Phần IV: Tam Nhân
Chương 21: ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
ho
dù vẫn là quốc gia một đảng, kể từ khi chấp nhận kinh tế nhiều thành
phần, về bản chất, Việt Nam không còn là quốc gia cộng sản. Thế nhưng,
định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn như một “nơi trú ẩn” của đảng cầm quyền
và ý thức hệ vẫn ảnh hưởng sâu sắc đến tiến trình ban hành chính sách.
Thật khó để khẳng định, chủ nghĩa xã hội có thực sự là niềm tin của một
số nhà lãnh đạo Đảng lúc bấy giờ nhưng nó đã trở thành quyền lực chính
trị, ngăn chặn thành công những chính sách phát triển đất nước theo
hướng kinh tế thị trường. Quan điểm lấy quốc doanh làm chủ đạo được
thiết lập trong thập niên 1990 đã để lại di chứng lâu dài cho đất nước.
Quốc doanh chủ đạo
Không
phải ngẫu nhiên mà ở giai đoạn 1991-1995, GDP tăng bình quân 8,2%, mức
tăng trưởng cao nhất so với cả thập niên sau đó(535). Từ chỗ bị cấm
đoán, trên nhiều lĩnh vực, Nhà nước đã để cho người dân được tự do làm
ăn(536). Kinh tế thị trường đã đánh thức khát vọng cơm no, áo ấm của
người dân và trong giai đoạn sơ khai, các nguồn lực trong dân như những
chiếc lò xo đã bung ra mạnh mẽ(537). Nhưng, khi sức đàn hồi tự nhiên yếu
dần, những bất cập về chính sách, luật pháp và thủ tục hành chính mới
bắt đầu bộc lộ.
Đổi
mới bắt đầu chững lại vào giữa thập niên 1990, và tốc độ chuyển sang
kinh tế thị trường có nguy cơ dẫm chân tại chỗ. Sự sốt ruột được ông Võ
Văn Kiệt thể hiện một phần trong “Thư gửi Bộ Chính trị”(538). Nhưng Đại
hội Đảng lần thứ VIII, giữa năm 1996, từ nhân sự cho đến đường lối, đã
không cung cấp được nhân tố mới nào. Theo ông Phan Văn Khải, nói là Đảng
bắt đầu đổi mới từ năm 1986, nhưng trên thực tế trong suốt nhiệm kỳ VI
(1986-1991), trong Đảng vẫn tranh cãi liên miên về đường đi. Chấp nhận
kinh tế tư nhân vì thấy “vẫn còn cần” nhưng mối quan tâm chính của Đảng
vẫn là kinh tế quốc doanh.
Trước
khi cho phép tư nhân lập công ty, tháng 3-1989, tại Hội nghị Trung ương
6, khoá VI, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nói: “Ban Chấp hành Trung ương
đòi hỏi phải có những biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ và thiết thực để cởi
trói, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho kinh tế quốc doanh nâng cao
hiệu quả kinh tế của nó, khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế quốc
doanh trong cơ cấu kinh tế nhiều thành phần”. Cuối năm 1989, sau mấy
tháng áp dụng các biện pháp chống lạm phát, trong đó áp dụng khá triệt
để nguyên tắc tự hạch toán kinh doanh đối với các doanh nghiệp, thị
trường tốt hẳn lên. Nhìn kết quả chung của toàn nền kinh tế thì đó là
một thành công. Khu vực kinh tế phi nhà nước được lợi, người dân được
lợi lớn. Nhưng các doanh nghiệp nhà nước thì bế tắc.
Quen
được bao cấp từ cung cấp vật tư cho tới khâu tiêu thụ, nay phải tự vay
vốn, tự tính đúng, tính đủ giá thành sản phẩm, nhiều doanh nghiệp nhà
nước đứng bên bờ vực vì thiếu vốn, hàng làm ra không bán được. Than
Quảng Ninh bốn năm tháng không có lương trả công nhân. Nhà máy Diesel
Sông Công, Thái Nguyên, niềm tự hào của nền công nghiệp Việt Nam, trong
năm 1989 sản xuất được 5.000 đầu máy 50 mã lực nhưng chỉ bán ra được một
cái.
Theo
ông Nguyễn Văn Nam, thư ký của ông Đỗ Mười: “Tổng bí thư Nguyễn Văn
Linh bốn lần gặp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười phê phán. Giữa năm
1989, khi họp Trung ương, nghe ông Đỗ Mười báo cáo những mặt tích cực
của nền kinh tế, ông Linh nói: ‘Mất chủ nghĩa xã hội tới nơi rồi còn nói
thành tích’. Ông Linh đòi ông Mười phải bỏ áp dụng các biện pháp chống
lạm phát áp dụng từ quý II năm 1989. Ông Mười triệu tập các chuyên gia
bàn cách thi hành lệnh của Tổng bí thư”.
Thôi
áp dụng các nguyên tắc trong đề án chống lạm phát đồng nghĩa với việc
từ bỏ những nguyên tắc của kinh tế thị trường, yếu tố giúp nền kinh tế
vượt qua khủng hoảng. Các chuyên gia gặp nhau, hết sức lo lắng, Giáo sư
Đào Xuân Sâm đề nghị: “Tôi đến tuổi rồi, có gì thì về hưu, các cậu cứ để
đấy tôi nói”. Vào họp, Giáo sư Đào Xuân Sâm hỏi ông Đỗ Mười: “Anh làm
thủ tướng của sáu mươi triệu dân hay chỉ là sáu triệu cán bộ quốc
doanh?”. Ông Đỗ Mười nói: “Làm gì tới sáu triệu, chỉ khoảng ba, bốn
triệu thôi”. Giáo sư Sâm tiếp: “Quốc hội bầu anh đứng đầu Chính phủ là
để lo cho toàn dân chứ đâu phải chỉ lo cho mấy triệu công nhân quốc
doanh. Một phương án đang đem lại lợi ích cho đất nước, cho nhân dân mà
anh tính bỏ sao được”. Bị đặt giữa hai dòng áp lực, ông Đỗ Mười đành
phải duy trì những chính sách đang phát huy hiệu quả đồng thời yêu cầu:
“Các anh tìm cho tôi phương án cứu quốc doanh”.
Nhóm
chuyên gia của ông Đỗ Mười bàn và đưa ra lý lẽ: Kinh tế thị trường là
thả các doanh nghiệp, trong đó có quốc doanh, ra bơi chung trong một
biển hồ. Vì quốc doanh chưa biết bơi nên thả ra là chết. Ngày xưa bao
cấp như những chiếc lồng ấp, nên nếu quốc doanh ngắc ngoải có thể vớt
lên đưa vào lồng may ra sống lại. Nhưng nay, những chiếc lồng ấp không
còn, có vớt lên bờ nó cũng chết. Nguyên tắc của doanh nghiệp là phải bơi
trong thị trường. Nếu chưa biết bơi thì thả thêm phao cho nó.
Ông
Nguyễn Văn Nam giải thích: “Cái phao được thả ra vào thời điểm này là
vốn, toàn bộ khấu hao, Chính phủ cho các doanh nghiệp quốc doanh giữ
lại. Các doanh nghiệp còn được cấp trực tiếp một khoản tiền: Than Quảng
Ninh và Diesel Sông Công được cấp bốn tỷ trả lương; quốc doanh được áp
dụng tín dụng ưu đãi, được vay vốn với lãi suất khoảng 6-7% thay vì 13%
như thị trường”. Các ngân hàng quốc doanh lại trở về với nguyên tắc bao
cấp khi phải cung cấp một lượng tín dụng rất lớn cho ngân sách có tiền
chi tiêu và cho các xí nghiệp quốc doanh(539).
Theo
ông Nguyễn Văn Nam: “Sự trì trệ của quốc doanh bắt đầu từ chính sách
này. Họ đã không dựa vào phao để học bơi mà suốt đời cứ bám vào cái phao
Nhà nước. Sức bám càng ngày càng nặng dần đó là lý do mà khu vực kinh
tế quốc doanh chậm đổi mới và hiệu quả của nền kinh tế thì càng ngày
càng thấp”. Sự tồn tại của quốc doanh, từ đó, theo ông Trần Đức
Nguyên(540), “chủ yếu dựa vào những ưu ái của Nhà nước: được khai thác
tài nguyên, đặc biệt là đất đai; được độc quyền trong những ngành mà Nhà
nước giữ quyền chi phối; nhận được tín dụng ưu đãi theo kênh hành
chánh, người vay không phải chịu trách nhiệm gì”.
Những
người soạn thảo “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội đến
năm 2000”(541), một trong ba văn kiện chính của Đại hội Đảng lần thứ
VII, tháng 6-1991, đã cố gắng đặt các khung chính trị để phát triển kinh
tế nhiều thành phần, chỉ giữ quốc doanh trên những lĩnh vực mà các
thành phần khác không có điều kiện hoặc không muốn đầu tư kinh doanh. Tổ
phó Biên tập Chiến lược, ông Trần Đức Nguyên, thừa nhận những quan điểm
này được hình thành sau chuyến đi “khảo sát kinh nghiệm phát triển kinh
tế ở bốn nước châu Á”(542).
Tuy
ghi nhận kinh nghiệm sử dụng vai trò nhà nước trong giai đoạn đầu đối
với các nước từ nông nghiệp lạc hậu đi lên(543), nhưng đoàn của ông Phan
Văn Khải chủ yếu tiếp thu các khuyến cáo về kinh tế quốc doanh. Ở cả
bốn nước mà đoàn đi qua đều có tình trạng chung: trong cùng một ngành
hoạt động, quốc doanh thường kém hiệu quả hơn tư nhân, do ít tự chủ,
được ưu đãi nhưng lại bị nhà nước can thiệp sâu, nên bị động và ỷ lại.
Báo
cáo chuyến khảo sát của ông Phan Văn Khải viết: “Cuối cùng chính các
quốc gia này rút ra: cái gì tư nhân làm được thì để tư nhân làm; Khác
với quan điểm cái gì quốc doanh không làm được mới để tư nhân làm. Cả
bốn nước đều tư nhân hoá khu vực quốc doanh, nhưng vẫn giữ lại những cơ
sở cần thiết như cơ sở phục vụ công cộng, cơ sở khai thác tài nguyên
quan trọng như dầu mỏ, cơ sở ở những lĩnh vực tư nhân không muốn làm
hoặc không đủ sức làm”(544).
Thị trường và lập trường
Đầu
thập niên 1990, người Nga sang Việt Nam đàm phán không nói chuyện buôn
bán mà chỉ đòi nợ cũ của Liên Xô. Nền công nghiệp gia công mũi giày, may
áo sơ mi, xuất sang Liên Xô, Đông Âu bắt đầu điêu đứng vì thị trường
truyền thống không còn nữa. Hàng vạn công nhân thất nghiệp. Việt Nam bắt
đầu phải tìm kiếm bạn hàng từ những thị trường khác.
Các
doanh nghiệp phải trầy vi, tróc vảy, đi dần từng bước, từ các bạn hàng
Hồng Kông, Đài Loan rồi mới nhích tới EU. Đã có biết bao công ăn, việc
làm được phục hồi nhờ những bạn hàng mới đó. Nhưng do chưa quen gia công
hàng cao cấp, hàng hoá cứ bị trả vì không đạt chất lượng. Khách hàng
khắc phục bằng cách cử chuyên gia sang kiểm tra. Hàng hoá không còn bị
trả lại nữa nhưng việc các chuyên gia tư bản ngồi trong các nhà máy quốc
doanh làm cho nhiều người chạnh lòng.
