Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

BÊN THẮNG CUỘC - QUYỂN II - QUYỀN BÍNH- CHƯƠNG 20

Phần IV: Tam Nhân
Chương 20: LÊ KHẢ PHIÊU VÀ BA ÔNG CỐ VẤN


háng 6-1991, ông Lê Khả Phiêu mới được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương; năm 1992, vì giữ chức chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, ông được cơ cấu vào Ban Bí thư và tháng 1-1994, tại đại hội Đảng giữa nhiệm kỳ, ông được đưa vào Bộ Chính trị. Vậy mà tháng 12-1997, ông Lê Khả Phiêu đã trở thành Tổng bí thư. Nhưng, ông Lê Khả Phiêu làm Tổng bí thư ở một giai đoạn mà các nhà chính trị Việt Nam bắt đầu bị quan sát bởi Internet. Ông cũng làm Tổng bí thư khi các ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt vẫn giữ quyền bính như những “thái thượng hoàng”. Cho dù có không ít nỗ lực để thay đổi bên trong Đảng Cộng sản Việt Nam, người bị thay thế lại là ông Lê Khả Phiêu chỉ sau hơn ba năm giữ chức.

Kỷ nguyên Internet

Tuy con đường phát triển hạ tầng viễn thông được đắp bởi công lao của rất nhiều người, sự chấp thuận của ông Lê Khả Phiêu vào năm 1997 là rất quan trọng để Việt Nam có thể kết nối Internet. Đó là giai đoạn ông Phiêu bắt đầu nhận chuyển giao quyền lực và bản thân ông cũng không hình dung được khả năng thay đổi thế giới của công nghệ này. Internet từ đây sẽ đưa Việt Nam bước sang một kỷ nguyên rất khác.
Cuối thập niên 1980, điện thoại vẫn là một dịch vụ xa xỉ mà rất ít người dân miền Bắc biết tới. Cho dù tiếp quản một hệ thống viễn thông tương đối hiện đại của miền Nam, đến năm 1990, cả nước chỉ có chưa tới 80.000 máy điện thoại(479).
Cho đến giữa thập niên 1980, Việt Nam hoàn toàn là một quốc gia bị đóng cửa. Năm 1985, phải mất chín mươi phút mới có thể có một cuộc điện thoại gọi từ Việt Nam ra nước ngoài. Theo ông Đỗ Trung Tá(480), lúc đó Việt Nam chỉ có sáu kênh vô tuyến nối Việt Nam với Hồng Kông. Năm 1993, cũng theo ông Tá, tỉ lệ điện thoại chỉ đạt 0,087%, nghĩa là một vạn dân Việt Nam chưa có được một máy điện thoại.
Năm 1987, ông Đặng Văn Thân(481) đã có một quyết định làm thay đổi căn bản ngành viễn thông Việt Nam. Theo ông Đỗ Trung Tá: “Khi ấy, Liên Xô viện trợ không hoàn lại mười triệu rúp vàng để trang bị mạng thông tin cho Bộ Công an nhưng ông Thân thuyết phục ông Phạm Hùng không nên dùng vì cho dù đó là thiết bị hiện đại nhất của Đông Đức thì công nghệ analog của họ đã rất lạc hậu so với thế giới. Những thiết bị này sau đó được mang tặng Cuba. Trong số mười triệu rúp thiết bị ấy, ông Thân chỉ dùng bốn thứ: pin mặt trời, cột, kèo và xe chuyên dùng”. Công nghệ kỹ thuật số của “tư bản” được ông Thân chọn từ năm 1987, thông qua việc hợp tác đầu tư với Úc, đã mở ra một giai đoạn mới của ngành viễn thông Việt Nam cho dù đầu thập niên 1990, giá cước viễn thông của Việt Nam vẫn thuộc vào hàng đắt nhất thế giới(482).
Năm 1992, trong một lần làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Đặng Văn Thân đưa ra kế hoạch, đến năm 2000, Việt Nam sẽ có một điện thoại cho 100 dân. Ông Võ Văn Kiệt hỏi: “Tại sao phải là năm 2000 mà không phải là 1995”. Theo ông Tá, người cùng có mặt trong buổi làm việc: “Chúng tôi coi đó là một mệnh lệnh và trên đường về, chúng tôi đưa ra chiến lược tăng tốc hai giai đoạn: 1993-1995 và 1995-2000”. Khi bắt đầu đưa điện thoại di động vào Việt Nam, ông Đặng Văn Thân lại quyết định đúng khi chọn công nghệ số GSM, loại công nghệ mà châu Âu mới triển khai năm 1991. Ngày 16-4-1993, Mobifone, mạng di động đầu tiên của Việt Nam, chính thức đi vào hoạt động(483). Hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ viễn thông phát triển là cơ sở để Việt Nam tiến tới kết nối Internet.
Chiến tranh đã đưa Việt Nam tiếp cận với máy tính khá sớm(484), nhưng cho tới thập niên 1980, “tin học” vẫn là một khái niệm rất xa lạ đối với công chúng. Trong suốt thập niên 1980, khoa Toán trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đào tạo được 143 người có khả năng ứng dụng tin học vào quản lý kinh tế. Năm 1988, Tiến sỹ Nguyễn Quang A tiếp xúc với một Việt kiều có liên hệ với một công ty phần mềm của Pháp tên là Genlog. Một liên doanh 50-50 giữa Tổng cục Điện tử và Genlog, lấy tên là Genpacific, ra đời.
Theo ông Nguyễn Quang A: “Mục tiêu ban đầu của chúng tôi là nhận outsourcing phần mềm cho người Pháp”. Nhưng, kế hoạch này thất bại bởi không làm sao liên hệ được với các đơn đặt hàng. Khi ấy, phải chờ ít nhất bốn mươi phút mới có thể nối được một cuộc điện thoại với Paris, còn Air France thì phải hai tuần mới có một chuyến. Genpacific chuyển sang lắp ráp máy tính cá nhân.
Có khoảng sáu nghìn máy tính loại 286, tốc độ cực thấp: 8Mhz và bộ nhớ chỉ 20Mb, đã được Genpacific sản xuất trong năm 1989. Cho dù, theo ông Nguyễn Quang A, sản phẩm của ông chủ yếu được xuất sang Liên Xô, máy tính cá nhân đã được Genpacific tặng trường Nguyễn Ái Quốc và được nhiều doanh nghiệp, công sở, trường học ở Việt Nam trang bị. Sau Genpacific, Công ty 3C của Nguyễn Quang A và FPT bắt đầu kinh doanh máy tính, xã hội Việt Nam không còn phải học chay tin học nữa.
Tháng 8-1990, Giáo sư Phan Đình Diệu kêu gọi: “Nhà nước cần khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư tin học”. Ông cũng đề nghị Nhà nước đưa giáo dục tin học vào các nhà trường. Từ đầu năm 1990, ở Sài Gòn, tin học bắt đầu được ứng dụng trong ngành in ấn.
Chương trình quốc gia về công nghệ thông tin đề cập đến khả năng “một số hệ thông tin trong nước được ghép nối với các mạng thông tin quốc tế”(485). Tổng cục Bưu điện bắt đầu thiết lập mạng Vietpac X.25, cung cấp các dịch vụ truyền dữ liệu chuyển mạch gói công cộng, kết nối với mạng điện thoại tự động đã được số hoá. Đến cuối năm 1995, các dịch vụ thuê bao kênh X.25 đã đáp ứng nhu cầu đến tất cả các tỉnh lỵ và một số huyện, và cuối năm 1996 đến hơn 400 huyện trong cả nước.
Khoảng năm 1993, một kỹ sư ở Viện Công nghệ Thông tin, ông Trần Xuân Thuận lập ra mạng T-net với tham vọng tạo ra một mạng truyền dẫn mang tên ông nhưng không mấy thành công. Cùng thời gian ấy ở Viện Công nghệ Thông tin, ông Trần Bá Thái, trưởng phòng mạng trở thành người Việt Nam đầu tiên đi tiên phong khi Phòng của ông nhận chuyển giao công nghệ chuyển nhận thư điện tử UUCP từ Úc, lập ra mạng NetNam. Tháng 4-1994, NetNam đã chuyển một lá thư của Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho Thủ tướng Thuỵ Điển. Ông Kiệt trở thành người Việt Nam đầu tiên từ trong nước chính thức gửi email ra nước ngoài.
Cuối năm 1995, từ Khánh Hoà, ông Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm Tin học Teltic, Bưu điện Khánh Hoà, tiếp cận với cả ông Thuận, ông Thái, tự mày mò nghiên cứu công nghệ giao thức truyền thông Internet rồi lập ra mạng VietNet. VietNet thuê cửa ra Úc của NetNam và sử dụng hệ thống điện thoại nội bộ để kết nối với các thuê bao cá nhân. Từ 31-1-1996, VietNet chính thức hoạt động(486). Cuối năm 1996, về mặt nhà nước, một “taskforce” được thành lập để chuẩn bị kết nối Internet gồm: Chu Hảo, thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Mai Liêm Trực, Tổng cục Bưu Điện; Nguyễn Khánh Toàn, thứ trưởng Bộ Công an(487).
Những điều kiện tối thiểu để có thể nối mạng đều đã được chuẩn bị, lợi ích thì ai cũng rõ nhưng làm cho các nhà lãnh đạo hết lo sợ là một điều không hề dễ dàng. Thời điểm quyết định kết nối Internet cũng là thời điểm chuyển giao thế hệ lãnh đạo ở Việt Nam. Ông Chu Hảo nói: “Từ ông Võ Văn Kiệt đến ông Phan Văn Khải đều ủng hộ, nhưng khó nhất là phải được Bộ Chính trị cho phép”. Giáo sư Đặng Hữu, từ sau Đại hội VIII, tháng 6-1997, chuyển sang bên Đảng làm trưởng Ban Khoa giáo Trung ương. Từ bên trong, các uỷ viên Bộ Chính trị lo sợ Internet nhất được ông Đặng Hữu tìm cách thuyết phục(488).
Theo ông Đỗ Trung Tá, ông Đỗ Mười cũng trở thành một người ủng hộ, ông Mười nói: “Tôi mà thạo tiếng Anh có khi tôi còn sử dụng Internet nhiều hơn các anh vì tôi đọc nhiều hơn”. Phó Thủ tướng Phan Văn Khải yêu cầu nhóm phải trực tiếp báo cáo Ban Bí thư. Theo ông Chu Hảo: “Đến ngày hẹn, ông Đỗ Mười đang ở miền Nam, đề nghị chúng tôi báo cáo trực tiếp ông Lê Khả Phiêu, thời gian ấy là uỷ viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị”.
Gặp ông Lê Khả Phiêu, ông Mai Liêm Trực trình bày về pháp lý, Chu Hảo nói về kỹ thuật, Nguyễn Khánh Toàn báo cáo về đảm bảo an ninh. Đây là giai đoạn mà ông Lê Khả Phiêu sắp trở thành Tổng bí thư, ông tỏ ra khá cởi mở. Giáo sư Chu Hảo nói: “Chúng tôi chia sẻ những lo sợ của ông Phiêu cũng như của các vị trong Ban Bí thư về an ninh, về bí mật quốc gia, sợ văn hoá đồi truỵ và phản động tràn vào Việt Nam. Chúng tôi nói về những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong ngành bảo mật thông tin nhưng không dám khẳng định là kiểm soát được tất cả. Chúng tôi cho rằng tường lửa cũng như cái khoá, khoá tốt thế nào cũng có người mở được, nên vấn đề quan trọng vẫn là con người. Ông Phiêu rất thích lập luận ‘vấn đề quan trọng là con người’, ông đồng ý”.
Tháng 12-1996, Trung ương Đảng khoá VIII họp Hội nghị lần thứ hai bàn về khoa học công nghệ. Ông Đỗ Trung Tá nói: “Tôi mở một phòng máy và dùng sơ đồ đơn giản nhất để ‘giới thiệu Internet và các biện pháp đề phòng’. Các uỷ viên dự họp Trung ương được Tổng bí thư Đỗ Mười cho phép tới tìm hiểu về Internet và tường lửa. Bằng vài thuê bao Internet nối với server của VDC, tôi cho tải các websites có nội dung tốt xuống cho các uỷ viên Trung ương xem; rồi cho tải những web-sex, các uỷ viên Trung ương giữ ý quay mặt đi, tôi cho anh em biểu diễn kỹ thuật ngăn các web-sex này lại. Các uỷ viên Trung ương nói: Nếu làm được như thế thì cho mở được. Hội nghị Trung ương 2 thừa nhận Internet tải được trí tuệ của nhân loại về và tin rằng có thể ngăn các nội dung xấu”.
Ngày 5-3-1997, Chính phủ ban hành Nghị định 21 “quy định tạm thời quản lý Internet” theo nguyên tắc “quản lý được đến đâu thì phát triển tới đó”(489). Ngày 19-11-1997, tại trụ sở Tổng cục Bưu điện, 18 Nguyễn Du, Hà Nội, “Lễ kết nối Internet toàn cầu” đã được long trọng tổ chức(490).

