà, cảnh giác các luận điệu của bọn xấu khai thác sơ hở thiếu sót
của phiên toà để phủ nhận kết quả phiên toà hoặc gây chia rẽ, phá hoại
sự đoàn kết thống nhất trong Đảng”.
Việc Tổng bí thư phải chủ trì hai ngày họp
Ban Bí thư và đích thân ký vào Thông báo 19 cho thấy ông Linh hiểu tính
nghiêm trọng của dư luận xã hội. “Phủ nhận kết quả phiên toà Cimexcol”
là thách thức trực tiếp tới uy tín của ông ở vùng đất mà ông đã từng là
bí thư Trung ương Cục. Lúc ấy, ông Linh có đủ quyền bính để kỷ luật các
nhà báo không đưa tin về phiên toà theo định hướng của ông.
Tuy nhiên, càng có nhiều nạn nhân ở miền
Tây thì lòng trắc ẩn đối với những người như ông Năm Hạnh, Dương Văn Ba
càng dâng lên; đội ngũ cán bộ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trước đó
kỳ vọng vào cả ông Linh giờ đây nghiêng sang gửi gắm niềm tin của họ vào
vai trò của ông Kiệt. Ông Dương Đình Thảo kể: “Khi ông Linh điều tôi từ
Thành phố ra trung ương giúp việc cho ông, tôi nói: tôi ra phục vụ anh
nhưng tôi đề nghị, nếu anh thương Nam Bộ thì phải thương Sáu Dân. Ông
Linh trả lời: thương thế nào được, tôi cứu nó bao lần rồi. Tôi bảo: anh
nhớ là anh em người ta thương anh nhưng người ta cũng rất thương anh
Kiệt”.
Hai tính cách
Vụ Cimexcol gây sứt mẻ không ít tình cảm
giữa ông Kiệt, các đồng đội cũ ở miền Tây với ông Linh, đặc biệt là
những người đã từng gắn bó với ông Kiệt, ông Linh và vợ ông, bà Bảy Ngô
Thị Huệ. Một bên là chồng một bên là bạn bè, đồng đội, bà Bảy Huệ là
người day dứt nhất. Ông Kiệt là người đồng hương Vĩnh Long và vẫn được
bà Bảy Huệ coi như một người em trai. Ông Kiệt cũng đã từng là người kế
nhiệm ông Linh cả trước và sau chiến tranh.
Năm 1960, sau ba năm thay thế ông Linh làm
bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Gia Định, tại Đại hội lần thứ III của Đảng Lao
động Việt Nam, ông Kiệt được chính ông Linh giới thiệu và được bầu làm
uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trong thời gian hai ông
chiến đấu ở miền Nam, bà Bảy Huệ đã chăm sóc Võ Dũng, rồi Võ Hiếu Dân,
hai người con của ông Kiệt với người vợ đầu, bà Trần Kim Anh. Cũng chính
bà Bảy Huệ đã tìm gặp Phan Thanh Nam, đứa con lưu lạc của ông Kiệt với
bà Hồ Thị Minh. Sau vụ Cimexcol, Trần Bạch Đằng sang nhà gặp bà Bảy Huệ,
sau khi văng tục theo kiểu Nam Bộ, ông Đằng nói: “Đành rằng làm chính
trị là phải thủ đoạn. Nhưng làm chính trị thì cũng phải có tình nghĩa,
bạn bè chứ”.
Về sau, khi nhắc lại những xung đột giữa
hai người, bà Bảy Huệ nhận xét: “Mỗi người đều có cái ưu, ông Sáu là
người dám rẽ sóng ra khơi xa, dám chịu trách nhiệm. Nhưng mỗi ông cũng
có cái nhược. Ông Sáu thì Nam Bộ phóng khoáng. Ông Mười thì kỹ lưỡng Bắc
Kỳ, nội chuyện ông Sáu lấy vợ, ông Mười cũng không chịu”.
Bà Bảy Huệ đã chỉ ra điểm khác nhau tiêu
biểu nhất. Nhưng, không chỉ xuất thân từ hai vùng văn hoá, từ hoàn cảnh
vào đời, con đường đến với những người cộng sản, đến chuyện lấy vợ, đối
xử với anh em, đồng chí của ông Linh, ông Kiệt đều có nhiều điểm khác
nhau. Đặc biệt, càng về sau, cách đánh giá thời cuộc của hai ông càng có
nhiều khoảng cách, sự khác biệt này có khi thể hiện trong nhiều quyết
sách, có khi xảy ra một cách ngấm ngầm, chỉ những người ở rất gần mới
thấy. Lớn hơn ông Võ Văn Kiệt bảy tuổi, ông Nguyễn Văn Linh sinh ngày
1-7-1915 tại xã Giai Phạm, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên. Phu nhân Tổng bí
thư Nguyễn Văn Linh, bà Ngô Thị Huệ kể: “Cha anh là cụ Nguyễn Đức Lan
làm nghề dạy học, mẹ tảo tần buôn bán kiếm thêm chút đỉnh tiền phụ vào
đồng lương ít ỏi của chồng. Lên bốn tuổi anh đã mồ côi cha. Gánh nặng
nuôi nấng dạy dỗ ba chị em của anh đè trĩu lên đôi vai gầy của mẹ. Năm
mười một tuổi anh theo bà và chú Thụ về sống ở Hải Phòng và được chú gởi
vào học trường Bonnal, trường trung học đầu tiên ở Hải Phòng do người
Pháp mở”.
Ngay từ khi còn học lớp nhì, ông Nguyễn
Văn Linh đã được đọc những tác phẩm văn chương bằng tiếng Pháp như Những
Người Khốn Khổ, Không Gia Đình, được học tại nhà với thầy Thế Lữ. Từ
trong trường Tây, ông Nguyễn Văn Linh đã được nghe một ông thầy người
Việt, đóng cửa lớp, đọc cho học sinh nghe những bài báo viết từ Paris
của Nguyễn Ái Quốc. Mười bốn tuổi tham gia Học sinh Đoàn của Thanh niên
Cách mạng Đồng chí Hội. Mười lăm tuổi bị bắt khi đang đi rải truyền đơn,
bị kết án chung thân và đày đi Côn Đảo. Từ năm 1930 đến năm 1936, ông
Linh bị giam chung “Banh 1” và được giao phụ việc cho người tù lớn tuổi
Tôn Đức Thắng. Tại đây, ông học thêm tiếng Pháp từ các đồng chí của mình
và bắt đầu tiếp xúc với các tác phẩm của Marx-Lenin qua số sách báo mà
một “thuỷ thủ Pháp tiến bộ” cung cấp cho tù nhân Phạm Văn Đồng.
Cho tới lúc ấy, ông Kiệt vẫn chưa một ngày
rời khỏi đồng quê, chưa nghe tới hai từ “cộng sản”. Trước khi “làm cách
mạng”, ông Kiệt chỉ mong kiếm được nghề lơ xe hay cắt tóc để thoát khỏi
cảnh chân lấm tay bùn và làng quê tù túng. Thời ấy, những người dân quê
ông, thấy ai nói giọng Đàng Ngoài đều cho là “đám người Huế”.
Ông Võ Văn Kiệt sinh ngày 23-11-1922 tại
ấp Bình Phụng, xã Trung Lương, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long. Trong ấp lúc
ấy chỉ có vài hương chức có nhà ngói, dân làng phần lớn phải thuê đất,
thuê ruộng. Cha ông, ông Phan Văn Dựa, cũng nghèo như số đông trong
làng, từ đất ở, đất ruộng, đến trâu cày đều đi thuê hết.
Tên khai sinh của ông Võ Văn Kiệt là Phan
Văn Hoà, con út trong một gia đình có năm anh trai và hai chị gái. Gọi
theo thứ bậc trong các gia đình Nam Bộ là Chín Hoà. Thời gian ấy, mẹ
ông, bà Võ Thị Quế, phải nuôi thêm đứa trẻ cho một người bà con nên chấp
nhận để Chín Hoà làm con nuôi một ông chú họ tên là Phan Văn Chi, không
con, không vợ. Từ năm lên sáu, lên bảy tuổi, vào mùa gặt, Chín Hoà
thường theo cha nuôi lênh đênh đi gặt mướn cho các điền chủ dọc sông
Tiền, sông Hậu. Công việc của cậu là giữ ghe hoặc mót lúa. Mỗi mùa như
thế, Chín Hoà cũng kiếm thêm cho cha nuôi được vài giạ. Sông nước miền
Tây, khắp Cà Mau, Bạc Liêu cậu rành từ hồi đó.
Năm tám tuổi, Chín Hoà bắt đầu được đi
học. Lớp học do những gia đình trung nông, địa chủ, sau ngày mùa, cất
trại, rước thầy về “dạy mùa” và gần như không lấy tiền của con trẻ. Ông
Hai Mẹo, một trong hai người thầy “dạy mùa” của ông, kể: “Năm 1932, lấy
được mảnh bằng, tôi về làng, ông chú thấy tôi có chữ, kêu tôi dạy cho
trẻ con lối xóm. Chín Hoà thông minh và ăn nói lễ độ lắm. Nhưng dạy được
hai năm thì tôi cũng hết chữ, rồi thôi”. Mấy năm sau, những người
truyền giáo cho cất một trường học nhỏ dọc theo con đường đi qua ấp Bình
Phụng. Ông Hai Chi thấy Chín Hoà khát chữ lại nhân có trường, ông nói:
“Cho mày đi học tiếp”. Những lớp học ở làng không đưa lại cho Chín Hoà
bằng cấp nhưng đã giúp cậu đọc thông viết thạo.
Khi tham gia hoạt động, Chín Hoà đã lấy họ
Võ của mẹ rồi tự chọn tên cho mình, cái tên mà về sau thành danh: Võ
Văn Kiệt. Con đường làm cách mạng của Chín Hoà cũng rất tình cờ. Trong
đám giỗ 100 ngày của mẹ, cậu gặp ông Hà Văn Út, nghe ông Út nói với mấy
anh lớn chuyện áp bức, chuyện bình đẳng. Chín Hoà nghe, cứ như nuốt từng
lời. Ông Út để ý, lần sau về tìm cậu. Sau vài lần gặp, Chín Hoà bắt đầu
được giao việc: vừa kết hợp gặp các anh chị, vừa đưa tài liệu.
Những ngày hoạt động ấy đã biến Chín Hoà
trở thành một con người khác. Ông Hai Mẹo nhớ lại: “Mới mười mấy tuổi,
chả họp dân, nói, ai cũng há hốc mồm nghe. Chả vận động đi cướp chính
quyền, người ta xách rựa đi hết”. Năm 1940, Quận uỷ Vũng Liêm chủ trương
làm một cuộc mít tinh thật vang dội để “bắt mạch phong trào” chuẩn bị
“khởi nghĩa”. Diễn giả chính trong cuộc mít tinh là chị Năm Hồng, 20
tuổi, bí thư Quận uỷ. Chị Năm Hồng nói về tương lai mỗi nông dân sẽ có
được một mảnh ruộng của mình, dân chúng nghe, ai nấy đều sung sướng.
Ông Kiệt lúc đó là bí thư xã được phân
công học thuộc một bài do trên gửi xuống về “thanh niên phản đế”. Khi
nói đến “đánh đuổi đế quốc thực dân, đánh đổ phong kiến địa chủ, giành
bình đẳng tự do”, thanh niên bật dậy, hô to khẩu hiệu. Quần chúng cảm
tình Đảng và những đảng viên trẻ hát vang “Bài ca Xích vệ”. Sau cuộc mít
tinh đó, tề xã báo lên quận, quận xuống, lùng vô Đìa Chảo, thấy “mấy
mươi công đất cỏ lác bị giẫm nát”. Chính quyền sửng sốt trước cuộc mít
tinh. Dân chúng thì xôn xao về vụ “cộng sản diễn thuyết quốc sự”.
Ông Võ Văn Kiệt cũng chính là một trong
những người chỉ huy cuộc dấy binh đêm 23-11-1940 ở Vĩnh Long: Đêm “Cộng
sản dậy”, theo cách nói của dân chúng lúc đó, và “Nam Kỳ khởi nghĩa”
theo cách gọi của lịch sử Đảng Cộng sản sau này.
Đêm đó, ông Kiệt - mười tám tuổi - dẫn lực
lượng hai xã gần trăm người đi “lấy” đồn bắc Nước Xoáy. Anh em, toàn
thanh niên, trong tay chỉ có giáo mác, gậy gộc và một ống loa làm bằng
thùng sắt. Khi những người “khởi nghĩa” xáp vô, lính canh đồn đang ngủ
trở tay không kịp. Đoàn quân vây bắt lại, tước súng, phân công người
xuống đục chìm phà. Một số anh em lấy giáo mác chặt đứt hết dây thép,
cắt đường thông tin, ông Kiệt trèo lên cổng đồn, bắc loa kêu gọi đồng
bào “nổi dậy đánh đổ ách thống trị của thực dân đế quốc, phong kiến địa
chủ”.
Lấy xong đồn Bắc Nước Xoáy đội quân của
ông Kiệt ung dung lắm, đinh ninh giờ đó, Sài Gòn, thị xã Vĩnh Long cũng
đều đã “cướp chính quyền”. Nhưng đêm ấy Sài Gòn không “khởi nghĩa”, Vĩnh
Long cũng không. Sau này, những người còn sống nghe nói: “Trung ương
phân tích tình hình, ra lệnh ngừng cuộc khởi nghĩa”. Nhưng chính ông
Quảng Trọng Hoàng, bí thư Liên Tỉnh uỷ, cũng không biết.