Bộ
trưởng Lê Văn Triết kể: “Tôi báo với ông Kiệt, ông Kiệt nói: làm với
ai, làm gì mà có lợi cho đất nước thì mình cứ làm. Nhưng rồi bên Ban Bí
thư nói vô nói ra, có người sợ cho tư bản kiểm tra hàng hoá của mình là
mất chủ quyền, mình lệ thuộc vào nó. Có người thậm thà, thậm thụt với
ông Đỗ Mười. Ở nhiều hội nghị, kể cả trong hội nghị trung ương, ông Đỗ
Mười cảnh báo: Coi chừng mất định hướng, mất chủ nghĩa xã hội”. Theo ông
Phan Văn Khải, tết năm 1989, tuy chúc “người dân làm giàu”, nhưng ông
Đỗ Mười vẫn dùng ảnh hưởng của mình để bảo vệ quan điểm kinh tế nhà nước
và kinh tế hợp tác là nền tảng.
Ông
Phan Văn Khải nói: “Tôi và Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng, phải phá
bằng được thế kế hoạch hoá tập trung, phải chuyển nền kinh tế từ chỗ nhà
nước quyết định đến chỗ do thị trường quyết định. Nhà nước chỉ tạo ra
hành lang pháp lý còn chuyện làm giàu thì phải để cho người dân, nhân
dân phải là người quyết định sự nghiệp của đất nước. Trong suốt một thời
gian dài chúng tôi phải tranh cãi để bảo vệ quan điểm này với những nhà
lý luận mà ông Đỗ Mười tập hợp, từ Đào Duy Tùng đến Nguyễn Đức Bình và
kể cả Lê Xuân Tùng. Mãi về sau này, chúng tôi mới có thêm những người
ủng hộ như Phan Diễn, Nguyễn Văn An. Còn những người còn lại trong Bộ
Chính trị thì không quan tâm đến lý luận”.
Trong
hai ngày 30 và 31-7-1993, ông Võ Văn Kiệt tổ chức một phiên họp thường
kỳ của Chính phủ tại Dinh Thống Nhất. Sau khi đánh giá: “Tình hình kinh
tế xã hội đang có những chuyển biến tích cực, đúng hướng, đã vượt qua
được những thử thách to lớn, đi dần vào thế ổn định”. Trước sự có mặt
của báo giới, ông Kiệt gửi đi thông điệp: Phải làm bật dậy mọi tiềm năng
trong cả nước, khai thác khả năng tiềm tàng của các thành phần kinh tế,
đồng thời tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài nhằm đẩy nhanh công cuộc
xây dựng đất nước.
Ngay sau phiên họp, khi trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ,
Phó Thủ tướng Phan Văn Khải, tuy cho rằng “trong giai đoạn trước mắt,
dân doanh còn nghèo, quốc doanh còn phải trụ cột”, nhưng vẫn nhấn mạnh:
“Quốc doanh vẫn chủ yếu đầu tư cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện cho các
thành phần, các ngành kinh tế phát triển”. Mặc dù vẫn “hướng tới thành
lập những công ty lớn và những tập đoàn [quốc doanh] có sức cạnh tranh
với bên ngoài”, Chính phủ sẽ cho cổ phần hoá để huy động vốn đầu tư vào
những công trình quan trọng hơn”. Nhưng theo ông Phan Văn Khải: “Chính
phủ củng cố quốc doanh không có nghĩa là tiếp tục ôm lấy gánh nặng cho
nền kinh tế”(545).
Cũng
từ giai đoạn này, chính phủ chủ trương bỏ dần khái niệm bộ chủ quản và
khái niệm xí nghiệp trung ương, xí nghiệp địa phương, tách bạch vai trò
quản lý nhà nước của các bộ với quản lý sản xuất kinh doanh. Chính phủ,
kể từ năm 1991, thể hiện khá nhất quán chính sách nhắm tới nền kinh tế
nhiều thành phần(546).
Hơn
bốn tháng sau khi đứng đầu chính phủ, ông Võ Văn Kiệt đã ký quyết định
thành lập Hội đồng Trung ương Lâm thời các doanh nghiệp ngoài quốc
doanh, bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Thương mại Hoàng Minh Thắng làm chủ tịch.
Ông Thắng nói: “Chủ trương của ông Kiệt khi cho ra đời tổ chức này là để
khuếch trương kinh tế tư nhân, coi tư nhân là lực lượng chủ lực của nền
kinh tế”. Từ tháng 12-1991 cho đến tháng 10-1993, Hội đồng Trung ương
Lâm thời đã tổ chức được ba mươi tám hội đồng lâm thời ở ba mươi tám
tỉnh, thành phố, trực thuộc trung ương, đặc biệt, cũng trong giai đoạn
này, các hợp tác xã đã được tổ chức lại theo tinh thần hợp tác tự
nguyện.
Nhưng,
cuối tháng 10-1993, khi đại biểu của ba mươi tám tỉnh, thành bắt đầu về
Hà Nội để dự đại hội thành lập hội thì Trung ương Lâm thời được Ban Bí
thư triệu tập. Theo ông Hoàng Minh Thắng: “Tôi trình bày trước Ban Bí
thư về công tác chuẩn bị, về lực lượng hơn hai trăm nghìn doanh nghiệp
tư nhân và ba trăm nghìn hợp tác xã và tổ kinh tế hợp tác. Ông Đỗ Mười
nghe, nói: rộng quá, to quá! Không cần giải thích, ông quyết định thành
phần hội viên chỉ còn là tổ hợp tác và hợp tác xã, không cho bao gồm cả
doanh nghiệp tư nhân. Đại hội, do đó, vẫn diễn ra vào ngày 30-10-1993
nhưng thay vì thành lập Hội Doanh nghiệp ngoài quốc doanh, trở thành đại
hội thành lập Liên minh các hợp tác xã”.
Ba
tháng sau, từ ngày 20 đến 25-1-1994, tại hội nghị giữa nhiệm kỳ của
Đảng, ông Đỗ Mười đã đọc một văn kiện chỉ ra bốn nguy cơ: nguy cơ tụt
hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới,
nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa nếu không khắc phục được những lệch
lạc trong chủ trương, chính sách và chỉ đạo thực hiện, nguy cơ về nạn
tham nhũng và tệ quan liêu, nguy cơ “diễn biến hoà bình” của “các thế
lực thù địch”. Nói là “bốn nguy cơ”, nhưng chỉ có “chệch hướng” và “diễn
biến hoà bình” là thực sự được nhấn mạnh. Nền “kinh tế thị trường” mà
Đại hội Đảng lần thứ VII đưa vào văn kiện “Chiến lược phát triển kinh tế
xã hội đến năm 2000” đã được thêm “đuôi” để trở thành: “Xây dựng đồng
bộ cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội
chủ nghĩa”(547).
Không
đơn giản chỉ là chuyện câu chữ, cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”
được gắn vào “kinh tế thị trường” phản ánh mối tương quan quyền lực, cho
thấy những nỗ lực để Việt Nam thoát ra khỏi mô hình kinh tế kế hoạch
hoá là không hề dễ dàng. Sự nửa vời này gây bức bối cho cả khu vực kinh
tế nhà nước lẫn khu vực kinh tế tư nhân.
Ngày
8-2-1995, ông Võ Văn Kiệt vào Sài Gòn, gặp 300 nhà doanh nghiệp tại
Dinh Thống Nhất(548). Ông Kiệt phân bua: “Chính phủ đang làm dâu hai họ,
quốc doanh và tư doanh ai cũng kêu mình không được đối xử bình đẳng”.
Các xí nghiệp quốc doanh cho rằng họ đang phải chịu nhiều thuế và phí
hơn tư doanh, trên đầu họ, ngoài pháp luật còn có một cơ quan chủ quản.
Trong khi, các giám đốc tư nhân lại cảm thấy bị thua thiệt với không chỉ
quốc doanh mà còn với các doanh nhân nước ngoài(549). Sau cuộc họp đó,
ông Kiệt cử người vào Nam và mặc dù bị các tổng công ty nhà nước kinh
doanh lúa gạo phản ứng khá dữ dội, ông Kiệt quyết định, thay vì tập
trung quyền xuất khẩu gạo cho hai tổng công ty, chính phủ còn trao quyền
này cho các tỉnh(550).
Ông
Khải cho rằng chưa có một chính phủ nào trong một thời gian ngắn có thể
ban hành nhiều văn bản luật như Việt Nam của thập niên 1990. Điều mà
nền kinh tế cần, theo thuật ngữ lúc đó, là một “hành lang pháp lý” để
các thành phần kinh tế đều có thể vận hành theo kinh tế thị trường.
Nhưng thị trường chính là điểm xung đột đối với những người coi lập
trường quan trọng hơn quốc gia phát triển.
Khi
Luật Thương mại được Chính phủ Võ Văn Kiệt biên soạn theo nguyên tắc
“công dân có quyền tự do mua bán, tự do sản xuất kinh doanh”, theo Bộ
trưởng Thương mại Lê Văn Triết, trước khi Quốc hội họp, ông Đỗ Mười kêu
ông lên, mắng: “Tự do gì cũng phải ở trong khuôn khổ, quốc doanh phải
nắm, nước nào nhà nước cũng phải quản lý”. Rồi ông Đỗ Mười yêu cầu Bộ
Thương mại biên soạn lại theo hướng “quốc doanh thống lĩnh thị trường,
kiên quyết không để cho tư thương đẩy lùi trận địa”. Ông Triết nói với
ông Mười: “Thưa anh, đây là Hiến pháp”. Ông Mười nói: “Hiến pháp thì
cũng phải vận dụng. Anh phải hiểu chứ”. Ông Triết buộc phải cắt bớt mấy
chữ “tự do mua bán”, các đại biểu không đồng tình, Quốc hội biểu quyết
giữ nguyên như dự thảo ban đầu. Ông Đỗ Mười lại kêu ông Triết lên, mắng:
“Anh làm lỡ hết, Quốc hội biết rồi. Bây giờ phải tìm cách sửa khi làm
nghị định hướng dẫn”.
Sở
dĩ hàng chục năm sau đổi mới, Việt Nam vẫn không có một thị trường phát
triển đúng tầm, không có những nhà tư sản thương nghiệp có khả năng tìm
kiếm thị trường bên ngoài, theo Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết, là
do “những nỗ lực theo đúng kinh tế thị trường rất dễ bị coi là chệch
hướng. Đề án xây dựng thị trường nội địa của tôi bị bác bỏ gần hết. Bản
dự thảo sau khi đưa lên mấy tầng, cuối cùng trở về không còn là bản của
mình nữa. Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng không bảo vệ được”.
Ngay
cả khi không còn giữ chức Tổng bí thư, ông Đỗ Mười còn có ảnh hưởng
quyết định trong việc duy trì vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà
nước. Khi chuẩn bị Nghị quyết 05(551), Chính phủ Phan Văn Khải lưu ý:
“Có nơi còn coi trọng số lượng hơn chất lượng, hiệu quả, còn cho rằng
doanh nghiệp nhà nước phải chiếm tỉ trọng lớn, phải có mặt và phải chi
phối ở hầu hết các lĩnh vực, các ngành kinh tế thì mới làm được vai trò
chủ đạo”(552). Nhận xét này đã bị ông Đỗ Mười phê phán.