Luân chuyển cán bộ

Ông Lê Khả Phiêu được đưa lên giữ chức Tổng bí thư trong một hội nghị Trung ương, thay vì được bầu trong đại hội (12-1997)(491). Sau khi nhận chức không lâu, ông Phiêu xuất hiện trong một cuộc họp báo với gần 200 phóng viên trong nước và quốc tế. Bộ quân phục cấp tướng đã được thay bằng comple xám, cavat màu sáng, mái tóc vốn loà xoà phủ trán, che sát cặp mắt nhỏ, được xịt keo, chải lật ra phía sau, để lộ vầng trán rộng. Cuộc họp báo được thực hiện vào buổi chiều, được ghi hình và sau khi biên tập, được phát trong chương trình thời sự tối của Đài Truyền hình Việt Nam. Ông Lê Khả Phiêu, rõ ràng, đã nỗ lực tạo ra khác biệt với những người tiền nhiệm.
Ngày 18-1-1998, khi đến thăm Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tuyên bố: “Dân chủ 100% là hình thức”. Trong nền chính trị của Việt Nam nơi mà các ứng cử viên của Đảng thường không lo sợ rớt mà chỉ lo mất phiếu mấy phần trăm thì phát biểu đó của Tổng bí thư có rất nhiều thông điệp. Tuy nhiên, quyết định mang tính cải cách chính trị ngay sau đó của ông: “Quy chế dân chủ ở cơ sở” lại là một điển hình về hình thức(492).
Quyền lực thực sự của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu bắt đầu được thể hiện sau Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 lần hai(493). Tuy trong Nghị quyết này, ông Lê Khả Phiêu đặt ra tham vọng “nghiên cứu lý luận trong nước và thế giới, làm rõ hơn mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta” nhưng trên thực tế chỉ có “cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng” và “luân chuyển, điều động cán bộ” mới thực sự giúp ông tạo ra những bước đi quyền lực.
Vấn đề luân chuyển, điều động cán bộ từng được Hội nghị Trung ương 3(494), khoá VIII đặt ra như một giải pháp nhằm “bồi dưỡng toàn diện, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn; khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ trong từng ngành, từng địa phương, từng tổ chức”. Nhưng, kể từ khi Nghị quyết này được thông qua (6-1997), việc luân chuyển cán bộ gần như chưa thực hiện.
Từ thập niên 1990, vai trò địa phương trong hệ thống chính trị Việt Nam càng ngày càng gia tăng. Điều này thể hiện qua con số các bí thư tỉnh uỷ được cơ cấu vào Trung ương(495). Đặc biệt, đại biểu địa phương cũng thường chiếm hơn 80% số đại biểu của các đại hội Đảng, thành phần thực sự có tiếng nói thông qua các lá phiếu. Kinh tế thị trường đã làm cho con số các tỉnh thành tự túc được ngân sách tăng lên. Luật Đất đai và Luật Đầu tư bắt đầu tăng thẩm quyền được cấp đất, cấp giấy phép đầu tư cho tỉnh, thành. Chính quyền địa phương bắt đầu có điều kiện để độc lập hơn với trung ương. Đây cũng là giai đoạn xuất hiện thuật ngữ “trên bảo dưới không nghe”, một câu đùa ý nhị còn để chỉ trật tự hành chính không còn trung ương tập quyền nữa.
Chính sách luân chuyển cán bộ không chỉ giúp Tổng bí thư Lê Khả Phiêu bố trí nhân sự của mình vào các vị trí chủ chốt mà còn đặt các nhà lãnh đạo địa phương vào thế phụ thuộc vào ông hơn. Đang là người đứng đầu một tỉnh, họ có thể bị “luân chuyển” đến một vị trí ngồi chơi xơi nước(496). Các quyết định “luân chuyển” lại chủ yếu được thông qua trong Thường vụ Bộ Chính trị nơi mà Tổng bí thư là người có tiếng nói quyết định.
Ngay sau khi nhậm chức, ông Lê Khả Phiêu đã đưa Bộ trưởng Lao động và Thương binh Xã hội Trần Đình Hoan về làm chánh Văn phòng Trung ương. Quyết định này được coi là nhằm tạo chỗ trống để có thể đưa một uỷ viên Trung ương cùng quê Thanh Hoá, bà Nguyễn Thị Hằng, lên Bộ trưởng Lao động và Thương binh Xã hội. Cuối năm 1999, một uỷ viên Trung ương người Thanh Hoá khác, ông Tô Huy Rứa phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia được luân chuyển về làm bí thư Thành uỷ Hải Phòng. Tháng 2-2000, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển bị “luân chuyển” về làm bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An.
Trong tiệc tiễn do Văn phòng Chính phủ tổ chức, ông Trương Đình Tuyển đã đọc một bài thơ của ông nói rằng, việc ra đi của ông đơn giản vì (Tổng bí thư) cần “chỗ trống”. Chỗ trống để đưa Thứ trưởng kỳ cựu Vũ Khoan rời Bộ ngoại giao, tạo “chỗ trống” cho ông Nguyễn Dy Niên, cùng quê Thanh Hoá với Tổng bí thư, lên Bộ trưởng.
Luân chuyển cán bộ còn ảnh hưởng tới các uỷ viên Bộ Chính trị: Tháng 1-2000, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Phan Diễn được điều về làm bí thư Quảng Nam Đà Nẵng thay thế ông Trương Quang Được ra Hà Nội làm Trưởng Ban Dân vận thay thế ông Nguyễn Minh Triết được điều trở lại Sài Gòn làm bí thư(497); Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh Trương Tấn Sang lại phải ra Hà Nội “lấp vào chỗ trống” Trưởng Ban Kinh tế của ông Phan Diễn.
Không mấy địa phương hài lòng với việc trung ương đưa người về nắm những vị trí chủ chốt, cho dù, có những người được điều “về quê” như Trương Đình Tuyển, bí thư Nghệ An, Phan Diễn, bí thư Quảng Nam - Đà Nẵng, và có những người như ông Nguyễn Minh Triết, được đưa về một nơi thế lực hơn. Luân chuyển có thể là cơ hội của người này, có thể lại chấm dứt sự nghiệp chính trị của người khác. Luân chuyển cán bộ, vì thế, vừa có thể tạo ra đồng minh, vừa tích luỹ “ân oán” cho ông Lê Khả Phiêu người vận hành cơ chế đó.

“16 chữ vàng”