Ông Kiệt nhớ lại: Khi trời vừa hửng sáng,
thấy xe từ Vĩnh Long chạy xuống, chở toàn lính! Hết xe này đến xe khác.
Biết Vĩnh Long hỏng. Anh Hoàng nói: “Ta không đối phó nổi rồi”. Các
nghĩa binh bảo nhau chôn mấy khẩu súng vừa lấy được, hoá trang, trở ra.
Lúc đó, khắp xóm làng dậy lên tiếng trống, tiếng mõ kêu “bắt cộng sản”.
Anh Hoàng bảo: “Tụi bây về nhà rồi tìm cách bắt liên lạc sau”.
Ông Kiệt về làng mới biết đồng đội theo
ông đi đánh đồn chỉ lẻ tẻ còn đôi ba người về tới nơi. Số đông bị bắt,
bị giết, trong đó có người anh thứ ba của ông. Người dân hết sức hoang
mang, nhiều người oán trách nghĩa binh, nhất là sau khi Quận ra lệnh đốt
hết ấp Bình Phụng vì những người bị bắt khai ra “ổ cộng sản” bắt đầu từ
đây. Các ấp mà Quận cho là “làm loạn” khác đều lần lượt bị đốt.
Hai cuộc hôn nhân
Sự khác nhau giữa ông Võ Văn Kiệt và ông
Nguyễn Văn Linh còn thể hiện rất rõ trong tình cảm riêng tư. Trong
chuyện lập gia đình, ông Võ Văn Kiệt cũng là người “xé rào”.
Ông Võ Văn Kiệt gặp người vợ đầu tiên của
mình ở rừng U Minh. Năm ấy, ông hai mươi bảy tuổi, đang là uỷ viên
thường vụ Tỉnh uỷ Rạch Giá. Ông Kiệt nhớ lại: “Chị em cán bộ, đảng viên
cùng chiến đấu cũng có quan tâm chạy lo giới thiệu. Mấy chị bảo, cán bộ
lãnh đạo của Đảng, vợ con cũng phải cán bộ, đảng viên. Cho dù ở trong
Nam không nặng lắm về thành phần nhưng các chị cũng muốn vợ con phải là
‘người đồng hành cùng lý tưởng’. Tôi bảo: lấy vợ chứ có phải lập chi bộ
đâu. Khi đó, tôi đã bắt đầu để ý một cô gái không những không phải đảng
viên mà còn là con của một người có gốc là địa chủ”. Cô gái đó là Trần
Kim Anh, con thứ sáu của ông bà Trần Quang Quy và Nguyễn Thị Tạo.
Cuộc hôn nhân cũng có nhiều sức cản, kể cả
phía tổ chức. Nhiều người không đồng ý cho ông Kiệt cưới con địa chủ,
dù là địa chủ đã hiến gần hết đất cho cách mạng. Ông Trần Quang Hiến,
anh trai kế của bà Trần Kim Anh, kể: “Trước năm 1945, cha tôi có 300 mẫu
ruộng và một nhà máy xay lúa ở Ngã 5, thuộc làng Tân Long, quận Long
Mỹ, tỉnh Rạch Giá, cũng thuê mướn nhân công nhưng chủ yếu là tự làm. Ở
miền Tây có 300 mẫu ruộng vẫn được coi là địa chủ nhỏ. Năm 1945, anh Năm
tôi tham gia Thanh niên Tiền phong rồi sau vào Quốc gia Tự vệ cuộc. Khi
Tây tấn công Ngã Năm, anh tôi đem thiết bị máy móc về, đốt nhà máy xay,
đốt chợ Ngã Năm theo chủ trương ‘tiêu thổ kháng chiến’. Từ đó, cả nhà
theo kháng chiến luôn”.
Đầu năm 1946, Tây chiếm hết Rạch Giá. Giữa
năm đó, Việt Minh mới tổ chức lại, đánh rát. Tây bỏ Ngã Năm, U Minh
giải phóng. Theo ông Trần Quang Hiến: “Năm 1949, ông già ‘hiến điền’
hết, chỉ chừa lại phần đất thừa kế của ông nội, chừng ba mươi mẫu. Em
gái kế tôi, Trần Thị Kim Anh, sinh năm 1932, cũng bắt đầu tham gia các
lớp bình dân học vụ. Trước năm 1945, cô Bảy - ông Hiến gọi em gái theo
thứ bậc của người miền Nam - đã học hết lớp 3 (élémentaize); sau 1945,
ông già rước thầy về dạy thêm, cô cũng có tham gia một số hoạt động phụ
nữ. Cô Bảy gặp ông Kiệt trong một lần ông đi thăm mấy trường học. Khi
đó, cơ quan của ông Kiệt cũng đóng ở gần nhà”.
Ông Kiệt nhớ lại: “Nhà tôi khi ấy vừa bước
qua tuổi mười bảy, hiền lành, ít nói nhưng cũng rất chính kiến. Là con
gái áp út xinh đẹp, gia đình cũng muốn tìm nơi tương xứng để gả. Nhưng
bả cứ kiên quyết với mình. Sau gia đình cũng cưng con nên chiều theo ý”.
Ông Trần Quang Hiến kể tiếp: “Anh Tư tôi
không muốn em gái lấy ông Kiệt. Thuở ấy ông Kiệt mặc bộ đồ bà ba đen,
quấn khăn rằn, rất đẹp trai. Nhưng, ông ấy làm gì thì nhà cũng không rõ.
Bạn bè anh Tư tôi toàn người khá giả, ảnh cũng muốn em mình có nơi, có
chốn, đặng nương tựa được. Phó chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến quận Ngã Năm
lúc đó là ông Lưu Văn Lai, con rể chú ruột tôi. Ông Kiệt nhờ ông Lai đi
nói chuyện giùm. Gia đình cũng muốn xem mặt. Một hôm, trên đường lên
Quân khu IX, tôi và ba tôi ghé nhà ông Lai, gặp khi ông Kiệt đang ở đó.
Ông Kiệt ra chào hỏi, ông Lai nói, đây là người muốn hỏi chị Bảy. Xong
bữa đó, khi xuống ghe về, ông già tôi nói: ‘Tao thấy thằng đó được, nhân
trung sâu, nhân hậu. Người như vậy là trước sau như một. Nhưng, không
biết gia thế nó thế nào’. Tôi bảo: ‘Gia thế nghèo, dân kháng chiến thôi,
ba ơi’. Ba tôi nói: ‘Thôi, không kể giàu nghèo’”.
Đám cưới tổ chức đơn giản, do gia đình bên
vợ bỏ tiền ra lo hết. Theo ông Trần Quang Hiến: “Tôi lấy gạo nhuộm
xanh, nhuộm đỏ, rắc lên tấm kiếng thành chữ Tổ quốc rồi dựng bàn thờ Tổ
quốc trước nhà. Cô Bảy và dượng Bảy đứng một bên, ông già tuyên bố tác
hợp vợ chồng. Ông Tư Trí, hương chủ, làm chủ lễ bên trai, ông già tôi
làm chủ lễ bên gái. Cùng dự có ông Nguyễn Thành Nhơn, khi ấy là chủ tịch
Uỷ ban Cách mạng tỉnh Rạch Giá và một số cán bộ Việt Minh. Cô dâu mặc
áo bà ba, chú rể cũng mặc áo bà ba. Tôi nhớ khi đó trời khô ráo, khoảng
chừng trước tháng 11 Âm lịch năm 1949”. Mối tình của ông Nguyễn Văn Linh
và bà Ngô Thị Huệ lại diễn ra hoàn toàn khác. Thay cho những kỷ niệm
lãng mạn, họ đến với nhau như một ví dụ tiêu biểu cho sự “đồng hành cùng
lý tưởng” của những người cộng sản.
Bà Bảy Huệ kể: “Lần đầu gặp anh là lúc anh
từ Côn Đảo trở về. Lần thứ hai, anh ra đón tôi tại ga xe lửa Sài Gòn
sau khi tôi đi dự Kỳ họp Quốc hội khoá đầu tiên ở Hà Nội. Tránh sự dòm
ngó của bọn mật thám, tôi đi sau anh một khoảng cách khá xa. Tôi đã
thoáng nghĩ về anh: một người đồng chí chín chắn, trầm tĩnh, tự tin. Anh
mặc chiếc quần cụt màu đen, áo sơ mi trắng ngắn tay, hai vai đã sờn và
có lẽ chiếc áo sờn vai đó đã đi vào lòng tôi. Sau này mới biết anh đã để
ý tôi ngay từ buổi đầu gặp mặt và sau một thời gian anh viết thư ngỏ ý
thương tôi”. Tổ chức đã tham gia tác thành cuộc hôn nhân này bằng cách
điều bà Ngô Thị Huệ về Sài Gòn bổ sung vào Thành uỷ.
Không có những cuộc hò hẹn “công viên, ghế
đá”, họ chỉ gặp nhau qua những lần hội họp, học nghị quyết. Theo bà Bảy
Huệ, trong một cuộc họp như thế ông Linh ngỏ ý muốn gặp riêng bà. Ngay
cả trong giây phút riêng tư này, họ cũng hành động như những người đồng
chí.
Bà Bảy Huệ kể: “Chúng tôi đứng nói chuyện
với nhau trên gác thượng. Nhìn xuống đường thấy mấy người ăn xin lê lết,
tôi buột miệng nói với anh: ‘Còn có những người như thế này, mình mới
thoát ly gia đình đi làm cách mạng’. Biểu thị sự đồng tình, anh nói:
‘Đúng vậy. Lầm than, bất công phải được xoá bỏ. Chúng mình hi sinh, đấu
tranh là nhằm giải phóng đất nước, đem lại công bằng hạnh phúc cho dân’.
Anh thường tâm sự: ‘Hai chúng mình thuộc tầng lớp nghèo, đều có trải
qua tù tội, thấm thía nỗi đau của riêng mình nằm trong nỗi đau của dân
tộc, những điểm giống nhau đó sẽ giúp chúng mình dễ cảm thông nhau, sẽ
biết sống và biết hi sinh cho nhau”. Lễ thành hôn của họ cũng diễn ra
đơn giản vào 23-5-1948, nhân một hội nghị của Thành uỷ. Chủ hôn là ông
Lê Văn Sỹ, một người bạn tù thân thiết của ông Linh từ thời Côn Đảo.
Bà Bảy Huệ viết: “Sau lễ cưới, chúng tôi
đưa nhau về Rạch Chanh, ở đây có sẵn mấy căn nhà nhỏ vừa được dựng lên
làm chỗ nghỉ ngơi cho đại biểu về họp hội nghị. Tôi nhớ như in, đêm đó
mười bốn trăng tròn vạnh, ánh trăng tràn qua cửa sổ vẽ thành những vệt
sáng trải dài trên vách. Bên hè, theo từng cơn gió thoảng, những tàu lá
chuối đong đưa xào xạc như múa nhảy chan hoà niềm vui hạnh phúc của hai
chúng tôi”.
Trong khung cảnh lãng mạn ấy của đêm tân
hôn, bà Bảy Huệ viết: “Gà đã gáy sáng mà câu chuyện tâm tình như chưa
dứt được. Khi anh nhắc đến nỗi cơ cực của thời thơ ấu, chúng tôi đã
không cầm được nước mắt. Trả lời câu tôi hỏi: ‘Nghe nói người cộng sản
không biết khóc mà?’. Anh nói: Có chứ! Người cộng sản nếu khác người
thường là khác ở chỗ biết lúc nào phải lau nước mắt”.
Theo bà Bảy Huệ, từ khi lấy nhau cho tới
khi có ba mặt con, “chưa bao giờ vợ chồng được chung sống với nhau quá
nửa tháng”. Chia ly và chờ đợi không phải là câu chuyện của riêng vợ
chồng ông Nguyễn Văn Linh mà thực sự là một hy sinh lớn lao của những
người phụ nữ có chồng theo cộng sản.
Ở Việt Bắc
Cưới vợ chưa được bao lâu, ông Võ Văn Kiệt
được điều xuống Bạc Liêu làm phó Bí thư Tỉnh uỷ. Tháng 6-1950, ông được
cử ra Việt Bắc dự Đại hội Đảng lần thứ II. Theo ông Trần Quang Hiến:
“Dượng Bảy đi khi cô Bảy có bầu thằng Dũng chừng bốn, năm tháng. Dượng
Bảy về thì thằng Dũng đã biết đi. Lúc ấy tôi nhớ vào độ đầu năm 1953.
Hôm đó, cả nhà đang tụ họp làm bánh xèo, cô Bảy đang quét sân gạch phía
sau. Tôi nhìn ra rặng trâm bầu, thấy một người đi rất nhanh vô bàu sen.
Dượng Bảy. Dượng mặc bộ đồ vải ta, nhuộm lá ổi, lá trâm bầu, màu mốc. Cô
Bảy nhìn thấy, liệng cái chổi, chạy vô buồng ôm mặt khóc. Tôi bước ra
ôm lấy dượng. Còn chị tôi thì bảo: vô buồng hỏi thăm nó đi. Chiều đó, cả
gia đình ai cũng mừng rớt nước mắt. Mấy năm trời, dượng đi, không thư
từ, không ai biết ở đâu, làm gì, còn hay mất”.