Trong
thư gửi Bộ Chính trị đề ngày 2-11-2000, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương
Đảng Đỗ Mười cho rằng quan điểm “thu hẹp doanh nghiệp nhà nước, phát
triển mạnh các thành phần kinh tế khác là một khuynh hướng sai lầm cần
uốn nắn”. Theo ông Đỗ Mười: “Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa dựa trên
‘chế độ công hữu về tư liệu sản xuất là chủ yếu’ là một trong những đặc
trưng của xã hội chủ nghĩa… Mọi sự coi nhẹ, làm suy yếu kinh tế nhà nước
chính là biểu hiện của nguy cơ chệch hướng”. Ông Đỗ Mười cho rằng:
“Luận điệu tuyên truyền và sức ép của các thế lực tư bản đế quốc bên
ngoài về ‘tư nhân hoá’ đã tác động không ít đến nhận thức một số cán bộ,
đảng viên ta”. Cuối năm 2000 mà ông Đỗ Mười còn đề nghị quốc doanh nắm
lại các ngành vận tải ô-tô, ngành bán buôn và bán lẻ vật tư và hàng hoá
tiêu dùng,… vì ông cho rằng đó là những ngành “then chốt của nền kinh
tế”(553).
Cố
vấn Đỗ Mười đưa ra nguyên tắc: “Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước phải
nhằm tăng cường kinh tế nhà nước, chứ không phải làm suy yếu nó”(554).
Trong một bức thư khác, gửi đi ngày 14-11-2000, Cố vấn Đỗ Mười còn dẫn
những số liệu cho thấy cổ phần hoá trên thực tế đã không theo đúng những
nguyên tắc này(555).
Hội
nghị Trung ương 3, cho dù họp vào tháng 9-2001, khi ông Đỗ Mười đã thôi
cố vấn hơn nửa năm, vẫn phải thông qua Nghị quyết 05, theo hướng tuy
“đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, thực hiện giao, bán, khoán
kinh doanh, cho thuê, sáp nhập, giải thể, phá sản doanh nghiệp nhà
nước”, nhưng lại coi “quy mô còn nhỏ là một trong những mặt hạn chế, yếu
kém rất nghiêm trọng”. Nghị quyết 05 “trao” cho kinh tế nhà nước “vai
trò quyết định trong việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định
và phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước”.
Tháng
Giêng năm 2004, khi vai trò thái thượng hoàng của “tam nhân” không còn
nhiều, Chính phủ của ông Phan Văn Khải mới có thể mạnh tay sắp xếp lại
khu vực kinh tế quốc doanh sau khi đạt được thoả thuận trong Nghị quyết
Hội nghị Trung ương 9, khoá IX: “Cổ phần hoá không chỉ được đẩy nhanh
tiến độ mà còn được mở rộng diện, kể cả một số tổng công ty và doanh
nghiệp lớn”.
Phan Văn Khải
Cuối
thập niên 1990, sau khi ông Phan Văn Khải đã trở thành thủ tướng, gia
tộc họ Phan ở Nghệ An có mời ông về nhân một lần nhóm họ, ông Khải cho
vợ, bà Nguyễn Thị Sáu, mang quà về. Sự xuất hiện của phu nhân thủ tướng
tại gia tộc họ Phan đã khiến cho nhiều người tin vào những lời đồn đoán:
Ông Phan Văn Khải là con của ông Phan Đăng Lưu(556), một người từng
lãnh đạo Xứ uỷ Nam Kỳ.
Trên
thực tế, mãi tới năm 1939, Phan Đăng Lưu mới vào Nam Bộ trong khi ông
Phan Văn Khải sinh ngày 25-12-1933 tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi.
Mẹ ông, bà Phan Thị Mung(557) là con của ông Phan Văn Ngoan(558), một
người có bảy mẫu ruộng, theo Thiên Địa Hội và có uy tín ở trong làng.
Ông Ngoan và vợ, bà Trần Thị Lược(559), chỉ có được một người con gái
sau bốn lần sinh con trai mà không nuôi được.
Năm
mười chín tuổi, bà Mung mang thai với ông Nguyễn Văn Phèn, thường gọi
là ông Cả Phèn, sinh ra Phan Văn Khải. Ông nội ông Cả Phèn từng làm cai
tổng vùng Củ Chi. Theo ông Phan Văn Khải: “Ông ngoại tôi ghét ông Cả vì
mẹ tôi vừa lớn lên, có bầu với ông rồi bị ông bỏ rơi. Nhưng, trong làng
ai cũng biết, ông Cả hay đón tôi ở ngoài đường rồi chở tôi đi chơi bằng
xe đạp. Các ông anh cùng cha cũng hiền và một người chị gái thì rất
thương tôi. Vợ ông Cả thậm chí thỉnh thoảng còn cho mẹ tôi tiền. Khi tôi
đi kháng chiến ông Cả có nhắn về để ông lo cho ăn học”(560).
Ông
Phan Văn Khải kể: “Khi tôi ra đời thì gia đình phá sản, phải bán đất.
Ông ngoại chỉ còn lại một hecta ruộng và một hecta vườn. Ông không có
con trai nên không có lao động. Năm 1940 khó khăn, ông ngoại phải bán
luôn cả cái nhà bằng gỗ. Tôi lớn lên trong hoàn cảnh nghèo nhưng ông
ngoại vẫn cho đi học. Học hết tiểu học, thi lên lớp xong thì Việt Minh
cướp chính quyền, thế là từ đó chỉ ở nhà giữ em, chăn trâu, làm thuê; ai
kêu gì làm nấy, nhổ đậu, cắt lúa, nhặt đậu”. Chính những công việc này
lại là cơ duyên để ông Khải “thoát ly”.
Ông
Phan Văn Khải kể: “Một lần, đi chăn trâu ở Tân Phú Trung, tôi gặp mấy
ông cán bộ xã trốn ở đây, huyện đưa giấy tờ về họ đọc không được, họ nhờ
tôi đọc, riết thành ‘giác ngộ cách mạng’. Năm 1947, tôi về làng tham
gia đội thiếu nhi cứu quốc, lập ban chấp hành thiếu nhi cứu quốc, làm
thư ký ban chấp hành chi đội. Tháng 2-1948, ông Tám Hoà, chủ nhiệm Việt
Minh Hóc Môn, thấy tụi tôi khai hội, ông kéo lên huyện họp, lập Ban Chấp
hành Thiếu nhi Hóc Môn, tôi là uỷ viên. Họp xong, từ An Nhơn Tây về
nhà, tới Mũi Lớn, nghe tin ông bố dượng là chủ nhiệm Việt Minh thôn bị
bắn chết, tôi lội bưng về thì má vừa chôn cất dượng xong”.
Bố
dượng mất khi mẹ đang mang thai, ông Khải định ở nhà làm ăn đỡ đần mẹ
nuôi ông bà. Nhưng, ông Khải nói: “Cấp trên thấy tôi lâu không lên, cử
một người xuống xã Mỹ Hạnh gọi tôi qua. Ăn cơm xong, tôi nói hoàn cảnh.
Vị đại diện này nói một câu: ‘Xã đang căng, mày ở nhà trước sau cũng
chết. Nợ nước thù nhà, mày phải đi mới trả được’. Tôi nghĩ, chết mà
không làm tròn nghĩa vụ thì không đáng làm trai nên quyết dứt áo ra đi.
Về gặp ông ngoại, ông nói ‘nên đi’, bà ngoại dặn, ‘đừng ra nơi làn tên,
mũi đạn’. Không dám gặp má từ giã, tôi viết thư, dặn ông ngoại đợi tôi
đi rồi mới đưa cho má”.
Từ
đó, ông Phan Văn Khải học cách khai hội, phát biểu trước thanh niên.
Huyện Hóc Môn chia thành năm khu, ông phụ trách công tác đoàn đội ở một
khu. Năm 1950, ông được điều lên Văn phòng tỉnh đoàn Gia Định. Ông Khải
nói: “Tất cả sách vở của Xứ uỷ và Trung ương gởi vô, tôi đọc hết. Vừa
làm vừa thi vào tiểu học tỉnh Gia Định, đậu thứ chín nhưng ông tỉnh đoàn
trưởng không cho đi vì có một thằng nó đi ai làm. Tôi hứa sẽ vừa làm
vừa học, 6, 7 tháng thì xong lớp 4”.
Đầu
năm 1954, ông và bà Nguyễn Thị Sáu(561) cùng ba người bạn khác được đưa
xuống miền Tây học, mới tới Hồng Ngự thì nghe tin Pháp đầu hàng ở Điện
Biên Phủ. Ông cùng bà Sáu vào tỉnh uỷ, ông bí thư là Nguyễn Trọng Tuyển,
giữ lại ăn cơm. Đang ăn thì ông Tô Ký đi họp về, ngồi vào bàn, nói:
“Cho mấy đứa này ra Bắc học”. Tháng 10-1954, hai người cùng lên một
chuyến tàu của người Pháp chạy ra Sầm Sơn, Thanh Hoá.
Ông
Phan Văn Khải kể: “Lúc đầu mấy ông định cho đi học, nhưng sau lại đưa
đi làm giảm tô đợt 7. Trước khi đi, ông Tố Hữu tới giáo huấn một buổi
rồi đưa xuống Bình Nghĩa, được bố trí ở trong một nhà nghèo. Mùa đông,
đi cày, đi cấy, rét gần chết. Năm ấy, dân tình rất đói. Tôi thấy một bãi
đất rộng khoảng hai mươi hecta, liền kêu gọi thanh niên trồng khoai
lang. Đoàn về kiểm tra, thấy có thằng miền Nam năng nổ, quyết định tặng
Huân chương Lao động hạng III, nhưng khi huân chương về thì tôi đã được
đưa lên Sơn Tây, học trường cải cách ruộng đất. Học xong được phân công
về xã Võng Xuyên, Phúc Thọ, Hà Tây. Mấy ông Đội khác rất hống hách. Ở
Võng Xuyên, Đội tôi cũng có bắn một cai tổng vì được tố là đã giết chết
nhiều người ở gốc đa đầu làng. Lúc đó tôi là đội phó”.
Trong
thời gian đó, bà Nguyễn Thị Sáu được đưa đi học Đại học Nhân dân,
trường do ông Phạm Văn Đồng kiêm hiệu trưởng. Bà Sáu và ông Khải bắt đầu
phải lòng nhau từ khi bị kẹt lại ở Hồng Ngự, mối quan hệ này trở thành
tình yêu trong những ngày họ cùng ở trên đất Bắc. Ngày 16-8-1956, tại
Yên Mỹ, nơi ông đang làm cải cách ruộng đất, họ chính thức làm lễ cưới
với sự chứng kiến của ông chú ruột của ông Khải, nguyên chủ tịch Uỷ ban
Kháng chiến Chợ Lớn, cùng tập kết.