Ông Lê Khả Phiêu còn phải nhận lãnh trách nhiệm lịch sử trong một giai đoạn mà quan hệ đối ngoại, đặc biệt là với Trung Quốc, có rất nhiều thử thách. Nguyên tắc “hai nước xã hội chủ nghĩa phải cùng chống âm mưu của đế quốc xoá bỏ chủ nghĩa xã hội” xác lập trước Hội nghị Thành Đô (9-1990) đã được Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và những đồng chí của ông đặt trên cả truyền thống cảnh giác nghìn năm trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc(498).
Là một vị tướng quân đội mới bắt đầu làm chính trị, ông Lê Khả Phiêu đã không tránh khỏi những ứng xử thiếu kinh nghiệm với các nhà lãnh đạo cơ mưu của Bắc Kinh. Những quyết định đưa ra trong nhiệm kỳ của ông đã từng bị chỉ trích cả trong nội bộ và trên dư luận, nhất là đối với những quyết định gay go để kết thúc đàm phán Hiệp định Biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Nhưng, trên nhiều phương diện, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu chỉ là người thừa kế những chính sách được thiết lập từ thời “Thành Đô”.
Đầu năm 1991, ông Đoàn Mạnh Giao được cử đi Đài Loan. Đây là chuyến đi đầu tiên của một quan chức Việt Nam đến một nhà nước không được chính quyền Trung Quốc công nhận. Đài Loan được coi là đối tác đầu tư tiềm năng số một của Việt Nam. Theo ông Đoàn Mạnh Giao: “Đôi bên cần mở một đường bay thẳng. Lâu nay, từ Đài Loan đến Việt Nam vẫn phải quá cảnh ở Bangkok. Tôi làm đề án, chuẩn bị khôi phục quan hệ kinh tế với Trung Quốc và khôi phục kinh tế dân gian với Đài Loan. Chủ nhiệm Văn phòng Trần Xuân Giá trình lên, ông Võ Văn Kiệt đưa ra Bộ Chính trị khoá VI, cả Bộ Chính trị đồng ý”.
Sau một thời gian ngắn đàm phán, Việt Nam chấp thuận cho hãng China Airline mở đường bay thẳng Kao Hung - Tân Sơn Nhất. Mọi việc chuẩn bị xong, China Airline mở tiệc ra mắt ở khách sạn Rex, Sài Gòn. Tiệc mời lúc 5 giờ 30 chiều, thì 1 giờ 30, Phó chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Hoàng Thúc Tấn nhận được điện thoại từ đích thân Tổng bí thư Đỗ Mười. Ông Đỗ Mười hỏi: “Ai phụ trách vấn đề Đài Loan?”. Ông Tấn: “Thưa anh, Đoàn Mạnh Giao?”. “Phải Giao con ông Đoàn Trọng Truyến không? Bảo cậu ấy nói chuyện với tôi”. Ông Giao cầm máy, ông Đỗ Mười hỏi: “Ai cho phép cậu bay với Đài Loan?”. Ông Giao: “Thưa, chính bác cho phép, Đề án đã được Bộ Chính trị thông qua ạ”. Ông Đỗ Mười: “Đấy là trước khi khôi phục quan hệ với Trung Quốc”.
Ông Đỗ Mười yêu cầu, ngay trong chiều hôm ấy, Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ và Đoàn Mạnh Giao phải sang làm việc với Ban Bí thư. Chiều, ông Trần Quang Cơ sang, cuộc làm việc có cả Thường trực Ban Bí thư Đào Duy Tùng và Chánh Văn phòng Trung ương Hồng Hà. Đào Duy Tùng nói thẳng: “Trước thì Bộ Chính trị chủ trương như thế, nhưng nay kinh tế phải phục tùng chính trị. Không cho Đài Loan bay. Nếu ai cho bay, tôi sẽ ra lệnh cho tên lửa bắn hạ”.
Buổi tiệc hôm ấy ở Rex và các chuyến bay từ Đài Loan sang Sài Gòn bị huỷ bỏ. Chủ tịch hãng China Airline gọi điện thoại cho ông Đoàn Mạnh Giao than phiền. Ông Giao trấn an: “Chuyện này sẽ được xử lý”. Ông Võ Văn Kiệt sau đó chỉ đạo lập hồ sơ cho thấy hàng không Đài Loan bay đến hầu như tất cả các nước, kể cả bay đến Quảng Châu, Trung Quốc, chứ không chỉ có bay đến Việt Nam để xin Bộ Chính trị khoá VII xem xét lại.
Ông Đoàn Mạnh Giao nói: “Ông Kiệt là người mà những lúc bế tắc luôn vượt ra khỏi ý thức hệ và ngoại giao kinh điển để đạt được mục đích”. Khi đó, ông Võ Văn Kiệt đang thèm khát nguồn vốn ODA từ Đài Loan cho đường dây 500kV và các công trình hạ tầng đầy tham vọng của ông. Đài Loan có quỹ OECDF có thể cho “những nước chậm phát triển có quan hệ kinh tế thực chất với Đài Loan” vay. Theo ông Đoàn Mạnh Giao: “Buổi tối trước khi tôi đi Đài Loan, ông Kiệt gọi lên Văn phòng. Tôi lên thấy ông đang ngồi một mình. Ông nói: ‘Qua đó, mày tìm cách vay năm mươi triệu USD cho đường dây 500kV’. Tôi nói: ‘Không được đâu chú ơi, quỹ này người ta chỉ cho vay cho các vấn đề xã hội’. Ông nói: ‘Vậy mới phải tìm cách’. Tôi sang gặp một quan chức quen của Đài Loan tên là Giang Bỉnh Khôn, chuyển thông điệp của Thủ tướng cho Đài Loan, ông Giang nói sẽ báo lên trên và tính”.
Ít lâu sau, Lâm Thuỷ Cát, vụ trưởng Vụ Á - Thái của Bộ ngoại giao Đài Loan đến Hà Nội gặp ông Đoàn Mạnh Giao, nói: “Có một việc khẩn thiết tôi muốn bàn: Tổng thống Lý Đăng Huy đang ở Indonesia, trên đường về muốn dừng ở Đà Nẵng và muốn hội kiến với Thủ tướng Võ Văn Kiệt một giờ. Việt Nam có thể bố trí để Thủ tướng đi tuần du miền Trung ghé qua. Cuộc gặp sẽ được giữ hết sức bí mật để thoả thuận một số việc, phía Đài Loan, sau cuộc gặp này có thể cho Việt Nam vay từ 300 đến 500 triệu USD”. Ông Giao nói: “Tôi báo lại với Thủ tướng, chỉ lưu ý ông là truyền thông Đài Loan có thể sẽ có được tin này và sẽ loan đi. Một tuần sau ông Kiệt nói ông Đỗ Mười đã đồng ý. Chưa kịp liên hệ với Lâm Thuỷ Cát thì mấy ngày sau ông Kiệt lắc đầu: “Hỏng rồi, ì xèo hết trong Bộ Chính trị. Căng lắm, không thuyết phục được”.
Nhưng chính quyền Đài Loan vẫn rất thực tế: Đường bay Kao Hung-Tân Sơn Nhất vẫn được mở. Văn phòng Kinh tế - Văn hoá Đài Bắc tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn được thiết lập. Ông Võ Văn Kiệt vẫn vay được ba mươi triệu USD đầu tiên với lãi suất rất thấp.
Kể từ năm 1991, quan hệ giữa Hà Nội và Trung Quốc bắt đầu được thúc đẩy bằng các “chuyến thăm hữu nghị”. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tăng dần nhịp độ đến Hà Nội: tháng 11-1992, Thủ tướng Lý Bằng; tháng 11-1994, Chủ tịch Quốc hội Kiều Thạch; tháng 6-1996, Tổng bí thư Đảng, Chủ tịch nước Giang Trạch Dân; tháng 11-1996, Thủ tướng Chu Dung Cơ. Nhưng, có thể nói, phải đến chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tới Bắc Kinh vào tháng 2-1999, công cụ “ý thức hệ” mới được Bắc Kinh khai thác ở “tầm cao” để đến gần hơn với Hà Nội.
Trong cuộc gặp thượng đỉnh này, Tổng bí thư Giang Trạch Dân đưa ra “hai phương châm” làm nền tảng cho quan hệ hai nước thể hiện trong “16 chữ vàng” và “4 tốt”. “16 chữ vàng” của Giang Trạch Dân là: “Ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện”. Và “4 tốt” gồm: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. “Hai phương châm” cùng với Bản Tuyên bố chung giữa Giang Trạch Dân và Lê Khả Phiêu đưa ra trong chuyến đi được hai Đảng đánh giá: “Đã xác định tư tưởng chỉ đạo và khung tổng thể phát triển quan hệ hai nước trong thế kỷ mới, đánh dấu quan hệ Trung Việt đã bước vào giai đoạn phát triển mới”. Thủ tướng Phan Văn Khải (1997-2006) nói: “16 chữ vàng với 4 tốt chỉ là những lời nói. Tôi làm thủ tướng cũng muốn tạo ra sự tin cậy lẫn nhau nhưng Trung Quốc chẳng tin mình, mình thì cũng không tin họ”.
Nhưng, như Đặng Tiểu Bình từng tuyên bố “Trung Quốc làm gì cũng có tính toán”. Đây là thời điểm Trung Quốc cần những quyết định của phía Hà Nội để kết thúc tiến trình đàm phán Hiệp định Biên giới.
Ngày 7-11-1991, trong chuyến đi Bắc Kinh của Tổng bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt, “Hiệp định tạm thời về việc giải quyết các công việc trên vùng biên giới hai nước”, Việt Nam - Trung Hoa, đã được ký kết. Đường biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc dài 1.406 km, có truyền thống lâu đời(499), bắt đầu được phân định lại.
Đường biên giới truyền thống đó là cơ sở để người Pháp, sau khi chiếm Bắc Kỳ, đàm phán với triều đình Mãn Thanh, ký Công ước 26-6-1887 và Công ước bổ sung 20-6-1895. Đây là hai văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên xác định biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, đường biên giới dài 1.406 km, từ Móng Cái đến biên giới Lào - Trung, chỉ có 341 cột mốc. “Lời văn công ước mô tả đơn giản, không rõ ràng, không phù hợp với thực địa, bản đồ tỷ lệ nhỏ, nhiều địa danh, khu vực không thể hiện như bãi Tục Lãm, Tài Xẹc, Dậu Gót, nhiều khu vực chưa được phân giới cắm mốc hoặc cắm mốc quá thưa. Ngoài ra, qua hơn trăm năm, hệ thống mốc cũng bị hư hại, xê dịch, phá huỷ do chiến tranh và thời gian”(500).
Năm 1955, ngay trong giai đoạn mà tình hữu nghị Việt - Trung đang được mô tả là như “môi với răng”, chính quyền Trung Hoa cộng sản đã có ý “đẩy lùi biên giới” sâu vào phía lãnh thổ Việt Nam: “Tại khu vực Hữu Nghị Quan, khi giúp Việt Nam khôi phục đoạn đường sắt từ biên giới Việt-Trung đến Yên Viên gần Hà Nội, lợi dụng lòng tin của Việt Nam, phía Trung Quốc đã đặt điểm nối ray đường sắt Việt Trung sâu trong lãnh thổ Việt Nam trên 300m so với đường biên giới lịch sử, coi điểm nối ray là điểm mà đường biên giới giữa hai nước đi qua… Cũng tại khu vực này, phía Trung Quốc đã ủi nát mốc biên giới số 18 nằm cách cửa Nam Quan 100m trên đường quốc lộ để xoá vết tích đường biên giới lịch sử, rồi đặt cột kilômét số 0 đường bộ sâu vào lãnh thổ Việt Nam trên 100m, coi đó là vị trí đường quốc giới giữa hai nước ở khu vực này”(501).
Ngày 2-11-1957, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi thư cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đề nghị hai bên giải quyết vấn đề biên giới trên cơ sở tôn trọng đường biên giới lịch sử theo hai Công ước Pháp - Thanh (1887 và 1895) và mọi tranh chấp có thể giải quyết bằng đàm phán. Tháng 4-1958, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trả lời đồng ý với đề nghị của phía Việt Nam. Điều này có thể được coi là một “thắng lợi quan trọng của quan hệ Trung - Việt” nếu như hơn một thập niên sau, Trung Quốc không lặp lại những điều mà họ đã làm hồi năm 1955.
Có lẽ ít có một quốc gia to lớn nào lại sử dụng những phương thức lấn cõi theo kiểu người Trung Quốc đã làm ở Việt Nam: “Ở một số địa phương, do địa hình phức tạp, điều kiện sinh hoạt của dân cư Trung Quốc gặp khó khăn, theo yêu cầu của phía Trung Quốc, Việt Nam đã cho mượn đường đi lại, cho dùng mỏ nước, cho chăn trâu, lấy củi, đặt mồ mả,… trên đất Việt Nam. Nhưng, lợi dụng thiện chí đó của Việt Nam, họ đã dần dần mặc nhiên coi những vùng đất mượn này là đất Trung Quốc. Khi xây dựng các công trình cầu cống trên sông, suối biên giới như cầu ngầm Hoành Mô, Quảng Ninh, cầu ngầm Pò Hèn, Quảng Ninh, đập Ái Cảnh, Cao Bằng, cầu Ba Nậm Cúm, Lai Châu,… phía Trung Quốc cũng lợi dụng việc thiết kế kỹ thuật làm thay đổi dòng chảy của sông, suối về phía Việt Nam, từ đó dịch dần đường biên giới”(502).
Chuyện Trung Quốc tự ý di chuyển, lén lút đập phá, thủ tiêu các cột mốc, lấy tên bản của Trung Quốc đặt cho xóm của Việt Nam… có thể tìm thấy ở bất cứ địa phương nào trên vùng biên giới. Họ cũng không ngần ngại áp dụng những phương thức như vậy để lấn chiếm những vùng lãnh thổ nổi tiếng lâu đời của Việt Nam như Đồng Đăng, thác Bản Giốc.
“Ngày 20-2-1970 phía Trung Quốc đã huy động trên 2.000 người kể cả lực lượng vũ trang lập thành hàng rào bố phòng dày đặc bao quanh toàn bộ khu vực thác Bản Giốc thuộc lãnh thổ Việt Nam, cho công nhân cấp tốc xây dựng một đập kiên cố bằng bê tông cốt sắt ngang qua nhánh sông biên giới, làm việc đã rồi, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên sông và ở cồn Pò Thoong, và ngang nhiên nhận cồn này là của Trung Quốc. Khi quan hệ hai bên còn hữu nghị, Trung Quốc đã xây dựng đường sắt vượt qua đường biên giới lịch sử 300m rồi coi điểm nối ray đó là biên giới. Họ trắng trợn nguỵ biện rằng khu vực hơn 300m đường sắt đó là đất Trung Quốc vì không thể có đường sắt của nước này đặt trên lãnh thổ nước khác”(503).
Đàm phán biên giới Việt - Trung lần thứ nhất diễn ra tại Bắc Kinh ngày 15-8-1974, khi “tình hữu nghị” giữa hai nước bắt đầu có những rạn nứt sau chuyến đi năm 1972 của Nixon. Sau khi đánh chiếm Hoàng Sa, ngày 19-1-1974, Trung Quốc bắt đầu gia tăng các hoạt động khiêu khích biên giới(504). Đàm phán lần thứ hai, kéo dài từ ngày 7-10-1977 tới tháng 6-1978, diễn ra khi các vụ khiêu khích vũ trang từ phía Trung Quốc tăng cao hơn(505). Đối thoại chấm dứt khi xung đột lên đỉnh điểm bởi vụ “nạn kiều”. Sau cuộc chiến tranh biên giới, kéo dài từ ngày 17-2 đến 5-3-1979, ngày 18-4-1979, cuộc đàm phán lần thứ ba được nối lại tại Hà Nội. Nhưng, từ đó cho đến năm 1991, xung đột vũ trang liên tục diễn ra. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, mỗi năm Trung Quốc gây ra hơn tám trăm vụ khiêu khích biên giới(506).
Đàm phán chỉ thực sự bắt đầu ở vòng thứ tư, tháng 10-1992, sau khi Việt Nam bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc. Ngày 19-10-1993, hai đoàn đàm phán chính phủ đã ký thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ(507).