Sau Đại hội II, ông Võ Văn Kiệt ở lại dự
lớp “Hoa Nam” do trường Nguyễn Ái Quốc III mở tại xã Kim Bình, huyện
Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Lớp do Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo,
Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh giảng dạy. Một số cán bộ
vừa tập huấn ở Hoa Nam, Trung Quốc về tham gia hướng dẫn thảo luận, thấy
lý lịch Võ Văn Kiệt là bần nông, có đi ở đợ, rất “cốt cán”, thích lắm.
Các thầy chọn ông tham gia một tiết mục
kịch, ông vào vai địa chủ. Đêm diễn vở kịch đó, có Tổng bí thư Trường
Chinh dự. Ông Kiệt nhớ lại: Mặc dù được liệt vào loại “gan to”, nhưng có
ông Trường Chinh, ông cũng thấy “ớn” lắm. Trước khi bắt đầu, ông Kiệt
phải xung phong làm một màn múa lân cho nóng người để lấy can đảm. Hết
vở kịch, các khách mời đều khen, động viên. Ông Trường Chinh bắt tay
ông: “Đồng chí diễn khá lắm, nhưng đấy là địa chủ Nam Bộ chứ không phải
địa chủ Bắc Bộ”.
Ông Kiệt lúc ấy không hiểu hết lời nhận
xét của ông Trường Chinh, quan điểm giai cấp của ông không hình thành từ
chủ nghĩa Marx-Lenin mà từ kinh nghiệm của những ngày đi ở đợ. Ở Nam Bộ
ông thấy: giàu hay nghèo thì cũng có người tốt, người xấu; người giàu
cũng có người rộng rãi, người keo kiệt; tá điền cũng có người ngay
thẳng, có người ton hót, hại nhau. Địa chủ sau cùng mà Chín Hoà làm thuê
là ông Mười Phái, người đứng đầu hội bóng đá trong xã, nơi Chín Hoà -
một thanh niên phải đi ở đợ - cũng được tham gia bó lá chuối làm banh.
Mỗi khi Chín Hoà xay lúa, giã gạo, “địa chủ Mười Phái” còn lên phụ.
Năm 1950, ông Lê Đức Thọ và ông Lê Toàn
Thư từ Xứ uỷ Nam Bộ xuống Tỉnh uỷ Rạch Giá trao quyết định giao ông Võ
Văn Kiệt làm bí thư tỉnh uỷ thay ông Nguyễn Thành Nhơn chỉ vì ông Nhơn
là địa chủ, ông Kiệt không chịu. Ông Lê Đức Thọ nói: “Hoặc là cậu làm bí
thư, hoặc là cậu chịu kỷ luật?”. Ông Kiệt đã nhận kỷ luật Đảng cảnh cáo
thay vì đồng ý với lý do kỷ luật ông Nhơn. Ông Kiệt nói với mấy thầy
trợ giảng ở lớp Hoa Nam: “Tôi biết địa chủ Nam Bộ, ở miền Nam không có
Bạch Mao Nữ(162)”.
Một trong những thầy trợ giảng của lớp
chỉnh huấn, ông Đào Nguyên Cát, nhớ lại: “Tôi được phân công giúp anh
Kiệt tìm ‘tư tưởng chủ đạo’. Theo những gì tôi được học ở lớp ‘chỉnh
phong’ bên Hoa Nam, Trung Quốc thì vào Đảng, phải giác ngộ lập trường
giai cấp công nhân. Do đó, mỗi người, phải tìm xem ‘lập trường cũ’ của
mình là gì để mà từ bỏ. Khẩu hiệu viết trên tấm băng đen của lớp chỉnh
huấn nhấn mạnh: thành khẩn bộc lộ khuyết điểm của mình là thước đo độ
trung thành với Đảng. Kết quả, anh Kiệt ‘thành khẩn’ nhận: Khi vào Đảng
anh mới chỉ vì để ‘giải phóng dân tộc’ chứ chưa phải vì ‘giai cấp’, cũng
có lúc anh ‘dao động’, ‘nhận thức không rõ ràng về tội ác của địa chủ’
là một ví dụ. Nên tôi kết luận: tư tưởng chủ đạo của anh Kiệt là ‘tiểu
tư sản’ dù anh là con của một người bần nông”.
Khi cùng Đại tá Trần Tấn Nghĩa, một người
bạn học ở các lớp Hoa Nam, về lại Việt Bắc(163), ông Võ Văn Kiệt đã nói
với ông Trần Tấn Nghĩa: “Mày nhớ những gì học hồi đó không? Lớp mà tao
và mày học là sai lầm, mày ạ”. Có lẽ sự nghiệp của ông Võ Văn Kiệt đã
khác nếu như trong thời gian ở Chiêm Hoá, ông không phạm khuyết điểm
quan hệ nam nữ, khiến ông không thể đến Hoa Nam đào tạo tiếp.
Ở Đại hội II, ông Trần Tấn Nghĩa là đại
biểu dự khuyết. Khi về trường, ông Nghĩa là trưởng Ban An ninh. Hơn một
năm ở Chiêm Hoá, hai người chơi rất thân với nhau. Công việc mà các học
viên thích hơn là đi qua thị trấn Chiêm Hoá ra bến đò vác gạo. Mặc dù
theo quy định của nhà trường, các học viên phải chấp hành “ba không:
không nghe, không biết, không thấy”. Nghĩa là, theo ông Nghĩa: “Đi qua
không được nhìn vào thị trấn. Nhưng, đi vác gạo cũng vui. Kiệt cũng rất
dí dỏm. Một lần, theo đoàn có cô Xuyến, tôi đùa: cậu vác gạo hộ Xuyến
đi. Kiệt cười: bỏ cả bà Xuyến và gạo lên thì tôi cõng”. Ông Nghĩa kể:
“Chúng tôi là cán bộ cao cấp đi học mà không có đồng cắc nào cả. Gần cây
đa nước chảy có một quán nước của một cô gái khá xinh tên là Hạ. Chúng
tôi gọi quán cô Hạ là ‘máy chém cây đa nước chảy’. Cạnh đấy có một con
suối, chảy từ sông Gâm vào, nam nữ đều ra suối tắm, trong số đó có cô Hồ
Thị Minh”.
Bà Hồ Thị Minh là chủ bút đầu tiên của tờ
Phụ Nữ Cứu Quốc Nam Bộ, bà đã từng được cử sang Pháp dự Hội nghị Femmes
Francaises. Bà Ngô Thị Huệ kể: “Minh biết mấy ngoại ngữ, trẻ trung xinh
đẹp. Xứ uỷ có ý định đưa Minh ra miền Bắc giúp việc bác Hồ. Thời gian ở
đại hội, Minh được bố trí nằm ở cuối lán nữ, cách một bức vách nứa đan
là lán nam nơi Bác ở. Qua cái vách đó hai người nói chuyện với nhau khá
nhiều”.
Năm ấy ông Hồ Chí Minh đã sáu mươi mốt
tuổi. Hồ Thị Minh mới ngoài hai mươi. Theo ông Trần Tấn Nghĩa: “Ở
trường, trong các sinh hoạt buổi tối, Vũ Quang hay dạy nhảy Valse. Tôi
để ý thấy Kiệt toàn nhảy với Minh. Thỉnh thoảng đi tuần đêm tôi cũng bắt
gặp hai người ngồi với nhau ngoài bờ suối”. Năm ấy, ông Võ Văn Kiệt
đang là một chàng trai hai Mười chín tuổi, ở nơi thâm sơn đó đã hơn một
năm. Bà Hồ Thị Minh dính thai. Ông Nghĩa kể: “Hai đứa không dám nói với
ai. Mỗi khi Minh thèm chua tôi lại đi tìm quả nhót cho cô ấy”.
Khi biết sự tình, Văn phòng Trung ương đã
kín đáo bố trí cho bà Hồ Thị Minh sinh con. Ông Kiệt kể: “Năm 1952,
trước khi về Nam tôi có đi thăm cháu. Hôm ấy mẹ cháu cũng tới gặp tôi.
Khi về Nam, tôi nói hết với nhà tôi. Cô ấy khóc và nhắc tôi phải tìm
cách đưa con về”.
Bà Trần Kim Anh
Trong thời gian ông Võ Văn Kiệt ra Bắc, bà
Trần Kim Anh vẫn sống với gia đình bên ngoại. Ông Trần Quang Quy sai
đứa cháu nội là Trần Quang Minh, năm ấy chín tuổi, đi theo phụ giúp cô
Bảy. Ba của mình là ông Trần Tấn Khả, từng tham gia Thanh niên Tiền
Phong”, năm 1946 bị Tây bắn chết.
Đó là một thời kỳ vất vả của cô cháu bà
Kim Anh. Ông Minh kể: “Ông nội tôi để lại cho cô Bảy năm công đất, cô
Bảy đang mang bầu vẫn bươn chải ngoài đồng. Có hôm đi chở mạ, chìm ghe,
tôi phải vớt cô lên”. Ông Kiệt từ Việt Bắc trở về, lại xuống Bạc Liêu
làm bí thư, một thời gian sau thì đón bà Trần Kim Anh xuống. Họ cất một
căn nhà nhỏ dưới một gốc cây ô môi cạnh bến sông. Năm 1955, bà Kim Anh
sinh người con thứ hai, con gái. Ông Kiệt đặt tên con là Võ Hiếu Dân.
Theo ông Trần Quang Hiến: “Cô Bảy về nhà ở chừng một năm rồi lại đi theo
dượng Bảy, lang thang lên Cần Thơ. Một thời gian sau khi Hiếu Dân lớn
hơn, cô Bảy về nhà đón Võ Dũng nói là sẽ đi xa một thời gian. Lần đó, cô
Bảy đi Campuchia”.
Năm 1957, sau khi ông Lê Duẩn thoát qua
Campuchia, Xứ uỷ tạm thời lánh sang Phnom Penh. Cuối năm 1958, ông Võ
Văn Kiệt cho người về đón vợ con. Võ Dũng cùng những đứa trẻ con em của
các cán bộ Xứ uỷ được gửi vào học trong một trường phổ thông dạy bằng
tiếng Pháp. Đây là khoảng thời gian duy nhất mà gia đình ông Kiệt đoàn
tụ và được sống trong cảnh tương đối thanh bình cho dù bà Trần Kim Anh
có một thời gian bị bệnh. Nhưng đó là sự thanh bình tĩnh lặng của mắt
bão.
Từ Phnom Penh, Võ Dũng được gửi ra Bắc,
Hiếu Dân và mẹ về lại nhà ông ngoại. Ông Kiệt trở lại Sài Gòn thay ông
Nguyễn Văn Linh làm bí thư Khu uỷ giữa khi Chính quyền Ngô Đình Diệm
đang truy lùng gắt gao những người cộng sản. Trước khi chia tay, cả gia
đình kéo nhau ra tiệm ảnh, nhưng trong tình thế tiếp tục hoạt động bí
mật ở miền Nam, ông Kiệt quyết định không chụp chung với vợ con, ông
không biết rằng, đó là cơ hội cuối cùng để ông có một tấm hình chung với
vợ.
Ở quê, gia đình bên vợ ông Kiệt cũng đang ở
trong một giai đoạn khánh kiệt. Ông Trần Quang Hiến kể: “Thời Tây vườn
ông già tôi ở Thạnh Trị, Sóc Trăng bị ném bom, gia đình phải dời lên
Rạch Giá. Ruộng đất bán lần lần”. Ở Rạch Giá, nhiều người biết bà Trần
Kim Anh là vợ Việt Cộng. Hiếu Dân lúc đó năm, sáu tuổi, đôi khi cũng hồn
nhiên kể ra chuyện ba má cô ở Campuchia. Bà Kim Anh sợ “tai vách mạch
rừng” nên quyết định chuyển lên Sài Gòn sống.
Một lý do khác để bà Kim Anh rời Rạch Giá,
theo ông Kiệt: “Nhà tôi biết hướng công tác mới của tôi. Hồi ở Phnom
Penh, bả đã quen biết vợ ông Trần Bửu Kiếm, Huỳnh Tấn Phát nên hy vọng
lên Sài Gòn sẽ có cơ may lần ra manh mối gặp chồng”. Theo ông Trần Quang
Hiến: “Gia cảnh lúc này nghèo lắm, anh em tôi mua một căn nhà nhỏ ở hẻm
Đội Có, đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận”. Anh Trần Quang Minh, một người
cháu ruột của bà Kim Anh, nhớ lại: “Đó là một căn nhà lá, sàn gỗ, dựng
trên ao rau muống, vợ chồng cậu Sáu Hiến, cô Bảy, tôi và Hiếu Dân ở”.
Theo anh Minh: “Cô Bảy học nghề làm bánh tai yến từ một người bà con.
Cậu Sáu còn ít tiền mua hai cái bếp dầu. Chiều tối, tôi xay bột đổ trong
cái bồng, dằn thớt lên cho ráo nước. Khuya cô Bảy và thím Sáu dậy thắng
nước đường, chiên bánh. Tôi và cậu Sáu mỗi người một xe đạp chở cô Bảy
ra chợ Tân Định, chở thím Sáu ra chợ Phú Nhuận. Tiền lãi của hai người
chỉ khoảng năm, mười ngàn một ngày, đủ sống”.