Tháng
9-1956, ông Khải nhận được thư của Ban Tổ chức Trung ương kêu về học
trường Bổ túc Công nông Trung ương, nơi mà những người nổi tiếng lúc đó
như anh hùng Ngô Gia Khảm, anh hùng La Văn Cầu đang học. Ông Phan Văn
Khải kể: “Trường bắt đầu với hai lớp, 4 và 5, tôi thi đậu vào lớp 5. Tôi
học hết 6 lớp trong ba năm thay vì theo quy định là bốn năm, vừa học
vừa làm công tác Đoàn toàn trường. Năm 1957, vợ tôi sinh con trai đầu
lòng, hàng ngày tôi đi bộ từ trường về nhà ở số 4 Thuỵ Khê. Năm 1959,
ông anh vợ mới dành tiền, thương, mua cho cái xe đạp. Sáng vô trường mua
nắm xôi, vừa lật bài, vừa ăn, vừa học. Học hết cấp III tôi thi đậu vào
bách khoa, định sẽ làm kỹ sư điện nhưng vừa nhận chức lớp trưởng thì có
quyết định qua trường ngoại ngữ, ở đó, 1/3 sinh viên học tiếng Trung
Quốc, 2/3 học tiếng Nga. Tôi học tiếng Nga rồi đi Liên Xô học ngành kinh
tế kế hoạch”.
Năm
1965, tốt nghiệp về nước, ông Khải muốn đi dạy nhưng bà Sáu, lúc ấy làm
ở Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, muốn ông về cùng. Ba năm sau ông được cử
giữ chức trưởng phòng. Đến năm 1972, chuẩn bị ký Hiệp định Paris, ông Lê
Duẩn có kế hoạch lập chính phủ ba thành phần, ông Khải cùng một số cán
bộ được đưa vào Trung ương Cục. Khi kế hoạch này bất thành, hè năm 1973,
ông ra Bắc trở lại nhận một chức vụ phó ở Uỷ ban Thống nhất. Tháng
Giêng năm 1976, ông Phan Văn Khải được đưa về Sài Gòn. Lúc này, Uỷ ban
Nhân dân Cách mạng vừa được thành lập, ông Khải được bổ nhiệm làm phó
chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch, ông Võ Văn Kiệt khi ấy là chủ tịch Thành phố
kiêm chủ nhiệm.
Ông
Phan Văn Khải là một cán bộ mẫn cán. Thật khó để đánh giá ông là một
người không muốn tranh đua danh vọng hay là một người không muốn đặt
mình trong các tâm điểm của đấu trường. Khi về Sài Gòn, ông Trưởng Ban
Tổ chức Trương Văn Tư hỏi: “Mày về đây muốn làm chức gì?”. Ông Khải trả
lời: “Ở ngoài kia, cháu vụ phó, chú có thể giao cháu làm phó chủ nhiệm
Uỷ ban, nếu một thời gian thấy cháu không làm được thì cho cháu thôi”.
Một năm sau ông Tư nói: “Mấy ổng kêu mày khá”.
Làm
phó cho ông Võ Văn Kiệt muốn được khen thì phải vô cùng nỗ lực. Ông
Phan Văn Khải kể: “Khi ở Liên Xô về, tôi cân nặng 52 kg, vào Thành phố
một thời gian còn 43 kg, Thành phố cho ra Thanh Đa an dưỡng lên được 3
kg”. Năm 1976, ông Phan Văn Khải được giới thiệu vô Thành uỷ nhưng đã
rút lui để không chia phiếu của ông Vũ Đại, một người đồng cấp lớn tuổi.
Nhưng từ khi đó, ông đã là người được ông Lê Đức Thọ xếp vào diện cán
bộ nguồn. Năm 1978, ông được Ban Bí thư chỉ định làm Thành uỷ viên, năm
sau, 1979, được đưa bổ sung làm phó chủ tịch trực Uỷ ban Nhân dân Thành
phố kiêm chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch.
Những
năm đầu thập niên 1980, ông Phan Văn Khải đã sử dụng các thương nhân
người Hoa, lập các trạm thu mua nông sản để xuất khẩu. Ông cũng được ông
Võ Văn Kiệt, khi đó đã là phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ủng hộ lập
công ty vận tải biển Saigonship. Ông cũng là người chủ trương mở đường
cho tư nhân ở Thành phố được làm xăm lốp ô tô, xe đạp,…
Giai
đoạn này, ông Nguyễn Văn Linh được điều trở lại thay ông Kiệt làm bí
thư Thành uỷ. Theo ông Khải: “Khi mới về gặp công nhân, ông Nguyễn Văn
Linh nói: Bây giờ chúng ta làm chủ nhà máy, xí nghiệp. Công nhân nói:
Hồi xưa làm thuê chúng tôi có việc làm bây giờ làm chủ thì chúng tôi
không có việc làm nữa. Ông Linh tỉnh ra. Ông Linh cũng đổi mới nhưng
không phải bắt đầu bằng sự lăn lộn, nghiên cứu, tổng kết như ông Kiệt”.
Thời
gian đó, Thành phố bươn chải trong một khung cảnh, nhận thức của nhiều
địa phương còn ấu trĩ. Ông Phan Văn Khải nhớ lại: “Thấy chúng tôi thu
mua lương thực, thực phẩm, bí thư Đồng Nai than: Chiều chiều thấy bắp,
trái chở về Sài Gòn là tôi lại xót xa. Trong một hội nghị ở Vĩnh Long,
có người nói: Gạo thịt của chúng tôi bị chở về Thành phố hết. Chủ trì
hội nghị, ông Kiệt nói: Sau này, nếu Thành phố không tiêu thụ thì dân họ
sẽ níu áo ông vì bán không được đấy”.
Cuối
thập niên 1970, ông Phan Văn Khải luôn có mặt bên cạnh ông Kiệt trong
những chuyến đi cơ sở gỡ rối cho doanh nghiệp. Sau Đại hội Đảng lần thứ
VI, ông, một người được đào tạo về kinh tế kế hoạch hoá ở Liên Xô, bắt
đầu nhận thấy nhu cầu tìm hiểu nền kinh tế của các nước phương Tây. Từ
Sài Gòn, ông Phan Văn Khải đề nghị Bộ Chính trị cho ông tổ chức một đoàn
nghiên cứu đi các nước trong khu vực. Mục đích của chuyến đi được đề
nghị công khai là “thăm dò cơ hội đầu tư và thái độ của các nước ASEAN
đối với chính sách đổi mới của Việt Nam”. Tháng 9-1988, đề nghị của ông
Khải được Bộ Chính trị đồng ý sau nhiều lần thảo luận.
Ông
Phan Văn Khải lúc đó là chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
nhưng xin visa với danh nghĩa là trưởng đoàn doanh nhân Thành phố. Theo
ông Nguyễn Văn Kích, thư ký ông Khải: “Lúc đầu Đoàn dự định đi năm nước,
bao gồm cả Hồng Kông, nhưng sau khi đi Singapore, Thái Lan, Malaysia,
Indonesia, do có vài trục trặc nên chuyến đi đến Hồng Kông không thực
hiện”.
Chuyến
đi được sắp đặt bởi Charles Đức. Ở Singapore, theo ông Võ Tá Hân: “Tôi
bỏ việc để đưa đoàn tham quan. Vì chưa có quan hệ ngoại giao giữa Việt
Nam và Singapore nên Đoàn không thể thăm trực tiếp nhiều chỗ, chẳng hạn
như khi muốn xem cảng Singapore thì tôi phải đưa lên tầng cao toà nhà
IBM đang xây của tập đoàn CDL - Hong Leong để ngắm”.
Sau
mấy ngày thăm Singapore, ông Khải muốn có một buổi nói chuyện và câu
hỏi mà ông đặt ra là, “Việt Nam phải làm gì để đi theo con đường của
Singapore?”. Chiều 28-9-1988, Đoàn họp tại Vietnam Trade House(562). Ông
Lương Văn Tự khi ấy đang là trưởng đại diện thương mại của Việt Nam tại
Singapore chủ trì. Ông Võ Tá Hân, diễn giả được ông Tự mời đến cuộc họp
này, kể: “Buổi họp kéo dài khoảng bốn tiếng đồng hồ. Tôi chuẩn bị mười
bốn trang ghi chú viết tay, điểm qua mọi vấn đề như đâu là năm thế mạnh
của Việt Nam, chiến thuật giúp tăng trưởng kinh tế, chống lạm phát phi
mã, và nói về việc chống tham nhũng… Tôi bắt đầu buổi họp bằng một câu
phát biểu rất ngắn gọn: Việc đầu tiên là các anh phải để dân chúng tự do
làm ăn!”.
Trong
cuộc họp này, ông Hân mang theo một chồng sách tặng ông Phan Văn Khải,
trong đó có cuốn Singapore, The Socialist Model That Works. Theo ông
Hân: “Tôi nói với ông, Singapore thực sự cũng là một mô hình xã hội chủ
nghĩa. Họ chỉ có một đảng cầm quyền là Đảng Hành Động Nhân Dân(563) và
đảng này, mỗi lần viết các văn bản nội bộ, thường bắt đầu bằng câu ‘Dear
Comrades’ mà Việt Nam vẫn dịch là ‘Thưa các đồng chí’”. Trưa thứ Sáu,
30-9-1988, thông qua sự thu xếp của ông Hân, Canadian Business
Association tổ chức cho Đoàn một cuộc gặp tại Tanglin Club, hội quán lâu
đời và uy tín nhất ở Singapore.
Ông
Hân kể: “Trước khi bước lên thang lầu để vào phòng họp, tôi đứng chụp
một bức hình kỷ niệm với ông Khải nơi chân cầu thang. Thấy ông Khải rút
điếu thuốc định bật lửa để hút, tay hơi run, tôi bèn nói: anh Khải ơi,
mình đang ở trong phòng lạnh, họ không cho mình hút thuốc; rồi trấn an
để ông ấy lên tinh thần: anh phải hăng hái lên vì thế giới họ vẫn coi
mình là cọp đó! Ông Khải trả lời với giọng Nam rặc: cọp gì! cọp… đói!”.
Theo
lời mời của CBA, sứ quán Mỹ và Canada tại Singapore đã cử hai vị phó
đại sứ đến tham dự. Ông Khải tự giới thiệu là đại biểu Quốc hội, chủ
tịch Thành phố(564). Tuy không cấm vận thương mại Việt Nam nhưng để bày
tỏ thái độ trước việc Việt Nam đưa quân tới Campuchia, Singapore không
cho các công ty nhà nước và công ty nhận bảo trợ của nhà nước có quan hệ
thương mại với Việt Nam. Chính quyền cũng phản đối các doanh nghiệp
Singapore cung cấp cho Việt Nam những vật tư chiến lược và giúp Việt Nam
phát triển hạ tầng. Chính vì vậy, bài diễn văn của ông Phan Văn Khải
được mở đầu bằng thông tin “việc rút quân khỏi Campuchia có thể hoàn
thành trước năm 1990”. Ông Khải nói: “Chúng tôi hy vọng với việc rút
quân này, Mỹ không còn lý do gì để tiếp tục áp dụng cấm vận thương mại
lên Việt Nam”.
Ông
Khải nói một cách chân thành: “Chuyến đi của chúng tôi là nhằm tìm kiếm
một cái nhìn bên trong những thành tựu của các quốc gia Đông Nam Á.