Trên cơ sở bản đồ và thực địa, hai bên đưa ra đường biên giới trên thực tế theo nhận thức của mình. Đây là một công việc không hề dễ dàng cho Việt Nam vì phần đất biên giới phía Việt Nam vẫn đầy mìn Trung Quốc. Chiến tranh cũng đã buộc dân chúng ở nhiều nơi phải rời khỏi những vùng đất sinh sống và canh tác truyền thống. Trong khi đó, các đoàn khảo sát từ Hà Nội lên lại chỉ tiến hành “xác lập bản đồ hiện trạng” trong bí mật. Những phần đất mà bản “Bị vong lục ngày 15-3-1979 của Bộ ngoại giao Việt Nam” mô tả là đã “bị Trung Quốc dùng những thủ đoạn xấu xa” để lấn chiếm trong giai đoạn từ năm 1955 đến năm 1978 giờ đây phần lớn được gọi là những khu vực “hai bên có nhận thức khác nhau”(508). Cả Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm và trưởng đoàn đàm phán giai đoạn đầu, ông Vũ Khoan, đều thừa nhận, các địa phương không hài lòng với kết quả này.
Trong khi đó, kể từ năm 1993, Trung Quốc tiếp tục gây xung đột ở nhiều sắc thái khác nhau để tiếp tục gây áp lực lên các vòng đám phán. Đường lên cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn, phải dừng lại trước đường biên 63m. Cho dù cột mốc 44, cắm từ thời Pháp - Thanh vẫn còn, năm 1993, khi tỉnh Lạng Sơn cho rải đá, lực lượng vũ trang Trung Quốc từ phía Ái Điểm, đã tràn sang để ngăn cản việc thi công. Ngày 28-5, Trung Quốc đưa hàng trăm binh sỹ có vũ trang từ Ái Điểm sang, theo sau là mười lăm xe chở đá. Trong khi phía Việt Nam chưa kịp phản ứng, hai xe “vượt biên” sang đổ đá chồng lên đoạn công nhân Việt Nam đang thi công. Ngay lập tức bộ đội biên phòng, hải quan, công nhân và nông dân Chi Ma được huy động ra ngăn chặn.
Ngày 11-6-1993, lính Trung Quốc rút. Từ đó, Tổ cột mốc 44 được đồn biên phòng Chi Ma thành lập, bảy cán bộ biên phòng đã phải túc trực 24/24, trong gió Chi Ma thổi bạc mặt, trong rét Chi Ma có khi xuống dưới độ 0. Vì bị phía Trung Quốc ngăn cản không thể dựng nhà, Tổ cột mốc 44 chỉ có thể dựng một túp lều bằng sáu cọc tre và những thùng giấy carton nằm bên lãnh thổ Việt Nam năm mét.
“Nhật ký” của Tổ ghi nhận ba mươi hai sự kiện tiêu biểu xảy ra xung quanh mốc 44: một lần biên phòng Ái Điểm, Trung Quốc, cho dựng một nhà tạm lấn sang đất Việt Nam hai mét; hai mươi hai lần lực lượng vũ trang Trung Quốc xâm nhập sâu vào đất Việt Nam từ năm đến ba mươi lăm mét, bảy lần xâm canh, một lần lén chôn một bia đá sang đất Việt Nam hai mươi mét… Phía bên kia mốc 44, Trung Quốc dựng một bức tường đá, dày một mét, cao ba mét, bao bọc đồn Ái Điểm. Trên bức tường đó, sâu hoắm những lỗ châu mai, nhìn sang.
Thiếu tá Lục Văn Moong, người từng là đồn phó Chi Ma bốn năm, nói: “Có rất nhiều chuyện không được ghi chép, đó là những cục đá được ném sang từ phía bên kia lúc nửa đêm”(509). Mỗi tấc đất biên giới trong thời gian này, không chỉ để cấy lúa, trồng rau mà còn là khát vọng lãnh thổ và ý chí quốc gia của đôi bên. Tại Cao Bằng, nhiều nơi, bộ đội biên phòng phải dựng lưới B40 cho nông dân cày cấy ở những thửa ruộng giáp biên để ngăn phía Trung Quốc ném đá sang. Ở Hà Giang, cho đến trước khi tiến trình phân giới cắm mốc thực hiện xong, hầu hết các điểm cao chiến lược đều đang có quân Trung Quốc chiếm đóng.
Ngày 30-12-1999, sau sáu vòng đàm phán ở cấp chính phủ, mười sáu vòng đàm phán ở cấp chuyên viên, chủ yếu tập trung xử lý 164 khu vực C, hai bên đã ký “Hiệp ước hoạch định biên giới đất liền”.Theo đó: “Quy thuộc khoảng 114,9 km2 cho Việt Nam (gồm 112,3km2 thuộc khu vực C; 2,6 km2 thuộc khu vực A và B) và khoảng 117,2 km2 thuộc Trung Quốc (trong đó có 114,8 km2 thuộc khu vực C; 2,4 km2 thuộc khu vực A và B)”(510). Nhìn qua các con số thì có vẻ như “đây là một kết quả công bằng”(511). Nhưng, trên thực tế, chính quyền địa phương, các cán bộ biên phòng và người dân nhìn thấy từng tấc đất giờ đây đã thuộc về Trung Quốc. Theo ông Nguyễn Mạnh Cầm: “Khi tôi lên, Cao Bằng nói, những phần đất này lâu nay là của ta sao các anh để thế này. Tôi phải giải thích là phải theo các nguyên tắc đã thoả thuận trong quá trình đàm phán”.
Quá trình “chuyển đường biên giới từ lời văn Hiệp ước 1999 và bản đồ ra thực địa, một cách chính xác, rõ ràng và đánh dấu bằng một hệ thống mốc giới chính quy hiện đại” vẫn là một con đường cam go. Ở 109 “khu vực tồn đọng”, được coi là những “khu vực khó, nhạy cảm, có lịch sử tranh chấp lâu đời”, hai bên đã phải tiến hành thêm mười lăm vòng đàm phán các loại, “vòng ngắn nhất kéo dài chín ngày, vòng dài nhất hai mươi ba ngày, phiên họp dài nhất ba mươi mốt giờ liền”(512), để “giải quyết các mâu thuẫn giữa lời văn với bản đồ đính kèm Hiệp ước, giữa bản đồ với thực địa và sự không rõ ràng của một số từ ngữ trong Hiệp ước”(513).
Một trong những “khu vực nhạy cảm”, cửa khẩu Hữu Nghị, mốc km0 nơi đường biên giới giờ đây đi qua vốn là mốc 19 cũ của Pháp, cách điểm nối ray 148m về phía Bắc. Đối chiếu với “Bị vong lục ngày 15-3-1979 của Bộ ngoại giao Việt Nam” sẽ thấy cột mốc tham chiếu ở khu vực này không phải là “19 cũ” mà là “cột mốc 18 nằm cách cửa Nam Quan 100m trên đường quốc lộ đã bị Trung Quốc ủi nát để xoá vết tích đường biên giới lịch sử, rồi đặt cột km0 đường bộ sâu vào lãnh thổ Việt Nam trên 100m”. Nếu 300m từ đường biên giới lịch sử đến điểm nối ray này là khu vực có “nhận thức khác nhau”, thì việc Việt Nam được chia 148m so với phần nước lớn Trung Quốc được chia 152m là công bằng như các nhà đàm phán giải thích. Nhưng, phần 300m này là của Việt Nam, năm 1955 bị Trung Quốc lấn vào so với đường biên lịch sử(514).
Tại khu vực thác Bản Giốc: “Theo quy định của Hiệp ước 1999, luật pháp và thông lệ quốc tế, đường biên giới đi theo trung tuyến dòng chảy phía Nam cồn Pò Thoong, hai bên đã điều chỉnh đường biên giới đi qua cồn Pò Thoong, qua dấu tích trạm thuỷ văn xây dựng những năm 1960, quy thuộc 1/4 cồn, 1/2 thác chính và toàn bộ thác cao cho Việt Nam”(515). Thác Bản Giốc là một biểu tượng mà trong suốt hàng trăm năm đã nằm trong tiềm thức của người Việt Nam. Bức ảnh nổi tiếng về thác Bản Giốc do nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh chụp đã từng ngự trị trong sách giáo khoa, trên các tờ lịch in màu hiếm hoi của miền Bắc thời trước năm 1975.
Theo “Bị vong lục 15-3-1979 của Bộ ngoại giao” thì toàn bộ khu vực thác Bản Giốc nằm trong lãnh thổ Việt Nam cho tới ngày 20-2-1970 mới bị phía Trung Quốc “đưa 2.000 người kể cả lực lượng vũ trang” sang lấn chiếm. Các tài liệu lịch sử của người Pháp và những người dân sống lâu năm ở khu vực Đàm Thuỷ đều biết rõ toàn bộ thác Bản Giốc nằm sâu trong biên giới Việt Nam chứ không phải là phần được “quy thuộc” như các nhà đàm phán trong thập niên 1990 giải thích(516).
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm thừa nhận: “Anh em Cao Bằng cũng phản ứng, nhưng muốn thoả thuận được thì mình cũng phải nhượng bộ”. Tại khu vực thác Bản Giốc, theo quy định của Hiệp ước 1999, đường biên giới đi theo trung tuyến dòng chảy phía Nam cồn Pò Thoong. Ông Nguyễn Mạnh Cầm giải thích: “Sở dĩ chia thác Bản Giốc như vậy là vì trước đó mình đã thoả thuận nguyên tắc ‘đường biên giới đi theo trung tuyến dòng chảy’. Nguyên tắc này do anh Vũ Khoan trực tiếp đàm phán thoả thuận với Đường Gia Triền. Tất nhiên là có xin ý kiến Bộ Chính trị”.
Theo ông Vũ Khoan: “Bản thân vấn đề là quá phức tạp, chúng tôi phải lần mò từng mét đất. Năm 1991, thoả thuận nguyên tắc mở ra đàm phán biên giới. Năm 1992 bắt đầu đàm phán nguyên tắc, ông Võ Văn Kiệt chỉ đạo trực tiếp cụ thể và phải bàn, quyết định tập thể. Nhiều người không hiểu, một con sông ở biên giới hai nước thì phải chia đôi. Thực tế lịch sử có những điều mình nói cũng không đúng”. Ông Nguyễn Mạnh Cầm thừa nhận: “Năm 1993, khi thông qua những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới, thấy rằng việc phân chia theo trung tuyến dòng chảy là một nguyên tắc hợp lý. Lúc bàn nguyên tắc này, Bộ Chính trị chưa nghĩ tới những trường hợp cụ thể như Bản Giốc”.
Theo Thủ tướng Phan Văn Khải: “Thác Bản Giốc mình không thể nào lấy hết. Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chịu nhưng kéo dài quá thì không xong toàn cục. Bãi Tục Lãm họ có ý đồ lấn thật. Tổng bí thư Lê Khả Phiêu và Cố vấn Đỗ Mười cũng phải đấu với Trung Quốc trên tình hữu hảo mới được như vậy. Tôi, ông Vũ Khoan và ông Lê Khả Phiêu đã đấu tranh rất căng thẳng nhưng đôi bên cũng phải có nhân nhượng, chẳng thà mình có một phân định sau này còn có cơ sở để đấu tranh”.
Việc hoạch định biên giới, cụ thể là phân chia 227 km2 nằm trong 164 khu vực có tranh chấp, hoặc có nhận thức khác nhau về hướng đi của đường biên giới, gọi là khu vực C được quyết định trong nhiệm kỳ của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu và Thủ tướng Phan Văn Khải. Tương nhượng là điều không thể tránh khỏi trong các cuộc đàm phán, nhưng tương nhượng ở Hữu Nghị Quan, thác Bản Giốc, những nơi mà từ xa xưa các nhà nước Việt Nam đều đã khẳng định chủ quyền và trong tiềm thức nhân dân, đã trở thành một phần lãnh thổ thiêng liêng quả là những quyết định khó phân công, tội.
Còn một sự nhượng bộ khác mà chắc chắn lịch sử rồi sẽ có ý kiến đó là nhượng bộ trên điểm cao 1509, Vị Xuyên, Hà Giang.
Ngày 16-5-1984, sau mười tám ngày dùng một lực lượng lớn tấn công, Trung Quốc đã chiếm và chốt giữ hai mươi chín điểm dọc biên giới Việt Nam, trong đó có điểm cao 1509. Hàng ngàn người lính Việt Nam đã hy sinh trong các đợt phản công lấy lại hai mươi cao điểm ở Thanh Thuỷ, Vị Xuyên bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1984. Nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang, có 1680 ngôi mộ. Trong đó, 1600 mộ là của các liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến tranh Biên giới, đa số hy sinh trong giai đoạn 1984 - 1985, có người hy sinh năm 1988 khi tái chiếm điểm cao 1509. Giai đoạn 1984 - 1985, theo ông Nguyễn Thanh Loan, người trông coi nghĩa trang: “Cứ nửa đêm về sáng, xe GAZ 69 lại chở về từng túi tử sỹ xếp chồng lên nhau”.
Theo Đại tá Phó chỉ huy trưởng Biên phòng Hà Giang Hoàng Đình Xuất: “Từ khi chiếm được điểm cao 1509, Trung Quốc cho xây dựng trên đỉnh một pháo đài quân sự. Ở phía bên kia, Trung Quốc xây được đường xe hơi lên tận đỉnh trong khi bên mình dốc, hiểm trở. Theo nguyên tắc mà hai bên thống nhất, đường biên giới đi qua đỉnh, cắt đôi pháo đài mà Trung Quốc xây dựng trên cao điểm này, nhưng khi hoạch định biên giới, phía Trung Quốc cho rằng, đây là một khu vực có ý nghĩa thiêng liêng nên họ xin được giữ lại toàn bộ pháo đài để làm du lịch. Đau xót là các nhà lãnh đạo của chúng ta đã đồng ý. Phần Việt Nam nhượng Trung Quốc ở đây tuy chỉ có 0,77 hecta nhưng, 1509 là một vị trí chiến lược. Từ trên pháo đài ấy có thể nhìn thấy từng chiếc ô tô ở thị xã Hà Giang”.
Tuy không bình luận trực tiếp trường hợp điểm cao 1509, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm giải thích: “Tôi nghĩ, các anh ấy cũng biết, nhượng một tấc đất là có tội, nhưng với một nước lớn như Trung Quốc thì tranh chấp phải được giải quyết để có được một biên giới hoà bình. Trước đó không ngày nào là không có khiêu khích”. Chính quyền Trung Quốc đã liên tục gây sức ép, từ cả những việc nhỏ mọn như ném đá vào những người dân Việt Nam cày cấy trên lãnh thổ bên biên giới của mình. Điều này đe doạ sự ổn định mà chính quyền Việt Nam kỳ vọng nên không dám bảo lưu những “khu vực nhạy cảm” như thác Bản Giốc, Hữu Nghị Quan… Theo ông Vũ Khoan: “Bảo lưu là mình luôn phải sống trong nơm nớp”.
Đường biên giới trước đây chỉ có 341 cột mốc, nay được đánh dấu chi tiết hơn bằng 1.971 cột mốc, với 1.378 vị trí mốc chính và 402 vị trí mốc phụ. Theo ông Nguyễn Hồng Thao: “Kết quả này là sự thể hiện sinh động của mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt”(VNN). Nguyễn Hồng Thao là thành viên của Đoàn đàm phán, ông ấy có thể chỉ nhắc lại “phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt” như một cái máy ngoại giao. Nhưng người dân Việt Nam thì không mấy ai thiếu trải nghiệm để hiểu sâu về người láng giềng tự cho là tốt đó.
Việt Nam đã phải phân chia biên giới phía Bắc trong thế yếu. Yếu không chỉ vì đàm phán với một đối tác to lớn hơn mình gấp nhiều lần, với một chính quyền rất khó lường, mà còn vì, toàn bộ quá trình đàm phán, hoạch định và phân giới cắm mốc đều được tiến hành trong bí mật. Trí tuệ của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước không được tập hợp. Sức mạnh của dư luận không được sử dụng để vạch trần những thủ đoạn khiêu khích của Bắc Kinh. Sự hiểu biết thực địa của người dân biên giới đã không được khai thác để giúp Việt Nam giữ từng tấc đất.