Khoảng tháng 9-1960, ông Võ Văn Kiệt cho
người về liên lạc với bà Trần Kim Anh. Bà cũng phải ăn nói đi lại như
một người hoạt động bí mật, cho dù chưa bao giờ đứng trong hàng ngũ của
chồng. Ông Trần Quang Hiến nhớ: “Mỗi khi có hẹn, tôi chở cô Bảy tới một
địa điểm định trước, có khi là một cây cột đèn nào đó, thả cô đấy, khi
tôi đi rồi người ta mới tới rước cô. Cô Bảy đi đâu, tôi cũng không biết
mà cô cũng không nói”. Lúc này, Khu uỷ Sài Gòn-Gia Định đã về lập căn cứ
ở Hố Bò, Củ Chi. Năm 1961, ông Kiệt đưa vợ con ra căn cứ ở một thời
gian.
Những khi chính quyền Sài Gòn không có
ruồng bố gì thì Khu uỷ cũng ở trong nhà những người dân địa phương.
Thường những người dân này hoặc là cơ sở hoặc là cán bộ công tác trong
cơ quan Khu uỷ. Theo anh Trần Quang Minh: “Cô Bảy lên Củ Chi thường ở
trong nhà ông Tư Mai hoặc bà Mười Cước”.
Khi có thai người con thứ ba, bà Kim Anh
lại rời Hố Bò, Củ Chi về Rạch Giá ở nhà ông bà ngoại. Anh Minh kể: “Đầu
năm 1962, tôi chèo ghe đưa cô Bảy đi sanh, qua nhà ông Mười Nhỏ thợ may
thì đau bụng phải tấp vô. Cô Bảy sanh luôn Ánh Hồng ở đó. Bà Mười nấu
nước, cắt rún giúp. Cô cháu tôi ở lại Rạch Giá cho tới khi Ánh Hồng chập
chững biết đi, lại bồng bế con lên Sài Gòn”. Lần này Khu uỷ bố trí một
uỷ viên thường vụ làm “chồng bình phong” để bà Kim Anh sống hợp pháp
trong thành phố.
Năm 1963, ông Kiệt lại đưa vợ ra Củ Chi,
lần này bà Kim Anh và các con ở nhà một cơ sở thường gọi là ông Mười
Cước. Khác với nhiều đồng chí khác, ông Kiệt vẫn không “kết nạp” vợ vào
tổ chức của mình. Tuy nhiên, khi cần, ông vẫn huy động cả gia đình vợ
làm việc cho Cách mạng.
Năm 1965, ông Kiệt quyết định gửi người
con thứ hai ra Bắc. Bà Kim Anh chuẩn bị đồ đạc cho con, buổi sáng tiễn
con gái đi, chiều bà ghé qua bệnh xá Khu uỷ khám mới biết mình đang có
thai đứa con thứ tư. Nghĩ khi sinh nở, chồng cũng chẳng giúp được gì nên
bà Kim Anh định giữ lại Hiếu Dân, năm ấy đã lên mười tuổi. Nhưng, khi
bà quay lại trạm giao liên thì Hiếu Dân đã lên đường ra Bắc cùng với vợ
chồng ông Trần Đức Thuận và con trai ông Phạm Văn Xô, một cán bộ cao cấp
của Trung ương Cục. Như những lần trước, mỗi khi có thai, bà Kim Anh
lại trở về Rạch Giá nương tựa nhà cha mẹ mình.
Cuối năm 1965, ông Võ Văn Kiệt viết thư về
nhắn vợ, sanh nở xong thì thu xếp lên chiến khu. Theo ông Trần Quang
Hiến: “Trong thơ, dượng Bảy cũng nói dượng sẽ gửi tiền về nhờ mua lương
thực. Cô Bảy đưa thơ cho tôi coi, băn khoăn không biết làm sao chuyển
hàng lên. Tôi nói để tôi lo. Nhà cũng muốn cô Bảy từ từ hẵng đi vì khi
đó cháu Chí Tâm mới hơn ba tháng tuổi. Nhưng cô Bảy cũng nóng lòng gặp
chồng”.
Bà Trần Kim Anh rời Rạch Giá đúng ngày rằm
tháng Chạp, tính theo lịch Tây là tháng 1-1966. Bà Ba Kiệm, một cán bộ
giao liên Khu uỷ đi từ Hố Bò về đón. Sau gần ba ngày di chuyển chủ yếu
là để “cắt đuôi” trước khi đi tiếp về chiến khu, sáng ngày 17 tháng
Chạp, bà Trần Kim Anh cùng hai con, Chí Tâm và Ánh Hồng, được giao liên
đưa xuống chuyến tàu khách có tên là Thuận Phong. Tàu Thuận Phong vẫn
thường chở khách đi từ Bến Cát, Bình Dương, ngược sông Sài Gòn về hướng
Củ Chi và ngược lại. Đi trên con tàu ấy lúc nào cũng có Quốc gia trà
trộn cùng Cộng sản. Tàu Thuận Phong xuất phát lúc 7 giờ 30, tới gần Bến
Dược, chỉ còn bốn, năm cây số là tới Chiến khu Hố Bò, thì trúng rocket
bắn xuống từ một máy bay trực thăng Mỹ.
Ông Trần Quang Minh, khi đó đã “ra bưng”
trở thành một cán bộ tuyên huấn T4, mật danh của Khu uỷ Sài Gòn, kể:
“Hôm đó là ngày đầu tiên B52 thả bom ở miền Nam, dọc sông Sài Gòn trực
thăng quần ầm ĩ. Tôi đi ra nhà Tư Mai, vừa thấy tôi, ông Tư nói: Minh
ơi, chị Bảy và mấy đứa nhỏ chết hết rồi”. Khi đó, ông Võ Văn Kiệt đang ở
Nhà Bè. Ông nghe tin tàu Thuận Phong bị bắn chìm qua Đài Phát thanh
Giải phóng, biết có nhiều người phía mình hy sinh nhưng ông không ngờ
trong số đó có cả ba người mà ông yêu thương nhất.
Ông Kiệt kể: “Tôi thấy ruột gan như lửa
đốt, Thuận Phong là con tàu mà chị em giao liên thường xuyên đưa cán bộ
theo con đường hợp pháp từ Bến Cát về Củ Chi. Chúng tôi biết trước tin
địch sắp càn nhưng thấy con tàu Thuận Phong vẫn chạy thì nghĩ là chưa có
vấn đề gì. Không ngờ, trận càn đó, nó bắn chìm cả con tàu chủ yếu chở
dân thường hợp pháp”. Hai ngày sau ông Kiệt mới về đến Củ Chi nhận tin
vợ và hai con ông đã chết. Ánh Hồng năm ấy chưa đầy bốn tuổi và Chí Tâm
thì cha con chưa kịp nhìn thấy mặt nhau.
Ông Trần Quang Minh kể: “Dượng Bảy ngồi ở
Xóm Thuốc chờ hai ngày. Khóc”. Nơi ông Kiệt ngồi có thể nghe tiếng máy
của những chiếc ghe chạy tìm xác các nạn nhân ở trên sông, nhưng, ông
không thể ra đó. Sự khốc liệt của chiến tranh đôi khi không phải ở trong
lưới lửa bom đạn mà ở trong những khoảnh khắc yên lặng. Chỉ một số cán
bộ hoạt động hợp pháp mới có thể ra sông tìm kiếm xác ba mẹ con bà Trần
Kim Anh và những cán bộ khác cùng đi trên chuyến tàu Thuận Phong.
Từ Rạch Giá, gia đình cũng nhận được tin,
ông Trần Quang Hiến kể: “Tôi lên thuê thuyền, vớt được Ánh Hồng, cháu bị
bắn vỡ sọ. Nhưng, chính quyền bắt phải đưa vô nhà xác. Hôm sau có một
người lính của chế độ Sài Gòn nhận cháu là con của anh ta. Bác sĩ yêu
cầu tôi trình giấy tờ chứng minh là người nhà của Ánh Hồng, tôi không
có. Tôi chấp nhận để cho anh lính nhận xác Ánh Hồng nhưng theo dõi nơi
anh ta chôn cháu, anh lính chôn cháu ngay phía nhà thương. Tôi cắm cây
thông làm dấu rồi quay ra tìm xác cô Bảy và Chí Tâm. Đến 28 Tết, lấy lý
do an ninh, chính quyền không cho tiếp tục tìm kiếm, mặc dù thây vẫn còn
trôi. Hai tháng sau, chính quyền cho máy ủi phía sau nhà thương, ủi mất
luôn Ánh Hồng. Như vậy là ba mẹ con chết mà không còn xác”.
Tàu Thuận Phong hôm ấy chở hơn 200 khách,
vớt được khoảng 100. Theo Trần Quang Minh, mãi tới mấy tháng sau, người
dân miền Đông không ai dám ăn tôm, ăn cá của sông Sài Gòn.
Ông Võ Văn Kiệt kể: “Sau hôm từ Nhà Bè về,
tôi xuống nhà ông Ba Kiệm chia buồn. Vợ ông, vì lo cho vợ chồng tôi gặp
nhau mà phải chết. Tôi cũng chuẩn bị tinh thần có thể ông cũng không
giữ được bình tĩnh vì mất mát đó. Nhưng không ngờ, ông nói: tôi cũng
thiệt hại mà không bằng chú, chú mất cả vợ và hai đứa con”. Ông Kiệt nói
tiếp: “Suốt hai cuộc chiến tranh, tôi cũng lặn lội, nhiều khi rơi vào
vùng ác liệt nhất, vậy mà chưa từng dính một miểng đạn nào. Cả hai lần
bị thương thì đều do giẫm phải chông của du kích. Trong khi đó vợ, con…
Trước đó, anh Ba tôi cũng bị Tây càn bắn chết; ba tôi thì bị chết vì
pháo kích”.
Hai người con trai
Hai anh em Võ Dũng và Hiếu Dân nhận được
tin mẹ và hai em ngay sau Tết năm ấy. Đây không phải là hoàn cảnh cá
biệt ở trường học sinh miền Nam. Sau năm 1954 nhiều cán bộ miền Nam
không đi tập kết. Với một số cán bộ cao cấp, Đảng đưa vợ con họ ra Bắc
trước như bà Ngô Thị Huệ, vợ ông Nguyễn Văn Linh, bà Nguyễn Thuỵ Nga, vợ
miền Nam của ông Lê Duẩn. Một số gia đình đã “chia sẻ rủi ro” bằng cách
gửi một vài đứa con ra Bắc trong khi cha mẹ vẫn chiến đấu ở miền Nam.
Nhiều người không ngờ miền Bắc “thiên
đường của các con tôi”(164) lại thiếu thốn khó khăn như vậy. Bà Bảy Huệ
kể: “Chúng tôi nghèo lắm, lương của tôi, vụ phó được chín mươi ba đồng,
nuôi cả bầy con. Mấy đứa trẻ như thằng Dũng, con Hiếu Dân đều ở trong
nhà tôi. Tiêu chuẩn mỗi đứa được bốn thước vải mỗi năm mà chúng lớn như
thổi, lại nghịch phá, quần áo cứ chẳng mấy lúc mà rách, mà ngắn, chật.
Thấy tôi khó khăn, anh Phạm Hùng kêu Ban Thường Vụ Quốc hội cho truy
lĩnh tiền lương đại biểu Quốc hội khoá I từ 1946-1959 của tôi, được một
khoản tiền lớn, tôi đem gởi Văn phòng Trung ương xài dần”. Nhưng, thiếu
thốn chưa phải là điều mà những đứa trẻ như Võ Dũng khó thích nghi với
miền Bắc.
Chị Hiếu Dân kể: “Trước khi chia tay, má
tôi chuẩn bị cho một xấp váy áo, cái nào cũng đẹp. Ra Bắc, một hôm tôi
mặc một cái váy ngắn một chút trên đầu gối. Anh Dũng liền kêu vào nhà
đánh cho tôi mấy roi và bắt thay ngay. Anh tôi sau đó đã xé đi những bộ
đồ đẹp nhất mà má tôi mua cho. Lúc đầu tôi rất ấm ức. Nhưng về sau, nhìn
xung quay mới thấy không có đứa trẻ nào mặc váy, không ai mặc đồ màu mè
sặc sỡ, tất cả chỉ có màu lính hoặc là màu sẫm. Tôi mới hiểu vì sao anh
tôi làm vậy”. Cả Hiếu Dân và Võ Dũng đều ra tới miền Bắc khi đã lên
chín lên mười. Họ đã biết quan sát và so sánh giữa hai môi trường xã
hội: miền Nam và miền Bắc. Bà Bảy Huệ kể: “Võ Dũng là một đứa trẻ rất
hiếu động. Giữa đám trẻ không mẹ không cha ấy, Dũng nổi lên như một ‘thủ
lĩnh’. Nhiều khi ra đường quậy phá, bị công an giữ, nó lại tìm cách
chạy về gặp tôi nói ‘có chuyện quan trọng, cô Bảy phải ra ngay’. Thế là
tôi lại phải đi bảo lãnh cho chúng nó. Hồi bọn trẻ học ở Hưng Yên, có
bữa Võ Dũng muốn đãi những bạn bè học sinh miền Nam - những đứa trẻ
thiếu chất và ăn không bao giờ đủ no - một bữa tươi, nó báo với ông
chánh Văn phòng Tỉnh uỷ là ‘ngày mai đám giỗ mẹ’. Thế là Văn phòng Tỉnh
uỷ lại chuẩn bị mấy mâm cho nó mời bạn bè. Với bạn bè thì hết lòng,
nhưng Võ Dũng không bao giờ chấp nhận sự áp đặt của người lớn. Hồi mới
ra Bắc, bác Hồ có kêu mấy đứa trẻ con em miền Nam tới Phủ Chủ tịch. Dũng
được bác Hồ gọi đến hỏi: ‘Cháu ngoan không?’. Nhìn đĩa kẹo bánh mà Bác
sắp cho các cháu ngoan một cách thèm thuồng nhưng Dũng vẫn nói: ‘Cháu
không ngoan’. Về nó bảo tôi: Cháu nói thật”. Theo bà Bảy Huệ: “Bình
thường thì nó cũng ngoan như cháu ngoan bác Hồ, nhưng gặp chuyện ai ăn
hiếp bạn bè là nó sống chết. Thông minh, gan dạ và hào hiệp lắm”.