Những điều đã tạo nên sự phát triển kỳ diệu và giải quyết các vấn đề
kinh tế xã hội một cách thành công. Chúng tôi tin rằng những điều đó có
thể trở thành bài học tốt cho Việt Nam”.
Ông
Khải giới thiệu đôi nét về các chính sách mới ban hành kêu gọi đầu tư
nước ngoài như Luật Đầu tư 1987, Nghị định 139, rồi ông nói: “Cánh cửa
giờ đây đã mở ra. Chúng tôi muốn làm ăn với các quốc gia trên thế giới
đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á”. Sau cuộc họp, CBA tổ chức một cuộc
họp báo, mời bốn cơ quan truyền thông: Reuters, Straits Times
Singapore, Sunday Times và một tờ báo Nhật Bản.
Chính
quyền Singapore đã phản ứng sau khi tờ Sunday Times, số ra ngày Chủ
nhật 2-10-1988 đưa tin về “tiệc trưa” tại CBA. Ông Khải đến Singapore
cùng mười người khác theo visa cá nhân, “khách hàng” được hai công ty
Singapore, Thai Hing Long và Imkov Shipping, mời và bảo lãnh. Nhưng hoạt
động của ông bị nhà báo Mike Yeong mô tả: “Khi đến Singapore, họ hợp
thành nhóm, cùng với hai quan chức từ cơ quan đại diện thương mại của
Việt Nam tại Singapore, tự giới thiệu là phái đoàn thương mại Việt Nam
và hoạt động ngoài khuôn khổ những gì được chỉ ra trong visa”.
Chính
quyền, như được cảnh báo sau bài tường thuật của Sunday Times, đã nhắc
nhở ông Lương Văn Tự, nếu vi phạm hơn thế hoặc tiếp tục vi phạm như thế
thì sẽ “không được tha thứ” và “việc xin visa của các doanh nhân Việt
Nam sẽ bị khó khăn hơn”. Bộ ngoại giao Singapore cũng “doạ” trục xuất
ông Võ Tá Hân. Theo ông Lương Văn Tự: “Khi thấy tôi bị Bộ ngoại giao
Singapore triệu tập phê bình vì tự tiện tổ chức họp báo, ở nhà cũng xôn
xao, nhưng tôi bình tĩnh vì biết họ sẽ chỉ làm điều này như một thủ tục,
chính quyền Singapore lúc đó bắt đầu muốn nối lại làm ăn với Việt
Nam”(565).
Sau
chuyến đi, ông Phan Văn Khải có làm một bản báo cáo gửi Bộ Chính trị và
Hội đồng Bộ trưởng. Theo ông Nguyễn Văn Kích, người chấp bút bản báo
cáo này, sau khi điểm qua những hoạt động và ghi nhận chính của Đoàn
trong chuyến đi, ông Khải đưa ra ba kiến nghị: cần sớm xác lập quan hệ
với ASEAN, phải coi ASEAN là đối tác thay vì đối đầu; chỉ có trong kinh
tế thị trường các nguồn lực và tài nguyên của đất nước mới được phát huy
đúng mức; các nước sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam miễn là mình có chính
sách bảo vệ được đồng vốn cho họ. Ông Kích kể rằng, trong suốt chuyến
đi, câu nói của Lý Quang Diệu mà Đoàn tâm đắc nhất là: Kinh tế thị
trường + tổ chức xã hội theo kiểu xã hội chủ nghĩa = Singapore.
Uy
tín của ông Phan Văn Khải bắt đầu lên cao, nhưng khi ấy ông vẫn ở Sài
Gòn lại thuộc thành phần tập kết. Ông Phan Minh Tánh kể, phó bí thư
Thành uỷ, ông Bảy Dự Nguyễn Võ Danh, từng nói: “Bắc Kỳ đã rất khó ưa
nhưng còn đỡ hơn dân tập kết”. Ông Khải vẫn được coi là một người của
ông Võ Văn Kiệt, trong khi thế hệ lãnh đạo mới ở Sài Gòn hiện đã ở trong
tầm ảnh hưởng của ông Nguyễn Văn Linh. Tháng 4-1989, ông Phan Văn Khải
được điều ra Hà Nội(565).
Tuy
nhiên, việc ông Khải ra Hà Nội giữ chức Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước thay
thế ông Đậu Ngọc Xuân đã giúp ông chứng tỏ khả năng nắm bắt các vấn đề
vĩ mô và hình thành các chính sách ở tầm quốc gia. Vừa nhận chức, ông
Khải đã được ông Đỗ Mười giao đứng đầu nhóm soạn thảo “Chiến lược ổn
định và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000”, công việc mà những
người chủ trì trước đó đã không làm ông Mười vừa ý. Ông Phan Văn Khải
ngay sau đó được cử làm trưởng đoàn thực hiện một chuyến “khảo sát kinh
nghiệm phát triển kinh tế ở bốn nước châu Á”(567).
Chuyến
đi, theo ông Phan Văn Khải, có ảnh hưởng trực tiếp vào quá trình biên
soạn “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000”.
Không chỉ làm việc trong những phiên chính thức, khi đã trở về khách
sạn, ông Phan Văn Khải, ông Trần Đức Nguyên lại ngồi với Giáo sư Davis
Dapice, ông Thomas Valleley(568). Ông Khải thừa nhận đây là những ngày
ông ở trong tâm thế của một người đi học và những gì ông thu nhận được
có ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình hình thành các chính sách xây dựng
nền kinh tế thị trường ở Việt Nam trong thập niên 1990.
Thật
khó để nói ông Phan Văn Khải là “người của ai” như cách mà những người
quan tâm đến chính trường vẫn thường lý giải khi có ai đó được cất nhắc
lên hàng lãnh đạo. Ông được đào tạo từ Liên Xô, đủ độ tin cậy cho những
người muốn duy trì định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông cũng từng là chủ
tịch một thành phố năng động như Sài Gòn, ủng hộ Bí thư Võ Văn Kiệt thời
kỳ xé rào, tiếp tục phát triển những thành quả đổi mới dưới thời Bí thư
Thành uỷ Nguyễn Văn Linh, và vào Trung ương năm 1982 với hậu thuẫn của
ông Lê Đức Thọ.
Năm
1991, Thành phố có một nỗ lực nữa để ngăn cản ông Phan Văn Khải vào Bộ
Chính trị. Ông Khải kể: “Trước Đại hội, ông Hai Chí, Bảy Dự và giám đốc
Công an Thành phố ra Hà Nội xin gặp Ban Tổ chức Trung ương để tố cáo tôi
khai lý lịch không đúng nhưng Ban Tổ chức không tiếp, nói vấn đề đó đã
được xác minh. Họ gặp ông Nguyễn Văn Linh. Khi vấn đề được đưa ra Bộ
Chính trị, ông Võ Văn Kiệt nói: Chuyện buồn thời xưa, sao Bộ Chính trị
cứ hạch sách người ta hoài. Nếu xét lý lịch thì xét anh Khải có làm gì
phản động không, anh ấy có đủ tiêu chuẩn vào Bộ Chính trị không, còn
chuyện anh ấy con ai thì tôi đề nghị Bộ Chính trị thôi”. Theo ông Phan
Văn Khải: “Ngay từ khi bắt đầu tham gia cách mạng tôi luôn khai rõ tôi
là con ngoài giá thú”.
Sau
Đại hội, ông Phan Văn Khải được cử làm phó thủ tướng thường trực. Trong
suốt hơn sáu năm làm thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt đã hành động như một
đầu tàu, như một cỗ xe tăng đi trước, che chắn cho các ý tưởng cải cách
và đưa ra những quyết định lớn. Việc điều hành sự vụ và tiến trình soạn
thảo các chính sách được giao cho Phó Thủ tướng Phan Văn Khải.
Ông
Kiệt đánh giá ông Phan Văn Khải là “một nhà kinh tế hàng đầu của đất
nước”(569) nhưng trong thâm tâm ông vẫn cho rằng ông Khải là một người
thiếu quyết đoán để đóng vai trò đứng đầu. Đến phút chót, ông Võ Văn
Kiệt mới chính thức giới thiệu ông Phan Văn Khải như một người kế nhiệm
mình. Theo ông Phan Văn Khải: “Lúc đầu, ông Lê Đức Anh cản. Cùng lúc có
nhiều tin đồn về con trai tôi được tung ra(570). Vì những tin ấy, ở đại
hội tôi mất hơn một trăm phiếu”(571).
Ông
Võ Văn Kiệt không hài lòng lắm về khả năng quyết đoán của ông Phan Văn
Khải nhưng ông biết ông Khải là người tiếp tục tốt nhất các chính sách
đưa nền kinh tế phát triển theo hướng thị trường. Những người như ông Đỗ
Mười biết rõ người kế vị mình, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, vừa quá cứng
rắn lại vừa hiểu biết không nhiều về kinh tế. Vai trò “nhà kinh tế hàng
đầu” của ông Khải buộc các khuynh hướng quyền lực lựa chọn ông.
“Sân chơi” không bình đẳng
Tư
duy của các nhà lãnh đạo đóng một vai trò vô cùng quyết định đối với
từng giai đoạn phát triển của đất nước. Xét dưới góc độ chính sách,
trong thập niên 1990, hai nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất là Tổng bí thư
Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Theo ông Phan Văn Khải, điểm khác nhau
căn bản giữa ông Võ Văn Kiệt và ông Đỗ Mười là một bên, ông Kiệt, muốn
đặt hiệu quả của nền kinh tế lên hàng đầu; một bên, ông Mười, muốn xác
định quốc doanh là chủ đạo.
Giữa
năm 1997, Chính phủ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt bắt đầu soạn thảo một
nghị quyết trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng để làm cơ sở cho việc ban
hành những chính sách tiếp tục đổi mới và thúc đẩy kinh tế nhiều thành
phần. Công việc đang dở dang thì tháng 9-1997, ông Võ Văn Kiệt bàn giao
chức thủ tướng.
Để
trình ra Hội nghị Trung ương, dự thảo nghị quyết này được Thủ tướng kế
nhiệm Phan Văn Khải đặt tên là “Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới,
phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, cần kiệm để công
nghiệp hoá, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đến nǎm
2000”. Dự thảo nghị quyết đề cập đến nhiều lĩnh vực như tín dụng, ngân
hàng, đất đai. với ý định tạo ra một môi trường pháp lý bình đẳng cho
các thành phần kinh tế.
Sau
tháng 9-1997, ông Đỗ Mười tiếp tục làm Tổng bí thư. Thư ký của ông Đỗ
Mười, Tiến sỹ Nguyễn Văn Nam, nói: “Đụng đến doanh nghiệp nhà nước là
đụng đến vấn đề định hướng. Họp lên họp xuống mấy tháng trời mà cứ dẫm
chân tại chỗ. Ông Phan Văn Khải và ông Trần Xuân Giá rất than. Tôi nói
với ông Đỗ Mười: Hai bên đang có những nghi vấn lẫn nhau, anh nghi Chính
phủ đổi mới quá, thị trường quá; Chính phủ nghi anh bảo thủ quá, tôn
sùng cơ chế cũ quá. Anh không nên để tình trạng này kéo dài. Ông Mười
trong thâm sâu rất sợ bị coi là bảo thủ”.