Hiệp định thương mại Việt-Mỹ

Cũng năm 1999, trong khi mang “Phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt” về từ một láng giềng nhiều thủ đoạn, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu lại đánh mất cơ hội ký hiệp định thương mại với một đối tác tiềm năng: Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ.
Tại tiểu bang Ohio (Mỹ), sau khi thông báo quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận của Tổng thống Bill Clinton với Bộ trưởng Lê Văn Triết, Bộ trưởng Ron Brown đề nghị bộ thương mại hai nước lập ra tổ công tác chuẩn bị cho quan hệ song phương. Brown cho biết luôn là ông sẽ lập nhóm USTA do bà Barshefsky làm nhóm trưởng. Khi trở về Việt Nam, Bộ trưởng Lê Văn Triết đến thẳng phủ thủ tướng, chờ ông ngoài Thủ tướng còn có Bộ trưởng Đậu Ngọc Xuân, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm.
Ông Triết kể chi tiết cuộc trò chuyện với Ron Brown. Ông Kiệt hỏi: “Theo anh, điều này sẽ tác động đến việc mở cửa của Việt Nam như thế nào?”. Ông Triết: “Theo tôi, nó phù hợp với chủ trương đa phương hoá, thêm bạn bớt thù. Chắc chắn sẽ có một số anh chưa nhất trí, có anh sẽ phân vân, nhưng mình mà lẩn quẩn thì không những mất cơ hội mà còn ảnh hưởng đến việc mở rộng quan hệ với những đối tác khác”. Ông suy nghĩ rồi nói: “Các anh nghiên cứu ngay xem quyết định bỏ cấm vận sẽ tác động đến việc Việt Nam mở rộng quan hệ với các nước như thế nào. Phần ngoại giao, anh Cầm phải có kế hoạch mở rộng quan hệ đa phương ngay sau khi Mỹ chính thức tuyên bố. Anh Triết chuẩn bị tờ trình, trình Bộ Chính trị xin chủ trương cho đàm phán ký kết hiệp định thương mại với Mỹ”. Ông Triết hỏi: “Ký một hiệp định song phương như với các nước?”. Ông Kiệt nói: “Đúng!”.
Ông Lê Văn Triết kể: Tôi về làm phương án đàm phán, chuẩn bị xong, tôi mời đại diện Bộ ngoại giao, Tài chánh, Ngân hàng, Bộ Kế hoạch Đầu tư… tới họp và góp ý. Văn phòng Trung ương cũng thông báo năm ngày sau đó Bộ Chính trị sẽ nghe trình bày. Tại cuộc họp Bộ Chính trị, tôi trình bày xong, ông Đỗ Mười nói: “Yêu cầu các bộ có phản biện trước”. Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Đậu Ngọc Xuân vun xới mạnh. Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm phát biểu thận trọng. Thứ trưởng Bộ Tài chánh Chu Tam Thức thì chừng mực. Nghe xong, ông Đỗ Mười phát biểu rất căng: “Chúng ta đã đổi mới thành công, các nước đều thừa nhận, đời sống khá hơn có cần bàn tay của Mỹ?”. Ông Đậu Ngọc Xuân nói: “Sự giúp đỡ của Mỹ là cần thiết”. Ông Đỗ Mười: “Mình hoàn toàn độc lập, cần gì phải giúp đỡ. Việc gì phải ký hiệp định thương mại?”.
Hôm ấy, theo chỉ đạo của anh Kiệt, Bộ Thương mại trình một lúc hai đề án: một để đàm phán gia nhập WTO, một để ký BTA(517). Nhưng, theo ông Triết, với cả hai, ông Đỗ Mười nói: “Việt Nam còn nghèo, hàng hoá sản xuất tỷ trọng bao nhiêu, ăn thua gì, ra nó đè chết ngay lập tức. Cái thứ ba, mình xưa giờ chủ yếu quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, chỉ am hiểu xã hội chủ nghĩa. Giờ quan hệ với người ta, bị buộc phải theo những quy định của người ta mình càng mất độc lập”. Bấy giờ ông Triết mới nhận ra lý do ông Võ Văn Kiệt mời bằng được Cố vấn Phạm Văn Đồng tham gia phiên họp này. Theo đề nghị của ông Kiệt, Cố vấn Phạm Văn Đồng phát biểu ngắn: “Bây giờ là thời kỳ toàn cầu hoá, ai cũng phải có quan hệ với các quốc gia. Đường lối đa phương hoá mà ta đã đi là đúng. Đã đúng thì cứ tiếp tục. Thời đại này không ai còn tự cung, tự túc. Có gì mà không dám làm ăn với Mỹ với WTO”.
Ông Kiệt tiếp lời: “Tôi tán thành ý kiến anh Đồng. Xu thế đó là không thể tránh khỏi. Nói để anh Mười yên tâm, tiền thân của WTO là GATT, một tổ chức mà Liên Xô là sáng lập viên, lúc đầu có ba mươi quốc gia. Chỉ khi có khối SEV, Liên Xô mới rút ra. Bây giờ nước Nga cũng muốn trở lại WTO, làm đơn xin mà họ đã chấp nhận đâu. Những nước tham gia đều theo những nguyên tắc nhất định được hình thành bằng sự đóng góp của các thành viên. Đã có 100 nước tham gia, có những nước yếu hơn Việt Nam, nhiều nước còn phải sắp hàng. Anh Đồng rất đúng, Việt Nam tuy còn yếu, hàng hoá chưa nhiều, chưa hiểu hết quy luật. Nếu mình đứng ngoài thì sẽ như cũ. Tham gia vào thì đội ngũ mới trưởng thành. Mới hiểu thị trường, luật pháp ra sao mà ứng phó. Phải tham gia để có tiếng nói của mình, còn nếu đứng ngoài thì họ quyết sao mình chịu vậy. Trung Quốc đã gửi hàng trăm người đi đàm phán lâu nay mà vẫn chưa được. Giữ gìn chế độ là nhiệm vụ của mình, nhưng không thể giữ chế độ bằng cách không chơi với ai cả”.
Ông Phạm Văn Đồng tiếp: “Anh Mười lo lắng mình bị lép vế cũng có lý vì mình còn yếu. Nhưng, tôi thì tôi không sợ. Như anh Kiệt nói, phải vào hang mới bắt cọp”. Ông Đỗ Mười không kết luận. Ông Phạm Văn Đồng đề nghị: “Bộ Thương mại và Bộ ngoại giao hoàn chỉnh phương án, để báo cáo lại”.
Tháng 5-1996, ông Nguyễn Đình Lương tháp tùng ông Lê Văn Triết đi Washington, DC., gặp Charlene Barshefsky, trưởng Đại diện Thương mại Mỹ. Thông điệp mà Barshefsky chuyển cho ông Triết vẫn là Hoa Kỳ sẵn sàng ký hiệp định thương mại song phương. Ông Lương nói: “Khi về nhà, tôi biết số phận của mình. Tháng 8-1996, tôi chuẩn bị một tờ trình, phân tích bối cảnh quốc tế, phân tích những ý đồ của Hoa Kỳ đối với Việt Nam rồi đề ra năm nguyên tắc để Bộ trưởng ký trình thủ tướng. Ông Triết đưa ra lấy ý kiến trong Bộ, một số cán bộ chủ chốt không đồng ý, lấy lý do, “không cần bàn nguyên tắc, cần bàn cụ thể thôi”, ông Triết cũng phân vân chưa ký. Phải một tháng sau, trước giờ ông Lê Văn Triết ra sân bay đi nước ngoài, tôi nói: “Anh ký đi, Văn phòng Chính phủ giục”. Ông ký. Chiều tôi mang lên Văn phòng Chính phủ. Sáng hôm sau, Văn phòng gọi: Lương ơi, báo tin mừng cho mày, anh Sáu (Võ Văn Kiệt) chỉ ghi một chữ: ‘Đồng ý’, viết từ bên này trang giấy kéo sang tới bên kia”.
Đàm phán Việt- Mỹ, theo ông Nguyễn Đình Lương: “Lên bờ xuống ruộng. Năm năm cực kỳ khó khăn. Khó nhất là vì ngay từ khi bắt đầu, ông Võ Văn Kiệt đã không còn ở vị trí quyết định. Trong các vị lãnh đạo, số người đồng ý không nhiều, lý do: đây là vấn đề nhạy cảm, nhiều người muốn mình không trắng, không đen, công được hưởng, tội không phải mình. Tôi là một quan chức bé tí. Nhưng cuộc họp nào cũng phải có mặt, vì viết bài, sửa bài cũng tôi. Bộ Chính trị họp xong bảo chuẩn bị bài ra Ban Chấp hành. Cứ tiếc, ông Kiệt không còn làm Thủ tướng nữa”.
Lúc ấy trên Bộ Chính trị còn có ba ông cố vấn: Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt. Ông Lương nói, chúng tôi gọi Tổng bí thư là “hoàng thượng”, trên “hoàng thượng” là “vương gia”. Trước khi quyết, “hoàng thượng” còn phải xem ý “vương gia”. “Vương gia” lại có hai phía, người ủng hộ quyết liệt, người thì không. Theo ông Lương: “Cứ mỗi khi họp Bộ Chính trị, chúng tôi lại phải hỏi Văn phòng: ông Kiệt có ra họp không. Có mặt ông Kiệt thì cán cân sẽ khác. Từ đầu, quan điểm của ông Kiệt đã rất rõ ràng: phải bình thường hoá với Mỹ, ký Hiệp định Biên giới với Trung Quốc, ký Hiệp định thương mại Việt-Mỹ. Trong cuộc họp, có khi ông mở đầu, nhưng thường, ông nghe hết các ý kiến. Cho dù các ý kiến trong cuộc họp phát biểu theo chiều hướng nào thì ý kiến của ông Kiệt vẫn là phải ký”.
Ngày 30-8-1999, ông Nguyễn Đình Lương sang Washington, D.C., hoàn tất văn bản để chuẩn bị ký. Theo ông Lương: Ngày 1-9, khi tiếp ông Lương tại phòng làm việc, Phó đại diện thương mại Hoa Kỳ Richard Fisher nói: “Lương, tôi hỏi ông một câu thôi: phía Hoa Kỳ định ký BTA tại Hội nghị APEC(518), Việt Nam có ký không?”. Ông Lương nói: “Chắc chắn ký với điều kiện ông giải quyết cho tôi mươi vấn đề”. Thực ra, theo ông Lương: “mươi vấn đề mà tôi đề nghị ấy chỉ là tiểu tiết nhưng các nhà lãnh đạo bên Đảng đòi giải quyết”. Fisher nói: “Ông về báo với lãnh đạo của ông, nếu Việt Nam quyết định ký tại Auckland, có sự chứng kiến của Bill Clinton thì những vấn đề còn lại sang đó sẽ được giải quyết hết”. Hội nghị APEC cấp Bộ trưởng dự kiến nhóm họp vào ngày 9 và 10-9-1999 và cuộc gặp cấp cao lần thứ 11 sẽ diễn ra ngày 12 và 13- 9-1999 tại Auckland, New Zealand.
Ông Nguyễn Đình Lương nói tiếp: “Tôi về báo cáo. Bộ Chính trị họp đồng ý nhưng chưa ra thông báo. Hai ngày trước khi APEC nhóm họp, phía Hoa Kỳ cử bà Ngoại trưởng Madeleine Korbelová Albright sang Hà Nội. Albright sang, chỉ làm một việc duy nhất là thuyết phục ký. Bill Clinton muốn gây tiếng vang, ông ta muốn kết thúc trang sử quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Nếu việc ký kết thành công, tháng 11-1999, Bill sẽ sang thăm Việt Nam luôn. Người Mỹ khi ấy còn có một mục tiêu khác: đàm phán Mỹ - Trung đang bế tắc sau chuyến đi của Chu Dung Cơ, Bill Clinton muốn việc ký BTA với Việt Nam như một tín hiệu gửi tới Bắc Kinh”.
Ông Võ Văn Kiệt nhận được những thông tin này ngay khi ông Nguyễn Đình Lương chưa về tới Hà Nội. Ngay 05-9-1999, từ Thành phố Hồ Chí Minh, ông viết thư gửi Bộ chính trị, xin vắng mặt phiên họp ngay 7-9-1999 bàn về Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ và “xin phát biểu với Bộ chính trị một số ý kiến”. Ông Kiệt cho biết, nhưng ý kiến này, ông đã trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Cầm tại Hà Nội trong lần gặp tuần trước đó. Ông Võ Văn Kiệt viết: “Nên lưu ý nhưng diễn biến trong quan hệ Mỹ - Trung và nên tính tới tình hình chính trị nội bộ của Mỹ. Chúng ta không đặt vấn đề nhất thiêt, bằng mọi giá phải ký nhanh hiệp định này nhưng nếu có điều kiện thi nên ký sớm để phía Mỹ có thể phê chuẩn hiệp định trước bầu cử”. Ông Kiệt cũng đưa ra một số lập luận để cho thấy việc hai nước ký hiệp định tại một nơi thứ ba, Auckland, New Zealand, nhân Hội nghị APEC là “bình thường và ngày càng thông dụng”.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cầm: “Ngày 7-9-1999, Bộ Chính trị họp đồng ý ký hiệp định tại Auckland. Anh Phiêu đã rất hào hứng nói, nên thưởng gì cho anh em đàm phán. Tôi nói khoan đã anh ạ, chờ xem thế nào, nhỡ người Mỹ lật lọng”. Người Mỹ không lật lọng nhưng nhà ngoại giao lão luyện người Mỹ, bà Albright, đã phạm một lỗi nhỏ góp phần làm hỏng việc lớn. Mười giờ sáng ngày 8-9-1999, gặp Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm, bà Albright được ông Cầm xác nhận “sẽ ký”; hai giờ chiều gặp Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Khải vui vẻ trả lời: “Sẽ ký”.
Có lẽ, nghĩ sứ vụ đã hoàn thành, cho nên năm giờ chiều hôm ấy, khi hội đàm với Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, thay vì chỉ đề cập đến việc ký kết BTA, bà Albright đã buột mồm hỏi: “Thế giới giờ chỉ còn bốn nước xã hội chủ nghĩa, theo ông, có tiếp tục giữ được không?”. Sau khi khẳng định với bà Albright, “chủ nghĩa xã hội sẽ tiếp tục phát triển thắng lợi”, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu gặp hai ông cố vấn Đỗ Mười và Lê Đức Anh. Mọi việc bắt đầu thay đổi.
Ông Đỗ Mười thừa nhận: “Buổi chiều, khoảng năm giờ, trước ngày đi họp APEC, anh Phan Văn Khải sang gặp tôi, nói: ‘Anh Mười ạ, mai tôi đi, anh cho ký đi’. Tôi bảo chưa được. Mai anh gặp Clinton, tôi đề nghị anh nói ba điểm: Chúng tôi muốn ký trong nhiệm kỳ của ngài nhưng hiệp định phức tạp quá không như hiệp định chúng tôi ký với EU, nên còn một số vấn đề trong Đảng và Chính phủ có ý kiến khác nhau. Tôi đề nghị ngài chỉ thị cho phái đoàn đàm phán phía Mỹ cùng chúng tôi bàn tiếp những vấn đề đó rồi sẽ ký. Ký được trong nhiệm kỳ của ngài thì tốt, nhưng nếu chưa ký được thì trước khi ngài nghỉ, mời ngài sang thăm Việt Nam để quan hệ giữa ngài và Việt Nam có trước, có sau”.
Trước đó, theo ông Đỗ Mười: “Hiệp định nó dày thế này, Bộ Chính trị ít người đọc. Tôi có thời giờ, đọc thấy nhiều vấn đề quá. Tôi gọi các vị lãnh đạo đến, nói: ‘Cái này mới quá. Đây là hợp tác toàn diện chứ đâu có phải chỉ là thương mại. Tôi đề nghị Bộ Chính trị bàn tiếp’”.
Theo ông Nguyễn Đình Lương: “Hôm sau, 8-9-1999, trước giờ chuyên cơ chở Thủ tướng Phan Văn Khải, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển và Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm đi Auckland, tôi nhận được điện: Ông Lương ngồi đấy, chờ có lệnh mới đi”. Ông Lương chờ, ngày thứ nhất Bộ Chính trị chưa họp, ngày thứ hai nghe tình hình khó khăn. Ngày thứ ba, quyết định không ký. Ngày thứ tư, tôi về. Vừa tới nhà đã thấy chuyên viên trong vụ ngồi đợi, bảo “lên văn phòng Ba Dũng ngay”. Ông Lương chạy lên thấy Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang nhăn nhó.
Ông Lê Khả Phiêu giải thích về việc trì hoãn ký BTA một cách thận trọng: “Tôi bảo anh Phan Văn Khải cứ đi, mời Tổng thống Bill Clinton sang, sẽ ký. Lúc đó có chế độ cố vấn, dù sao cũng phải tôn trọng. Trong Bộ Chính trị, tuyệt đại đa số cũng chưa đồng ý. Ta không được chuẩn bị kỹ. Có hai chương họ tự đưa vào, năm thành bảy chương. Trước những vấn đề quốc tế khi có những ý kiến khác nhau thì phải đảm bảo chín muồi cả về nội dung lẫn kỹ thuật và phải tôn trọng tính tập thể”.
Trong nhiều tình huống “tập thể” chỉ là nơi pha loãng trách nhiệm cho các cá nhân. Phiên họp Bộ Chính trị mang tính quyết định này diễn ra khi những người am hiểu quá trình đàm phán nhất như ông Phan Văn Khải, Trương Đình Tuyển (uỷ viên Trung ương thường được mời dự), Nguyễn Mạnh Cầm đều đang ở Auckland. Ông Đỗ Mười chỉ tay hỏi: “Các anh đã đọc chưa mà biểu quyết? Các anh biểu quyết bán nước à?”.
Đúng như ông Đỗ Mười nói, trong Bộ Chính trị rất ít người đọc và gần như không có ai đọc kỹ như ông. Ông Nguyễn Đức Bình buông một câu: “Toàn cầu hoá chỉ đem lại đói nghèo”. Trong khi ông Nguyễn Phú Trọng lưu ý về “diễn biến hoà bình”. Tuy không có được vai vế như Đào Duy Tùng nhưng từ khoá VIII, ông Nguyễn Đức Bình trở thành “nhà lý luận hàng đầu của Đảng”. Theo ông Nguyễn Đình Lương, trong suốt quá trình đàm phán, mỗi khi xin ý kiến Bộ Chính trị, ông Nguyễn Đức Bình lại nói: “Chúng ta không chống toàn cầu hoá nhưng chỉ tham gia phong trào toàn cầu hoá do vô sản lãnh đạo chứ không nên tham gia toàn cầu hoá do giai cấp tư sản lãnh đạo hiện nay”.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Lương: “Chúng tôi rất khó để biết ý kiến thật sự của ông Lê Đức Anh. Không chống BTA nhưng ông Lê Đức Anh nói: nên ký Hiệp định Biên giới với Trung Quốc trước khi ký Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ. Trong khi đó, nhiều uỷ viên Bộ Chính trị nhận được những ‘thông tin mật’ từ Tổng cục II: Trung Quốc phản ứng rất xấu nếu ký hiệp định thương mại”(519). Theo ông Phan Văn Khải, khi ông Đỗ Mười đặt lại vấn đề về BTA, ông Lê Đức Anh đã đồng ý với ông Mười là chưa ký. Tại Auckland, theo ông Phan Văn Khải, ông và Bill Clinton vẫn gặp nhau. Clinton biết rõ nội tình Việt Nam nên cả hai đều không nhắc tới BTA.
Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm nói: “Tôi tiếc đứt ruột. Năm 1999, Bill Clinton muốn ký trước mặt các nhà lãnh đạo đủ cả phương Tây lẫn phương Đông. Khi ấy các tập đoàn sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ chỉ chờ có hiệp định là nhảy vào Việt Nam. Mình quyết định không ký, mất biết bao nhiêu cơ hội”. Những thoả thuận đạt được với Mỹ đã giúp Trung Quốc gia nhập WTO vào tháng 11-2001(520). Thị trường 1,2 tỷ dân này đã có một sức hút to lớn đối với các nhà đầu tư. Năm năm sau, năm 2006, Trung Quốc trở thành quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất thế giới: 10,7% so với năm 2005.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cầm: “Mất thêm một năm đàm phán, phía Mỹ cũng chấp nhận một số đề nghị của ta nhưng đồng thời cũng bắt mình phải chấp nhận thêm những yêu cầu của họ”. Mãi tới ngày 14-7-2000, Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ mới được ký ở Washington, khi nhiệm kỳ của Tổng thống Bill Clinton chỉ còn chưa đầy 6 tháng.
Về tổng thể, theo Thủ tướng Phan Văn Khải: “So với những nội dung định ký năm 1999, Hiệp định Thương mại (BTA) Việt - Mỹ ký năm 2000 không đạt được thêm tiến bộ nào”. Nhưng, về mặt thời gian, thất bại năm 1999 đã đánh mất của Việt Nam hơn hai năm cơ hội. Ngày 4-10-2001, Thượng viện Mỹ mới thông qua BTA và hai tuần sau, ngày 17-10-2001, được Tổng thống G.W .Bush phê chuẩn. Cứ mỗi năm chậm trễ, người dân Việt Nam phải chịu thiệt hại hơn 1,5 tỷ USD(521).