Sau này khi gặp nhau trong chiến trường
miền Nam, nghe Võ Dũng kể, ông Kiệt mới hiểu những đứa trẻ học sinh miền
Nam như Dũng có mặc cảm, người lớn ở miền Bắc không bao giờ chịu nghe
chúng nó. Ông Kiệt nói: “Khi mới vào nó cũng thăm dò ngay cả mình. Nó
nghĩ mình cũng giống như mấy ông bà ngoài Bắc quen áp đặt, có nói lại
thì không nghe không hiểu ngôn ngữ của nhau. Ở chiến trường một thời
gian, nó nói, mấy chú trong này mới lắm”.
Cái chết của mẹ và hai em trở thành một
động lực trực tiếp để Võ Dũng kiên quyết vào Nam, phần để “trả thù cho
mẹ”, phần để thoát khỏi không gian tù túng đang bó chân một chàng trai
mười tám. Năm 1969, anh nhập ngũ sau đó đi thẳng vào Trung ương Cục. Lần
đầu vào chiến trường nhưng khi phải di chuyển xuống Khu IX, Võ Dũng đã
chọn con đường công khai. Trong vai một Khmer kiều, Võ Dũng được người
giao liên của bố anh, bà Sáu Trung, đưa về từ Châu Đốc, theo xe đò xuống
Rạch Giá.
Sau khi vợ và hai con mất, ông Võ Văn Kiệt
vừa cần một người thân ở bên cạnh vừa, trong thâm tâm, muốn giữ an toàn
cao nhất cho con mình. Võ Dũng được đưa về ở trong cơ quan Khu uỷ, cạnh
cha. Bác sỹ riêng của ông Võ Văn Kiệt, ông Huỳnh Hoài Nam kể: “Ổng dặn
tôi kèm Dũng, ‘có khó khăn gì mày lo’. Nhưng Dũng rất ngang bướng, nó cứ
đòi xuống đơn vị. Dũng kêu: Em về đây để chiến đấu chứ đâu phải để đào
hầm cho ba em núp”.
Năm 1971, sau khi lãnh đạo Khu lấy lại
được tư thế sau những tổn thất ghê gớm của Mậu Thân, ông Võ Văn Kiệt
phát động đưa con em cán bộ ra mặt trận. Dũng nhân đấy nói, không lẽ kêu
gọi con người ta ra trận mà con mình ngồi trong cứ, thế là đòi đi. Bác
sỹ Nam kể: “Ổng kêu tôi làm công tác tư tưởng. Tôi nói: ‘Dũng, em về
miền Nam làm gì?’. Nó bảo: ‘Chiến đấu trả thù’. ‘Vậy em có thấy bọn anh
chiến đấu không?’. Nó bảo: ‘Có, nhưng chiến đấu trong xó không hà’. Tôi
lấy chuyện mẹ và các em đã mất ra khuyên can, Dũng vẫn dứt khoát. Ông
Kiệt thấy thế đành bảo, thôi để nó đi”.
Dũng đòi bằng được ra một đại đội trinh
sát. Ông Kiệt nhớ lại: “Ông Lê Đức Anh biết chuyện định chuyển cháu về
pháo binh, chưa kịp ra quyết định thì Dũng mất”. Võ Dũng hy sinh ngày
29-4-1972 khi đang luồn qua những hàng rào dây thép gai trinh sát. Theo
anh Hồ Văn Út, cận vệ của ông Kiệt: “Hôm sau, mấy bà má phải vào đồn
lính, xin xác Dũng về an táng bên kênh Tư Ký, Sóc Trăng”. Ông Võ Văn
Kiệt nhận được tin con trai hy sinh khi đang chủ trì cuộc họp Thường vụ
Khu uỷ. Gương mặt người chính uỷ tái lại, nhưng ông chỉ mím môi để cho
nước mắt chảy vào trong.
Những người cận vệ luôn sống cách ông vài
bước chân cũng không khi nào nhìn thấy ông Kiệt khóc. Trước ba quân, vẫn
là một ông Tám Thuận mạnh mẽ. Nhưng, khi trở về trong chòi riêng ông
trở thành một con người khác, lặng câm, cô độc. Bác sĩ Huỳnh Hoài Nam
kể: “Ông thích uống cà phê sữa nhưng dạo ấy ông thường kêu tụi tôi làm
‘chà và đen’, cách ông gọi cà phê không. Đó là loại cà phê dành cho
những đêm không ngủ. Kể từ khi bà Trần Kim Anh và hai đứa con thơ mất
tích trên sông Sài Gòn, có hai kỷ vật lúc nào cũng được ông Kiệt giữ bất
li thân đó là bức chân dung của bà và bộ đồ bà ba may bằng lụa tơ tằm.
Bác sĩ Nam kể: “Mỗi khi dời cứ, thường chúng tôi giúp ông xếp đồ. Riêng
tấm hình và bộ đồ của bà thì tự tay ông làm lấy”.
Ở thời điểm ấy, một người con trai khác
của ông Kiệt, Phan Thanh Nam, cũng đang ở Trung ương Cục. Từ tháng
11-1969, Nam liên lạc được với bà Nguyễn Thị Thập, chủ tịch Hội Phụ nữ
Việt Nam. Đến lúc này, anh mới biết tên đầy đủ của cha mình là Võ Văn
Kiệt. Phan Thanh Nam sinh ngày 25-2-1952. Ông Kiệt chuẩn bị lên đường về
Nam trước khi Nam được sinh ra khoảng một tuần(165). Ông Kiệt cho biết,
sau đó, ông có được gặp mặt con trai trước khi rời Việt Bắc. Theo ông
Trần Tấn Nghĩa: “Sau khi ông Kiệt đi rồi, Văn phòng Trung ương giao đứa
bé cho ông Cái bên Tổng cục Lương thực đưa về tận ấp Sậu, cuối Nhã Nam,
Bắc Giang, nuôi”. Nhưng, ông Cái cũng chỉ giữ Nam một thời gian ngắn.
Nam không biết là cuộc đời mình đã lưu lạc qua tay những ai. Anh lớn lên
trong nhà cha mẹ nuôi, ông Hà Văn Quán và bà Nguyễn Thị Mỹ, tại làng
Tăng Xá, xã Tuy Lập, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ. Cha nuôi anh kể, một người
trong họ nhìn thấy một đứa bé bị bỏ rơi cạnh bờ suối mang về cho ông,
đứa bé đó chính là Nam. Khi đó, người vợ đầu của ông Quán không có con
trai. Những thông tin về Nam mà người bỏ rơi anh để lại, về sau Nam được
ông Quán cho biết, chỉ là: “Cha mày là người Nam Bộ, tên là Kiệt hay
Việt gì đó, đặt tên mày là Nam”. Lên sáu tuổi, cha mẹ nuôi làm khai sinh
cho anh đi học, đặt tên đầy đủ là Hà Văn Nam.
Ông Hà Văn Quán vốn là một cán bộ, đảng
viên, khi cải cách bị quy là địa chủ, ông xin ra khỏi Đảng. Lý lịch này
đã khiến ông bị kỳ thị ở địa phương. Anh Nam kể: “Ngay từ khi chúng tôi
còn nhỏ, ông đã muốn các con lớn lên đi ra khỏi làng. Chính ông khuyến
khích tôi đi tìm lại cha đẻ”. Từ bốn, năm tuổi, như những đứa trẻ trong
làng khác, Nam đã phải ra đồng chăn trâu cắt cỏ. Học hết cấp hai, do gia
cảnh khó khăn, anh phải nghỉ học. Đi khỏi vùng quê nghèo khó đó cũng là
sự thôi thúc của chính Nam.
Ông Võ Văn Kiệt kể: “Nhiều lần tôi viết
thư ra Bắc nhờ anh em kiếm cháu giùm. Có lần tôi viết thư cho mẹ cháu,
nhưng không thấy trả lời. Năm 1969, khi Bảy Dự(166) ra Bắc, tôi viết thư
hối thúc thêm lần nữa”. Nhưng may mắn là Phan Thanh Nam cũng chủ động
tìm kiếm. Anh kể: “Lần đầu, khi tôi còn nhỏ, tôi gửi một lá thư đi tìm
cha mà không có hồi âm. Sau đó, tôi tính đi bộ đội, đặng vào Nam kiếm ba
tôi nhưng xã không cho đi vì có người đặt vấn đề: Cha nó trong Nam
không biết theo ta hay theo địch. Một bữa đi đập lúa, trưa vắng, một
người nông dân làm cùng nói: Ở miền Nam tao nghe làm chơi ăn thật, sướng
lắm, sao mày không tìm ba? Ông nói: Bà Nguyễn Thị Thập, hội trưởng Hội
Phụ nữ là người miền Nam, thử viết cho bà Thập xem”.
Nam viết thơ cho bà Thập, kể tỉ mỉ cuộc
đời mình và nói: “Tôi có một người cha, nghe người ta nói ông tên Kiệt,
chính ông đặt tôi tên là Nam. Thư tôi gởi đi cuối tháng 9, cuối tháng
10, tôi nhận được thư cô Kim Anh, thư ký của bà Thập. Cô Kim Anh kêu tôi
về 39 Hàng Chuối, Hà Nội. Tháng 11-1969, cha nuôi tôi cho mười đồng bạc
để tôi đi. Xuống Hà Nội, gặp cô Mười Thập. Cô hỏi thăm, cho tôi cái áo
len rồi nói: ‘Ba cháu đang chiến đấu ở miền Nam’. Cô Thập dẫn tôi đi gặp
một số cán bộ quen biết ba tôi vừa từ miền Nam ra như Năm Hộ, Hai
Chiếc, Bảy Dự. Tôi vừa bước vô cửa, mấy ổng nói: ‘Cái dáng thằng này,
vừa đi vừa lắc, đúng con ông Sáu rồi’. Sau đó, các cô bảo tôi về nhà
chờ”.
Bà Nguyễn Thị Thập hứa sẽ cho người lên
gặp Nam nhưng không hiểu sao Nam chờ gần một năm sau vẫn không thấy tin
tức gì. Tháng 7-1970, Nam lại đánh điện xuống Hà Nội. Trong thời gian
đó, ông Võ Văn Kiệt cũng viết thư cho bà Ngô Thị Nho, chị ruột của bà
Ngô Thị Huệ, tha thiết nhờ tìm lại đứa con trai thất lạc. Theo bà Bảy
Huệ: “Một bữa, Ban Tổ chức Trung ương cử tôi xuống làm việc với Hội Phụ
nữ, chị Mười Thập tình cờ kể: Ông Kiệt có một đứa con ngoài này, nó mới
đánh điện, gởi thơ. Chị Mười đưa thơ tôi coi. Tôi nói để tôi sắp xếp lên
gặp cháu”.
Từ Hà Nội lên Phú Thọ tuy chỉ cách nhau
hơn 200km nhưng hồi ấy đường sá khó khăn. Bà Bảy Huệ lên tới xã Tuy Lập,
huyện Cẩm Khê thì đã mười giờ đêm. Bà kể: “Tới giờ đó, Nam đi tát nước
vẫn chưa về, nó mặc cái quần cụt, cười giống y ổng. Tôi xin phép ba má
nuôi đưa cháu lên nhà khách của tỉnh rồi đưa cháu về Hà Nội. Cho tới lúc
đó, thằng Nam chưa biết sử dụng giày dép thế nào”. Anh Phan Thanh Nam
nhớ lại: “Mẹ nuôi tôi rất buồn nhưng cha nuôi tôi nói, con lớn rồi phải
tìm về tổ tiên”.
Ở Hà Nội, mấy dì nói cho Nam biết má ruột
của anh là bà Hồ Thị Minh, khi ấy đang làm việc trong một cơ quan ở Thủ
đô. Đã vài lần Nam đạp xe qua cơ quan mẹ, anh rất muốn vào nhưng rồi anh
kể: “Tôi nghĩ, bao năm nay bà không liên lạc với mình có nghĩa là bà
cũng có điều gì đó khó xử. Nếu có thể gặp, bà đã đi tìm”. Tháng 10-1970,
Phan Thanh Nam bắt đầu hành trình vào miền Nam. Tháng 9-1971, hai tháng
sau khi Nam vào tới Chiến trường B2, hai cha con gặp nhau lần đầu tiên ở
Trung ương Cục. Nhưng có lẽ lần gặp nhau ở Khu IX vào tháng 11-1972 mới
là cuộc gặp xúc động nhất giữa hai người.
Tháng 6-1972, hơn một tháng sau khi Võ
Dũng hy sinh, Phan Thanh Nam bắt đầu đi từ căn cứ Trung ương Cục xuống
Khu IX. Bác sỹ Huỳnh Hoài Nam kể: Ngày cha con gặp nhau, ông đang ở một
căn cứ gần kênh Biện Nhị, xã Khánh Lân, Cà Mau. Ông ngồi đợi con, lâu
lâu lại hỏi những người lính thông tin theo dõi lộ trình của các giao
liên. Bác sỹ Nam kể: “Khi Nam đến, hai cha con ôm nhau nửa tiếng, không
ai nói một lời, rồi cả hai cùng khóc. Chúng tôi, cũng ra phía sau, ngồi
khóc”.