Dự
thảo “đẩy mạnh đổi mới kinh tế” được đưa ra thông qua tại Hội nghị
Trung ương 4, họp vào tháng 12-1997. Đây là hội nghị trung ương cuối
cùng ông Đỗ Mười chủ trì với tư cách Tổng bí thư. Những người soạn thảo
trấn an các nhà lý luận của Đảng bằng những khẩu hiệu khẳng định quan
điểm lập trường: “Tǎng cường sự lãnh đạo của Đảng”, “Thực hiện nguyên
tắc tập trung dân chủ trong quản lý”, đồng thời “cài cắm” không ít quan
điểm mới: “Xoá bao cấp tín dụng”, “Đặt các doanh nghiệp nhà nước trong
môi trường cạnh tranh theo pháp luật”. Nghị quyết Trung ương 4 là cơ sở
chính trị để Chính phủ Phan Văn Khải tiến hành sửa đổi Luật Đất đai, bãi
bỏ những tội danh trong Bộ Luật Hình sự vốn được hình thành trên cơ sở
nền kinh tế tập trung quan liêu, xây dựng Luật Doanh nghiệp 1999 trên
nền tảng “người dân được làm những gì pháp luật không cấm”.
Nghị
quyết Trung ương 4, khoá VIII cũng là cơ sở chính trị để Chính phủ của
Thủ tướng Phan Văn Khải thay thế Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp Tư nhân
bằng một luật mới chung cho mọi loại hình doanh nghiệp. Ông Phan Văn
Khải nói: “Một khi mà các sản phẩm chính vẫn nằm trong tay quốc doanh,
một khi quốc doanh vẫn còn độc quyền thì không thể có cạnh tranh, không
thể có bình đẳng trong kinh doanh, không thể có kinh tế thị trường thực
thụ”.
Nền
kinh tế Việt Nam bắt đầu mang một sắc thái mới khi khu vực kinh tế tư
nhân chiếm tỉ trọng lớn dần(572). Tuy nhiên, luật lệ vẫn được ban hành
bởi bộ máy hành chính quan liêu, chính sách vẫn được hình thành dựa trên
nền tảng tư duy “xin-cho” khiến cho việc thành lập doanh nghiệp và xin
giấy phép kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn(573). Người kinh doanh phải
mất hàng tháng để xin một giấy phép chuyên ngành trong khi thời hạn mỗi
giấy phép như vậy thường chỉ có giá trị trong vòng một năm. Giấy phép
kinh doanh cấp ở địa phương này lại thường không có giá trị khi mở thêm
một cơ sở kinh doanh ở địa phương khác.
Ngay
trong năm 1998, Chính phủ của Thủ tướng Phan Văn Khải bắt tay soạn thảo
Luật Doanh nghiệp, với tham vọng chỉ cần một luật này đã đủ để áp dụng
cho không chỉ các loại hình kinh doanh tư nhân mà còn áp dụng cho cả các
doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dưới
hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Mục tiêu nhắm
tới là tự do kinh doanh, Nhà nước chỉ duy trì những giấy phép thật sự
cần thiết đối với một số ngành hạn chế, thay thế cơ chế xin cho bằng cơ
chế đăng kí kinh doanh với những thủ tục được tối đa đơn giản hoá.
Tuy
nhiên, thiết lập một “sân chơi bình đẳng” như ngôn ngữ của những năm
cuối thập niên 1990 và đưa địa vị kinh tế tư nhân lên ngang hàng với
kinh tế quốc doanh không phải là một con đường dễ dàng. Ngay trong Hội
nghị Trung ương 4, tháng 12-1997, một trưởng ban của Đảng nói: “Sở hữu
tư nhân mạnh lên là nền tảng để xây dựng lực lượng chính trị; để cho
kinh tế tư nhân phát triển cũng coi như để cho chúng nó đào mồ chôn
chúng ta”. Quan điểm ấy được nhiều uỷ viên Trung ương và uỷ viên Bộ
Chính trị tán đồng.
Ông
Trần Xuân Giá, người chủ trì soạn thảo Nghị quyết Trung ương 4 và sau
đó soạn thảo Luật Doanh nghiệp(574), nói: “Các nhà lý luận của Đảng,
người thì tuyên bố công khai trên báo chí, người thì nói trong hội nghị
Trung ương đều thể hiện bản chất đổi mới nửa vời, ép thì đổi chứ không
mới. Cuộc đấu tranh dai dẳng về sở hữu, về mức độ phát triển tới đâu của
kinh tế thị trường, đâu là phạm vi, đâu là giới hạn, vẫn không phân
thắng bại. Đó là cuộc đấu tranh của tương quan lực lượng. Sau khi ông
Kiệt nghỉ, nếu không có ông Khải là thua”.
Quan
điểm người dân được làm những gì pháp luật không cấm, lập doanh nghiệp
không cần khai vốn điều lệ, đăng ký thay thế cho xin phép, theo ông Trần
Xuân Giá, bị phê phán ở các cuộc họp Bộ Chính trị bàn về Luật Doanh
nghiệp. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình ngồi nghe và khi giải lao đã
nói với ông Trần Xuân Giá: “Tôi không muốn chống anh nhưng tôi hỏi thật,
làm luật như thế này thì chúng ta có còn đi theo chủ nghĩa xã hội?”.
Chiều
ngày 29-5-1999, Quốc hội biểu quyết thông qua toàn văn Luật Doanh
nghiệp, Luật bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2000. Ngay trong năm
2000, số lượng doanh nghiệp mới được lập đã tăng gấp ba lần năm
1999(575). Tuy nhiên cuộc đấu tranh cho một môi trường tự do kinh doanh
chỉ mới bắt đầu.
Luật
Doanh nghiệp ra đời làm mất hiệu lực của hàng ngàn thủ tục xin cho.
Trong khi hàng ngàn giấy phép khác vẫn đang được các địa phương, các bộ
ngành che chở. Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp do Bộ trưởng Trần
Xuân Giá làm tổ trưởng đã được Thủ tướng Phan Văn Khải thành lập. Các tổ
viên gồm Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Vũ Quốc Tuấn và thư ký Nguyễn
Đình Cung. Ngoài chức năng tư vấn trực tiếp cho thủ tướng, thời Chính
phủ Phan Văn Khải, Ban Nghiên cứu của thủ tướng còn hoạt động như một
chỗ dựa, đồng thanh tương ứng với Tổ Công tác thi hành Luật Doanh
nghiệp.
Hơn
một tháng sau khi Luật Doanh nghiệp bắt đầu có hiệu lực, ngày 3-2-2000,
Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định bãi bỏ tám mươi bốn giấy phép
con, quyết định này được coi là một món quà Tết của Thủ tướng đối với
các nhà doanh nghiệp. Trước đó, Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp
được báo chí ủng hộ, đã phải “chiến đấu” khá cam go với các Bộ trưởng
chỉ vì phía sau mỗi tờ giấy phép là bổng lộc và quyền hành.
Ngày
1-8-2000, quyết định bãi bỏ giấy phép lần thứ hai được đưa ra, lần này
dưới dạng chính phủ ban hành một nghị định theo đó, bãi bỏ hai mươi bảy
giấy phép và chuyển ba mươi bốn giấy phép thành điều kiện kinh doanh.
Những năm sau đó, gần 500 giấy phép con đã bị Thủ tướng Phan Văn Khải
bãi bỏ, trong đó có những loại giấy phép như giấy phép xuất bản catalog
kèm theo máy ảnh, giấy phép hành nghề in roneo, giấy phép hành nghề
photocopy, giấy phép đánh máy chữ, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh
doanh phế liệu, phế thải kim loại, giấy vụn, thuỷ tinh vụn…
Sau
ba năm thi hành Luật Doanh nghiệp, năm 2003, Việt Nam đã tăng được hai
bậc trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về năng lực cạnh
tranh toàn cầu. Theo bảng xếp hạng này, năng lực cạnh tranh tăng trưởng
của Việt Nam năm 2003 tăng sáu bậc nếu xếp hạng trên tám mươi nền kinh
tế của năm 2002, hoặc tăng hai bậc nếu xếp hạng trên 102 nền kinh tế của
năm 2003(576).
Cùng
với việc bãi bỏ các loại thủ tục, các loại giấy phép, theo tinh thần
của Luật Doanh nghiệp, thái độ cửa quyền của các cơ quan thuế, hải quan
đã giảm đáng kể, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được những chi phí về
thời gian và tiền bạc. Cho đến lúc ấy, kết cấu hạ tầng và bộ máy hành
chính nhà nước của Việt Nam vẫn còn yếu kém(577).
Nhưng,
“sự trỗi dậy của hàng loạt giấy phép kinh doanh” vẫn tựa như “đầu Phạm
Nhan”, cắt chỗ này lại mọc lên chỗ khác. Các bộ, ngành, khi dự thảo luật
đã cài cắm các quy định để khi thi hành những quy định này lại đẻ ra
giấy phép. Theo bà Phạm Chi Lan, đại biểu Quốc hội cũng có thể bị “cài
bẫy” bởi những điều khoản chung thì cơ quan soạn thảo viết hay đến nỗi
có đại biểu Quốc hội phải kêu lên là mở quá, thoáng quá, để rồi khi
thiết kế những điều cụ thể họ mới bắt đầu trói lại(578).
Từ
2001-2005, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ba lần ra chỉ thị yêu cầu các địa
phương, các ngành bãi bỏ các quy định trái thẩm quyền nhưng, cứ bỏ giấy
phép này thì lại nảy sinh thêm nhiều giấy phép khác. Cuối năm 2005,
danh sách giấy phép cần bãi bỏ vẫn còn lên tới con số 300: bốn mươi mốt
giấy phép thuộc ngành văn hoá thông tin; ba mươi bảy giấy phép thuộc
ngành nông nghiệp; ba mươi tư giấy phép thuộc ngành ngân hàng; hai mươi
tư giấy phép thuộc ngành tài chính.
Sự
phục hồi các loại giấy phép con tiếp tục làm cho môi trường đầu tư kinh
doanh ở Việt Nam chậm được cải thiện. Năm 2005, theo Ngân hàng Thế
giới, Việt Nam vẫn phải mất tới sáu mươi ba ngày để hoàn tất các thủ tục
pháp lý kinh doanh trong khi việc này ở Úc chỉ mất khoảng hai ngày. Ở
Đan Mạch, người khởi nghiệp kinh doanh không phải tốn một chi phí nào để
có thể hoạt động thì ở Việt Nam phải mất khoản phí tổn bằng gần 30% mức
thu nhập bình quân GDP(579).
Từ
giữa năm 2006, Tổ Công tác thi hành luật Doanh nghiệp trình danh sách
122 loại giấy phép cần bãi bỏ, sau khi nghiên cứu hơn 300 loại giấy phép
được quy định trong 400 loại văn bản, đồng thời kiến nghị bổ sung, sửa
đổi 247 loại giấy phép khác. Thế nhưng khi mới thảo luận ở tầm chuyên
viên, số giấy phép đề nghị bãi bỏ đã bị cắt giảm từ 122 xuống còn bốn
mươi hai và khi đưa ra lấy ý kiến các bộ ngành thì ý kiến của Tổ Công
tác đã bị các bộ, ngành đồng thanh phản đối.