Bill Clinton và Lê Khả Phiêu

Gần cuối nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Bill Clinton thăm chính thức Việt Nam. Ông là vị tổng thống Mỹ thứ hai đến nơi mà ông nói, giờ đây là tên của một đất nước chứ không chỉ là một cuộc chiến tranh, và là tổng thống Mỹ đầu tiên tới Hà Nội. Tại đây, Bill Clinton đã được đón tiếp bằng hai thái độ có thể nói là trái ngược nhau, một của người dân và một của các nhà lãnh đạo trong các nghi lễ đón ông chính thức.
Bill Clinton và tuỳ tùng tới sân bay Nội Bài lúc 11 giờ đêm ngày 16-11-2000. Điều ngạc nhiên là vị tổng thống của quốc gia mà chính quyền đang coi như kẻ thù lại được hàng ngàn người dân Hà Nội và các địa phương lân cận đứng chờ trong đêm lạnh dọc hai bên đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài. Dường như cảm kích trước sự chào đón đó, Tổng thống Clinton đã bật đèn trong khoang xe của mình để vẫy tay đáp trả người dân Hà Nội. Dân chúng cũng đã chen chúc đến khu Văn Miếu để nhìn thấy Bill Clinton. Hai hôm sau, khi rời Hà Nội đến Sài Gòn cũng vào lúc mười một giờ đêm, Bill Clinton lại được người dân đứng chờ và reo hò khi thấy ông xuất hiện từ sân bay Tân Sơn Nhất.
Trong khi đó, Bộ Chính trị đã phải tính đến từng nụ cười, cái bắt khi đón vợ chồng Tổng thống Mỹ. Thủ tướng Phan Văn Khải kể, khi tiếp Clinton, ông đã không cười và bàn tay thì chỉ đưa ra nhẹ mà không nắm lại. Ông Nguyễn Đức Hoà, trợ lý của ông hỏi: “Người ta đã sang tận đây, tiếc gì anh không nở một nụ cười với họ?”. Ông Khải nói: “Không được đâu mày ơi, Bộ Chính trị đã thống nhất là không được cười”(522). Chiều 17-11-2000, một ngày trước khi Tổng thống Bill Clinton nói chuyện với sinh viên ở trường Đại học Quốc gia Hà Nội, tướng Nguyễn Chí Trung, trợ lý của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã mấy lần xuống “quán triệt” với Ban Giám đốc các nghi thức, khi nào thì đứng dậy, khi nào vỗ tay.
Bill Clinton là một nhà hùng biện, bài nói chuyện ngày 17-11-2000 tại hội trường Đại học Quốc gia Hà Nội của ông được chuẩn bị kỹ. Thay vì theo kịch bản, sinh viên đã vỗ tay gần như liên tục ở các đoạn đầu. Trước hàng trăm sinh viên, Bill Clinton đã bập bẹ vài từ tiếng Việt mà ông nói là vừa cố học: “Xin chào các bạn”. Clinton đã làm cho các sinh viên phải vỗ tay lần thứ hai trong đoạn mở đầu khi ông nhắc tới thành tích của vận động viên Trần Hiếu Ngân(523), người Việt Nam đầu tiên đoạt huy chương tại một Olympic, và các tuyển thủ bóng đá như Lê Huỳnh Đức, Hồng Sơn, đang tranh giải ở Tiger Cup 2000 Bangkok.
Bill Clinton cho rằng, lịch sử giữa hai quốc gia “vừa là nguồn đau thương cho các thế hệ đã qua vừa là nguồn hứa hẹn cho các thế hệ sắp tới”. Ông nói: “Cách đây hai thế kỷ, trong những ngày đầu của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, chúng tôi đã vượt biển để tìm các đối tác thương mại và một trong các nước mà chúng tôi tiếp cận đầu tiên là Việt Nam”. Clinton dẫn thêm một câu chuyện, cho tới lúc đó, ít người biết đến: hơn 200 năm trước, Thomas Jefferson đã cố gắng để đưa các giống lúa Việt Nam về trồng trong trang trại của ông ở Virginia. Jefferson là tác giả của Bản Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1776 của nước Mỹ. Bản tuyên ngôn mà Clinton nói là đã “vang vọng trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập 1945” của Việt Nam.
Theo Bill Clinton: “Tất cả những điểm gặp gỡ nhau trong lịch sử 200 năm này đã bị lu mờ trong vài thập niên vừa qua bởi cuộc xung đột mà chúng tôi gọi là Chiến tranh Việt Nam và các bạn gọi là Kháng chiến chống Mỹ”. Bill Clinton nhắc đến bức tường đá đen ghi tên những người Mỹ chết trong chiến tranh Việt Nam, nhắc đến điều mà theo ông, các cựu binh Mỹ gọi là “mặt sau của bức tường”, đó là “sự hy sinh lớn lao”(524) của ba triệu người Việt Nam. Đứng giữa thủ đô của một chế độ coi chính quyền miền Nam là “nguỵ quyền”, coi những người lính miền Nam là “nguỵ quân”, Bill Clinton đã gọi đội quân người Việt ở cả hai bên là “những người lính dũng cảm”.
Không đến hội trường Đại học Quốc gia như một khách mời, nhưng có thể nói, người lắng nghe đầy đủ nhất bài phát biểu của Bill Clinton chính là ông Nguyễn Chí Trung(525). Thế hệ Nguyễn Chí Trung rất khó để chấp nhận cách gọi những người Việt ở phía bên kia, những người mà ông coi là kẻ thù là “những người lính dũng cảm”.
Nhưng ông Trung còn quan ngại khi Bill Clinton giải thích toàn cầu hoá và nói: “Theo kinh nghiệm chúng tôi, giới trẻ sẽ có nhiều niềm tin hơn vào tương lai nếu họ có tiếng nói trong việc định hướng tương lai, trong việc lựa chọn các nhà lãnh đạo chính phủ của họ và có một chính phủ có trách nhiệm đối với những người dân mà chính phủ phục vụ”. Mặc dù nhấn mạnh “chúng tôi không tìm cách và cũng không thể áp đặt những ý tưởng này”, Bill Cliton nói với sinh viên: “Chỉ có các bạn mới quyết định xem có nên chăng tiếp tục mở cửa thị trường, mở cửa xã hội của mình và củng cố nền pháp trị. Chỉ có các bạn mới quyết định liên kết như thế nào giữa tự do cá nhân và nhân quyền trên nền tảng giàu mạnh của bản sắc quốc gia Việt Nam”.
Vào thời điểm mà Bill Clinton đang nói chuyện với sinh viên ở Hà Nội, Lý Tống, một cựu phi công của Không lực Việt Nam Cộng hoà, từ California bay về Thái Lan, thuê một máy bay thể thao bí mật bay vào vùng trời Việt Nam, rải truyền đơn ở Sài Gòn và Tây Ninh, kêu gọi lật đổ chế độ cộng sản. Lực lượng phòng không hôm ấy đã bị Lý Tống qua mặt và hôm sau, 18-11-2000, vì quá cảnh giác đã nổ súng sượt vào một máy bay dân dụng.
Cuối buổi chiều 18-11-2000, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu chào đón Tổng thống Bill Clinton bằng một bài phát biểu dài(526), sau khi mở đầu theo đúng thủ tục: “Tôi hoan nghênh Ngài và Phu nhân cùng phái đoàn Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam”. Ông Lê Khả Phiêu bắt đầu: “Tôi đồng ý với Ngài là chúng ta không quên quá khứ, không làm lại được quá khứ. Vấn đề quan trọng là hiểu cho đúng thực chất cái quá khứ ấy. Cụ thể là hiểu cho đúng thực chất cuộc kháng chiến chống xâm lược mà chúng tôi đã phải tiến hành… Việt Nam có đem quân đi đánh Hoa Kỳ đâu mà Hoa Kỳ lại đem quân sang đánh Việt Nam? Cuộc kháng chiến chống xâm lược của chúng tôi là giành độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc và đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Cho nên đối với chúng tôi, quá khứ không phải trang sử đen tối, đau buồn và bất hạnh”.
Ông Lê Khả Phiêu nói tiếp: “Bà Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ trong một lần gặp tôi có hỏi: chủ nghĩa xã hội có tồn tại được không? Tôi nói: không những tồn tại mà chủ nghĩa xã hội sẽ tiếp tục phát triển thắng lợi… Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với gần 170 nước, quan hệ thương mại với hơn 150 nước. Đảng chúng tôi có quan hệ với hơn 180 đảng cộng sản, cánh tả, đảng cầm quyền… Trong quan hệ quốc tế ngày nay, mọi quốc gia, dân tộc đều cần hợp tác để cùng phát triển. Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn, cách sống và chế độ chính trị của các dân tộc. Chúng tôi cũng đòi hỏi các nước tôn trọng chế độ chính trị, sự lựa chọn của dân tộc chúng tôi”.
Tổng bí thư Lê Khả Phiêu kết thúc bài phát biểu “chào mừng” tổng thống đầu tiên của nước Mỹ đến Văn phòng Trung ương Đảng: “Chúng tôi quý trọng nhân dân Mỹ, cảm ơn nhân dân Mỹ đã ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Thấy hình ảnh cháu Chelsea, tôi chạnh nhớ cháu Emily(526), con gái của Morrison(528), và mẹ cháu cũng đã từng sang thăm Việt Nam. Đó là biểu tượng đẹp của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước”.
Bill Clinton nhớ lại: “Lê Khả Phiêu cố gắng sử dụng hành động phản đối chiến tranh Việt Nam của tôi để cáo buộc những gì Mỹ đã làm là hành vi đế quốc. Tôi đã rất giận dữ nhất là khi ông ta nói vậy trước sự có mặt của Đại sứ Pete Peterson, một người đã từng là tù binh chiến tranh. Tôi nói với nhà lãnh đạo Việt Nam rằng khi tôi không tán thành các chính sách đối với Việt Nam, những người theo đuổi nó cũng không phải là đế quốc hay thực dân, mà là những người tốt chiến đấu chống cộng sản. Tôi chỉ Pete và nói, ông đại sứ không ngồi sáu năm rưỡi trong nhà tù ‘Hà Nội Hilton’ vì muốn thực dân hoá Việt Nam”(529).
Ông Phan Văn Khải nhớ lại: “Ông Phiêu nói như thời chiến tranh làm cho họ rất khó chịu. Ông ấy muốn tỏ rõ thái độ của một chính quyền cộng sản. Nhưng, ông Phiêu không hiểu tình hình thế giới giờ đây đã khác. Phe xã hội chủ nghĩa đã tan rã. Vấn đề là mối quan hệ giữa hai quốc gia, chúng ta cần Mỹ. Nếu người Mỹ không vào thì những công ty lớn trên thế giới không có ai vào cả”. Theo Tổng thống Bill Clinton thì giữa ông và Thủ tướng Phan Văn Khải đã xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp trong lần gặp ở Auckland, khi đó ông Khải cũng nói là ông cảm kích trước việc Bill Clinton đã từng phản đối chiến tranh Việt Nam. Clinton nhớ lại: “Khi tôi nói: những người Mỹ phản đối hay ủng hộ cuộc chiến tranh đó đều là người tốt. Ông Khải nói: tôi hiểu”. Clinton nhận xét, dường như những người mà ông gặp ở Việt Nam, chức vụ càng cao hơn thì ngôn ngữ càng “sặc mùi” cộng sản theo kiểu cũ hơn(530).