Đi bước nữa
Khi ấy, cả bà Bảy Huệ và ông Nguyễn Văn
Linh đều coi Võ Văn Kiệt như một cậu em trong nhà. Ông Linh là một trong
những người đầu tiên nghĩ tới hoàn cảnh đơn côi của ông Kiệt. Hai năm
sau khi vợ mất, ông đã chú ý tìm người mai mối.
Theo bác sĩ Huỳnh Hoài Nam: Sau đợt hai
Mậu Thân, Trung ương Cục yêu cầu ông Kiệt xuống bệnh viện R điều dưỡng
một thời gian. Giám đốc bệnh viện lúc đó là bác sĩ Thuý Ba. Trung ương
Cục cũng có ý cả. Bà Thuý Ba đẹp, nhưng tụi tôi biết khi đó ông Kiệt còn
nhớ vợ. Thậm chí có lần Trung ương Cục họp, có người còn đặt vấn đề,
nhưng ông Kiệt nói: “Chúng ta có tiến bộ tới đâu thì vẫn là người Á
Đông, vợ tôi chết vẫn chưa mãn tang mà”.
Xuống miền Tây, cũng có người gán ghép,
ông Kiệt đẩy khéo: “Hỏi mấy đứa nhỏ coi, tụi nó ưng là tôi ưng à”. Có
người thiệt tình tới hỏi cánh bảo vệ, mấy cậu nói: “Nếu có người như
thím Tám thì tụi tôi mới cho lấy, không là khổ ổng”. Ông Kiệt nhớ lại:
“Lúc bấy giờ công việc dồn dập. Đang Mậu Thân, ở Sài Gòn, hết tấn công
đợt này đến đợt khác, anh em tổn thất không biết bao nhiêu. Xuống Khu IX
thì cũng tan tác, phải vực dậy từng cơ sở một”.
Sau khi ông Võ Văn Kiệt được điều xuống
làm bí thư Khu uỷ Khu IX, ông Nguyễn Văn Linh có thêm một nỗ lực nữa:
giới thiệu bà Đỗ Duy Liên cho ông Kiệt. Bà Đỗ Duy Liên kém ông Kiệt năm
tuổi, khi ông Kiệt làm bí thư Khu uỷ Sài Gòn- Gia Định bà Liên làm việc
bên Hội Phụ nữ. Bà đã từng làm báo công khai ở Sài Gòn, từng bị giam tại
Chí Hoà hơn bốn năm. Chồng bà Liên, ông Lê Duy Nhuận, là cán bộ tuyên
huấn ở Phân khu I trong Chiến dịch Mậu Thân. Tháng 10-1968, khi ông
Nhuận đang mở lớp đào tạo bí thư chi bộ thì nhận được lệnh phải di
chuyển cứ ngay vì B52 sắp rải bom. Là người sau cùng rời khỏi căn cứ,
ông Nhuận bị dính bom, hy sinh. Cũng như ông Võ Văn Kiệt, bà Đỗ Duy Liên
cũng bị ám ảnh rất lâu bởi sự hy sinh của chồng.
Bà Đỗ Duy Liên kể: “Một lần anh Sáu từ
T3(167) lên Trung ương Cục, anh Mười muốn cặp tôi với ảnh nên điện kêu
tôi từ T4 (Khu Sài Gòn-Gia Định) về. Anh Mười lãnh đạo tôi từ hồi thanh
niên. Ảnh chủ quan, nghĩ tôi thương ảnh thế thì anh bảo gì tôi sẽ nghe
theo ảnh. Tôi từ chối cách gán ghép nhưng tôi vẫn đồng ý ra trạm giao
liên gặp anh Sáu Dân”.
Nơi ông Mười Cúc Nguyễn Văn Linh bố trí
cho họ gặp nhau là một cái lán tranh, muốn đi tới phải qua một trảng le,
một trảng lau. Ông Kiệt là người đàn ông thứ hai mà bà Liên yêu thương.
Bà biết rằng nếu nhận lời lấy ông thì cả hai sẽ phần nào bù đắp cho
nhau mất mát. Nhưng khi đó, ba đứa con của bà Liên đang được gửi ra miền
Bắc. Trong lán tranh, khi ông Kiệt ngỏ lời, bà Liên bật khóc, trách:
“Chồng tôi chết chưa lâu?”.
Bà Đỗ Duy Liên kể rằng, khi đến giờ phải
chia tay, bà được giao liên dẫn đi theo một hướng, ông Kiệt được dẫn đi
theo một hướng khác. Hôm đó bà bước đi mà không dám ngoái đầu nhìn lại.
Ít lâu sau, bà nhận được thư ông. Bức thư ngắn: “Tư/ Sau bữa gặp, Tư đi
qua cái trảng dài đó, không biết có gì không. Rất lo. Muốn biết sớm mà
không sao biết được. Hôm đó, đợi Tư qua hết cái trảng rồi mới đi. Kiệt”.
Sau năm 1975, hai người cùng về Thành phố,
ông làm chủ tịch rồi sau đó làm bí thư Thành uỷ, bà làm giám đốc Sở
Thương binh-Xã hội, rồi làm phó chủ tịch Uỷ ban. Cùng ở trong rừng ra và
lần đầu tiên có trong tay chính quyền, một chính quyền việc gì cũng
muốn làm thay dân, công việc cứ cuốn cả hai người đi. Họ thường gặp nhau
trong các cuộc giao ban, nơi ông nhiều khi sốt ruột đập bàn, đập ghế.
Theo nhà báo Thế Thanh, người được cả ông Kiệt và bà Tư Liên coi như
con, thỉnh thoảng bà Tư lại than: “Ba mày mất lịch sự quá, họp hành có
phụ nữ mà chẳng nhẹ nhàng gì”.
Nói thế, nhưng chính bà Đỗ Duy Liên lại là
người rất sợ sự nhẹ nhàng của ông. Bà Tư nhớ lại: “Sau 1975, có lần anh
đến thăm, ngồi suốt một buổi sáng, hai anh em ngồi tâm tình với nhau.
Trưa, ảnh nói: ‘Tư đi nấu cơm cho tôi ăn với’. Tôi biết, tôi mà đi nấu
cơm là coi như tôi nhận lời anh nên cương quyết: ‘Không. Hôm nay, em
không đi chợ, nhà không còn gì’. Anh nghe, đứng dậy về. Tôi để anh đi mà
lòng buồn lắm. Mãi nhiều năm sau khi nghĩ tới câu chuyện này, tôi vẫn
còn tự trách: ‘Có bữa cơm mà mình cũng không nấu được cho anh ăn”.
Theo bà Bảy Huệ thì con cái của hai người
cũng đóng một vai trò khiến cho họ không đến được với nhau. Sau khi việc
giữa bà Tư Duy Liên và ông Võ Văn Kiệt không thành, bà Bảy Huệ lại nỗ
lực thêm một lần nữa, giới thiệu cho ông Kiệt một nữ bác sỹ đã từng có
gia đình. Khi ấy ông Kiệt đã ra Hà Nội làm phó chủ tịch Hội đồng Bộ
trưởng. Việc mai mối được thu xếp khá suôn sẻ đến mức một hôn lễ tưởng
đã diễn ra. Tuy nhiên, sau một năm ở Hà Nội, ngày 26-12-1982, ông Kiệt
viết thư gửi ông Chín Đào Phan Minh Tánh, khi ấy đang là phó bí thư
Thành uỷ Thành Phố Hồ Chí Minh, nhờ ông Chín Đào giúp thu xếp để ông rút
lui khỏi cuộc hôn nhân này.
Cũng trong bức thư đề cập đến chuyện lấy
vợ này, ông Võ Văn Kiệt bắt đầu tiết lộ về một người phụ nữ khác. Thư
viết: “Phần tôi, cũng dịp về hôm rồi tôi có bàn thẳng với các cháu, con
tôi (cả dâu rể) - tôi không thể sống không bình thường như vậy mãi, cũng
như công tác trong điều kiện ăn ở hiện nay. Không có một người hôm sớm
quả là có một số cái khó. Nói chung là chúng nó đồng ý cả. Cháu Dân hôm
ra Hà Nội ở gần hai tuần với tôi, cháu cũng thấy điều đó rõ hơn, nhưng
người như thế nào thì chúng nó vẫn lo. Tôi cũng có trình bày, có một
người mà các anh đã giới thiệu (hồi tôi còn ở Thành phố) - Anh Mười
Hương, anh Năm Xuân và anh Thiện. Trước đây tôi cũng tiếp xúc một vài
lần và cũng có tìm hiểu, cũng gọn và quan hệ gia đình tốt, thuộc cán bộ
giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở một trường đại học. Tôi thấy như vậy
cũng được, tuổi cũng trên bốn mươi… (Tuy) không phải người Nam Bộ. Chúng
nó có phần lo, nhưng điều này không phải là chính. Tạm bấy nhiêu để anh
rõ, nhờ anh giúp như phần trên. Thân ái/ Sáu Dân”. Chi tiết “cán bộ
giảng dạy và nghiên cứu khoa học” mà ông Kiệt đề cập trong thư cho thấy
người phụ nữ mà ông nói tới chính là bà Phan Lương Cầm.
Bà Phan Lương Cầm sinh năm 1943 ở Huế. Năm
1945, cha mẹ chia tay. Mẹ bà, bà Nguyễn Thị Hoàng Ân, vốn là một nữ
sinh Đồng Khánh. Trong những năm Việt Minh kháng chiến chống Pháp, bà Ân
đi dạy học ở Hà Tĩnh, Thanh Hoá. Bà Cầm khi ấy còn nhỏ nhưng đã vừa
học, vừa giúp mẹ xay lúa, giã gạo, làm xáo để có thu nhập thêm.
Sau Hiệp định Geneve, bà Ân chính thức kết
hôn với ông Phan Tử Lăng. Bà Cầm đổi từ họ Trần của cha đẻ sang họ Phan
của cha dượng. Ông Phan Tử Lăng là một sỹ quan nổi tiếng: Ông tốt
nghiệp thủ khoa khoá sỹ quan chính quy đầu tiên do người Pháp đào tạo ở
Việt Nam, là chỉ huy trưởng Lực lượng Bảo an Trung kỳ. Khi chính phủ
Trần Trọng Kim tuyên bố độc lập và mở trường Quân sự Thanh niên Tiền
Tuyến, ông Phan Tử Lăng được bổ nhiệm làm giám đốc. Sau Cách mạng tháng
Tám, ông là cục trưởng Cục Quân chính Quân đội Nhân dân Việt Nam với
quân hàm đại tá.
Năm 1965, sau khi tốt nghiệp đại học, bà
Cầm được giữ lại làm cán bộ giảng dạy ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm
1968, bà đi nghiên cứu sinh, chuyên ngành Điện hoá - Ăn mòn Kim loại ở
Lomonoxov, Liên Xô; năm 1973, lấy bằng phó tiến sỹ và về trường Bách
khoa dạy tiếp. Năm 1979, trong khuôn khổ một hợp tác giữa Đại học Bách
khoa Hà Nội và Đại học Delf, bà được cử đi tham gia nghiên cứu về “ăn
mòn kim loại” ở Hà Lan. Bà Phan Lương Cầm gặp ông Võ Văn Kiệt lần đầu
vào cuối năm 1980 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Khi ấy, theo bà Cầm, bà
hoàn toàn không biết những người bạn của ông Phan Tử Lăng có ý tưởng
giới thiệu bà với ông Kiệt.
Cuối thập niên 1950, ông Phan Tử Lăng và
ông Đinh Đức Thiện cùng làm việc với nhau ở Khu Gang Thép Thái Nguyên,
ông Thiện là giám đốc và ông Lăng là phó. Bạn ông Thiện là ông Trần Quốc
Hương và em trai ông, ông Mai Chí Thọ, đầu thập niên 1980, đang là Phó
Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh.
Cuối năm 1980, khi bà Phan Lương Cầm từ Hà
Lan về vào Thành phố, ông Đinh Đức Thiện kêu ông Mười Hương mời bà Cầm
ra Tân Cảng báo cáo đề tài “ăn mòn kim loại”, cử toạ có nhiều vị lãnh
đạo Thành phố, và tất nhiên, có cả ông Bí thư Thành uỷ Võ Văn Kiệt. Bà
Cầm nhớ lại: “Tôi lên nói say sưa và cuối buổi thì ông Kiệt bảo là tôi
có thể giúp Thành phố”. Buổi trưa, tôi được mời về nhà ông Mai Chí Thọ
ăn cơm. Bà Cầm nói rằng: “Cho đến lúc này, tôi không có ấn tượng gì về
ông Kiệt cả”.
Bà Cầm trở ra Hà Nội tiếp tục công việc
của mình, ông Đinh Đức Thiện, ông Mười Hương tiếp tục vận động bà Ân.
Hai người còn bố trí để ông Kiệt tới nhà 180/8 Nguyễn Tri Phương, Thành
phố Hồ Chí Minh gặp bà Ân ở đó. Bà Cầm nhớ lại: Cả nhà tôi ai cũng muốn
con gái lớn đi lấy chồng. Nhắc lại bữa cơm trưa ở nhà ông Mai Chí Thọ,
mẹ tôi hỏi: “Con có biết anh Sáu cùng ăn với con hôm đó không”. Tôi nói:
“Con chỉ nói chuyện ăn mòn kim loại, không biết ai là anh Sáu cả”. Rồi
tôi cười nói với mẹ tôi: “Không có chuyện con lấy bí thư Thành uỷ đâu”.