Ông
Phan Văn Khải chưa kịp ký quyết định bãi bỏ nốt số giấy phép này khi
kết thúc nhiệm kỳ. Người kế nhiệm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, không chỉ
để cho các giấy phép cũ tiếp tục “hành dân” mà còn bỏ mặc các địa
phương, các ban ngành nữa, sinh thêm nhiều “giấy phép”.
Chú thích
(535)
GDP tăng đạt mức cao nhất vào năm 1995: 9,5%. Từ năm 1996, tốc độ tăng
trưởng bắt đầu có khuynh hướng giảm nhưng năm 1997, khi ông Võ Văn Kiệt
rời nhiệm sở, GDP vẫn còn tăng 9%. Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế
1997 ở châu Á, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 1999 chỉ còn
1,568 tỷ USD vốn đăng ký so với 8,979 tỷ USD của năm 1996; GDP nhanh
chóng rơi xuống đáy 4,8% vào năm 1999, nhưng sau đó đã tăng trở lại.
(536)
Trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, vàng là mặt hàng nhà nước độc
quyền, những người sở hữu từ hai chỉ vàng trở lên bị coi là bất hợp
pháp. Ngày 24-5-1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười ký Quyết định
139, cho phép tư nhân mở tiệm vàng với điều kiện phải ký quỹ năm lượng
vàng. Người soạn thảo điều kiện này, ông Trần Xuân Giá, cũng bất ngờ:
“Chỉ sau hai tháng có tới 400 tiệm vàng ra đời”.
(537)
Năm 1992, Hiến pháp mới 1992 công nhận quyền tự do kinh doanh của người
dân. Tính đến ngày 31-12-1996, Việt Nam có 1.439.683 đơn vị kinh doanh
tư nhân, trong đó gồm 1.412.166 cá nhân và nhóm kinh doanh, 17.535 doanh
nghiệp tư nhân, 6.883 công ty trách nhiệm hữu hạn, 153 công ty cổ phần
và 2.946 hợp tác xã.
(538) Tháng 9-1995.
(539)
“Năm 1989, khoản tín dụng mới dành cho ngân sách lên tới gần hai nghìn
tỷ đồng và số tín dụng cấp cho các xí nghiệp quốc doanh tăng 1,9 nghìn
tỷ đồng. Năm 1990 có 1,4 nghìn tỷ đồng tín dụng dành cho ngân sách và
1,7 nghìn tỷ đồng cấp cho các xí nghiệp quốc doanh. Tổng số dư nợ tín
dụng trong nước vào đầu cuối năm 1990 là 6,7 nghìn tỷ đồng. Tín dụng cấp
cho ngân sách hoàn toàn không có lãi. Hơn thế nữa, tất cả các loại lãi
suất cho vay đối với các xí nghiệp quốc doanh đều thấp hơn lãi suất trả
cho tiền gửi dân cư có thời hạn ba tháng” (Văn phòng Chính phủ, UNDP và
WB, Kinh tế Việt Nam - Hội thảo Quốc tế 20-4 đến 1-5-1992, Nhà Xuất bản
Hà Nội, trang 231).
(540) Trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải.
(541)
Tổ trưởng Tổ Biên soạn: Phan Văn Khải, tổ phó: Trần Đức Nguyên, các
thành viên: Lê Đức Thuý, Lưu Quang Hồ, Lương Xuân Kỳ, Đào Công Tiến,…
(542
Chuyến đi do Quỹ Christopher Reynolds bảo trợ về tài chính và Viện
Nghiên cứu Quốc tế về Phát triển thuộc Trường Đại học Harvard (Harvard
International Institute of Development-HIID) giúp đỡ về chương trình,
nội dung nghiên cứu.
(543
Trong giai đoạn đầu, chính phủ ở bốn nước mà đoàn khảo sát tới đều có
xu hướng can thiệp nhiều vào kinh tế: có những tài sản được quốc hữu
hoá, khu vực tư nhân nhỏ, vốn trong nước ít, yêu cầu xây dựng kết cấu hạ
tầng và một số cơ sở then chốt phải dựa vàođầu tư của nhà nước. Do đó,
quốc doanh phải nắm những ngành then chốt hỗ trợ cho toàn bộ nền kinh tế
và khu vực tư nhân như điện, nước, giao thông, bưu điện, ngân hàng, một
số cơ sở công nghiệp nặng, nắm độc quyền một số sản phẩm bảo đảm nguồn
thu ngân sách như rượu, thuốc lá, muối.
(544)
Báo cáo của chuyến khảo sát, do ông Phan Văn Khải ký ngày 20-2-1991,
viết: “Cả bốn nước đều nhấn mạnh, ngày nay, không có nền kinh tế thị
trường nào không có sự điều tiết của nhà nước.”
(545) Trả lời phỏng vấn Huy Đức, Tuổi Trẻ 3-8-1993.
(546)
Năm 1992, Chính phủ bắt đầu “sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước” bao gồm
cả việc cho cổ phần hoá một phần theo Nghị định 388. Đặc biệt, hàng
loạt nông trường, lâm trường quốc doanh đã được giải tán, các xí nghiệp
quốc doanh quận, huyện cũng bị dẹp bỏ dần. Từ 12.300 xí nghiệp Quốc
doanh trước năm 1990, tới tháng 7-1993, chỉ còn hơn 7.000 xí nghiệp.
(547
Hơn một năm trước đó, ở Trung Quốc, ngày 9-6-1992, Tổng bí thư Đảng
Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân đưa ra khái niệm “kinh tế thị trường
xã hội chủ nghĩa” thay thế khái niệm “kinh tế thị trường có kế hoạch xã
hội chủ nghĩa” của Trần Vân. Hành động nàycủa Giang Trạch Dân là để
hưởng ứng lời kêu gọi cải cách do Đặng Tiểu Bình đưa ra trong chuyến
“hành phương Nam”. Chủ trương của Giang Trạch Dân trên thực tế là để
thoát ra khỏi nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trong khi “định hướng xã hội
chủ nghĩa” mà Việt Nam “mô phỏng” lại có khuynh hướng quay lại nhiều hơn
với mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa bảo thủ.
(548) Tuổi Trẻ 9-2-1995.
(549)
Năm 1994, các doanh nghiệp tư nhân nhập về 1/3 lượng phân bón cung ứng
cho nông dân, nhưng quyền nhập khẩu trực tiếp phân bón lại chỉ được Nhà
nước giao cho các doanh nghiệp nhà nước. Tư nhân cũng không được sản
xuất hàng trả nợ cho nước ngoài; cùng làm ăn với Liên Xô, sau khi nước
này tan rã, Chính phủ chỉ giúp các đơn vị quốc doanh thu hồi nợ, không
giúp các đơn vị tư nhân. Và thật phi lý khi theo bà Trần Ngọc Sương, phó
giám đốc Nông trường Sông Hậu, nông trường của bà làm ra hàng trăm ngàn
tấn gạo xuất khẩu, nhưng không được quyền bán trực tiếp cho khách hàng
nước ngoài. Cứ mỗi chuyến tàu uỷ thác qua các “đầu mối” nông trường phải
chi phí uỷ thác mất hàng trăm triệu đồng. Cũng không loại trừ những
tiêu cực khác. Bà Sương cho biết: Những đơn vị quốc doanh được chỉ định
xuất khẩu gạo thường không mua gạo trực tiếp. Bà muốn xuất gạo thì phải
bán cho một trung gian tư nhân chịu chi phí thêm 70.000 đến 80.000
đồng/tấn.
(550)
Trên cơ sở đề nghị của ông Nguyễn Thái Nguyên, thư ký Phó Thủ tướng
Phan Văn Khải: “Thay vì tập trung 70% quota xuất gạo cho hai tổng công
ty, chỉ nên cho họ khoảng từ 30-40%, hạn ngạch còn lại chia cho các
tỉnh”.
(551)
Nghị quyết 05 chính thức đưa ra khái niệm doanh nghiệp nhà nước hoạt
động kinh doanh và doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích. Chuyển các
doanh nghiệp mà Nhà nước giữ 100% vốn sang hình thức công ty trách nhiệm
hữu hạn một chủ sở hữu hoặc công ty cổ phần gồm các cổ đông là các
doanh nghiệp nhà nước. Sắp xếp các doanh nghiệp thuộc các tổ chức của
Đảng như đối với doanh nghiệp nhà nước; Các doanh nghiệp thuộc các tổ
chức chính trị - xã hội đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
(552) “Đề án tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước”
(553) Thư gửi Bộ chính trị ngày 2-11-2000. Tư liệu do ông Đỗ Mười cung cấp.
(554) Tư liệu do ông Đỗ Mười cung cấp.
(555)
Thư ngày 14-11-2000 của Cố vấn Đỗ Mười viết: “Chưa có công ty cổ phần
nào có vốn điều lệ là 100% vốn sở hữu nhà nước. Số công ty cổ phần có
vốn sở hữu của nhà nước chiếm 50% vốn điều lệ trở lên rất ít, chỉ có 13
công ty trong 173 công ty. Nhiều công ty có vị trí quan trọng nhưng tỉ
trọng vốn nhà nước rất thấp: Công ty Cơ điện lạnh REE, 10%; Công ty kho
vận giao nhận Ngoại thương Transimex, 10%; Công ty Giấy Hải Phòng
(HAPACO), thực chất là 0% vì trên sổ sách ghi vốn nhà nước còn 3,8%
nhưng là giá trị những cổ phần bán chịu cho công nhân viên nghèo chưa
đến thời hạn trả, Công ty giữ hộ”. Trong thư, ông Cố vấn cũng phản bác ý
kiến cho rằng, tuy tỉ trọng phần vốn nhà nước trong vốn điều lệ của các
công ty cổ phần giảm, nhưng giá trị tuyết đối của phàn vốn này sau cổ
phần hoá vẫn tăng cao, ví dụ: Công ty Cơ điện lạnh từ 4,8 tỉ tăng lên
17,36 tỉ, ở công ty Gemadept từ 1,15 tỉ tăng lên 23,2 tỉ. Cố vấn Đỗ Mười
chỉ ra rằng: “Số tăng thêm rất nhỏ so với số giảm khi cổ phần hoá. Mức
tăng phần vốn của các cổ đông khác, là tư nhân, cao gấp nhiều lần mức
tăng phần vốn của Nhà nước”. Không thừa nhận sự tham gia vốn của tư nhân
vào các công ty cổ phần có nguồn gốc nhà nước là một tín hiệu đáng mừng
cho nền kinh tế, ông Đỗ Mười chỉ quan tâm đến tỉ trọng vốn của Nhà nước
ở trong các công ty này. Ông nêu ví dụ: Công ty Cơ điện lạnh, mức tăng
vốn nhà nước chỉ là từ 4,8 lên 17,36 tỉ trong khi mức tăng vốn các cổ
đông tư nhân từ 11,2 lên 132,64 tỉ; Công ty Gemadept, mức tăng vốn nhà
nước chỉ từ 1,15 lên 23,2 tỉ trong khi mức tăng vốn các cổ đông khác từ 5
tỉ lên 101,8 tỉ.
(556) 1902-1941, Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương 1939-1941.
(557) 1914-2008.
(558) 1880-1965.
(559) 1887-1952.