Đại hội IX

Ông Lê Khả Phiêu giữ chức Tổng bí thư được ba năm. Trong ba năm đó ông luôn chứng tỏ sự vững vàng, kiên định lập trường của mình(531). Nhưng những nỗ lực của ông trước hết lại bị chính các ông cố vấn sử dụng như một lý do để chống lại ông. Thái độ “kiên định” trước Tổng thống Bill Clinton rồi sẽ bị các cố vấn phê bình là cứng nhắc. Trước Đại hội Đảng lần thứ IX (4-2001) ông Lê Khả Phiêu đã bị cả ba ông cố vấn hiệp sức ép ông phải rời chính trường.
Kiến nghị buộc ông Phiêu thôi chức được cả ba ông cố vấn đồng tình và cùng ký. Ông Nguyễn Văn An nói: “Nó có kịch tính, chính các ông ấy đưa ông Lê Khả Phiêu lên rồi lại đưa xuống. Những khuyết điểm của ông Lê Khả Phiêu chỉ là nguyên cớ. Sẽ không làm được điều đó nếu cả ba ông cố vấn không đồng tình, đặc biệt là vai trò của Lê Đức Anh và Đỗ Mười. Rất ít trường hợp cả ba ông lại đồng tình như vậy”. Ông Nguyễn Văn An cũng thừa nhận: “Nếu để ông Phiêu tiếp tục giữ chức thì sẽ dẫn đến tiền lệ Tổng bí thư vi phạm nguyên tắc cả đối nội và đối ngoại”. Điều đáng nói là sự “vi phạm nguyên tắc cả đối nội lẫn đối ngoại” của ông Lê Khả Phiêu đều có bàn tay của Tổng cục II.
Về đối ngoại, ông An nói: “Ông Lê Khả Phiêu gặp Giang Trạch Dân không theo con đường chính thống bằng quan hệ Đảng, Nhà nước mà theo con đường tình báo”. Theo ông Nguyễn Đình Hương, thành viên Ban Chuyên án A10: “Tháp tùng chuyến đi ấy của Lê Khả Phiêu gồm Trần Đình Hoan, Nguyễn Mạnh Cầm và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục II Nguyễn Chí Vịnh. Vịnh bố trí một cuộc gặp giữa ông Lê Khả Phiêu và Giang Trạch Dân. Khi gặp, cả ông Nguyễn Mạnh Cầm và ông Trần Đình Hoan cùng đi nhưng phía Trung Quốc ngăn ông Cầm và ông Hoan, chỉ cho Vịnh vào. Theo báo cáo của Vịnh thì hội đàm cũng không có thoả thuận riêng gì nhưng có nhiều người đặt vấn đề trong đó có Trần Đình Hoan”(532).
Theo ông Lê Khả Phiêu thì đây là một cuộc gặp theo đề xuất của Giang Trạch Dân, phía Việt Nam cũng nhân đấy, muốn “thăm dò thái độ của Trung Quốc đối với Mỹ và đối với chủ nghĩa xã hội”. Phía Trung Quốc thoả thuận thành phần, mỗi bên bốn người, chủ yếu là chỉ để Tổng bí thư gặp Tổng bí thư. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Cầm, trong khi ông bị chặn lại thì phía Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Đường Gia Triền vẫn vào ngồi cùng Giang Trạch Dân.
Ông Lê Khả Phiêu giải thích: “Tôi gặp Giang Trạch Dân hai lần, lần thứ hai, hai bên thống nhất là nên có gặp riêng để bàn về biên giới và Biển Đông. Trước cuộc gặp tôi có xin ý kiến Bộ Chính trị nhưng nhiều anh quên. Tôi và Giang Trạch Dân chỉ thoả thuận, trong vấn đề Biển Đông, cái gì chỉ liên quan đến hai nước thì đàm phán song phương, cái gì còn liên quan đến quốc gia khác thì đàm phán đa phương. Cho đến bây giờ thoả thuận này vẫn còn được thực hiện”(533).
Về đối nội, ông Lê Khả Phiêu bị cáo buộc làm trái nguyên tắc khi ký Quyết định 234, cho lập ra một cơ quan theo dõi nội bộ, chủ yếu là cán bộ cao cấp. Theo ông Vũ Quốc Hùng, phó chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng: “Việc xem xét những sai lầm của Quyết định 234 bắt đầu sau khi ông Lê Đức Anh chính thức đặt ra”. Một ban chuyên án được Bộ Chính trị cho thành lập với thành phần gồm: Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Chủ nghiệm Uỷ ban Kiểm tra Nguyễn Thị Xuân Mỹ, Trưởng Ban Bảo vệ Đảng Nguyễn Đình Hương(534).
Ông Vũ Quốc Hùng, phó chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng, người được giao thẩm tra các sai phạm của ông Lê Khả Phiêu, cho biết: “Đầu năm 2001, Bộ Chính trị họp chuẩn bị Đại hội IX, chị Nguyễn Thị Xuân Mỹ đi họp về nói, Bộ Chính trị đang kiểm điểm anh Phiêu gay gắt nhiều chuyện: vấn đề Campuchia, quan hệ nam nữ, vô nguyên tắc khi ra Quyết định 234, ngành tình báo lâu nay chỉ nắm địch, nay được theo dõi nội bộ, gặp Giang Trạch Dân, đi không hỏi, về không trình. Từ đó, Uỷ ban Kiểm tra phải vào cuộc, họp cả ngày cả đêm. Trong khi Bộ Chính trị vẫn cứ họp. Ông Phạm Thế Duyệt, uỷ viên thường trực Thường vụ Bộ Chính trị, thường xuyên gọi tôi sang, dặn: phải có trách nhiệm với Đảng, phải khách quan, không chịu áp lực của mấy ông cố vấn”.
Theo ông Vũ Quốc Hùng: “Quyết định 234 được ký theo tham mưu của ông Vũ Chính. Lẽ ra anh Phiêu phải thận trọng. Khi Vũ Chính tham mưu thì nói là làm sao để ngăn chặn diễn biến hoà bình, ngăn chặn những xu hướng không tốt trong nội bộ Đảng. Tham mưu bằng mồm và có tham mưu cả bằng giấy. Ông Phiêu thấy cần phải có một văn bản, một tổ chức nên ký”. Ông Lê Khả Phiêu giải thích: “Lúc đó, có nhiều tin tình báo được đưa ra thiếu kiểm chứng nhiều người có ý kiến. Tôi còn giữ thư anh Võ Văn Kiệt yêu cầu phải chấn chỉnh công tác tình báo, nguồn tin tình báo cần được thẩm định trước khi cho lưu hành trong nội bộ. Bản thân anh Lê Đức Anh cũng đồng ý là phải chấn chỉnh. Vì thế tôi lập ra bộ phận này giao cho anh Phạm Thanh Ngân phụ trách”.
Về “quan hệ nam nữ”, theo ông Vũ Quốc Hùng: “Trước khi đi Cuba, ông Lê Khả Phiêu có đến nhà anh Đoàn Mạnh Giao ăn cơm. Tới đó có cả cô Đặng Thu Hà, con gái Trung tướng Đặng Kinh. Ông Phiêu giải trình, quan hệ giữa ông và ông Đặng Kinh là quan hệ giữa cấp dưới với thủ trưởng, ông coi cô Hà như là cháu. Tôi có hỏi anh Trần Đình Hoan, anh có thấy yếu tố quan hệ nam nữ không. Anh Hoan nói không thấy. Còn “quan hệ với CIA”, khi đi Cuba, đoàn có Ngô Xuân Lộc, Nguyễn Mạnh Cầm, Đỗ Trung Tá đi cùng, chuyển tiếp máy bay ở Thuỵ Điển. Tại đây thông qua Hà có gặp một phụ nữ tên là Vũ Thị Dung, có người tố cáo Dung là CIA”.
Trên thực tế, Vũ Thị Dung chỉ là một cán bộ doanh nghiệp đi trong phái đoàn Tổng bí thư Lê Khả Phiêu thăm châu Âu. Một tấm hình chụp có Vũ Thị Dung trong chuyến đi này được photoshop, cắt hình những người cùng chụp chỉ để lại hình Lê Khả Phiêu và Vũ Thị Dung để nói ông Phiêu lén lút quan hệ với “gái” là một nữ điệp viên. Tại phiên họp Bộ Chính trị mà tấm hình này được đưa ra, ông Nguyễn Mạnh Cầm xác nhận bức ảnh này khi chụp có cả ông nhưng đã bị xoá. Trưởng Ban Tổ chức Nguyễn Văn An thừa nhận: “Bức ảnh được cắt xén quá ấu trĩ. Tổng cục II đưa ảnh cho ông Đỗ Mười, ông Đỗ Mười đưa cho nhiều người xem trước mặt Bộ Chính trị rồi đưa lại cho tôi quản lý”.
Đường đi của Quyết định 234 cho thấy, khó có viên tướng nào trưởng thành trong thời gian ông Lê Đức Anh cầm quyền lại có thể dễ dàng thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng của ông. Khi trở thành Tổng bí thư, kiêm bí thư Quân uỷ Trung ương, ông Lê Khả Phiêu bàn với tướng Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Quốc phòng và Phạm Thanh Ngân, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, lập ra một cơ quan, thành phần gồm Tổng cục II, Cục Bảo vệ An ninh, Tổng cục Chính trị. Người mà tướng Lê Khả Phiêu giao thiết kế mô hình, chức năng, nhiệm vụ lại là Trung tướng Vũ Chính.
Tướng Vũ Chính đã “thiết kế” chức năng quyền hạn cho cơ quan này gồm cả quyền “theo dõi lực lượng cấp tiến trong và ngoài quân đội”. Ông Phiêu được nói là đã gạch bỏ đoạn này nhưng, tướng Chính chỉ bỏ trong phần quyết định còn phần phụ lục hướng dẫn thì vẫn giữ nguyên. Sau khi tướng Phạm Thanh Ngân ký nháy, Bí thư Quân uỷ Lê Khả Phiêu đã ký Quyết định 234.
Theo ông Vũ Quốc Hùng, từ khoảng tháng 6-2000, Vũ Chính đã báo cáo với Cố vấn Lê Đức Anh rằng Quyết định 234 do Tổng bí thư Lê Khả Phiêu ký là sai. Nhưng đến ngày 5-1-2001, khi Bộ Chính trị họp bàn chuẩn bị nhân sự Đại hội IX, tướng Lê Đức Anh mới đưa ra Bộ Chính trị, đòi kỷ luật ông Lê Khả Phiêu vì đã có “chủ trương theo dõi cán bộ cao cấp trong và ngoài quân đội”. Ông Nguyễn Đình Hương cho rằng: “Quyết định 234 là một kịch bản của ông Lê Đức Anh nhằm hạ bệ ông Lê Khả Phiêu, nhất là sau khi ông Phiêu tuyên bố bỏ định chế cố vấn”. Ông Phiêu nói: “Có thể có mưu mẹo gì đấy nhưng tôi thì chỉ nghĩ đơn giản”.
Trong tuần lễ từ ngày 3 đến 11-1-2001, nhân Đại hội Đảng toàn quân, cố vấn Lê Đức Anh đột ngột buộc tội Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Trong Hội nghị Bộ Chính trị, ông Lê Khả Phiêu thừa nhận có sơ hở về hành chính trong việc ký Quyết định 234, ông vẫn còn giữ được bản thảo và chứng minh tướng Vũ Chính đã không sửa phần ông gạch bỏ. Ông Phiêu cũng cho biết trước khi quyết định có họp Thường vụ Đảng uỷ Quân sự Trung ương gồm Lê Khả Phiêu, Phạm Văn Trà và Phạm Thanh Ngân. Hội nghị Bộ Chính trị ngày 5-1-2001 kết luận việc ông Lê Khả Phiêu ký quyết định 234 là vi phạm nguyên tắc lãnh đạo tập thể, yêu cầu huỷ bỏ ngay Quyết định 234, giải tán ngay bộ phận tình báo theo dõi nội bộ.
Sau Hội nghị Trung ương 11, các vị cố vấn, đặc biệt là tướng Lê Đức Anh cử người gặp các cán bộ lão thành, thông báo những thông tin liên quan đến các “sai phạm của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu”. Theo ông Vũ Quốc Hùng, đây là những việc làm sai nguyên tắc của Đảng và chính Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã gửi công văn yêu cầu các vị cố vấn phải giải trình.
Cũng theo ông Vũ Quốc Hùng, trước khi có kết luận chúng tôi đã mời ông Lê Khả Phiêu sang Uỷ ban Kiểm tra chất vấn. Uỷ ban Kiểm tra kết luật không đề nghị kỷ luật ông Lê Khả Phiêu và ông Phạm Thanh Ngân nhưng không để tái cử trong nhiệm kỳ IX. Bộ Chính trị họp nói thẳng, ông Phiêu phải rút khỏi Ban Chấp hành Trung ương. Có ý kiến đòi phải kỷ luật ông Phiêu trước khi cho nghỉ.
Ở Bộ Chính trị, ông Lê Khả Phiêu chấp nhận, nhưng tại Hội nghị Trung ương 12, theo ông Nguyễn Văn An: ‘Khi Trung ương bỏ phiếu, số người đồng ý cho ông Lê Khả Phiêu nghỉ chỉ chiếm 50,5%, số không đồng ý là 49,5%, trong khi có năm uỷ viên Trung ương vắng họp. Ông Phiêu không tâm phục khẩu phục mà những người ủng hộ ông Phiêu cũng không tâm phục khẩu phục. Chúng tôi cũng lo ngại rằng ra đại hội sẽ lộn xộn. Trong Bộ Chính trị thì còn phân hoá. Ông Phiêu lại đang nắm quân đội. Tôi bàn với anh Phạm Thế Duyệt cho bỏ phiếu lại. Bộ Chính trị đồng ý. Các ông cố vấn phản đối nhưng chúng tôi kiên quyết làm. Thực ra khi đó đánh giá tình hình, bỏ phiếu lại thì ông Lê Khả Phiêu chỉ mất thêm phiếu. Đưa ra Trung ương cũng bàn cãi mãi thì Trung ương mới biểu quyết đồng ý cho bỏ phiếu lại. Ngày 18-4-2001, Ban Chấp hành Trung ương bỏ phiếu lại, ông Phiêu chỉ còn một số phiếu rất thấp. Ông chấp nhận”.
Khi Ban Chấp hành Trung ương khoá IX họp phiên thứ nhất (22-4-2001) để bầu Tổng bí thư, ông Phan Văn Khải được giao chủ trì phiên họp. Trong danh sách thăm dò mà Ban Tổ chức công bố, ông Nông Đức Mạnh đứng đầu, kế đó là Trần Đức Lương, Phan Văn Khải, Nguyễn Văn An và Phạm Thế Duyệt. Ông Phan Văn Khải đã đề nghị “để thể hiện thái độ nhất trí cao trong Đảng” chỉ giữ một mình ông Mạnh trong danh sách bầu Tổng bí thư. Trung ương vỗ tay đồng ý. Ông Mạnh “được bầu” với số phiếu 100%.
Ở sau hậu trường, theo ông Nguyễn Đình Hương: “Ba ông cố vấn cũng đã có bàn nhau, cả ba nhân vật được các cố vấn đưa ra cân nhắc trước như Lương, Trọng, An, đều có những vấn đề. Ông Mạnh nhờ không nằm trong danh sách được chuẩn bị nên không có phản đối, con người ông Mạnh lại trung dung, các ông tính, đưa ông Mạnh lên là yên. Nhưng cách tính trước mắt ấy đã dẫn đến một sai lầm chiến lược”.
Chú thích
(479) Trong thập niên 1960, điện thoại tư nhân đã tăng rất nhanh ở miền Nam: Năm 1965, 23.377; năm 1966, 24.837; năm 1967, 27.082; năm 1968, 30.964; năm 1969, 36.150; năm 1970, 34.889; năm 1971; 38.133 máy. Ngày 30-1-1966, lần đầu tiên người dân Sài Gòn được xem một bộ phim Mỹ, vừa có tiếng Việt vừa có tiếng Anh, qua 1000 máy vô tuyến truyền hình được đặt ở những địa điểm đông người tại Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Tín hiệu được phát đi từ hai máy bay hiệu Constellation bay vòng quanh Sài Gòn. Hôm sau, ngày 31-1-1966, Tháp vô tuyến truyền hình đã được khánh thành tại số 7 đường Hồng Thập Tự. Cuối thập niên 1960, máy vô tuyến truyền hình trở thành phổ biến ở các đô thị lớn và bắt đầu về tới các vùng nông thôn miền Nam. Trong khi đó, mãi tới ngày 7-9-1970, miền Bắc mới cho phát thử một chương trình truyền hình đen trắng và phải sau ngày 30-4-1975, một số người dân ở Hà Nội, mới được “xem vô tuyến” nhờ các máy thu hình đưa từ miền Nam ra chuyển hệ hoặc đưa từ Liên xô và các nước Đông Âu. Truyền thông báo chí, ngay cả của nhà nước cũng phát triển rất hạn chế ở miền Bắc. Trong thập niên 1960, trong một xã may ra có ông chủ tịch hay bí thứ là có được chiếc máy thu thanh hiệu Xiong Mao hoặc Orionton. Sau năm 1975, những chiếc radio bán dẫn Nhật như Stadar, National… được các anh bộ đội, các cán bộ vào Nam công tác đưa ra nhưng nó vẫn là một mặt hàng bị “nhà nước quản lý”.
(480) Bộ trưởng Bưu chính Viễn thông 2001-2006.
(481) Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu Điện 1985-1995.
(482) Theo Quyết định 221, ngày 23-3-1993 của Tổng cục Bưu điện, được triển khai từ ngày 2-5-1993 tại Thành phố Hồ Chí Minh: Giá cước thuê bao nội hạt trong định mức tăng khoảng 50%, từ 45.000 đồng/tháng lên 68 000đ/tháng. Giá cước phút đầu tiên của một cuộc điện đàm đường dài giảm 10%, nhưng mỗi phút sau tăng từ 20-30% so với giá cũ. Trong khi, giá cước điện thoại, telex và điện báo thuê bao kể cả đại lý công cộng đi các nước giảm khoảng 30%, nhất là các nước có đông Việt Kiều như Mỹ, Pháp, Anh, Ý, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Bỉ, Phần Lan, Thuỵ Sĩ… Cước gọi đi Mỹ, giá cũ là 17.90USD/3 phút đầu, giá mới là 13.80USD, gọi đi Pháp giá cũ là 16.38USD, giá mới là 13.80USD, Canada giá cũ là 16.38USD, giá mới là 13.80USD.
(483) Mạng Mobifone ban đầu chỉ có một tổng đài dung lượng 2.000 số với 7 trạm thu phát sóng (BTS) tại Hà Nội và một tổng đài 6.400 số với 6 trạm BTS tại khu vực phía Nam, phủ sóng 4 địa phương TP. Hồ Chí Minh, Biên Hoà, Long Thành, Vũng Tàu. Trong hai năm đầu Mobifone gặp nhiều khó khăn, số lượng thuê bao không nhiều do vùng phủ sóng hạn chế và giá cước cũng như thiết bị đầu cuối chưa hoàn thiện và giá cực kỳ đắt đỏ. Mỗi cục điện thoại di động lúc đó lớn gần bằng viên gạch và giá thì lên tới hàng nghìn USD/chiếc.
(484) Năm 1965, tức là chỉ hơn một năm sau khi IBM giới thiệu mẫu máy tính IBM 360 Model 50, một chiếc IBM 360/50 đã được đưa tới Việt Nam. Chiếc máy tính này được đặt tại Trung tâm Điện Toán Tiếp Vận thuộc Bộ tư lệnh quân đội Mỹ (MACVI) ở Tân Sơn Nhất và được dùng để quản lý toàn bộ vật tư ở Tổng kho Long Bình. Trong khoảng từ 1965-1973, có 250 kỹ thuật viên IBM đã được đưa tới làm việc tại Nam Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ 1965-1968, Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara chủ trương vi tính hoá cuộc chiến, hàng lô máy tính siêu mạnh đã được đưa tới Việt Nam. Ở miền Bắc, ngày 22-6-1968 chiếc Minsk-22 dùng bóng bán dẫn, chưa có hệ điều hành, do Liên Xô chế tạo theo mẫu máy PDP của hãng DEC Hoa Kỳ, cũng được đưa về tới ga Đồng Đăng, Lạng Sơn. Tháng 7-1968, các chuyên gia Liên Xô sang lắp đặt và bàn giao máy tại số 39 Trần Hưng Đạo. Tháng 9-1968, chiếc Minsk-22 bắt đầu được sử dụng vào việc giải các bài toán khoa học kỹ thuật, tính toán dự báo thời tiết, tính toán bảng bắn cho pháo binh, giải các bài toán thấm, tính toán các công trình cầu đường, giải các bài toán vận trù trong nông nghiệp…
(485) Ngày 4-8-1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký Nghị quyết 49 về phát triển công nghệ thông tin. Tháng 4-1995, ông Kiệt ký tiếp Quyết định 211 kèm theo Chương trình quốc gia về công nghệ thông tin, xác định mục tiêu đến năm 2000: xây dựng hệ thống các máy tính và các phương tiện truyền thông được liên kết với nhau trong các mạng, có khả năng phục vụ các hoạt động quản lý nhà nước và các hoạt động huyết mạch của nền kinh tế; phát triển rộng rãi việc ứng dụng công nghệ thông tin; phổ cập “văn hoá thông tin” trong xã hội nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc chuẩn bị hướng tới một “xã hội thông tin”; xây dựng cơ sở cho một ngành công nghiệp công nghệ thông tin, làm ra được các sản phẩm và dịch vụ tin học có giá trị; ưu tiên phát triển công nghiệp “phần miềm”, đồng thời tận dụng các khả năng chuyển giao công nghệ để phát triển một cách thích hợp các cơ sở sản xuất linh kiện và thiết bị tin học hiện đại.
(486) Trong khi các thuê bao của NetNam chỉ có thể gửi email thì các thuê bao của VietNet vừa có thể gửi email vừa có thể vào các trang mạng quốc tế. Vào thời điểm cao nhất, VietNet có tới gần 10.000 thuê bao với phí cài đặt lên đến ba triệu/thuê bao và cước phí cho một email là 500 nghìn đồng.
(487) Trước đó, giới khoa học đã bắt đầu thảo luận và các nhà lãnh đạo có học như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Khánh, Phan Diễn, Phạm Gia Khiêm đều có sự ủng hộ. Ông Đỗ Trung Tá nói: “Cụ Phạm Văn Đồng mỗi khi gặp lại mắng sao bảo làm mà lâu thế. Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì cho rằng, nếu không phát triển nhanh Internet thì sẽ có tội với đất nước”.