Ông Kiệt vẫn giữ liên lạc với bà Phan
Lương Cầm trong thời gian ấy. Theo bà: “Mỗi lần ông ra Hà Nội lại nhờ
anh em Văn phòng chuyển tới tôi, khi cuốn lịch, khi ký lạp xưởng. Tôi
không nhận thì anh em bảo: thủ trưởng ra nhờ chút việc mà không hoàn
thành thì bị phê bình chết”. Nhưng, có lẽ ông nghiêng về bà hơn sau khi
ra Hà Nội, sau khi phải đối diện với những rắc rối trong các mối quan hệ
với những người phụ nữ đã có con riêng.
Về phần mình, bà Cầm kể: “Ở Hà Nội một
thời gian, anh béo ra, biết ăn mặc hơn, trông không khắc khổ như thời
làm bí thư Thành uỷ. Lên khu tập thể Khương Thượng, nơi tôi có một căn
hộ ở đó, anh tháo giày vào nhà. Ngồi nói chuyện thấy bắt đầu cảm tình
nhưng phải nói là bác Đinh Đức Thiện cũng công phu lắm, cả bác trai lẫn
bác gái”.
Khi bắt đầu chiếm được tình cảm của bà
Cầm, ông Kiệt báo cáo với Trung ương Đảng và việc này đã khiến cho bà
Cầm định rút lui khi thấy Ban Tổ chức Trung ương xuống trường tìm hiểu.
Cuối năm 1984 họ chính thức lấy nhau. Vừa sống với nhau được ít ngày, bà
Cầm kể: “Anh nói phải đi công tác miền Nam ngay để tôi một mình chơ vơ ở
Hồ Tây. Trước khi đi, anh hỏi tôi thích gì, tôi nói em thích một cái
nhẫn cưới. Lần ấy, anh mang về chiếc nhẫn nửa chỉ vàng 18k tặng tôi”.
Vợ và bạn
Không chỉ là sự chênh lệch về tuổi tác,
năm ấy, ông Kiệt sáu mươi hai tuổi và bà Cầm bốn mươi mốt tuổi. Cha mẹ
không sống với nhau ngay từ khi bà Cầm chỉ mới hai tuổi. Khi mẹ bà đi
bước nữa với ông Phan Tử Lăng, hai người làm việc ở Khu Gang Thép Thái
Nguyên, bà Cầm sống một mình ở Hà Nội và đi học.
Theo ông Nguyễn Văn Hanh, em rể của bà
Cầm: “Cho tới khi lấy anh Sáu, Cầm rất ít có thời gian ở trong một môi
trường gia đình thật sự”. Bà Cầm thừa nhận: “Trước khi về sống với nhau,
mỗi người tưởng tượng về nhau có khác. Anh Sáu ít hẫng hơn tôi vì anh
có kinh nghiệm cuộc đời”. Bà kể về một kỷ niệm mà bà cảm thấy hạnh phúc:
“Một lần, tôi đi miền Nam, ô tô đưa ra sân bay rồi ô tô về. Không ngờ
máy bay hỏng, phải chờ tới ba giờ mà không bay được. Tôi điện thoại về
kêu xe ra đón. Khi biết tôi quay lại, anh nói: hoan hô hàng không!”.
Bà Phan Lương Cầm nói: “Đôi lúc tôi cũng
tủi thân. Anh toàn sống với đồng đội, muốn uống nước, tôi không pha thì
đã có phục vụ nên sự chăm sóc của vợ không còn quan trọng nữa. Tôi cảm
thấy những cố gắng hy sinh của mình không được đánh giá đầy đủ”. Ngay
trong thời gian đầu, một cuộc chia tay tưởng như đã xảy ra, một số bạn
bè thân thiết của ông Kiệt đã được “giao nhiệm vụ” đi làm “công tác tư
tưởng” cho gia đình, đồng đội. Nhưng rồi ông Kiệt nghĩ lại.
Cuộc hôn nhân này không chỉ làm ông Kiệt
khó xử với những đồng đội từng chia ngọt sẻ bùi với ông. Ở miền Nam
nhiều người trách, “Nam Bộ thiếu gì người mà lại đi lấy người Huế”. Bà
Phan Lương Cầm kể: “Có người nói tôi là người nhà ông Tố Hữu. Tố Hữu đưa
tôi vào để phá anh Sáu. Khi Tố Hữu mất, có người còn chia buồn với
tôi”.
Chuyện ông Kiệt, một uỷ viên Bộ Chính trị,
lấy bà Cầm không phải đảng viên cũng là một lý do để ông Kiệt bị chỉ
trích, nhất là từ những người như ông Nguyễn Văn Linh. Bà Bảy Huệ thừa
nhận: “Ông Mười kỹ lưỡng, định làm mai Lê Thị Riêng cho ông Sáu, Lê Thị
Riêng chết, làm mai Đỗ Duy Liên thì không thành… Tôi thấy cô bác sỹ làm
bên đài cũng có hoàn cảnh thích hợp, lấy cô ấy rồi chuyển ra làm ở ‘Tổ Y
tế Một’ cũng được. Đùng một cái ổng lấy bà Cầm, ông Mười nói Sáu Dân
ẩu, lấy vợ mà không thèm hỏi ai”.
Ông Võ Văn Kiệt làm chủ tịch Hội đồng Bộ
trưởng từ tháng 7-1991, ở một giai đoạn mà Việt Nam bắt đầu thiết lập
quan hệ với ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Cộng đồng Châu Âu và Mỹ. Không
như các chuyến thăm đến các nước trong “phe xã hội chủ nghĩa” của các
lãnh tụ cộng sản trước đây, ông Kiệt thường công du cùng phu nhân, một
người phụ nữ trẻ, xuất hiện trước ống kính khá lịch lãm. Hình ảnh đó góp
phần làm cho thế giới nhìn thấy một Việt Nam ít cứng rắn hơn. Nhưng,
bên trong, nhiều nhà lãnh đạo lão thành lại không vừa ý. Nhất là sau khi
có tin đồn, các chuyến chuyên cơ chở bà Cầm đi theo ông Kiệt thường
mang rất nhiều hàng hoá.
Người bày tỏ thái độ một cách công khai
nhất là ông Nguyễn Văn Linh. Từ khi còn đương chức, trong các chuyến
công du, ông Linh đã nổi tiếng khắt khe với cấp dưới(168). Giai đoạn ông
Linh làm Tổng bí thư và giai đoạn ông Kiệt làm thủ tướng, vị thế của
Việt Nam trong các mối quan hệ quốc tế rất khác nhau. Hai ông cũng rất
khác biệt trong cách tiếp cận với thời cuộc cũng như với kẻ thù và đồng
đội.
Cuộc sống và ý thức hệ
Kể từ năm 1952, khi rời Việt Bắc về Nam,
năm 1973 ông Võ Văn Kiệt mới trở lại miền Bắc. Lần này, kinh nghiệm sử
dụng võ trang của ông ở Khu IX đã đóng vai trò quan trọng để Hội nghị
Trung ương 21 quyết định “đánh”, thay vì “gò cương vỗ béo” trước Hiệp
định Paris. Nhưng chuyến đi còn giúp ông Kiệt lần đầu tiên thực sự trải
nghiệm chủ nghĩa xã hội sau gần hai mươi năm áp dụng trên miền Bắc.
Lúc đó, tuy tạm thời chấp nhận sự quy lỗi
nghèo đói cho chiến tranh nhưng ông Kiệt không khỏi băn khoăn khi thấy
trong một xã hội đòi đấu tranh cho bình đẳng mà những người đứng đầu xã
hội đó lại thi hành một chế độ không bình đẳng với ngay những người ruột
thịt của mình. Theo quy định, chế độ dinh dưỡng bao cấp cho cán bộ cao
cấp khác với những cán bộ bình thường cho nên trong nhiều gia đình,
chồng ăn “tiểu táo” do đầu bếp của Văn phòng Trung ương nấu, trong khi
vợ con phải tự nấu, tự ăn với nhau theo chế độ “đại táo”. Trước ngừng
bắn, khi phải rời khỏi Hà Nội, có những cán bộ đã về nơi sơ tán một mình
bằng xe hơi trong khi vợ con lếch thếch đi bộ vì không có cùng tiêu
chuẩn.
Năm 1973, khi ông Võ Văn Kiệt đi gặp ông
Ung Văn Khiêm(169) cả bạn bè và tổ chức đều có những lời khuyến cáo ông.
Tuy nhiên, với tư cách là một cấp dưới, một học trò, ông Kiệt vẫn đi
thăm thầy cũ. Ông Kiệt kể: “Từ khi ông Khiêm bị kỷ luật, không ai dám
đến gặp, nếu có tình cờ thấy ông thì cũng ít ai dám chào”. Mấy hôm sau,
khi ông Kiệt đang ngồi với ông Nguyễn Văn Trấn thì, theo hẹn, bà vợ ông
Ung Văn Khiêm đến, ông Bảy Trấn nhìn thấy, lập tức rời phòng. Hôm sau
gặp lại, Bảy Trấn giải thích: “Mày ở trong kia không sao, tụi tao ở đây
léng phéng qua lại với ổng là bị cắt sổ gạo, cả thuốc lá cũng không có
mà hút mày ạ”. Ông Kiệt nói: “Tôi suy nghĩ rất nhiều. Cho dù ông Khiêm
có sai thì cái sai đó cũng là với tổ chức; chế độ chính trị thế nào mà
bày tỏ tình nghĩa anh em, đồng chí cũng không được. Một con người như
ông Bảy Trấn, từng tham gia cướp chính quyền ở Sài Gòn năm 1945, từng
làm tới chức chính uỷ Khu IX, từng được coi là ‘hung thần Chợ Đệm’ mà
cũng phải sống trong sợ hãi thì vấn đề không còn là của từng cá nhân
nữa”(170).
Ông Võ Văn Kiệt tìm thấy niềm vui và cả
lợi ích chính trị khi thỉnh thoảng ngồi uống rượu và đàm đạo với các trí
thức và quan chức của chế độ Sài Gòn. Ông thừa nhận, nhiều kiến thức về
kinh tế, quốc tế và đặc biệt là tư duy pháp trị mà ông có được là nhờ
học ở những “người thua cuộc”.
Khi chiến tranh kết thúc, cả ông Kiệt và
ông Linh đều từ một căn cứ trong rừng sâu về Sài Gòn sống trong những
biệt thự sang trọng. Trong khi ông Nguyễn Văn Linh vẫn giữ lối sinh hoạt
của một người cộng sản khắc khổ(171) thì ông Võ Văn Kiệt bắt đầu chơi
tennis. Ông Linh nhìn những cán bộ chơi tennis như những người học đòi
ăn chơi, “xa rời lối sống, đạo đức cách mạng”. Còn ông Kiệt nhìn thấy ở
đó, không chỉ là một thú vui thể thao mà còn là một cách để đưa Sài Gòn
trở lại cuộc sống bình thường.
Ông Kiệt giải thích: “Những ngày mới về
Thành phố, tôi chỉ chơi bóng bàn hoặc cầu lông với anh em. Sau, để ý
thấy các sân tennis trong Thành phố đều bị bỏ hoang hoặc đem phơi củi.
Đi vào trong dân, thấy các nhà khá giả vẫn treo vợt trên tường nhưng
không ai chơi. Tìm hiểu thì mới biết là người ta sợ. Tôi quyết định cho
sửa sân tennis Trương Định, phong trào chơi tennis mới dần được khôi
phục rồi rộ lên. Anh Mười thấy, cho người phê phán trong các cuộc họp
nội bộ”.
Khi được điều ra Hà Nội, ông Kiệt tiếp tục
giữ sở thích chơi tennis. Khi ông Linh làm Tổng bí thư, theo ông Kiệt,
ông nói gần nói xa: “Các tỉnh ở dưới đua đòi làm sân tennis cũng tốn kém
lắm”. Ông Kiệt kể, một lần ông Đào Duy Tùng, uỷ viên thường trực Bộ
Chính trị, nhắc khéo: “Có người nói anh còn khỏe mà đi chơi tennis bắt
người khác mang vợt”. Theo ông Kiệt: “Tôi biết anh Tùng nói vậy là có
thiện chí, mình dư sức mang cái túi vợt, nhưng thường khi xe vừa dừng
thì anh em bảo vệ đã nhanh chân hơn lấy vợt cho. Từ đó, khi ra sân tôi
không đi xe nữa, mà từ 57 Phan Đình Phùng, tôi mang túi vợt đi bộ, vòng
qua trước nhà ông Linh ở Nguyễn Cảnh Chân, ra sân”.
Cũng làm cách mạng, nhưng một người tạo
lập uy tín chính trị theo nguyên tắc giữ “cần kiệm liêm chính”, một
người làm chính trị theo kiểu chịu chơi của “anh Hai Sài Gòn”. Cung cách
ứng xử này đã làm cho ông Kiệt và ông Linh càng thêm khác biệt. Ông Võ
Văn Kiệt không được văn nghệ sỹ tung hô như thời ông Nguyễn Văn Linh kêu
gọi cởi trói. Nhưng với phong cách “anh Hai”, ông Võ Văn Kiệt lại kiến
tạo được những mối liên hệ cá nhân bền lâu.