(560)
Năm 1935, bà Phan Thị Mung sinh thêm một người con tên là Phan Văn Hoà,
rồi đến năm 1939, bà lập gia đình với ông Nguyễn Văn Góp sinh được thêm
bốn người con: Nguyễn Văn Sanh 1940-1959, Nguyễn Thị Dương chết khi còn
nhỏ, Nguyễn Văn Cảm, sinh năm 1946, theo Cách mạng, hy sinh năm 1971 và
Nguyễn Thị Dự, sinh 1948. Sau tháng 8-1945, ông Góp cũng tham gia Việt
Minh và bị giết chết 1948. Năm 1950, bà Mung lấy ông Huỳnh Văn Khắp,
sinh hai con: Huỳnh Văn Phui, sinh năm 1952, cũng theo Cách mạng và hy
sinh, còn lại người con gái là Huỳnh Thị Thu Hà, sinh 1956.
(561) Người về sau trở thành vợ của ông Phan Văn Khải.
(562) Nay là trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore.
(563) People’s Action Party.
(564) Lúc này, ông Phan Văn Khải đã là uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (dự bị từ khoá V, chính thức từ khoá VI).
(565)
Singapore thiết lập quan hệ ngoại giao với Hà Nội năm 1976 nhưng cắt
quan hệ năm 1979, khi Việt Nam đưa quân vào Campuchia.
(566)
Trước Đại hội Đảng lần thứ VI, khi làm nhân sự cho Thành phố, ông Linh
đã đưa Võ Trần Chí, trưởng Ban Nông thôn Thành uỷ lên làm bí thư thay
thế ông Mai Chí Thọ vừa được điều ra Hà Nội giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội
vụ, thay vì đưa ông Khải, một cán bộ nguồn, được bầu giữ chức uỷ viên dự
khuyết Ban Chấp hành Trung ương từ năm 1982 khi đang là phó chủ tịch
Thành phố. Ông Võ Trần Chí, sinh năm 1927, là một nông dân, nhiệt tình,
chất phác. Khả năng ông Chí bị thay thế bởi ông Phan Văn Khải là rất cao
vì cuối nhiệm kỳ ông Chí đã 64 tuổi. Trước tình thế đó, tháng 4-1989,
ông Nguyễn Văn Linh đưa ông Đậu Ngọc Xuân từ Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước về
làm chủ nhiệm Uỷ Ban Hợp tác và Đầu tư, tạo một chỗ trống hợp lý để đưa
ông Phan Văn Khải ra khỏi Thành phố. Ông Khải cho rằng, so với những
người không làm ông Linh vừa lòng thì ông chỉ mới bị “phạt thẻ vàng”.
(567)
Hội đồng Bộ trưởng đã cử hai đoàn, thành phần mỗi đoàn gồm năm cán bộ,
hầu hết là thành viên Tiểu ban và Tổ biên tập chiến lược kinh tế - xã
hội và ba phiên dịch. Đoàn thứ nhất do ông Phan Văn Tiệm làm trưởng đoàn
đi Đài Loan và Thái Lan trong tháng 12-1990; đoàn thứ hai do ông Phan
Văn Khải làm trưởng đoàn, đi Indonesia và Nam Triều Tiên trong tháng
1-1991.
(568)
Giáo sư David Dapice thuộc HIID, người đã nhiều năm nghiên cứu về các
nước đang phát triển, từng làm việc dài ngày ở một số nước châu Á; ông
Thomas Vallely, điều phối viên của HIID. Cùng đi còn có bà Andrea
Panaritis, phó giám đốc điều hành Quỹ Christopher Reynolds.
(569 Trả lời phỏng vấn Huy Đức, Thanh Niên ra ngày 25-9-1997.
(570)
Trước Đại hội VIII có rất nhiều đơn thư tố cáo con trai ông Phan Văn
Khải đánh bạc, đã từng bắn chết người rồi trốn đi nước ngoài. Tuy nhiên
điều này nếu có rất khó được che giấu vì chính quyền Sài Gòn lúc ấy
không ủng hộ ông Phan Văn Khải.
(571)
Ông Phan Văn Khải nói: “Tôi yêu cầu Hoàng, con trai tôi thôi không làm
kinh tế nữa. Hoàng có đầu óc nhưng không muốn làm chính trị. Tôi gọi
Nguyễn Văn Hưởng, thứ trưởng Bộ Công an đến nói: Tôi giao nó cho anh,
không cần quyền chức gì chỉ cần anh giao cho nó những công việc đàng
hoàng. Tôi làm thủ tướng được một thời gian thì ông Lê Đức Anh, một hôm
đến tận phòng làm việc của tôi, nói: Lúc trước tôi không hiểu anh”.
(572)
Đến ngày 31-12-1996, Việt Nam có 1.439.683 đơn vị kinh doanh tư nhân,
gồm: 1.412.166 cá nhân và nhóm kinh doanh; 17.535 doanh nghiệp tư nhân;
6.883 công ty trách nhiệm hữu hạn; 153 công ty cổ phần và 2.946 hợp tác
xã. Đến tháng 4-1999, con số này tăng lên tới: 2 triệu cá nhân và nhóm
kinh doanh; 27.000 doanh nghiệp tư nhân; 11.000 công ty trách nhiệm hữu
hạn và 260 công ty cổ phần. Khoảng gần 2 triệu cá nhân và nhóm kinh
doanh. Cũng vào thời gian này, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có
vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 43-45% GDP, sản xuất nông nghiệp
chiếm khoảng 27-30% GDP, phần còn lại, khu vực kinh tế tư nhân, chiếm
khoảng 25-28% GDP (Đánh giá tổng kết Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp Tư
nhân…, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, tháng 4-1999).
(573
Theo Luật Công ty và Doanh nghiệp Tư nhân, để thành lập doanh nghiệp
hoặc công ty, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục qua 2 giai đoạn: xin
phép thành lập và đăng kí kinh doanh. Trong mỗi giai đoạn, nhà đầu tư
phải làm đủ từ 8-10 giấy chứng nhận khác nhau. Như vậy, để thành lập
được một doanh nghiệp, nhà đầu tư phải xin được khoảng gần 20 loại giấy
tờ và con dấu khác nhau. Đối với mỗi loại giấy chứng nhận, họ có thể
phải đến cơ quan nhà nước 2 lần, một lần đến “xin” và một lần đến để
được “cho”. Một số tỉnh thành phố còn đặt ra những điều kiện và một số
trình tự, thủ tục và giấy tờ trái khác với quy định của Luật. Do thủ tục
hành chính phiền hà, nên thời gian cần thiết bình quân để thành lập một
công ty khoảng vài tháng. Ngoài ra, nhà đầu tư còn phải trả một “khoản
phí” phi chính thức không ít hơn 10 triệu đồng, chưa kể chi phí đi lại…
Thủ tục quá phiền hà và tốn kém đã làm nản lòng không ít các nhà đầu tư
muốn thành lập doanh nghiệp. Trong thập niên 1990s, có thêm hơn 200 loại
giấy tờ ra đời sau khi Nghị định 02 của Chính phủ quy định, doanh
nghiệp kinh doanh các ngành nghề có điều kiện phải có giấy chứng nhận đủ
điều kiện rồi mới được đăng kí kinh doanh, ví dụ: Muốn mở cửa hàng ăn
uống giải khát người đăng ký phải được sở thương mại cấp giấy chứng nhận
đủ điều kiện kinh doanh ngành ăn uống giải khát…
(574)
Công việc soạn thảo Luật Doanh nghiệp được giao cho Viện Nghiên cứu
Quản lý Kinh tế Trung ương, một cơ quan thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư thực
hiện. Viện trưởng Viện này là tiến sỹ Lê Đăng Doanh, một người được đào
tạo từ Cộng hoà Dân chủ Đức, từng giúp việc cho Tổng bí thư Nguyễn Văn
Linh. Cùng với ông Lê Đăng Doanh, là Viện phó Đặng Đức Đạm, ông Nguyễn
Đình Cung, luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế VCCI, các luật
gia Cao Bá Khoát, Dương Đăng Huệ, Bộ Tư pháp, Nguyễn Thái Sơn, Văn phòng
Chính phủ và bà Phạm Chi Lan. Trực tiếp thiết kế Luật Doanh nghiệp là
ông Nguyễn Đình Cung, vừa tốt nghiệp cao học ở Anh. Ông Cung nằm trong
số 37 cán bộ đầu tiên của Việt Namđược gửi đi các nước phương Tây theo
học bổng của UNDP hồi năm 1992. Nhóm biên soạn chính đã được gửi đi New
York và Washington, D.C., nghiên cứu hai tuần dưới sự tài trợ của USAID.
Một nhóm các nhà nghiên cứu người Mỹ và New Zealand, như Giáo sư
Bernard Black, Giáo sư Krassman, Giáo sư Geordan, Luật sư David Goddard,
được tài trợ bởi UNDP đã đến Việt Nam, trực tiếp tư vấn cho các bản dự
thảo đầu tiên của Luật.
(575)
Trong 3 năm, 2000-2002, có 55.793 doanh nghiệp mới được lập, trong khi
chín năm trước đó, 1991-1999, chỉ có 45.000 doanh nghiệp.
(576)
So với thứ hạng trong khu vực, Việt Nam bị Thái Lan bỏ rơi xa thêm một
bậc, rút ngắn được tám bậc so với Trung Quốc và một bậc so với Malaysia.
Về môi trường kinh doanh, năm 2003, Việt Nam được xếp cao hơn năm 2002
mười bậc; chỉ còn đứng sau Trung Quốc bốn bậc so với 22 bậc của năm
2002; vượt rõ rệt so với Philippines và Nga là hai nước theo sát Việt
Nam năm 2002.
(577)
Năm 2002, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá kết cấu hạ tầng vật chất
và khung pháp luật của Việt Nam rất thấp. Các câu hỏi như: Có phải hối
lộ để được mắc điện, nước, điện thoại, xếp 66; hối lộ để vay tín dụng,
xếp thứ 66; hối lộ liên quan đến thuế, xếp 67; hối lộ liên quan đến giấy
phép nhập khẩu, xếp thứ 69; hối lộ liên quan đến hợp đồng công trình
của nhà nước xếp thứ 59; tình trạng cửa quyền trong các lĩnh vực độc
quyền như viễn thông, điện, nước, vận tải, bến cảng… được xếp ở nhóm
thấp nhất trong số 80 nền kinh tế. Về mức độ tham nhũng, năm 2003, Việt
Nam cũng được Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) xếp hạng 90/133 nước.
(578)
Luật Thương mại 2005, sửa đổi theo yêu cầu của Tổ chức Thương mại thế
giới (WTO) nhưng chỉ cho doanh nghiệp hoạt động khuyến mãi sau khi được
chấp thuận; thương nhân nước ngoài muốn mua bán hàng hoá ở Việt Nam phải
được Bộ Thương mại cấp phép. Tổng cục Du lịch, khi soạn thảo Pháp lệnh
Du lịch, đã buộc các hướng dẫn viên du lịch khi hoạt động phải có thẻ do
cơ quan du lịch cấp; chính quyền Hưng Yên đòi các doanh nghiệp tỉnh
khác đến phải thành lập công ty mới thay vì cho mở chi nhánh; chính
quyền Daklak yêu cầu sơn tên doanh nghiệp, số điện thoại, số xe lên taxi
chứ không cho dán đề can…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001