(488) Ông Đặng Hữu nói: “Hồi đó, tôi phải đưa anh Nguyễn Đức Bình, uỷ viên Bộ Chính trị, đến tận nơi truy cập Internet để giới thiệu rằng những ai truy cập Internet, truy cập như thế nào đều được ghi lại nội dung, và kiểm soát được. Sau đó, khi đi Đà Lạt với anh Đỗ Mười để chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 2, khoá VIII về khoa học và công nghệ, tôi cũng cố gắng kết nối Internet, mở các trang web Yahoo, MSN… để giới thiệu với Tổng bí thư rằng với mạng Internet, anh muốn tìm thông tin gì là có ngay, còn trên Internet cũng có thông tin, nội dung đồi truỵ, nhưng truy cập vào đó thì cũng phải có tiền (cười). Còn nội dung phản động thì không đi cách này thì đi cách khác, chứ không phải là tất cả từ Internet mà ra. Cứ thế, dần dần chúng tôi thuyết phục các nhà lãnh đạo về vai trò, ý nghĩa của Internet”(theo VNN).
(489) Nguyên tắc quản lý được tới đâu thì phát triển tới đó đã khiến Internet Việt Nam trong giai đoạn 1998-2000 phát triển rất chậm. Phải đến cuối năm 2000, những người chủ trương Internet mới đưa được vào Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị một nguyên tắc tiến bộ hơn: Đã đến lúc, nhu cầu phát triển Internet tới đâu thì năng lực quản lý của các ngành phải theo kịp sự phát triển tới đó.
(490 Trong giai đoạn đầu, mạng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Cơ yếu, chưa được kết nối Internet.
(491 Điều lệ Đảng quy định Tổng bí thư chỉ do Ban chấp hành Trung ương bầu. Tuy nhiên, những người được đưa lên từ các đại hội thường có tính chính danh cao vì trước khi đại hội bầu Ban chấp hành Trung ương, những người được cơ cấu vào các chức danh chủ chốt như Tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch Quốc hội đều được Ban chấp hành khoá bắt đầu mãn nhiệm chuẩn bị và trình ra đại hội.
(492) Chỉ thị 30 ngày 18-02-1998 của Bộ Chính trị, Lê Khả Phiêu ký, đưa ra quy trình dân chủ được gọi là “dân chủ trực tiếp”. Dân chủtrực tiếp, được thực hiện ở thành Athena, Hy Lạp, từ khoảng năm 500 trước Công nguyên, dưới hình thức người dân không bầu các đại diện để họ bỏ phiếu nhân danh mình mà trực tiếp quyết định các vấn đề liên quan đến hành pháp và lập pháp. Hình thức tương tự cũng được áp dụng trong nhà nước La Mã cổ đại, loài người trải nghiệm nên dân chủ trực tiếp theo hình thức này được khoảng hơn 400 năm, sau cái chết của Julius Caesar, năm 44 trước Công nguyên. Dân chủ được đánh dấu bằng một hình thức phát triển mới ở thế kỷ 13: dân chủ đại diện, người dân bầu ra những đại biểu thay mình thực hiện quyền lập pháp và hành pháp. Dân chủ trực tiếp xuất hiện trở lại vào năm 1847, khi người Thuỵ Sĩ đưa khái niệm “đạo luật trưng cầu dân ý” vào hiến pháp của họ. Theo đó, thông qua các cuộc trưng cầu dân ý, người dân có thể phủ quyết các sáng kiến luật của nghị viện. Trong khi dân chủ trực tiếp mà Tổng bí thư Lê Khả Phiêu định áp dụng ở Việt Nam chỉ là để cho công nhân, cán bộ, công chức “ở cơ sở xã, phường, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu, cơ quan hành chính” được “góp ý kiến, đánh giá, phê bình” thủ trưởng.
(493) Họp từ 25-1 đến 2-2-1999 tại Hà Nội ra nghị quyết “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng”.
(494) Nghị quyết Trung ương B, khoá VIII: “chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, trong đó có quy định có ý nghĩa chấm dứt truyền thống nắm quyền trọn đời của các nhà lãnh đạo: “Cán bộ đứng đầu từ cấp huyện, quận trở lên không giữ một chức vụ quá hai nhiệm kỳ ở cùng một đơn vị, địa phương”.
(495) Từ thập niên 1990, tổng số các đơn vị địa phương đã tăng lên 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nếu như ở Đại hội V, năm 1982, chỉ có 15,6% lãnh đạo các địa phương được bầu vào Trung ương, ở Đại hội VI, năm 1986, con số này là 23,7% và tiếp tục tăng lên đến 35% trong Đại hội VII năm 1991. Tỉ lệ lãnh đạo địa phương được bầu vào Trung ương có giảm chút ít trong khoá VIII, còn 31,2%. Nhưng, kể từ khoá VII, năm 1991, bí thư thành uỷ của cả Hà Nội và Sài Gòn bắt đầu được cơ cấu vào Bộ Chính trị. Tại Đại hội IX có tới 56/61 bí thư tỉnh uỷ được cấu tạo vào Trung ương.
(496) Đầu năm 2000, Chủ tịch một tỉnh lớn, Nghệ An, ông Hồ Xuân Hùng bị điều ra Hà Nội giữ chức phó ban Vật giá Chính phủ.
(497) Ông Nguyễn Minh Triết, từ tháng 1-1997, đã được đưa từ Sông Bé, nơi ông làm bí thư, về làm phó bí thư trực Thành uỷ Thànhphố Hồ Chí Minh, sau khi tỉnh này được tách thành hai tỉnh: Bình Dương và Bình Phước. Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Văn An, lúc bấy giờ, Bộ Chính trị có ý định điều chuyển ông Trương Tấn Sang đi nên đưa ông Triết về với ý định sẽ lên thay vị trí bí thư Thành uỷ. Nhưng việc không thành vì nội bộ Thành phố tỏ ra không ủng hộ. Tháng 12-1997, ông Nguyễn Minh Triết được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị cùng với Nguyễn Phú Trọng, Phan Diễn, Phạm Thanh Ngân và được điều ra Hà Nội giữ chức trưởng Ban Dân vận Trung ương Đảng.
(498) Xem Trần Quang Cơ, Hồi ức và Suy nghĩ, bản thảo 2003.
(499) Ngày 29-10-1964, tạp chí Geographer, số 38, viết: “Nhà nước mới này đã bảo vệ được nền độc lập của mình… một đường biên giới gần giống như ngày nay dường như đã tồn tại giữa hai quốc gia cách đây mười thế kỷ”.
(500) TS Nguyễn Hoàng Thao, thành viên Việt Nam trong Đoàn Đàm phán Biên giới.
(501) Bị vong lục ngày 15-3-1979 của Bộ ngoại giao Việt Nam, Sài Gòn Giải Phóng(SGGP) 19-3-1979.
(502 Bị vong lục ngày 15-3-1979 của Bộ ngoại giao Việt Nam, SGGP 19-3-1979: “Tại khu vực Phía Un, mốc 94-95, thuộc huyện Trà Lĩnh, Cao Bằng, mới đầu phía Trung Quốc mượn con đường mòn rồi tự ý mở rộng mặt đường để ô tô đi lại được vào khu vực mỏ của Trung Quốc, đặt đường dây điện, đưa dân đến ở ngày càng đông, lập làng bản mới. Dựa vào ‘thực tế’ đó, từ năm 1956 họ không thừa nhận đường biên giới lịch sử chạy trên đỉnh Phía Un mà đòi biên giới chạy xa về phía Nam con đường sâu vào đất Việt Nam trên 500m. Lý lẽ của họ là nếu không phải đất của Trung Quốc sao họ lại có thể làm đường ô tô, đặt đường điện thoại được. Nguyên nhân chủ yếu việc họ lần chiếm là vì khu vực Phía Un có mỏ Mangan. Ở khu vực Trình Tường, Quảng Ninh, từ năm 1956, Trung Quốc tìm cách nắm số dân Trung Quốc sang làm ăn ở Trình Tường bằng cách cung cấp cho họ các loại tem phiếu mua đường, vải và nhiều hàng khác, đưa họ vào công xã Đồng Tâm thuộc huyện Đông Hưng, khu tự trị Choang, Quảng Tây. Nhà đương cục Trung Quốc nghiễm nhiên biến một vùng lãnh thổ Việt Nam dài 6km, sâu hơn 1,3 km thành sở hữu tập thể của một công xã Trung Quốc, thành lãnh thổ Trung Quốc. Từ đó họ đuổi người Việt Nam đã nhiều đời làm ăn sinh sống ở Trình Tường đi nơi khác, đặt đường dây điện thoại, tự cho phép đi tuần tra khu vực này,đơn phương sửa lại đường biên giới sang đồi Khâu Thúc của Việt Nam. Trình Tường không phải là một trường hợp riêng lẻ, còn đến trên 40 điểm khác mà phía Trung Quốc tranh lấn với thủ đoạn tương tự như xã Thanh Loà, huyện Cao Lộc (mốc 25, 26, 27) ở Lạng Sơn; Khâm Khau (mốc 17, 19 ở Cao Bằng; Tả Lũng, Làn Phù Phìn, Minh Tân (mốc 14) ở Hà Tuyên; khu vực xã Nặm Chay (mốc 2, 3) ở Hoàng Liên Sơn với chiều dài hơn 4km, chiều sâu hơn 1 km, diện tích hơn 300ha”.
(503) Bị vong lục ngày 15-3-1979 của Bộ ngoại giao Việt Nam, SGGP 19-3-1979.
(504) Năm 1974, 179 vụ; năm 1975, 294 vụ; năm 1976, 812 vụ.
(505) Năm 1977, 873 vụ; năm 1979, 2.175 vụ.
(506) Năm 1986: 831 vụ, năm 1987: 875 vụ.
(507) Phần nói về biên giới trên bộ quy định: “Hai bên đồng ý căn cứ vào Công ước hoạch định biên giới ký giữa Trung Quốc và Pháp ngày 26-6-1887 và Công ước bổ sung Công ước hoạch định biên giới ngày 20-6-1895 cùng các văn kiện và bản đồ hoạch định và cắm mốc biên giới kèm theo đã được Công ước và Công ước bổ sung nói trên xác nhận hoặc quy định, cũng như các mốc quốc giới cắm theo quy định, đối chiếu xác định lại toàn bộ đường biên giới trên bộ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc”.
(508) Kết quả là gần 900km trên tổng chiều dài biên giới 1.350km, đo trên bộ bản đồ thể hiện đường biên giới chủ trương, nhận thức của hai bên trùng nhau, tức là không có tranh chấp. Khoảng 450km còn lại, tức là 33% tổng chiều dài đường biên giới, không có văn bản, hoặc văn bản và bản đồ chưa rõ ràng nên nhận thức hai bên có khác nhau, được chia thành 289 khu vực (với tổng diện tích khoảng 231km2), trong đó: 74 khu vực khác nhau vì lý do kỹ thuật vẽ chồng lấn lên nhau, được gọi là khu vực A,51 khu vực vì lý do kỹ thuật hai bên đều chưa vẽ tới, gọi là khu vực B. Các khu vực loại A và B có diện tích không lớn, chỉ khoảng 5 km2; 164 khu vực có tranh chấp, hoặc có nhận thức khác nhau về hướng đi của đường biên giới, gọi là khu vực C (rộng khoảng 227km2). Các cuộc đàm phán chủ yếu tập trung vào việc xử lý 164 khu vực C này.
(509) Trận đá kích cuối cùng xảy ra năm 2003, Tổ Cột mốc 44 tồn tại từ tháng 6-1993 đến tháng 1-2009.
(510) Nguyễn Hồng Thao, thành viên đoàn đàm phán (theoVNN).
(511) Nguyễn Hồng Thao (VNN).
(512) Nguyễn Hồng Thao(VNN).
(513) Nguyễn Hồng Thao(VNN).
(514) Bị vong lục 15-3-1979.
(515) Nguyễn Hồng Thao(VNN).
(516) Hồi ký “Au Tonkin et sur la frontière du Kwang-si” của Famin - phó chủ tịch Uỷ ban Phân giới năm 1894, phụ trách công tác phângiới vùng Cao Bằng, Lạng Sơn tiếp giáp với Quảng Tây, Trung Quốc, trang 12-13 viết: “Trên vùng phía Bắc (vùng II Quân-Sự), sông QuiThuận chảy qua Trùng Khánh Phủ. Ðây là một phụ lưu của sông Tây Giang (Shi-Jiang). Có chiều rộng khoảng 60 thước, chảy vào Tonkin qua cửa Ải Lung và chảy vào lại đất Tàu ở gần công sự Tàu, có tên Nam-Ton, sau khi đã tưới một thung lũng rộng lớn và rất trù mật. Hai cây số trước khi rời khỏi đất Tonkin, sông này chảy xuống một bậc đá và tạo thành một cái thác tuyệt đẹp cao khoảng 40 thước”.
(517) Ngay từ năm 1993, ông Trần Văn Thình, một người Pháp gốc Việt, làm Ðại sứ Cộng hoà Pháp tại Uỷ ban châu Âu (EC) từ năm 1993 đến 1995, đã có nhiều nỗ lực giúp giải thích những lợi ích và khó khăn nếu Việt Nam nếu gia nhập GATT. Ông Thình khuyến nghị Việt Nam gia nhập GATT và giới thiệu ông Arthur Dunkel, tổng thư ký của GATT, người có thể hỗ trợ Việt Nam gia nhập GATT. Chính ông Long Vĩnh Ðồ, trưởng đoàn đàm phán của Trung Quốc tại Thuỵ Sĩ về việc Trung Quốc gia nhập GATT cũng trao đổi kinh nghiệm đàm phán với các quốc gia để đạt các hiệp định song phương. Các vị đại sứ phương Tây ở Hà Nội tư vấn, nếu ký được BTA với Mỹ thì Việt Nam sẽ được các nước nể nang hơn, việc đàm phán WTO sẽ thuận lợi hơn nhiều.
(518) Asia-Pacific Economic Cooperation.
(519) Khi Việt Nam bỏ lỡ cơ hội của mình ở Auckland, Bắc Kinh đã tận dụng cơ hội ấy. Cuối năm 1999, khi Barshevsky đến Bắc Kinh, tiếp tục đàm phán với Bộ trưởng Đầu tư và Thương mại quốc tế Thạch Quả Sinh các điều kiện để Trung Quốc gia nhập WTO. Cuộc đàm phán gần như bế tắc, Barshevsky đã quyết định chín giờ sáng hôm sau sẽ rời Bắc Kinh. Nhưng, đêm hôm ấy, đích thân Giang Trạch Dân gặp Barshevsky, nhân nhượng các điều kiện của Mỹ và quyết định ký với Mỹ Thoả thuận những điều kiện để Trung Quốc gia nhập WTO.
(520) Ngày 7-11-2006, Việt Nam mới chính thức gia nhập WTO.
(521) Trong bài phát biểu với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 18-11-2000, Tổng thống Bill Clinton nói: “Khối lượng thương mại trên thế giới đã tăng gấp đôi, số lượng đầu tư từ những quốc gia giàu vào những quốc gia đang phát triển đã tăng gấp sáu lần, từ hai mươi lăm tỷ đô la vào năm 1990 lên đến hơn 150 tỷ đô-la vào năm 1998. Những quốc gia đã mở cửa nền kinh tế trong hệ thống thương mại quốc tế đã tăng trưởng nhanh ít nhất gấp đôi so với những quốc gia có nền kinh tế khép kín… Một tính toán của Ngân hàng Thế giới nói rằng Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ có thể đưa lại cho Việt Nam thêm mỗi năm 1,5 tỷ đô-la, chỉ riêng từ xuất khẩu”.
(522) Tháng 6-2005, Thủ tướng Phan Văn Khải trở thành nhà lãnh đạo Việt Nam Cộng sản đầu tiên thăm chính thức Washington. Chuyến đi của ông Khải gây chú ý đặc biệt và người ta không khỏi bàn tán khi trước báo giới, ngồi bên cạnh một ông Bush tự tin, ông Khải tỏ vẻ bối rối, tay cầm tờ giấy trả lời báo chí. Ông Khải thừa nhận: “Quan hệ với Mỹ dễ dàng hơn nhiều so với Trung Quốc. Tôi hội đàm hết sức thoải mái với Tổng thống G. W. Bush và Bill Clinton trước đây nhưng đúng là tôi ngại báo chí. Chỉ cần báo chí đưa không đúng một câu nói của mình thì sẽ có vấn đề ngay với Bộ chính trị. Sang Mỹ nhưng thực ra chúng tôi phải lo đối nội nhiều hơn đối ngoại”.
(523) Vận động viên Taekwondo, huy chương bạc Olympic Sydney, 28-9-2000.
(524) Staggering sacrifice.
(525) Nguyễn Chí Trung sinh năm 1930, khởi nghiệp bằng một số truyện ngắn rồi trở thành một cán bộ tuyên huấn trong quân đội. Khi ông Lê Khả Phiêu giữ chức chủ nhiệm chính trị Quân Tình nguyện Việt Nam ở Campuchia, Nguyễn Chí Trung là phó chủ nhiệm. NguyễnChí Trung được phong hàm thiếu tướng khi làm trợ lý cho Tổng bí thư. Do không vướng bận gia đình, Nguyễn Chí Trung gần như dành trọn thời gian của mình, trở thành người giúp việc gần gũi và có ảnh hưởng nhất đến Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.
(526) Nhân Dân 19-11-2000.
(527) Emily rất nổi tiếng ở Việt Nam sau khi bài thơ “Ê-mê-ly, Con ơi!” của Tố Hữu được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy suốt nhiều thập niên.
(528) Một người Mỹ ở Pennsylvania, ngày 2-11-1965, bế con gái Emily một tuổi tới trước văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng McNamara rồi tự thiêu để phản đối chiến tranh Việt Nam.
(529) My Life Bill Clinton, Vintage Books 2005, trang 930 - Phát biểu của Bill Clinton được lược thuật trên báo Nhân Dân ngày 19-11- 2000: “Về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nhiều người ở Hoa Kỳ không nhất trí với nhau về chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ và về bản chất cuộc chiến tranh. Nhiều người, trong đó có Đại sứ Peterson của chúng tôi, đã tưởng rằng họ sang chiến đấu để giúp cho người Việt Nam được tự do và tự quyết. Ngày nay, tôi thấy rất thú vị là đã có một nước Việt Nam thống nhất và tiến bộ”.
(530) Bill Clinton mô tả chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh: “Võ Viết Thanh ăn nói như những thị trưởng năng nổ ở Mỹ mà tôi biết. Ông khoe về việc cân đối ngân sách, cắt giảm chi tiêu, và nỗ lực lôi kéo thêm các nhà đầu tư nước ngoài”. Còn Chủ tịch nước Trần Đức Lương thì Bill Clinton nhận xét: “Chỉ kém giáo điều hơn (Lê Khả Phiêu) một chút”. Ông Phiêu có lý do đối nội khi cố ý làm mất lòng Bill Clinton như thế nhưng rồi chính những người mà ông nghĩ sẽ hài lòng với thái độ cứng rắn trước tổng thống Mỹ lại chính là người sẽ sử dụng điều đó để chỉ chống lại ông (sách đã dẫn).
(531) Tại lễ kỷ niệm bảy mươi năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức tại Hà Nội đầu tháng 2-2000, Lê Khả Phiêu nhấn mạnh: “Chúng ta đổi mới nhưng chúng ta kiên quyết không đổi màu. Những khó khăn và thách thức sẽ không buộc chúng ta đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa”. Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh điều này trong tình thế mà ông cho rằng “chủ nghĩa đế quốc đang tiếp tục tìm cách xoá hết những nước xã hội chủ nghĩa còn lại”. Lê Khả Phiêu nói: “Khi chủ nghĩa đế quốc đẩy mạnh tự do hoá thương mại và dịch vụ, toàn cầu hoá đầu tư, những nước giàu sẽ trở nên giàu hơn, khoảng cách giữa các quốc gia giàu và nghèo sẽ càng mở rộng”.
(532) Câu chuyện này xảy ra trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu vào tháng 2-1999. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm: “Trước cuộc họp kín giữa Giang Trạch Dân và Lê Khả Phiêu, chúng tôi bị chặn lại. Phía Trung Quốc chỉ cho Tổng bí thư, chánh Văn phòng, thư ký Tổng bí thư và Nguyễn Chí Vịnh, phó tổng cục trưởng Tổng cục II vào. Bọn tôi phản ứng nhưng anh Phiêu bảo thôi”.
(533) Gánh nặng lịch sử còn đặt lên vai Tổng bí thư Lê Khả Phiêu khi trong nhiệm kỳ của mình, Bộ chính trị mà ông đứng đầu phải đưa ra những đưa ra những quyết định liên quan đến việc phân chia Thác Bản Giốc, Hữu Nghị Quan, bãi Tục Lãm và Điểm cao 1509 - những khúc mắc cuối cùng trong hiệp định phân định biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc - và ông bị cáo buộc đã có những thoả thuận kín với Giang Trạch Dân.
(534) Theo ông Nguyễn Đình Hương, “Chuyên án mang mật danh ‘A10’ nên về sau người ta cứ gọi cơ quan tình báo lập ra theo Quyết định 234 là A10”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001