Nhà thơ Nguyễn Duy kể: “Tôi gặp ông Kiệt
lần đầu vào giữa năm 1981, trong buổi tổng kết cuộc sinh hoạt chính trị
kéo dài mười ngày căng thẳng để chuẩn bị đại hội thành lập Hội Nhà văn
Thành phố. Cuối đợt kiểm điểm, Thành uỷ cho ít tiền liên hoan, ông Kiệt
mang đến một chai rượu. Mãi sau này chúng tôi mới biết chai rượu ấy cũng
xoàng, nhưng lúc ấy thấy rượu Tây là nhiều anh nhốn nháo”.
Theo Nguyễn Duy: Trong buổi liên hoan đó,
nhiều người đọc thơ tặng ông Sáu. Ông Nguyễn Duy cũng đứng lên nói: “Hôm
nay Bí thư Thành uỷ mang rượu đến đây, nối rượu cho nhà văn thì cũng
như nối giáo cho giặc, tôi xin phép đọc mấy bài thơ mới làm”. Ông Bảo
Định Giang khéo léo ngăn lại: “Thôi đã mười một giờ, khuya rồi để anh
Sáu nghỉ”. Nguyễn Duy khi ấy đã có hơi men, nói: “Anh Bảo Định Giang
ngồi xuống, đây không có anh năm, anh sáu gì hết, chỉ có bí thư. Tôi là
đảng viên phải để đảng viên nói với bí thư”. Ông Kiệt lên tiếng: “Cứ để
anh em tự nhiên, tôi đã đến đây là chơi tới cùng”.
Sau khi đọc bài Ông Già Sông Hậu, Nguyễn
Duy nói: “Tôi xin đọc bài thơ tôi làm như một bản báo cáo với Ban Thường
vụ Thành uỷ thực tế đời sống của văn nghệ sỹ Thành phố”. Đó là bài thơ
Bán Vàng.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng nhớ lại, Nguyễn Duy cao hứng đặt một chân lên ghế, nhìn thẳng vào ông Kiệt, mở đầu nhỏ nhẹ:
“Ta mơ màng, ta uốn éo, ta lả lơi
để mặc kệ mái nhà xưa dột nát
mặc kệ áo quần thằng cu nhếch nhác
mặc kệ bàn tay mẹ nó xanh xao
ta rất gần bể rộng với trời cao
Để xa cách những gì thân thuộc nhất…”.
Rồi Nguyễn Duy nhấn giọng:
“Cái ác biến hình lởn vởn quanh ta
tai ách đến bất thần không báo trước
tờ giấy mong manh che chở làm sao được
một câu thơ chống đỡ mấy mạng người…”.
Ông Kiệt có vẻ như lặng đi. Nguyễn Duy kết thúc bài thơ:
“Thì bán bớt đi một ít vàng ròng
để sống được qua ngày gian khổ đã
phải sống được qua cái thời nghiệt ngã
để khối vàng đây chỉ đổi lấy mây trời!”.
Khi Nguyễn Duy ngồi xuống, ông Kiệt uống với nhà thơ một ly.
Sau cuộc họp đó, theo nhà văn Nguyễn Quang
Sáng, cũng có người trong giới văn nghệ định “dao búa” với Nguyễn Duy,
còn ông Kiệt thì cho Thư ký Trần Hữu Phước tới gặp nhà thơ đề nghị chép
cho ông hai bài thơ Nguyễn Duy đọc hôm đó để ông “làm kỷ niệm”. Nguyễn
Duy kể rằng, nghe vậy, ông cũng hơi ngại nên đi hỏi Nguyễn Quang Sáng:
“Liệu có phải ông Sáu cần văn bản chứng cớ để xử lý?”. Ông Sáng nói:
“Chắc không phải. Nếu muốn xử, ổng cần gì”. Nguyễn Duy nói: “Tôi bèn
chép hai bài thơ và không quên ghi cẩn thận dưới tên mỗi bài: ‘Tác giả
chép tặng anh Sáu Dân để làm kỉ niệm tình cảm’, như một nhắc nhở với ông
rằng, ông xin để làm kỷ niệm chứ không phải để làm bằng chứng đâu đấy”.
Bẵng đi một thời gian, nhân dịp đại hội
thành lập các hội nghệ thuật của Thành phố, cũng trong một bữa tiệc do
Thành uỷ chiêu đãi ở Khách sạn Bến Nghé, ông Kiệt đã nhắc lại bài thơ
Bán Vàng. Ông nói: “Vừa rồi, tôi trực tiếp nghe được bài thơ Bán Vàng
của nhà thơ Nguyễn Duy. Theo tôi, đây là một bản án nhân tình đối với
chế độ của chúng ta. Đau, nhưng là sự thật. Chúng ta cần chân thành nhìn
nhận sự thật, để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Muốn vượt
qua, theo tôi phải có niềm tin, mà cốt lõi của niềm tin là tin ở con
người. Hôm nay, có thể có đồng chí không tin tôi, có thể tôi không tin
một đồng chí nào đó, nhưng chúng ta thì phải tin ở con người”.
Nguyễn Duy nhớ lại: “Lần đầu tiên ngồi với
một uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, định mượn hơi rượu nói cho bõ hờn,
không ngờ lại mở đầu cho một cuộc giao du tình nghĩa”. Từ lần nghe đọc
thơ ở Hội Nhà văn Thành phố, ông Võ Văn Kiệt tạo lập được một mối quan
hệ rất bạn bè với nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà thơ Nguyễn Duy và tiếp
đó là nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Nguyễn Duy thỉnh thoảng lại làm tiết canh,
còn Nguyễn Quang Sáng lâu lâu lại lập mưu… làm thịt chó. Ông Kiệt rất
nhiều lần tham gia và khi nào ông cũng hết mình.
Thật khó để phân biệt đâu là nhu cầu bè
bạn, đâu là nhu cầu chính trị trong mối quan hệ giữa ông Võ Văn Kiệt với
Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Sáng, Trịnh Công Sơn… cũng như mối quan hệ
giữa ông với các tên tuổi thời Việt Nam Cộng hoà như Tiến sỹ Nguyễn Xuân
Oánh, Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, chuyên gia kinh tế Lâm Võ Hoàng, Huỳnh
Bửu Sơn… Nhưng sự thật là nhiều kiến thức về kinh tế, chính trị và xã
hội mà ông Kiệt có được là thông qua những lần đàm đạo với những con
người ấy.
Đầu thập niên 1990, khi Tổng bí thư Nguyễn
Văn Linh đang có những nỗ lực vận động quốc tế để bảo vệ thành trì xã
hội chủ nghĩa, ông Võ Văn Kiệt đến Davos và bắt đầu nhận thấy khoảng
cách giữa chủ nghĩa xã hội mà ông chứng kiến ở Đông Âu và “tư bản giãy
chết” mà Marx nói là một chặng đường xa xôi. Ông Võ Văn Kiệt cũng nhận
thấy, chế độ đang có những bế tắc mà “xé rào” cuối thập niên 1970 hay
“đổi mới” của thập niên 1980 là không thể nào tháo gỡ được.
Chú thích
(156) Bức thư của ông Võ Văn Kiệt đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng số
ra ngày 8-1-1982 có tựa đề, “Kính chào thành phố thân yêu, xin càng
siết chặt tay hơn trên nhiệm vụ mới”, đoạn về ông Nguyễn Văn Linh được
viết: “Tôi xin phép được giới thiệu anh Nguyễn Văn Linh, uỷ viên Bộ
Chính trị, được phân công về trực tiếp làm bí thư Thành uỷ. Anh Mười với
thành phố của chúng ta không phải là người xa lạ. Từ cuối những năm
1930, anh đã tham gia công tác ở Đảng bộ Sài Gòn. Suốt kháng chiến chống
Pháp, anh đã lãnh đạo Đảng bộ ở đây, sau năm 1954, từ lúc làm bí thư Xứ
uỷ Nam Bộ cho đến thời gian dài giữ những công việc chủ yếu trong Trung
ương Cục miền Nam, anh luôn theo dõi sát phong trào thành phố. Sau năm
1975, anh trực tiếp làm bí thư Thành uỷ. Sau Đại hội IV, anh phụ trách
Tổng Công đoàn và sau đó thay mặt Bộ Chính trị nhìn chung công việc các
tỉnh phía Nam. Anh vẫn rất gần gũi phong trào thành phố, thường xuyên
góp ý kiến với Đảng bộ về nhiều chủ trương và biện pháp lớn. Bên cạnh
anh Mười là cả một dàn cán bộ chủ chốt của Đảng bộ đều là những người đã
vào sanh ra tử với phong trào, gắn bó mật thiết với nhân dân nội, ngoại
thành, giàu tính năng động, sáng tạo”.
(157) Bộ trưởng Thương mại 1991-1998.
(158) Borisat Phatthana Khet Phoudoi - gọi tắt là BPKP.
(159) Hồ sơ vụ án Cimexcol (tài liệu riêng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt).
(160) Theo bản kiến nghị của các đại biểu thuộc đoàn đại biểu Quốc hội khoá VIII tỉnh Minh Hải gửi đi trong kỳ họp thứ Năm.
(16) 1 Tháng 4-1989, Ngô Hoàng Giang là
phó Phòng Thời sự Đài Truyền hình Cần Thơ, được cử phụ trách hai ê-kip
truyền hình tường thuật phiên toà xử vụ án mà “thần tượng” của bà, ông
Năm Hạnh, bị xếp thứ hai mươi mốt trong hàng bị cáo.
(162) Một nhân vật trong phim cùng tên của Trung Quốc, bị địa chủ hãm hại và được giải phóng bởi Hồng quân của Mao Trạch Đông.
(163) Ngày 23-22-1997.
(164) Thơ Tố Hữu.
(165) Phía sau tấm ảnh mà ông Kiệt tặng
Đại tá Trần Tấn Nghĩa ghi: “Mến tặng Nghĩa để kỷ niệm những ngày học tập
ở Trường Đảng và cũng là những ngày không thể quên nhau. VB (Việt Bắc)
ngày 13-2-1952. Ký tên: Kiệt. Kiệt Nam Bộ”.
(166) Tức Nguyễn Võ Danh, người bảo vệ Lê
Duẩn trong chuyến đào thoát sang Campuchia, về sau là phó bí thư Thành
uỷ Thành phố Hồ Chí Minh.
(167) Mật danh của Khu IX
(168) Bà Nguyễn Thị Bình, con gái của ông
Linh, viết: “Tôi còn nhớ, mỗi lần đi công tác nước ngoài cha tôi tự tay
duyệt danh sách cán bộ đi kèm, chỉ ai thực sự cần thiết ông mới đồng ý
cho đi, ông cấm việc lợi dụng đi nước ngoài để buôn bán. Có lúc ông nóng
giận làm căng tới mức anh em chưa hiểu cho là ông không biết thông cảm,
thiếu tế nhị. Sau đó, khi vui vẻ ông mới kể lại những gì ông đã nghe
người ta xì xào về các chuyến chuyên cơ đầy ắp hàng hoá, thực hư chưa
biết nhưng để cho nhân dân nghi ngờ như vậy thì buồn cho Đảng lắm. Đối
với gia đình, cha tôi cũng giữ nguyên tắc đó, suốt thời gian làm Tổng bí
thư ông chỉ cho người nhà theo ra nước ngoài hai lần. Một lần khi Thủ
tướng Ấn độ Ragiv Gandhi mời cả phu nhân cùng sang thăm. Lần thứ hai khi
Đảng Cộng sản Liên xô mời cả gia đình cùng sang nghỉ”.
(169) Ung Văn Khiêm là một trong những
người đầu tiên dự lớp huấn luyện Quảng Châu do Nguyễn Ái Quốc tổ chức và
trở thành một trong những xứ uỷ viên đầu tiên của Nam Bộ khi ba tổ chức
cộng sản ở Nam kỳ hợp nhất. Tháng 8-1945, ông Ung Văn Khiêm là bí thư
Xứ uỷ Nam Kỳ; ông làm bí thư Bạc Liêu khi ông Kiệt là phó bí thư. Năm
1963, sau Nghị quyết 9 “chống xét lại”, ông mất chức Bộ trưởng Bộ ngoại
giao những vẫn còn được giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Sau năm 1967, ông
bị quy kết dính líu tới “nhóm chống Đảng”, rồi chính thức bị kỷ luật vào
năm 1972 và bị cô lập tại gia những năm tiếp đó.
(170) Sau năm 1975, ông Võ Văn Kiệt đón
gia đình ông Ung Văn Khiêm vào Sài Gòn, cấp cho ông một căn nhà trên
đường Phan Thanh Giản.
(171) Con gái ông, chị Nguyễn Thị Bình,
viết: “Nhà có mảnh vườn còn rộng cha tôi nói chặn lại dành nuôi thêm gà
vịt, trồng thêm rau trái. Tôi còn nhớ rõ những ngày ấy, bước chân ra
khỏi cơ quan là đạp thẳng tới Cầu Sắt mua cám cho cút, tới nhà dựa xe
vào tường là vội vàng dọn chuồng, rồi trộn cám cho ngày mai, mang giỏ
trứng đi bỏ mối, nhiều bữa chín mười giờ đêm mới ăn cơm chiều… Cha thấy
chúng tôi vất vả cũng xót xa lắm, ông hay xuống dưới chuồng nhắc chúng
tôi nghỉ tay ăn cơm, lúc rảnh việc ông giúp chúng tôi cho cút ăn, thay
nước uống”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001